Tải bản đầy đủ (.pdf) (19 trang)

Ý nghĩa lịch sử và giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết Truyện nhà kỵ sỹ Đon Qujote của Cervantes

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (435.21 KB, 19 trang )



1
1
Ý nghĩa lịch sử và giá trị nghệ thuật của
tiểu thuyết "Truyện nhà kỵ sỹ Đon Qujote"
của Cervantes

Lê Thị Hương

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa Văn học
Chuyên ngành: Lý luận văn học; Mã số: 60 22 32
Người hướng dẫn: PGS-TS. Phạm Thành Hưng
Năm bảo vệ: 2012

Abstract. Khái quát về nhà văn Cervantes trong nền văn hóa Phục Hưng Tây Âu.
Tìm hiểu về giá trị lịch sử- tư tưởng của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don
Qujote”. Nghiên cứu giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don
Qujote” của tác giả Cervantes, qua đó làm rõ những đóng góp của Cervantes trên
phương diện nhận thức lịch sử và xây dựng thể loại tiểu thuyết.

Keywords. Lý luận văn học; Tiểu thuyết; Văn học Tây Ban Nha

Content.
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
Đề tài của Cervantes trong thời gian hơn ba thế kỷ nay vẫn quyến rũ độc giả
và kích thích tinh thần sáng tạo của nhiều nghệ sĩ khắp các nước. Bao nhiêu họa sĩ,
nhạc sĩ, nhà viết kịch sau Cervantes vẫn cố gắng dựng lại chân dung và tính cách
của nhân vật nhà kỵ sĩ trứ danh Don Qujote xứ Măng-sơ. Tác phẩm thể hiện sức
mạnh và thiên tài nghệ thuật của Cervantes.


Trải qua gần 400 năm, vượt ra khỏi sự đào thải của thời gian, bộ tiểu thuyết
vẫn giành được sự hâm mộ rộng khắp và được công nhận là một trong những tác
phẩm lớn nhất của nhân loại. Sức quyến rũ của cuốn tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ
Don Qujote” đã vượt ra khỏi ranh giới đất nước Tây-Ban-Nha, được bạn đọc trong
và ngoài nước háo hức đón đọc.
Nhân dân tính chính là một đặc sắc trong nghệ thuật tiểu thuyết của
Cervantes. Nội dung xã hội trong cuốn tiểu thuyết rất dồi dào và sâu sắc. Tuy
nhiên, giá trị của Don Qujote không chỉ khiêm tốn là vậy mà nó còn đặt ra vấn đề


2
2
có ý nghĩa thời đại, đó là ý nghĩa tố cáo cả một chế độ xã hội trong đó phê phán
chính sách của vua chúa Tây - Ban- Nha. Tập truyện còn đề cập vấn đề phụ nữ,
vấn đề luân lý gia đình, vấn đề tình yêu nam nữ một cách tinh tế, khéo léo.
Sức sống vĩnh cửu của tiểu thuyết Don Qujote không chỉ bởi những giá trị
về tư tưởng mà còn bởi giá trị nghệ thuật trong việc xây dựng nên nhân vật điển
hình bất hủ và đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của thể loại tiểu thuyết cũng như
ý nghĩa khai sinh cho loại hình tiểu thuyết hiện đại. Chàng Don Qujote đại diện
cho một giai cấp, yêu chuộng đạo đức và chính nghĩa. Giá trị văn hóa, tư tưởng mà
chàng mang theo được thể hiện thành công qua việc xây dựng nhân vật điển hình.
Đặc biệt, thành công của thiên tiểu thuyết còn bởi tác giả hiểu thấu nghệ thuật
ngôn ngữ của nhân dân, giọng văn suồng sã, gần gũi đi vào lòng quần chúng. Hình
tượng xây dựng trong tác phẩm bao giờ cũng là của dân tộc, của nhân dân.
Với những lí do trên, tôi chọn đề tài nghiên cứu về ý nghĩa lịch sử và giá trị
nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote” để có cái nhìn sâu sắc
và toàn diện về bộ mặt xã hội phương Tây điển hình là Tây- Ban- Nha thời đại
Phục hưng và những giá trị độc đáo về mặt nhận thức lịch sử và phát triển nghệ
thuật của tập tiểu thuyết với vai trò mở đầu cho tiểu thuyết phương Tây.
II. Lịch sử vấn đề

Giá trị nội dung và nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don
Qujote” được cả thế giới công nhận và ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở
phạm vi văn học mà còn mở rộng ra phạm vi văn hóa, không chỉ ở Tây-Ban-Nha
mà còn ở nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới.
Tuy vậy, trong quá trình nghiên cứu và tiếp nhận văn học nước ngoài ở Việt
Nam chưa có nhiều tác giả quan tâm sâu sắc tới nhân vật Don Qujote cũng như
cuốn tiểu thuyết này. Người viết đề tài đã tìm được công trình Tiểu luận và phê
bình “Trên đường học tập và nghiên cứu”, Đặng Thai Mai, Nhà xuất bản văn học,
Hà Nội- 1969 nhân dịp kỷ niệm 350 năm tập ra đời. Ngoài ra, viết về Cervantes
cũng như nhân vật Don Qujote, cuốn “ Văn học Phương tây” của tập thể các tác
giả cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng
có một số trang phân tích bối cảnh xã hội Tây-Ban-Nha đương thời và hình tượng
sống động Don Qujote.



3
3
III. Đối tượng, phạm vi, mục đích nghiên cứu
Trong phạm vi công trình nghiên cứu này, người viết tập trung vào tìm hiểu, phân
tích nội dung phản ánh để từ đó thấy được ý nghĩa lịch sử cũng như giá trị nghệ
thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”. Từ đó, người viết tìm hiểu về
những đóng góp của Cervantes trên phương diện nhận thức lịch sử và xây dựng
thể loại tiểu thuyết.
IV. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra, người viết sử dụng những phương
pháp nghiên cứu sau đây: Phương pháp lịch sử - xã hội; Tiếp cận từ góc độ thi
pháp thể loại; Phương pháp hệ thống; so sánh, đối chiếu và tổng hợp trong đánh
giá tác phẩm và tác giả văn học.
V. Bố cục luận văn

