Tải bản đầy đủ (.pdf) (124 trang)

Chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (928.81 KB, 124 trang )

1

LỜI CẢM ƠN

Hoàn thành luận văn Chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu, tôi xin trân
trọng gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú. Thầy
đã giúp đỡ tôi từ những ý tưởng, những phác thảo đầu tiên tới khi luận văn
được hoàn thành.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới gia đình và cơ quan công
tác đã động viên, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn này.
Cảm ơn những người bạn thân đã san sẻ để luận văn được hoàn thiện.

NGƯỜI VIẾT





Trần Thị Hồng Minh










2



LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan rằng số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn
này là trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác. Tôi cũng xin cam
đoan rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và
các thông tin trích dẫn trong luận văn đã được chỉ rõ nguồn gốc.


NGƯỜI VIẾT





Trần Thị Hồng Minh












3
MỤC LỤC


MỞ ĐẦU

1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 6
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6
5. Phương pháp nghiên cứu 7
6. Những đóng góp mới 7
7. Bố cục của luận văn 8
NỘI DUNG
9
Chương 1: Chất thơ và chất thơ trong văn xuôi

9
1.1. Chất thơ 9
1.1.1. Các quan niệm về thơ và chất thơ 9
1.1.1.1. Các quan niệm về thơ 9
1.1.1.2. Các quan niệm về chất thơ 14
1.1.2. Phân biệt chất thơ với chất trữ tình 19
1.2. Chất thơ trong văn xuôi 21
1.2.1. Thơ, văn xuôi - những kết hợp nghệ thuật 21
1.2.2. Biểu hiện của chất thơ trong văn xuôi 27
1.2.2.1. Nội dung biểu hiện 29
1.2.2.2. Hình thức biểu hiện 30
Chương 2: Nội dung biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu
32
2.1. Chất thơ nhìn từ góc độ thiên nhiên 32
2.1.1. Chất thơ nhìn từ thiên nhiên nơi rừng núi 33

2.1.2. Chất thơ nhìn từ thiên nhiên nơi làng quê 37
2.1.3. Chất thơ nhìn từ thiên nhiên nơi thành thị 41
4
2.2. Chất thơ nhìn từ góc độ hình tượng nhân vật 47
2.2.1. Chất thơ nhìn từ hình tượng người lính 47
2.2.2. Chất thơ nhìn từ hình tượng người nông dân 55
2.2.3. Chất thơ nhìn từ hình tượng người trí thức 60
2.3. Chất thơ nhìn từ góc độ phong tục 65
Chương 3: Hình thức biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu

71
3.1. Truyện không có cốt truyện 71
3.1.1. Vài nét khái quát về cốt truyện 71
3.1.2. Truyện không có cốt truyện - nét đặc sắc của truyện ngắn
Đỗ Chu

72
3.2. Ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhạc điệu 89
3.2.1. Bức tranh vẽ bằng ngôn từ và các phương thức tạo hình 89
3.2.2. Sức hấp dẫn của nhạc tính và các phương thức tạo nhạc tính 96
3.3. Giọng điệu trữ tình sâu lắng 104
3.3.1. Vài nét khái quát về giọng điệu 104
3.3.2. Giọng điệu trữ tình sâu lắng - một giọng điệu chủ đạo trong
truyện ngắn của Đỗ Chu

105
KẾT LUẬN
113
TÀI LIỆU THAM KHẢO
116








5
MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Thông thường, người ta cho rằng chất thơ là một thuộc tính chỉ riêng
thơ mới có nhưng thực tế chất thơ có thể tìm thấy trong cả những loại văn học
khác như văn xuôi, kịch. Mở rộng hơn nữa, chất thơ còn có thể tìm thấy trong
các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, sân khấu… Chất thơ biểu
hiện ở cái đẹp của ngôn ngữ và âm điệu, cái đẹp của cảm xúc và ý tưởng, của
những khoảnh khắc tâm trạng… và nó chính là sự miêu tả, khắc họa và thể
hiện nghệ thuật trong sự giàu đượm ý thơ. Theo K.Pauxtôpxki, "Văn xuôi là
sợi cốt, còn thơ là sợi ngang. Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không
chứa đựng chất thơ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên
không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả…". Có thể ý kiến của
tác giả cuốn sách Một mình với mùa thu chưa thực sự xác đáng nhưng không
thể phủ nhận rằng: trong sáng tác văn học nghệ thuật, chất thơ được xem như
là một đặc tính quan trọng đem lại sự cuốn hút kì diệu cho hình tượng nghệ
thuật và tác phẩm. Đó cũng chính là lí do các bài viết: Chất thơ trong tạp văn
Lỗ Tấn của Lưu Thu Hương, Chất thơ trong Vang bóng một thời của GS. Đỗ
Đức Hiểu, Chất thơ trong truyện ngắn Nguyễn Đức Mậu của Nguyễn Thanh
Tú, Chất thơ trong truyện ngắn Văn Xương của Bùi Như Hải, Chất thơ trong
Cánh đồng bất tận của PGS.TS. Đào Duy Hiệp… hình thành. Có thể nói, chất
thơ không chỉ giữ vai trò quan trọng trong sáng tác văn học nghệ thuật mà còn

có giá trị không nhỏ trong cuộc sống hiện đại. Chắc chắn tâm hồn mỗi chúng
ta sẽ lắng dịu lại trước những áng văn xuôi được tạo nên từ những hình ảnh
đẹp, giàu sức biểu cảm, từ những ngôn từ mang tính nhạc điệu, bay bổng,
thanh thoát để rồi có thể quên đi bao nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh và
vượt lên trên tất cả để đến được những ước mơ, hoài bão của mình…
6
Là một trong những gương mặt tiêu biểu của truyện ngắn Việt Nam
hiện đại, Đỗ Chu không chỉ sớm tạo ra được phong cách riêng cho mình mà
còn gặt hái được nhiều thành công lớn ở thể loại này: Giải thưởng Nhà nước
về Văn học nghệ thuật (năm 2001), giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam
(năm 2003 và năm 2005), giải thưởng Văn học Đông Nam Á (năm 2004) và
là một trong những nhà văn được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn
học- nghệ thuật (năm 2012). Những giải thưởng đó không chỉ khẳng định tài
năng, vị trí và những đóng góp của Đỗ Chu đối với nền văn học Việt Nam mà
còn khẳng định được vị thế của nền văn học dân tộc ta trong khu vực và trên
thế giới. Góp một phần không nhỏ cho những thành công ấy của nhà văn
chính là những trang văn đậm đà chất thơ - một nét phong cách nổi bật, cái
tạo nên "khuôn mặt" riêng của Đỗ Chu - đã thực sự làm "xao xuyến văn đàn"
bao tháng năm.
Nhận định về nét phong cách này của Đỗ Chu, khá nhiều ý kiến đã
được đưa ra. Tuy nhiên khi xem xét các ý kiến đã có, chúng tôi nhận thấy chất
thơ là một vấn đề quan trọng trong truyện ngắn của Đỗ Chu nhưng chưa được
giới nghiên cứu quan tâm đúng mức. Các bài viết có liên quan đến vấn đề này
thường chỉ dừng ở mức độ nhận xét khái quát và ở phạm vi một truyện ngắn
hoặc một tập truyện cụ thể mà chưa có sự bao quát toàn bộ sáng tác ở thể loại
này của nhà văn xứ Kinh Bắc. Xuất phát từ lí do đó, chúng tôi chọn Chất thơ
trong truyện ngắn Đỗ Chu làm đề tài nghiên cứu của luận văn với mong
muốn đem đến một cái nhìn đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về vấn đề này.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Qua quá trình tìm hiểu về Đỗ Chu, chúng tôi nhận thấy cho tới nay đã

