QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ XÁC ĐỊNH HỌC SINH KHÓ KHĂN VỀ TOÁN
CẤP TIỂU HỌC
1. Tóm tắt:
Lí thuyết tiến hành giáo dục học sinh khó khăn về học đã chỉ rõ, khâu đầu
tiên và cũng là khâu quan trọng nhất của công tác này là đánh giá ban đầu xác định
học sinh khó khăn về học. Để công tác này đạt hiệu quả cao rất cần một quy trình
khả thi, khoa học phù hợp với khả năng giáo viên và điều kiện tiến hành giáo dục ở
các trường tiểu học. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một quy trình đánh giá xác định
học sinh khó khăn về toán cấp tiểu học và minh họa việc sử dụng quy trình đó
trong xác định một trường hợp học sinh khó khăn về toán lớp 4.
2. Đặt vấn đề
Khi nói đến đánh giá trong giáo dục người ta thường liên tưởng ngay đến vấn
đề đánh giá chất lượng giáo dục hay kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, hiện
nay, những ảnh hưởng của lý thuyết kiến tạo khiến cách nhìn về đánh giá cũng được
xem xét từ nhiều quan điểm khác nhau. Những quan điểm khác nhau dẫn đến
những kĩ thuật đánh giá khác nhau về cùng một đối tượng được đánh giá. Chẳng
hạn, Jean – Marie Deketele coi đánh giá là: Thu thập một tập hợp thông tin đủ thích
hợp và có giá trị tin cậy; Xem xét mức độ phù hợp giữa tập hợp thông tin này và
một tập hợp tiêu chí phù hợp với các tiêu chí định ra ban đầu hay đã điều chỉnh
trong quá trình điều chỉnh thông tin: Nhằm đưa ra một quyết định. Robert F. Mager
(Pháp): cho đánh giá là việc miêu tả tình hình học sinh và giáo viên để dự đoán
công việc phải tiếp tục và giúp học sinh tiến bộ. Rallph Tyler lại quan niệm: “Quá
trình đánh giá chủ yếu là quá trình xác định mức độ thực hiện các mục tiêu trong
các chương trình giáo dục”. Còn GS. Trần Bá Hoành lại cho rằng: Đánh giá là quá
trình hình thành nhận định, phán đoán về kết quả công việc, dựa vào việc phân tích
những thông tin thu được đối chiếu với những mục tiêu, tiêu chuẩn đã đề ra, nhằm
đề xuất những quyết định thích hợp dể cải thiện thực trạng, điều chỉnh nâng cao
chất lượng giáo dục và hiệu quả công việc. PGS. TS. Lê Đức Phúc thì định nghĩa:
Đánh giá trong giáo dục là quá trình thu thập và lí giải kịp thời có hệ thống thông
tin về hiện trạng, khả năng hay nguyên nhân của chất lượng và hiệu quả giáo dục
căn cứ vào mục tiêu dạy học, mục tiêu đào tạo là cơ sở cho những chủ chương biện
pháp hành động giáo dục tiếp theo.
Như vậy, mặc dù có rất nhiều quan điểm khác nhau nhưng trong giáo dục thì
đánh giá vẫn có thể được rút ra ở hai ý chung sau:
- Đánh giá để đối chiếu kết quả với mục tiêu đào tạo để xác định được chất lượng
đào tạo và đề ra khuyến nghị.
- Đánh giá để xác định đặc điểm của đối tượng đề ra phương pháp dạy học phù hợp
và đưa ra khuyến nghị.
