SỞ GD - ĐT BẮC NINH
TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 2
ĐỀ THI THỬ KÌ THI THPT QUỐC GIA LẦN II
Môn: Ngữ văn
(Đề thi gồm có 01 trang)
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
Câu 1: (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Anh dừng lại mua hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện nhân ngày 8/3. Mẹ
anh sống cách chỗ anh ở khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang
đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc. – Cháu muốn mua một bông hoa
hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở - nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá bán hoa hồng
đến 20 dola. Anh mỉm cười và nói với nó: - Đến đây chú sẽ mua cho cháu. Anh liền mua
cho cô bé và đặt một bó hồng gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe
về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh trả lời: - Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ
vào ngôi mộ và nói: - Đây là nhà của mẹ cháu. Nói xong, nó ân cần đặt bông hoa hồng
lên mộ. Tức thì anh quay lại tiệm bán hoa hủy bỏ dịch vụ gửi hoa và mua một bó hoa
hồng thật đẹp. Suốt đêm đó anh đã lái xe một mạch 300km về nhà để trao tận tay mẹ bó
hoa.”
(Quà tặng cuộc sống)
a. Nội dung câu chuyện trên là gì? (0,5 điểm)
b. Theo anh/chị hai nhân vật: em bé và anh thanh niên, ai là người con hiếu thảo? Vì sao?
(0,5 điểm)
c. Tại sao người thanh niên lại hủy điện hoa để cả đêm lái xe về trao tận tay mẹ bó hoa?
(0,5 điểm)
d. Thông điệp mà văn bản muốn gửi lại cho chúng ta là gì? (0,5 điểm)
e. Đọc xong văn bản trên, anh/chị nghĩ đến câu tục ngữ hay ca dao nào? Hãy ghi lại câu
tục ngữ hay ca dao đó. (1,0 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm)
“Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kĩ sư, nếu làm tròn trách nhiệm
thì đều vẻ vang như nhau.”
Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý
kiến trên?
Câu 3: (4,0 điểm)
Phân tích nhân vật Mai (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành) và chị Chiến
(Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi) để thấy vẻ đẹp tâm hồn và tinh thần cách
mạng của người con gái Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.
Đáp án đề thi thử THPTQG môn Văn - THPT Thuận Thành 2 năm 2015
A. Hướng dẫn chung
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm thi để đánh giá tổng quát bài
làm của thí sinh, tránh cách đếm ý cho điểm. Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giám
khảo cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng
tạo nhưng không trái với chuần mực đạo đức và pháp luật.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm thi phải đảm bảo
không sai lệch với tổng điểm của mỗi câu và được thống nhất trong hội đồng chấm thi.
- Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,50 (lẻ 0,25 làm tròn thành 0,50; lẻ 0,75 làm
tròn thành 1,00 điểm)
B. Hướng dẫn chấm cụ thể
Câu 1 (3,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.
- Diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
a. Nội dung câu chuyện: ngợi ca lòng hiếu thảo của cô bé mồ côi và bài học về cách ứng
xử với các đấng sinh thành trong cuộc sống.
Điểm 0,5: Trả lời đúng phương án trên.
Điểm 0,25: Trả lời đúng một phần phương án trên.
Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
b. Trong câu chuyện trên, cả cô bé và anh thanh niên đều là những người con hiếu thảo.
Vì cả hai người đều nhớ đến mẹ, đều biết cách thể hiện lòng cảm ơn đến mẹ. Tuy nhiên
hành động cảm ơn của hai người lại bộc lệ theo hai cách khác nhau. Mẹ cô bé đã mất, cô
vẫn muốn tự tay đặt bó hoa hồng lên mộ mẹ. Anh thanh niên cũng muốn tặng mẹ hoa
nhưng vì xa xôi nên muốn dùng dịch vụ gửi quà. Nhưng sau khi chứng kiến tình cảm của
cô bé dành cho mẹ anh đã nhận ra được ý nghĩa thực sự của món quà.
Điểm 0,5: Trả lời đúng nội dung trên.
Điểm 0,25: Trả lời đúng một phần nội dung trên.
Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
c. Người thanh niên hủy điện hoa vì anh được đánh thức bởi hành động cảm động của cô
bé. Vì anh hiểu ra rằng, bó hoa kia không mang lại hạnh phúc và niềm vui bằng việc anh
xuất hiện cùng với tình cảm chân thành của mình dành cho mẹ. Và điều mẹ cần ở anh là
thấy anh mạnh khỏe, an toàn. Đó là món quà ý nghĩa nhất với mẹ.
Điểm 0,5: Trả lời đúng nội dung trên.
Điểm 0,25: Trả lời đúng một phần nội dung trên.
Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
d. Thông điệp mà văn bản muốn gửi lại cho chúng ta là: cần yêu thương trân trọng đấng
sinh thành, nhất là người mẹ đã chịu nhiều vất vả, hi sinh. Trao và tặng là cần thiết nhưng
trao và tặng như thế nào mới là ý nghĩa là điều mà không phải ai cũng làm được.
Điểm 0,5: Trả lời đúng nội dung trên.
Điểm 0,25: Trả lời đúng một phần nội dung trên.
Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
e. Thí sinh có thể dẫn ra một trong những câu ca dao, tục ngữ sau: (1,0 điểm)
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi
Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương.
Mẹ già đầu bạc như tơ
Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi.
Câu 2: 3,0 điểm
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
b. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:
* Giải thích ý kiến: (0,5 điểm)
- Người nấu bếp, người quét rác, thầy giáo, kĩ sư: những nghề nghiệp khác nhau của con
người trong xã hội.
- Nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau: nghề nào cũng đáng được trân
trọng, cũng cao quý. Người lao động dù là ai, làm nghề gì cũng đáng được coi trọng khi
đã đóng góp sức mạnh cho sự phát triển của xã hội.
* Bình luận ý kiến: (2,0 điểm)
- Mỗi nghề nghiệp đều nảy sinh từ nhu cầu xã hội nên có đặc điểm, vị trí riêng không thể
thay thế trong cuộc sống xã hội.
- Làm nghề gì, người lao động cũng cần nhiều thời gian và công sức, có thể là lao động
cơ bắp, cũng có thể là lao động trí óc. Nhưng dù là công việc gì, họ cũng đã đóng góp sức
lao động chân chính của mình để xây dựng xã hội. Do vậy, họ đáng được tôn vinh (dẫn
chứng)
- Phê phán quan niệm lệch lạc của một số người: coi trọng lao động trí óc, xem thường
lao động chân tay, chạy theo những nghề đem lại lợi ích trước mắt cho bản thân. (dẫn
chứng)
* Bài học nhận thức và hành động: (0,5 điểm)
- Không nên có tư tưởng phân biệt nghề sang trọng, cao quý và nghề thấp hèn. Cần có
thái độ đúng đắn khi chọn nghề, không nên chạy theo quan điểm hời hợt (sang –hèn ).
Nên chọn nghề phù hợp với năng lực, với ước mơ, hoàn cảnh của bản thân, nhu cầu và sự
phát triển của xã hội.
- Cần yêu nghề và tích cực trau dồi năng lực để cống hiến cho xã hội.
Cách cho điểm:
- Điểm 3: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về kiến thức, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả
diễn đạt.
- Điểm 2: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức, có thể mắc một số lỗi chính tả,
diễn đạt.
- Điểm 1: Đáp ứng được một phần yêu cầu về kiến thức, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không làm bài.
Câu 3: 4,0 điểm
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
b. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:
* Giới thiệu chung về hai tác phẩm, nhân vật: (0,5 điểm)
- Rừng xà nu: Nguyễn Trung Thành viết về những anh hùng ở làng Xô Man trong cuộc
kháng chiến chống Mĩ. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng
lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Nhân vật Mai trong tác phẩm
không được khắc họa nhiều nhưng đã hiện vẻ đẹp của một người con gái Tây Nguyên
trong kháng chiến: tình yêu cách mạng, tình yêu gia đình và một bản lĩnh kiên cường, bất
khuất.
