Tải bản đầy đủ (.pdf) (62 trang)

Cách đặt nhan đề tác phẩm trong truyện ngắn nguyễn huy thiệp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (587.26 KB, 62 trang )



TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA: NGỮ VĂN
********



TRẦN THỊ NGA




CÁCH ĐẶT NHAN ĐỀ
TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP


KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học


Người hướng dẫn khoa học
Th.S LÊ KIM NHUNG





HÀ NỘI - 2014

LỜI CẢM ƠN



Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong khoa Ngữ Văn trường Đại
học Sư phạm Hà Nội 2 đã tận tình giúp đỡ và tạo điều kiện cho em trong suốt
thời gian thực hiện khóa luận tốt nghiệp này. Đặc biệt em xin bày tỏ lòng biết
ơn sâu sắc tới cô Lê Kim Nhung đã tận tình hướng dẫn em trong suốt thời
gian vừa qua.
Do thời gian có hạn và bước đầu làm quen với công tác nghiên cứu
khoa học nên đề tài của em không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Vì
vậy rất mong nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung của thầy cô và bạn bè để đề
tài được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2014
Sinh viên


Trần Thị Nga










LỜI CAM ĐOAN

Khóa luận tốt nghiệp với đề tài nghiên cứu “Cách đặt nhan đề tác

phẩm trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” được hoàn thành do sự cố
gắng của bản thân, dưới sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Lê Kim Nhung.
Tôi xin cam đoan đề tài này là kết quả nghiên cứu của tôi và không
trùng với kết quả nghiên cứu của tác giả nào khác. Nếu sai, tôi xin chịu hoàn
toàn trách nhiệm.

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2014
Sinh viên


Trần Thị Nga














MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2

3. Mục đích nghiên cứu 7
4. Nhiệm vụ nghiên cứu 8
5. Phương pháp nghiên cứu. 8
6. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu. 8
7. Bố cục của khóa luận 9
NỘI DUNG 10
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN 10
1.1. Khái quát về phong cách học văn bản 10
1.1.1. Khái niệm 10
1.1.2. Đối tượng - nhiệm vụ nghiên cứu 10
1.2. Nhan đề văn bản 11
1.2.1. Khái niệm 11
1.2.2. Đặc điểm nhan đề tác phẩm 11
1.3. Vai trò định hướng giao tiếp của nhan đề văn bản 12
1.3.1. Tính định hướng trong giao tiếp của văn bản 12
1.3.2. Những chỉ dẫn của nhan đề của tác phẩm 13
1.4. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp 17
1.4.1. Cuộc đời 17
1.4.2. Sự nghiệp 17
1.4.3. Phong cách Nguyễn Huy Thiệp 18
CHƯƠNG 2. PHÂN TÍCH KẾT QUẢ KHẢO SÁT, THỐNG KÊ 21
2.1. Kết quả thống kê, phân loại 21
2.2. Nhận xét chung 21

2.3. Phân tích kết quả thống kê 23
2.3.1. Nhan đề là tên nhân vật trung tâm, nhân vật chính 23
2.3.2. Nhan đề là chi tiết, sự việc tiêu biểu trong tác phẩm 36
2.3.3. Nhan đề một từ ngữ thể hiệnthái độ, cách đánh giá của tác giả 42
2.3.4. Nhan đề là một từ ngữ, hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng 45
2.3.5. Nhan đề kết hợp nhiều yếu tố 50

KẾT LUẬN 55
TÀI LIỆU THAM

KHẢO





1
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Văn học phản ánh cuộc sống qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Đó
là cách cảm nhận về thế giới hiện thực của mỗi tác giả với những quan niệm
và thái độ khác nhau. Cho nên, khi nghiên cứu bất kì một tác phẩm văn học
nào, người nghiên cứu cũng không thể thoát ly khỏi yếu tố ngôn ngữ. Tiếp
cận tác phẩm từ góc độ ngôn ngữ do đó là một điều tất yếu. Khi sáng tác, nhà
văn bao giờ cũng đặt tên cho tác phẩm tinh thần của mình. Vì thế, nhan đề
chính là điểm tiếp xúc đầu tiên giữa độc giả và tác phẩm văn học.
Nhan đề có thể được đặt ngẫu nhiên nhưng phần lớn là có chủ ý, nhằm
thể hiện một dụng ý nghệ thuật nào đó của nhà văn. Tên tác phẩm tạo ấn
tượng ban đầu, tạo sự hấp dẫn, thu hút sự chú ý của bạn đọc. Nó gợi sự bí ẩn,
kích thích trí tò mò để đọc giả tìm hiểu tác phẩm nhằm lí giải được những băn
khoăn với nhan đề mà mình vừa đọc, từ đó suy ngẫm về nội dung tác phẩm.
Không chỉ tạo sự hấp dẫn, ấn tượng ban đầu, nhan đề còn làm nổi lên
chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nói khác đi, giữa nhan đề và nội dung có mối
quan hệ, chi phối nhau. Do đó, nhan đề cũng chính là căn cứ xác định sự
thống nhất, hoàn chỉnh của văn bản. Nó không chỉ nhằm nhận diện văn bản,
mà còn là một yếu tố giữ vai trò định hướng giao tiếp cho độc giả khi tiếp

nhận tác phẩm văn học.
1.2. Từ những năm 80, cái tên Nguyễn Huy Thiệp đã được biết đến trong
văn đàn và không lâu sau đó, ông đã trở thành một hiện tượng của văn học Việt
Nam đương đại. Đến với văn chương, Nguyễn Huy Thiệp đã làm một cuộc cách
mạng về ngữ âm, chữ viết và có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn sâu sắc như: Không
có vua, Tướng về hưu, Vàng lửa, Thương nhớ đồng quê Mặc dù còn nhiều
tranh cãi xoay quanh hiện tượng văn học này nhưng hầu hết mọi người đều
khẳng định ông là một “cây bút tài hoa” với một cách viết mới mẻ, độc đáo.
Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi đã chọn đề tài: “Cách đặt nhan
đề tác phẩm trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” để nghiên cứu.