Trong luận văn này, ngoài phần mở đầu, vấn đề ý nghĩa lịch sử và giá trị nghệ
thuật của cuốn tiểu thuyết Don Qujote được triển khai và giải quyết trong ba
chương:
Chương1. Cervantes trong nền văn hóa phục hung Tây Âu
Chương2.Giá trị lịch sử- tư tưởng của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”
Chương3.Giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”
PHẦN NỘI DUNG
Chương1. CERVANTES TRONG NỀN VĂN HÓA PHỤC HƯNG TÂY ÂU
1.1. Thời đại Phục hưng và chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật
Vào thế kỷ XIV– XVI thế giới Châu Âu như có một “cơn gió lạ” thổi đến
làm thay đổi sâu sắc bộ mặt đời sống tinh thần và xã hội tạo thành phong trào văn
hoá Phục hưng. Đây được coi là một cuộc vận động tư tưởng và văn hoá rất mực
hào hứng và quyết liệt mà cho đến bấy giờ loài người chưa từng biết tới.
Cuộc vận động tư tưởng và văn hoá Phục hưng là một cuộc cách mạng tinh
thần, có ý nghĩa công phá hệ tư tưởng phong kiến, thần quyền, thiết lập một nền
tảng tư tưởng mới mang ý nghĩa nhân đạo cao cả. Đúng như Ănghen nhận định:
“Thời đại Phục hưng là bước ngoặt tiến bộ, vĩ đại nhất từ trước tới bấy giờ loài
người chưa từng thấy”. Bước ngoặt đó đã làm thay đổi mọi mặt kinh tế, chính trị,


4
4
xã hội, tôn giáo, tư tưởng và tinh thần. Chính trong bối cảnh đó, văn học nghệ
thuật Phục hưng đã nở hoa kết trái một mùa hoa, mùa quả hiếm có. Chủ nghĩa
nhân văn chính là trào lưu tư tưởng cơ bản tạo nên những giá trị rực rỡ đó.
Trong hai thế kỷ XVI – XVII, không ít người Tây-Ban-Nha thuộc đủ mọi
thành phần xã hội từ quý tộc đến nông nô đã đổ xô sang châu Mỹ và các thuộc địa
khác ở châu Âu để truyền bá lý tưởng tôn giáo và nền quân chủ. Những mầm
mống suy yếu nằm ngay trong chính sách đối ngoại đó đã gặp phải sự chống trả
quyết liệt của các dân tộc bị nô dịch và nhân dân trong nước ngày càng phản đối

gay gắt. Những cuốn sách kiếm hiệp thời điểm đó trở thành những liều thuốc mê
lặng lẽ gặm nhấm tinh thần con người. Thế giới quan của độc giả bị biến dạng,
bóp méo, hóa thành thiển cận. Bất bình trước thực tại, Cervantes đã viết cuốn tiểu
thuyết Don Qujote nhằm đả kích các sách kiếm hiệp bằng cách nhại lại bằng chính
hình thức tiểu thuyết hiệp sĩ. Từ đây, văn học Tây-Ban-Nha nói riêng và văn học
thời Phục hưng nói chung mở ra một hướng đi mới mẻ và táo bạo.
Tuy nhiên, các nhà nhân văn thời đại Phục hưng còn tiến thêm một bước nữa.
Họ bắt đầu đi tìm nguyên nhân tình cảnh bi thảm của con người ở ngay đời sống, chứ
không phải ở trong quan hệ thống trị của thần linh với con người. Văn học Phục hưng
đã phê phán ách áp bức của nhà thờ và của phong kiến, chống lại mọi sự hạn chế gò
bó tự do cá nhân. Nền văn học ấy hoàn toàn mang tính chất trần thế, tính xã hội về nội
dung, và con người được bộc lộ trong văn học không chỉ qua những tư chất bẩm sinh
(cảm xúc, trí tuệ, ) của mình mà cả qua những lý tưởng xã hội của nó.
Có thể thấy rằng, trào lưu tư tưởng nhân văn chủ nghĩa là sản phẩm tinh thần
của thời đại Phục hưng, chung đúc lại yêu cầu và khát vọng muốn tự giải phóng của
con người thời đó thoát khỏi những xiềng xích trói buộc của Trung cổ Phong kiến và
nhà thờ.
1.2.Thân thế và sự nghiệp của Cervantes
Mai-cơn đơ Cervantes sinh năm 1547 ở thị trấn A-ca-la đờ Hi-na-ret. Thành
phố quê hương của Cervantes là nơi tập hợp mọi tầng lớp: quý tộc, tư sản, nhà
giàu, nhà nghèo, người trong nước hay người tứ xứ. Ở họ là đủ mọi tính cách
mang dấu ấn của thời đại: nóng nảy, ồn ào, thích học, thích biết và thích cãi vã,
gây lộn. Cervantes được chứng kiến khá nhiều cuộc ẩu đả kịch liệt xảy ra giữa các


5
5
cậu học sinh đại học, đại biểu cho hai giai cấp đối địch- tầng lớp quý tộc bảo thủ
và những phần tử tư sản tích cực đấu tranh.
Cervantes trải qua thời thiếu nhi trong cảnh thiếu thốn. Năm 1570

Cervantes vào hải quân. Thời trai trẻ của Cervantes trải qua năm năm tù ngục khi
tham gia vào quân đội, rồi vượt ngục. Năm 1605, ông bắt đầu viết “Truyện nhà kỵ
sĩ Don Qujote”. Tác phẩm được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt và “bán chạy như
bánh thánh”. Năm 1613 một tập tiểu thuyết mới dưới tên gọi Câu chuyện nhà kỵ sĩ
Don Qujote tiếp theo phần trước ra đời. Tác phẩm của ông được cả thế giới hoan
nghênh. Tên tuổi nhà văn sĩ đã sáng tạo chân dung kỵ sĩ Don Qujote và Xan-chô
vang lừng khắp Tây Âu và ông được suy tôn làm người sáng tạo ra tiểu thuyết cận
đại.
1.3.Cervantes và những nhà văn cùng thời đại
Văn học thời kỳ Cervantes đã khái quát những hiện tượng của đời sống và
các nhà nhân văn đã phản ánh trong tác phẩm của mình cuộc đấu tranh bi thảm,
hết sức căng thẳng về tâm lý của con người hành động nhân đạo chống lại chế độ
tư sản xa lạ. Có thể thấy rằng, thời đại của Cervantes là thời kỳ phân hóa của cơ
cấu phong kiến cũ và thời kỳ đặt nền móng cho cơ cấu mới, tư bản chủ nghĩa.
Sechxpia, Rable , Cervantes, Dantơ, Bôcatxiô, Lôpơ đơ Vega,…thực là những
thiên tài, những “người khổng lồ” của nghệ thuật ngôn từ thời đại Phục hưng với
tinh thần phản phong, chống thần quyền, ca ngợi tình yêu cuộc sống, khẳng định
hạnh phúc trần thế, đặt niềm tin vào lý trí con người và tương lai nhân loại. Các
nhà nhân văn này- những con người của nền văn hóa mới, nhận thức ý niệm tự do
như là biểu trưng chủ yếu của thời đại mình, như là thành quả quý báu nhất của
con người, giải phóng họ khỏi ách áp bức trước kia và tạo cho họ khả năng khẳng
định cá nhân mình.
1.4. Tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”-tín hiệu khủng hoảng của tinh
thần nhân văn chủ nghĩa.
1.4.1. Bi kịch của Sechxpia- nỗi thất vọng trước thực tại xã hội buổi giao thời
Thời kỳ Phục hưng xét ở góc độ xã hội- kinh tế còn gọi là “giai đoạn tích lũy
tư bản nguyên thủy”. Quá trình tích lũy tư bản nguyên thủy được biểu hiện trong sự
tước đoạt phương tiện và công cụ sản xuất của quần chúng lao động thành thị và nông
thôn; trong các thành phố cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp chế biến đã