Đánh giá xác định học sinh khó khăn về toán được xếp vào loại “đánh giá
không chính thức” trong các loại đánh giá của quá trình giáo dục [1]. Mục tiêu của
đánh giá này nhằm xác định những học sinh khó khăn về toán cấp tiểu học, đồng
thời xác định khả năng, nhu cầu, điểm mạnh và điểm yếu của học sinh từ đó làm cơ
sở để đưa ra những kết luận sư phạm phục vụ cho quá trình giúp đỡ học sinh khó
khăn về toán cấp tiểu học.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Giới thiệu quy trình đánh giá xác định học sinh khó khăn về toán
Bước 1: Xác định học sinh khó khăn về toán
Theo dõi và xác định những học sinh gặp khó khăn trong việc học toán là
giai đoạn đầu tiên của quá trình đánh giá này. Về mặt lý thuyết, ở tiểu học bất kể
giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên thực hiện giảng dạy môn toán nào, cũng có thể
phát hiện được trong lớp học sinh nào học tốt môn toán, học sinh nào học không tốt
môn toán bằng việc quan sát học sinh trong các giờ học toán, bằng việc đánh giá
trong các bài kiểm tra và bằng việc quan sát sổ theo dõi học tập của các em. Tuy
nhiên, kết quả khảo sát của chúng tôi tại một số trường tiểu học lại cho thấy: nếu
như giáo viên chỉ sử dụng các cách quan sát biểu hiện của học sinh trong giờ học,
hay dựa vào bài kiểm tra định kì để đánh giá một học sinh nào đó là có khó khăn về
học môn toán thì kết quả đó chưa hoàn toàn chính xác, hoặc chính xác nhưng chưa
xác định được khả năng và nhu cầu học tập của học sinh đề có giải pháp học tập tốt
hơn với học sinh đó. Vì thế, trong quá trình giảng dạy ngoài việc giáo viên quan sát
biểu hiện học tập của học sinh sử dụng những kinh nghiệm đánh giá học sinh vốn
có nên kết hợp dùng “phiếu phát hiện học sinh có khó khăn về toán” để khẳng định
những học sinh mình ghi vấn có bị khó khăn về toán hay không.
“Phiếu phát hiện học sinh khó khăn về toán” xây dựng cần dựa trên những
yêu cầu tối thiểu về kĩ năng môn toán ở tiểu học (kĩ năng đếm, kĩ năng thực hiện
phép tính, kĩ năng chuyển đổi đơn vị, kĩ năng giải toán), đồng thời phải xác định
được những hạn chế cụ thể của học sinh trong từng nhóm kĩ năng đó.
Chẳng hạn, các nhóm kĩ năng cần xác định trong “phiếu phát hiện học sinh
khó khăn về toán lớp 4” có thể được xây dựng như sau:
Stt Nhóm kĩ năng
1 Kĩ năng đếm
□ Không biết đọc số có đến 6 chữ số
□ Không biết cấu tạo số đến lớp triệu
□ Không biết so sánh các số có đến 6 chữ số
2 Kĩ năng thực hiện phép tính
□ Không thực hiện được bốn phép tính + ; - ; x ; :
□ Không thực hiện đúng yêu cầu
□ Thực hiện được nhưng hay nhầm lẫn
3 Kĩ năng chuyển đổi đơn vị
□ Không đọc đúng tên đơn vị
□ Không chuyển đổi được giữa các đơn vị
□ Chuyển đổi nhưng hay nhầm
4 Kĩ năng hình học
□ Không nhận biết được các hình cơ bản
□ Không biết tính chu vi, thể tích các hình cơ bản
□ Tính được nhưng hay nhầm
5 Kĩ năng giải toán
□ Không giải được bài toán có lời văn
□ Giải được nếu có sự hướng dẫn
□ Giải được nhưng hay nhầm
Bước 2:. Tìm hiểu khả năng và nhu cầu của học sinh khó khăn về toán
+ ) Tìm hiểu khả năng của học sinh trong học tập nội dung toán
Mục tiêu: Xác định khả năng và những lỗ hổng kiến thức của học sinh trong
từng nhóm kĩ năng toán ở tiểu học.
Phương pháp tiến hành: Dựa vào những nội dung gợi ý trong “Phiếu phát
hiện học sinh khó khăn về toán” thiết kế bài khảo sát các vòng: (i) Xác định lĩnh
vực toán khó khăn mà học sinh đang mắc phải; (ii) Khảo sát sâu trong từng lĩnh vực
mà học sinh đang gặp khó khăn đó để xác định mức độ nhận thức học sinh đến đâu,
khó khăn, sai lầm hay mắc phải là gì .
+) Tìm hiểu nhu cầu và những điều kiện thực tiễn có thể đáp ứng
Mục tiêu: Cần tìm hiểu xem học sinh có nhu cầu ưu tiên gì về: phát triển thể
chất, yêu thương tôn trọng; Tìm hiểu xem học sinh thích gì và cần tránh gì khi làm
việc với học sinh; Tìm hiểu xem cha mẹ mong muốn gì ở học sinh và họ có thể hỗ
trợ những gì cho học sinh phát triển; Tìm hiểu xem nhà trường và cộng đồng có thể
hỗ trợ gì cho sự phát triển của học sinh
Phương pháp tiến hành: Quan sát học sinh trong các hoạt động; Thăm gia
đình học sinh và trao đổi trực tiếp với cha mẹ học sinh, những người thân trong gia
đình để tìm hiểu về nhu cầu và điều kiện giáo dục học sinh; Trao đổi với giáo viên
năm trước và bạn bè chơi thân với học sinh để tìm hiểu các thông tin trên; Trao đổi
với ban giám hiệu nhà trường và tìm hiểu những điều kiện có thể hỗ trợ cho sự phát
triển của học sinh.
