I.VĂN HỌC VIỆT NAM
1.VỢ CHỒNG A PHỦ- Tô Hoài
Truyện kể về cuộc đời của một đôi vợ chồng người Mông là Mị và A Phủ:
-Mị là một cô gái trẻ đẹp, có tài thổi sáo, nhưng vì món nợ từ đời cha mẹ nên cô bị
bắt về làm dâu gạt nợ cho gia đình thống lí Pá Tra. Cô phải sống không khác gì trâu,
ngựa, bị bóc lột sức lao động, hành hạ về thể xác và áp chế về tinh thần. Cuộc sống triền
miên trong đau khổ, tủi nhục đã biến Mị thành một cô gái lúc nào cũng “cúi mặt”, “mặt
buồn rười rượi”, “mỗi ngày Mị càng không nói”, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó
cửa”. Tết đến, không khí rộn ràng, tiếng sáo gọi bạn, men rượu… đã làm hồi sinh lòng
yêu đời, sức sống của Mị, cô cảm thấy lòng “phơi phới trở lại”, “muốn đi chơi”. Nhưng
khi Mị sửa soạn váy áo đi chơi thì A Sử về, hắn đã trói Mị vào cột nhà song “tiếng sáo
vẫn đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”.
- A Phủ là một chàng trai nghèo, mồ côi, khoẻ mạnh, giỏi lao động. Vì đánh A Sử
đến phá rối cuộc chơi, bị phạt vạ nên phải làm người ở trừ nợ cho nhà Pá Tra. Một lần vì
để hổ ăn thịt một con bò mà A Phủ bị đánh đập, bị trói đứng vào cột. Khi thấy dòng nước
mắt của A Phủ, Mị đã thức tỉnh và cắt dây trói cho A Phủ, sau đó Mị chạy theo A Phủ
trốn đi.
-Hai người đến Phiềng Sa, thành vợ chồng tạo dựng một cuộc sống mới. Nhờ sự
giúp đỡ của A Châu-cán bộ cách mạng, A Phủ trở thành tiểu đội trưởng du kích, cùng
mọi người cầm súng để giữ bản làng.
2. VỢ NHẶT – Kim Lân
Truyện kể về chuyện nhặt vợ của Tràng giữa những ngày tao loạn, thảm khốc thê
lương bởi nạn đói:
-Tràng là một người lao động nghèo, xấu trai, ở xóm ngụ cư, chỉ nhờ 4 bát bánh
đúc và một vài câu nói đùa mà anh nhặt được vợ.
-Anh đưa người vợ về nhà để ra mắt người mẹ già cơ cực. Bà cụ Tứ sau phút ngỡ
ngàng, lo lắng, buồn tủi đã chấp nhận người con dâu với lòng thương cảm.
-Ngay sáng đầu tiên Tràng có vợ, bà cụ Tứ cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ,
gọn gàng, Trước cảnh ấy, Tràng đã cảm động và thấy gắn bó, có trách nhiệm với ngôi
nhà của mình.
-Giữa tiếng khóc hờ của những gia đình có người chết, tiếng trống thúc thuế
nhưng trong bữa cơm ngày đói cả gia đình vẫn nhen nhúm lên một tia hi vọng cuộc đời sẽ
đổi khác, trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.
1
NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH- Nguyễn Thi:
- Việt là một chiến sĩ Giải phóng quân trẻ. Anh xuất thân từ một gia đình nông dân Nam
Bộ có truyền thống cách mạng vẻ vang nhưng chịu nhiều tổn thất nặng nề do tội ác của
Mỹ - ngụy: ông nội, bố và mẹ Việt đều bị giặc giết. Gia đình chỉ còn lại Việt, chị Chiến,
thằng Út em, chú Năm và một người chị nuôi lấy chồng xa.
- Việt và Chiến hăng hái tòng quân giết giặc. Anh chiến đấu ngoan cường, quyết lập
nhiều chiến công để cùng chị trả thù cho ba má.
- Trong một trận chiến đấu ác liệt tại một khu rừng cao su, Việt đã diệt được một xe bọc
thép của địch, nhưng anh bị thương nặng, phải nằm lại chiến trường và bị lạc đồng đội.
Khắp người đau nhức nhưng Việt vẫn cố bò đi tìm đồng đội và lúc nào cũng ở trong tư
thế sẵn sàng chiến đấu. Anh ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Trong những lần tỉnh lại ấy, dòng
hồi ức đã đưa anh trở lại với những kỉ niệm thân thiết về người thân: kỉ niệm về má, chị
Chiến, chú Năm, về đồng đội và anh Tánh, đặc biệt là kỉ niệm về đêm hai chị em xung
phong tòng quân.
- Anh Tánh và tiểu đội đã gặp được Việt sau ba ngày tìm kiếm và đưa Việt về điều trị tại
một bệnh viện dã chiến. Sức khỏe Việt dần hồi phục. Anh Tánh giục Việt viết thư cho chị
Chiến nhưng Việt còn chần chừ vì thấy chiến công của mình chưa thấm gì với thành tích
của đơn vị và chưa đáp ứng được nguyện vọng của má.
