Tải bản đầy đủ (.pdf) (134 trang)

hi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (944.71 KB, 134 trang )


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI II




TRẦN THỊ THANH THUỶ




THI PHÁP NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT ĂN MÀY DĨ
VÃNG VÀ KHÚC BI TRÁNG CUỐI CÙNG CỦA CHU LAI




LUẬN VĂN THẠC SĨ LÍ LUẬN VĂN HỌC




HÀ NỘI, 5 – 2012
1

Lời cảm ơn

Em xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành sâu sắc nhất đến PGS.TS Hà
Công Tài- người đã nhiệt tình hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất để em hoàn
thành luận văn tốt nghiệp này.


Em cũng xin gửi lời cảm ơn tới toàn thể các Thầy, Cô giáo trong tổ Lí
luận văn học trường đại học sư phạm Hà Nội 2 đã giúp đỡ em tận tình, chu
đáo trong suốt quá trình thực hiện luận văn.

Hà Nội, ngày tháng 05 năm 2012
Học viên

Trần Thị Thanh Thủy












2
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Chiến tranh kết thúc, lịch sử đất nước sang trang mới. Hiện thực
đời sống có nhiều biến đổi, đặc biệt từ sau đại hội Đảng lần thứ VI. Văn học
Việt Nam cũng có những bước vận động và biến chuyển về nhiều mặt để đáp
ứng những yêu cầu đa dạng và phức tạp của thời đại mới. Trong sự vận động
chung đó, tiểu thuyết thể hiện sự nhận thức lại hiện thực và mở rộng quan
niệm nghệ thuật về con người.
Tiểu thuyết đã xây dựng được hệ thống nhân vật mang nhiều đặc trưng

của thời đại mới. Nếu ở giai đoạn trước 75, nhân vật tiểu thuyết thường mang
tính sử thi, cao cả, thì từ sau 75, do hiện thực và quan niệm về con người đã
có nhiều thay đổi, con người được nhận thức với tất cả sự phức tạp, đa chiều,
vừa vĩ đại vừa đời thường, con người luôn tự đấu tranh để vươn tới sự hoàn
thiện bản thân… thì nhân vật tiểu thuyết cũng mang những nét mới.
Khi văn học nước nhà đang có những đổi mới quan trọng thì nghiên
cứu thi pháp nhân vật có một ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ nói như nhà văn Tô
Hoài “nhân vật là nội dung duy nhất, tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy
trong một sáng tác”, “ Nhân vật là trụ cột sáng tác, phải chuẩn bị cho nhân vật
trước tiên”[31]. Hơn nữa tiểu thuyết của Chu Lai có những nét tiêu biểu cho
dòng tiểu thuyết thời kỳ đổi mới, vì thế chúng tôi chọn tiểu thuyết của ông để
hình thành đề tài luận văn.
1.2. Chu Lai là nhà văn từng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường. Vốn
sống, tài năng, niềm khát khao luôn tự làm mới mình khiến văn Chu Lai
không lẫn vào bất cứ phong cách văn nào khác. Nhiều tác phẩm của ông đã
khắc thành công những tính cách được tôi luyện trong lò lửa chiến tranh,
những số phận.
3
Như nhiều nhà văn cùng thời, Chu Lai thay đổi điểm nhìn hiện thực từ
điểm nhìn dân tộc sang điểm nhìn thế sự, đời tư. Nhân vật vì thế được xem
xét ở nhiều góc độ, cụ thể và toàn diện hơn. Thế giới nhân vật trong tiểu
thuyết Chu Lai phong phú đa dạng, nhiều tầng lớp, nhiều hạng người, nhiều
kiểu loại: Kẻ phản bội, người anh hùng, con người ngoan cường, dũng cảm,
cao thượng trong chiến tranh, con người bị tha hoá, con người phải đấu tranh
để tránh những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của những cám dỗ vật
chất hiện tại…Con người luôn ở ranh giới của tốt - xấu, thiện – ác…
1.3. Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, bài viết bàn về tác phẩm
của Chu Lai và những vấn đề đặt ra. Phần lớn khẳng định những thành công
của nhà văn. Ý kiến của một số nhà văn, nhà nghiên cứu như: Hồng Diệu,
Phạm Thị Hằng, Nguyễn Hoà, Bùi Việt Thắng, Xuân Trường… chủ yếu đề

cập vấn đề số phận con người sau chiến tranh, hiện thực đời sống của người
lính trong chiến tranh và trong thời bình, thời gian nghệ thuật, cốt truyện
trong tiểu thuyết Chu Lai.
Người lính là nhân vật trung tâm trong các tiểu thuyết của Chu Lai. Có
thể thấy nhiều vấn đề của hiện thực, và quan niệm đều liên quan đến loại nhân
vật này. Các công trình nghiên cứu và các ý kiến tranh luận đã xoay quanh
nhiều vấn đề trong tiểu thuyết Chu Lai, trong đó có vấn đề nhân vật. Song vẫn
còn những nét riêng biệt cần nghiên cứu cho phép chúng tôi chọn và tiếp cận
đề tài Thi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối
cùng của Chu Lai.
Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng là hai tác phẩm tiêu biểu viết
về chiến tranh và người lính của Chu Lai, với hai hướng tiếp cận khác nhau.
Ăn mày dĩ vãng là một dấu ấn trong sáng tác của Chu Lai.Tác phẩm đạt
giải thưởng Hội đồng văn học chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang
(Hội nhà văn- 1993), giải thưởng Bộ Quốc Phòng năm 1994. Tác phẩm đã
4
chinh phục đông đảo bạn đọc bởi cách khai thác đề tài chiến tranh theo chiều
hướng quan tâm tới khía cạnh bi kịch của số phận con người trong chiến tranh
và khi họ trở về với cuộc sống thời bình. Đó là cảm nhận của người lính về
chiến tranh khi họ đã ra khỏi cuộc chiến. Người lính hiện lên với tất cả tinh
thần chiến đấu, hi sinh, tình yêu, lòng căm thù, sự yếu đuối, sự giằng xé…Sự
thật được phơi bày với cái nhìn khách quan mà đầy đau xót, tiếc nuối.
Khúc bi tráng cuối cùng ra đời gần đây hơn. Tác phẩm bao trùm nỗi ám
ảnh về chiến tranh chưa bao giờ dứt, nhưng được viết theo khuynh hướng sử
thi. Nhà văn chỉ miêu tả một phương diện ở người lính, người lính hiện lên
hoàn toàn trong tư thế chiến đấu, quyết chiến quyết thắng Tác phẩm là khúc
ca bi tráng cuối cùng cho cuộc chiến tranh ròng rã hàng thập kỷ để lại bao
tang tóc đau thương, cho chiến thắng.
Thực hiện đề tài này, chúng tôi hy vọng đem lại một đóng góp nhỏ cho
sự đánh giá, khẳng định chung về những thành công của Chu Lai.

2. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu thi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng
cuối cùng của Chu Lai làm nổi bật nét đặc sắc về thế giới nhân vật và nghệ
thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Chu Lai. Đồng thời góp phần tìm
hiểu lĩnh vực khoa học thi pháp nhân vật tiểu thuyết.
Khẳng định thành công và chỉ ra những hạn chế của Chu Lai trong
nghệ thuật xây dựng nhân vật, góp phần đánh giá vị trí của Chu Lai trong nền
văn học đương đại Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Tập trung tìm hiểu Thi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và
Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai. Luận văn chỉ khảo sát chủ yếu ở hai
tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng, các tác phẩm khác
của nhà văn chỉ sử dụng làm tài liệu hỗ trợ và so sánh để làm rõ vấn đề khi
cần thiết.
5
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Luận văn Thi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và
Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai, sử dụng phương pháp nghiên cứu chủ
yếu là phương pháp nghiên cứu thi pháp học, tập trung làm sáng tỏ lý luận thi
pháp nhân vật tiểu thuyết.
4.2. Nghiên cứu vấn đề từ hai chiều đồng đại và lịch đại, có những đối
chiếu, so sánh và đánh giá. Nhìn nhận vấn đề trên cơ sở lý luận thi pháp học
hiện đại, đối chiếu với lý luận thi pháp học truyền thống. Bám sát lý luận về
tiểu thuyết, nhân vật tiểu thuyết và đặc trưng thể loại tiểu thuyết.
4.3. Phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác, chủ yếu là phương
pháp hệ thống, phương pháp phân tích tổng hợp.
5. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn gồm
3 chương:
Chương 1: Nhân vật tiểu thuyết và hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết

Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng.
Chương 2: Kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi
tráng cuối cùng.
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ
vãng và Khúc bi tráng cuối cùng.




6
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1:
NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT
VÀ HỆ THỐNG NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT ĂN MÀY DĨ VÃNG VÀ
KHÚC BI TRÁNG CUỐI CÙNG.

1.1. Nhân vật tiểu thuyết
1.1.1. Trước khi đề cập đến nhân vật tiểu thuyết và thi pháp nhân vật
tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng cần tìm hiểu về vấn đề
nhân vật văn học.
Nhân vật văn học là phương thức nghệ thuật nhằm khai thác những nét
thuộc đặc tính con người. Văn học không thể thiếu nhân vật vì đó là hình thức
cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Nhân vật văn
học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà
văn, một khuynh hướng, một trường phái văn học hoặc một dòng phong cách.
Tô Hoài trong ý thức sáng tác đã nhấn mạnh “ Nhân vật là nơi duy nhất tập
trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”[31; tr.62]
Theo Từ điển văn học: Nhân vật văn học- “ thuật ngữ chỉ hình tượng
nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của
con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có

khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho
những đặc điểm giống con người”. [22; tr.1254]
Theo giáo trình Lý luận văn học- Phương Lựu (chủ biên) “ Nhân vật
văn học là con người được miêu tả thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện
văn học.” [63; tr.277]
Căn cứ theo những quan niệm trên về nhân vật văn học, có thể hiểu
rộng nhân vật trong tác phẩm văn học bao gồm: nhân vật có tên hoặc không
7
có tên, được miêu tả đầy đặn về ngoại hình, nội tâm, tính cách và tiểu sử(
thường thấy trong tác phẩm tự sự, kịch); hoặc có những nhân vật không được
miêu tả những nét trên nhưng lại có tiếng nói, giọng điệu, cái nhìn(nhân vật
trần thuật) hoặc nhân vật chỉ có cảm xúc, nỗi niềm, ý nghĩ, cảm nhận( nhân
vật trữ tình trong thơ trữ tình). Khái niệm nhân vật có khi còn được sử dụng
một cách ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể mà chỉ một hiện tượng nổi
bật trong tác phẩm.( Ví dụ: nhân vật chính trong Chiến tranh và hòa bình của
L.Tônxtoi là nhân dân.)
Chức năng quan trọng nhất của nhân vật văn học là phản ánh hiện thực.
Bởi nhân vật được miêu tả hướng tới xây dựng hình tượng để phản ánh hiện
thực, cắt nghĩa đời sống.
Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về
con người. Vì vậy nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật mang tính ước
lệ, không thể bị đồng nhất với con người thật ngay cả khi tác giả xây dựng
nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật.
Nhân vật văn học khác nhân vật trong hội họa, điêu khắc ở chỗ nó bộc
lộ mình trong “hành động” và “ quá trình”. Nhân vật văn học luôn hứa hẹn
những điều sẽ xảy ra và những điều chưa biết trong quá trình giao tiếp. Nhân
vật văn học mang tính chất “hồi cố” vì mỗi bước phát triển đều làm nhớ lại
công thức nhận biết ban đầu, làm cho nó sâu thêm hoặc điều chỉnh cho nó xác
đáng nhưng không bao giờ bỏ quên hoặc xa rời chuẩn ban đầu.
Khi nói đến nhân vật văn học người ta còn đề cập đến khái niệm vai

văn học. Mỗi nhân vật trong tác phẩm văn học bao giờ cũng được miêu tả như
một loại hình nhân cách, một mô hình cá nhân, nhờ vậy mà người đọc luôn có
thể cảm nhận nhân vật văn học như một chỉnh thể còn được gọi là vai văn
học. Nhân vật văn học luôn đảm nhận vai văn học cụ thể xác định có ý nghĩa
quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng tác phẩm.
8
Văn học phản ánh hiện thực qua việc xây dựng nên các nhân vật- các
tính cách xã hội bởi tính cách xã hội là kết tinh các quan hệ đời sống. Tính
cách là cơ sở của hình tượng nhân vật, tính cách giúp người đọc cảm nhận
nhân vật như một chỉnh thể thống nhất, toàn vẹn, sinh động. Như vậy nhân
vật có một đặc trưng rất quan trọng, đó là phương tiện khái quát các tính cách,
số phận con người và các quan niệm về chúng.
Tính cách trong nghĩa rộng nhất là sự thể hiện các phẩm chất xã hội,
lịch sử của con người qua các đặc điểm cá nhân gắn liền với các phẩm chất
thuộc bản thể con người. Tính cách có một hạt nhân là sự thống nhất của cá
tính và cái chung xã hội lịch sử. Tính cách còn được hiểu như là đặc điểm
nhân vật, khuynh hướng xã hội và quy luật hành động của nhân vật. Tính cách
vừa là sự thống nhất hữu cơ giữa phương diện tâm sinh lý với phương diện tư
tưởng, tình cảm xã hội, vừa là sự thống nhất biện chứng giữa cá tính và cái
chung xã hội lịch sử. Tính cách trở thành hiện tượng thẩm mỹ khi nó miêu tả
được những con người cụ thể, sống động. Những nhân vật khái quát nổi bật
những tính cách có ý nghĩa phổ biến sâu xa sẽ là những nhân vật điển hình.
Mỗi tính cách là kết tinh của một môi trường nên nhân vật còn có một đặc
điểm quan trọng nữa là nhân vật như cầu nối dẫn dắt ta vào thế giới nghệ
thuật và cuộc sống thực tại.
1.1.2. Nhân vật như vậy là phương diện rất quan trọng của tác phẩm,
mang trong mình chức năng riêng và bản thân nó cũng có những biểu hiện
loại hình rất đa dạng. Lí luận văn học đưa ra nhiều căn cứ để phân chia loại
nhân vật.
Căn cứ vai trò nhân vật trong tác phẩm, có thể có thể phân thành nhân

vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm.
Nhân vật chính là nhân vật đóng vai trò chủ chốt, xuất hiện nhiều, giữ
vị trí then chốt của cốt truyện hay tuyến cốt truyện. Đó là con người liên quan
9
đến các sự kiện chủ yếu của tác phẩm, là cơ sở để tác giả triển khai đề tài cơ
bản của mình. Trong nhân vật chính của tác phẩm nổi lên những nhân vật
xuyên suốt tác phẩm từ đầu đến cuối về mặt ý nghĩa, đó là nhân vật trung tâm.
Nhân vật trung tâm là nơi quy tụ các mối mâu thuẫn của tác phẩm, là nơi thể
hiện các vấn đề trung tâm của tác phẩm.
Nhân vật phụ mang các tình tiết, sự kiện, tư tưởng có tính chất phụ trợ.
Chúng là bộ phận không thể thiếu, hàm chứa những tư tưởng quan trọng của
tác phẩm.
Ngoài ra, có thể căn cứ vào phương diện hệ tư tưởng, quan hệ với lý
tưởng, nhân vật được chia làm nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Sự
phân biệt này gắn với những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội.
Nhân vật chính diện mang lí tưởng, quan điểm, tư tưởng đạo đức tốt đẹp
của tác giả, cũng có khi của dân tộc, thời đại. Thường là, nhân vật chính diện
thời nào cũng tập trung lí tưởng xã hội và lí tưởng thẩm mỹ thời đại mình.
Nhân vật phản diện mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí
tưởng, đáng lên án, đáng phủ định.
Ngày nay, các nhà văn hiện thực đã đổi mới khái niệm nhân vật chính
diện. Họ khẳng định nội dung, lí tưởng của nó, nhưng giải phóng nó khỏi sự lí
tưởng hóa. Các phẩm chất chính diện ở đây phản ánh các phẩm chất chính
diện của con người hiện thực, bộc lộ trong thực tế, được nhà văn khái quát
nâng cao chứ không tưởng tượng ra. Trong nhân vật hiện thực, không dễ tách
bạch nhân vật chính diện và phản diện, việc phân biệt này có khi chỉ mang
tính chất tương đối, ước lệ. Khi liệt nhân vật vào phạm trù nào, chủ yếu là xét
khuynh hướng xã hội và phẩm chất cơ bản của nó.
Ngoài ra, còn một số kiểu cấu trúc nhân vật khác như: nhân vật chức
năng, nhân vật “loại hình”, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng.

Nhân vật chức năng (hay nhân vật mặt nạ) là loại nhân vật không có đời
sống nội tâm. Các đặc điểm phẩm chất nhân vật cố định từ đầu đến cuối. Sự
tồn tại và hoạt động của nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng nhất định.
10
Nhân vật “loại hình” thể hiện tập trung các phẩm chất xã hội, đặc điểm
của một loại người nhất định của một thời. Đó là nhân vật nhằm khái quát cái
chung về loại các tính cách và nhờ vậy mà được gọi là điển hình.
Nhân vật tính cách là một kiểu nhân vật phức tạp. Trong nhân vật tính
cách cái quan trọng không chỉ là đặc điểm, thuộc tính xã hội mà người ta có
thể liệt kê ra được. Tính cách còn thể hiện ở tương quan của các thuộc tính đó
với nhau, tương quan giữa các thuộc tính đó với các tình huống. Nhân vật tính
cách thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lý, những chuyển hóa,
và chính vậy tính cách thường có một quá trình tự phát và nhân vật không
đồng nhất giản đơn vào chính nó.
Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật mà hạt nhân cấu trúc của nó không
phải cá tính, cũng không phải là các phẩm chất loại hình mà là một ý thức.
Nhân vật này cũng thể hiện một cá tính, một nhân cách nhưng cái chính là
một hiện tượng tư tưởng diễn ra trong đời sống.
Tuy nhiên sự phân biệt loại hình nhân vật chỉ có tính chất tương đối vì
trong loại này có thể bao hàm yếu tố của loại kia. Trên đây chỉ là một số loại
nhân vật thường gặp, trong nhân vật còn một số kiểu nhân vật khác nữa.
1.1.3. Nhân vật là hiện tượng đa dạng và phức tạp thể hiện mối quan hệ
tác động qua lại giữa văn học và đời sống hiện thực nhưng nhân vật văn học
không đồng nhất với hiện tượng đời sống hiện thực. Vì vậy, nhân vật chỉ xuất
hiện qua sự tường thuật, miêu tả bằng các phương tiện văn học. Nhân vật đa
dạng, phong phú đến đâu thì phương thức và biện pháp thể hiện nó cũng đa
dạng, phong phú đến đó.
Miêu tả nhân vật, nhà văn phải sử dụng rất nhiều loại chi tiết. Văn học
dùng chi tiết để miêu tả chân dung, ngoại hình, hành động, tâm trạng, thể hiện
những quá trình nội tâm. Văn học cũng dùng chi tiết để miêu tả ngoại cảnh,

môi trường, đồ vật xung quanh con người. Tất cả những chi tiết đa dạng ấy,
11
khi sử dụng để xây dựng nhân vật, bao giờ cũng đồng nhất với một loại người
nào đó để mang lại cho nhân vật hình thức của một chỉnh thể và không có chi
tiết thừa. Vì vậy mỗi nhân vật văn học chỉ phản ánh được một phạm vi, một
phương diện của hiện thực đời sống phù hợp với vai văn học mà nó đảm
nhiệm, đó là những biểu hiện mọi mặt của con người mà người ta có thể căn
cứ để cảm biết về nó.
Nhân vật được thể hiện qua mâu thuẫn, xung đột, sự kiện. Mâu thuẫn,
xung đột, sự kiện bao giờ cũng có tác dụng làm nhân vật bộc lộ các phần bản
chất sâu kín của nó.
Nhân vật văn học có thể được miêu tả trực tiếp qua hành động, ý nghĩ,
nhưng cũng có thể miêu tả gián tiếp qua sự cảm nhận của mọi người xung
quanh nhân vật, qua đồ vật, môi trường nhân vật sống. Nhân vật còn được thể
hiện bằng các phương tiện kết cấu, phương tiện ngôn ngữ, phương thức miêu
tả riêng của thể loại.
Sự thể hiện nhân vật văn học bao giờ cũng nhằm khái quát một nội
dung đời sống xã hội và một quan niệm sâu sắc, một cảm hứng tình yêu tha
thiết với cuộc đời. Vì vậy, sự thể hiện nhân vật phải được xem xét trong sự
phù hợp với nội dung nhân vật và kiểu loại nhân vật. Không nên hiểu sự phù
hợp giữa nội dung và kiểu loại nhân vật theo lối một chiều. Bởi vậy, từ góc độ
thi pháp học, ta có thể thấy nhân vật văn học vừa là con người cụ thể được
miêu tả bằng các phương tiện văn học, lại vừa là một cấu trúc chức năng.
1.1.4. Nhân vật như vậy là hình thức văn học để phản ánh hiện thực.
Nhân vật văn học nói chung, nhân vật tiểu thuyết nói riêng có hình thức rất đa
dạng nhằm thể hiện các khía cạnh vô cùng phong phú của cuộc sống. Việc
hình dung sự đa dạng đặc biệt của nhân vật tiểu thuyết là quan trọng và cần
thiết để tiếp cận tìm hiểu thi pháp nhân vật tiểu thuyết Chu Lai.
12
Tiểu thuyết là thành tựu to lớn của văn học thế giới nói chung. Theo

