Tải bản đầy đủ (.doc) (101 trang)

Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (458.08 KB, 101 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
BÙI THỊ THIẾT
ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA TIỂU THUYẾT
LỜI HỨA LÚC BÌNH MINH (ROMAIN GARY)
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 60.22.01.20
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
TS. NGUYỄN DUY BÌNH
NGHỆ AN – 2014
2
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU 4
1. Lý do chọn đề tài 4
2. Lịch sử vấn đề 5
3. Đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu 8
3.1. Đối tượng nghiên cứu 8
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu 9
4. Phạm vi văn bản khảo sát 9
5. Phương pháp nghiên cứu 9
6. Đóng góp của luận văn 9
7. Cấu trúc của luận văn 9
CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU VỀ
TÁC GIẢ TÁC PHẨM 11
1.1.Vài nét về tác giả Romain Gary 11
1.1.1. Tiểu sử 11
1.1.2. Sự nghiệp 15
1.2. Lời hứa lúc bình minh từ đặc điểm thể loại tiểu thuyết 19
1.2.1. Tóm tắt tiểu thuyết 19
1.2.2. Từ góc nhìn thể loại 23


CHƯƠNG 2 33
LỜI HỨA LÚC BÌNH MINH 33
NHÌN TỪ THI PHÁP NHÂN VẬT 33
2.1. Nhân vật và đặc điểm nhân vật tiểu thuyết 33
2.1.1. Khái niệm nhân vật 33
2.1.2. Đặc điểm nhân vật tiểu thuyết 35
2.2. Cách xây dựng nhân vật “tôi” 37
2.2.1 Nhân vật nỗ lực định danh 37
2.2.2. Lòng hiếu thảo - tình yêu tuyệt đối 46
2.2.3. Văn chương nghệ thuật trên hành trình tìm kiếm tài năng 52
2.3. Cách xây dựng nhân vật người mẹ 57
2.3.1. Thân phận người phụ nữ 57
2.3.2. Tình mẫu tử - sự hy sinh cao cả 59
2.3.3. Tình mẫu tử, niềm tin tuyệt đối 63
CHƯƠNG 3 69
LỜI HỨA LÚC BÌNH MINH 69
KHÁM PHÁ TỪ PHƯƠNG DIỆN KHÔNG GIAN,
THỜI GIAN VÀ GIỌNG ĐIỆU TÁC PHẨM 69
3.1 Không gian nghệ thuật 69
2.1.1. Khái niệm không gian nghệ thuật 69
3.1.2. Không gian sinh hoạt đời thường 70
3.1.3. Không gian chiến trận 74
3.2. Thời gian nghệ thuật 80
3.2.1 Khái niệm thời gian nghệ thuật 80
3.2.2. Trò chơi về thời gian 82
3.3. Giọng điệu 84
3.3.1. Khái niệm giọng điệu 84
3.3.2. Giọng điệu hài hước, giễu cợt 86
3.3.3. Giọng điệu trữ tình 90
KẾT LUẬN 94

TÀI LIỆU THAM KHẢO 97
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Romain Gary là một nhà văn, nhà ngoại giao người Pháp nổi tiếng
nửa sau thế kỷ XX. Ông là một người thành công trên con đường chính trị
nhưng văn chương mới là lĩnh vực mà ông thành công nhất. Ông xem văn
chương là một trò tung hứng nghệ thuật và niềm say mê vô tận của mình.
Trò tung hứng ảo thuật đó được ông đẩy lên mức tự tạo ra một phiên bản
khác của chính mình, Émile Ajar, và trở thành nhà văn duy nhất 2 lần nhận
giải Goncourt với hai cái tên khác nhau: Tiểu thuyết Cội rễ bầu trời đạt giải
Goncourt năm 1956; tiểu thuyết Cuộc sống trước mặt đạt giải Goncourt
năm 1975. Chỉ sau khi ông chết độc giả mới biết Gary và Ajar là một. Với
4
các tác phẩm của mình, Romain Gary đã trở thành một trong những nhà
văn lớn nhất nước Pháp thế kỷ XX.
1.2. Tác phẩm của ông luôn mang những dấu ấn riêng tạo nên một lực
hấp dẫn kỳ lạ đối với bạn đọc trong đó có một tác phẩm được viết vào năm
ông bốn mươi bốn tuổi, tiểu thuyết đã được Jules Dassin chuyển thể thành
phim và đem lại cho Romain Gary sự nổi tiếng trên toàn thế giới: Lời hứa
lúc bình minh, một tác phẩm thuộc thể loại giả tự truyện đẹp và đậm tình
nhân văn. Qua đó, tác giả kể về cuộc đời đầy sôi động và vinh quang của
chính mình, một bài ca tôn vinh tình mẫu tử, khẳng định Nina
Borosovskaia trở thành huyền thoại mẹ đúng nghĩa, như một lời hứa của
ông đối với cuộc đời. Bởi vậy, cho đến hôm nay, sau ngày ông mất hơn ba
mươi năm, tác phẩm vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả khắp
thế giới.
1.3. Lời hứa lúc bình minh là một tiểu thuyết thành công của Romain
Gary về phương diện thi pháp tiểu thuyết. Tác giả đã kết hợp rất hài hòa
giữa tự truyện và hư cấu, đã thành công trong việc xây dựng nhân vật “tôi”-
nhân vật chính và nhân vật người mẹ, xây dựng không gian, thời gian nghệ

thuật một cách điêu luyện và sử dụng một giọng điệu lúc trữ tình, lúc hài
hước để đem lại cho người đọc những rung cảm về tình người cũng như về
vẻ đẹp của tác phẩm.
Vì những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu Đặc điểm thi
pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary) để có cái nhìn
khái quát hơn về tư tưởng, chủ nghĩa nhân văn cao cả cũng như nghệ thuật
viết văn của Romain Gary.
2. Lịch sử vấn đề
Cho đến nay, đã có nhiều công trình, bài viết về Lời hứa lúc bình minh
của Romain Gary nhưng chủ yếu của các nhà nghiên cứu, phê bình phương
Tây. Đã có một số luận án tiến sĩ viết về ông: năm 2006, Anne Morange đã
bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài Sự vượt quá giới hạn: trải
5
nghiệm cá nhân, kinh nghiệm viết văn trong các truyện kể của Gary-Ajar
trong đó Lời hứa lúc bình minh được nghiên cứu rất kỹ về nội dung cũng
như nghệ thuật; năm 2009, Melle Céline Ther đã viết luận án về Trò ảo
thuật trong các tác phẩm tiểu thuyết của Romain Gary và Emile Ajar. Năm
2002, Dominique Bona đã xuất bản cuốn Romain Gary, cuốn sách này nói
về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả hai lần đoạt giải Goncourt này. Năm
2006, Julien Roumette xuất bản cuốn Nghiên cứu về Lời hứa lúc bình
minh, cùng năm, Mireille Sacotte xuất bản cuốn Lời hứa lúc bình minh của
Romain Gary, Myriam Anissimov xuất bản cuốn Romain Gary, kỳ nhông.
Rất tiếc, chưa có cuốn sách nào được dịch sang tiếng Việt, vì thế chúng tôi
chưa thể tiếp cận được nguồn tư liệu này.
Các tư liệu bằng tiếng Việt về cuốn sách này còn hạn chế:
Ngày 10 tháng 2 năm 2010, Công ty Nhã Nam đã phối hợp cùng Đại
sứ quán Pháp tổ chức buổi tọa đàm Con người cá nhân đối diện với thế
giới để giới thiệu về Lời hứa lúc bình minh và Cuộc sống trước mặt của
Romain Gary. Buổi tọa đàm có các diễn giả như Cao Việt Dũng, Nguyễn
Duy Bình, Hồ Thanh Vân. “Kỷ yếu” tập hợp các bài viết của các diễn giả là

