Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Đề thi đề xuất kì thi học sinh giỏi các trường chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng bắc bộ năm 2015 môn ngữ văn khối 11 của trường chuyên NGUYỄN BỈNH KHIÊM QUẢNG NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.27 KB, 5 trang )

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN
VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN BỈNH KHIÊM
TỈNH QUẢNG NAM
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11
NĂM 2015
Thời gian làm bài 180 phút
(Đề này có 01 trang, gồm 02 câu)
CÂU 1: (8 điểm)
Suy nghĩ của anh/chị về quan niệm sau:
Đối với thế giới bạn chỉ là một người nhưng với ai đó bạn là cả thế giới.
CÂU 2: (12 điểm)
Xét cho cùng, tác phẩm văn học chính là nơi chứa đựng những giấc mơ của người
nghệ sĩ về cuộc đời.
Ý kiến của anh/chị về nhận định trên?
Bằng việc phân tích một vài tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu trong chương trình
Ngữ văn 11, anh/chị hãy làm sáng tỏ thêm ý kiến của mình.
Hết
Người ra đề: Nguyễn Thị Trúc Đào - ĐT liên hệ
Ký tên
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN NGỮ VĂN KHỐI 11
ĐÁP ÁN CÂU 1
I. Yêu cầu về kĩ năng:
Vận dụng thuần thục cách làm bài văn nghị luận xã hội (nghị luận về một tư tưởng,
đạo lí). Kết hợp tốt các thao tác lập luận.Có cách viết chặt chẽ, lưu loát.
II.Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể đề xuất những cách hiểu, cách bàn luận theo cảm nhận riêng, điều
quan trọng là cách hiểu và cách bàn luận ấy phải gắn với ý tưởng, hợp lí về lập luận và
phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội.
Nên tổ chức bài làm theo định hướng sau:


1. Giải thích quan niệm:
Quan niệm được dẫn trên đề khẳng định giá trị của mỗi người trong mối quan hệ với
người khác. Ở góc độ đó, mỗi một cá nhân đều có giá trị xứng đáng được tôn trọng và đều
có khả năng được tin tưởng, ngưỡng mộ, yêu thương.
- Mỗi con người vốn chỉ là một cá nhân đơn lẻ, nhỏ bé trong thế giới mình đang
sống.
- Nhưng cá nhân đơn lẻ, nhỏ bé đó không bao giờ là vô nghĩa bởi mỗi người đều có
khả năng trở thành một biểu tượng lớn lao, đẹp đẽ trong đôi mắt và trong tâm hồn của
những người quanh ta. Thậm chí, bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có hạnh phúc được
trở thành một mẫu hình chứa đựng tất cả tin yêu, tất cả niềm vui, tất cả những gì đẹp đẽ
nhất đối với cuộc đời của người khác.
2. Suy nghĩ về quan niệm:
- Quan niệm được dẫn trên đề là một quan niệm hợp lí, đúng đắn, sâu sắc .
- Quan niệm cho ta cách nhìn đầy nhân văn về ý nghĩa và giá trị của mỗi con
người: bất kỳ con người nào cũng đều tiềm ẩn những giá trị đẹp đẽ, lớn lao ; không có
con người nào là nhỏ bé, thấp kém, vô nghĩa đối với những người chung quanh và đối với
cuộc đời này cả.
- Mỗi người đều có khả năng trở thành “cả thế giới” đối với người khác nhưng để
đạt được điều đó, mỗi cá nhân phải sống bằng tất cả tấm lòng, phải đến với người chung
quanh và cuộc sống này bằng tất cả niềm tôn trọng, yêu thương và bằng sự tỏa sáng về
nhân cách lẫn năng lực.
3. Bài học nhận thức và hành động:
- Mỗi người phải nuôi dưỡng niềm tin vào chính mình, sống chân thành và hết
mình, không ngại ngần trong việc bày tỏ sự trân trọng đầy thiện chí cũng như hành động
yêu thương của mình đối với cuộc đời mình đang sống.
- Không nuôi dưỡng mặc cảm nhưng cũng không tự tôn.
- Sống lạc quan và hi vọng.
III. Cách cho điểm:
- Điểm 7-8: Bài chặt chẽ, mạch lạc, đúng hướng. Đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng và
kiến thức. Có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.