2
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Nghiên cứu nhan đề tác phẩm văn học
Vấn đề nhan đề trong văn chương đã được các nhà nghiên cứu quan
tâm từ rất lâu và ở nhiều cấp độ khác nhau.
Khi xem xét “Tính toàn vẹn của văn bản”, tác giả Đinh Trọng Lạc
trong cuốn Phong cách học văn bản đã nhận định “Tính toàn vẹn của văn bản
được tạo dựng nên bởi sự tác động qua lại của những nhân tố cơ bản sau đây:
Tính đồng nhất của ý đồ giao tiếp của tác giả. Sự thống nhất chủ đề của văn
bản. Chức năng liên kết của quan hệ logic và của quan hệ ngữ nghĩa. Chức
năng liên kết của “hình tượng tác giả”. Vai trò liên kết của các kiểu đề xuất
khác nhau trong văn bản. Chức năng liên kết của phương tiện tu từ và các
biện pháp tu từ vốn được hiện thực hóa cùng một lúc trong giới hạn của một
đơn vị văn bản và toàn bộ văn bản nói chung. Sự thống nhất về kết cấu thể
loại”. Trong đó tác giả đặc biệt chú ý đến vai trò liên kết của “các kiểu đề
xuất” khác nhau trong văn bản. Bao gồm: các vị trí mạnh, nối tiếp, hội tụ, sự
chờ đợi hụt hẫng… Tác giả nhận thấy nhan đề tác phẩm cũng như đề từ, mở
đầu và kết thúc chính là một vị trí mạnh trong văn bản, có tác dụng quy định
nội dung tư tưởng và chủ đề của văn bản.

Vẫn trong Phong cách học văn bản, khi tìm hiểu tính định hướng trong
giao tiếp của văn bản, Đinh Trọng Lạc cũng nói tới “dấu hiệu đặc tả” trong đó
có đề cập tới những chỉ dẫn về đầu đề của tác phẩm. Tác giả quan niệm: “Đầu
đềlà một căn cứ để nhận ra tính toàn vẹn của một văn bản. Những văn bản
miệng thường không có đầu đề” [2,177-178], sau đó đưa ra một số ví dụ minh
họa. Trong các bài giảng về các biện pháp tu từ văn bản, Đinh Trọng Lạc
cũng có nói tới vấn đề đặt nhan đề. Ông cũng có nhắc tới vấn đề đặt nhan đề,
nội dung, ý nghĩa của một số nhan đề. Giáo sư cho rằng đặt nhan đề có vai trò
rất quan trọng, có loại nhan đề “đa trị” (nhiều nghĩa) và loại nhan đề “đơn

3
trị”. Ở nhan đề “đa trị”, người đọc phải đọc kĩ tác phẩm để hiểu nghĩa chính
hay cái mà tác giả muốn gửi gắm ở đây là gì. Ở nhan đề “đơn trị”, tác giả cho
rằng phải hiểu “lùi lại”, khi đọc xong tác phẩm phải suy nghĩ lại nhan đề tác
phẩm [4].
Giáo sư Hà Minh Đức trong Lý luận văn học đã quan niệm dấu hiệu về
chủ đề hay được bộc lộ qua tên gọi (nhan đề, đầu đề, tiêu đề) của tác phẩm.
Điều này có cơ sở ngay trong tâm lí sáng tạo của mỗi nhà văn, sao cho tên gọi
của mỗi tác phẩm có thể bao quát một cách cô đọng nhất toàn bộ hiện thực
được thể hiện.
Trong báo Văn nghệ, ở mục “Sổ tay người yêu thơ”, tác giả Bùi Mạnh
Nhị đã viết bài “Về nhan đề bài thơ”. Trong đó, ông dẫn ra một số cách đặt
nhan đề bài thơ và coi nhan đề là một chi tiết, một tín hiệu nghệ thuật mang
tính khái quát. Vì vậy, việc đặt nhan đề tác phẩm rất quan trọng [16,21].
Ở góc độ Ngữ pháp học, có nhiều khóa luận đã nghiên cứu về câu tiêu
đề và hiệu quả nghệ thuật của câu tiêu đề:
- “Tìm hiểu cách đặt câu tiêu đề trong các truyện ngắn của Nguyễn
Công Hoan” (tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình, năm 2009, trường ĐHSP Hà
Nội 2).
- “Cách đặt câu tiêu đề trong các truyện ngắn của Nam Cao” (tác giả

Đỗ Thị Thanh Hương, năm 2009, Trường ĐHSP Hà Nội 2).
- “Vai trò định hướng giao tiếp của nhan đề tác phẩm trong truyện
ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan” (tác giả Bùi Thị Dung, năm 2013,
Trường ĐHSP Hà Nội 2)…
Nhìn chung ở góc độ này hay khác, mỗi nhà nghiên cứu lại đưa ra những
vấn đề có liên quan đến nhan đề tác phẩm một cách khác nhau, song nhìn chung
một điểm là đều nhận thấy vị trí quan trọng của nhan đề, đều thấy nó chi phối
đến cách hiểu tác phẩm của người đọc. Có thể thấy các tác giả mới dừng lại ở

4
vấn đề lí thuyết khái quát mà chưa đi sâu tìm hiểu cách đặt nhan đề ở từng tác
giả cụ thể. Hay nếu có công trình nghiên cứu về nhan đề ở một tác giả cụ thể thì
cũng chỉ dừng lại ở góc độ Ngữ pháp học văn bản mà chưa đi sâu nghiên cứu
văn bản với vai trò định hướng giao tiếp của nhan đề tác phẩm.
2.2. Những công trình xoay quanh “hiện tượng” Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp được xem là một hiện tượng văn học đặc biệt trong
tiến trình đổi mới sau năm 1986. Nhiều bài viết về Nguyễn Huy Thiệp được
đăng báo với nhiều ý kiến khen chê. Mở đầu cho lời giới thiệu cho tác giả này,
trong cuốn Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 8) Phạm Xuân Nguyên viết:
“Nguyễn Huy Thiệp là một “hiện tượng” của văn học Việt Nam đổi mới cuối
thế kỉ XX, sáng tác của ông là một đỉnh điểm của văn học thời kì đổi mới”.
Nguyễn Huy Thiệp được đánh giá cao ngay từ tập truyện đầu tay
Những ngọn gió Tua Hát (viết năm 1986 gồm 10 truyện được viết dưới hình
thức giả cổ tích). Khi tác phẩm thứ hai Tướng về hưu được đăng trên báo
Văn nghệ số 20/06/1987, làn sóng dư luận trở nên xôn xao như một cơn lốc
tác động mạnh mẽ đến những độc giả quan tâm. Nhiều bài viết xoay quanh
tác phẩm này (Năm 1988, Trần Đạo có bài viết “Tướng về hưu một tác phẩm
có tính nghệ thuật” in trong sách Vẫy gọi nhau làm người; năm 1989, trên báo
Nhân dân Nguyễn Mạnh Đẩu viết bài “Đôi điều cảm nhận sau khi đọc truyện
và xem phim Tướng về hưu”; năm 1994, Đặng Anh Đào viết bài “Khi ông

