Tải bản đầy đủ (.pdf) (144 trang)

Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.25 MB, 144 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH




NGUYỄN THỊ MINH TÂM





THÀNH TỰU VÀ GIỚI HẠN
CỦA SỰ CÁCH TÂN
TRONG THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU






LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN







NGHỆ AN - 2014
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH




NGUYỄN THỊ MINH TÂM




THÀNH TỰU VÀ GIỚI HẠN
CỦA SỰ CÁCH TÂN
TRONG THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU


Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60.22.01.21


LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN


Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. PHAN HUY DŨNG




NGHỆ AN - 2014
LỜI CẢM ƠN


Tôi xin chân thành cảm ơn những chỉ dẫn quý báu của Thầy giáo -
PGS. TS. Phan Huy Dũng trong quá trình thực hiện luận văn này.
Tôi xin cảm ơn các Thầy Cô giáo trong khoa Sư phạm Ngữ văn
trường Đại học Vinh đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập
và nghiên cứu của mình.
Cảm ơn những người thân trong gia đình và bạn bè, đồng nghiệp đã
luôn động viên và ủng hộ tôi trong quá trình thực hiện luận văn.

Vinh, tháng 10 năm 2014
Tác giả luận văn



Nguyễn Thị Minh Tâm

MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
3. Đối tượng và phạm vi tư liệu khảo sát 5
4. Nhiệm vụ nghiên cứu 6
5. Phương pháp nghiên cứu 6
6. Cấu trúc luận văn 6
Chương 1. HIỆN TƯỢNG NGUYỄN QUANG THIỀU TRONG NỖ LỰC
ĐỔI MỚI CỦA THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 7
1.1. Nhu cầu đổi mới của thơ Việt Nam sau 1975 7
1.1.1. Những đòi hỏi mới của đời sống đất nước và của công
chúng văn học, công chúng thơ ca 7

1.1.2. Những kích thích mỹ học từ các nguồn thơ phi chính thống 10
1.1.3. Khái quát về sự đáp ứng nhu cầu đổi mới thơ của các thế
hệ nhà thơ cùng tham gia thi đàn Việt Nam sau 1975 21
1.2. Sự xuất hiện của một thế hệ nhà thơ mới tiếp nối thế hệ các nhà
thơ chống Mỹ 27
1.2.1. Nhận diện thế hệ nhà thơ sau “thế hệ chống Mỹ” 27
1.2.2. Đóng góp của thế hệ nhà thơ sau “thế hệ chống Mỹ” trên
phương diện tư duy thơ 30
1.2.3. Đóng góp của thế hệ nhà thơ sau “thế hệ chống Mỹ” trên
phương diện đổi mới hình thức thơ 33
1.3. Nguyễn Quang Thiều - một hiện tượng thơ cách tân 36
1.3.1. Con người Nguyễn Quang Thiều 36
1.3.2. Quan niệm thơ của Nguyễn Quang Thiều 39
1.3.3. Khái quát về hành trình cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều 43
Chương 2. NHỮNG THÀNH TỰU CÁCH TÂN CỦA THƠ
NGUYỄN QUANG THIỀU 48
2.1. Những cách tân về nội dung 48
2.1.1. Mở rộng và đời thường hóa đề tài 48
2.1.2. Tạo sự phức hợp trong cảm hứng 54
2.1.3. Xoáy sâu vào những thể nghiệm tâm linh 59
2.2. Những cách tân về hình thức 65
2.2.1. Kiến trúc một hệ thống biểu tượng đa tầng 65
2.2.2. Mơ hồ hóa ngôn ngữ thơ và văn xuôi hóa câu thơ 72
2.2.3. Xây dựng phổ giọng u buồn trong thơ 83
2.3. Trường ảnh hưởng của thơ Nguyễn Quang Thiều 88
2.3.1. Nguyễn Quang Thiều với các nhà thơ cùng thế hệ 88
2.3.2. Nguyễn Quang Thiều với các nhà thơ thuộc thế hệ sau 91
Chương 3. GIỚI HẠN CỦA XU HƯỚNG CÁCH TÂN TRONG THƠ
NGUYỄN QUANG THIỀU 94
3.1. Xác định xu hướng cách tân trong thơ Nguyễn Quang Thiều 94

3.1.1. Các khái niệm: thơ hiện đại và thơ hậu hiện đại 94
3.1.2. Căn rễ truyền thống của trường thẩm mỹ trong thơ Nguyễn
Quang Thiều 97
3.1.3. Khoảng cách giữa thơ Nguyễn Quang Thiều và thơ hậu
hiện đại 100
3.2. Giới hạn về nội dung của xu hướng cách tân trong thơ Nguyễn
Quang Thiều 102
3.2.1. Sự lấn át của cảm hứng lãng mạn 102
3.2.2. Sự độc tôn cái tôi 108
3.2.3. Sự xa cách với các vấn đề nóng của thời cuộc 113
3.3. Giới hạn về hình thức của xu hướng cách tân trong thơ Nguyễn
Quang Thiều 118
3.3.1. Thiếu tính tương tác 118
3.3.2. Sự đơn giọng 122
3.3.3. Sự nặng nề của hệ thống biểu tượng 126
KẾT LUẬN 131
TÀI LIỆU THAM KHẢO 134







1
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Sau năm 1975, một thế hệ nhà thơ mới đã trưởng thành và có
những đóng góp quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thơ Việt Nam vốn đã

được khởi động từ những năm đầu thế kỷ XX. Với tham vọng cách tân thơ ca
một cách triệt để, nhiều tác giả đã có những hướng tìm tòi nhằm phá vỡ
những quy phạm, những chuẩn mực đang ràng buộc thơ hiện nay. Trong số
đó, Nguyễn Quang Thiều là một hiện tượng tiêu biểu với những cách tân khá
táo bạo. Thơ Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên một xu hướng cách tân cho thơ
Việt Nam sau 1975, hình thành một trường ảnh hưởng mạnh cho các nhà thơ
đương thời. Như vậy, tìm hiểu thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ là tìm
hiểu những đóng góp quan trọng của ông trong sự đổi mới của nền thơ ca hiện
đại Việt Nam mà còn là tìm hiểu những đặc điểm và xu hướng chuyển động
của thơ ca Việt Nam đương đại. Đây là lý do đầu tiên để chúng tôi tìm đến đề
tài này.
1.2. Nguyễn Quang Thiều là một hiện tượng thơ ca đã tạo được dư luận
sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều. Sau khi tập thơ Sự mất ngủ của lửa được
trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, đời sống phê bình văn
học vốn trầm lặng trong một thời gian dài đã được đánh thức, hoạt động sôi
nổi hơn. Người thì khẳng định Nguyễn Quang Thiều là gương mặt cách tân
nổi bật, đã xác lập được một trường thơ có khả năng ảnh hưởng sâu và rộng,
người lại cho rằng Nguyễn Quang Thiều không biết làm thơ, rằng thơ ông
như thơ dịch. Đây là một lý do tạo nên sức hấp dẫn của việc tìm hiểu thơ
Nguyễn Quang Thiều, để từ đó, người nghiên cứu có thể xác lập một cái nhìn
khoa học đối với hiện tượng thơ độc đáo này.
1.3. Những cách tân của Nguyễn Quang Thiều trên cả hai phương diện
nội dung và hình thức thơ gắn liền với những quan niệm thẩm mĩ và quan