nguồn tư liệu quan trọng nhất liên quan đến đề tài của chúng tôi.
Ngoài ra, trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, gần đây nhà nghiên cứu
Lại Nguyên Ân đã công bố một số bài viết sử dụng hiện tượng Romain
Gary/Émile Ajar như một ví dụ về “mặt nạ tác giả” nhằm diễn giải cho yếu
tố “mê hoặc văn chương”.
Trên một số trang báo điện tử như Tuổi trẻ, Vnexpress, Sài Gòn tuổi
trẻ hay Sách xưa, Sách hay đã có một số bài dịch, nhận xét về văn phong
của Romain Gary cũng như tác phẩm Lời hứa lúc bình minh.
Minh Phước nhận xét: “Lời hứa lúc bình minh là bài ca tôn vinh tình
mẫu tử, nhưng ẩn sâu trong đó vẫn thấy sự hoài nghi và nuối tiếc. Tình cờ
Romain Gary có tài năng văn học lớn nhưng liệu ông có thành công như
thế nếu không có niềm tin của người mẹ ? Khi tình yêu quá trọn vẹn và
6
niềm tin không gì lay chuyển gắn chặt với buổi bình minh của cuộc
đời…”[48].
Nguyễn Chí Hoan trong bài “Chìa tay cho thượng đế” trên trang mạng
Sách hay cho rằng: “Romain kể cuộc đời của ông trong Lời hứa lúc bình
minh như một cuốn tiểu thuyết. Nếu là một người yêu thích văn học, nói
chung, bạn có tin rằng mỗi cuốn tiểu thuyết theo đúng nghĩa đều nói lên
một sự thật?”
Với Nhị Linh trong bài “Tự đặt tên cho mình”, trên báo điện tử Sách
xưa thì: “Lời hứa lúc bình minh, một cách xuất sắc như văn chương vốn
phải như vậy, như thể nói rằng con người ta tuyệt đối có thể lấy hư cấu bao
trùm lên thực tại, coi thực tại chỉ là một phản ánh nào đó nhất thời và ngẫu
nhiên của trí tưởng. Romain của Lời hứa lúc bình minh, tự đặt tên cho mình
để lôi hẳn cõi sống bên trong ra làm khuôn mẫu cho đời thực, còn Romain
Gary sau này cũng sẽ tự đặt tên cho mình thành Emile Ajar, bắt cuộc đời
chấp nhận thêm một hiện thân khác nữa của ông”.
Báo Sài Gòn Tuổi trẻ, thứ 3, 24/11/2009 đánh giá: “Lời hứa lúc bình
minh là một tác phẩm đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Romain Gary,

kể lại phần lớn cuộc đời của ông và đặc biệt là tình cảm của ông dành cho
mẹ. Một cựu diễn viên Do Thái, người luôn mang trong lòng tình yêu và
niềm ngưỡng mộ không lí giải nổi đối với nước Pháp. Câu chuyện hết sức
cảm động về tình mẫu tử này dẫn người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác vì không thể đoán định được sự bao la dạt dào của tình cảm
người mẹ dành cho con trai và những gì bà sẵn sàng dành cho cậu. Tình
yêu của người mẹ theo ông suốt cuộc đời, khi ông chiến đấu trong không
quân, lúc ông bắt đầu viết sách và thậm chí cả khi ông giải ngũ trở về
người mẹ đã mất thì những lá thư bà để lại vẫn còn theo ông mãi.”
Trên Vnexpress, thứ 4, 20/1/2010, tác giả Thanh Vân nhận xét: “Lời
hứa lúc bình minh là tiểu thuyết viết kiểu tự sự, tác giả Pháp Romain Gary
đã đưa độc giả theo ông vào chuyến hành trình từ ngày thơ ấu đến khi
7
trưởng thành mà nhân vật chính của truyện chính là ông. Cuốn sách chứa
đựng nhiều tầng ý nghĩa, tác phẩm gợi mở nhiều suy tư về sự tồn tại tình
yêu thương trong cuộc sống, về trách nhiệm của một công dân với quê
hương đất nước đã nuôi mình khôn lớn, về sự phi lý của chiến tranh và tội
ác do chiến tranh gây ra…”
Lời hứa lúc bình minh là một trong những áng văn chương thể hiện
được sự hòa hợp tuyệt vời giữa chất hài hước và bi kịch. Giống như một
chút muối sẽ làm cho vị ngọt thêm đậm đà,từng chút hài hước, giễu cợt nhà
văn đưa vào trang viết càng làm tăng thêm dư âm đắng chát của cuộc đời
nhọc nhằn mà hai mẹ con ông phải cùng nhau trải qua. Tăng thêm sự phẫn
nộ và bất lực của con người khi thấy cái đẹp và tình yêu bị hủy hoại bởi cái
ác và lòng vô tâm.
Gần đây nhất trong luận văn thạc sĩ Tự thuật trong tiểu thuyết Lời hứa
lúc bình minh của Romain Gary (2013), Lê Thị Thành, Trường Đại học
Khoa học xã hội và nhân văn cũng đã tìm hiểu kết cấu lắp ghép, phân
mảnh, hình thái thời gian, không gian, ngôn ngữ lời thoại… của một tự
truyện tiểu thuyết tạo sự biến đổi cấu trúc câu và những trật tự phi tuyến

tính.
Mặc dù sự thống kê của chúng tôi về những bài viết, những ý kiến
đánh giá xung quanh tác phẩm Lời hứa lúc bình minh của Romain Gary là
chưa đầy đủ nhưng có thể nhận thấy các bài viết đều đề cập đến quan điểm,
cách nhìn của tác giả, những nhận xét về tác phẩm. Tuy nhiên chưa có bài
viết nào đi sâu nghiên cứu tác phẩm một cách có hệ thống, nhất là ở
phương diện một số đặc điểm thi pháp trong tác phẩm. Vì vậy luận văn của
chúng tôi đã lựa chọn hướng tiếp cận này.
3. Đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain
Gary).
8
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với đề tài đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh của
Romain Gary, luận văn của chúng tôi tập trung tìm hiểu:
- Cuộc đời và sự nghiệp của Romain Gary.
- Quan điểm nghệ thuật, phong cách văn chương của tác giả.
- Nội dung tiểu thuyết Lời hứa lúc bình minh (Romain Gary)
- Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm qua cách xây dựng nhân vật, giọng
điệu, kết cấu, không gian, thời gian.
4. Phạm vi văn bản khảo sát
Khảo sát tác phẩm Lời hứa lúc bình minh của Romain Gary (Nguyễn
Duy Bình dịch, 2009). Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu và triển khai đề tài, chúng tôi chủ yếu sử
dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp phân tích tổng hợp.
- Phương pháp thống kê.
- Phương pháp so sánh.