“Tướng Về hưu” xuất hiện” in trong sách Tài năng và người thưởng thức. Đa
số đều công nhận đây là sản phẩm của một tài năng độc đáo. Tháng 4/1988,
chùm truyện lịch sử “Kiếm sắc - Vàng lửa - Phẩm tiết” ra đời thì dư luận
càng trở nên sôi nổi. Người khen cũng khen hết lời mà người chê cũng không
tiếc chữ. Tạ Ngọc Liễn trong bài báo viết về Nguyễn Huy Thiệp cho rằng tác
giả đã “bôi nhọ các anh hùng dân tộc”, một số người còn cho rằng Nguyễn
Huy Thiệp thiếu cái tâm trong sáng trong sáng tác. Ngược lại Nguyễn Diệp

5
nhân đọc Phẩm tiết thì cho rằng nhà văn đã “có bản lĩnh đi theo một con
đường sáng tác của mình”. Lại Nguyên Ân bênh vực tác giả với bài viết:
“Đọc văn phải khác đọc sử”, ông viết “Qua những Kiếm sắc, Vàng lửa, tôi
nghĩ anh có điểm nhấn riêng, theo kiểu văn học”. Đại đa số ý kiến cho rằng:
Văn của Nguyễn Huy Thiệp đã đi gần đến cảm quan văn học hậu hiện đại.
Các yếu tố huyền thoại trong những sáng tác của ông như một phương thức
phản ánh hiện thực và con người đương đại. Cái thực và cái ảo trộn lẫn với
nhau khó tách bạch như: Những ngọn gió Tua Hát, Con gái thủy thần, Chảy
đi sông ơi… Đặng Anh Đào tìm thấy chất thơ bay bổng trong Con gái thủy
thần là yếu tố huyền thoại với “bản thân huyền thoại thực sự bao giờ cũng là
một hệ thống chứ không phải một cốt truyện có đầu có đuôi” (bài viết “Từ
một nguyên tắc đa âm đến một số hiện tượng văn học Việt Nam”). Tính chất
đa thanh như một nguyên tắc chủ đạo trong tiểu thuyết hiện đại. Đọc Nguyễn
Huy Thiệp, Châu Minh Hùng phát biểu: “Nguyễn Huy Thiệp tạo ra nhiều
tiếng nói của nhiều quan điểm, tư thưởng khác nhau bên ngoài môi trường xã
hội để tạo ra cuộc đối thoại không khoan nhượng giữa các nhà văn” [6, 278].
Nếu như văn chương là một cuộc thám hiểm sức mạnh của ngôn ngữ
thì Nguyễn Huy Thiệp là một nhà thám hiểm đang đi vào tìm kiếm và khám
phá sức mạnh của ngôn từ. Lấy ngôn từ để diễn đạt tình ý, nhà văn đã “lạ
hóa” cách viết. Có thể nói “lạ hóa” là một nguyên tắc sáng tác chủ yếu trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Nguyên tắc này tạo nên dấu ấn hậu hiện đại ở

ngòi bút táo bạo này. Sự mới lạ trong lối diễn đạt, lẫn trong hình tượng nghệ
thuật là một trong số những nguyên nhân tạo nên hiện tượng Nguyễn Huy
Thiệp. Điều này có thể điểm qua một số bài viết sau: “Một số trường hợp đang
bàn cãi” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, đăng trên báo Văn nghệ số 36 - 37,
tháng 9 năm 1988; “Xung quanh sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp” của nhà
phê bình Hồng Diệu đăng trên báo Văn nghệ Quân đội số 14, 1988 (bài viết

6
đăng những ý kiến khác nhau trong cuộc phỏng vấn của tác giả với nhà văn
Bùi Hiển, Hồ Phương và Bùi Bình Thi); “Về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp”,
bài viết này trình bày một số ý kiến của Hội đồng lí luận phê bình của Hội nhà
văn và Viện văn học, đăng trên báo Văn nghệ Quân đội số 4, 1989; “Truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp vài cảm nghĩ” của Nguyễn Đăng Mạnh đăng trên báo
Cửa Việt số 16, 1992; “Nhà văn hiện đại Việt Nam - những giới hạn và sứ
mệnh” (suy nghĩ từ những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp) của Trần Toàn in
trong sách Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy. Từ những tác phẩm của
Nguyễn Huy Thiệp, tác giả bài viết đã nêu nên chân dung của nhà văn hiện
đại Việt Nam những năm sau đổi mới.
Đặc biệt đáng chú ý là một số hướng tiếp cận mới với truyện ngắn của
Nguyễn Huy Thiệp qua một số công trình, bài viết gần đây như:
- “Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” của Nguyễn
Thành Thi (Tạp chí nghiên cứu Văn học số 5/2010, in lại có bổ sung trong tập
tiểu luận phê bình của chính tác giả, Văn học - thế giới mở, Nxb Trẻ, 2010)
khẳng định trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có một ảnh hưởng hiện sinh
khá bao trùm.
- “Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp như một dụ ngôn về lịch sử và quá
trình viết lại lịch sử” của Phạm Ngọc Lan (Văn học, Phật giáo với 1000 năm
Thăng Long - Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin, 2010), vận dụng Đông phương
luận học để đọc truyện ngắn Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp.
Trên đây là một số bài viết, một vài nhận định tiêu biểu xung quanh

Nguyễn Huy Thiệp. Dù lên tiếng chỉ trích gay gắt nhưng không ai không thừa
nhận tài năng văn chương của cây bút truyện ngắn này. Nói như Nguyễn Hải
Hà và Nguyễn Thị Bình: “Hiện tượng Nguyễn Huy Thệp là sản phẩm tất yếu
của sự gặp gỡ tài năng với khát vọng dân chủ và đổi mới mà sự vận động ý
thức xã hội cũng như văn học sau 1975 đem lại” [14,545].