Bước 3:. Đưa ra quyết định sư phạm
Sau khi thu thập đầy đủ các thông tin và hoàn thiện các “Phiếu phát hiện học
sinh khó khăn về toán”, cũng như tìm hiểu khả năng và nhu cầu của học sinh. Điều
cần thiết là tổ chức một cuộc trao đổi với các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ
môn về khả năng, nhu cầu, điểm mạnh, điểm hạn chế của học sinh. Trong đó điểm
mạnh: cần trình bày những gì là mặt tích cực của học sinh và những gì học sinh làm
được, làm tốt và thích làm hoặc tham gia. Trên cơ sở đó trong quá trình dạy học
giáo viên sẽ sử dụng, dựa vào đó để phát huy thu hút học sinh vào các hoạt động
học tập. Về nhu cầu đáp ứng là những điều kiện học sinh cần biết, cần phải học,
phải làm được, phải có và có khả năng đạt được trong thời gian sắp tới nếu có sự hỗ
trợ từ phía mọi thành viên tham gia
2.2. Mô tả một trường hợp học sinh khó khăn về toán lớp 4 xác định được theo quy
trình trên.
Sử dụng quy trình trên chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm việc xác định học
sinh khó khăn về toán lớp 4 tại một số trường tiểu học tỉnh Phú Thọ và Thái
Nguyên. Sau bước 1 chúng tôi đã sàng lọc ra 59 em có nghi vấn đang gặp khó khăn
về toán trong tổng số 387 học sinh khối 4 của các trường tiểu học Cao Mại, Tứ Xã,
Sơn Dương, Thạch Kiệt, Linh Thông, Bảo Linh. Sau bước 2 chúng tôi xác định
được chính xác 27 em trong số 59 em đó thực sự đang gặp khó khăn về toán. Sau
đây chúng tôi xin mô tả một trường hợp học khó khăn về toán lớp 4 tại trường tiểu
học Tứ Xã như sau:
N. Đ. Bàng- Sinh ngày 07/7/2005
- Bước 1. Chúng tôi xin xác nhận của giáo viên môn toán của Bàng trong “Phiếu
phát hiện học sinh khó khăn về toán”. Kết quả trong phiếu Bàng được giáo viên
môn toán đánh giá như sau:
+ Kĩ năng đếm và so sánh : Không biết cấu tạo số đến lớp triệu;
+ Kĩ năng tính toán: Không thực hiện được bốn phép tính cộng trừ nhân chia,
không thực hiện đúng yêu cầu;
+ Kĩ năng chuyển đổi đơn vị: Không chuyển đổi được giữa các đơn vị ;
+ Kĩ năng giải toán có lời văn: Không giải được bài toán có lời văn
- Bước 2. Tìm hiểu khả năng và nhu cầu của học sinh khó khăn về toán
+ Xác định khả năng học tập của Bàng bằng các bài khảo sát
- Bài khảo sát lần thứ nhất Bàng chỉ làm được 1 bài tập về hình tương ứng
với việc đạt được 1 trên 5 lĩnh vực toán được đánh giá. Các lĩnh vực hạn chế của
Bàng là: Nhận biết về số ( cấu tạo số), thực hiện phép tính, chuyển đổi đơn vị đo và
giải toán có lời văn.
- Trong bài khảo sát lần thứ 2 chúng tôi phải kiểm tra sâu hơn về 4 lĩnh vực
hạn chế đó đối với Bàng. Kết quả khảo sát lần 2 cho thấy:
+ Về nhận biết số, so sánh và cấu tạo số: Bàng đã nhận biết được các số
trong phạm vi 1000, các số có 5 chữ số trở lên chưa nắm được cấu tạo số.
+ Về thực hiện phép tính: Bàng chỉ biết làm phép tính cộng và phép trừ
không nhớ. Bàng không biết làm phép trừ nhiều số có nhớ. Bàng chưa thuộc bảng
cửu chương 4 trở đi nên Bàng không biết làm phép nhân và phép chia.
+ Việc chuyển đổi đơn vị đo: Bàng nhớ được một vài đơn vị, việc chuyển đổi
vẫn hay nhầm do không nhớ hết bảng đơn vị.