2
niệm thơ ca của cả một thời đại. Qua cuộc tranh luận giữa những chiều hướng
trái ngược nhau về thơ Nguyễn Quang Thiều, nhiều vấn đề lý luận thơ ca đã
được đặt ra và lý giải. Vì vậy, tìm hiểu thơ Nguyễn Quang Thiều ở góc độ
cách tân và giới hạn cũng là tìm hiểu về những quan niệm và đặc trưng của

thơ Việt Nam đương đại, đồng thời, qua đó, tìm một con đường để tiếp nhận
thơ ca hiện đại sau 1975.
1.4. Nguyễn Quang Thiều là người đã mở ra một xu hướng thơ mới mẻ
cho thơ ca hiện đại Việt Nam, nhưng cùng thời với Nguyễn Quang Thiều và
sau Nguyễn Quang Thiều, những cây bút trẻ đang bứt phá ra khỏi ảnh hưởng
của thơ Nguyễn Quang Thiều để hướng đến một phong cách thơ mang hơi
hướng hậu hiện đại. Như vậy, xét về một phương diện khác, thơ Nguyễn
Quang Thiều có những giới hạn so với yêu cầu phát triển của thơ hiện nay.
Việc tìm hiểu những cách tân và giới hạn trong thơ ông là cần thiết để nhìn
thấy được chiều hướng đang và sẽ chuyển động của thơ Việt Nam.
Tóm lại, đề tài Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ
Nguyễn Quang Thiều là một đề tài vừa mang tính thời sự vừa có ý nghĩa lý
luận và văn học sử. Nó đáp ứng được các tiêu chí cần thiết để lựa chọn làm
một đề tài của luận văn thạc sĩ.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Sau khi Hội Nhà văn trao giải thưởng cho tập thơ Sự mất ngủ của
lửa vào năm 1993, tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên được một
đời sống dư luận phong phú. Giới phê bình nghiên cứu đã có nhiều bài viết,
nhiều bài tranh luận về thơ Nguyễn Quang Thiều. Những bài viết đầu tiên
thực sự tâm huyết với thơ Nguyễn Quang Thiều có thể kể đến là Tư duy thơ
Nguyễn Quang Thiều của Đông La (Biên độ của trí tưởng tượng - Nxb Văn
học, Hà Nội 2001), Những thể nghiệm trong thơ Nguyễn Quang Thiều của Vũ
Văn Sỹ (Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao động, 2002), Nước, lửa, những
cánh đồng và dòng sông của Nguyễn Đăng Điệp (Tạp chí Nhà văn số 2,


3
2003), Nguyễn Quang Thiều, nơi con sóng trăng đang vật vã của Quỳnh Nhi
(1998). Tuy nhiên, hầu hết những bài viết trên chưa đi đến những nhận định
khái quát về hiện tượng Nguyễn Quang Thiều mà mới chỉ dừng lại ở những

cảm nhận, ấn tượng cụ thể về một vài bài thơ, tập thơ. Phải đến Hội thảo Thơ
Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều diễn ra vào ngày 28/6/2012 do
Viện Văn học tổ chức mới xuất hiện nhiều bài tham luận, nghiên cứu đáng
chú ý, tập trung vào những đóng góp của Nguyễn Quang Thiều ở phương
diện cách tân thơ Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, đã có không ít luận văn nghiên
cứu về thơ Nguyễn Quang Thiều, quan tâm đến sự đổi mới trong thơ ông. Bên
cạnh đó, thơ Nguyễn Quang Thiều còn trở thành đối tượng của nhiều bài
nghiên cứu được viết bằng tư duy phản biện. Có thể nói, thơ Nguyễn Quang
Thiều đã tạo nên một sức hút lớn đối với giới phê bình nghiên cứu văn học.
2.2. Theo quan sát của chúng tôi, có hai chiều hướng chủ yếu trong việc
nhìn nhận, đánh giá về những cách tân của thơ Nguyễn Quang Thiều:
Chiều hướng thứ nhất khẳng định Nguyễn Quang Thiều là gương mặt
cách tân táo bạo, là người xác lập được một trường thơ có khả năng ảnh
hưởng sâu rộng và mạnh mẽ. Nguyễn Đăng Điệp ở bài Đổi mới thơ Việt nam
đương đại nhìn từ trường hợp Nguyễn Quang Thiều đã đánh giá: “Không cần
cường điệu, có thể khẳng định dứt khoát: tính đến thời điểm này, những cách
tân nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều vào những năm đầu 90 của thế kỷ
XX là những cách tân tạo được hiệu ứng nghệ thuật sâu đậm nhất trong thơ
Việt sau 1975” [9, 20]. Thiên Sơn trong bài Cảm nhận thơ Nguyễn Quang
Thiều khẳng định: “Nguyễn Quang Thiều là nhà tiên phong khởi đầu một
dòng chảy mới trong thơ”, “Nguyễn Quang Thiều là một “hộp đen” để chúng
ta giải mã những vấn đề của thơ Việt hôm nay” [9, 117]. Nguyễn Việt Chiến
đánh giá vai trò của Nguyễn Quang Thiều trong dòng chảy thi ca cách tân sau
1975: “Với Nguyễn Quang Thiều, nhiều trang thơ mới đã mở ra, nhiều khát
vọng và đời sống mới đã được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ thơ của riêng


4
anh và đấy chính là những đóng góp lớn của anh cho nền thơ đương đại” [9,
250]. Nhìn chung, các bài nghiên cứu thuộc loại trên khi khẳng định Nguyễn