6
6
diễn ra việc các nhà tiểu sản xuất trở thành những người công nhân làm thuê, và trong
nông thôn thì sự chiếm hữu đất đai trên quy mô lớn được tiến hành bằng con đường
cướp đoạt đất đai công xã và làm cho người nông dân bị vô sản hóa hoàn toàn, biến
thành những kẻ cố nông hoặc những kẻ lang thang nghèo khổ.
Giống như Cervantes, sinh ra và lớn lên trong thời đại giao thời khi mà cái
cũ chưa mất đi hẳn và cái mới còn đang manh nha, Sechxpia cũng thể hiện rất rõ
nỗi thất vọng của thời đại còn đang tranh sáng, tranh tối. Sự gặp gỡ của nhà tiểu
thuyết và nhà soạn kịch tài ba này là qua những sáng tác của họ, độc giả có một cái
nhìn toàn cảnh về xã hội đương thời. Người đọc bị mê hoặc, chờ đợi những đứa
con tinh thần của họ bởi qua ngòi bút của hai văn hào họ được sống thực với con
người của mình, được cười được khóc vì nhân vật, vì bản thân cao hơn là vì chính
xã hội.
1.4.2.Tiểu thuyết Don Qujote- sự đổ vỡ xuất phát từ xung đột lý tưởng nhân
văn chủ nghĩa và thực tại tư sản hóa.
Thời của Cervantes là thời kỳ chế độ phong kiến trên miệng hố diệt
vong. Chính sách võ lực được coi là chính sách chủ đạo trong đường lối điều
hành xã hội. Nhân dân Tây-Ban-Nha ngày đêm rền rĩ dưới chế độ thuế khóa,
tạp dịch và quân vụ ngày càng nặng. Điều đó đã dẫn đến những tính cách cực
đoan về mọi mặt ở xã hội Tây-Ban-Nha thế kỷ XVI. Cậu thanh niên Cervantes
đã nhìn thấy khá nhiều khía cạnh của đời sống nhân dân đang kịch liệt biến
động giữa lúc giao thời. Đời sống của Cervantes cũng là hình ảnh của thời đại.
Sinh ra trong một thời đại đầy rẫy những bất công, cuộc đời trải qua bao bất
hạnh nên trong sáng tác của mình, Cervantes vừa phản ánh hiện thực xã hội và
khát vọng cải tạo hiện thực. Tuy nhiên, hiện thực mâu thuẫn với khát vọng đã
dẫn tới bi kịch. Qua câu chuyện về nhà kị sĩ Don Qujote, Cervantes vẽ lên một
cách đậm nét sự tuyệt vọng của nhà văn trước cảnh đời, mong muốn cứu đời
mà bất thành.

Mâu thuẫn ở đây chính là mâu thuẫn giữa ảo tưởng và hiện thực, giữa
tưởng tượng, chủ quan với thực tế khách quan. Tấn bi hài kịch của Don Qujote
cũng là tấn bi hài kịch của con người rất thông thái, say mê với sách vở, ham suy
nghĩ nhưng không hề biết đến thực tế. Trước hết, Don Qujote chỉ biết có một thế
giới chủ quan, chỉ quyến luyến với ảo ảnh của thời kỳ đã qua, của một chế độ


7
7
không còn lý do để tồn tại nữa. Lý do chính đã làm cho xã hội suy đồi, hư hỏng,
thì Don Qujote chưa hề nhìn thấy. Don Qujote đã tranh đấu nhiều nhưng Don
Qujote không hề bám chân lên mặt đất thực tế mà tranh đấu. Don Qujote không hề
kiểm điểm lực lượng của mình, của địch trước khi ra trận và điều đó đã dẫn tới
việc thất bại nhiều lần. Sau một lần thất bại cũng không hề thấy lý do chân chính
của sự thất bại, mà chỉ đổ trút trách nhiệm vào những lực lượng thần bí, hoang
đường, những lũ ác ma, quỷ sứ mà thôi. Rút cục chỉ có một con đường, là con
đường hủy diệt bởi chàng không hề nhìn thấy phương hướng diễn tiến của lịch sử.
Bộ mặt Don Qujote vừa đáng cười lại vừa đáng thương. Đó là nụ cười đầy chua
xót, chua chát của Cervantes trước thực tại xã hội đầy rẫy những bất công và cái
tôi nhỏ bé của mình với những khao khát, kỳ vọng nhưng không thành.

Chương2. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ- TƯ TƯỞNG CỦA TIỂU THUYẾT
“TRUYỆN NHÀ KỴ SĨ DON QUJOTE”
2.1. Don Qujote hình tượng sống động về một thời đại
Hình tượng toàn tác phẩm Don Qujote là hình tượng một đất nước Tây-
Ban-Nha thời Phục hưng trên con đường tư sản hóa. Với tiểu thuyết này, nhà văn
đã để lại trong kho tàng văn học thế giới một bức tranh sinh động về thực tại đời
sống Phục hưng Tây Âu. Đó cũng là hình ảnh một dân tộc đang ráo riết chống
phong kiến, chống thần quyền, một dân tộc đi tìm tự do.
Về phương diện kinh tế, nếp sống của Don Qujote cũng như của nhiều nhân

vật khác là có ý nghĩa đại biểu cho cả một giai tầng: giai tầng phong kiến nông
thôn. Tài chính nhà nước đang lâm vào tình cảnh nguy ngập. Trật tự xã hội trong
“Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote” cũng đã bắt đầu kém vẻ tôn nghiêm.
Từ chỗ phơi bày bộ mặt thật của chế độ vua chúa Tây-Ban-Nha, tập
“Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote” là một tác phẩm hiện thực phê phán đối với
chính sách của vua chúa Tây-Ban-Nha. Qua truyện, độc giả còn có thể nhận
thấy bức tranh về đời sống văn hóa của thời đại. Nhân dân Tây-Ban-Nha dưới
thời kỳ văn hóa Phục hưng đã bắt đầu cảm thấy ít nhiều hứng thú về văn học.
Các quán trọ rải rác trên con đường ngao du của nhà kỵ sĩ Don Qujote, đã có
những “tủ sách” để cung cấp cho những khách hàng trú ngụ.


