SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Trường THPT số 2 An Nhơn Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
GV: Đào Thị Kim Hà An Nhơn, ngày 08/05/2014
KINH NGHIỆM ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT
MÔN NGỮ VĂN
Là một giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở một trường tại Phường Đập Đá – Thị xã An
Nhơn, nhưng đa số học sinh lại ở nông thôn, là con em lao động nên điều kiện học tập còn khó
khăn. Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, do sự tác động của xã hội, học sinh vốn có năng lực học
tập bộ môn yếu nên càng không có hứng thú và sự quan tâm đầu tư bộ môn. Vì vậy, có thể nói
đây là một áp lực lớn đối với GV dạy lớp 12, nhất là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong những năm qua, từ thực tế đứng lớp, bản thân tôi rút ra một kinh nghiệm nhỏ giúp
các em thi tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT như sau:
1/ Nghị luận xã hội
- Yêu cầu HS nắm chắc những kiến thức cơ bản đã học trên lớp, đặc biệt chú trọng cấu trúc
chung của từng kiểu bài
Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí
Mở bài:
+ Giới thiệu ý có liên quan để dẫn vào tư tưởng, đạo lí
+ Nêu vấn đề: Đề bài có câu trích thì ghi lại nguyên văn câu trích. Đề bài không có câu trích
thì nêu ý của đề và nhận định phù hợp với đề bài.
Thân bài.
TƯ TƯỞNG ĐÚNG TƯ TƯỞNG KHÔNG ĐÚNG
1 Giải thích đề Giải thích đề
2 Phân tích, bình luận những mặt đúng
(lí lẽ, dẫn chứng), chỉ ra ý nghĩa, tác
dụng của TTĐL.
Phân tích, bình luận các mặt sai, chỉ ra
tác hại của TTĐL.
3 Phân tích mặt tiêu cực: Bác bỏ những
tư tưởng sai lệch, chỉ ra tác hại.
Nêu quan niệm đúng có liên quan đến
tư tưởng, chỉ rõ ý nghĩa, tác dụng.
4 Rút ra bài học nhận thức và hành
động
Rút ra bài học nhận thức và hành động
Kết bài: Nhận định chung, cảm nghĩ chung về tư tưởng, đạo lí.
Nghị luận về một hiện tượng đời sống
Mở bài:
+ Giới thiệu ý có liên quan để dẫn vào hiện tượng.
+ Nêu vấn đề: Nêu hiện tượng và nhận định chung (là hiện tượng tốt, cần học tập, phát huy,
hay xấu, nhiều tác hại, cần khắc phục; hoặc từ ngữ phù hợp với đề bài).
Thân bài:
HIỆN TƯỢNG XẤU HIỆN TƯỢNG TỐT
1 Thực trạng (giải thích, nêu biểu hiện) Thực trạng (giải thích, nêu biểu hiện)
2 Những nguyên nhân của HT Phân tích ý nghĩa, tác dụng của HT
3 Những hậu quả của HT Phê phán hiện tượng trái ngược
4 Đề xuất biện pháp khắc phục HT Đề xuất phương hướng rèn luyện.
Kết bài: Kết luận chung về hiện tượng, phát biểu cảm nghĩ của bản thân.
- Cung cấp đề cụ thể để HS vận dụng kiến thức cơ bản vào thực hành. GV hướng dẫn và nhận
xét, uốn nắn, sửa chữa những lỗi về diễn đạt, lập luận để các em rút kinh nghiệm và nắm chắc
hơn về kỹ năng làm văn nghị luận xã hội.
2/ Nghị luận văn học
- Yêu cầu HS nắm chắc kiến thức về tác giả (nội dung sáng tác, phong cách), tác phẩm (hoàn
cảnh sáng tác, xuất xứ, nội dung tư tưởng, đặc sắc nghệ thuật, cốt truyện, hệ thống nhân vật, chi
tiết tiêu biểu, có giá trị thẩm mỹ cao )
- Tiến hành ôn tập theo vấn đề:
+ Hệ thống tác phẩm theo các phương diện.
+ Định hướng, hướng dẫn phương pháp ôn tập: nắm chắc kiến thức lí luận, vận dụng thực
hành với những tác phẩm cụ thể (giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, chủ nghĩa anh hùng cách
mạng, khuynh hướng sử thi, hình tượng nghệ thuật, cái tôi tác giả, tình huống truyện, nghệ thuật
trần thuật, nghệ thuật miêu tả, )
+ Lựa chọn từ ngữ, hình ảnh, chi tiết tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị thẩm mỹ để làm sáng
tỏ vấn đề cần nghị luận.