có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về nhà văn xứ Kinh Bắc cùng các
sáng tác cụ thể thuộc nhiều thể loại khác nhau của ông, đặc biệt là truyện
ngắn. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ chú ý đến
7
những ý kiến bàn về chất thơ trong sáng tác thuộc thể loại này của ông. Cùng
với lí thuyết về chất thơ và chất thơ trong văn xuôi, những nhận định dưới đây
sẽ là tiền đề quan trọng để người viết triển khai vấn đề.
Trong bài viết Mấy cảm nghĩ khi đọc cuốn Hương cỏ mật của mình,
Phan Hồng Giang đã bộc bạch: "Tôi yêu văn Đỗ Chu… yêu cái chất thơ trong
sáng, đẹp mà giản dị, giản dị mà không thô sơ, yêu cái tấm lòng trân trọng,
yêu cái tinh tế của anh đối với mảnh đất quê hương, với những con người của
chúng ta". Không chỉ vậy, tác giả còn khẳng định: nhà văn đã nhìn những
cảnh vật, con người với "một con mắt trong trẻo, giàu chất thơ", nhiều câu
văn "có dùng chữ đẹp, có âm điệu uyển chuyển nhưng không vì thế mà rơi vào
bóng bẩy, sáo rỗng" [23].
Cũng bàn về tập Hương cỏ mật, Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định:
Hương cỏ mật và một số truyện ngắn khác của Đỗ Chu "đẹp như thơ, tươi rói
như anh tân binh mới nhận được quân phục" [55].
Đọc Phù sa của Đỗ Chu, nghĩ đôi điều về nguồn sức mạnh của con
người và nghệ thuật chúng ta, Phan Hồng Giang cho rằng: Đến tập Phù sa Đỗ
Chu đã tạo cho mình một phong cách riêng "thiên về phía miêu tả cái chất thơ
của cuộc đời", "với những truyện không có chuyện" đồng thời tạo ra được
"một không khí trữ tình trong lành, đậm đà nuôi dưỡng nhân vật" và "quán
xuyến toàn bộ truyện" [24].
Còn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn khi đọc Phù sa đã chỉ rõ: "Những
truyện ngắn Đường qua nhà, Mùa cá bột… xinh như một bài thơ đọc xong lại
muốn đọc lại" [49].
Cùng suy nghĩ với Phan Hồng Giang và Vương Trí Nhàn, PGS. TS.
Nguyễn Văn Long khẳng định: "Chất trữ tình là sắc thái nổi bật trong các
truyện ngắn trong tập Phù sa của Đỗ Chu" [39].

"Những truyện ngắn Hương cỏ mật, Thung lũng cò, Chiến sĩ quân
bưu… thuở ấy của Đỗ Chu chiếm lĩnh tôi bởi chất văn ngọt ngào, sâu lắng,
8
giàu chất thơ" chính là lời bộc bạch của Nguyễn Kim Thanh trong bài viết Đỗ
Chu - khoảng bình yên trong giông bão của mình [56].
Nhận định về tập Tháng hai, Ngô Văn Phú viết: "Truyện ngắn của anh
thường để lại trong chúng ta những dư vị ngọt dịu sau khi đọc. Chất thơ, chất
văn học ở mỗi truyện ngắn trong tập Tháng hai này vẫn giữ được cốt cách
riêng của Đỗ Chu" [52].
Còn với bài viết Nhà văn Đỗ Chu: "Tôi bán là bán văn, không bán
giấy", Nguyễn Hoàng Sơn cũng đã bộc lộ quan niệm: Tập truyện Một loài
chim trên sóng "chỉ có sự đào sâu, chín thêm của một phong cách sớm ổn
định thiên về trữ tình" [55].
Bàn về vấn đề Đặc điểm kết cấu truyện ngắn Đỗ Chu, Nguyễn Thanh
Tú đã nhận xét: "Tuyển tập đã thể hiện một phong cách văn xuôi Đỗ Chu trữ
tình, đậm chất thơ, tinh tế, tài hoa…" [62].
Cùng chung quan điểm với các giả trên, GS.TS Nguyễn Văn Hạnh
trong bài viết Truyện ngắn của Đỗ Chu đã chỉ ra rằng: "Những đoạn văn xúc
động và giàu chất thơ như vậy rất nhiều trong tác phẩm của Đỗ Chu. Người
đọc có thể nghĩ đến phong cách của Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyên
Ngọc và xa hơn nữa, đến Sêkhốp, Pauxtôpxki, Aitơmatốp, nhưng Đỗ Chu vẫn
có cái tươi mát, bồi hồi riêng biệt của anh. Gần như anh không bao giờ miêu
tả "trần trụi", miêu tả cũng là hồi tưởng và biểu hiện" [26].
Cuối cùng là tác giả Lê Hương Thủy với nhận định: "Thiên về khai
thác cái đẹp trong đời sống là đặc trưng nổi bật trong truyện ngắn Đỗ Chu,
đặc biệt là trong thời kì đầu của quá trình sáng tác (…). Những trang viết đầy
chất thơ của Đỗ Chu hồi bấy giờ đã làm hấp dẫn nhiều thế hệ người đọc (…)
Truyện của Đỗ Chu làm người đọc khó quên trước hết bởi cái không khí mà
nhà văn tạo nên cho tác phẩm. Bầu không khí bàng bạc chất thơ luôn "dăng
dện" trong tâm trí người đọc. Với một tâm hồn mẫn cảm và tinh tế trong cách