8
8
Ở một khía cạnh sâu xa, “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote” còn phản ánh được
thực chất của công cụ mà chế độ phong kiến sử dụng đó là pháp luật. Pháp luật
của xã hội ấy mang những nét thần thánh. Bức tranh sinh động về đời sống Phục
hưng Tây Âu cũng như hình ảnh của một dân tộc ráo riết chống phong kiến, thần
quyền, đi tìm tự do còn được phản ánh khá rõ nét khi mà “Truyện nhà kỵ sĩ Don
Qujote”” đã dành cho vấn đề phụ nữ, vấn đề luân lý gia đình, vấn đề tình yêu nam
nữ một địa vị khá quan trọng. Nhiều mẩu chuyện nhỏ trong cuốn truyện chứng tỏ
sự mâu thuẫn gay gắt giữa luân lý phong kiến với yêu cầu giải phóng của con
người mới.
Có thể thấy rằng, qua những chuyến phiêu lưu mạo hiểm của chàng hiệp
sỹ Don Qujote đi tìm công bằng xã hội thì cả một xã hội Tây-Ban-Nha được
hiện lên trong một “chiếc áo nửa mùa” khi mà chế độ phong kiến đang trên
đường diệt vong cùng với những mặt tha hóa của chế độ mới đang hình thành.
Qua hình tượng nhân vật Don Qujote, độc giả nhìn thấu toàn cảnh xã hội, kinh
tế, chính trị Tây-Ban-Nha và đi liền với quy luật vận động tất yếu đó là những
cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến, chống thần quyền, đi tìm tự do.

Quang cảnh đất nước Tây-Ban-Nha với những làng mạc, phố phường, chợ búa,
quán trọ đã được ngòi bút của Cervantes làm hiện lên rất mực sinh động. Mấy
trăm nhân vật đại diện cho đủ mọi tầng lớp đã hoạt động trong bối cảnh rộng lớn
đó. Từ quý tộc, tăng lữ, thị dân, nông dân, lái buôn, chủ quán, người làm công, ả
gái điếm, bọn cướp đường cho đến anh sinh viên nghèo, bác thợ cạo, người làm
trò ảo thuật,…hầu như không một loại người nào vắng mặt trong tác phẩm. Tình
trạng áp bức bất công, giàu nghèo trái ngược, các tệ nạn xã hội như trộm cướp, đĩ
điếm bị phơi trần. Mặt khác, tác giả còn cho thấy những lực lượng mới đang lên,
những tư tưởng mời đòi cải cách, đòi giải phóng cho cá nhân con người đang bùng
dậy đòi hỏi cải tạo xã hội, hướng tới một trật tự xã hội mới công bằng và tốt đẹp
hơn.
2.2. Nỗi thất vọng và sự suy xụp của chủ nghĩa lạc quan nhân văn.
2. 2.1. Tiếng cười chua chát trong “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”
Hình tượng người kỵ sĩ già Don Qujote là tiếng cười chua chát của nhà văn
Cervantes trước thực tế đời sống đất nước đồng thời thể hiện những rạn nứt trong
tư tưởng của nhà văn về một chủ nghĩa nhân văn cao cả. Don Qujote là nhân vật


9
9
gửi gắm những tâm sự sâu kín của Cervantes trước cuộc đời qua tiếng cười đầy
chua chát và xót xa.Don Qujot e đã trải qua nhiều thất bại đau đớn. Ngay cả bước
đường đi tìm ý trung nhân thì bà chúa Duyn-xi-ne-a trong thực tế chỉ là một chị
dân quê rất đồ sộ, rất mập mạp, da chì, mặt bủng, ăn nói sỗ sàng và rất dồi dào về
món hôi nách.
Don Qujote điên, nhưng nhiều khi hành động của chàng vẫn có một ý nghĩa
cao quý, vẫn bộc lộ tâm hồn giàu tình cảm, sẵn sàng hy sinh cho chính nghĩa. Qua
hơn một trăm chương sách, độc giả đã nghe nhà kỵ sĩ nói chuyện cùng đủ mọi
hạng người, đủ mọi vấn đền, ái tình, luân lý, tôn giáo, giáo dục, văn học, nghệ
thuật, chính trị, quân sự. Những lúc ấy con người ấy không hề điên một chút nào,

mà là một khối óc bách khoa, một nhà hùng biện, học thức cao siêu, triết lý sâu
sắc. Tiếng cười chua chát vang lên từ cõi lòng bất lực của tác giả khi mà xã hội
huy hoàng xưa đã lùi vào quá khứ, chỉ còn lại những kẻ sống vô lương tâm với đầy
rẫy những bất công và ngang trái.
2.2.2. Sự đối lập của hai tính cách: chàng kị sỹ và người hầu Xan-chô Pan-xa.
Cặp thầy tớ này, với hai tính cách trái ngược, cực đoan, mà lại cùng nhau đi
miết trên một con đường “thám hiểm” dài như vậy, thì lẽ đương nhiên là họ sẽ có thể
cùng nhau nói rất nhiều câu tâm tình, và làm cùng nhau bao nhiêu việc dớ dẩn. Xan-
chô đã cùng đi một đoạn đường khá dài với Don Qujote. Xan-chô đã bao lần san sẻ
với ông chủ của mình những nỗi đắng cay và kết cục Xan-chô không hề thiệt thòi bởi
cậu có một tâm hồn vững chắc.
Đối lập với ông chủ của mình luôn mong muốn về một xã hội công bằng và
không ngần ngại xả thân vì chính nghĩa thì ở Xan-chô lại thể hiện những tính cách
tham lam, lắm lúc tục tằn, có khi giảo quyệt, ngoan cố và cũng có những ý nghĩ
không được nhân đạo cho lắm. Đó là sự mâu thuẫn trong nhân cách Xan-chô.
Trong hoàn cảnh xấu xa của xã hội, bác nông dân đó đã tiêm nhiễm được khá
nhiều tính xấu. Trước chữ danh lợi, trí phán đoán của Xan-chô không phải luôn
tỉnh táo.
Tất cả lương tri của Xan-chô không hề làm lung lạc được phần nào ảo
tưởng của Don Qujote. Nhưng từ đầu đến cuối câu chuyện, Xan-chô vẫn là hình
tượng đối chiếu để nhắc nhủ cho Don Qujote biết rằng: sự thực là sự thực, và một
ảo tưởng chỉ là một ảo tưởng. Cho nên cối xay gió không phải là lũ tướng khổng