7
Ngoài ra cũng có thể kể đến một số khóa luận, luận văn nghiên cứu về
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như:
- “Ngôn ngữ hội thoại của nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp” (Đại học Vinh, 2002).
- “Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”
(Nguyễn Thành Nam, ĐHSP Hà Nội, 2006).
- “Thành ngữ, tục ngữ trong truyện ngắn nguyễn Huy Thiệp” (Đỗ Thị
Liên, ĐH Cần Thơ, 2007).
- “Tư duy tiểu thuyết trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” (Nguyễn
Mạnh Hà, 2009), tác giả đã phân tích và làm nổi bật tư duy tiểu thuyết trong
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
- “Đặc điểm lời văn trong truyện ngắn Nguyên Huy Thiệp” (Lê Thị
Nguyên Trong, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, 2011).
- “Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” (Bùi Đức
Thiện, 2012).
Như vậy, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu về đầu đề trong truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp thì vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào. Nếu có thì nó mới dừng
lại ở góc độ lí luận, khái quát, mà chưa đi sâu vào nghiên cứu cụ thể về vai trò
định hướng giao tiếp của nhan đề trong các truyên ngắn của ông.
Do đó, tiếp nối hướng nghiên cứu của các tác giả, đồng thời với mong
muốn nghiên cứu một cách có hệ thống đầy đủ hơn về vai trò của nhan đề tác
phẩm trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi lựa chọn đề tài:

“Cách đặt nhan đề tác phẩm trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”.
3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này chúng tôi xác định rõ một số mục đích như sau:
- Khẳng định, củng cố một vấn đề lí thuyết của ngôn ngữ học: Vấn đề
tính định hướng trong giao tiếp của nhan đề tác phẩm văn học.

8
- Góp phần khẳng định sự độc đáo trong phong cách nghệ thuật của
Nguyễn Huy Thiệp qua việc tìm hiểu cách đặt nhan đề trong tác phẩm.
- Góp phần nâng cao khả năng phân tích ngôn ngữ và cảm thụ tác phẩm
văn học của Nguyễn Huy Thiệp nói riêng và các tác phẩm văn học nói chung.
- Chuẩn bị tư liệu phục vụ cho quá trình giảng dạy văn học nói chung
và truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp nói riêng.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này chúng tôi xác định một số nhiệm vụ sau:
- Tập hợp các lí thuyết có liên quan đến đề tài.
- Khảo sát, thống kê, phân loại một số thủ pháp đặt nhan đề tác phẩm
trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ở giới hạn nghiên cứu.
- Phân tích, nhận xét, đánh giá các cách đặt nhan đề để rút ra kết luận về vai
trò định hướng giao tiếp của nhan đề tác phẩm khi tiếp nhận tác phẩm văn học.
5. Phương pháp nghiên cứu.
Để thực hiện đề tài này chúng tôi áp dụng một số phương pháp nghiên
cứu sau đây:
- Phương pháp thống kê, phân loại.
- Phương pháp phân tích, đánh giá, tổng hợp.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
6. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu.
6.1. Đối tượng nghiên cứu
Vai trò định hướng giao tiếp của nhan đề tác phẩm trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp.

6.2. Phạm vi nghiên cứu
Do giới hạn về thời gian và khuôn khổ của đề tài, khóa luận giới hạn
phạm vi nghiên cứu trong cuốn Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp do
Đỗ Hồng Hạnh tuyển chọn và hiệu đính năm 2005, Nxb Văn hóa, Sài Gòn.

9
7. Bố cục của khóa luận
Khóa luận gồm 3 phần:
- Mở đầu:
- Nội dung:
+ Chương 1: Cơ sở lí luận
+ Chương 2: Phân tích kết quả khảo sát, thống kê
- Kết luận




















10
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.1. Khái quát về phong cách học văn bản
1.1.1. Khái niệm
Phong cách học là một bộ môn trong ngành ngôn ngữ học nghiên cứu
những nguyên tắc lựa chọn, sử dụng tất cả những phương tiện dồi dào của
ngôn ngữ (bao gồm cả những đơn vị ngôn ngữ, cả những đơn vị giao tiếp tức
những văn bản phát ngôn), cũng như tất cả những biện pháp sử dụng đặc biệt
- tức những biện pháp tu từ để sự diễn đạt ngôn ngữ đạt được hiệu quả cao
nhất trong mọi lĩnh vực của hoạt động giao tiếp xã hội.
1.1.2. Đối tượng - nhiệm vụ nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của phong cách học văn bản là những vấn đề mà
ngôn ngữ học văn bản đặt ra. Nhiệm vụ nghiên cứu của phong cách học là cần
có một cách hiểu mới đối với văn bản vốn là một khái niệm cơ bản, quen
thuộc của phong cách học từ xưa tới nay. Sau đó, phong cách học cần xem xét
lại những khái niệm xuất phát của phong cách học và những khái niệm cơ sở
của phong cách học xem rằng những khái niệm này cần được hiểu lại, hiểu
rộng hơn như thế nào, trước sự xuất hiện của một đối tượng mới, có ý nghĩa
quan trọng hàng đầu: văn bản. Tiếp theo, phong cách học cần đi sâu nghiên
cứu các phạm trù cơ bản của văn bản để có thể rút ra những kết luận trong
việc sử dụng chúng nhằm mục đích tu từ, trên cơ sở đối lập tu từ học trong
cấu trúc nội tại.
Phong cách học vốn nghiên cứu trước hết chức năng giao tiếp của ngôn
ngữ thì văn bản là một trong những khái niệm cơ bản. Bởi vì hệ thống ngôn
ngữ trong quá trình giao tiếp chính là được hiện thực hóa trong các phát ngôn
(kiểu nói miệng của lời nói) hoặc trong các văn bản (kiểu viết của lời nói).