+ Cung cấp những ý kiến đánh giá hay về vấn đề đang nghị luận để các em tham khảo và
học tập.
- Hướng dẫn và khuyến khích các em ôn tập bằng phương pháp lập bản đồ tư duy.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH ĐỊNH ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT - 2014
Trường THPT số 2 An Nhơn Môn : Ngữ văn
Tổ: VĂN Thời gian làm bài : 120 phút
(Không kể thời gian phát đề)
I. PHẦN ĐỌC – HIỀU
Câu 1 (3,0 điểm)
" Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp
đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành
những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống
nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước
thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để
làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta
xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc,
xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân
buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta
một cách vô cùng tàn nhẫn ". (Trích Tuyên ngôn Độc lập - Hồ Chí Minh).
- Đoạn văn trên viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Nội dung của đoạn trích?
- Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu văn “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong
những bể máu” . Hiệu quả của biện pháp tu từ đó?
- Nghệ thuật cơ bản nhất của đoạn trích trên là gì, tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy?
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 2 (3,0 điểm)
Anh (chị) hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý
kiến sau: “Cái gốc của đạo đức, của luân lí là lòng nhân ái” (Lê Duẩn)
Câu 3 (4,0 điểm)
Theo chương trình cơ bản
Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung
thành. (Sách Ngữ văn 12 – Chương trình cơ bản)
Theo chương trình nâng cao
Cảm nhận về tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” của đoạn thơ sau:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
(Trích Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)
MA TRẬN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT – 2014
MÔN NGỮ VĂN
I. MỤC TIÊU ĐỀ KIỂM TRA
- Thu thập thông tin để đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức-kĩ năng trong chương trình học môn
Ngữ văn lớp 12.
- Khảo sát bao quát một số nội dung kiến thức-kĩ năng trọng tâm của chương trình Ngữ văn 12 theo
3 phân môn: Văn, Tiếng Việt, Làm văn với mục đích đánh giá năng lực đọc-hiểu văn bản và kỹ
năng làm văn nghị luận (văn học và xã hội) của HS thông qua hình thức kiểm tra tự luận.
- Các câu hỏi đọc-hiểu và yêu cầu làm văn cần có tính chất mở phù hợp với trình độ học sinh tốt
nghiệp phổ thông; đồng thời theo hướng đánh giá năng lực Ngữ văn của người học.
II. HÌNH THỨC KIỂM TRA
- Hình thức : tự luận
- Cách tổ chức kiểm tra : HS làm bài kiểm tra tự luận trong 120 phút
III. THIẾT LẬP MA TRẬN
Tên chủ đề Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Cộng
Cấp độ thấp Cấp độ cao
Chủ đề 1
Đọc-hiểu
VH+TV
- Nhận biết
phong cách ngôn
ngữ của đoạn văn
bản trích trong
Tuyên ngôn Độc
lập (HCM)
- Hiểu được nội
dung tư tưởng và
đặc sắc nghệ thuật
của đoạn văn bản
trích trong Tuyên
ngôn Độc lập.
Số câu
Số điểm
Tỉ lệ %
Số câu: 1
Số điểm: 3,0
Số câu: 0
Số điểm: 0
Số câu: 0
Số điểm: 0
Số câu: 1
Số điểm:
3,0 = 30 %
Chủ đề 2
Làm văn
(Nghị luận
Xã hội)
- Nhận diện thể
loại : NL về một
tư tưởng, đạo lí.
- Phát hiện từ ngữ
và nhận ra nội dung
cần nghị luận: vai
trò quan trọng của
lòng nhân ái.
Vận dụng những hiểu biết về vấn
đề và những kiến thức đời sống (văn
học); kết hợp các thao tác lập luận
và phương thức biểu đạt để viết bài
văn thể hiện rõ quan điểm và làm
nổi bật vai trò của lòng nhân ái.
Số câu
Số điểm
Tỉ lệ %
Số câu: 1
Số điểm: 3,0
Số câu: 1
Số điểm:
3,0 = 30 %
Chủ đề 3
Làm văn
(Nghị luận
Văn học)
- Nhận diện thể
loại : NL về nhân
vật trong tác
phẩm văn xuôi;
hoặc NL về một
đoạn thơ.