Quang Thiều như một gương mặt cách tân tiên phong trong thơ Việt Nam
hiện đại đều ghi nhận những đổi mới của Nguyễn Quang Thiều về ngôn ngữ
thơ, cấu trúc thơ, hình ảnh thơ và một kiểu tư duy thơ.
Tuy nhiên, trong chiều hướng khẳng định thơ Nguyễn Quang Thiều,
nhiều ý kiến vẫn còn sa vào cực đoan. Thứ nhất, mặc dù ủng hộ sự đổi mới
của Nguyễn Quang Thiều, nhưng do chưa tiếp cận được văn bản, chưa nắm
được bút pháp của thơ ông, nên đã có những đánh giá chưa hợp lí: hoặc là đề
cao sự mù mờ rối rắm vô nghĩa trong thơ Nguyễn Quang Thiều hoặc cắt
nghĩa thơ Nguyễn Quang Thiều một cách đơn giản vội vàng. Thứ hai, những
người ủng hộ chí hướng cách tân thơ Nguyễn Quang Thiều nhưng chưa hiểu
hết về thơ ông đã có những ý kiến ngợi ca bốc đồng, thái quá, thậm chí vội
vàng khẳng định Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ hậu hiện đại.
Chiều hướng thứ hai đánh giá không cao, thậm chí phủ nhận ý nghĩa
cách tân của hiện tượng thơ này. Có người cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều
chỉ là một lối thơ “dịch xổi”, là “lai căng”, là “dịch tiếng Việt sang tiếng ta”,
là sản phẩm của một người không biết làm thơ. Trần Mạnh Hảo, trong Tham
luận của Trần Mạnh Hảo gửi hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều, đã gọi thi
pháp thơ Nguyễn Quang Thiều là thi pháp phản truyền thống, sáng tạo nên
một loại thơ lắm lời, đơn nghĩa, xóa mọi hàm ngôn - một thứ thơ “phi truyền
thống, phi hình tượng, phi cấu tứ, phi tư tưởng, phi nội hàm, phi truyền cảm”
[17].Tranh luận với những ý kiến quá đề cao thơ Nguyễn Quang Thiều và vội
vàng cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều có nhiều tìm tòi theo hướng hậu hiện
đại, Inrasara trong bài Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định đã
khẳng quyết: “Nguyễn Quang Thiều cứ mắc kẹt ở bên kia bờ hiện đại. Mắc
kẹt và rớt lại phía sau. Anh vẫn còn đầy nghiêm cẩn, nghiêm cẩn đến nghiêm
trọng. Tâm tính với tâm thức đó cản ngăn nhà thơ biết cười vào mấy nỗi


5
nghiêm trang, nghiêm nghị, do đó anh không đưa thơ tiếp cận chất humor -

humor hậu hiện đại” [26].
Có thể thấy dư luận về hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều là khá
phức tạp. Trước tình hình đó, luận văn của chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu
thành tựu và hạn chế trong hành trình cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều,
với mong muốn góp thêm ý kiến nhằm định vị Nguyễn Quang Thiều trong
nền thơ hiện đại Việt Nam một cách thỏa đáng hơn.
3. Đối tượng và phạm vi tư liệu khảo sát
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những thành tựu và hạn chế trong
hành trình cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều.
3.2. Phạm vi tư liệu khảo sát
Thực hiện đề tài này, chúng tôi tập trung khảo sát các tập thơ sau của
Nguyễn Quang Thiều:
- Ngôi nhà 17 tuổi, 1990.
- Sự mất ngủ của lửa, 1992.
- Những người đàn bà gánh nước sông, 1995.
- Những người lính của làng, 1996.
- Thơ Nguyễn Quang Thiều, 1996.
- Nhịp điệu châu thổ mới, 1997.
- Bài ca những con chim đêm, 1999.
- Cây ánh sáng, 2009.
- Châu thổ, 2010.
Ngoài ra, chúng tôi cũng khảo sát thơ của nhiều nhà thơ khác cùng thế
hệ với Nguyễn Quang Thiều và thuộc các thế hệ 197x, 198x để có tư liệu đối
sánh: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn,
Inrasara, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly


6
Hoàng Ly, Như Huy, Lê Vĩnh Tài, Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Thúy Quỳnh,

Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Như Thúy…
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Tìm hiểu nhu cầu đổi mới của thơ Việt Nam sau 1975 và sự xuất
hiện của Nguyễn Quang Thiều như một tác giả tiêu biểu của thế hệ tiếp nối
thế hệ các nhà thơ chống Mỹ.
4.2. Đánh giá những thành tựu cách tân của thơ Nguyễn Quang Thiều
trên các phương diện nội dung và hình thức.
4.3. Phân tích những giới hạn của xu hướng cách tân mà Nguyễn
Quang Thiều lựa chọn trong bối cảnh sáng tạo đa dạng của thơ Việt Nam
đương đại.
5. Phương pháp nghiên cứu
Với nhiệm vụ mà đề tài đặt ra, chúng tôi đã sử dụng kết hợp nhiều
phương pháp nghiên cứu khác nhau:
- Phương pháp hệ thống - cấu trúc.
- Phương pháp loại hình.
- Phương pháp tiểu sử.
- Phương pháp so sánh - đối chiếu.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận
văn được triển khai qua 3 chương:
Chương 1. Hiện tượng Nguyễn Quang Thiều trong nỗ lực đổi mới
của thơ Việt Nam đương đại.
Chương 2. Những thành tựu cách tân của thơ Nguyễn Quang Thiều.
Chương 3. Giới hạn của xu hướng cách tân trong thơ Nguyễn Quang Thiều.


7
Chương 1
HIỆN TƯỢNG NGUYỄN QUANG THIỀU

TRONG NỖ LỰC ĐỔI MỚI CỦA THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

1.1. Nhu cầu đổi mới của thơ Việt Nam sau 1975
1.1.1. Những đòi hỏi mới của đời sống đất nước và của công chúng
văn học, công chúng thơ ca
Thơ ca Việt Nam thế kỷ XX đã tạo nên một bước ngoặt thật sự trong
tiến trình phát triển thơ ca dân tộc bằng những nỗ lực sáng tạo và cách tân, bắt
đầu bằng phong trào Thơ mới. Vấn đề đổi mới trong thơ ca không chỉ là nhu
cầu tự thân của mỗi cá thể sáng tạo, đó còn là sự đòi hỏi của đời sống xã hội
và công chúng thơ ca.
Nếu như đầu thế kỷ XX, sự du nhập của văn hóa phương Tây và sự
biến chuyển lớn trong đời sống xã hội diễn ra trong bối cảnh thơ ca trung đại
đã đi hết chặng đường và sứ mệnh của nó đã tạo nên một áp lực thơ ca, tiền
đề của sự ra đời “một thời đại mới trong thơ” (Hoài Thanh), thì từ sau 1975,
việc đất nước bước ra từ khói lửa chiến tranh và nhập vào cuộc chuyển mình
lớn lao cùng thời đại đã tạo nên một yêu cầu đổi mới bức thiết cho thi ca
Việt Nam. Nếu như trong suốt 30 năm kháng chiến (1945 - 1975), thi ca
Việt Nam đã “thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại”
(Nguyễn Việt Chiến) [6, 7] thì sau chiến tranh, cuộc sống thời bình cùng với
sự đổi mới toàn diện và sâu sắc diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống đã đặt
ra những tiêu chí mới cho văn học, trong đó có thơ ca. “Chiến tranh kết
thúc, thơ phải trở về với những cảm xúc gần gũi, chân thực của con người
trong trạng thái bình thường, đời thường. Sự trở về này là chuyển biến tất
yếu, khách quan của thơ trong điều kiện cuộc sống không còn trạng thái sử
thi” (Phạm Quốc Ca) [3, 29].