10
10
lồ; quán trọ rách nát bên đường không phải là cung điện; bầy cừu, bầy bò không
phải là những đội quân của quỷ; cái chậu thau của ông lang không phải là chiếc
mũ của một hiệp sĩ; cô Duyn-xi-ne-a vốn chỉ là một mụ chăn bò xấu xí, thô kệch,
phàm phu chứ không phải là một tình nương để chàng tôn thờ; cuộc sống không

phải là để khổ hạnh, để tìm những nguy hiểm vô nghĩa.
Có thể thấy, hình ảnh của Xan-chô chính là sự tương phản với hình ảnh
Don Qujote. Tương phản từ hình thể đến tâm hồn, nhưng tương phản mà không
đối lập, vì hai bên vừa làm sáng tỏ tính cách của nhau, vừa chịu ảnh hưởng lẫn
nhau. Nét nổi bật của tính cách Xan-chô là đầu óc thực tế, lành mạnh và rõ ràng là
tương phản với nét chủ yếu trong tính cách Don Qujote là điên rồ, lấy tưởng tượng
chủ quan thay cho thực tế khách quan. Đặt hai tính cách đó bên nhau, Cervantes
muốn làm nổi rõ sự khác biệt giữa hai nhân vật. Hai tính cách trái ngược nhau
nhưng lại làm cho hai con người trở thành đôi bạn thân thiết bởi hai bên có chịu
ảnh hưởng của nhau. Nhờ sự can ngăn, khuyên nhủ của Xan-chô mà cuối cùng
Don Qujote đã tỉnh ngộ và ngược lại, quá trình gần gũi Don Qujote, Xan-chô thêm
giàu lòng yêu thương người, yêu tự do, công bằng và chính nghĩa.
2.2.3. Cuộc chiến trường kỳ và tuyệt vọng của chàng kị sỹ Don Qujote
Trong phần đầu, Don Qujote còn nắm vững được quyền chủ động. Don
Qujote mang theo khiên, mộc, giáo gỉ ra đi là vì điên rồ, nhưng trong hai lần đi
đầu tiên, sự quyết định có thể nói là do tự ý của nhà kỵ sĩ. Người đọc nhận ra rằng:
mặc dù các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đều là chuyện tình cờ, thì Don Qujote vẫn là vai
chủ động. Qua những màn kịch liệt nhất, như câu chuyện nhà kỵ sĩ đi tìm một
hang đá cao chót vót để mà sám hối trước hình ảnh người yêu cũng vậy, sáng kiến
vẫn là của Don Qujote. Nhưng đến phần hai, khi Don Qujote ra đi lần thứ ba, thì
động cơ chỉ là do xúc động, do nỗi tự ái trước sự khiêu khích của một người ngoài
cuộc. Mặc dù rồi đây Don Qujote sẽ thắng trận trong cuộc đấu lần thứ nhất, có thể
nói là trong lần xuất mã thứ ba này, hành động của Don Qujote đã hoàn toàn bị sự
chi phối của địch thủ cao tay là cậu tú tài Samson Carrasco. Kết cục, trải qua biết
bao sự kiện, bao cuộc chiến đấu là thất bại chồng chất thất bại. Đó là kết quả của
một quá trình diễn biến rất biện chứng của một tâm trạng. Trong thiên tiểu
thuyết này, Don Qujote ra đi ba lần. Cả một nhân quần vô tình tập hợp lại xung quanh


11

11
họ để mà đón chờ, lừa gạt, chế giễu, hành hạ cái xác thịt gầy còm, và tâm hồn gàn dở
nhưng cũng rất can đảm của nhà kỵ sĩ lỗi thời.
Đau đớn về thân xác bởi liên tiếp chàng nhận những thất bại này tới thất bại
khác. Cervantes còn khiến người đọc đau đớn về tinh thần bởi con đường Don
Qujote đang đi là con đường của sự tuyệt vọng. Chàng đi tìm chính nghĩa, đấu
tranh vì chính nghĩa, tìm lại thời đại huy hoàng chỉ có trong sách vở nên chàng trở
nên lạc lõng và rồi dẫn tới con đường diệt vong. Cái tuyệt vọng của chàng kỵ sĩ
cũng chính là nỗi tuyệt vọng của nhà văn trên con đường tìm ánh sáng của thời đại
Phục hưng.
2. 3.Don Qujote- một ký thác và biểu tượng của niềm tin xa xôi
2. 3.1. Khát vọng giải phóng con người và mơ ước về một xã hội lý tưởng của
Cervantes.
Có thể nói, Don Qujote là một hình tượng độc đáo, đặc sắc bậc nhất trong
văn học Phục hưng Châu Âu. Don Qujote có thể coi là nhân vật tư tưởng của
Cervantes. Thông qua hình tượng chàng hiệp sĩ lang thang đi tìm kiếm những
truyện phưu lưu mạo hiểm, Cervantes nói lên những quan điểm của mình và của
thời đại về tất cả các vấn đề trong xã hội, đặc biệt là các vấn đề nhân sinh. Với
hình tượng văn học độc nhất vô nhị này, Cervantes đã tố cáo xã hội Tây-Ban-Nha
đầy rẫy những bất công mà chính bản thân ông và con người phải chịu đựng. Qua
đó thể hiện khát vọng của bản thân Cervantes và của những con người thời đại
mới về một xã hội công bằng lý tưởng.
Yêu chính nghĩa và đạo đức là nét đẹp nổi bật nhất ở Don Qujote. Chính vì
ước mơ một xã hội công bằng, một xã hội lý tưởng mà Don Qujote đã ra đi. Động
cơ làm hiệp sĩ giang hồ của chàng xét một cách nghiêm túc, thật cao đẹp và đáng
trân trọng.
Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Cervantes đã đề cập đến nhiều vấn đề xã
hội. Vấn đề quyền tự do của con người là một trong những vấn đề cơ bản của chủ
nghĩa nhân văn thời Phục hưng. Nó liên quan đến sự giải phóng cá nhân con
người. Thông qua những việc làm ngớ ngẩn đến điên rồ của Don Qujote,

Cervantes muốn gửi thông điệp của thời đại mình đến với người đọc rằng: tự do là
điều đáng quý nhất trong cuộc đời con người.


12
12
Yêu chính nghĩa và đạo đức là nét bản chất của Don Qujote. Chàng chiến
đấu vì tự do, bình đẳng của con người, luôn muốn khôi phục lại công lý và lẽ phải
cho đời và đạo đức sống cho người. Đó là một nhân cách cao thượng và rất đáng
khâm phục, ca ngợi. Don Qujote đã hành động và hy sinh cho những giá tri tinh
thần cao quý đó.
2.3.2. Niềm tin của chàng hiệp sĩ.
Có thể nói, Don Qujote là hiện thân của đức tin. Chàng sống bằng đức tin
bất di, bất dịch là sẽ lập được những chiến công huy hoàng, mà theo đó, mọi điều
xấu xa và mọi kẻ xấu xa sẽ biến mất và nhường chỗ cho cái tốt đẹp, công bằng và
hạnh phúc.
Nhà kỵ sĩ để lại cho chúng ta một bài học quý báu. Đó là niềm tin, nghị lực,
lòng lạc quan của con người trước những thử thách trong cuộc sống. Dù cuộc đời
có làm ta phải trăm nghìn lần thất bại thì ta vẫn hãy sống thật mạnh mẽ và sống
bằng hy vọng chính là liều thuốc xua tan những khó khăn trong cuộc sống và
hướng con người đến chân trời mơ ước.
2. 3.3.Xan-chô- tín hiệu của một lối sống mới.
Xan-chô luôn mang trong huyết quản của mình bản chất của người nông
dân chất phác, hồn nhiên, thực tế. Trên suốt cuộc hành trình với chủ, thường thì
Xan-chô giữ được phẩm chất đáng quý và trong sạch đó. Chính nhờ vậy mà cuối
cùng bác đạt được mục đích hoặc còn có thể nói rằng bác là người chiến thắng.
Bác trở về có tiền, có của trao cho vợ và có thêm được những đức tính tốt mà Don
Qujote đã bồi dưỡng cho: lòng yêu tự do, công bằng, chính nghĩa, lòng yêu thương
con người,…
Khác với ông chủ của mình- một con người sống với thời đại huy hoàng