9
cảm nhận cái đẹp, Đỗ Chu thường có xu hướng khai thác chất thơ trong đời
sống. Chất thơ ấy toát lên từ vẻ đẹp bên trong của tâm hồn con người, ở
những khoảnh khắc lắng đọng (…) Chất thơ toát lên từ những cảm giác ám
ảnh trong cuộc đời mỗi người" [58].
Từ sự thống kê trên chúng tôi nhận thấy:
Thứ nhất: Theo sát quá trình sáng tác của nhà văn Đỗ Chu, đặc biệt là ở
lĩnh vực truyện ngắn, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những bài viết hoặc
những công trình nghiên cứu của riêng mình, từ đó hướng chúng ta tới cái
nhìn toàn diện hơn về Đỗ Chu cũng như các tác phẩm cụ thể của ông.
Thứ hai: Những truyện ngắn của Đỗ Chu hoặc là "bàng bạc chất thơ"
hoặc là "giàu chất thơ". Một điều không thể phủ nhận là chất thơ hiện hữu ở
hầu hết truyện ngắn của ông.
Thứ ba: Vấn đề chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu dường như vẫn
chưa được giải quyết thấu đáo, toàn diện trên các phương diện biểu hiện cụ
thể. Các bài viết có liên quan đến vấn đề này thường chỉ dừng lại ở mức độ
nhận xét khái quát, hầu như chưa đi sâu phân tích cụ thể để làm sáng rõ nhận
định. Mặt khác, các bài viết thường chỉ dừng ở phạm vi một truyện hoặc một
tập truyện cụ thể mà chưa có sự bao quát một cách hệ thống toàn bộ truyện
ngắn của nhà văn - người lính tài năng này.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng chất thơ giữ vai trò quan
trọng trong truyện ngắn của Đỗ Chu nhưng vấn đề này vẫn chưa được quan
tâm đúng mức. Theo sự bao quát tài liệu (có thể chưa thực sự đầy đủ) của
chúng tôi, hiện nay chưa có công trình nào tập trung đi sâu tìm tòi, khám phá
chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu. Tiếp thu những nhận định nêu trên,
chúng tôi sẽ cố gắng đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống, cụ thể, chi tiết
biểu hiện của chất thơ trong các truyện ngắn tiêu biểu của ông. Tất nhiên với
khuôn khổ một luận văn thạc sĩ và năng lực bản thân có hạn, chắc chắn luận
10
văn sẽ khó tránh khỏi thiếu sót và sự phân tích, đánh giá có thể sẽ phần nào

chủ quan, phiến diện nhưng người viết vẫn hi vọng đem đến cái nhìn đầy đủ,
toàn diện hơn về vấn đề đặt ra.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích nghiên cứu
Triển khai đề tài này, chúng tôi cố gắng phát hiện và chỉ rõ nội dung và
hình thức biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn của Đỗ Chu thông qua các
phương diện cụ thể tương ứng. Từ đó, một lần nữa khẳng định lại nét phong
cách nổi bật - cái tạo nên "khuôn mặt" riêng của Đỗ Chu trên văn đàn Việt-
đó chính là những trang văn đậm đà chất thơ.
* Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu đã nêu, luận văn cần thực hiện các
nhiệm vụ sau:
- Đưa ra một cách hiểu chung về chất thơ, biểu hiện của chất thơ trong
văn xuôi trên cơ sở các quan niệm đã có;
- Phát hiện và chỉ ra các biểu hiện cụ thể của chất thơ trong truyện ngắn
Đỗ Chu trên hai phương diện cơ bản: nội dung và hình thức biểu hiện;
- So sánh với một số tác giả Việt Nam tiêu biểu có tác phẩm tương
đồng để chỉ rõ nét đặc sắc của chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu nói riêng và
truyện ngắn Đỗ Chu nói chung. Từ đó một lần nữa khẳng định vị trí văn học
sử của nhà văn.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu: Chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu.
* Phạm vi nghiên cứu
Năm mươi năm cầm bút, Đỗ Chu đã sáng tác ở nhiều thể loại(tuỳ bút,
tiểu thuyết, kí sự…) nhưng tạo nên "khuôn mặt" Đỗ Chu và khẳng định vị trí
của ông trong nền văn học nước nhà chủ yếu là thể loại truyện ngắn. Bởi vậy,
11
luận văn tập trung đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu 35 truyện ngắn được tập hợp
trong cuốn Tuyển tập truyện ngắn (Nxb Hội Nhà văn phát hành năm 2003)
của Đỗ Chu. Ngoài ra, khi cần liên hệ làm rõ vấn đề, chúng tôi khảo sát thêm

một số tác phẩm khác của Đỗ Chu và của các tác giả: Thạch Lam, Thanh
Tịnh, Hồ Zếnh, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp…
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra, chúng tôi sử dụng kết
hợp các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp khảo sát - thống kê:
Chúng tôi sử dụng phương pháp này để khảo sát sự hiện diện của chất
thơ trong từng truyện ngắn cụ thể từ đó thống kê những dẫn chứng tiêu biểu
tương ứng với các phương diện thuộc nội dung và hình thức biểu hiện của
chất thơ trong Tuyển tập truyện ngắn của Đỗ Chu.
- Phương pháp hệ thống:
Đề tài được đặt trong hệ thống truyện ngắn của Đỗ Chu để xem xét,
phát hiện và đánh giá nội dung cũng như hình thức biểu hiện của chất thơ
trong truyện ngắn Đỗ Chu.
- Phương pháp so sánh:
Dựa trên phương pháp so sánh đồng đại và lịch đại để tìm ra nét đặc sắc
của truyện ngắn Đỗ Chu so với sáng tác của các tác giả khác trên phương diện
biểu hiện của chất thơ trong tác phẩm.
- Vận dụng và kết hợp các hướng nghiên cứu: Thi pháp học, Ngôn ngữ
học, Phong cách học…
6. Những đóng góp mới
Chọn đề tài Chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu, chúng tôi mong muốn
góp một phần nhỏ trong việc:
- Phát hiện và chỉ rõ biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn của Đỗ
Chu ở các phương diện nội dung và hình thức cụ thể;
12
- Đem đến một cách hiểu về chất thơ cũng như chất thơ trong văn xuôi
để tạo tiền đề cho việc tìm hiểu chất thơ trong những tác phẩm văn xuôi khác
không chỉ của Đỗ Chu mà còn của các nhà văn khác.
7. Bố cục của luận văn