6. Đóng góp của luận văn
Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những thành tựu của người đi trước, chúng
tôi hi vọng luận văn sẽ đưa ra một cách tiếp cận về tác phẩm Lời hứa lúc
bình minh của Romain Gary dưới góc độ thi pháp (đặc sắc nghệ thuật về
xây dựng nhân vật, sử dụng giọng điệu, hình thái không gian, thời gian
trong tác phẩm), qua đó góp phần hiểu hơn một trong những nhà văn xuất
sắc nhất của văn học Pháp thế kỷ XX là Romain Gary.
7. Cấu trúc của luận văn
Luận văn của chúng tôi gồm 3 phần: Mở đầu; Nội dung chính; Kết
luận.
Phần nội dung chính được triển khai theo 3 chương sau:
9
Chương 1: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
Chương 2: Lời hứa lúc bình minh nhìn từ thi pháp nhân vật.
Chương 3: Lời hứa lúc bình minh khám phá từ phương diện không
gian, thời gian, giọng điệu tác phẩm.
10
CHƯƠNG 1
GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ TÁC PHẨM
1.1.Vài nét về tác giả Romain Gary
1.1.1. Tiểu sử
Nhà văn Romain Gary tên thật là Romain Kacew. Ông sinh ngày 8
tháng 5 năm 1914 tại Wilno (nay là Vilnius) tại Litv, mất ngày 2 tháng 12
năm 1980 tại Pháp. Ông là người gốc Do Thái trong một gia đình khá giả.
Ông sáng tác với nhiều bút danh khác nhau, trong đó hai bút danh chính là
Romain Gary và Émile Ajar.
Romain là con trai duy nhất của Nina Borisovskaia, ông sống với mẹ
sau khi bố mẹ chia tay lúc ông chào đời. Do vậy, ông không bao giờ biết
danh tính của cha đẻ của mình. Mẹ ông là bà Nina là một nghệ sĩ bình
thường, không nổi tiếng cũng như không đạt được vinh quang trong sự

nghiệp. Khi trở thành mẹ, bà từ bỏ tất cả để chăm lo cho con trai. Vào
khoảng thời gian từ 1925 đến 1928, hai mẹ con Romain đã chuyển đến
sống tại Vacsava, tại đây bà và con trai đã phải sống trong cảnh vô cùng
khó khăn và thiếu thốn.
Tháng 8 năm 1928, rời Vacsava, Nina cùng con trai quyết định chuyển
đến sống tại thành phố Nice - miền Nam nước Pháp. Để vượt lên hoàn cảnh
và tạo điều kiện để Romain có thể đến trường đi học và tham gia mọi hoạt
động như bao bạn cùng trang lứa, người mẹ đã phải bươn trải qua rất nhiều
nghề khác nhau. Cụ thể như: từ bán đồ trang sức, khăn quàng, nước hoa…
đến đồ ăn bằng bạc do các cửa hàng giao cho, thậm chí bà phải chấp nhận
làm những nghề khiêm tốn như tắm cho chó, nhận giữ chim hay mèo, làm
vệ sinh…
Năm 1929, hai mẹ con chuyển đến một nhà trọ ở số 7 Đại lộ Carlone
(nay là Đại lộ Francois - Gresso). Bằng tài năng và sự thông minh nhanh trí
của mình, bà nhanh chóng trở thành người Quản lý khách sạn - nhà trọ
11
Mermonts. Chính nhờ vậy mà cuộc sống của hai mẹ con đã được cải thiện,
từ cảnh túng thiếu mà giờ đây bà tạo mọi điều kiện bù đắp cho con trai.
Cuộc sống của Romain trở nên như một ông hoàng sống vương giả. Còn bà
chỉ dành cho mình một căn phòng nhỏ ở tầng trên cùng của khách sạn. Tại
đây Romain đã được đi học tại trường Trung học Nice, ông được trải
nghiệm với các bộ môn nghệ thuật khác nhau tuy nhiên đạt thành tích nhất
vẫn là năng khiếu viết.
Năm 1934, Romain rời thành phố Nice và người mẹ để lên Paris theo
đuổi con đường học hành. Ông học tập tại trường Đại học Luật Paris danh
tiếng. Bằng tình yêu, lòng hiếu thảo và ý chí của bản thân, ông quyết định
sống tự lập và đã phải trải qua cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu. Đây cũng
là khoảng thời gian ông có nhiều trải nghiệm sâu sắc hơn khi thực sự bước
vào nghề văn.
Năm 1935, ông chính thức được nhập quốc tịch Pháp với những cố

gắng của người mẹ dành cho con trai và dành cho nước Pháp, sau khi tốt
nghiệp Đại học Luật ở Aix-en-Provence và Khoa luật Paris, ông theo học
tại trường đào tạo phi công Salon-de-Provence, đó là vào khoảng những
năm 1938, 1939. Tuy nhiên điều đặc biệt đã xảy đến với ông, Romain là
người duy nhất trong khóa huấn luyện không được phong sỹ quan khi tốt
nghiệp. Phải chăng đây như một dấu hiệu định giọng cho nghiệp văn và
cuộc đời của ông sau này? .
Từ những năm 1939 đến 1944, trải qua những thăng trầm và hy sinh
gian khổ, ông tiếp tục cống hiến cho đất nước Pháp bằng cách tham gia vào
lực lượng Không quân Pháp. Được phiên vào Phi đội “Lorraine”. Đây là
phi đội chuyên nóm bom, đồng thời cùng các đồng đội ông đã thực hiện rất
nhiều chuyến bay cho tới năm 1944.
Năm 1941 mẹ ông bà Nice qua đời. Cái chết của bà khiến ông Romain
cảm thấy vô cùng đau đớn và suy sụp tinh thần. Tuy nhiên ông đón nhận
cái chết của bà như một sự đã rồi bởi kể từ năm 1939, khi trực tiếp tham
12
gia chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ hai ông đã không có dịp gặp
mẹ. Với những thành tích đã đạt được ông vinh dự được nhận các giải
thưởng đó là Huân chương Bắc đẩu bội tinh và Huân chương giải phóng.
Năm 1945, đúng như mong muốn của người mẹ ông bắt đầu bước vào
sự nghiệp ngoại giao với chức vụ thư ký hạng hai cho Đại sứ Pháp tại Sofia
(Bulgarie).
Bằng tài năng ăn nói khéo léo cộng với những ghi nhận trong quá trình
phục vụ quân đội, ông tiếp tục được giao phó nhiệm vụ trên mặt trận ngoại
giao tại Newyork (Mỹ), London (Anh), Thư ký thứ nhất tại Đại sứ quán
Berne (Thụy Sỹ), đặc trách kinh doanh tại Lapaz ở Bolivia và cuối cùng là
tại Los Angelas với cương vị tổng lãnh sứ quán Pháp. Cũng vào năm 1945,
Romain cưới nhà báo sau này là nhà văn Lesley Blanch. Lesley hơn
Romain bảy tuổi, có vẻ đẹp mỏng manh, yếu ớt, kiêu kỳ, được người ta liên
tưởng tới một con búp bê làm bằng bánh bích-quy. Đặc biệt điểm chung