trong quá khứ thì Xan-chô lại là một điển hình của con người tiểu tư hữu, tiêm
nhiễm những thói xấu của thời đại tích lũy nguyên thủy tư bản chủ nghĩa, tham
lam, ranh mãnh, tính toán, nhằm mục đích làm giàu bằng những thủ đoạn chẳng
lấy gì làm trong sạch. Ra đi vì những lời hứa hẹn đầy cám giỗ của Don Qujote là
được làm tổng trấn và sẽ có được quyền lực trong tay và thậm chí có những lúc
bác đã nghĩ tới cách buôn nô lệ da đen nếu Don Qujote cho bác được làm vua ở
Châu Phi. Cái lương tri lành mạnh, cái bản chất lương thiện của người nông dân
đã kìm hãm tư tưởng chạy theo tiền tài danh vọng của bác.


13
13
Xan-chô chính là điển hình cho người nông dân thế kỷ XVI Tây Âu. Chế
độ phong kiến tan rã đã mở cho người mới cả một chân trời đầy hy vọng, đầy tham
vọng. Xan-chô dạn bước trên đường. Cử chỉ, tư thế của bác còn bỡ ngỡ, lắm lúc lố
bịch, buồn cười. Đầu óc Xan-chô cũng chưa gột sạch những tàn tích tâm lý do chế
độ cũ để lại. Xan-chô ra đi, mấy tháng sau lại trở về “không giàu lắm, và lại còn
mấy lần bị dần nhừ xương”. Nhưng điều chắc chắn là Xan-chô đã vĩnh viễn thoát
khỏi hẳn thân phận người nông nô dưới chế độ phong kiến mù quáng, thối nát.

Chương3. GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU THUYẾT “TRUYỆN NHÀ
KỴ SĨ DON QUJOTE”
3.1. “Truyện hiệp sĩ trứ danh Don Qujote thuộc dòng Hi-đan-đô xứ Măng-
sơ”- Lối kết cấu khai sinh cho tiểu thuyết hiện đại
3.1.1. Khái niệm roman và tiểu thuyết phiêu lưu trinh thám châu Âu trung cổ
Những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm thời Hy Lạp cổ, là những cuốn
tiểu thuyết mang tính chất phiêu lưu, mạo hiểm, được xây dựng phỏng theo một sơ
đồ cốt truyện duy nhất. Các nhân vật chịu sự chi phối của những lực lượng có sức
mạnh không gì cưỡng lại nổi, khiến họ rơi vào vực thẳm của những tai họa và đớn
đau.

Chủ nghĩa lãng mạn lộ ra một cách đặc biệt trong thời kỳ quá độ của sự
phát triển loài người khi mà nếp sống được thần thánh hóa nhờ các truyền thống
đã sụp đổ và khi cái mới mà dáng nét còn chưa rõ ràng đã xuất hiện trước xã hội.
Trong sáng tác của mình, các nhà lãng mạn phản ánh những tâm trạng, những ước
mong, những xao xuyến tràn ngập tâm hồn con người trong những bước ngoặt lịch
sử. Những nhà lãng mạn thường nhấc bổng nhân vật của mình ra khỏi những mối
liên hệ và mối quan hệ lịch sử xã hội cụ thể. Do vậy, căn bệnh mà nhân dân Tây-Ban-
Nha mắc phải là một căn bệnh về tinh thần, bị tiêm nhiễm bởi những cuốn tiểu thuyết bùa mê
ru ngủ và Cervantes đã tự đặt lên vai mình một sứ mệnh cao cả và không kém phần gian nan.
Nhưng bằng tài năng của mình trên cái nền của sự trải nghiệm cuộc đời ông đã chữa trị một
cách tài tình căn bệnh mà nhân dân mắc phải qua những tiếng cười sảng khoái mà không kém
phần sâu cay vang lên từ thiên truyện về chàng hiệp sĩ cuối mùa Don Qujote. Đó là sứ mệnh
cải tạo triệt để và xây dựng mới một hệ thống thi pháp thể loại tiểu thuyết.



14
14
3.1.2. Tính chất giễu nhại (parodie) đầy sáng tạo trong chủ đề và kết cấu
Theo “Từ điển thuật ngữ”, nhại “là một thể văn châm biếm dùng sự bắt
chước để chế giễu một tác phẩm hoặc một trào lưu nghệ thuật nào đó. Phương tiện
chủ yếu của nhại là dùng sự bắt chước phong cách”. Trong tiểu thuyết ta bắt gặp
nhiều hình thức nhại của Cervantes nhằm “chĩa ngòi bút” vào các sách kiếm hiệp, một
lối văn thịnh hành, thống trị ở Tây-Ban-Nha lúc bấy giờ và đã gây ra những tác hại
khôn lường đối với tâm hồn độc giả.
Điều thấy rõ nhất là Cervantes đã nhại lại các sách kiếm hiệp thể hiện
thông qua hình tượng Don Qujote. Nhân vật chính trong những sách kiếm
hiệp thường là những vị vua, hoàng tử trẻ trung, phong độ có ngoại hình tuấn
tú. Trong Don Qujote nhân vật của Cervantes cũng là một trang hiệp sĩ, tuy
nhiên lại trái ngược hoàn toàn với các hình tượng hiệp sĩ trước đó. Trước tiên