8
Sau chiến tranh, đặc biệt là từ sau Đổi mới (tính từ mốc Đại hội Đảng
lần thứ VI - 1986), việc nền kinh tế chuyển từ mô hình tập trung bao cấp sang

mô hình kinh tế thị trường, cùng với nó là sự đẩy mạnh công cuộc hiện đại
hóa, công nghiệp hóa đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô
thị hóa. Hệ quả của quá trình tăng tốc ấy chính là một xã hội phức tạp hơn,
gai góc hơn, xô bồ hơn và cũng nhốn nháo hơn. Sự phức tạp gai góc ấy không
chỉ diễn ra trên bề mặt đời sống mà diễn ra ở bề sâu trong nhân cách của mỗi
một con người. Những thước đo giá trị cũ, những chuẩn mực cũ, khi đối diện
và va chạm với đời sống, đã không còn giữ được tính tuyệt đối của nó nữa.
Con người thời bình đã đánh mất dần nhãn quan sử thi thuần khiết đã hình
thành và tồn tại suốt những năm tháng chiến tranh. Cuộc sống không còn
được bao bọc trong ánh hào quang lộng lẫy mà hiện ra trần trụi hơn với bao
nghịch lý và phi lý buộc con người phải đối mặt, phải nhận thức. Nhu cầu
nhận thức đời sống ấy khiến cho người đọc không chấp nhận những tác phẩm
dễ dãi, những tác phẩm ngợi ca một chiều. Công chúng cần đến những tác
phẩm phản ánh chân thực hơn, đa chiều hơn về đời sống, đặt ra được những
vấn đề hôm nay để đối mặt và đối thoại. “Nhìn thẳng vào sự thật” là một yêu
cầu đối với thơ ca và cũng chính là một cảm hứng sáng tạo mới trong thơ.
Ba mươi năm chiến tranh đồng nghĩa với việc trong một thời gian dài,
lịch sử đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết hy sinh cái tôi cá nhân để gánh vác trách
nhiệm lớn lao của đất nước, của cộng đồng. Tinh thần dân chủ của xã hội thời
kỳ đổi mới đã mở cửa cho cái tôi được giải phóng. Con người quan tâm đến
những nhu cầu riêng tư của mình hơn và cũng quan tâm đến giá trị bản thân
hơn. Vì vậy, nhu cầu khẳng định cái tôi gắn liền với nhu cầu khám phá bản
ngã. Nhu cầu này toàn diện hơn, sâu sắc hơn so với sự “mở cửa” lần đầu ở
những năm đầu thế kỷ XX, thể hiện ở sự nhận chân lại những giá trị cá nhân
và cuộc sống, sự quan tâm đến những nhu cầu đời tư cũng như sự khám phá


9
đời sống tâm linh và vô thức vốn luôn luôn tồn tại trong mỗi con người. Công
chúng văn học hôm nay đòi hỏi một cái nhìn dân chủ hóa về con người, đặt

con người trong thế bình đẳng để khám phá, không tách biệt con người anh
hùng với con người đời thường. Mặt khác, hành trình từ con người - công dân
trở về với con người - cá nhân là hành trình giải phóng cái tôi cá nhân ở một
mức độ mới, cao hơn, toàn diện hơn: khẳng định con người - cá tính. Nhu cầu
giải phóng cá nhân vì vậy gắn liền với nhu cầu giải phóng cá tính trong thơ.
Đó là nhu cầu tất yếu của một xã hội hiện đại.
Một trong những biến chuyển quan trọng của đời sống đất nước chính
là việc chủ động mở cửa để hội nhập với thế giới, tạo điều kiện cho các hoạt
động giao lưu, tiếp xúc văn hóa phát triển. Trong bối cảnh của nền văn minh
toàn cầu, con người không chỉ đối diện với những vấn đề của riêng dân tộc
mình mà còn đứng trước những vấn đề lớn của cả nhân loại và thời đại.
Những biến động trong đời sống con người trên thế giới, đặc biệt là ở những
nước phát triển đã tác động và in dấu ấn trong tâm lý con người Việt Nam.
Cái nhìn hoài nghi, cảm giác lo âu và bất an của người Việt trước đời sống
hiện đại với những mặt trái đầy bất ổn và nghịch lý của nó chính là kết quả
của sự tác động ấy. Đồng thời, chính sự giao lưu toàn cầu ấy đã tạo điều kiện
cho sự tiếp xúc những thành tựu cách tân của văn học trên thế giới. Từ sau
năm 1975, nhờ sự phát triển sôi động của hoạt động dịch thuật văn học,
những tác phẩm được giải Nobel, những tác phẩm ưu tú của các tác gia đương
đại thuộc các trường phái khác nhau như G. Apolinaire, Garcia Marquez, F.
Kafka, W. Faulkner, J. Brodsky, đã đem đến cho công chúng trong nước
những ý niệm về một phương pháp sáng tác mới với một hình thức nghệ thuật
mới. Vì vậy, người đọc có quyền đòi hỏi văn học nói chung, thơ ca nói riêng
phải bắt nhịp được với thời đại này, nói lên được tiếng nói của thời đại này,
không chấp nhận một sự lạc hậu so với trình độ văn học của toàn thế giới,
không chấp nhận một sự lỗi thời với tâm lý con người thời hiện đại.