11
Văn bản xuất hiện với tư cách là một thể thống nhất phong cách học
ngôn ngữ, một khách thể phân tích phong cách độc lập. Chính vì văn bản
được đưa vào hệ thống các đơn vị có giá trị tu từ hoặc có giá trị tu từ tiềm
tàng như vậy, cho nên cần thiết phải tiến hành việc miêu tả văn bản từ quan
điểm các khái niệm xuất phát của phong cách học, cũng như việc nghiên cứu
các phạm trù cơ bản và những khả năng sử dụng chúng nhằm mục đích tu từ.
1.2. Nhan đề văn bản
1.2.1. Khái niệm
Nhan đề còn được gọi là đầu đề, tiêu đề, tựa đề… là tên gọi của văn
bản, là một bộ phận hợp thành của văn bản. Theo Từ điển tiếng Việt: “Đầu đề
là tên của một bài thơ, bài báo”. “Nhan đề là tên đặt cho một cuốn sách hoặc
một bài viết” [16]. Trong Lý luận văn học Giáo sư Hà Minh Đức lại định
nghĩa: “Nhan đề là dấu hiệu của chủ đề tác phẩm” [1].
Dấu hiệu của nhan đề: dòng chữ được đặt ở vị trí đầu văn bản, nó được
trình bày khác biệt với phần nội dung bởi cỡ chữ, kiểu chữ, màu chữ… Nhan
đề văn bản có tác dụng giới thiệu sơ bộ, khái quát và cô đọng nội dung văn
bản. Nhan đề cũng là một căn cứ để nhận ra sự hoàn chỉnh trong cả nội dung
và hình thức của văn bản.
1.2.2. Đặc điểm nhan đề tác phẩm
Trong cuộc sống, không chỉ văn bản mới có tên gọi nhiều sự vật, hiện
tượng trong tự nhiên và xã hội thông qua quá trình tìm hiểu và nhận thức của
con người đều mang cho mình một tên gọi. Khái niệm “tên gọi” được dùng
với nhiều thuật ngữ không giống nhau tùy thuộc vào đối tượng (đối với người
hay sự vật thì đó là “tên”, với cửa hiệu hay nhà cửa, đường phố… là “biểu
hiện”, đối với sản phẩm là “nhãn hiệu”, đối với các ấn phẩm thì đó là “nhan
đề”, “tiêu đề”, “tựa đề”…”). Các tên gọi khác nhau và nhan đề của văn bản có
điểm chung: đều có chức năng định danh và khu biệt. Nhưng giữa chúng cũng
khác nhau mấy điểm: tên (người, sự vật), biển hiệu, nhãn hiệu… là những tín


12
hiệu có tính võ đoán, tách rời, độc lập, còn nhan đề văn bản lại là một tín hiệu
có lý do, mang tính biểu trưng, mà tính biểu trưng theo F.Saussure “có một
đặc tính là không bao giờ hoàn toàn võ đoán, không phải một cái gì trống
rỗng”. Ngoài ra, các tên gọi khác chỉ là đại diện cho sự vật nằm ngoài văn
bản. Còn nhan đề được người viết đặt ra để gọi tên tác phẩm của mình - lại là
một tín hiệu đại diện cho văn bản, mà văn bản là một hệ thống tín hiệu (ngôn
ngữ) được tổ chức lại, nên nhan đề lại là “tín hiệu” của “tín hiệu”, một thứ
“siêu tín hiệu”. Vì thế giữa phần nhan đề và nội dung văn bản (cuốn sách, tài
liệu, bài hát, vở kịch…) có mối quan hệ chặt chẽ và tất yếu, hầu như ít mang
tính ngẫu nhiên, võ đoán như khởi thủy của các tên gọi khác. Trong thực tiễn,
dạng ngôn ngữ tồn tại bằng văn bản thì không phải văn bản nào cũng có nhan
đề. Đó là những trường hợp văn bản là một bài ca dao, dân ca, đồng dao, thậm
chí là một câu tục ngữ, châm ngôn hàm chứa một ý nghĩa súc tích tồn tại như
những văn bản độc lập. Những văn bản miệng thường không có đầu đề. Nếu
có chỉ trong những trường hợp như báo cáo tham luận miệng trong các hội
nghị người nói “thông báo” đầu đề ngay trong đoạn mở đầu văn bản của
mình… Nhưng đó là những trường hợp đặc biệt. Ở đây, chúng ta chỉ khảo sát
những trường hợp điển hình: văn bản có nhan đề.
Như vậy, có thể thấy, nhan đề vừa là tên gọi của văn bản (tức mang
chức năng của một đơn vị định danh), vừa chứa đựng nội dung khái quát, vừa
là đại diện vừa là đường viền của nội dung văn bản. Nhiều văn bản, nhan đề
chính là nội dung cô đúc, nén kín, “Tên gọi đặt ra cho văn bản không phải là
vô ích. Nó chứa đựng trong bản thân nó chủ đề quan trọng nhất. Nó định ra
toàn bộ cơ cấu truyện kể” [14,5].
1.3. Vai trò định hướng giao tiếp của nhan đề văn bản
1.3.1. Tính định hướng trong giao tiếp của văn bản
Tính định hướng trong giao tiếp là một trong những phạm trù quan
trọng nhất của văn bản nói chung, bởi vì khi tạo lập ra một văn bản tác giả