về nguồn gốc xuất thân, y là một quý tộc sa sút, tuổi tác cũng xấp xỉ ngũ tuần,
mặt mũi xương xẩu, thân hình cao lênh khênh, như một cây khô không còn
nhựa sống. Nói tóm lại là vừa già lại vừa xấu, nhưng tất cả những điều đó
dường như không thành vấn đề khi mà chàng quyết ra đi trở thành một trang
hiệp sĩ.
3.2. Giọng điệu trần thuật trong “Truyện hiệp sĩ trứ danh Don Qujote thuộc
dòng Hi-Đan-Gô người xứ Măng-Sơ"
3.2.1. Giọng kể trào lộng, châm biếm
Cervantes có thể coi là nhà văn đã tạo nên cuộc cách mạng trong tư tưởng,
trong lối hành văn của các nhà văn đương thời. Cervantes có nói trong lời tựa cuốn
tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ Don Qujote”: Ông muốn tác phẩm này từ đầu đến
cuối phải là một lời thóa mạ dài đối với “tiểu thuyết hiệp sĩ”. Chính vì từ mục đích
sáng tác đó, người đọc có thể thấy ở cuốn tiểu thuyết này một giọng điệu vừa cười
cợt vừa nghiêm túc theo thể loại “trào phúng theo lối Menippos” trong cuốn “Lí
luận và thi pháp tiểu thuyết” mà Bakhin đã đề cập đến: “Trong cái thế giới bị
suồng sã hóa triệt để ấy, cốt truyện được cấu tạo hết sức tự do, hết sức huyễn hoặc:
từ trên trời rơi xuống cõi trần, từ cõi trần giáng xuống âm phủ, từ hiện tại lùi vào
quá khứ, từ quá khứ nhảy vọt vào tương lai.
Sau tiếng cười ấy, cuộc sống của nhân dân, tương lai của Tổ quốc đã được
đặt thành vấn đề đáng lo ngại. Cái tài của Cervantes là ông dùng tiếng cười như


15
15
một vũ khí sắc nhọn, làm thức tỉnh không chỉ về tư tưởng mà còn về trí tuệ. Nhiều
quan niệm mới mẻ về các vấn đề xã hội, tôn giáo, hôn nhân, gia đình, tình yêu và
hạnh phúc, văn học và nghệ thuật,…đã được tác giả khéo léo đưa vào tác phẩm
nhằm phổ biến và biểu dương những tư tưởng nhân văn chủ nghĩa tiên tiến của
thời đại.
3.2.2. Giọng điệu suồng sã, dân dã nhưng giàu tính chiến đấu

Giọng văn của ông luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà biến đổi: khi dí
dỏm bông đùa, khi trầm lắng suy tư, lúc từ tốn khoan thai, lúc sôi nổi thúc
giục. Giọng văn ấy, chất hài hước và cái ý vị trong ngôn ngữ ấy là những nét
độc đáo trong phong cách của Cervantes. Một số tên nhân vật trong cuốn
tiểu thuyết đã đi vào lịch sử văn học thế giới và đi vào cuộc sống, trở thành
những danh từ chung, khêu gợi và bao chứa nhiều lớp nghĩa biểu trưng. Don
Qujote trở thành tên gọi của những kẻ xa rời thực tế, chủ quan, bảo thủ. Việc
sử dụng những từ ngữ gần gũi, dung dị đã có tác dụng lớn trong việc tạo thêm “độ
vang” cho tiếng cười.
3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Tác giả đã khắc vào tâm hồn người đọc những ấn tượng sâu sắc và linh
động, chính là vì trong cuốn tiểu thuyết này nghệ thuật xây dựng nhân vật rất tinh
tường, chu đáo, mà trước hết được thể hiện qua lối đặc tả ngoại hình nhân vật Don
Qujote.
3.3.1. Lối đặc tả ngoại hình
Bằng ngòi bút đặc tả ngoại hình, bằng trí tuệ thông minh hài hước,
Cervantes đã khắc họa một bức chân dung “cười ra nước mắt” về chàng hiệp sĩ
ngây ngô vừa đáng giận vừa đáng yêu. Bên cạnh Don Qujote, bác giám mã Xan-
chô Pan-xa vừa lùn vừa mập, ngây thơ nhưng ranh mãnh, trên lưng con lừa thấp le
te. Xan-chô Pan-xa là một bác dân cày, trung hậu, hiền lành, nhưng đầu óc không
được nhiều chất thông minh cho lắm. Hai con người không chỉ đối lập về tính cách
mà còn đối lập cả về ngoại hình khiến cho bức chân dung về hai nhân vật càng
đậm nét hơn.
3.3.2.Tính cách bộc lộ bằng hành động
Thông qua miêu tả hành động nhân vật, Cervantes đã vận dụng rất tự nhiên
mọi tình tiết xa gần, lớn nhỏ, nghiêm túc có, bông đùa có và để từ đó làm nổi bật


16
16

tính cách của nhân vật Don Qujote. Hành động của chàng xuất phát từ những suy
nghĩ lúc như kẻ điên dại, có lúc như một nhà triết học, một vị cha sứ uyên bác.
Trải qua mỗi chương truyện, người đọc hiểu sâu sắc hơn về tính cách nhân vật.
3.3.3. Những khám phá trong thủ pháp miêu tả tâm lý
Trong 126 chương của cuốn tiểu thuyết, những tiết mục phiêu lưu của Don
Qujote được sắp xếp theo một trật tự rành mạch sáng sủa, tinh tế. Kết cấu điêu
luyện ấy gắn liền với sự vận dụng khá linh hoạt kỹ thuật “dòng ý thức” trong miêu
tả tâm lý nhân vật khiến cho bộ mặt của Don Qujote không hề gây nhàm chán mà
càng đọc càng cuốn hút. “Dòng ý thức” có thể xem là một thuật ngữ tổng quát,
nghĩa là tất cả những phương tiện đa dạng được nhà văn sử dụng để truyền tải
trạng thái, quá trình tâm lý tổng hợp của nhân vật.
Cervantes khi xây dựng nhân vật Don Qujote, có lẽ, ông cũng chưa có ý
thức rõ rệt về thủ pháp này. Tuy nhiên, dõi theo cuộc hành trình của Don Qujote đi
tìm công lý, trải qua trên một trăm chương truyện, người đọc bắt gặp thủ pháp này
như một nét độc đáo khiến cho bước chân của chàng kỵ sĩ không có một phút giây
ngừng nghỉ.
Thành công lớn của Cervantes trong miêu tả tâm lý nhân vật còn xuất
phát từ chỗ: ông đã đặt hai nhân vật tương phản Don Qujote và Xan- chô
luôn đi cạnh nhau. Hai tính cách đối lập nhau nhưng bổ sung và làm nổi bật
nhau lên qua những cuộc trò chuyện, qua những lần cãi vã giữa chủ và tớ.
3.3.4.Vấn đề tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình (hoàn cảnh rộng và
hoàn cảnh hẹp của nhân vật Don Qujote)
Cervantes đã dựng lại một bức tranh sinh động về xã hội Tây-Ban-Nha với
những màu sắc thật của địa phương, của thời đại. Tác giả đã đưa vào không gian
ấy hai trăm con người thuộc đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, từ lão chủ quán “giảo
quyệt” đến những cô gái quán trọ “nom cũng chẳng phải thiện nhân”, từ chàng
sinh viên Ghry-xô-xtôm si tình đến cô Ma-xê-la xinh đẹp và yêu tự do, từ gã lái la
độc ác đến tên chủ trại tham lam, cha xứ, bác phó cạo, bà quản gia, ông thầy tu,
lão chăn dê, viên cảnh sát, đám phạm nhân cùng một loạt những vương tôn công
tử, quan lại, nhà giàu…Đó là một xã hội Tây-Ban-Nha thu nhỏ.