- Những đứa con trong gia đình: Tác phẩm được viết ngay trong những ngày chiến đấu
ác liệt khi ông công tác với tư cách là một nhà văn – chiến sĩ ở Tạp chí Văn nghệ Quân
giải phóng năm 1966. Có thể nói Nguyễn Thi là một trong những nhà văn thành công
nhất khi viết về hình tượng người phụ nữ Nam Bộ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong
chiến đấu họ anh dũng, kiên cường, trong gia đình họ đảm đang, nhân hậu. Nhân vật
Chiến cũng vậy, ba má đều chết trong chiến tranh, Chiến đã thay má nuôi nấng và dạy dỗ
các em. Không những vậy, Chiến còn tham gia du kích từ khi còn nhỏ, hăng hái tòng
quân giết giặc.
* Phân tích hai nhân vật: (3,0 điểm)
- Nhân vật Mai:
+ Sớm giác ngộ cách mạng, tình yêu đối với cách mạng: cùng với Tnu che giấu cán bộ,
giúp đỡ cán bộ
+ Từ nhỏ đã là một cô bé thông minh, khéo léo: cùng với Tnu học chữ, lên rừng bảo vệ
các chiến sĩ cách mạng.
+ Lớn lên là một người mẹ yêu thương con, sẵn sàng hi sinh thân mình để che chở đứa
con thơ.
+ Một người phụ nữ kiên cường, bản lĩnh, giàu tinh thần cách mạng: Sẵn sàng chịu đòn
roi kẻ thù nhưng không kêu lên một tiếng, không khai ra chỗ ở của Tnu. Đặc biệt ánh mắt
khi nhìn kẻ thù:bình tĩnh mà đầy sức mạnh
- Nhân vật chị Chiến:
+ Chiến sinh ra và lớn lên trong mối thù nhà, nợ nước: ông nội, ba má đều chết trong
chiến tranh. Do vậy dù đang còn ít tuổi nhưng chị Chiến vừa thay mẹ chăm sóc cho gia
đình, vừa tham gia cách mạng, mang quyết tâm trả nợ nước thù nhà.
+ Chị Chiến là người con gái lớn đảm đang, yêu thương em, biết vun vén lo toan cho gia
đình.
+ Mang tình yêu đối với cách mạng, quyết tâm đi tòng quân để trả nợ nước, thù nhà.
+ Bản lĩnh kiên cường, dũng cảm, không lùi bước trước kẻ thù.
* Nhận xét, đánh giá về hai nhân vật: (0,5 điểm)
- Điểm giống nhau:
+ Cả hai nhân vật đều là những người con gái trẻ tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng,
mang một tình yêu lớn đối với cách mạng, có ý chí , quyết tâm mãnh liệt đấu tranh chống
lại kẻ thù.
+ Họ không chỉ là những chiến sĩ trẻ đầy bản lĩnh mà còn là người con gái của gia đình:
biết yêu thương, vun vén.
+ Hai nhân vật đều mang vẻ đẹp của người con gái ViệtNamnói chung: giỏi việc nước,
đảm việc nhà.
- Điểm khác nhau:
+ Mai là người con gái Tây Nguyên bản lĩnh rắn rỏi, nhưng do Mai chưa nhận thức được
chân lí cách mạng mà sau này cụ Mết nói (Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo)
nên bất lực ôm đứa con thơ chết dưới đòn roi của kẻ thù.
+ Chiến là người con gái Nam Bộ bộc trực, thẳng thắn, lớn lên trong giai đoạn chiến
tranh ác liệt, nên nhận thức rõ mình cần phải làm gì để bảo vệ gia đình, dân tộc. Do vậy
Chiến đã quyết tâm đi bộ đội như một nhận thức tất yếu “nếu giặc còn thì tao mất”.
Cách cho điểm:
- Điểm 3 - 4: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về kiến thức, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về
chính tả diễn đạt.
- Điểm 2: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức, có thể mắc một số lỗi chính tả,
diễn đạt.
- Điểm 1: Đáp ứng được một phần yêu cầu về kiến thức, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không làm bài.