bao giờ cũng nhằm vào một nhóm người đọc nhất định. “Tính định hướng thể

13
hiện thông qua các yếu tố ngôn ngữ” (có thể là một từ, một câu, hoặc một
đoạn) cũng có thể thông qua cấu trúc bố cục văn bản. Những yếu tố đó có vai
trò định hướng trong quá trình tiếp nhận văn bản.
Trong Phong cách học văn bản, tác giả Đinh Trọng Lạc đã đưa ra một số
yếu tố có vai trò định hướng trong việc tiếp nhận văn bản mà tác giả gọi là
những “dấu hiệu đặc tả” (hay những “dấu ghi”) của văn bản nghệ thuật. Đó là
những “chỉ dẫn”: về nhà xuất bản, về loại sách, về tác giả, về tính chất của bút
danh tác giả, về cách đặt đầu đề, về tính chất của văn bản, về thể loại văn bản…
1.3.2. Những chỉ dẫn của nhan đề của tác phẩm
Một văn bản hoàn chỉnh là một văn bản phải có nhan đề, bởi vì nhan đề
có các chức năng hết sức quan trọng trong kết cấu - nội dung chung của văn
bản. Lâu nay, khi nghiên cứu về tác phẩm văn học nói chung người ta thường
ít chú ý đến tín hiệu này. Những văn bản miệng thường là không có nhan đề.
Nếu có chỉ trong trường hợp như các báo cáo tham luận miệng trong các hội
nghị người nói “thông báo” nhan đề ngay trong đoạn mở đầu văn bản của
mình. Trong những văn bản viết nhan đề được đặt theo những cách rất khác
nhau, theo từng thể loại văn bản, theo hứng thú người viết và cả theo thời
thượng của công chúng.
Nhan đề trong phong cách nghệ thuật thường đa dạng và phức tạp hơn
nhan đề ở các thể loại văn bản khác. Nhan đề có thể đặt theo đề tài như Chí
Phèo, hay đặt theo cảm xúc: Băn khoăn. Nhan đề có thể bộc lộ rõ chủ đề của
văn bản: Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Đi tìm bãi cá (Nguyễn Trinh),
Nhớ (Nguyễn Đình Thi), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)… Có loại nhan đề
không bộc lộ rõ trực tiếp chủ đề của văn bản mà có tình hàm ẩn. Nó đòi hỏi
người đọc phải tự giải mã qua lần tìm nội dung như: Đôi mắt (Nam Cao), Bão
(Tế Hanh), Hai nửa vần trăng (Hoàng Hữu), Tướng về hưu (Nguyễn Huy
Thiệp)…


14
Trong các dạng của sự biểu hiện nội dung mà nhan đề là đại diện ấy, ta
còn gặp loại nhan đề có ý nghĩa như một điểm tựa cho nội dung hoặc như một
đường viền giới hạn tác phẩm. Chẳng hạn Dưới bóng hoàng lan (Thạch Lam),
Hòn đất (Anh Đức)… Chính tính đại diện và dự báo ấy (tường minh hoặc
hàm ẩn) của nhan đề mà người đọc có thể nhận ra được dù ở dạng khái quát
nhất về đề tài, chủ đề quen thuộc của từng tác giả và những vấn đề trung tâm
của từng thời kì văn học. Quả thực nếu chỉ thống kê nhan đề của tác phẩm văn
học thì cũng có thể rút ra được nhiều điều về con người và thời đại.
Với người viết, qua nhan đề tác phẩm, bạn đọc có thể thấy những vùng
quen thuộc, sở trường của họ, chẳng hạn qua các truyện ngắn của Thạch Lam
(Hai đứa trẻ, Cô hàng xóm, Cái chân què…) có thể thấy “xúc cảm của nhà văn
thường bắt nguồn và nảy nở từ những chân cảm với người dân nghèo ở thành
thị và thôn quê” (Nguyễn Tuân). Với một dân tộc, nếu thử thống kê tên gọi tác
phẩm trong một giai đoạn nào đó, ta có thể hình dung được diện mạo của thời
kì văn học đó với những vấn đề nổi trội và căn bản nhất. Ví dụ, trước 1975, đề
tài chủ yếu của văn học nước ta thể hiện khá rõ qua nhan đề tiểu thuyết, thơ ca,
truyện kí… Chủ đề cảm hứng là đứng lên - cầm súng - ra trận - vào lửa - đánh
giặc như: Đất nước đúng lên (Nguyên Ngọc), Người mẹ cầm súng (Nguyễn
Thi), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Ra trận (Tố Hữu)… Giai
đoạn hiện nay, đề tài, chủ đề cơ bản nổi trội lại là cuộc sống với muôn mặt đời
thường của nó: Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Bến không chồng (Dương
Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nghuyễn Khắc Trường)…
Như vậy, giữa nhan đề và phần còn lại của văn bản, tức nội dung cụ thể
được phản ánh trong văn bản, có mối quan hệ hai chiều. Điều này giống như
I.R.Galperin đã nhận xét: Nhan đề gọi sự chú ý của bạn đọc vào điều bạn sẽ
trình bày trong quá trình đọc một văn bản. Thường đọc giả sẽ chú ý đến tên
gọi, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của nó và liên hệ với nội dung văn bản.Việc đặt


15
nhan đề cho văn bản không phải là tất yếu.Và tác dụng chủ yếu của nhan đề là
để nhận diện văn bản hơn là phản ánh hướng, đích và cấu trúc nội dung của
văn bản. Tuy nhiên, vấn đề sẽ rất khác nếu đề cập đến nhan đề trong tác phẩm
văn học.
Cái nhan đề (đầu đề, tiêu đề) của tác phẩm (thơ cũng như văn xuôi) là
một tín hiệu nghệ thuật mang tính khái quát. Với nhà văn, trong quá trình
sáng tác, đầu đề có thể đến trước, nhưng có khi bài thơ, bài văn thành hình hài
rồi nó mới xuất hiện. Còn người đọc thì tiếp xúc với tác phẩm bắt đầu từ cái
nhan đề đó.
Giáo sư Đinh Trọng Lạc nhận xét: “Tên bài thơ thường chứa đựng tứ
thơ của toàn bài. Nó đảm nhiệm vai trò tâm điểm của vòng tròn đồng tâm, từ
đó cảm xúc tỏa ra trở về hội tụ. Nó “hướng dẫn” người đọc trong quá trình
lĩnh hội tác phẩm. Nó đề lại cho người đọc những rung cảm và suy nghĩ sâu
sắc” [2,178]. Đầu đề bài thơ rất đa dạng. Mỗi dạng khơi gợi ở người đọc một
cách tiếp nhận, một lối rung cảm riêng. Có khi đầu đề là một cảm xúc vút lên
(Bác ơi - Tố Hữu, Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên), có
khi là một lời nhận xét, một hình tượng khái quát (Sự sống chẳng bao giờ
chán nản - Xuân Diệu, Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân), có khi là âm
vang của một ngọn núi, dòng sông, một địa danh (Núi đôi - Vũ Cao, Vàm Cỏ
Đông - Hoài Vũ) hoặc là những khúc hát (Bài ca chim Chơ rao - Thu Bồn,
Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)… Với văn xuôi
nghệ thuật, tác giả cho rằng: “Vai trò của nhan đề có tác dụng trong thủ pháp
dùng yếu tố hồi chỉ trong câu mở đầu […]. Những nhan đề thành công nhất
phải là những nhan đề chứa đựng được các chủ đề, tư tưởng - nghệ thuật của
tác phẩm. Nó đảm nhiệm vai trò điểm xuất phát và cũng là điểm kết thúc của
quá trình lĩnh hội tác phẩm. Trong quá trình này, người đọc thường xuyên làm
công việc liên hệ giữa các sự kiện, hiện tượng được tường thuật, miêu tả với