Luận văn gồm ba phần: Mở đầu, Nội dung và Kết luận. Trong đó, phần
Nội dung được triển khai thành ba chương:
- Chương 1: Chất thơ và chất thơ trong văn xuôi
- Chương 2: Nội dung biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn của Đỗ Chu
- Chương 3: Hình thức biểu hiện của chất thơ trong truyện ngắn của Đỗ Chu











13
NỘI DUNG

Chương 1
CHẤT THƠ VÀ CHẤT THƠ TRONG VĂN XUÔI

1.1. Chất thơ
1.1.1. Các quan niệm về thơ và chất thơ
1.1.1.1. Các quan niệm về thơ
Lấy Chất thơ trong truyện ngắn Đỗ Chu làm đối tượng nghiên cứu,
chúng tôi không thể không tìm hiểu lí thuyết về chất thơ. Song, muốn hiểu rõ
chất thơ thì càng không thể không biết "thơ là gì". Điều này cũng giống với
việc một ai đó muốn tìm một chiếc áo "chất cotton" thì người đó phải biết
"cotton" là gì. Bởi vậy, mặc dù khái niệm về thơ vô cùng phong phú và cũng

đã quá quen thuộc nhưng để hình thành cơ sở lí thuyết - một nền tảng vững
chắc cho luận văn - chúng tôi không thể không đề cập đến các quan niệm về
thơ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ và phạm vi của luận văn, chúng tôi chỉ điểm
lại một số quan niệm thi ca tiêu biểu của nước ngoài và của Việt Nam. Đồng
thời, chúng tôi cũng xin tự giới hạn ở những quan niệm bàn về thơ từ thời cổ
đại đến thời hiện đại, loại trừ thơ đương đại bởi đối với chúng ta, nó vẫn còn
là một câu hỏi lớn cần được giải đáp.
Như chúng ta đã biết, thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên
của loài người. Chính vì vậy, trong một thời gian rất dài thuật ngữ "thơ" được
dùng chỉ chung cho văn học. Thơ có lịch sử lâu đời như thế nhưng để tìm một
định nghĩa thể hiện hết đặc trưng bản chất của nó cho việc nghiên cứu thơ
ngày nay thì thật không dễ.
Trong nền Lí luận văn học cổ điển Trung Hoa, "thơ" đã được đề cập
đến từ rất sớm. Cách đây khoảng 1500 năm, trong cuốn Văn tâm điêu long,
14
Lưu Hiệp đã đề cập đến ba phương diện cơ bản cấu thành nên một bài thơ- đó
là: tình cảm, ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn).
Kế thừa quan niệm của Lưu Hiệp, đến đời Đường, Bạch Cư Dị đã nêu lên các
yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của thơ: "Cái cảm hoá được lòng
người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ,
chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ, gốc
là tình cảm, lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa". Quan niệm này
không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn chỉ ra
mối quan hệ gắn bó giữa chúng, giống như gốc rễ, lá, hoa, quả gắn liền với
nhau trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và sống động. Có thể coi đây là
quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền Lí luận văn học cổ điển
Trung Hoa đồng thời cũng tiêu biểu cho quan niệm về thơ của phương Đông
nói chung.
Vậy, người phương Tây suy nghĩ và cảm nhận như thế nào về thơ?
Nếu như nhà thơ lãng mạn Pháp Du Bellay (thế kỉ XII) quan niệm:

"Thơ là người thư kí trung thành của trái tim đa cảm" thì Jonathan Swift lại
rất coi trọng một yếu tố hình thức thơ: "Câu thơ không có vần là một cơ thể
không có hồn". Còn với Samuel Taylor Coleridge, thơ có giá trị vô cùng to
lớn: "Thơ là đối với tôi là một phần thưởng vô cùng to lớn; thơ đã xoa dịu
những nỗi sầu não; thơ đã làm tăng gấp bội và thanh lọc những niềm vui của
tôi; thơ đã nâng niu nỗi cô đơn của tôi và thơ đã cho tôi thói quen khám phá
ra Thiện và Mỹ trong moi điều hội ngộ ở xung quanh tôi".
Trong tiểu luận Thơ là gì, Jakobson viết: "Nhưng tính thơ được biểu
hiện ra như thế nào? Theo cái cách từ ngữ được cảm nhận như là từ ngữ chứ
không phải như vật thay thế đơn giản của đối tượng được chỉ định, theo cách
những từ, những cú pháp, những ngữ nghĩa của chúng, hình thức bên trong
và bên ngoài của chúng không phải là các dấu hiệu vô hồn của hiện thực mà
15
còn có trọng lượng riêng, giá trị riêng". Tiếp tục triển khai lí thuyết tự qui
chiếu, Jakobson sau khi nhắc lại hai kiểu sắp xếp cơ bản của hoạt động ngôn
ngữ là tuyển chọn và kết hợp, đã đi đến kết luận: "Chức năng thi ca đem
nguyên lý tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợp". Mặc dù có
lưu ý ít nhiều đến hoạt động nguyên lý tương đương về ý nghĩa nhưng trong
tư duy nghiên cứu của Jakobson, cái ý nghĩa ở đây chỉ là ý nghĩa của đối
tượng gọi tên và ý nghĩa ngữ pháp nảy sinh từ những mối quan hệ giữa các
thành tố cấu trúc có tính chất khép kín của văn bản. Điều đó cũng có nghĩa là
khái niệm ý nghĩa được hiểu một cách hạn hẹp. Bởi trong thực tế, như ta thấy,
ý nghĩa của thơ nhiều khi đã vượt ra ngoài giới hạn của văn bản.
Tiếp nối chủ nghĩa hình thức, cách tiếp cận của các nhà cấu trúc, tiêu
biểu là I.U.Lotman khẳng định lặp lại là nguyên lí kết cấu văn bản thơ:
"Khuynh hướng hướng tới tính lặp lại được xem như là một nguyên lí mang
tính cơ cấu thi ca". Nguyên lí lặp lại được triển khai trên nhiều cấp độ: ngữ
âm, từ vựng, cú pháp, nhịp điệu… Tác giả cũng vừa xét câu thơ như một tổng
thể giai điệu, vừa xét như một tổng thể ý nghĩa. Và cũng như các nhà hình
thức, I.U.Lotman xác định tính cấu trúc của câu thơ trên cấp độ ngữ nghĩa, từ