nhà bác học Nga, nhà nhân văn lỗi lạc bậc nhất thế kỷ XX Mikhaiin
Mikhailovich Bakhtin( 1895- 1975) “ Tiểu thuyết là sản phẩm tinh thần tiêu
biểu cho thời đại mới của lịch sử loài người, là thành quả rực rỡ có giá trị thực
sự như một bước nhảy vọt thực sự vĩ đại của hàng ngàn năm văn chương thế
giới”[2.tr.8] Ông còn cho rằng “ Tiểu thuyết sở dĩ thành nhân vật chính trong
tấn kịch phát triển văn học thời đại mới bởi vì nó là thể loại duy nhất do thế
giới mới ấy sinh ra và đồng nhất với thế giới ấy về mọi mặt”[2.tr.27] Ông
khẳng định “ tiểu thuyết đi đầu trong tiến trình phát triển của toàn bộ văn học
thời đại mới”[2.tr.28] Do vai trò to lớn của tiểu thuyết như vậy nên việc
nghiên cứu về thi pháp nhân vật tiểu thuyết- vấn đề trung tâm của nghệ thuật
tiểu thuyết, là việc làm rất được quan tâm trong giới nghiên cứu văn học.
Nhân vật tiểu thuyết trước hết là nhân vật văn học, vì thế nó mang
những đặc điểm chung của nhân vật văn học. Tuy vậy, do những quy định của
yếu tố thể loại, nhân vật tiểu thuyết còn mang trong mình những đặc điểm
riêng, khác biệt. Như đã biết, nhân vật là yếu tố quan trọng bậc nhất của tác
phẩm. Nhân vật cũng là vấn đề trung tâm trong nghệ thuật tiểu thuyết. Tác
phẩm tiểu thuyết hấp dẫn trước hết phải xây dựng được nhân vật mang nét
phong cách riêng và độc đáo của tác giả. Nhân vật là “con đẻ” của nhà văn
nhưng không phải là nô lệ câm lặng hay cái loa phát ngôn của nhà văn. Nhân
vật là những con người tự do, có thể đứng ngang hàng với người sáng tạo ra
chúng, chúng có quan điểm riêng, có thể tán thành hay bác bỏ quan điểm của
người sáng tạo
Trong hiện thực, vì quy luật thời gian, con người không thể thử nghiệm
các khả năng, mà chỉ có thể quyết định một lần và hưởng thành quả hoặc chịu
hậu quả từ quyết định đó. Nhân vật văn học nói chung, nhân vật tiểu thuyết
nói riêng với tư cách là con người trong tác phẩm, giúp nhà văn thử nghiệm
13
các khả năng của số phận. Nhân vật tiểu thuyết là một dạng cái tôi thực
nghiệm của tác giả, có số phận cụ thể nhưng chính nó lại là những khả năng
của số phận. Nhân vật có thể trải nghiệm, có thể bước qua giới hạn mà tác giả

và con người trong đời thực sợ hãi không dám vượt qua.
Tiểu thuyết là thể loại đầu tiên quan tâm tới số phận con người với tư
cách một thực thể xã hội, được xã hội nuôi dưỡng và nhào nặn. Con người
trong tiểu thuyết là con người cá nhân, cá thể, tồn tại tự do và sống động như
bản chất xã hội của nó. Đi sâu khám phá số phận con người với những chiều
kích sâu xa, những “ ngóc ngách” của tâm hồn và cuộc đời là một trong
những ưu thế mạnh, là phẩm chất tiêu biểu của tiểu thuyết.
Tiểu thuyết luôn chứng tỏ ưu thế của mình trong việc tái hiện con
người chân thực và sống động, thậm chí sống động hơn cả con người thực,
trên cơ sở khai thác khía cạnh đời tư con người. Bởi trước hết một trong
những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết là nó nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư.
Đời sống riêng tư là tiêu điểm miêu tả cuộc sống một cách tiểu thuyết. Yếu tố
đời tư càng phát triển, chất tiểu thuyết càng tăng. Tiểu thuyết gần gũi cuộc
sống hơn các thể loại văn chương khác chính bởi nó nhìn cuộc sống từ góc độ
đời tư với yêu cầu tái hiện cuộc sống như một thực tại sinh thành. Nhân vật
tiểu thuyết được miêu tả đan chéo và quan hệ mật thiết với hoàn cảnh lịch sử
xã hội. Nhân vật tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết hiện đại, được xây dựng đầy
đặn từ ngoại hình đến nội tâm, được xây dựng sống động trong quá khứ, hiện
tại và tương lai. Nhân vật tiểu thuyết là con người nếm trải- những con người
sống và hoạt động trong những môi trường, hoàn cảnh cụ thể, có tiểu sử, có
những nét đặc trưng riêng về ngoại hình, nội tâm… Những con người đó có
số phận cụ thể và số phận thường tỏ ra khắc nghiệt với họ. Cả tác phẩm thể
hiện sự vận động của nhân vật nhằm cải tạo, thay đổi hoàn cảnh và thay đổi
bản thân.
14
Chỉ ở tiểu thuyết, thể loại dung nạp trong nó mọi yếu tố bề bộn của
cuộc đời bao gồm cái cao cả và cái tầm thường, cái nghiêm túc và cái buồn
cười, cái bi và hài, cái to lớn lẫn cái nhỏ bé… nhân vật mới được tái hiện một
cách đời nhất. Nhân vật tiểu thuyết bị ném ra giữa cuộc đời, vật lộn với cuộc
đời, với những giằng xé nội tâm để biến chuyển. Nhân vật tiểu thuyết giống