10
Có thể nói, sau năm 1975, đời sống xã hội đã tạo nên những điều kiện

thuận lợi nhưng cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với văn học nói
chung và thơ ca nói riêng. Điều này là một chất kích thích mạnh đối với nhà
thơ trong nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm nhằm cách tân thơ Việt.
1.1.2. Những kích thích mỹ học từ các nguồn thơ phi chính thống
Sau giai đoạn thơ Tiền chiến, thi ca Việt Nam bước vào giai đoạn thơ
Kháng chiến trong 30 năm gắn liền với khói lửa chiến tranh. Những dấu hiệu
của chủ nghĩa hiện đại được khơi mào trong các sáng tác của Hàn Mặc Tử,
Bích Khê, nhóm Xuân Thu nhã tập, nhóm Dạ Đài trong bối cảnh mới dường
như đã bị đứt đoạn. Với tinh thần văn học phục vụ cách mạng, văn chương là
vũ khí đấu tranh, thơ ca Kháng chiến chủ yếu phản ánh cuộc sống mới, con
người mới, ngợi ca cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Bằng cảm hứng
lãng mạn và cảm hứng sử thi, thơ ca kháng chiến nhìn cuộc sống ở khía cạnh
tích cực của nó, tạo nên sự phiến diện trong quan hệ thẩm mỹ đối với hiện
thực. Mặc dù thơ Kháng chiến ít nhiều có làm thay đổi diện mạo thơ Tiền
chiến nhưng nhìn chung hiện đại hóa không được đề ra một cách bức xúc
trong nền thơ Cách mạng. Với tiêu chí lấy số đông quần chúng nhân dân làm
đối tượng sáng tác và tiếp nhận, thơ Kháng chiến thiên về vẻ đẹp trong sáng
và giản dị từ ngôn từ đến bút pháp. Bởi thế, ngay trong lòng 30 năm kháng
chiến, đổi mới thi ca vẫn luôn luôn là nỗi trăn trở băn khoăn của người cầm
bút. Những trăn trở ấy đã bắt gặp những kích thích mỹ học từ những nguồn
thơ phi chính thống và trở thành một cuộc cách tân thơ quyết liệt và hứng
khởi trong văn học thời kỳ thời kỳ Đổi mới.
1.1.2.1. Từ các nhà thơ của nhóm Nhân văn - Giai phẩm
Đầu tiên phải kể đến ảnh hưởng từ những tìm tòi thể nghiệm của các
nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Văn Cao, Dương
Tường của nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Sáng tác của các nhà thơ này mang


11
tính chất khơi mào và đột phá cho một cuộc cách mạng mới trong thơ sau sự

thoái trào của Thơ mới. Từ những tác phẩm trong thời kỳ Nhân văn - Giai
phẩm, cái nhìn chân thực và đa diện về cuộc sống, về con người, với tư tưởng
cốt lõi là đưa thơ về gần với đời sống, với số phận con người trong thơ Trần
Dần đã làm nên dấu ấn đầu tiên của sự cách tân. Thoát ra khỏi những hình
ảnh óng ả trau chuốt của Thơ mới, Trần Dần ngay trong những vần thơ tình
khắc khoải nỗi nhớ, vẫn bộn bề trong đó chất sống của một hiện thực đời
thường : Em ơi/ anh không ngủ được/ bốn đêm rồi/ Nhớ em/ đường phố Sinh
Tử/ đen cả mũi/ mùi than/ mùi bụi (Tình yêu). Giọng thơ tự sự với hiện thực
ngổn ngang bề bộn và nhức nhối của Trần Dần rất khác với giọng thơ trữ tình
mượt mà đã chiếm lĩnh thi đàn 1932 - 1945. Từ sau sự cố Nhân văn - Giai
phẩm, khi trở thành những kẻ ngoài lề, trong những tháng ngày âm thầm sáng
tạo, các nhà thơ nhóm Nhân văn - Giai phẩm quay về với xu hướng thơ tượng
trưng siêu thực. Sáng tác của họ không được công bố, mà bị “đóng chai” (chữ
của Trần Dần) và phải chờ đến thời kỳ Đổi mới, những sáng tác ấy mới được
ra mắt bạn đọc. Khi những tác phẩm Cổng tỉnh (1994), Mùa sạch (1997) của
Trần Dần, Bóng chữ (1994) của Lê Đạt, Bến lạ (1991), Ô mai (1993) của
Đặng Đình Hưng được xuất bản, xu hướng thơ tượng trưng siêu thực đã thật
sự khuấy động thi đàn vì quan niệm nghệ thuật của các nhà thơ này khác hẳn
thơ ca chính thống. Các nhà thơ đào sâu khám phá bản thể ở những góc độ
mới. Thơ Hoàng Cầm là sự khám phá con người ở chiều sâu tâm linh, hướng
đến những ẩn ức, những khát khao sâu thẳm bí ẩn của con người, những cơn
khát khôn nguôi ám ảnh đã hóa thành những mộng tưởng, những vọng tưởng:
Chị đưa Em đến bến này/ Cheo leo mỏm đá/ Trước vực/ Sau khe/ Thòng lọng
tơ gì quấn gót/ Tua khăn bông còn buộc búp hoa lan/ ù ù gió thổi/ Em vọng ai
đâu mà hóa đá (Cỏ bồng thi). Nhạy cảm với những biến chuyển của tâm lý
con người hiện đại, thơ Đặng Đình Hưng lại mang đậm cảm thức cô đơn và


12
lạc loài - dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh, đây sẽ là cảm thức được tiếp nối và

phát triển ở các nhà thơ theo xu hướng hiện đại chủ nghĩa sau này. Con người
trong thơ ông là con người đối diện với những vô nghĩa và phi lý nên luôn cô
đơn và xa lạ ngay cả với chính bản thân mình. Cảm giác hoài nghi và chán
nản vì thế dâng lên ngập tràn trong thơ Đặng Đình Hưng.
Nhưng, bước đột phá mạnh mẽ nhất của các nhà thơ nhóm Nhân văn -
Giai phẩm chính là những nỗ lực cách tân thơ về phương diện hình thức. Với
ý thức đi tìm một thứ ngôn ngữ mới cho thơ thay thế cho thứ ngôn ngữ đã cũ
với hệ thống biểu tượng đã trở thành sáo mòn và đơn điệu, các nhà thơ của
Nhân văn - Giai phẩm đã nỗ lực sáng tạo một kiểu ngôn ngữ thơ ca có khả
năng bộc lộ được tất cả vẻ đẹp tự thân của nó chứ không đơn giản ở chức
năng mang nghĩa. Ở phương diện này, Trần Dần được coi là nhà cách tân số
một của thi ca Việt Nam thế kỷ XX. Lời kêu gọi của Trần Dần: “Phải chôn
Thơ mới” chính là biểu hiện của một mong muốn mãnh liệt: phải viết khác đi,
phải bước qua những thành tựu của phong trào Thơ mới để tạo nên những
thành tựu thơ ca mới. Từ chỗ chịu ảnh hưởng lối thơ bậc thang của
Maiacovski trong Trường ca Việt Bắc, Trần Dần chuyển sang viết Jờ Jọacx,
Cổng tỉnh, Mùa sạch với một hành trình sáng tạo không ngừng để tìm đến với
cái mới. Thơ của Trần Dần đã xóa nhòa ranh giới giữa thơ và lời nói thường.
Sự xóa nhòa ranh giới này làm cho giọng thơ của Trần Dần tự nhiên như
chính hơi thở đời sống, thấm đẫm trong đó những nỗi niềm được chắt lọc tinh
khiết trong mỗi nhịp sống của thi sĩ. Ngôn ngữ thơ Trần Dần được cấu trúc
bằng những biểu tượng mới và lạ. Chối từ những biểu tượng sáo mòn chỉ gợi
nên những tầng nghĩa cũ, thế giới biểu tượng trong thơ Trần Dần mang đến
những khả năng liên tưởng mới mẻ và bất ngờ, nhiều khi khó cắt nghĩa rõ
ràng nhưng lại tạo nên những cảm nhận mênh mang, đó là những chân trời
không có người bay, là những người bay không có chân trời, là cái tôi mỏi