16

cái đầu đề vốn lúc đầu khơi gợi những cách hiểu, cảm khác nhau so với lúc
cuối” [2,182-183]. Trong khi đọc và sau khi đọc người ta luôn quay trở lại cái
nhan đề để điều chỉnh lại cách hiểu, để hiểu rõ hơn, chính xác hơn, sâu hơn
cái ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý: tùy thộc vào từng thể loại văn bản, sự gắn bó
khăng khít giữa nhan đề văn bản không có nghĩa nhan đề là một tấm biển cố
định. Một văn bản có thể có nhiều cách đặt nhan đề, lựa chọn nhan đề. Nhan đề
là sản phẩm mang tính chủ quan, tùy thuộc vào nội dung, sở thích, ý đồ của
người viết. Vì thế, các tác giả bao giờ cũng cố gắng tìm kiếm nhan đề phù hợp
nhất với nội dung. Nhiều văn bản có thể thay đổi nhan đề (Chí Phèo của Nam
Cao, Thân phận tình yêu của Bảo Ninh…). Về phía người đọc, có thể có những
đánh giá khác nhau về sự phù hợp với nội dung với đầu đề tác phẩm.
Có trường hợp nhan đề được đặt theo ngẫu hứng, tình cờ, nhưng nhìn
chung nhan đề không phải là tên gọi tùy tiện, ngẫu nhiên. Nhan đề cũng như
lời giới thiệu, lời tựa, lời bạt… trong kết cấu chung của cuốn sách. Có trình tự
nghĩa và độc lập tương đối. Mặt khác nó lại là một bộ phận của văn bản, là
một tín hiệu vừa mang tính khách quan: phụ thuộc liên đới trực tiếp vào nội
dung văn bản, vừa mang tính chủ quan: tùy thuộc vào ý đồ, sở thích, thị hiếu,
thẩm mĩ của người sáng tạo. Những mặt này liên quan đến thẩm mĩ, mặt
quảng cáo, khêu gợi của nhan đề. Đặt nhan đề là cả một suy nghĩ, thậm chí có
sự cân nhắc, lựa chọn công phu, là cả một nghệ thuật. Nhà văn Nga
C.Pauxtopxki thú nhận: “Ôi những cuộc tìm kiếm đầu đề cực nhọc, thường
xuyên, nghĩ ra đầu đề là một cái tài riêng. Có những người viết hay nhưng lại
không biết đặt tên cho tác phẩm của mình và ngược lại”. Nhan đề chính là tín
hiệu thẩm mĩ sáng chói nhất của tác phẩm nghệ thuật. Đó là dấu hiệu biểu
hiện tài nghệ kết cấu tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn của
người nghệ sĩ. Những tác phẩm nghệ thuật thành công đều chứng tỏ điều đó.

17
Ở góc độ nào, nhan đề cũng được chú ý, trong đó tính thẩm mĩ của nó

rất được coi trọng. Bởi vì, từ đặc điểm của mình, nhan đề có khả năng kích
thích mặt tích cực trong tâm lí của người đọc, khơi dậy trí tò mò ở độc giả.
Suy cho cùng, nhan đề là điểm xuất phát nhưng cũng là điểm kết thúc của quá
trình lĩnh hội tác phẩm văn học.
1.4. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp
1.4.1. Cuộc đời
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950, quê ở Thanh Trì,
Hà Nội. Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc
Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên Nông thôn và những người lao
động vì thế để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông. Ông
thường nói: “Mẹ tôi là nông dân còn tôi sinh ra ở nông thôn”. Nguyễn Huy
Thiệp chịu ảnh hưởng sự giáo dục chủ yếu của ông ngoại vốn là người am
hiểu Nho học và mẹ là người sùng đạo Phật. Năm 1960, ông cùng gia đình về
quê quán và định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ sinh sống.
Nguyễn Huy Thiệp là một bông hoa nở muộn trên văn đàn. Vài truyện
ngắn của ông xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt
Nam năm 1986. Chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài
nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông. Có người lên
án ông gay gắt, thậm chí coi văn chương của ông có những khuynh hướng
thấp hèn. Người khác lại hết lời ca ngợi ông và cho rằng ông có trách nhiệm
cao với cuộc sống hiện nay.
1.4.2. Sự nghiệp
Nguyễn Huy Thiệp viết cả kịch bản văn, phê bình văn học, tiểu thuyết
nhưng sở trường của ông là truyện ngắn. Truyện ngắn của ông có thể tạm
được phân loại như sau:
- Về lịch sử và văn học: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Nguyễn Thị
Lộ, Mưa Nhã Nam, Chút thoáng Xuân Hương.