như con người thường ngày ta gặp, chỉ khác ở chỗ nó đi đến cùng trong tiến
trình lập thân, tiến trình tâm lý, nó kiên trì, quyết liệt, không rời bỏ mục tiêu.
Nó là loại nhân vật dễ dàng chứa đựng trong bản thân nó cái phức tạp, bề bộn,
đầy trăn trở của con người thực ngoài đời. Điều này có được là nhờ tiểu
thuyết tái hiện cuộc sống không thi vị hóa, lãng mạn hóa, lý tưởng hóa.
Có thể coi tiểu thuyết là thể loại văn học nghiên cứu cuộc sống con
người một cách toàn vẹn nhất, sống động nhất, trên cơ sở tạo dựng thế giới
nhân vật. Trong nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại, nhân vật mang tính tự thân rất
cao. Nhân vật có khi vượt ra khỏi sự kiểm soát, sự định hướng ban đầu của
nhà văn theo quy luật của cuộc đời, của số phận. Nguyễn Đình Thi từng nhận
định: “ Vấn đề trung tâm của nghệ thuật tiểu thuyết theo tôi, là miêu tả những
con người và đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi
vấn đề đều phải thông qua nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là tự sự việc”
[78; tr.64]
Nhân vật tiểu thuyết là những con người được nhà văn xây dựng bằng
các phương tiện nghệ thuật ngôn từ. Mỗi nhân vật xuất hiện là sự thể hiện
quan niệm của nhà văn về con người, về cuộc đời. Ở nhân vật tiểu thuyết
chúng ta không chỉ bắt gặp một cảnh đời, một số phận mà còn hiểu ý nghĩa
cuộc đời đằng sau số phận đó. Bởi lẽ tiểu thuyết miêu tả con người trong hoàn
cảnh, không cô lập nó cũng như không cường điệu sức mạnh của nó.
Đối với tiểu thuyết nhân vật là yếu tố đầu tiên trong việc sáng tác tác
phẩm và là thành quả cuối cùng quyết định thành công trong sáng tạo nghệ
15
thuật của tác giả. Ngoài phương thức, phương tiện và biện pháp thể hiện nhân
vật nói chung, ở từng loại tiểu thuyết cụ thể, nhà văn có những cách thể hiện
nhân vật riêng, sao cho nhân vật mà nhà văn xây dựng thể hiện được quan
niệm về con người của tác giả và vấn đề tư tưởng tác phẩm. Điều cần chú ý
khi tìm hiểu về nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại là nhân vật chủ yếu bộc lộ
mình trong chiều sâu nội tâm và trong mối quan hệ với các nhân vật khác.
Tiểu thuyết là thể loại không chấp nhận sự gò bó, hạn định. Khi xây

dựng nhân vật, nhà văn có thể tùy thích lựa chọn để tạo dựng cho mình một
thế giới nhân vật phong phú, đa dạng, phù hợp với sở thích, cá tính của mình
để miêu tả thể hiện. Mối quan hệ nhà văn- nhân vật trong tiểu thuyết hết sức
phức tạp. Nhân vật là đứa con tinh thần, là sản phẩm của vốn sống trực tiếp
của nhà văn. Nhưng không phải lúc nào nhà văn cũng kiểm soát được những
vận động biến đổi trong nhân vật của mình. Chính trong quá trình xây dựng
nhân vật, sáng tác ra tác phẩm nhà văn cũng dần khám phá bản thân mình qua
từng trang viết.
Nhà văn Pháp Georges Simenon (1903- 1989) quan niệm có hai loại
nhân vật tiểu thuyết “ nhân vật mặc quần áo” và nhân vật “nu” (“nu”- tiếng
Pháp là khỏa thân). “Nhân vật mặc quần áo” là những nhân vật mà dưới
những bộ trang phục xã hội của họ khi quá chật, khi quá rộng, có khi lại là
những con người tự nhiên èo uột, còm cõi. “ Nhân vật nu” là những nhân vật
được tác giả miêu tả ở phần con người tự nhiên bên dưới những trang phục xã
hội, hoàn toàn không có sự ngụy tạo.
So với các thể tự sự khác, đặc điểm của nhân vật tiểu thuyết, đặc biệt là
tiểu thuyết hiện đại rất phong phú đa dạng. Tính phong phú, đa dạng đó còn
thể hiện rõ hơn khi tìm hiểu nhân vật trong tiểu thuyết của các nhà văn cụ thể.
16
1.2. Hệ thống nhân vật- Chức năng miêu tả hoàn cảnh của nhân vật
trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng.
1.2.1. Hệ thống nhân vật là sự tổ chức các quan hệ nhân vật cụ thể góp
phần tạo ra không gian nghệ thuật của tác phẩm, thể hiện chức năng miêu tả
hoàn cảnh của nhân vật. Mối quan hệ thường thấy của các nhân vật là mối
quan hệ đối lập, đối chiếu, tương phản, bổ sung.
Sự phản ánh hiện thực trong các mâu thuẫn, xung đột và sự vận động,
trước hết dẫn đến việc tổ chức các nhân vật đối lập. Đó là sự đối lập thiện- ác,
tốt- xấu, thống trị- bị trị; xâm lược – chống xâm lược… Quan hệ nhân vật đối
lập không chỉ là một phạm trù xã hội học, mà nó còn gắn liền với sự đối lập
cá nhân về phương diện địa vị, cá tính, phẩm chất như dũng cảm- hèn nhát;

trung thực- gian dối; trung thành- phản bội…
Quan hệ đối chiếu tương phản làm nổi bật sự đối lập và khác biệt của
các nhân vật ví như người ta thường nói đến loại hình nhân vật cao, gầy- thấp,
béo của thầy trò Đônkihôtê và Sanxôpansa. Một người bị đầu độc bởi những
hoang tưởng của tinh thần hiệp sĩ- một người có trí óc lành mạnh… Cả hai
thầy trò như hai tấm gương soi chiếu lẫn nhau. Đối chiếu tương phản là
nguyên tắc kết cấu hết sức phổ biến. Nó chẳng những làm nổi bật các nhân
vật khác tuyến mà còn làm cho các nhân vật cùng tuyến trở nên sắc nét.
Quan hệ bổ sung là quan hệ của các nhân vật cùng loại, nhằm mở rộng
phạm vi của một loại hiện tượng. Nhân vật bổ sung thường là nhân vật phụ,
làm cho nhân vật chính đậm đà, có bề dày. Chúng tuy mang tính chất phụ
thuộc, nhưng đồng thời có tác dụng mở rộng đề tài. Ngoài quan hệ bổ sung
phụ thuộc còn có quan hệ bổ sung đồng đẳng. Nhân vật bổ sung cho nhau
nhưng không phụ thuộc vào nhau mà cùng nhau thể hiện vấn đề của tác phẩm.
Hệ thống nhân vật là sự tổ hợp nhân vật làm sao cho chúng phản ánh
nhau, tác động nhau, soi sáng nhau, để cùng phản ánh đời sống, dẫn dắt ta vào
17
thế giới đời sống. trong hệ thống hình tượng của tác phẩm, nhân vật vừa đảm
nhiệm vai trò xã hội- vai trò cá nhân trong giai cấp, nghề nghiệp, địa vị, huyết
thống, gia tộc… vừa đóng vai trò văn học- vai trò một công cụ nghệ thuật,
thực hiện một chức năng nghệ thuật. Các vai trò này gắn bó với nhau trong
quan hệ nội dung và hình thức. Cần nhìn chúng trong một hệ thống, một
chỉnh thể nghệ thuật, mới thấy hết nội dung tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm.
1.2.2. Trong tiểu thuyết hiện thực nói chung và tiểu thuyết Chu Lai nói
riêng, hệ thống nhân vật chính là một hình thức cấu trúc tác phẩm nghệ thuật.
Trên cơ sở thiết lập các tuyến nhân vật và trục quan hệ, vấn đề hiện thực xã
hội được phản ánh. Trong các tác phẩm văn học, nhân vật vừa là phương tiện
khái quát tính cách, vừa là nhân tố tạo nên hoàn cảnh. Nhân vật là sự thể hiện
tính cách tiêu biểu trong xã hội cụ thể, trong hoàn cảnh, môi trường cụ thể vì
vậy tính cách tất yếu tồn tại ở tất cả các loại hình nhân vật và kiểu loại tính