13
răng nhai ràu rạu vỉa hè, là mùa sạch Làm mới ngôn ngữ thơ, Trần Dần tạo

nên những kết hợp từ mới lạ, bất chấp cả logic thông thường của nó hay sáng
tạo nên những từ láy lạ lùng chưa hề xuất hiện trong tiếng Việt, mà theo quan
niệm của Trần Dần, ấy là một cách “làm mới tiếng Việt”. Câu thơ của Trần
Dần đã lạ hóa cảm nhận thính giác của người đọc, buộc người đọc phải sống
đến tận cùng với âm thanh của ngôn ngữ để có thể cảm nhận sức gợi mở lạ
lùng của nó.
Quan điểm làm chữ ấy thể hiện rõ nhất trong thơ của Lê Đạt, người
được mệnh danh là “phu chữ”. Với quan niệm “nhà thơ phải là kẻ phu chữ”
và “mỗi chữ có một chân dung”, Lê Đạt thể nghiệm kiểu câu thơ mới được
hình thành trên cơ sở những kết hợp mới lạ về ngữ nghĩa và ngữ pháp của từ:
Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió/ Đùi bãi ngô non/ ngo ngó sông đầy/ Cây
gạo già/ lơi tình/ lên hiệu đỏ/ La lả cành/ cởi thắm/ để hoa bay (Quan họ).
Nhiều câu thơ của Lê Đạt sử dụng lối tĩnh lược những dấu hiệu liên kết logic
hình thức giữa các đơn vị từ trong câu thơ, ly gián những từ ngữ vốn có quan
hệ gắn bó với nhau và sắp xếp kề cận những từ ngữ vốn không liên hệ gì với
nhau. Sự sắp xếp câu chữ đó tạo nên sự đứt quãng về nghĩa giữa các từ ngữ và
những khoảng trống, có khả năng gợi nên những trường liên tưởng phong
phú, những cảm nhận khác nhau, cho phép người đọc tham dự vào quá trình
tạo dựng và hoàn thành ngữ nghĩa của câu thơ. Em về trắng đầy cong khung
nhớ, Em trường nét gốm thon bình cổ đại là những câu thơ như thế. Những
sáng tạo ngôn ngữ của Lê Đạt đã ảnh hưởng rất lớn đến những cách tân sau
này của thơ ca thời kỳ Đổi mới. Tuy nhiên, tỉ lệ những câu thơ đẹp nhưng khó
hiểu ngày càng nhiều đến mức dày đặc, việc sử dụng ngôn ngữ ấn tượng và
cắt dán cùng những liên tưởng chuyển nghĩa khá phức tạp, đến mức có người
đã dùng khái niệm “thi pháp thơ ú ớ” để nói về thơ Lê Đạt.
Một hướng thể nghiệm khác là xây dựng những câu thơ đầy cảm giác
và ảo giác, tiêu biểu là Đặng Đình Hưng và Hoàng Cầm. Thế giới nghệ thuật


14

trong thơ Hoàng Cầm được dệt nên từ những hình tượng thơ lạ lẫm và đầy mê
hoặc: Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón
tay măng/ Mõ đêm hè cuốc lội/ Ao mưa dằng dịt lá trường sinh (Chùa Phật
Tích); Em vắt quả cam vàng đầu ngọn sông Thương/ Mắt tròn cối xay/ Chẳng
bao giờ ngủ trước sao Mai (Nước sông Thương). Nguyễn Trọng Tạo đã từng
thừa nhận sức hấp dẫn của thơ Hoàng Cầm: “Quả là thơ Hoàng Cầm có một
ma lực kỳ lạ ở sự cách tân, ở hồn cốt văn hóa làng quê Việt”. Thơ Đặng Đình
Hưng lại là một thế giới tràn đầy ảo giác. Hình thức độc thoại trong tập Ô mai
gắn liền với thế giới của những ảo giác, những mộng du, hiện diện lên từ đó
một cái tôi cô đơn toàn phần. Đó là hình ảnh nội tâm của một người “thể
nghiệm”, sống chỉ là để cảm nhận thế giới xung quanh và cảm nhận mình qua
tất cả các giác quan. Mọi giao lưu bề ngoài, đời thường dường như đứt gãy,
chỉ còn một thế giới nội tâm duy nhất. Một thế giới tràn đầy cảm giác như thế,
sẽ tìm thấy trong những câu thơ của Nguyễn Quang Thiều sau này, ở một
dạng thức khác.
Những nỗ lực cách tân không mệt mỏi của các nhà thơ nhóm Nhân
văn - Giai phẩm, ngay trong những tháng ngày sáng tạo âm thầm nhất của
họ, đã tạo nên một mạch sóng ngầm trong đời sống thi ca. Thơ của họ đã bứt
ra khỏi quỹ đạo thơ chính thống để tìm lối đi riêng. Những thể nghiệm của
họ không chỉ kích thích để nhu cầu đổi mới thơ Việt trở nên bức thiết hơn,
mãnh liệt hơn mà còn là những gợi ý, những tiền đề cho sự cách tân thơ thời
kỳ Đổi mới.
1.1.2.2. Từ thơ của các nhà thơ đô thị miền Nam 1954 - 1975
Thời kỳ đầu đất nước bị chia đôi, trong khi ở miền Bắc, cuộc cách tân
thơ của các nhà thơ nhóm Nhân văn - Giai phẩm bị cản trở, thì ở đô thị miền
Nam, ý đồ làm mới thơ của các nhà thơ nhóm Sáng tạo lại được thực hiện
trong điều kiện thuận lợi. Nhóm Sáng tạo ra đời từ năm 1956, ngay sau đợt