- Phát hiện vấn đề
cần nghị luận : vẻ
đẹp của nhân vật
Tnú (Rừng xà nu);
tư tưởng “Đất
Nước của Nhân
dân” (Trích Đất
nước – Nguyễn
Khoa Điềm)
Vận dụng những kiến thức về tác
giả, tác phẩm, về đặc trưng thể loại;
kết hợp các thao tác lập luận và
phương thức biểu đạt để viết bài văn
cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật
Tnú (Rừng xà nu); tư tưởng “Đất
Nước của Nhân dân” qua cảm
nhận mới mẻ và cách thể hiện độc
đáo của Nguyễn Khoa Điềm.
Số câu
Số điểm
Tỉ lệ %
Số câu: 1
Số điểm: 4,0
Số câu: 1
Số điểm:
4,0 = 40 %
HƯỚNG DẪN CHẤM THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT - 2014
I. PHẦN ĐỌC – HIỀU
Câu 1 (3,0 điểm)
- Đoạn văn trên viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận. Nội dung: tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã
“lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của
chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” (1,0đ)
- Câu văn “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu” đã sử dụng biện pháp ẩn dụ:
“tắm”, “bể máu” hành động khủng bố, tàn sát dã man của thực dân Pháp hiện hình một cách cụ thể,
chân thực; qua đó cho ta cảm nhận được nỗi căm phẫn và nỗi đau tột cùng của tác giả trước hành động
khát máu, vô nhân đạo của bọn chúng. (1,0đ)
- Nghệ thuật cơ bản nhất của đoạn trích: điệp từ “Chúng” + sử dụng phép liệt kê hành động tội ác (của
Pháp) Vạch trần bản chất xảo trá và tăng tính đanh thép cho lời tố cáo tội ác kẻ thù, đưa chúng ra trước
ánh sáng của công lí. (1,0đ)
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 2 (3,0 điểm)
● Yêu cầu về kỹ năng HS biết cách làm văn nghị luận xã hội, đảm bảo cấu trúc, lập luận, diễn đạt và
không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…
● Yêu cầu về kiến thức Học sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những
nội dung cơ bản sau:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: dẫn dắt và nêu ý kiến của Lê Duẩn “cái gốc của đạo đức, của luân lí
là lòng nhân ái” (0,5đ)
- Giải thích nội dung ý kiến: (1,0đ)
+ Lòng nhân ái: là lòng yêu thương con người với các biểu hiện như đồng cảm, chia sẻ, quan tâm,
chăm sóc những người thiệt thòi, bất hạnh; hi sinh vì cuộc sống và hạnh phúc của người khác.
+ đạo đức, luân lí: là cách sống, cách ứng xử đúng đắn, phù hợp với lẽ phải; với quan niệm xã hội,
chuẩn mực đạo lí truyền thống.
Khẳng định vai trò quan trọng và sức mạnh của lòng nhân ái: là nguồn gốc dựng xây đạo đức, luân lí;
là động lực thúc đẩy con người suy nghĩ, hành động vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc sống.
- Bàn luận: (1,0đ)
+ Lòng nhân ái là nét đẹp truyền thống trong đạo lí ngàn đời của dân tộc Việt Nam; là tiêu chuẩn của
đạo đức làm người, là thước đo tư cách làm người.
+ Lòng nhân ái giúp cảm hóa những con người “lầm đường lạc lối”, giúp họ có niềm tin yêu vào cuộc
sống ; tạo môi trường sống thân thiện, trong sáng, tốt đẹp.
- Suy nghĩ của bản thân trong việc bồi dưỡng lòng nhân ái.(0,5đ)
Câu 3 (4,0 điểm)
Theo chương trình cơ bản
● Yêu cầu về kỹ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận, vận dụng khả năng đọc-hiểu để phân tích nhân vật trong truyện ngắn.
- HS có thể triển khai ý, lập luận theo nhiều hướng khác nhau (nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo ở
HS) nhưng phải đảm bảo cấu trúc 3 phần rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc và phải có dẫn chứng (lấy
từ tác phẩm)
● Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở nắm vững về tác giả, tác phẩm, đoạn trích với những chi tiết đặc sắc góp phần xây
dựng nhân vật, HS có thể trình bày cảm nhận của mình theo các cách khác nhau nhưng phải hợp lí và nêu
bật được vẻ đẹp của nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu; có dẫn chứng minh họa.
