PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CẬN ĐÔ THỊ
HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
TS. Hà Thị Thanh Đoàn – Đại học Hùng Vương
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, đô thị hóa là
một quá trình tất yếu khách quan. Đô thị hóa trong điều kiện tiền công nghiệp hóa ít
gắn với các yếu tố nội tại làm động lực cho kinh tế đô thị đã làm trầm trọng thêm
các khó khăn lớn của các đô thị như: Một bộ phận lao động trong nông nghiệp mất
đất sản xuất, trở nên thiếu công ăn việc làm; một bộ phận dân cư từ nông thôn
chuyển về đô thị để làm việc, làm gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, vấn
đề vệ sinh môi trường đô thị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; sự ô nhiễm không
khí, ô nhiễm nguồn nước là điều không thể tránh khỏi… Đây là các yếu tố đe dọa sự
phát triển nhanh và bền vững của các đô thị hiện nay. Trong rất nhiều các giải pháp
thì phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi tối ưu có tính khả thi
cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hoá, hướng tới xây
dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.
Từ cuối thế kỷ XX, nông nghiệp đô thị đã trở thành xu thế trong quá trình
phát triển đô thị ở các quốc gia. Theo báo cáo hằng năm của Tổ chức Nông lương
Liên hiệp quốc (FAO), năm 2008 “gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho
đô thị trên thế giới là từ nông nghiệp đô thị, 25 - 75% số gia đình ở thành phố phát
triển theo mô hình nông nghiệp đô thị” (Báo cáo của FAO: Tổng quan tình hình
lương thực thế giới 2008.) Rất nhiều đô thị nổi tiếng trên thế giới phát triển mạnh
về nông nghiệp đô thị. Ở Matxcơva (Nga) 65% gia đình có mô hình VAC đô thị, ở
Dactxalam là 68%, Maputo 37%, Tại Béclin (Đức), có 8 vạn mảnh vườn trồng
rau ở đô thị; hàng vạn cư dân ở Niu Oóc (Hoa Kỳ) có vườn trồng rau trên sân
thượng. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải,
Quảng Châu , nông nghiệp đô thị, ven đô cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh,
50% về thịt trứng của người dân. Theo Tổ chức Làm vườn quốc gia Hoa Kỳ, năm
2007, người dân Hoa Kỳ chi khoảng 1,4 tỷ USD cho việc trồng cây rau, quả tại
nhà, tăng 25% so với năm 2006.
Một số quốc gia điển hình về phát triển nông nghiệp đô thị hiện nay. Tại Cu
Ba phát triển mạnh mẽ nông nghiệp đô thị để cung ứng thực phẩm tươi sống tại chỗ
cho cư dân đô thị, nhờ đó thủ đô Lahabana đã tự túc được đến 90% loại thực phẩm
này. Năm 2008 có hơn 20 vạn thị dân Cu Ba làm việc trong ngành nông nghiệp đô
thị sử dụng 140 km2 đất đô thị. Chương trình nông nghiệp đô thị của Cuba là một
thành công ấn tượng. Các nông trại, trong đó nhiều nông trại nhỏ hiện là nguồn
cung cấp phần lớn lượng rau cho Cuba. Các nông trại này cũng cung cấp khoảng
300.000 việc làm trên toàn Cuba với lương khá cao và làm thay đổi thói quen ăn
uống ở một quốc gia vốn quen với chế độ ăn có gạo và đậu cùng các sản phẩm đóng
hộp từ Đông Âu. Theo tổ chức FAO, ngày nay, người Cuba nạp vào cơ thể khoảng
3.547 calo/ngày - hơn cả lượng calo mà chính phủ Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ.
GS Catherine Murphy, một nhà xã hội học đã có hàng chục năm nghiên cứu về các
nông trại ở Lahabana nhận xét: “Đây là một mô hình thú vị nếu xét rằng Cuba là
quốc gia có gần 80% dân số sống ở đô thị. Điều này chứng tỏ các thành phố có thể
tự sản xuất lương thực mà vẫn đảm bảo các lợi ích xã hội và môi trường”. Tại Cai
Rô (Ai Cập) đầu thập kỷ 1990, một nhóm giáo sư nông nghiệp Trường Đại học Ain
Shams phát triển phương pháp trồng rau trên sân thượng tại khu vực đô thị đông
dân, mới đầu với quy mô nhỏ nhưng rồi được mở rộng nhanh sau khi có hậu thuẫn
chính thức của Tổ chức Lương Nông (FAO) vào năm 2001. Tại Mumbai (Ấn Độ) là
một trong các thành phố có mật độ dân cao nhất thế giới, 48.215 người/km2. Trong
bối cảnh thiếu đất, hiếm nước, đông người nghèo, Tiến sĩ Doshi đưa ra phương
pháp làm vườn hữu cơ quy mô nhỏ trên ban công, thậm chí treo trên tường, trên cơ
sở dùng bã mía trộn đất đựng trong túi nhựa hay trong các loại hộp, ống, lốp xe, để
hộ dân có rau ăn tại gia và tăng thu nhập. Theo cách thức của ông, hộ gia đình có
thể tự túc được 5kg rau quả mỗi ngày trong 300 ngày của năm. Ở Trung Quốc Nông
nghiệp đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng thích nghi của
các thành phố, giải quyết rất tốt các vấn đề do đô thị hóa quá nhanh gây ra cho các
đô thị. Điều này sẽ được chứng minh qua ví dụ ở thủ đô Bắc Kinh và thành phố
Thượng Hải. Nông nghiệp ven đô đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp
nguồn lương thực sạch cho những người dân ở thủ đô Bắc Kinh. Trong năm 2010,
tỷ lệ rau cung cấp cho thành phố Bắc Kinh là 55% và Thượng Hải là 50%. Do
khoảng cách vận chuyển ngắn cũng làm giảm chi phí sản xuất lương thực. Giá rau
được vận chuyển đến Bắc Kinh từ khu vực phía Nam Trung Quốc là cao do giá dầu
cao. Đồng thời, giảm vận chuyển sẽ làm giảm phát thải CO2. Khi có thảm họa, việc
tự cung cấp lương thực sạch rất quan trọng. Những không gian mở ở đô thị như đất
nông nghiệp có thể được sử dụng làm nơi cấp cứu như điểm định cư tạm thời. Năm
2003, dịch SARS ở Bắc Kinh, các bệnh viện được đặt tạm thời tại những vùng ven
đô, nơi mà các bệnh nhân được cung cấp thực phẩm sạch và an toàn. Giải thích cho
xu hướng phát triển của nông nghiệp đô thị, Giáo sư, Tiến sỹ Mangstl, người phụ
trách chiến lược thông tin và an toàn thực phẩm toàn cầu trên tạp chí nông nghiệp
của FAO cho rằng, “giá cả lương thực tăng tạo ra những sự thay đổi trong cách tiêu
dùng của người dân. Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp đô thị là chìa khóa
mở ra con đường phát triển bền vững thực chất cho các đô thị sinh thái trong tương
lai …là yếu tố chính thúc đẩy mô hình nông nghiệp đô thị phát triển”. Từ các thực
tế rất thiết thực đó có thể khẳng định phát triển nông nghiệp đô thị, nhất là nông
nghiệp ven đô có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề
khó khăn của các đô thị trong quá trình đô thị hóa. Đây là một hướng đi quan trọng
cho các đô thị tại Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên hiện nay và trong tương
lai.