giữa hai người ngoài yếu tố hài hước thì chính là niềm đam mê văn
chương. Có thể nói Gary nhận được sự ủng hộ của người vợ trên con
đường văn chương cũng như trong sự nghiệp ngoại giao.
Năm 1956, tác phẩm Les Racines du ciel (Cội rễ của bầu trời) vinh dự
được nhận giải thưởng Goncourt. Đây là thời kỳ đỉnh cao của Romain cả
trong lĩnh vực văn chương cũng như sự nghiệp ngoại giao. Ông nhận được
sự chào đón, tôn sùng của giới ngoại giao, chính trị gia, giới văn nghệ và cả
thành phố Paris. Huyền thoại về Romain Gary được nhiều người biết đến,
ông thường xuyên xuất hiện ở những nơi hội tụ của các nhân vật nổi tiếng
của Hollywood. Một trong những lần xuất hiện đó tại Los Angeles, ông gặp
Jean Sebert, người con gái có mái tóc vàng, nước da hơi xanh, là một trong
những nhân vật nôi tiếng đình đám trong điện ảnh. Một ngôi sao điện ảnh,
một minh tinh màn bạc sánh vai cùng một ngài lãnh sự nước Pháp. Như
một huyền thoại, sự kỳ diệu của duyên kỳ ngộ, một câu chuyện tình hết sức
lãng mạn kiểu Paris.
13
Năm 1961, Romain từ bỏ nghề ngoại giao và tuyên bố “Đây là những
năm tháng cuối cùng của tôi và tôi sẽ không hy sinh bản chất của mình, hi
sinh tình yêu cuộc sống của mình cho tham vọng hay mối lo âu thành đạt”.
Vào năm 1963, Romain quyết định ly dị Lesley Blanch và cưới Jean
Sebert, nữ diễn viên thua ông tới hơn một nửa số tuổi. Tại số 108, phố Du
Bac, Paris, trong một căn hộ rộng rãi chính là tổ ấm của Romain và Jean,
con trai Alexandre Diego ra đời.
Sau một khoảng thời gian chung sống đến năm 1968, Romain và Jean
li thân. Mặc dù vậy, hai người vẫn sống gần nhau tại Du Bac, Paris con trai
Alexandre Diego sống với Romain và họ vẫn đoàn tụ vào mỗi dịp Noel.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng sức ảnh hưởng của Jean đối với Gary là rất
lớn, một phần tính cách trong con người ông đã có phần thay đổi kể từ khi
gặp Jean. Cuộc đời ông như được bước sang một trang mới, trong đó có sự
đổi mới quan điểm nghệ thuật và văn phong.

Cuộc đời của Romain vào những năm cuối lại là thời kỳ sự nghiệp văn
chương của ông đạt nhiều thành tựu rực rỡ, hàng loạt tác phẩm được ra đời
dưới cả hai cái tên Romain Gary và Émile Ajar. Ông sử dụng cái tên Ajar
để che đậy cái tên thật của mình như một phép thử đối với độc giả yêu mến
ông. Và kết thúc trò chơi đó bằng cái chết tự sát vào ngày 2 tháng 12 năm
1980.
Romain là một người có tâm huyết với nghề và là một tài năng vượt
trội. Quan điểm nghệ thuật ông dành cho văn học cũng rất rõ ràng, đó là
hướng tới sự công bằng trong xã hội loài người, đấu tranh vì sự nghiệp giải
phóng dân tộc, vì hòa bình. Cuộc đời của ông là một quá trình đấu tranh
không mệt mỏi, ông luôn dồn hết tâm lực và bút lực của mình cho những
trang văn thực sự. Lúc nào ông cũng sống và làm việc một cách nghiêm
túc, say mê hết mình dù ở trong bất kỳ lĩnh vực nào, khi là một vị chỉ huy
trong thế chiến thứ II bên cạnh tướng De Gaulle hay trong sự nghiệp ngoại
giao và sự nghiệp văn chương.
14
Romain Gary ra đi ở tuổi 66, sự ra đi đó đã để lại niềm tiếc thương vô
hạn đối với người Pháp nói riêng và người đọc trên toàn thế giới nói chung.
Một con người Pháp mang trong mình tâm hồn Nga rộng lớn, một nhân
cách lớn. Những cống hiến của ông trên mọi mặt trận dù trong quân đội
hay văn chương đều được thế giới ghi nhận. Các tác phẩm của ông ngày
càng có sức lan tỏa trong lòng độc giả bởi yếu tố “mê hoặc văn chương” và
những giá trị nhân văn cao cả của nó.
1.1.2. Sự nghiệp
Romain Gary được xếp vào hàng các tác gia kinh điển trong làng văn
thế giới. Ở phần trên, chúng tôi đã có dịp nhắc đến cuộc đời đầy vinh
quang của ông, một tài năng nhiều mặt, dù là trong quân đội, ngoại giao
hay văn chương. Văn chương của ông mang những nét độc đáo riêng, dấu
ấn riêng. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, các tác phẩm thu hút người đọc bởi nét
ngọt ngào nhưng đậm chất văn đó. Bởi vậy, hơn 30 năm sau ngày ông mất,