vựng là dựa trên cơ chế song hành.
Ở Việt Nam, khái niệm "thơ" cũng đã được đề cập đến với nhiều quan
niệm, nhiều khuynh hướng khác nhau.
Trước hết, xuất phát từ phẩm chất “thơ là tiếng nói của tâm hồn, của
niềm mơ ước; thơ bộc lộ khát vọng vươn tới một lí tưởng đẹp đẽ và cao
thượng”, nhà thơ Sóng Hồng cho rằng: "Thơ là sự thể hiện của con người và
thời đại một cách cao đẹp". Cùng quan điểm với Sóng Hồng, Huy Cận cũng
cho rằng: "Cái chỗ đến cuối cùng của thơ là phải đem đến một cái gì nâng sự
sống lên".
Không chỉ vậy, nói đến thơ cũng chính là nói đến một phương diện của
tinh hoa con người và tạo vật. Thơ được khai thác từ trong đời sống, cũng như
16
những vỉa quặng được lấy ra từ lòng đất, và cao hơn nữa đó là chất kim được
chắt lọc ra từ những đống quặng bề bộn. Nhiều nhà thơ đã tìm nghĩa cho thơ
qua phẩm chất này. Tố Hữu quan niệm: "Thơ là cái nhụy của cuộc sống".
Xuân Diệu cũng cho rằng: "Thơ là lọc lấy tinh chất". Cùng quan điểm với hai
nhà thơ, Thanh Tịnh khẳng định: "Thơ là tinh hoa, là thể chất cô đọng của trí
tuệ và tình cảm".
Bên cạnh việc khẳng định thơ là một phương diện của tinh hoa con
người và tạo vật, các tác giả còn nhấn mạnh năng lực đồng cảm nhanh chóng
và lạ kì của thơ ca. Xuân Diệu - người được đánh giá là "nhà thơ mới nhất
trong các nhà thơ Mới" - đã khẳng định: "Thơ là tiếng gọi đàn, là sự đồng
thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Cùng chung cảm nghĩ ấy, nhà thơ
cách mạng Tố Hữu nhấn mạnh: "Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn
đồng điệu" hay "Thơ là tiếng nói tri âm", "Thơ là chuyện đồng điệu"…
Nhiều định nghĩa khác về thơ lại gắn liền bản chất của thể loại này với
sự sáng tạo. Tiêu biểu là quan niệm của Nguyễn Tuân: "Thơ là mở ra một cái
gì mà trước câu thơ đó, nhà thơ đó vẫn bị phong kín". Có thể nói, nghệ thuật
là sáng tạo và với thơ, sự sáng tạo phải trở thành mục đích, yêu cầu và nội
dung của hoạt động này. Sáng tạo là đi về phía tương lai, về phía chân lí; từ

trong những tìm tòi, nghĩ suy, từ trong đấu tranh để khẳng định cái mới.
Như vậy có thể thấy, xác định bản chất của thơ ca là hành động giao
cảm, là một ước mơ hay một sự sáng tạo đều đúng với bản chất của thơ nhưng
có lẽ là chưa đầy đủ. Tuy nhiên những định nghĩa, những quan niệm trên đây
của các tác giả văn học Việt Nam đều có ý nghĩa tích cực, góp phần tạo động
lực thúc đẩy sự phát triển của thơ, đặc biệt là định nghĩa của nhà thơ Sóng
Hồng: "Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quí, tinh vi. Người làm thơ phải
có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình
cảm và lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lí
17
trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong
sáng vang lên nhip điệu khác thường".
Vậy, các học giả, các nhà nghiên cứu Việt Nam nói gì về thơ?
Học giả Lê Quý Đôn nhìn nhận: "Thơ phát khởi ở trong lòng người ta"
và ông cho rằng: "Làm thơ có ba điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự".
Dưới cái nhìn cấu trúc, nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã đưa ra một định
nghĩa đáng chú ý: "Thơ là một tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt
người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải nghĩ cho chính hình thức
ngôn ngữ này". Định nghĩa này của giáo sư Phan Ngọc đã kế thừa được
những khám phá quan trọng về thơ của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các
trường phái khác nhau của Tây Âu trong mấy chục năm qua. Đặc biệt, định
nghĩa của ông đã gợi ra một trường nghiên cứu thơ hết sức rộng rãi: thơ
không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ học thuần tuý mà chủ yếu là hiện tượng
giao tiếp nghệ thuật, một phát ngôn trong ý nghĩa đầy đủ của từ này.
Trong công trình Thi pháp hiện đại, GS. Đỗ Đức Hiểu cho rằng nếu chỉ
hiểu vào cách định nghĩa "truyền thống" chắc chắn không phân biệt dược thơ
với văn xuôi mà phải dựa vào Thi pháp học thế kỉ thứ XX. Từ đó ông đưa ra
bốn đặc trưng cơ bản của thơ, đó là: Kết cấu trùng điệp; kiến trúc đầy âm
vang; nhiều khoảng trắng trên không gian thơ và chất nhạc tràn đầy.
Khác với Đỗ Đức Hiểu, dưới sự soi sáng của lí thuyết ngôn ngữ

Jakobson, Nguyễn Phan Cảnh phân biệt thơ và văn xuôi dựa vào cách tác giả
tư duy ngôn ngữ. Theo ông, khác với văn xuôi làm việc với thao tác kết hợp,
nhà thơ làm việc trên trục lựa chọn; văn xuôi kị sự lặp lại còn điều tối kị đó là
thủ pháp quan trọng của thơ. Tuy nhiên hạn chế của Nguyễn Phan Cảnh trong
công trình Ngôn ngữ thơ chính là ông đã phủ định nhạc tính trong văn xuôi và
coi đó là "ưu thế tuyệt đối" của thơ so với văn xuôi.
Cuối cùng để xác định nghĩa cho “thơ”, các tác giả cuốn Từ điển thuật
ngữ văn học cho rằng: thơ là "hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc
18
sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm
xúc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu".
Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều những câu trả lời
khác nhau cho câu hỏi "Thơ là gì?". Tuy nhiên, hầu hết các tác giả văn học
cũng như các học giả, các nhà nghiên cứu phê bình đều thống nhất ở hai nét
cơ bản dưới đây của thơ:
Thứ nhất: Thơ là thể loại thuộc phương thức trữ tình. Nó chính là tiếng
nói của tâm hồn, của niềm mơ ước, bộc lộ khát vọng vươn tới một lí tưởng
cao đẹp của cá nhân và có khả năng đồng cảm nhanh chóng và lạ kì đối với
độc giả.
Thứ hai: Thơ là “sự sáng tạo của sáng tạo” với một hình thức tổ chức
ngôn ngữ đặc biệt.
Dựa trên những quan niệm trên đây về thơ, chúng tôi xin đưa ra một
cách hiểu ngắn gọn: Thơ là một hình thức sáng tác văn học thể hiện một cách
trực tiếp và cô đọng cảm xúc, suy nghĩ, lí tưởng, ước mơ…của cá nhân đối
với thế giới và nhân sinh thông qua một tổ chức ngôn ngữ đặc biệt thành
những câu văn vần cô đọng, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm với
nhiều khoảng trắng trên không gian thơ. Một điều không thể phủ nhận thơ
chính là một sự kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ, giữa tưởng tượng và liên
tưởng, giữa cái đẹp và chất thơ… Chỉ khi kết hợp được các yếu tố đó trong
quá trình sáng tạo ngôn từ nghệ thuật thì người làm thơ - với con tim và khối