cách chính là tính lịch sử xã hội. Nhân vật trong tác phẩm ngoài việc thực
hiện vai trò văn học còn thực hiện vai trò xã hội. Qua hệ thống nhân vật, ta
phần nào thấy được mối quan hệ nội tại trong phẩm và những vấn đề hiện
thực cùng nội dung tư tưởng mà nhà văn gửi gắm.
Chu Lai tổ chức, cấu trúc nhân vật của mình trong từng tiểu thuyết để
tạo hiệu quả nghệ thuật.
1.2.3. Ăn mày dĩ vãng, các nhân vật thể hiện cả quan hệ đối lập và bổ
sung. Quan hệ đối lập thể hiện giữa Hai Hùng, Ba Sương, Hai Hợi, Tường với
Địch. Mối quan hệ đó phản ánh mâu thuẫn lớn giữa những người lính cách
mạng, nhân dân ta với kẻ thù, với những kẻ phản bội, tay sai cho địch. Cuộc
đấu tranh cách mạng chống lại kẻ thù đó lâu dài, cam go, quyết liệt. Đến thời
bình, Địch là hiện thân của loại người xấu, kẻ cản trở sự phát triển của xã hội,
tiếp tục giày xéo lên cuộc sống của người lương thiện, biến của công thành
của tư, dùng vũ lực và hăm doạ để uy hiếp người khác…đó là loại người tiêu
18
cực của xã hội. Nhà văn muốn nói cuộc đấu tranh cách mạng để xây dựng xã
hội tốt đẹp lúc nào cũng cam go quyết liệt, cũng phải đánh đổi bằng máu và
nước mắt. Đi tìm dĩ vãng để không quên một thời, cũng không quên hiện tại.
Quan hệ bổ sung giữa những người đồng đội với Hai Hùng cũng biểu
hiện rất phong phú. Nhờ có những lời nói hành động của những người lính
trong các tình huống chiến trận cũng như giờ phút đời thường mà hai Hùng
hiện lên nổi bật, cao lớn, mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh, uy lực…Quan hệ
bổ sung giữa Hai Hùng, Hai Hợi với Ba Sương, làm nổi bật những phẩm chất
tốt đẹp ở Ba Sương như dịu dàng, tinh tế, đa cảm, chung thuỷ, can đảm…
Giữa cuộc chiến quyết liệt, đạn bom không chừa mảnh đất nào, không nhân
nhượng cho bất cứ thứ gì, cho dù đó là tình yêu, thì Ba Sương hiện lên đầy nữ
tính “ Sương đang tắm. Quần kéo cao quá ngực, vai để trần, tóc thả dài trong
nước… Nét tắm của cô gái trong trận mạc, nét tắm tinh khiết, không vẩn đục
mảy may, tắm giữa sự điêu tàn, tắm bên cạnh cái chết, như tắm một lần cho
mãi mãi…Vai mảnh, cổ mảnh, nhỏ và gầy, trắng xanh…”[ 44.tr.67].

Qua ánh nhìn của Hùng, Sương hiện lên đẹp đẽ, mềm yếu và cần được
che chở. Sự xuất hiện của Sương như làm xua tan cái tàn khốc của bom đạn,
cái nghiệt ngã, mất mát của chiến tranh. Hùng càng mạnh mẽ bao nhiêu thì
Sương càng mềm mại bấy nhiêu. Giờ tử trong cái hầm nhỏ, trong khao khát
cháy bỏng, Hùng nhận ra rõ ràng hơn sự trinh trắng thánh thiện của người mình
yêu. Sự kìm nén, chịu đựng qua hoàn cảnh ngặt nghèo ấy không phải chỉ là một
chuyện giải quyết nhu cầu nhỏ nhặt của một người đàn bà “Rồi lại xòe… Tiếng
xòe dài hơn một chút. Rồi lại tắt…Lại xòe…Tắt…Xòe … Xòe…Tắt! Khốn
khổ! Có ai hiểu thấu cho người đàn bà trong chiến tranh phải chịu cơ cực như
thế…những âm thanh tức tưởi và ao lòng đến rã rời tâm can…”[44.tr.221].
Chiến tranh thật khắc nghiệt, thật tàn ác, nó gây ra bao nhiêu cảnh huống
không biết nên cười hay khóc. Hai Hùng tận mắt chứng kiến nỗi khổ của người
19
đàn bà mình yêu, trong tâm anh không chỉ là sự cảm thông, xót xa cho người
yêu mà hơn cả là lời tố cáo tội ác chiến tranh, tố cáo một thời mà mọi ngõ
ngách của đời sống con người chịu ảnh hưởng nặng nề của nó.
Ba Sương càng yếu mềm, dịu dàng bao nhiêu thì Hai Hợi càng mạnh
mẽ bấy nhiêu, dù họ là hai chị em họ. Tác giả miêu tả Hai Hợi: “ Tiếng nói cô
trầm xuống, khàn đi, điệu bộ trở nên bặm trợn cứng ngắc, vào trận là hò la hét
lác như đàn ông, hơn đàn ông.”[44.tr.63] “ Cô trở thành người chỉ huy can
tràng, tàn bạo và ngổ ngáo. Đụng địch, cô vác B40 xông lên trước, tiếp cận
hàng rào gai, cô lột phăng quần áo chui ào ào, ai rụt rè, ai hèn nhát, cô đá đít,
tạt tai, lột súng đuổi về phía sau liền, bất kể là du kích gái hay trai.”[44.tr.63].
Ngay cả trong tình yêu cũng dữ dội, cô dám sống, dám yêu, dám chiến đấu…
Đi bên cạnh Sương, Hợi thực sự là người chị cả, người mẹ, hiểu đời và chăm
lo cho em. Ngay cả cái chết cũng là một cái “chết thay”, dù nguyên nhân
không phải do Sương, nhưng nhờ có xác Hợi mà Sương thoát. Bên trong
người đàn bà Hai Hợi bặm trợn lại là một tâm hồn phụ nữ thật đằm sâu “ Cô
ngồi ở một góc sạp, âm thầm, chìm trong khoảng tối mà ánh đèn măng- sông
không thể hắt tới. Cái nhìn tội lắm. Cái nhìn vời vợi của người mẹ, người em