tên tuổi của ông càng chiếm được vị trí sâu đậm hơn trong lòng bạn đọc thế
giới.
Không phải nhà văn có tên tuổi nào cũng có duyên với những giải
thưởng. Bằng tài năng của mình ông đã thực sự chiếm được tình cảm của
độc giả và ghi tên mình vào danh sách nhận giải thưởng hai lần, tạo nên
biến cố trọng đại thứ hai của văn học Pháp hiện đại, một chuyện chưa từng
xẩy ra trong bất kỳ giải văn chương nào. Ông vinh dự hai lần được nhận
giải thưởng Goncourt với hai tiểu thuyết Cội rễ bầu trời (Les Racines du
ciel, 1956) và Cuộc sống ở trước mặt (La vie devant soi, 1975).
Một số tác phẩm của ông như: Giáo dục Châu Âu được nhận giải
thưởng phê bình năm 1945 và đây là tác phẩm đầu tay của ông; Cội rễ bầu
trời (Les Racines du ciel); Vinh quang cho những người tiên phong vĩ đại
(Gloire à nos illustres pionniers); Lady L; Vở hài kịch nước Mỹ (La
comédie américaine); Vĩnh biệt Gary Cooper (Adieu Gary Cooper); Điệu
nhảy của Gengis Cohn (La danse de Gengis Cohn); Cái đầu tội lỗi (La tête
15
coupable); Nhiệm vụ tinh thần (Charge d’âme); Phía bên kia giới hạn tấm
vé của anh không còn giá trị nữa (Au-delà de cette limite votre ticket n’est
plus valable); Sự thật về phụ nữ (Clair de femme), Những cánh diều (Les
cefs volants), Âu yếm (Gros Câlin); Cuộc sống ở trước mặt (La vie devant
soi); Bút danh (Pseudo); Nỗi lo sợ của vua Salomon (L’angoisse du roi
Salomom).
Ngoài bút danh Romain Gary thì ông còn sử dụng nhiều bút danh
khác, trong đó bút danh Émile Ajar như một ví dụ về mặt nạ tác giả. Với
bút danh này, ông đã nhận được giải Goncourt lần thứ hai, đó đồng thời
như một sự thử thách tài năng của bản thân khi đã bước sang tuổi cập kề
sáu mươi, cộng vào đó là phép thử đối với những độc giả của ông. Tuy
nhiên việc sử dụng bút danh Ajar để che đậy tên tuổi thật của mình không
thuận lợi và như ý muốn của ông. Đây là khoảng thời gian mà giới phê
bình luôn tìm cách xoi mói, kìm hãm sách của ông bằng cách nhìn nhận

chúng với con mắt ê chề chán chường như thể mỗi cuốn sách mới ra của
ông là một tác phẩm nhạt phèo, không có giá trị. Ông đã nhờ đứa cháu là
con của một người anh em họ. Paul Pavlowitch đứng tên Émile Ajar. Có
thể nói Paul là một “Fan” của Romain. Hầu hết các tác phẩm của Romain
đều được anh đọc hết và nhớ hết mọi câu chuyện, mọi nhân vật xuất hiện
trong đó. Cho nên việc nhập vai Ajar là rất hợp. Tuy nhiên khi giải thưởng
Goncourt đến với Ajar, Romain đã đề nghị Paul viết thư từ chối vinh dự đó
bởi lẽ theo nguyên tắc thì không một nhà văn nào được phép nhận giải
thưởng này hai lần. Đến mức Chủ tịch viện Hàn lâm Hervé Bazin đã trả lời:
“Viện Hàn lâm đề cử một cuốn sách, một ứng viên. Không ai có quyền
nhận lời hay từ chối giải thưởng này, cho dù còn sống hay đã chết. Dù thế
nào thì Ajar được tặng giải thưởng”. Lúc này báo chí và giới phê bình cho
rằng Romain Gary bắt chước Émile Ajar như một kẻ đạo văn, nhằm chỉ
trích Gary như một sự cạn kiệt tài năng trong khi đứa cháu của ông ngày
càng vượt trội.
16
Sự nhập nhằng, rối rắm giữa ông và đứa cháu lại là yếu tố nội lực giúp
khả năng sáng tạo của Gary giai đoạn này trở nên mạnh mẽ mặc dù các tác
phẩm được ký dưới cả hai bút danh nhưng thực chất là của một nhà văn.
Cũng trong thời gian này bởi một số ảnh hưởng mà quan hệ giữa ông và
đứa cháu trở nên căng thẳng. Cùng với các yếu tố khác đã gây nên cơn tự
kỷ, ông kết thúc tất cả bằng một cái chết tự tử. Sau đó một thời gian thì báo
giới và độc giả mới nhận ra được Émile Ajar không ai khác chính là
Romain Gary.
Tác phẩm Cội rễ bầu trời (Les Racines du ciel) nói về câu chuyện một
người Pháp sang Châu Phi, làm tất cả để chống lại những kẻ buôn bán ngà
voi và bảo vệ loài thú này. Thông qua tác phẩm, Romain gióng lên hồi
chuông lên án những kẻ vô nhân đạo, phản ánh thực trạng con người bị
chia rẽ trong công ước không lời về sự chung sống giữa con người với
thiên nhiên, sự chung sống như điều kiện tiên quyết của sự tồn vong, của

xã hội loài người, khẳng định tiếng nói hùng hồn cho quyền sống của loài
voi nói riêng và của thế giới động thực vật nói chung.
Cuộc sống ở trước mặt (La vie devant soi) kể về chú bé Momo, con
của một người gái điếm, bị bỏ rơi từ khi lên ba tuổi, cậu bé sống cùng
Madame Rosa, bà là một gái điếm hết thời sống bằng tiền trông con cho gái
làng chơi, một bà già Do Thái nặng hơn một tạ, bệnh tật và mất dần khả
năng dịch chuyển. Mối tình cảm động của cậu bé và bà Rosa được đặt trên
một nền cốt truyện đơn giản, xoay quanh cuộc sống hằng ngày của hai
người. Họ sống khổ sở thiếu thốn trong một căn phòng chật hẹp cùng với
những đứa trẻ được gửi tới ở tầng bảy của một tòa nhà trong khu nhập cư
với nhiều lứa tuổi, nhiều màu da, nhiều nguồn gốc nhưng luôn ấm áp tình
người. Những suy nghĩ, triết lí, tâm trạng, cảm xúc của cậu Momo về cuộc
sống hằng ngày của bà Rosa và tất cả mọi người xung quanh được thuật lại
bằng một thứ ngôn ngữ hết sức ngây thơ của một cậu bé có tư duy ngôn
ngữ chưa phát triển hoàn chỉnh, kiến thức còn mập mờ, sai lệch. Còn với
17
Rosa, một người đàn bà gần đất xa trời, thứ duy nhất thật sự thuộc sở hữu
của bà và có thể làm bà vui, giúp bà mỉm cười đó chính là nữ tính. Tuy
nhiên thời gian và bệnh tật sớm bào mòn đi tất cả, bà phải nhờ tới nước
hoa, tóc giả, son phấn để nuôi dưỡng ảo vọng phủ nhận hình hài hiện tại.
Điều đó càng làm cho bà trở nên không giống dạng người. Tất cả những
đứa trẻ khác được gửi đến rồi ra đi chỉ còn Momo là ở lại bên cạnh bà. Hai
con người, hai trái tim cô đơn nương tựa vào nhau để cùng tồn tại. Momo
vẫn hằng mơ ước về một người bố oai hùng như một ông cớm có sức mạnh
trị an hay một kẻ đầu gấu hách xì dầu ai cũng phải nể phục và mong tìm
được người mẹ đã sinh ra mình, ước ao được làm nhiều người như anh em
nhà Zaoum, ao ước là thành viên của một bộ lạc như ở Châu Phi. Cậu bé ao
ước có một gia đình nhưng cụ thể hơn trong cảm nhận của cậu đó phải là
một gia đình cộng đồng trong đó có tình xóm giềng hằng ngày đùm bọc hai
bà cháu cậu. Khi biết Madame Rosa trông coi mình vì tiền chứ không phải