óc của mình - mới trở thành nhà nghệ sĩ ngôn từ thực thụ và tạo ra được
những thi phẩm thực sự có giá trị, có sức đồng cảm mạnh mẽ và sức sống lâu
bền trong lòng người đọc bao thế hệ.
1.1.1.2. Các quan niệm về chất thơ
Như chúng ta đã biết "chất thơ" hiện hữu trong cả đời sống và trong
văn học. Tuy nhiên ở luận văn này, chúng tôi xin tự giới hạn cho việc tìm
hiểu "các quan niệm về chất thơ" chỉ trong phạm vi "chất thơ trong văn học".
19
Cho đến nay, "chất thơ" đã trở thành thuật ngữ quen thuộc, được sử
dụng khá phổ biến trong các tài liệu lí luận nghiên cứu và phê bình văn học
đặc biệt là đối với nền văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, "chất thơ" vẫn
chưa phải là một khái niệm có tính công cụ của các cuốn từ điển thuật ngữ ở
nước ta bởi "chất thơ" phải được suy ra từ định nghĩa thơ mà các quan niệm
về thơ thì vô cùng phong phú, đa dạng (như đã trình bày phần nào ở mục
trước). Chính bởi lẽ đó, với mong muốn có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn
về "chất thơ", trên cơ sở trình bày một cách ngắn gọn quan niệm về "chất thơ"
của một vài tác giả văn học và các nhà phê bình văn học, chúng tôi sẽ đưa ra
một hướng hiểu của bản thân về khái niệm này để chúng ta cùng suy ngẫm…
Trong bài nghiên cứu của mình, đặc biệt là mục Chất thơ trữ tình trong
truyện Kiều, GS. Trần Đình Sử đã khẳng định: "Nói tới chất thơ trữ tình là
nói tới sự cảm xúc, cảm nhận của chủ thể, tính chủ quan của con người. Chất
thơ thể hiện sự nội cảm hoá, nội tâm hoá, cá tính hóa các sự vật, hiện
tượng"[18, tr.227]. Từ đó ông đã chỉ ra ba phương diện biểu hiện chủ yếu của
chất thơ trữ tình trong Truyện Kiều. Đó là:
Thứ nhất, "Trước hết là chất thơ ở trong cảnh vật. Cảnh vật là phương
tiện nội tâm hóa" (…) Cùng với tả cảnh là tả tình. Tình thấm trong cảnh, cảnh
quyện với tình. Tình cảnh giao hoà là truyền thống lớn của thơ ca Trung Quốc
và thơ cổ điển Việt Nam. Nguyễn Du đã hấp thụ truyền thống đó để tạo ra
chất thơ cho tác phẩm của mình".
Thứ hai, "Đặc điểm thứ hai trong chất thơ Truyện Kiều là trực tiếp

miêu tả tình cảm cá thể của nhân vật".
Thứ ba, "Nói tới chất thơ trong Truyện Kiều không thể nói tới chất thơ
trong lời văn và cấu trúc tự sự (…) Nhưng đáng chú ý là chất thơ nằm ngay
trong cấu trúc thơ".
Chính những ý kiến quý báu đó của GS. Trần Đình Sử đã định hướng
cho tác giả luận văn "Chất thơ trữ tình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du"
20
triển khai nội dung chính với hai chương trọng tâm là: "Chất thơ trữ tình qua
bút pháp khắc hoạ thiên nhiên và nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều" và
"Chất thơ trữ tình trong cấu trúc thơ, ẩn dụ và sự lặp lại các yếu tố tự sự".
Không dừng lại ở đó, cùng với các cộng sự của mình, GS.Trần Đình Sử
đã tiếp tục trình bày quan điểm của mình về "chất thơ": khái niệm "chất thơ"
để chỉ "những sáng tác văn học (bằng văn vần hoặc văn xuôi) giàu cảm xúc,
nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu" trong cuốn Từ điển
thuật ngữ văn học [25, tr.262].
Như vậy, dựa trên cơ sở định nghĩa thơ "là hình thức sáng tác văn học
phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng
ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có tính nhịp điệu", Trần Đình Sử
cùng Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi đã định nghĩa cho thuật ngữ "chất thơ"
đồng thời các tác giả còn chỉ rõ "tiêu chuẩn khách quan cho "chất thơ" chân
chính ở mỗi thời đại" là "lí tưởng và khát vọng của đông đảo nhân dân, chủ
nghĩa nhân đạo với những biểu hiện lịch sử của nó" và nhấn mạnh "Chất thơ
là điều kiện cơ bản của bài thơ, không có chất thơ thì nhất quyết không thể có
thơ hay" [25, tr.262-263]. Có thể thấy, các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn
học đã có cái nhìn khá đầy đủ về chất thơ (tương song với đặc điểm thường
thấy có của thơ). Tuy nhiên, như đã trình bày "chất thơ" được suy ra từ định
nghĩa thơ mà các quan niệm về thơ thì vô cùng đa dạng, phong phú. Bởi lẽ đó,
chúng tôi xin tiếp tục ghi nhận quan niệm của một số tác giả khác về thuật
ngữ này.
Tìm hiểu, khám phá Chất thơ trong tạp văn Lỗ Tấn, ThS. Lưu Thu