+ Lĩnh vực giải toán có lời văn: Bàng biết trả lời bài toán theo yêu cầu của đề
bài với những bài toán 1 bước tính đơn giản
Với bài toán cần suy luận Bàng chưa biết đưa ra phép tính thích hợp
+ Tìm hiều về cuộc sống và nhu cầu đáp ứng đối với Ngô Đại Bàng
Bàng là người con thứ 4 trong gia đình nghèo gồm 4 chị em. Bố Bàng mất sớm từ
lúc Bàng được 5 tuổi. Mẹ Bàng đi phụ hồ. Hiện tại Bàng sống cùng mẹ,ông bà nội,
và một chị gái. Bàng bị dị tật ở mắt do biến chứng bệnh đau mắt đỏ ngày còn nhỏ,
nên mắt cậu hiện tại nhìn kém và hơi lác.
Giáo viên chủ nhiệm cho biết Bàng học không tập trung, trong giờ hay mất trật tự.
Khi được hỏi về những môn học mà em thích và không thích, Bàng cho biết em
không thích môn toán vì môn toán khó. Em thích học môn kĩ thuật và môn vẽ.
- Bước 3. Đưa ra quyết định sư phạm:
+ Cần xây dựng đôi bạn cùng tiến [5] để hỗ trợ Bàng trong quá trình học tập.
Bởi lẽ, Bàng là một cậu bé rất hiếu động không tập trung trong lúc học nên cần
chuyển Bàng lên bàn đầu ngồi kèm với một bạn gái học tốt hơn, để cho Bàng bớt
nghịch trong giờ và để hướng dẫn, kiểm tra Bàng thực hiện các nhiệm vụ thầy cô
giao.
+ Bàng cần được dạy học cá nhân [2] trong các pha dạy học phân hóa của giờ
học toán. Chẳng han, Trong các giờ học toán giáo viên có thể quan tâm nhiều hơn
cho N. Đ. Bàng làm các bài tập dễ hơn, các bài tập chỉ xoay quanh mức nhớ và
thuộc kiến thức. Khi dạy kiến thức mới sẽ dành thời gian giảng giải lại cho Bàng
bằng mô hình trực quan [4]. Bàng không thích phải trả lời những câu hỏi quá khó
với sức của mình, không thích bị mắng trước lớp và đặc biệt không thích các bạn
chế giễu. Vì thế giáo viên cần ưu tiên cho Bàng được tham gia vào bài giảng bằng
cách trả lời các câu hỏi dễ và hạn chế số lượng, độ khó của bài tập. Những nhiệm vụ
giao cho em cần chia nhỏ cho phù hợp với khả năng của Bàng.
+ Bàng cũng cần được dạy học “chỉnh – trị” [3] để lấp lỗ hổng kiến thức.
Thời lượng dạy học “chỉnh – trị’ với em có thể tiến hành 1,2 buổi trên 1 tuần, mỗi
buổi khoảng 40 đến 60 phút yêu cầu em học thuộc bảng cửu chương, dạy em thành
thạo việc cộng trừ nhân chia, cấu tạo số đến lớp triệu.
3. Kết luận
Việc đánh giá xác định học sinh khó khăn về toán là vấn đề cần được quan
tâm, nhất là trong xu hướng dạy học theo tiếp cận năng lực như hiện nay. Quy trình
đánh giá xác định học sinh khó khăn về toán cấp tiểu học được giới thiệu trên đây
mới chỉ là một khâu của công tác giúp đỡ học sinh khó khăn về toán ở tiểu học. Để
công tác này thực sự có hiệu quả cần sự chỉ đạo hệ thống từ các cấp quản lý, tinh
thần trách nhiệm của giáo viên dạy toán, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, giáo
viên và học sinh.
Tài liệu tham khảo
[1]- Lê Đức Phúc, Trần Kiều (1996), Đánh giá trong giáo dục, Thế giới mới, số
167, trang 3
[2] Nguyễn Thị Thanh Tuyên, (2014), Giúp đỡ học sinh học kém toán ở tiểu học
theo tiếp cận cá biệt, Tạp chí Khoa học trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Volume
59, Number 2A, 2014.
[3] Trần Trọng Thủy (1996), Dạy học chỉnh trị cho trẻ khó học, Đề tài khoa học và
công nghệ cấp bộ
[4]- Vũ Trọng Nghị, Nguyễn Thị Thanh Tuyên, Nguyễn Thụy Phương Trâm, (2013),
Một số nguyên tắc sử dụng phương triện trực quan trong dạy học toán cho học sinh
học lực yếu kém, Tạp chí Giáo dục số 323 kì 1 (12/2013) trang 47,48.
[5] I.F. Kharlamôp (1979), Phát huy tính tích cực trong học tập của học sinh như
thế nào? NXB Giáo Dục.