Giới thiệu khái quát về nhà văn Nguyễn Trung Thành, về truyện ngắn Rừng xà nu và về nhân vật
Tnú – đứa con ưu tú của người Strá, của buôn làng Xô Man. (0,5đ)
Cảm nhận:
- Phẩm chất của nhân vật Tnú: (2,0 đ)
+ gan góc, dũng cảm, táo bạo.
+ khao khát tự do, tuyệt đối trung thành với cách mạng và có tính kỷ luật cao
+ căm thù giặc sâu sắc và giàu tình yêu thương.
- Nghệ thuật khắc họa nhân vật: (1,0đ)
+ Đặt nhân vật người anh hùng trong mối tương quan với tập thể anh hùng của buôn làng Xô Man, với
hoàn cảnh thử thách khốc liệt, và với hình ảnh rừng xà nu.
+ Giọng văn ngợi ca, lựa chọn chi tiết đặc sắc
làm nổi bật tầm vóc và vẻ đẹp sử thi của người anh hùng Tnú: kết tinh đẹp nhất cho khát vọng, ý chí,
bản lĩnh; cho sự sống và sức sống Tây Nguyên.
Đánh giá chung hoặc phát biểu ấn tượng sâu sắc nhất về nhân vật Tnú. (0,5 đ)
Theo chương trình nâng cao
● Yêu cầu về kỹ năng
- Biết cách làm bài văn nghị luận, vận dụng khả năng đọc-hiểu để phân tích và cảm nhận những
đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ trong bài thơ Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm).
- HS có thể triển khai ý, lập luận theo nhiều hướng khác nhau (nhằm khuyến khích khả năng sáng
tạo ở HS) nhưng phải đảm bảo bố cục ba phần rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc.
● Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở nắm vững nội dung tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ, HS có thể trình bày
khả năng cảm nhận của mình theo các cách khác nhau nhưng phải hợp lí và nêu bật được tư tưởng cốt lõi
của đoạn trích “Đất Nước của Nhân dân” được cảm nhận qua phương diện của chiều rộng không gian và
chiều sâu văn hóa; có dẫn chứng minh họa.
Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, chương thơ Đất Nước và nội dung của đoạn thơ:
khám phá mới mẻ, độc đáo của nhà thơ về Đất Nước : “Đất Nước của Nhân dân” (0,5đ)
Cảm nhận:
- Nội dung tư tưởng: (2,0 đ)
+ Về mặt không gian địa lí: mỗi địa danh, cảnh quan thiên nhiên kì thú trên khắp mọi miền đất nước
và dáng hình tươi đẹp của ĐN đều do Nhân dân hóa thân cuộc đời làm nên. Chính nhân dân chứ không
phải là ai khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, bằng chiến đấu, hi sinh và lao động sáng tạo đã hoá thân,
ghi dấu vết cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, con sông, tấc đất. Nhân dân đã đem sự sống và tâm hồn
mình làm nên dáng hình xứ sở, tô điểm cho giang sơn gấm vóc
+ Về chiều sâu văn hóa: mỗi danh thắng đều gắn liền với một huyền tích của những con người vô
danh; vì thế nó không chỉ là một nét vẽ tô điểm cho bức tranh non sông mà còn ẩn chứa, kết tinh những
nét đẹp tâm hồn, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong mấy nghìn năm lsử.
- Về nghệ thuật: (1,0đ)
+ Giọng thơ trữ tình – chính luận nhẹ nhàng, sâu lắng, và thiết tha.
+ Sử dụng nhuần nhị chất liệu văn hóa dân gian.
- Đánh giá: Giản dị mà sâu sắc, tự nhiên mà dư ba – đó là sức hấp dẫn của đoạn thơ. Đoạn thơ đã khẳng
định phong cách và đóng góp mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm đối với nền thơ dân tộc. (0,5 đ)
Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa đối với những bài viết đảm bảo đầy đủ nội dung kiến thức và kĩ năng.
Văn phong sáng rõ, sạch đẹp và diễn đạt trôi chảy, giàu cảm xúc. Có cách triển khai lập luận sáng tạo và
phân tích dẫn chứng sâu sắc.