3. RỪNG XÀ NU- Nguyễn Trung Thành.
- Sau 3 năm đi “lực lượng”, Tnú về thăm làng. Trên đường dẫn Tnú về làng, bé Heng kể
lại những đổi thay sau khi Tnú đi vắng. Tnú chợt nhớ đến những kỉ niệm về Mai, người vợ
đã bị giặc giết hại. Về đến làng, anh được mọi người đón tiếp nồng nhiệt. Trong đêm
mừng Tnú trở về, bên bếp lửa nhà rông, cụ Mết- già làng- đã kể lại chuyện cuộc đời Tnú
cho dân làng nghe.
- Từ nhỏ, Tnú đã mồ côi bố mẹ, anh lớn lên trong sự đùm bọc của dân làng XôMan. Còn
bé, Tnú và Mai đã góp phần tích cực trong việc nuôi giấu cán bộ Đảng- anh Quyết. Anh
Quyết dạy Tnú học chữ. Tnú học hay quên nhưng đi rừng làm liên lạc thì sáng lạ lùng.
Một lần Tnú vượt thác Đắc Năng thì bị giặc bắt , bị tra tấn, bị giam vào ngục.
- Tnú vượt ngục trở về làng. Anh Quyết đã hi sinh. Thực hiện lời dặn dò của anh Quyết
trước lúc mất, Tnú lãnh đạo thanh niên trong làng mài giáo chuẩn bị chiến đấu. Nghe tin
đó, thằng Dục dẫn một tiểu đội đến vây ráp làng. Quyết bắt cho bằng được Tnú, bọn giặc
đã tra tấn mẹ con Mai đến chết. Tay không ra cứu vợ con, Tnú bị giặc bắt, bị đốt mười
đầu ngón tay bằng nhựa xà nu nhưng anh nghiến răng không thèm kêu van. Trước sự tàn
bạo của giặc, cụ Mết đã cùng thanh niên trong làng với rựa, mác… xông ra tiêu diệt bọn
giặc. Sau đó, Tnú đi “lực lượng”.
- Sau đêm về thăm làng, sáng hôm sau, cụ Mết và Dít tiễn Tnú lên đường trở về đơn vị.
2
4. CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA- Nguyễn Minh Châu
- Để có thể xuất bản một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển, theo lời đề nghị của trưởng
phòng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đi tới một vùng biển đã từng là chiến trường cũ của anh
thời chống Mỹ. Sau mấy buổi sáng “phục kích”, anh đã “chộp” được một cảnh “đắt”
trời cho: cảnh một chiếc thuyền ngoài xa trong làn sương sớm, đẹp như một bức tranh
mực tàu. Thế nhưng ngay sau đó, Phùng lại chứng kiến một cảnh bạo lực gia đình. Những
ngày sau, cảnh bạo lực đó lại tiếp diễn. Không thể nén chịu được, Phùng đã xông ra ngăn
cản người đàn ông, bị lão đánh trả nên anh bị thương.
- Ở tòa án huyện, người đàn bà hàng chài được Đẩu- chánh án huyện -mời đến, anh
khuyên người đàn bà bỏ chồng để khỏi bị hành hạ. Nhưng khi nghe câu chuyện và những
lý lẽ của người đàn bà hàng chài thì Phùng và Đẩu đã vỡ lẽ ra nhiều điều.
- Những tấm ảnh Phùng chụp đã được chọn cho bộ lịch nghệ thuật. Mỗi lần ngắm bức
ảnh ấy, Phùng lại thấy hiện lên màu hồng hồng của ánh sương mai và người đàn bà hàng
chài thô kệch.
5.MỘT NGƯỜI HÀ NỘI- Nguyễn Khải
- Mở đầu tác phẩm là lời giới thiệu của nhân vật tôi về gia cảnh, cách ăn, cách mặc của
cô Hiền và hoàn cảnh xuất thân của cô.
- Những năm đầu ở Hà Nội vừa giải phóng, nhân vật “tôi” từ chiến khu về Hà Nội, đến
thăm cô Hiền, cô thẳng thắn bày tỏ những nhận xét của mình: nói về niềm vui và cả
những điều có phần máy móc, cực đoan của cuộc sống xung quanh.
- Thời kì đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Cô Hiền tìm
việc làm phù hợp với chủ trương, chính sách của chế độ mới, khéo léo chèo chống con
thuyền gia đình vượt qua những biến đổi của xã hội.
- Miền Bắc bước vào thời kì đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân
của đế quốc Mỹ. Cô Hiền dạy con cách sống “biết tự trọng, biết xấu hổ”, biết sống đúng
với bản chất người Hà Nội với việc đồng ý cho hai con trai tình nguyện đăng kí tòng
quân.