Hương nhìn nhận: "Trong sáng tác văn học nghệ thuật, chất thơ được xem
như một đặc tính quan trọng đem lại lại sự cuốn hút kỳ diệu cho hình tượng
nghệ thuật và tác phẩm" và cho rằng: "Chất thơ biểu hiện ở cái đẹp ngôn ngữ
và âm điệu, cái đẹp của cảm xúc và ý tưởng, của những khoảnh khắc tâm
21
trạng… Chất thơ được tạo nên từ những hình ảnh đẹp, giàu sức biểu cảm, từ
những ngôn ngữ mang tính nhạc điệu, bay bổng thanh thoát". Nói một cách
khái quát theo tác giả Lưu Thu Hương, "Chất thơ chính là sự miêu tả, khắc
họa và thể hiện nghệ thuật trong sự giàu đượm ý thơ" [32, tr.54].
Cùng suy nghĩ với Ths. Lưu Thu Hương, tác giả bài viết "Chất thơ
trong đoạn văn ngắn (Trích "Vợ nhặt" của Kim Lân)" cũng cho rằng: "Chất
thơ có tác dụng nối kết hiện thực, thể hiện ở việc ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn
trong trẻo ( ) ngôn ngữ chắt lọc tạo hình, giàu nhạc điệu" và bổ sung cho
quan niệm của Lưu Thu Hương ở việc chỉ ra rằng: Chất thơ còn thể hiện ở
"cách miêu tả cuộc sống, nhân vật giàu đường nét" và "còn toát ra từ ngôn
ngữ sinh hoạt hết sức đời thường". Đồng thời, tác giả bài viết này cũng đề cao
vai trò của chất thơ khi khẳng định: "Chất thơ" là một phẩm chất cơ bản trong
sáng tạo văn chương nghệ thuật.
Còn theo GS. Hà Minh Đức, có chất thơ trong đời sống và chất thơ
trong văn học. Chất thơ trong văn học là sự phản ánh chất thơ trong đời sống
thông qua tâm hồn thơ của nhà văn. "Nó là một phẩm chất tổng hợp được tạo
nên từ nhiều nhân tố". Vậy đó là những nhân tố nào?
Trước hết, GS. Hà Minh Đức cho rằng: Chất thơ gắn liền với sự rung
động và cảm xúc trực tiếp [21, tr.36]. Yếu tố cảm xúc, nhất là cảm xúc ở dạng
trực tiếp của chủ thể, là một nhân tố rất cơ bản để tạo nên chất thơ. Cảm xúc
là gốc của hồn thơ, cảm xúc vơi dần thì chất thơ cũng bị hạn chế. Mặt khác,
thơ cũng chính là cuộc sống. Cảm nghĩ của nhà thơ phải lấy điểm tựa ở phần
hiện thực được chọn lọc, có "tức cảnh" mới "sinh tình". Đúng như
Sepnưsepxki từng nói: "Ở đâu có sự sống là ở đấy có thơ ca". Tuy nhiên, hiện
thực đời sống đi vào trong thơ không theo diện mà theo điểm, bằng những

hình ảnh tiêu biểu được lọc qua cảm xúc. Đó chính là chất thơ đời sống được
chắt lọc và sẽ trực tiếp tạo thành chất thơ trong văn học.
22
Không dừng lại ở đó, GS. Hà Minh Đức còn khẳng định: "chất thơ gắn
liền với cái đẹp" [21, tr.47]. Thơ phản ánh cái đẹp của cuộc sống và nói về
cuộc sống với một lí tưởng đẹp trong tâm hồn nhà thơ. Nói như Seli: "Thơ ca
biến mọi vật thành đẹp, nó làm tăng vẻ đẹp của những cái gì đẹp nhất, nó
đem lại vẻ đẹp cho những cái gì xấu xí nhất". Cái đẹp là phẩm chất và cũng là
qui luật chung của sự nhận thức và sáng tạo nghệ thuật. Với thơ, cái đẹp là sự
thống nhất thẩm mĩ giữa những phẩm chất của thực tại khách quan với cái
đẹp trong tâm hồn nhà thơ. Không có cái đẹp thuần tuý vĩnh cửu tách rời khỏi
quan điểm của người sáng tác. Điều quan trọng và cũng dường như một qui
luật trong thơ là các nhà thơ thường nhấn mạnh mặt đẹp của đối tượng miêu
tả trên cơ sở những phẩm chất tích cực vốn có ở đối tượng. Chính bởi lẽ đó,
khẳng định "chất thơ gắn liền với cái đẹp" không có nghĩa là thơ chỉ nói đến
cái đẹp mà là thơ chủ yếu "nhấn mạnh mặt đẹp của đối tượng miêu tả". Bởi lẽ
không phải và cũng không nhất thiết tác phẩm nào cũng đi theo hướng khai
thác cái đẹp nhưng ít nhất trong khi miêu tả một cái gì cho dù là đau thương
quyết liệt hay có phần tăm tối bi lụy cũng phải làm nổi lên sự thắng thế của
một lí tưởng tiến bộ hay thắp sáng lên niềm tin và mơ ước. Đó chính là điểm
đặc biệt của thơ.
Cũng theo GS. Hà Minh Đức, một yếu tố khác tạo nên chất thơ chính là
trí tưởng tượng [21, tr.42]. Nói đến thơ là nói đến sức tưởng tượng. Nhà thơ
Sóng Hồng đã chỉ ra đặc điểm quan trọng này của thơ: "Thơ là nghệ thuật kì
diệu bậc nhất của trí tưởng tượng". Trí tưởng tượng là nhịp cầu nối liền
khoảng cách không gian và thời gian. Nó dựng lại quá khứ và dự cảm tương
lai. Đồng thời bổ sung cho đời sống những cái cần có, nên có, làm cho lí
tưởng xích gần lại hiện thực.
Toàn bộ những phẩm chất trên hợp thành chất thơ trong đời sống văn
học. Ở mỗi tác giả, chất thơ được hình thành với những đặc điểm riêng do