và cả người vợ, vừa buồn, vừa thương, vừa…”[44.tr.64]
Chiến tranh đã biến một người đàn bà đầy nữ tính, khao khát cháy bỏng
yêu đương, lòng tràn đầy ao ước, hy vọng vào tương lai, hạnh phúc, trở thành
“người đàn bà i- nốc”, can tràng, dũng cảm, xốc vác mọi việc của đàn ông.
Không có những người như Hai Hợi, cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc không
thể thắng lợi giòn giã và chắc chắn như thế, nhưng cũng nhìn vào cuộc đời
của những người như Hợi lại thấy mặt trái của chiến tranh, nó chỉ đem đến
đau khổ, chia li, biến cái nhìn ngây thơ, trong sáng của biết bao người con gái
thành cái nhìn dữ dội, sắt thép để chống chọi với đạn bom.
20
Tuy nhiên, ngoài quan hệ bổ sung thì chính sự đối lập, tương phản giữa
các nhân vật cũng góp phần làm nổi bản chất, tính cách nhân vật. Đồng thời
mối quan hệ đó còn phản ánh hoàn cảnh xã hội trong chiến tranh. Chiến tranh,
con người sống với nhau bằng tình đồng đội, tình ruột thịt, chiến tranh ác liệt
đến đâu thì người con trai, con gái cách mạng cũng vẫn giữ trọn phẩm cách,
hoàn cảnh khắc nghiệt không làm vơi bớt ở họ niềm tin, niềm khát khao cháy
bỏng tình yêu, hạnh phúc, ngày gặp mặt…
Sau chiến tranh, mọi người trở về với cuộc sống đời thường, không còn
phải đối mặt với chiến tranh nhưng lại phải đối mặt với cuộc sống thời bình
đầy thử thách, đầy nguy cơ, để tồn tại, chen chúc nhau, tranh giành nhau để
sống. Hai Hùng không hòa nhịp được với nhịp sống bon chen ấy, anh vẫn
sống với những ám ảnh về một thời đã qua, ám ảnh về người đàn bà đã một
thời là của mình, đi tìm dĩ vãng xa xôi mà anh ngỡ vẫn đâu đây. Sống nghèo
khó, không màng vật chất và bị bọn người tầm thường ngoài kia coi thường.
Trái hẳn với Hùng, Sương bây giờ là một bà giám đốc với cái tên khác: Tư
Lan. Sương bị cuốn vào những vụ làm ăn nhập nhèm, bị điều khiển bởi thằng
Địch- tên trung úy ngụy, kẻ thù trong chiến tranh. Thằng Địch vẫn giữ nguyên
bản chất trong chiến tranh, độc ác, nham hiểm, luôn tồn tại bằng sự uy hiếp,
mưu mô, thủ đoạn. Địch vừa là kẻ thù vừa là đồng bọn của Ba Sương.
Sự đối lập giữa các nhân vật phản ánh một hiện thực, hiện thực xã hội

đã thay đổi, chiến tranh lùi xa, mục đích sống của con người không còn là
chiến đấu bảo vệ tổ quốc đặt lên đầu, mà là mục đích làm kinh tế, phục vụ
mục đích cá nhân là chủ yếu. Nó được bao bọc bởi một cái vỏ hào nhoáng và
đầy tự hào, nhân danh những thành tích có trong chiến tranh. Đồng tiền trở
nên có sức mạnh vạn năng, xoay chuyển mọi việc, biến con người thành nô lệ.
Mối quan hệ bí ẩn của Tư Lan và Địch cũng phản ánh sự phức tạp trong quan
hệ con người với nhau giữa thời buổi thị trường. Hai Hùng là đại diện cho
21
những người lính còn giữ lại nguyên vẹn trong mình ký ức và niềm tự hào về
chiến tranh, không bị cuộc sống xô bồ là tha hóa. Hình dáng gầy còm, méo
mó, với nỗi dằn vặt về dĩ vãng trong Hai Hùng trái ngược với vóc to béo cao
lớn,bóng bẩy, bặm trợn, hung tợn của tên ác ôn Địch. Mâu thuẫn giữa cái mới
và cái cũ, sự khác biệt về tư tưởng của hai thời đại được tập trung ở sự đối lập
giữa các nhân vật.
1.2.4. Khúc bi tráng cuối cùng, chủ yếu là quan hệ đối lập giữa một
bên là những người lính cụ Hồ đóng ở Tây Nguyên như sư trưởng Hoàng
Lâm, già làng Y’Blim, Oánh, Dung… với một bên là kẻ thù như tư lệnh vùng
2 Phạm Ngọc Tuấn, Hùng, các tướng lĩnh và quân lính. Câu chuyện bắt đầu từ
cuộc tình tay ba của Hoàng Lâm- Trang- Tuấn, tạo ra một mâu thuẫn không
thể dung hòa giữa ba nhân vật. Rồi Hoàng Lâm và Tuấn mỗi người một chiến
tuyến, lúc này mâu thuẫn không chỉ là tình cảm mà liên quan trực tiếp đến lí
tưởng và nhiệm vụ mà mỗi người theo đuổi. Hoàng Lâm là người chỉ huy của
quân giải phóng, Tuấn là tư lệnh vùng hai của Ngụy quyền Sài Gòn. Giữa hai
nhân vật vĩnh viễn không thể có con đường nào chung. Cả thiên truyện là
những kế hoạch, những phán đoán, những kế sách đối phó của cả hai bên, đó
là cuộc đua căng thẳng cả về chính trị và quân sự, xen lẫn trong đó là những
mối quan hệ tình cảm phức tạp. Đến thế hệ con của Lâm và Tuấn, Oánh- con
nuôi của Hoàng Lâm làm giải phóng, một lòng trung thành với Đảng và cách
mạng, tình yêu của anh với cô gái người Tây Nguyên cũng giản dị và đẹp đẽ
như chính cuộc đời đi theo cách mạng của anh; Hùng- con của Hoàng Lâm lại

dưới quyền của Tuấn, hung ác và mù quáng đi theo một lí tưởng hão huyền,
cuộc đời Hùng là những cuộc săn tìm cộng sản, một thứ tay sai đúng nghĩa,
cứ đi mà không biết mình đi đâu, phục vụ cái gì, vì cái gì. Nhưng rồi cuối
cùng Hùng và Oánh cũng nhận ra nhau, đúng giây phút đó thì họ đều hy sinh.
Dung- con gái Tuấn, làm một điệp viên cừ khôi, trung thành tuyệt đối với
22
cách mạng, trong sáng và dịu dàng như người mẹ của cô. Mỗi nhân vật đều
tôn thờ và trung thành với lí tưởng mình đã chọn, nhưng cuối cùng những kẻ
lầm đường lạc lối cũng nhìn ra sai lầm và quay trở lại.
Mỗi người một con đường, mỗi người một số phận. Giờ phút tưởng gặp
gỡ, đoàn tụ, thì lại là phút giây bi tráng cuối cùng của tình anh em. Mối quan
hệ phức tạp của các nhân vật là hiện thực số phận con người trong chiến
tranh. Những hoàn cảnh éo le, những số phận tội nghiệp, dù ở hai bên chiến
tuyến, họ vẫn là một nhà. Như dự cảm về một ngày thống nhất của đất nước.
Mối quan hệ giữa hai tuyến nhân vật này phản ánh tình hình căng
thẳng, đối đầu, không khoan nhượng giữa ta và địch, sự phức tạp của trận
chiến tâm lý, sự đấu trí cam go giữa hai bên chuẩn bị cho chiến dịch Tây
Nguyên lịch sử.