vì cậu là ai đó với bà thì cậu đã cảm thấy buồn tủi. Còn Rosa khi Momo đòi
mẹ thì bà đã bật khóc. Ở đoạn cuối của tác phẩm kể về cậu bé Momo
không chấp nhận sự kiện Madame Rosa đã chết, chính vì vậy ngày đêm cậu
vẫn tô màu và đổ nước hoa lên khuôn mặt, lên người đang phân hủy của bà.
Hình ảnh đó như một sự phản kháng lại cuộc đời, như để ngăn cản lại một
điều mà cậu cho là bất công, đồng thời khẳng định vai trò của tình yêu
thương trong sự tồn tại của mỗi cá nhân. Có thể thấy giữa cậu bé Momo và
Madame Rosa là một tình yêu không thể có, một tình yêu vượt lên trên tất
cả tình mẫu tử, một trong những điều mà chỉ có văn chương mới tạo ra
được. Cậu bé Momo sẽ vẫn nhìn về phía trước cuộc đời để tiếp tục thực
hiện một lời hứa, lời hứa với cuộc sống.
Ở tác phẩm Sự thật về phụ nữ (Clair de femme) ông viết: “Trong tiểu
thuyết này, sự châm biếm và chủ nghĩa hư vô rình rập niềm tin của chúng
ta, xoi mói sự đoán chắc của chúng ta dưới cái nhìn khoái trá của cái chết.
Những vị thần phàm tục chễm chệ trên đỉnh núi Olympia chất đầy lòng dạ
18
chúng ta để rồi rình rập chúng ta. Cuộc đời của chúng ta có lẽ chỉ là trò tiêu
khiển của ai đó” [ />van-hai-lan-doat-giai-Goncourt].
Quá trình lao động miệt mài và sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp
cầm bút đã vinh danh ông mãi với thời gian. Những trang viết của ông luôn
tạo sự mới lạ, hấp dẫn. Cho đến nay hơn ba mươi năm, sau ngày ông mất,
thế giới nhắc nhiều đến ông như sự ghi nhận đối với một tài năng văn
chương chân chính. Ông xứng đáng được xếp vào các tác gia kinh điển
trong làng văn thế giới.
1.2. Lời hứa lúc bình minh từ đặc điểm thể loại tiểu thuyết
1.2.1. Tóm tắt tiểu thuyết
Lời hứa lúc bình minh gồm có ba phần, ở phần đầu Romain Gary kể
lại tuổi thơ của mình đang cùng người mẹ - bà Nina Borosovskaia khi ở
Wilno, phía Đông Ba Lan. Phần hai bắt đầu cuộc sống của hai mẹ con tại
thành phố Nice - miền Nam nước Pháp và quá trình học tập của Romain tại

Paris. Phần cuối chủ yếu nói về khoảng thời gian ông tham gia quân đội
Pháp, chiến đấu trong thế chiến thứ II.
Romain đã trải qua tuổi thơ cùng với người mẹ bên cạnh những câu
chuyện về nàng Bạch Tuyết, Bảy chú lùn, Chú mèo Đi Hia, Bà tiên
Carabosse… mà không có bố bên cạnh. Bố ông đã bỏ mẹ ít lâu khi ông
sinh ra. Vì vậy tất cả tình yêu thương ông dành hết cho mẹ như sự bù đắp
cho mẹ, còn với mẹ ông, Romain là tài sản duy nhất, vì con bà sẵn sàng từ
bỏ tất cả: ước mơ, hoài bão, niềm say mê nghệ thuật của mình. Hai mẹ con
sống ở khu nhà trọ số 16 - phố Grande - Pohulanka -Wilno phía Đông Ba
Lan. Người mẹ làm nghề may mũ gia công cho các khách hàng, bà liên lạc
qua thư từ, phát tờ quảng cáo với thông báo “để mua vui, cựu Giám đốc
một nhà may mặc lớn ở Paris nhận may mũ tại nhà cho một số khách hàng
hạn chế và có chọn lọc” sau đó được chuyển thành “Gian hàng thời trang
cao cấp Paris”. Người mẹ luôn xuất hiện với gương mặt rạng rỡ, ý chí kiên
19
cường, đôi mắt to màu ve. Vào thời điểm này điều kiện vật chất của họ khá
thê thảm, người mẹ phải vác những thùng hàng đi từ nhà này sang nhà
khác, gõ cửa từng nhà, thuyết trình cho từng người để bán những chiếc mũ.
Bà phải ki kóp từng đồng để trang trải tiền thuê nhà, mua sắm quần áo,
mua bơ sữa, giày dép và thanh toán món bít tết buổi trưa. Nhưng dù cuộc
sống khó khăn đến mấy bà cũng không để con mình thiếu thốn. Romain
vẫn luôn có món bít tết vào mỗi bữa trưa, ông được mẹ cho tham gia học ở
lớp nghệ thuật từ múa, vẽ, hát, khiêu vũ….Điều đặc biệt bà luôn tin tưởng
con trai mình lớn lên sẽ thành Đại sứ nước Pháp và sẽ trở thành một nhà
văn đoạt giải Nobel.
Sau một thời gian khi công việc làm ăn của bà trở nên khấm khá hơn
“Nhà mới, thời trang Cao cấp Paris” ra đời, giờ đây bà không còn phải vất
vả gõ cửa từng nhà nữa và thay vào đó khách hàng đến nườm nượp.
Romain cũng được hưởng thụ từ thành quả của sự thịnh vượng đó. Ông
được mặc những bộ quần áo nhung lịch sự, quàng những chiếc khăn bằng

