XÁC ĐỊNH LẠI GIỚI TÍNH LÀ MỘT QUYỀN NHÂN THÂN CÓ
ĐIỀU KIỆN
Theo điều 24 của Bộ Luật Dân sự năm 2005, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn
liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có
quy định khác. Trong đó quyền xác định lại giới tính là một trong những quyền nhân. Ở
Việt Nam , trước kia, khi khoa học kĩ thuật chưa phát triển, các kênh thông tin còn hạn chế,
thì những người này đành chịu số phận bất hạnh của mình. Trong những năm gần đây, nhu
cầu xã hội về việc xác định lại giới tính ngày càng tăng. Nhưng không phải ai cũng có
quyền xác định lại giới tính, nếu một người muốn xác định lại giới tính thì người đó phải
thuộc một trong hai trường hợp được quy định tại điều 36 của Bộ Luật Dân sự năm 2005.
Trên thế giới và Việt Nam, ước tính cứ 2000 trẻ em sinh ra thì ít nhất có một trẻ có
bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể, dẫn tới khuyết tật bẩm sinh về giới
tính. Và đa phần những người không may bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính đều có nhu
cầu xác định lại giới tính, để có thể được sống thực với giới tính của mình. Xuất phát từ
thực tế xã hội này, cũng như ghi nhận một quyền cơ bản con người như những quyền khác,
Bộ Luật Dân sự năm 2005 đã cụ thể hóa quyền xác định lại giới tính thành một điều luật
(Điều 36: “ Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của
một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh
hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới
tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.). Và trong
Điều 2 khoản 1,2 NĐ 88/2008 NĐ-CP về xác định lại giới tính có quy định: “Khuyết tật
bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi
mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả
nữ hoặc lưỡng giới thật. Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp
chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét cả về bộ phận sinh dục và nhiễm sắc
thể giới tính”.
Theo gốc độ pháp lý, có thể thấy đây là một quyền nhân thân có điều kiện rõ ràng. Thể
hiện ở chỗ, một người chỉ được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình khi họ có
khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Khi và chỉ
khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên họ mới có quyền yêu cầu y học xác định lại
giới tính chính xác. Có 3 tiêu chuẩn y tế để xác định lại giới tính, bao gồm: Nam lưỡng
giới giả nữ, nữ lưỡng giới giả nam, lưỡng giới thật. Ta có thể thấy được “ chuyển đổi giới
tính” và “xác định lại giới tính” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bản thân cụm từ “
xác định lại giới tính” nhầm trả lại giới tính thực cho những người bị khuyết tật bẩm sinh
về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác đã nói lên rất rõ ràng và là yếu tố
để phân biệt với khái niệm “chuyển đổi giới tính” được thực hiện theo ý thích của con
người, trái với quy luật của tạo hóa.
Trường hợp đề nghị xác định lại giới tính cho người chưa đủ 6 tuổi thì cha mẹ hoặc người
giám hộ phải có đơn đề nghị. Với những người từ 6-8 tuổi, trong đơn đề nghị phải có chữ
ký của cha mẹ hoặc người giám hộ. Các trường hợp đã xác định lại giới tính ở nước ngoài
hoặc đã thực hiện ở Việt Nam trước ngày Nghị Định có hiệu lực, nếu muốn đăng ký lại hộ
tịch thì phải có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám, chữa bệnh trước đó
và đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế. Trên cơ
sở đề nghị của người xác định lại giới tính thì cơ sở khám, chữa bệnh sẽ lựa chọn giới tính
để có phương pháp điều trị thích hợp, đảm bảo nguyên tắc khi ở giới tính đó, người này có
thể hòa nhập vào cuộc sống về tâm, sinh lý và xã hội một cách tốt nhất. Theo thống kê của
cơ quan chức năng, ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh giới tính là 1/10.000 – 12.000 người,
tức là nước ta có khoản trên 7.000 người có cấu tạo bất thường hoặc giới tính không rõ
ràng.
Tại bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), mỗi năm phải phẫu thuật khoảng 100 trường hợp dị tật
bộ phận sinh dục, trong đó trên 20 trường hợp trước khi thực hiện phải xác định giới tính.
Ngoài ra, tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) và một số cơ
sở khám chữa bệnh lớn khác, nhiều bệnh nhân có rối loạn, bất thường về giới tính được
điều trị. Ví dụ như trường hợp của chị Nguyễn Thị Vân Anh (Thuận Thành, Bắc Ninh), chị
có bộ phận sinh dục bên ngoài như người nữ bình thường, được nuôi dạy như nữ. Đến khi
dậy thì, ngực phát triển nhưng không có kinh nguyệt. Tuy nhiên khi được làm các xét
nghiệm, bác sĩ đã kết luận chị có tinh hoàn nhưng ở trong bụng, không có tử cung và có bộ
nhiễm sắc thể XY, là đàn ông nhưng cơ quan sinh dục ngoài không nhạy cảm với
testosterone nên không biệt hóa thành dương vật. Ví dụ trên cho thấy chị Vân Anh có đủ
điều kiện để xác định lại giới tính cho mình.