15

“di cư” đầu tiên, đã quy tụ nhiều tên tuổi thuộc nhiều lĩnh vực sáng tác như
Cung Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Lê Lưu Oanh, Doãn Quốc Sĩ,
Cung Trầm Tưởng, Thái Tuấn, Duy Thanh. Nhóm này đã đưa ra một quan
niệm mới về thơ ca, và với những nỗ lực sáng tạo của mình, đã tạo được
những thành tựu thơ ca độc đáo, mang tính nhân văn và khai phóng.
Nhóm Sáng tạo ra đời với ý thức văn nghệ mới và chủ trương làm mới
văn học bằng một nền nghệ thuật được gọi là “nghệ thuật hôm nay”. Các nhà
thơ nhóm Sáng tạo đã có những cách tân rõ rệt với những xu hướng sáng tạo
mới: Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Tô Thùy Yên với thơ tự do, Nguyên
Sa với thơ tình yêu tân kỳ, Cung Trầm Tưởng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức
Sơn), Trần Tuấn Kiệt làm mới thơ lục bát. Những quan niệm của họ về thể
thơ thật sự đã đem đến một ý niệm mới: Nguyên Sa cho rằng thơ tự do là thơ
phá thể, không khuôn khổ, còn Thanh Tâm Tuyền thì đi xa hơn: “thơ hôm nay
không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do mà cao điểm sẽ là thơ
văn xuôi”.
Trong nhóm Sáng Tạo, Thanh Tâm Tuyền nổi bật lên với vai trò tiên
phong. Vượt qua những thành kiến và hẹp hòi, nhà phê bình Phạm Xuân
Nguyên đã khẳng định: “Thanh Tâm Tuyền cùng nhóm Sáng tạo là một hiện
tượng của văn học miền Nam thời kì 1954 - 1975” và “Thơ tự do của nhóm
Sáng Tạo đã đạt được những bước đi đầu tiên, đã bắt đầu làm rạn nứt nếp
quen sáng tạo và thưởng thức thơ lối tiền chiến, đã hé mở cho thơ một lối đi
tìm mình, như vậy, cách hơn ba thập niên trước, thơ Việt đã nhúc nhích đi tới
hiện đại” [38]. Đỗ Lai Thúy thì đánh giá: “Trên cánh đồng văn chương hiện
đại Việt Nam, Thanh Tâm Tuyền cho đến nay, vẫn là một quả núi, đột khởi,
sừng sững, gây kinh ngạc” [73]. Ảnh hưởng của Thanh Tâm Tuyền đối với
các thế hệ thơ ca sau này là điều không thể phủ nhận, khi ông đã làm một
cuộc cách tân thơ, chối từ Thơ mới, đem đến một luồng gió lạ cho thi ca.


16

Thanh Tâm Tuyền chủ trương thơ hôm nay phải là thơ tự do, một thứ thơ
“không gieo vần lối đồng âm đồng thanh, vần của nó là vần ẩn giấu cách xa
(có thể đi tới khác âm nghịch thanh), nhịp điệu của nó là một phối hợp toàn
thể không khuôn vào một số câu nhất định khiến cho hơi thơ tự do dễ kéo dài
hơn các hơi thơ khác” [73]. Phá vỡ những cấu trúc bề ngoài, thơ Thanh Tâm
Tuyền hướng đến cấu trúc của một thực tại bề sâu với những tiếng nói mới, tự
do và vượt thoát. Ông tước bỏ hết những từ nối, từ gối, từ cú pháp, khiến
mạch thơ tưởng như bị đứt gãy đi, mất hẳn bố cục. Ngay việc sắp xếp những
bài thơ cạnh nhau trong một tập thơ cũng dường như không hề có sự liên kết
nào mà chỉ là ngẫu nhiên. Khước từ những cấu trúc cân xứng, hài hòa, khước
từ lối “diễn ca” ý tưởng vốn quen thuộc trong Thơ mới, thơ Thanh Tâm
Tuyền là một sự khai phá mới về ngôn từ và hình thức thể hiện. Tính chất đứt
rời của câu chữ tạo nên những trường liên tưởng rộng rãi, mỗi câu thơ, ý thơ,
hình ảnh thơ, thậm chí mỗi cụm từ trở thành một đơn vị độc lập gợi lên những
ý nghĩa riêng. Ông gọi đây là quan niệm nghệ thuật Dionisos đối lập với quan
niệm Apollon: “Nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong
những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi
rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm”. Với hai tập thơ: Tôi
không còn cô độc (1955) và Liên - Đêm - Mặt trời tìm thấy (1964), Thanh
Tâm Tuyền đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình cách tân thơ,
kể từ sau thời đại Thơ mới. Có người đã ví tập thơ Tôi không còn cô độc của
ông có vai trò khai sáng, mở đường cho một thời đại thi ca như Tình già của
Phan Khôi vậy. Thơ ông dẫu nhiều người vẫn la lối là bí hiểm, hũ nút, nhưng
mãi mãi vẫn là một ma lực với những thế hệ sáng tạo thơ ca mong muốn một
sự đổi mới.
Sau ngày 30 - 4 - 1975, cùng với sự sụp đổ của chính thể Việt Nam
Cộng hòa, ở miền Nam, nền văn học đô thị từng phát triển mạnh mẽ một thời


17

cũng lụi tàn. Mặc dù vậy, những nhân tố tích cực của nền văn học ấy vẫn
được đón nhận trân trọng bởi nhiều nhà văn nhà thơ của phe chiến thắng vốn
biết vượt lên các định kiến, hận thù. Trước hết, thơ đô thị miền Nam đã mở ra
trước mắt những nhà thơ được tự do tham gia thi đàn lúc đó một vùng thẩm
mỹ mới lạ. Người ta khó cưỡng được sức hút của những câu thơ cách tân của
nhóm Sáng tạo, những câu thơ bỡn cợt rong chơi của Bùi Giáng, những vần
thơ tình của Nguyên Sa, Du Tử Lê, những ca từ vừa đậm chất triết lý vừa lãng
mạn mê hoặc của Trịnh Công Sơn… Tiếp theo đó, các nhà thơ ý thức một
cách rõ rệt rằng thơ phải luôn luôn được làm mới, rằng thơ luôn cần đa dạng
với muôn hướng tìm tòi. Rõ ràng, những nhà cách tân thơ Việt thời điểm đó
không thể không nói lời cám ơn đối với bộ phận thơ tinh túy của các nhà thơ
miền Nam 1954 - 1975, bởi chính nguồn thơ này đã sớm mở ra trước họ một
thế giới mới, giúp họ có cơ hội soát xét lại hành trang của mình để bước về
phía trước. Những kinh nghiệm thành công và thất bại của các nhà thơ miền
Nam, dù xét theo góc độ nào, cũng chứa đựng những gợi ý, gợi mở bổ ích cho
hành động làm mới thơ.
Khoảng từ năm 2000 đến nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet,
nhiều sáng tác xưa của các nhà thơ đô thị miền Nam đã trở nên phổ biến. Việc
học tập các kinh nghiệm cách tân thơ của họ trở nên dễ dàng. Các nhà thơ
hôm nay dường như đã mặc nhiên xem thơ miền Nam là một di sản quý, chứa
đựng trong đó những nhân tố cách mạng cần được phát huy để đưa thơ Việt
Nam đạt tới một tầm cao mới, biết chia sẻ những giá trị phổ quát với biển lớn
của thơ nhân loại.
1.1.2.3. Từ thơ của các nhà thơ hiện đại thế giới
Suốt trong một thời gian dài, từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho
đến năm 1975, sự giao lưu văn học của Việt Nam gần như chỉ giới hạn ở việc
giới thiệu về các nền văn học cổ điển châu Âu và văn học Nga - Xô viết, văn