18
- Truyện ngắn mang hơi hướng huyền thoại hoặc cổ tích: Những ngọn

gió Tua Hát, Con gái thủy thần, Giọt máu, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi,
Trương Chi
- Về xã hội Việt Nam đương đại: Không có vua, Tướng về hưu, Cún,
Sang sông, Tội ác và trừng phạt
- Về đồng quê và những người dân lao động: Thương nhớ đồng quê,
Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ
Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp còn viết nhiều kịch, tiêu biểu là Xuân
hồng, Còn lại tình yêu, Gia đình (hay Quỷ ở với người, dựa theo truyện ngắn
Không Có Vua), Nhà tiên tri, Hoa sen nở ; và nhiều thơ (chưa xuất bản tập
thơ nào, song thơ xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông).
Nguyễn Huy Thiệp được xem là một hiện tượng tiêu biểu của văn học
Việt Nam cuối thế kỷ XX. Những sáng tác của ông, đặc biệt ở thể loại truyện
ngắn, đã mang đến một làn gió mới cho đời sống văn chương đương đại.
1.4.3. Phong cách Nguyễn Huy Thiệp
Có thể khái quát phong cách truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp bằng một
số nét chính sau:
- Nguyễn Huy Thiệp có một giọng văn rất lạnh lùng, nhưng ẩn dấu phía
sau nó lại là một lòng nhân ái sâu xa, trìu mến đối với con người. Bởi vậy,
những truyện ngắn của ông, với lời văn thâm trầm và ngắn gọn như cổ sử, dẫu
chua chát hay tàn nhẫn, vẫn không gây cho chúng ta niềm tuyệt vọng, mà trái
lại, vẫn khiến tâm hồn chúng ta tràn lên bao nỗi xót thương đối với những
người xung quanh. Đây có thể được xem là nét nổi bật nhất trong phong cách
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Với giọng văn “lạnh”, tác giả đã thể hiện
một thái độ dửng dưng tuyệt đối đối với nội dung tư tưởng được thể hiện
trong tác phẩm. Qua giọng văn ấy, thế giới nhân vật, nội dung câu chuyện
luôn hiện ra một chất trung thực, khách quan trước mắt người đọc. Người đọc

19
được tách biệt hoàn toàn so với thiên kiến của tác giả. Độc giả được tự do
phán xét nhân vật theo chủ kiến của mình.

- Kết cấu truyện đặc biệt: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hầu như chỉ
đi theo dòng thời gian tuyến tính. Rất ít sự xáo trộn về mặt kết cấu trong nội
bộ câu chuyện. Song, nếu khảo sát kỹ, ta sẽ thấy có điều đặc biệt trong cách
mở đầu và kết thúc ở mỗi truyện. Cụ thể, nhà văn thường dùng cách mở đầu
mỗi truyện theo lối truyền thống. Lối mở đầu này gần giống như các truyện
dân gian (truyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn…). Có nghĩa là nhà văn sẽ
giới thiệu những nét chung nhất về các nhân vật có mặt trong truyện. Cách
giới thiệu của Nguyễn Huy Thiệp thường ngắn gọn, súc tích nhưng mang tính
khái quát cao.
- Trái với cách mở đầu mang tính truyền thống, kết thúc của truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp luôn là kết thúc mở. Đặc biệt, ở nhiều truyện, nhà
văn tạo dựng nhiều giả thuyết khác nhau cho đoạn kết câu chuyện. Điều này
thể hiện rõ nét tính khách quan trong phong cách Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả
cho phép người đọc tự do chọn lựa một kết cục phù hợp chứ không áp đặt.
Kết thúc mở được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng nhiều trong nhóm truyện đề tài
lịch sử. Điển hình như trong Kiếm sắc, nhân vật Lân đã bị Nguyễn Phúc Ánh
xử chém bằng thanh kiếm thần. Tuy nhiên, tác giả lại thêm một đoạn kể về
giai thoại Đặng Phú Lân và Ngô Thị Vinh Hoa trốn vua Gia Long lên Hà Bắc,
giờ vẫn còn con cháu sống trên vùng ấy.
- Trong các truyện ngắn của ông thường có sự nhào nặn lịch sử.Tuy
nhiên Nguyễn Huy Thiệp không hề sử dụng các cứ liệu của chính sử để viết
mà ông chỉ dùng những tư liệu mang tính hư cấu, những giai thoại dân gian,
những lời đồn đoán mang tính huyền thoại để viết
.
Trong quá trình sáng tác,
nhà văn luôn chú trọng đến yếu tố tiền giả định. Tuy nhiên, ta nhận thấy, nhà
văn đã sử dụng những tiền giả định này như một phương tiện nghệ thuật

20
nhằm tạo hiệu ứng cho tác phẩm. Cụ thể, nhà văn đã nhào nặn, đã làm khác đi

tiền giả định nhằm gây ấn tượng mạnh mẽ, hướng đến những nội dung mới lạ,
sâu sắc hơn. Như vậy, việc đưa các yếu tố lịch sử vào truyện ngắn được
Nguyễn Huy Thiệp sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật.
- Đưa thơ vào văn xuôi làm tăng hiệu ứng thẩm mỹ. Có thể thấy, việc
sử dụng thơ song hành với văn xuôi trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp đã tạo
ra những hiệu ứng thẩm mỹ và đặc trưng rõ nét về phong cách. Điều này tạo
nên tính giao thoa, sự hòa quyện giữa thơ và văn xuôi. Đó là sự dung hòa
tuyệt diệu giữa một thể loại mang đậm tính tự sự và một thể loại mang đậm
tính trữ tình. Mặt khác, nó góp phần phá vỡ tính cứng nhắc về nguyên tắc thể
loại, giúp tác giả có điều kiện thể hiện đa chiều tư tưởng của mình. Cũng cần
nói thêm, việc đưa thơ vào văn xuôi không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, các
tác giả trước đây chủ yếu lấy thơ làm đề từ cho văn xuôi (Như trong Tùy bút
Sông Đà của Nguyễn Tuân) hoặc đưa thơ vào văn với một tỉ lệ khiêm tốn.
Đến Nguyễn Huy Thiệp, tác giả đã sử dụng thơ như một phương tiện nghệ
thuật độc đáo và tạo được hiệu ứng thẩm mỹ rõ nét.
Ông đã tạo ra một nét riêng, độc đáo về phong cách là điều mà mọi nhà
văn luôn muốn hướng đến. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo dựng cho mình một chỗ
đứng trang trọng trên văn đàn nhờ dấu ấn phong cách của ông. Ông được coi
là cây bút truyện ngắn số một trong nền văn học Việt Nam từ ngày đất nước
thống nhất đến nay.






×