ren lụa, được khoác lên áo lông sóc với hàng trăm cái đuôi nhỏ màu xám,
có một quản gia riêng. Để việc hoạch định tương lai cho con mình thành
công, mong muốn con trai mình sẽ trở thành giới thượng lưu, bà không
ngừng dạy cho con từ cách chào hỏi, ăn, mặc, đi đứng, cách tặng hoa, hôn
tay phụ nữ… Ông nhận được những món quà bí hiểm bất ngờ từ trên trời
rơi xuống, đó là một chiếc xe đạp trẻ em. Sau này khi ở Vacsava ông còn
được nhận nhiều giấy báo nhận tiền. Mặc dù vậy, ngay sau đó Romain ngã
bệnh. Các bác sỹ giỏi đã được mời đến chăm sóc, cứu chữa đó là những
bác sĩ chuyên khoa giỏi nhất Châu Âu. Chính bệnh tật của ông đã khiến
cho gia đình trở nên phá sản. Gian hàng thời trang Cao cấp Paris Nhà Mới
không thể bán hay cứu vãn được nữa, thậm chí đồ đạc trong nhà đều bị tịch
biên hết.
Vì cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn, hai mẹ con không đủ tiền để
đi tới Nice định cư, thay vào đó họ chuyển đến Vacsava một thời gian,
20
sống trong những gian phòng trọ có sẵn đồ dạc. Tại đây bà đã phải làm mọi
việc để vượt qua khó khăn cực nhọc: từ môi giới trang sức, buôn bán áo
lông và đồ cổ, đi phát tờ rơi, quản lý chung cư… Dù khó khăn đến mấy bà
vẫn luôn dành cho con trai những gì tốt nhất, buổi trưa ở trường học
Romain vẫn có Socola và bánh mỳ phết bơ.
Sau khi chuyển đến Nice, hai mẹ con sống trong một căn hộ hai phòng
ở đại lộ Shakesspeare rồi sau đó chuyển đến nhà trọ Mermonts tại đại lộ
Carlonne cũ nay là đại lộ Greosso. Bằng tài năng của mình bà trở thành
người quản lý Khách sạn -Nhà nghỉ Mermonts với ba mươi sáu phòng, hai
tầng căn hộ và một nhà hàng, cùng hai người hầu gái, một anh giúp việc,
một người quản lý và một người rửa bát. Romain giúp mẹ bằng cách thừa
hành nhiệm vụ lễ tân, hướng dẫn viên xe ca, ông chủ khách sạn. Ở trường
học Nice, Romain tỏ ra là một người có năng khiếu viết, trong khi các môn
tự nhiên của ông thường bị nhận điểm không. Chính vì vậy ông bắt tay vào
việc viết văn thực sự, mỗi ngày ông dành mười một tiếng đồng hồ để viết.

Mỗi ngày bà thường lên xuống cầu thang nối giữa nhà hàng tới bếp
khoảng hai mươi lần, bà xuống bếp quyết định thực đơn, tiếp những người
giao hàng, giám sát việc phục vụ ăn sáng ở các tầng, lắng nghe khách hàng,
cử người chuẩn bị bữa ăn ngoài trời cho các khách đi chơi, kiểm tra hầm
rượu, tính toán, theo dõi chi tiết công việc kinh doanh… Một hôm sau khi
thực hiện công việc mà hàng ngày bà vẫn làm, bỗng nhiên bà ngồi thụp
xuống ghế, mặt và môi trở nên xám ngắt, hơi nghiêng đầu, nhắm mắt rồi
lấy tay ôm ngực, cả người bà bắt đầu run lên. Bà được bác sỹ chuẩn đoán là
bị hôn mê do hạ đường huyết bởi đã tiêm insulin quá liều. Nhờ vậy mà
Romain biết được bà bị bệnh tiểu đường từ hai năm nay. Trước khi bắt đầu
ngày mới bà luôn phải tiêm insulin. Dù vậy, bà vẫn không ngừng làm việc
và dành tất cả mọi thứ tốt nhất cho con trai.
Năm 1933, Romain đăng ký vào Đại học Luật Aix-en-Provence. Tại
đây ông vừa tham gia học tập tại trường Đại học vừa tập trung viết văn.
21
Khi khách sạn -Nhà nghỉ Mermonts làm ăn ngày càng khấm khá, người mẹ
quyết định cho Romain lên Paris học nốt những năm còn lại và để gây
dựng mối quan hệ. Tại Paris ông đã phải trải qua một cuộc sống khó khăn
thiếu thốn. Ông làm đủ mọi việc: từ hầu bàn, giao hàng bằng xe ba bánh,
tiếp tân khách sạn, đóng vai phụ trong các bộ phim, rửa bát đĩa, ghi chép sổ
sách, đi bán quảng cáo du lịch…
Ông giam mình trong một gian phòng khách sạn chật hẹp và say sưa
viết. Truyện ngắn Cơn giông của ông được đăng trên tờ tuần báo Gringoire.
Sau đó một thời gian truyện ngắn thứ hai Người đàn bà nhỏ bé cũng được
xuất hiện trên trang báo Gringoire. Tuy nhiên, đã có lúc các tác phẩm của
ông bị đánh giá là quá “văn chương” và bị các tuần báo từ chối. Không
dám thú nhận với mẹ. Ông đã phải dùng đến cái mẹo đó là ông giải thích
với mẹ rằng chủ bút các tờ báo yêu cầu ông viết những truyện ngắn đáp
ứng lại thị hiếu thị trường một cách hết sức hèn hạ, rằng ông phải từ chối
làm bẩn danh tiếng văn chương của mình và không ký thẳng tên mình dưới

những truyện ngắn đó. Cho nên với những tác phẩm hạ cấp đó ông sẽ ký
bằng các bút danh khác nhau, ông cắt các tác phẩm của đồng nghiệp đã
được in trên các tờ tuần báo Paris rồi gửi cho mẹ.
Romain trải qua lớp huấn luyện tại trường đào tạo phi công Salon-de-
Provence, sau đó ông tham gia lớp sĩ quan dự bị cao cấp. Tuy nhiên, như
chúng tôi đã nói ở trên, ông là một trong số gần ba trăm học viên - quan sát
viên không được phong sĩ quan. Điều này khiến ông tìm cách nói dối với
mẹ rằng ông đã quyến rũ vợ chỉ huy trưởng, lính tùy tùng đòi tố giác, do
vậy ông chồng đòi trừng phạt. Nghe thế, người mẹ cảm thấy hãnh diện và
thán phục con trai mình. Từ trường Không quân Avord, sư đoàn của ông
được chuyển đến các căn cứ khác nhau: Bordeaux - Merignac, Meknès,
Glasgow, Nigeria, Andover Trải qua mỗi trận đánh lại có thêm những
đồng đội hi sinh. Với Romain, bằng tình yêu và niềm tin của người mẹ, ông
bình an trở về. Ở mỗi trận chiến hình ảnh người mẹ luôn xuất hiện kịp thời
22
trong trí tưởng tượng của ông để bảo vệ, che chở cho ông, cho dù đã có lúc
ông cận kề với cái chết. Mặc dù bệnh tật đã lấy đi mạng sống của người
mẹ, tuy nhiên để tiếp sức cho con trai nơi chiến trường chiến đấu vì đất
nước Pháp - quê hương thứ hai của hai mẹ con thông qua những lá thư. Bà
đã bí mật gửi chúng qua Thụy Sỹ, từ Thụy Sỹ một người bạn của bà đều
đặn gửi đến cho Romain. Phải ba năm rưỡi sau khi ông trở về Nice thì mới
hay tin mẹ ông đã qua đời.
Ông được nhận Huân chương Giải phóng với thành tích đặc biệt trong
một lần chiến đấu với kỳ tích cùng với một phi công mù còn Romain bị vết
thương xuyên thủng bụng dưới nhưng vẫn anh dũng chiến đấu và trở về.
Chiến tranh kết thúc, ông được Bộ ngoại giao mời làm việc. Đồng thời tác
phẩm đầu tay Giáo dục Châu Âu cũng được xuất bản. Tác phẩm kết thúc
khi ông khẳng định mình đã giữ lời hứa vào lúc bình minh của cuộc đời,
ông đã phụng sự nước Pháp, đã làm nghề ngoại giao, ăn mặc kiểu London
và đặc biệt ông tiếp tục viết sách, tiếp tục sự nghiệp văn chương.