23
trình độ và năng lực tinh thần, do hoàn cảnh cụ thể của từng người qui định.
Chất thơ trong tác phẩm của Tố Hữu và Chế Lan Viên nói chung là tạo được
sự hài hoà giữa các nhân tố. Còn chất thơ của Tế Hanh nổi bật lên hai yếu tố:
cảm xúc và cái đẹp. Chất thơ của Hoàng Trung Thông mạnh về chất sống
thực tế nhưng có phần yếu về năng lực tưởng tượng…
Ngoài ba nhân tố kể trên, ông còn cho rằng: một hiện tượng tâm lí, xã
hội hoặc thiên nhiên nào muốn thành đề tài, đối tượng biểu hiện của thơ cũng
là tiềm lực mang những yếu tố để tạo nên chất thơ. Soi chiếu vào những đặc
trưng cơ bản mang tính bản chất của thơ mà chúng tôi đã nêu ở phần trước-
"Các quan niệm về thơ" - chúng ta có thể nhận thấy những nhân tố tạo nên
chất thơ mà Hà Minh Đức đưa ra là hợp lí và rất đáng ghi nhận.
Từ những quan niệm trên đây về "chất thơ", chúng ta có thể hiểu "chất
thơ" chính là sự miêu tả, khắc hoạ và thể hiện nghệ thuật trong sự giàu đượm
ý thơ. Nó là một phẩm chất tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố như: cảm
xúc, trí tưởng tượng, cái đẹp… Chất thơ thường được sử dụng để chỉ những
sáng tác văn học không chỉ bộc lộ một cách trực tiếp, cô đọng cảm xúc chủ
quan của cá nhân trước thế giới và nhân sinh, thể hiện sự kết tinh của cái đẹp
qua những hình tượng nghệ thuật được tạo dựng bằng ngôn ngữ chắt lọc tạo
hình, giàu nhạc điệu và biểu cảm.
1.1.2. Phân biệt chất thơ với chất trữ tình
Có lẽ, khi đọc tên tiểu mục này sẽ không ít người băn khoăn: "Điều này
có cần thiết không vì rõ ràng chất thơ không đồng nhất với chất trữ tình" hoặc
cũng sẽ có người không đồng thuận với người viết vì trong quan niệm của họ
"chất thơ và chất trữ tình là một". Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường hợp
đã sử dụng "chất thơ" và "chất trữ tình" như hai thuật ngữ tương đương về
mặt ý nghĩa, thậm chí ngay trong một bài nghiên cứu, chúng còn được đồng
thời sử dụng và thay thế cho nhau (có lẽ để tránh lặp từ?! ). Chính vì vậy, để
24
tránh những trường hợp nhầm lẫn đáng tiếc khi đồng nhất hai khái niệm này,

đặc biệt để tránh việc coi "Chất thơ trong tác phẩm A của tác giả B" và "Chất
trữ tình trong tác phẩm A của tác giả B" là một, chúng tôi sẽ vẫn triển khai
một cách ngắn gọn nhất mục "Phân biệt chất thơ với chất trữ tình". Hi vọng
sự phân biệt này sẽ phần nào hữu ích.
Trước tiên, để hiểu về chất trữ tình, chúng tôi xin chiết tự "trữ tình"-
khái niệm nguồn cội của "chất trữ tình". Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy
Anh, "trữ" có nghĩa là: "chứa, cất" [tr.498], "tình" có nghĩa là "những mối trong
lòng vì cảm xúc mà phát động ra ngoài như mừng, giận, vui, buồn…" [tr.399].
Theo các nhà từ điển học, "trữ tình" là phương thức "phản ánh đời sống
bằng cách bộc lộ trực tiếp ý thức của con người, nghĩa là con người tự cảm
thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của mình đối với
thế giới và nhân sinh" [25, tr.316]. Cũng theo nhóm tác giả này, "Nội dung
của phương thức trữ tình đòi hỏi một hình thức thể hiện phù hợp, tương ứng.
Lời văn của tác phẩm trữ tình phải hàm súc, giàu nhịp điệu. Chính vì thế, tác
phẩm trữ tình có thể được viết bằng thơ hoặc văn xuôi, nhưng thơ vẫn là hình
thức tổ chức ngôn từ phù hợp nhất với nó" [25, tr.318].
Nhìn một cách khái quát, chất trữ tình có thể hiểu là tổng thể nói chung
những tính chất, thuộc tính cơ bản của sự vật, sự việc "có nội dung phản ánh
hiện thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ xúc cảm, tâm trạng riêng của con
người, kể cả bản thân người nghệ sĩ trước cuộc sống" (Viện Ngôn ngữ học,
Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001, tr.1054).
Chất trữ tình được nhấn mạnh ở đặc trưng cơ bản nhất- đó là bộc lộ trực tiếp ý
nghĩ, cảm xúc chủ quan của cá nhân đối với thế giới và nhân sinh. Với đặc
trưng trọng yếu này, chúng ta có thể thấy chất trữ tình chưa hề là độc quyền
của các tác phẩm thuộc phương thức trữ tình (trong đó có thơ) mà chất trữ
tình còn được các sáng tác thuộc hai phương thức còn lại là tự sự và kịch
dung nạp.
25
Như vậy, nếu như "chất trữ tình" thường được sử dụng để chỉ những
sáng tác văn học bộc lộ trực tiếp ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của cá nhân đối

với thế giới và nhân sinh thì "chất thơ" lại thường được sử dụng để chỉ những
sáng tác văn học không chỉ bộc lộ trực tiếp ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của cá
nhân đối với thế giới và nhân sinh mà còn thể hiện sự kết tinh của cái đẹp qua
những hình tượng nghệ thuật được tạo dựng bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh và
nhịp điệu…
Cuối cùng, chúng tôi xin kết thúc bằng một câu hỏi: "Nếu chất thơ và
chất trữ tình là một thì tại sao từ trước đến nay người ta vẫn thừa nhận và sử
dụng khái niệm "thơ trữ tình" (trong tương quan với khái niệm "thơ tự sự")
hay vẫn công nhận giá trị của mục "Chất thơ trữ tình trong Truyện Kiều"(Thi
pháp Truyện Kiều) của GS. Trần Đình Sử?
1.2. Chất thơ trong văn xuôi
1.2.1. Thơ, văn xuôi - những kết hợp nghệ thuật
Theo quan niệm của Lí luận văn học Nga - Xôviết, "một tác phẩm văn
học bất kì nào đó không nằm ngoài cái khung ba phương thức - thể loại: trữ
tình, tự sự và kịch. Đại để, tác phẩm văn học, nếu không là thơ thì sẽ là văn
xuôi (văn xuôi nghệ thuật - để phân biệt với văn xuôi chính luận và các dạng
văn xuôi khác mà ta không thể đưa vào cùng khái niệm "văn học") hoặc là
kịch". Cái nhìn mang tính phân loại của Lí luận văn học là vậy nhưng trên
thực tế đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành những tác phẩm mà không thể
khẳng định chắc chắn chúng là đại diện của duy nhất một thể loại nào.
Sự kết hợp, trộn lẫn, xuyên thấm giữa những yếu tố hình thức và "cái
nhìn bên trong" của các thể loại khác nhau trong cùng một tác phẩm (ở những
mức độ đậm nhạt nhất định) đã cho ra đời những tác phẩm "là nó nhưng đồng
thời không chỉ là nó" khá đặc sắc. Trong khuôn khổ và phạm vi nghiên cứu
của luận văn, chúng tôi chỉ xin bàn qua về thơ, văn xuôi (chủ yếu là truyện
ngắn) và những kết hợp nghệ thuật giữa chúng.

×