Xét về giới tính, xã hội cơ bản chia làm hai giới tính là nam và nữ. Theo lẽ thông thường,
sau khi 1 đứa trẻ ra đời, tùy thuộc vào giới tính của trẻ mà chúng sẽ được giáo dục và định
hướng để có cách ứng xử, phương pháp giao tiếp khác nhau. Ví dụ như bé nam thì được
định hướng chơi bóng, siêu nhân, cắt tóc ngắn, mặc quần đùi…..còn bé gái thì được định
hướng chơi búp bê, nấu ăn, mặc váy, đầm…Hiện nay có nhiều trường hợp “bất bình
thường” khi một bé là nam khi còn nhỏ thì rất thích mặc váy, lớn lên một chút thì chỉ thích
chơi với bạn gái, khi trưởng thành thì chỉ có tình cảm với những người đàn ông. Trên thực
tế, những người trong hoàn cảnh “hình mai hồn trúc”, luôn ở trong tình trạng khó khăn tìm
lại chính mình. Họ không có điều kiện thuận lợi để phát huy hết năng lực của bản thân.
Tuy nhiên, theo điều 36 của Bộ Luật Dân sự năm 2005, những người thuộc trường hợp
trên sẽ không được quyền xác định lại giới tính. Vì trường hợp của họ không đáp ứng một
trong hai điều kiện là giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc giới tính chưa
định hình chính xác, mà trường hợp của họ là trường hợp rối loạn tâm, sinh lý của con
người. Nếu họ có yêu cầu xác định lại giới tính cho mình thì họ sẽ không được pháp luật
cho phép, thừa nhận và bảo vệ. Pháp luật không cho phép, thừa nhận và bảo vệ thì họ sẽ rất
khó khăn để hòa nhập với cộng đồng xã hội. Để khắc phục những trường hợp trên, có lẽ
chúng ta nên khuyến khích các bậc cha mẹ thường xuyên quan tâm đến con cái của mình
một cách toàn diện để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường của con, điều chỉnh một
cách nhanh chóng để tránh những điều đáng tiếc sau này.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia y tế thì những người hoàn toàn bình thường về giới
tính nhưng vẫn muốn chuyển giới sẽ chỉ tạo nên những con người trái “tự nhiên”. Thực tế,
để có được thân hình từ nam thành nữ và ngược lại, người chuyển giới phải mất một khoản
tiền không nhỏ trong thời gian khoảng ba năm cho các phẫu thuật chỉnh hình công phu…
Gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều về việc pháp luật Việt Nam nghiêm cấm chuyển đổi
giới tính với những người hoàn toàn bình thường về giới. Những người thuộc “thế giới thứ
ba” đương nhiên là phản đối, muốn được tự do chuyển giới theo ý muốn của mình. Một số
nhà tâm lý cũng đồng tình. Tuy nhiên, tôi đồng ý với một số chuyên gia pháp lý khác cho
rằng việc cấm là cần thiết nhằm ngăn chặn những hành vi chuyển đổi giới tính phục vụ cho
các quan niệm tâm sinh lý lệch lạc, hoặc sau khi phạm tội thì chuyển giới để trốn tránh
trách nhiệm pháp lý, hoặc gian lận trong thi đấu thể thao…
Như ta thấy trong xã hội hiện nay, không chỉ có những người bị khuyết tật bẩm sinh về
giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác mới đề nghị xác định lại giới tính mà còn
có những người giới tính đã được hoàn thiện nhưng do tác động bên ngoài hay do tác động
của tâm, sinh lý cũng đề nghị xác định lại giới tính. Nhưng không phải ai cũng có quyền
được xác định lại giới tính của mình mà phải thỏa mãn một trong những điều kiện trong
điều 36 của Bộ Luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, không phải ai bị khuyết tật bẩm sinh về
giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác dám đến các cơ sở y tế để yêu cầu
xác định lại giới tính mà họ thường mặc cảm, sống khép mình, ngại tìm đến các cơ sở y tế
và chấp nhận như số phận đã an bày. Hoặc còn rất nhiều người, đặc biệt là các vùng nông
thôn, có nhu cầu tìm lại giới tính cho mình nhưng lại không có kiến thức và tài chính ra
nước ngoài phẫu thuật thì Nghị định như là một kim chỉ nam giúp họ biết mình phải làm gì
để có thể tìm lại chính mình và hòa nhập dễ dàng với xã hội.
Điều 36 của Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Nghị định 88/2008 NĐ-CP về xác định lại giới
tính đã một phần nào giúp cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới
tính chưa được định hình chính xác tìm lại giới tính thực của mình, đồng thời họ sẽ hòa
nhập vào xã hội, được hưởng tất cả mọi quyền lợi, được pháp luật và mọi người thừa nhận,
bảo vệ. Một số người khi đã xác định lại giới tính của mình thì phát hiện ra một số khả
năng đặc biệt của họ.
Vì vậy, theo tôi, các điều kiện của pháp luật đặt ra trong điều 36 của Bộ Luật Dân
sự năm 2005 là hoàn toàn hợp lý. Một mặt, nó giúp cho những người bị khuyết tật bẩm
sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác có được giới tính rõ ràng. Mặt
khác, nó còn là cơ sở để pháp luật ngăn chặn hành vi “chuyển đổi giới tính” (khi giới tính
đã hoàn thiện) phuc vụ cho những hành vi trái pháp luật như quan niệm tâm, sinh lý lệch
lạc, sau khi pham tội chuyển giới để trốn tránh trách nhiệm pháp lý…Mọi người cần phải
hiểu rõ hơn về quyền xác định lại giới tính để có thể thực hiện quyền lợi của mình.