Tiểu kết
Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng là hình thức tự sự cỡ lớn,
điển hình bởi chất văn xuôi và yếu tố bề bộn của cuộc đời. Nhân vật của hai
tiểu thuyết này được khai thác ở khía cạnh đời tư và đầy nếm trải, từng trải
trong cuộc đời.
Hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng
cuối cùng của Chu Lai mang nét chung của hệ thống nhân vật trong tiểu
thuyết hiện thực. Các nhân vật có chức năng miêu tả hoàn cảnh, dẫn ta vào
đời sống của con người trong chiến tranh, đặc biệt ở Ăn mày dĩ vãng nhà văn
còn cho ta trải nghiệm cuộc sống thời bình với bao nhiêu phức tạp, bon chen,
những giằng xé của người lính khi trở về với cuộc sống đời thường. Hai tiểu

thuyết đã thiết lập thành tuyến trên cơ sở đối lập, đối chiếu, bổ sung, tương
phản giữa các nhân vật. Nét riêng trong hệ thống nhân vật của Chu Lai không
chỉ ở sự đối lập, bổ sung giữa các nhân vật mà còn ngay trong chính bản thân
tính cách nhân vật.
23
Chương 2
KIỂU NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT ĂN MÀY DĨ VÃNG VÀ
KHÚC BI TRÁNG CUỐI CÙNG.

Cùng viết về chiến tranh và người lính nhưng hai tác phẩm Ăn mày dĩ
vãng và Khúc bi tráng cuối cùng lại có xu hướng khai thác hiện thực rất riêng.
Vì thế mỗi tác phẩm lại xây dựng cho mình kiểu loại nhân vật khác nhau. Ăn
mày dĩ vãng là tiểu thuyết sử thi nhưng nghiêng về số phận của người lính
trong chiến tranh và sau chiến tranh. Tác phẩm khai thác tính bi kịch xen lẫn
cái nhìn mang tính sử thi. Người lính được miêu tả đa diện: tốt- xấu, anh hùng
xông pha trận mạc- có lúc cũng yếu hèn, cũng có những ham muốn không thể
kìm nén, con người lí tưởng cùng với con người đời thường…
Khúc bi tráng cuối cùng viết theo khuynh hướng sử thi, nhân vật chỉ
được khắc hoạ ở phương diện chiến đấu, ca ngợi phẩm chất dũng cảm, mọi
đặc tính khác không đề cập đến. Có thể gọi tên các kiểu nhân vật có chức
năng khái quát tính cách cơ bản trong hai tiểu thuyết như sau:
2.1. Người lính trong chiến đấu, với lí tưởng cao cả, tình yêu mãnh
liệt, tình đồng đội thuỷ chung
Phần lớn các nhà văn viết về chiến tranh đều trực tiếp tham gia chiến
tranh hoặc cũng là người chứng kiến quá khứ hào hùng của dân tộc qua cuộc
kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh đã lùi xa, ký ức về nó thật đa diện, nhưng
không ai quên hình ảnh anh hùng, kiên cường, dũng cảm chiến đấu, hy sinh
tuổi xuân và cả tính mạng cho nền độc lập Tổ quốc của những người lính.
Chu Lai là nhà văn từng trực tiếp lăn lộn ở chiến trường. Những năm tháng
bom đạn đó luôn sống dậy trong những trang viết của ông. Hình ảnh rất rõ

nét, phong phú và đa diện nhất vẫn là người lính- những người trực tiếp đối
mặt với kẻ thù, với hiểm nguy, gian khổ và hy sinh.
24
2.1.1. Giữa thời đại cả nước ra trận, toàn dân toàn quân chung sức một
lòng vì nền độc lập dân tộc, chủ nghĩa yêu nước được đưa lên cao nhất và
khắc sâu vào tư tưởng mỗi người, ai ai cũng vì lợi ích chung của dân tộc, đất
nước thì người lính là hình mẫu đẹp nhất, lí tưởng nhất của thời đại.
Đọc Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai, không khí hào hùng của
quân và dân ta ở Tây Nguyên đã đem lại khí thế mạnh mẽ cho mỗi người.
Cuộc chiến cam go, quyết liệt bao nhiêu, vai trò của người lính chỉ huy càng
quan trọng bấy nhiêu. Một Hoàng Lâm, sư đoàn trưởng mặt trận Tây Nguyên,
điềm tĩnh, am hiểu địa hình, thế trận, am hiểu cả kẻ thù. Cả cuộc đời Hoàng
Lâm dành trọn cho kháng chiến. Chiến đấu bí mật, chia xa người yêu, ra
chiến trận mà không hề biết mặt đứa con- kết quả tình yêu với Trang. Cho đến
khi những đứa con lớn lên, cùng tham gia vào cuộc chiến đấu với cha, Hoàng
Lâm đã trở thành người chỉ huy cấp cao đầy kinh nghiệm. Trong hoàn cảnh
ngặt nghèo nhất là đối mặt với sự hy sinh của Oánh- đứa con trai của cô du
kích cứu Hoàng Lâm, ông coi như con ruột, Hoàng Lâm vẫn gắng bình tâm,
nén đau thương để lãnh đạo cuộc phản công thắng lợi. Một già làng Y’Blim,
linh hồn của đồng bào một vùng Tây Nguyên, chỗ dựa vững chắc cho quân
giải phóng. Già tham gia chiến đấu cùng bộ đội, bàn bạc kế sách cùng bộ đội,
đảm nhiệm nhiệm vụ khó khăn mà Đảng và Bộ chính trị giao phó. Già cũng
đã dâng hiến cho Tổ quốc những đứa con, đứa cháu quả cảm, nén đau thương,
mất mát để vì lợi ích dân tộc. Và biết bao sư trưởng, quân đoàn trưởng, chính
ủy viên…đều là những anh hùng trận mạc, linh hồn của anh em chiến sĩ trong
những trận chiến quyết liệt. Không có họ không có người lãnh đạo trực tiếp
cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thắng lợi. Họ là người cán bộ cách
mạng - chỗ dựa tinh thần cho đồng đội.
Hình tượng nhân vật người cán bộ cách mạng trong tiểu thuyết Khúc bi
tráng cuối cùng được xây dựng mang tính sử thi. Nghĩa là từ đầu đến cuối tác

×