18

học của các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Sau năm 1975, việc dịch và giới
thiệu những sáng tác của nhà thơ hiện đại thế giới như John Ashbery, Robert
Creeley, Keneth Koch, Joseph Brodsky (Nga), Bertolt Bretht (Đức),… thật sự
đã đem đến một nguồn sinh khí mới cho thơ ca Việt Nam.
Chịu ảnh hưởng từ tư tưởng hiện sinh của Friedrich Nietzsche (1844 -
1900), phân tâm học của Sigmund Freud (1856 -1939) và biện chứng pháp
của Karl Marx (1818-1883), cảm quan về sự hỗn loạn, phi lý và hư vô trở
thành tư tưởng chủ lưu trong văn học hiện đại thế giới. Tính chất tự sự, sự
chuyển dịch điểm nhìn từ bên ngoài hướng vào bên trong với thế giới tâm linh
và cõi vô thức ngự trị, cách tiếp cận hiện thực đa dạng, cùng với nó là sự mở
rộng các thể thức câu thơ với trường liên tưởng mênh mang và nhiều khi đứt
gãy của thơ ca hiện đại thế giới trở thành một “miền đất hứa” mời gọi sự bứt
phá trong sáng tạo của các nhà thơ Việt Nam. Mặt khác, ngay trong lòng của
chủ nghĩa hiện đại của văn học thế giới, chủ nghĩa hậu hiện đại đã sinh thành,
tạo nên sự pha trộn giữa tính chất hiện đại và hậu hiện đại ở rất nhiều tác giả.
Sự ra đời của chủ nghĩa Đa đa, chủ nghĩa Siêu thực được xem như là một
cuộc cách mạng về tư tưởng trong văn học nghệ thuật, mà rõ nhất là trong
thơ. Những thành tựu cách tân của thơ ca thế giới này, qua mảng văn học
dịch, đã mở ra một chân trời sáng tạo mới cho nhà thơ Việt Nam. Có thể điểm
qua tên tuổi những nhà thơ hiện đại nổi tiếng trên thế giới mà ảnh hưởng của
họ đến thơ ca Việt Nam đương đại là rõ nét nhất.
John Ashbery là nhà thơ dẫn đầu trường phái thơ New York, vẫn được
coi là nhà thơ tiên phong với những thể nghiệm về nghệ thuật và được đông
đảo bạn đọc chấp nhận. Ông là một trường hợp nhà thơ hiếm hoi đoạt được cả
hai giải thưởng quan trọng nhất Hoa Kỳ: National Book Award (1975) và
Pulitzer (1976), chưa kể hàng chục giải thưởng và trợ cấp nghệ thuật tiếng
tăm khác. John Ashbery rất chú ý đến các thể nghiệm hình thức, với việc sáng


19

tạo những hình ảnh mang tính siêu thực và vỡ vụn, sự chuyển đổi bất ngờ của
giọng và nhịp điệu, sự đa dạng của các chỉ dấu tham khảo. Ngôn ngữ trong
thơ ông tổng hợp ngôn ngữ báo chí, quảng cáo, sách giáo khoa, đối thoại hàng
ngày, tường thuật thể thao. Chối bỏ thể thơ tường thuật cổ điển, không chấp
nhận cái dứt khoát, thơ của Ashbery đi theo một hình thức tự do, với cách thể
hiện đề tài như một chuỗi ý tưởng đan cài vào nhau. Đặc điểm này sẽ in dấu
trong rất nhiều sáng tác của các nhà thơ đương đại Việt Nam.
Cùng với Franz Kafka và Thomas Mann, Bertolt Brecht là một trong
những ngôi sao sáng chói trên bầu trời văn học Đức. Ông được coi là nhà thơ
quan trọng nhất của Đức nửa đầu thế kỷ XX. Hàm chứa sự tươi mới, nguyên
thủy khi sử dụng rất nhiều phương ngữ, thơ Bertolt Brecht mang một vẻ đẹp
khó chuyển tải khi thể hiện lại bằng một ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, với sự
tinh giản tối đa về ngôn ngữ trong khi biểu đạt một trí tưởng tượng đầy ắp
cảm xúc từ hiện thực, với sức mạnh của thi pháp và một niềm khát khao
lương tri cũng như những dự đoán có tính tiên tri về thời đại, những tác phẩm
của ông trở nên phi thời gian và vẫn đang được trải nghiệm bởi thế giới. Bài
thơ Chờ thay lốp xe (1953) là một ví dụ: Tôi ngồi xuống lề đường/ Chờ người
lái xe thay lốp mới/ Nơi tôi ở không còn gì chờ đợi/ Nơi tôi đi cũng chẳng có
gì hơn!/ Vì sao tôi vẫn bồn chồn/ Chờ người thay lốp mới? Khẳng định về sức
ảnh hưởng của Bertolt Brecht, nhà thơ, dịch giả Bằng Việt phát biểu: “Bị
quyến rũ đến không thể không dịch Bertolt Brecht” và “Cầm bút dịch thơ
Brecht, tôi có cảm giác mình cũng đang góp phần khám phá những chân lý”.
Còn nhà thơ Bùi Minh Quốc thì cho rằng “Thơ của Bertolt Brecht sẽ bồi đắp
thêm văn hóa cho lớp trẻ”.
Tuy nhiên, nói về sức ảnh hưởng sâu rộng đối với ý thức cách tân của
thơ ca Việt Nam đương đại, phải kể đến vai trò lớn của nhà thơ Mỹ gốc Nga
Joseph Brodsky. Sinh năm 1940 tại Peterbourg, vào tuổi 17 Joseph Brodsky

×