- Điểm 5-6: Bài tương đối chặt chẽ, đúng hướng. Đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kĩ
năng và kiến thức. Có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 3-4: Bài còn sơ sài nhưng nhìn chung vẫn đúng hướng. Còn mắc một số lỗi về
diễn đạt hoặc bài còn chung chung nhưng vẫn đúng hướng. Còn mắc một số lỗi về diễn
đạt.
- Điểm 1-2: Bài tản mạn, quá sơ sài hoặc bài tối nghĩa, chưa hoàn chỉnh.
- Điểm 0: Chưa làm được gì hoặc hoàn toàn lạc đề.
ĐÁP ÁN CÂU 2:
I. Yêu cầu về kĩ năng:
Học sinh cần kết hợp một cách thuần thục các thao tác giải thích, bình luận, chứng
minh và phân tích để hoàn thành tốt một bài văn nghị luận văn học theo yêu cầu của đề.
II. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể có nhiều cách sắp xếp và tổ chức bài làm theo nhiều hướng khác
nhau. Đáp án chỉ nêu những định hướng chính.
1. Giải thích nhận định:
- Khái niệm “giấc mơ” ở nhận định được hiểu là những giấc mơ (trong giấc ngủ)
và hiểu rộng và sâu hơn là ước mơ của người nghệ sĩ. Đó chính là sự phản chiếu từ ý
thức, tiềm thức và vô thức những gì nhà văn quan tâm, mong mỏi và khao khát. Nhà văn
viết tác phẩm là để ký thác giấc mơ đó (Freud từng có quan niệm nhà văn là người “mơ
những giấc mơ ban ngày”). Hiểu như vậy thì chính tác phẩm là nơi chứa đựng những ước
mơ của người nghệ sĩ về cuộc đời. Với nghệ sĩ chân chính, đó là những giấc mơ về điều
thiện, lẽ phải, tình yêu thương, hòa bình,
- Nhận định khẳng định nội dung cốt yếu làm nên giá trị của tác phẩm văn học
chân chính là thái độ, là tấm lòng nhân đạo của nhà văn gửi vào tác phẩm thông qua việc
thể hiện ước mơ về những điều tốt đẹp dành cho con người và cuộc đời.
2. Xác định quan điểm của bản thân:
Đồng tình - trân trọng nhận định của đề.
3. Phân tích:
Người làm bài có thể chọn những truyện ngắn tiêu biểu trong chương trình như
“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, “Chí Phèo” của Nam Cao, “Đời thừa” của Nam Cao,

“Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và truyện “Người trong bao” của Sê-khốp (không
được sử dụng trích đoạn) để phân tích làm sáng tỏ quan điểm của chính mình. Cần chú ý
làm rõ nội dung nhân đạo của các tác phẩm ở phương diện thể hiện những điều nhà văn
quan tâm, mong mỏi khát khao hướng đến con người. Những ước mơ cháy bỏng ấy luôn
xuất phát từ những khám phá mới mẻ về đời sống, về con người nên luôn có một ý nghĩa
triết lý sâu sắc vượt qua mọi thời đại để làm nên những giá trị muôn đời. Thí sinh cần
làm nổi bật tính chất mới mẻ và sâu sắc của nội dung này khi phân tích. Một số định
hướng đối với từng tác phẩm:
- Hai đứa trẻ: Giấc mơ về ánh sáng tương lai, về cuộc sống có ý nghĩa tràn đầy
niềm vui và hạnh phúc.
- Chí Phèo: Giấc mơ về cuộc đời lương thiện, nhân phẩm con người được tôn
trọng.
- Đời thừa: Giấc mơ về nghệ thuật chân chính có ý nghĩa, có ích cho đời; giấc mơ
về cuộc sống có trách nhiệm và tình thương.
- Chữ người tử tù: Giấc mơ về cái đẹp (tài, tâm).
- Người trong bao: Hướng về một xã hội tự do, văn minh - nơi ươm mầm những
nhân cách hoàn thiện, cao quý.
4. Phần mở rộng:
Cần làm rõ thêm nhận định ở phần nêu ý kiến của riêng mình để vấn đề trở nên
toàn diện. Giấc mơ luôn hướng về cái đẹp, điều thiện của nhà văn là chiều sâu tư tưởng có
ý nghĩa quan trọng làm nên tầm vóc của tác phẩm nhưng để những ý nghĩa ấy luôn sống
mãi thì phải cần đến những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật mang lại sức hấp dẫn, sức chinh
phục đối với người đọc. Có thể làm rõ khi liên hệ sơ lược với các tác phẩm đã phân tích.
III. Cách cho điểm:
- Điểm 11-12: Bài làm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức. Bài mạch
lạc, hành văn trôi chảy, giàu hình ảnh, cảm xúc, kết cấu hợp lí. Có thể còn mắc vài lỗi nhỏ
về diễn đạt.
- Điểm 9-10: Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu cơ bản. Bài rõ ý, văn suôn, có ý
thức viết câu văn có hình ảnh, kết cấu hợp lí. Có thể còn mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 7-8: Bài làm chứng tỏ hiểu đề, kết cấu hợp lí, hành văn tương đối rõ ý. Còn mắc

một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 5-6: Hiểu đề, bài còn chung chung song vẫn theo dõi được. Còn mắc một số lỗi
về diễn đạt.
- Điểm 3-4: Bài làm còn hạn chế về kiến thức, kĩ năng và diễn đạt.
- Điểm 1-2: Tản mạn, tối nghĩa, quá sơ sài.
- Điểm 0: Chưa làm được gì hoặc hoàn toàn lạc đề.
Hết
Nguyễn Thị Trúc Đào - ĐT liên hệ

×