- Đất nước tràn đầy niềm vui với đại thắng mùa xuân năm 1975. Vợ chồng nhân vật “tôi”
đến dự buổi liên hoan mừng Dũng- người con đầu của cô Hiền - trở về. Trong bữa tiệc,
Dũng đã kể về Tuất, người đồng đội đã hi sinh và người mẹ của Tuất, một người mẹ Hà
Nội có con đi chiến đấu.
- Xã hội trong thời kì đổi mới với đủ cái phải- trái, tốt- xấu. Nhân vật “tôi” từ Hồ Chí
Minh ra Hà Nội, ghé thăm cô Hiền. Giữa không khí xô bồ của thời kì kinh tế thị trường,
cô Hiền vẫn là “một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn”. Từ
câu chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn, cô Hiền nói về niềm tin vào cuộc sống ngày
càng tốt đẹp hơn.
3
II. VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI:
THUỐC (Lỗ Tấn)
- Mở đầu tác phẩm là cảnh lão Hoa Thuyên dốc tiền để mua chiếc bánh bao tẩm máu
người chiến sĩ Hạ Du vừa bị giết để chữa bệnh lao cho thằng Thuyên, con trai lão.
- Thằng Thuyên ăn chiếc bánh bao tẩm máu- phương thuốc cổ quái- với sự hi vọng của
vợ chồng lão Hoa Thuyên. Mọi người trong quán trà sáng hôm đó cũng tin rằng phương
thuốc ấy sẽ chữa khỏi bệnh cho thằng Thuyên. Nhân đó họ bàn về Hạ Du, người tử tù vừa
bị chém và cho anh là đồ điên.
- Chiếc bánh bao tẩm máu người đã không chữa khỏi bệnh cho thằng Thuyên. Chẳng bao
lâu, thằng Thuyên chết.
- Kết thúc tác phẩm là cảnh bà mẹ của Hạ Du và mẹ của thằng Thuyên đi viếng mộ con
vào tết thanh minh. Họ bước qua con đường mòn ngăn cách giữa mộ những người chết
chém, chết tù với mộ những người nghèo trong nghĩa địa để an ủi, chia sẻ nỗi đau của
nhau. Họ rất ngạc nhiên trước vòng hoa được đặt trên mộ Hạ Du. Mẹ Hạ Du khóc và kêu
oan cho con.
2. SỐ PHẬN CON NGƯỜI (M. Sô-lô-khốp)
Câu chuyện kể về cuộc đời và số phận của anh lính lái xe An-đrây Xô-cô-lốp.
- Trong những năm nội chiến, Xô-cô-lốp tham gia Hồng quân. Nạn đói xảy ra, gia đình
anh bị chết. Anh phải làm nhiều nghề để kiếm sống và đã xây dựng được một gia đình
hạnh phúc.
- Chiến tranh chống phát xít bùng nổ, anh ra trận, bị bắt làm tù binh, bị tra tấn. Khi trốn
thoát về được với Hồng quân thì anh mới biết vợ và hai con gái đã bị bom sát hại trước
đó hai năm. Anh tiếp tục chiến đấu và đúng vào ngày chiến thắng, con trai của anh đã hi
sinh.
- Sau chiến tranh, anh xuất ngũ và làm lái xe cho một đội vận tải. Gặp bé Va-ni-a (mồ côi
cha mẹ), anh nhận nó làm con.Cuộc sống của anh từ đó thêm khó khăn song đã ấm áp
hơn. Anh phải nén chịu, giấu đi những mất mát đau đớn của thể xác và tinh thần để bé
Va-ni-a được hạnh phúc.
- Một lần gặp rủi ro, anh bị thu bằng lái xe. Sau sự việc đó, anh lại cùng con đến Ka-sa-
rư để kiếm sống.
4
3. ÔNG GIÀ VÀ BIỂN CẢ (Ơ-nít Hê-minh-uê)
Câu chuyện kể lại chuyến ra khơi đánh cá của ông lão Xan-ti-a-gô:
- Đã 84 ngày liền không câu được một con cá nào, ông lão quyết định một mình dong
thuyền ra khơi xa, thực hiện khát vọng câu được một con cá lớn.
- Ông đã câu được một con cá kiếm khổng lồ nhưng sau ba ngày hai đêm vật lộn với sóng
gió và con cá dũng mãnh cho tới lúc kiệt sức, mình đầy thương tích ông lão mới đâm chết
được con cá kiếm
- Nhưng trên đường về, ông lão lại phải tiếp tục đương đầu với đàn cá mập hung dữ
đang xông vào rỉa thịt con cá kiếm. Lúc này, ông lão đã kiệt sức song vẫn chiến đấu quyết
liệt với ý chí và nghị lực phi thường. Cuối cùng ông lão cũng cập bến, toàn thân rã rời,
bết máu, hai bàn tay đầy thương tích và con cá kiếm của ông chỉ còn lại một bộ xương trơ
trọi (trước sự ngơ ngác của mọi người).
- Đêm ấy trong túp lều của mình, ông lão lại mơ về những đàn sư tử ở châu Phi
5