1.2.2. Từ góc nhìn thể loại
Lời hứa lúc bình minh một tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết giả tự
truyện. Mang đầy đủ cả yếu tố hiện thực lẫn hư cấu, tác phẩm là sự kết hợp
hài hòa giữa sự kiện với chất văn tạo nên một câu chuyện vừa cảm động
vừa tinh tế, hấp dẫn. Đây là câu chuyện kể về tuổi thơ và phần lớn cuộc đời
của Romain Gary. Từ khoảng thời gian ở Nga, Ba Lan rồi ở Nice, cả thời
gian ông tham gia vào quân đội trong thế chiến thứ II ở các mặt trận thuộc
nước Anh, Pháp, Ethiopie, Syrie và Châu Phi xích đạo. Tất cả đều mang
tình yêu và hơi thở của người mẹ, chính người mẹ là yếu tố diệu kỳ thổi
nên những phép màu trong cuộc đời ông.
1.2.2.1. Một số đặc trưng cơ bản của thể loại tự truyện
Nhìn lại nền văn học nhân loại với những xu hướng phát triển trong
khoảng thời gian gần đây có thể thấy rằng, nền văn học đang có những
bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi phương diện. Ở phương diện thể loại,
23
tự truyện ra đời như một sự phân định rõ ràng đối với các thể loại văn học
khác. Trong thực tế văn học, ta thấy rằng cùng một tác phẩm nhưng đôi khi
người ta có thể gọi bằng nhiều thể loại khác nhau. Ở thể loại tự truyện cũng
vậy, sự phân định giữa tự truyện và các thể loại khác đối khi còn mờ nhạt,
cụ thể như đối với hồi ký, tiểu thuyết. Với một tác phẩm, tài liệu này có thể
gọi là hồi ký, tài liệu kia có thể gọi là tự truyện. Tuy nhiên xét về mặt lý
luận chúng ta thấy rằng giữa chúng vẫn có những nội dung không trùng
khít và những ranh giới rõ ràng.
Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học do nhóm tác giả Lê Bá Hán,
Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà
Nội, 2000 đã định nghĩa như sau về thể loại tự truyện. Tự truyện tên gọi
tiếng anh là Autobiography, là “tác phẩm văn học thuộc loại tự sự do tác
giả tự viết về cuộc đời mình” [18;389]. Còn trong 150 thuật ngữ văn học
do Lại Nguyên Ân biên soạn định nghĩa tự truyện là: “tác phẩm văn học tự
sự, thường được viết bằng văn xuôi, trong đó tác giả tự kể và miêu tả cuộc

đời của bản thân mình” [1;363]. Đối với nhà văn viết tự truyện như được
sống lại một lần nữa đoạn đời đã qua của mình, còn trong tác phẩm tự
truyện, đời tư của nhà văn chỉ là chất liệu hiện thực được tác giả sử dụng
với nhiều mục đích nghệ thuật khác nhau. Như vậy tác giả, người kể
chuyện và nhân vật chính là một người thực.
Chúng tôi nhận thấy rằng, đây là khái niệm mà ít được bàn luận đến,
số lượng tác phẩm và tác giả viết tự truyện cũng chưa thật nhiều so với thể
loại khác song càng ngày nó càng chiếm được vị trí xứng đáng trên văn đàn
cũng như trong lòng bạn đọc.
Với thế giới, tự truyện nảy sinh trong môi trường văn hóa Tây Âu cận
đại với tinh thần tự phân tích và với cảm quan cá nhân chủ nghĩa. Những tự
truyện đầu tiên in dấu nếp sống của tín đồ Thiên chúa giáo, rõ nhất là việc
xưng tội. Chính ở văn hóa này đã nảy sinh tác phẩm mẫu mực thời đầu của
thể loại này như Tự thú của thánh Angustinus thế kỷ V cho đến tác phẩm
24
đạt đến đỉnh cao về sự hoàn thiện thể loại như Tự thú của nhà văn Pháp
Jaen Jacque Rousseau (1766 - 1769 in 1782 - 1789).
Tác giả Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản
Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004 khẳng định “Tự truyện tương đối gần gũi
với tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết Tây Âu thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX
có nhân vật kể chuyện, ở ngôi thứ nhất số ít xưng “tôi” có tham vọng ghi
lại lịch sử tâm hồn con người từ “cái nhìn bên trong”.
Trên wikipedia (tiếng Việt), có bài viết cho rằng “Các tiểu thuyết của
trường phái tự nhiên chủ nghĩa Nhật Bản thế kỷ XIX như Ie (Gia đình 1910
- 1911) của Shimazaki và Iri no Hotrori (Bên con lạch 1915) của
Masamune Hakuchò, Futon (Tấm đệm, 1907) của Tokutomi Rora (tên thật
là Tokutom Kejniro), Jioden (Tự truyện 1943 - 1946 xuất bản năm 1947)
của Tokutom Hajime, đều có thể coi là các tác phẩm tiểu thuyết tự thuật.
Các tác phẩm tự thuật trở thành lời tác giả thuật lại đời mình một cách tự
nhiên và trung thực, mỗi bối cảnh của một giai đoạn trong cuộc đời là một

chủ đề xếp thành tiểu thuyết và tùy theo mỗi sự việc ấy tác giả bình luận
lấy lí luận để tỏ rõ tư tưởng, lập trường hay chí hướng của mình, hay nói
cách khác, cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, nhưng tác phẩm đó thể
hiện rõ rệt chức năng của các tự truyện.
Với các dạng thức thông tin về tiểu sử nhà văn như sơ yếu lý lịch, các
bản tự thuật ngắn gọn, các bản tự thuật mà nhà văn cho in kèm khi công bố
tác phẩm của mình và tự truyện ta đều thấy có một đặc điểm chung đó là
nói về cá nhân. Tuy nhiên “tác phẩm tự truyện thường có những thiên
hướng lý giải cuộc sống đã qua (của tác giả) như một chỉnh thể, tạo ra
những đường nét mạch lạc cho cuộc sống kinh nghiệm của mình. Người
viết tự truyện có khi cũng vận dụng hư cấu “thêm thắt” hoặc “sắp xếp lại”
các chi tiết của cuộc đời mình nhằm làm cho sự trình bày về cuộc đời ấy
trở nên hợp lý, nhất quán” [1; 363]. Trong khi đó tự thuật lại yêu cầu trình
bày một cách súc tích những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời nhà văn đòi
25

×