17
17
3.4. Một tượng đài trong lịch sử vận động và phát triển của tiểu thuyết
Giá trị của tiểu thuyết không phải chỉ dừng lại ở bình diện nội dung phản
ánh cũng như bình diện xã hội - lịch sử trong phạm vi châu Âu, mà còn vươn tới
tầm khái quát triết học, có ý nghĩa phổ biến toàn nhân loại: Don Qujote là bài học
lớn về sự thích ứng của con người trước những diễn biến lớn lao của lịch sử, đồng
thời đó cũng là nhân vật biểu tượng cho những niềm đam mê lớn lao và khát vọng
lớn lao của con người về điều thiện, lẽ phải và sự công bằng.
Hơn nữa, giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết Don Qujote còn nằm ở chỗ: đây là tác
phẩm đánh dấu bước chuyển hóa quyết định của thể loại được gọi là roman –tiểu
thuyết, từ đó tạo ra sự chuyển biến về chất của văn xuôi tự sự và văn học nói
chung. Trước hết, giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết Don Qujote thể hiện chính ở sự
diễu nhại kết hợp với kế thừa thể loại tiểu thuyết hiệp sĩ.
Don Qujote xuất hiện như một trái bom phá tan những biên giới mỹ học đó.
Rất khó xếp nhân vật hiệp sĩ cuối mùa của Cervantes vào loại hình nhân vật tích
cực hay tiêu cực, tốt hay xấu, bi kịch hay hài kịch. Don Qujote là cả hai và là tất
cả. Chàng là một nhân vật dị thường, nực cười, một nhân vật hài kịch, nhưng cái
chết của chàng và cả cuộc đời là một tấn bi kịch lớn, phản ánh nỗi đau đớn và sự
đổ vỡ của niềm tin con người trước lý tưởng nhân văn cao đẹp. Ở chàng, ta vừa
thấy cái tầm thường, nhỏ nhoi của chàng quý tộc nông thôn lẫn ánh hào quang của
một nhân cách cao thượng. Ước mơ của chàng là ước mơ lớn của chủ nghĩa nhân
văn thời đại Phục hưng.

PHẦN KẾT LUẬN
Như vậy, qua việc nghiên cứu tìm hiểu về tiểu thuyết “Truyện nhà kỵ sĩ

Don Qujote” trên phương diện ý nghĩa lịch sử và giá trị nghệ thuật cho thấy:
1.Cervantes không chỉ làm phong phú thêm ngôn ngữ dân tộc, không
những góp sức vào việc giáo dục nhân dân về tư tưởng và nghệ thuật mà còn có
thể nâng cao tầm vóc của tác phẩm về phương diện văn hóa, văn học. Qua cuốn
tiểu thuyết đồ sộ với 126 chương, thế giới biết đến một tác phẩm văn học điển
hình của đất nước Tây-Ban-Nha, một pho nghệ thuật được xây dựng bằng tiếng
nói của nhân dân Tây-Ban-Nha thế kỷ XVI.


18
18
2. Hướng tới đối tượng là nhân dân Tây-Ban-Nha, tác phẩm đã đạt được
mục đích tranh đấu cho nhân dân trên một lập trường tiến bộ. Trước hết, có thể
thấy, đây là một tác phẩm hiện thực phê phán, phê phán những mặt thối nát của
xã hội.
3. Cuốn tiểu thuyết đồng thời cũng phản ánh được nhu cầu của thời đại.
Nó đã chỉ ra được rằng: khi kỹ thuật cận đại đã tìm ra thuốc nổ, đã chế tạo ra
súng thì lối vũ trang của nhà kỵ sĩ trung cổ chỉ là một vũ khí bất lực. Don
Qujote và con đường đi tìm công lý của chàng đã minh chứng cho sự bất lực
đó. Trong tâm hồn của Don Qujote có những ý tưởng nhân đạo đáng mến, đáng
trân trọng. Nhưng bao nhiêu tư tưởng đẹp đẽ nhất trong đầu óc uyên thâm nhất,
nếu không có một lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ trong quần chúng thì cũng chỉ
là những ảo tưởng.
4. Công trình nghiên cứu này như một sự khởi đầu cho việc nghiên cứu có
hệ thống hơn về những tiểu thuyết thời kỳ Phục hưng. Để hiểu và thấu rõ hơn về
những giá trị của từng tác phẩm, có lẽ sẽ cần nhiều hơn nữa những bài viết, công
trình nghiên cứu riêng, chuyên biệt về mỗi tác phẩm tiểu thuyết hoặc những vấn đề
cụ thể trong từng tiểu thuyết. Với kinh nghiệm nghiên cứu, chúng tôi đề xuất thêm
những vấn đề cần phải được mở rộng nghiên cứu về tiểu thuyết thời kỳ Phục hưng
để có thể định giá và khẳng định lại những giá trị của một thời kỳ văn học trong

tiến trình vận động và phát triển của văn học thế giới như: Chủ nghĩa nhân văn,
tiếng cười trào lộng, kết cấu, nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình,…
References.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ph.Awngghen-Biện chứng của tự nhiên-NXB chính trị Quốc gia,
1952,tr4)
2. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà
Nội,1999
3. Sáng tác của Rabel và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hung,
Phạm Vĩnh Cư lược thuật và giới thiệu, web:talawas.org (18.1.2005)
4. Phạm Vĩnh Cư, Sáng tác của Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ
và Phục hưng
5. Phạm Vĩnh Cư, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết,1992


19
19
6. Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Đức Nam,
Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Văn Chính, Phùng Văn Tửu, Văn học
phương Tây, NXBGD, 2005
7. Phương Lựu, Lí luận văn học, ĐHSP, năm 1988
8. Đặng Thai Mai, Trên đường học tập và nghiên cứu, NXBVN, Hà Nội-1969
9. Lưu Thu Phương, Kỹ thuật dòng ý thức trong “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo
Ninh) và “Ăn mày dĩ vãng” (Chu Lai), Khóa luận tốt nghiệp ĐH, 2010
10. Don Qujote nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, NXB văn học, tái bản 1983
11. M.B.Bakhin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ VHTT, Hà Nội-1992
12. G.N.Bôi-a-đgi-ep, Lịch sử sân khấu thế giới, tập 1, NXBVH, 1976
13. N.A.Gulaief, Lý luận văn học, NXBĐH& THCN,1982
14. Xô-phô-clơ, Ê-đip làm vua, NXBĐH&THCN, Hà Nội 1984
15. Tiểu thuyết “Đôn-ki-hô-tê nhà quý tộc tài ba xứ Man tra”, NXB Văn

học, tái bản, 2004

×