Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 chọn lọc số 13

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.75 KB, 5 trang )

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
———————
ĐỀ CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HSG LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2011-2012
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút ( Không kể thời gian giao đề).
——————————
Câu 1 (3,0 điểm).
Đọc đoạn tin sau:
Cô là người con gái thứ 20 trong một gia đình có 22 người con. Cô sinh thiếu
tháng nên mọi người nghĩ cô khó mà sống được.
Nhưng cô vẫn sống khỏe mạnh. Năm lên 4 tuổi, cô bị viêm phổi và sốt phát ban.
Sau trận ốm đó, cô bị liệt chân trái và phải chống gậy khi di chuyển. Năm 9 tuổi, cô bỏ
gậy và bắt đầu tự đi. Đến năm 13 tuổi cô đã có thể đi lại một cách bình thường và cô
quyết định trở thành một vận động viên điền kinh. Cô tham gia vào một cuộc thi chạy
và về cuối cùng. Những năm sau đó cô đều tham dự tất cả các cuộc thi điền kinh, nhưng
cũng đều về cuối. Mọi người nói cô nên từ bỏ nhưng cô vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ
trở thành một vận động viên điền kinh. Và rồi cô đã chiến thắng trong một cuộc thi. Từ
đó trở đi cô luôn chiến thắng trong tất cả các cuộc thi mà cô tham gia. Sau đó cô đã
giành được ba huy chương vàng Olimpic. Cô là Wilma Rudolph. (Wilma Rudolph là nữ
vận động viên người Mỹ).
Em có suy nghĩ gì từ ý nghĩa đoạn tin trên?
Câu 2 (7,0 điểm).
Hãy phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của
Nguyễn Du để làm sáng tỏ nhận định sau: Qua nhân vật Thúy Kiều, nhà thơ Nguyễn Du
đã miêu tả hình ảnh con người bị vùi dập để bênh vực và khẳng định giá trị con người.
—Hết—
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh …………………………… Số báo danh……………………
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC KỲ THI CHỌN HSG LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2011-2012
——————— HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN


——————————
Câu 1 (3,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý rõ ràng; Biết vận dụng
phối hợp nhiều thao tác nghị luận; Hành văn trôi chảy; Lập luận chặt chẽ; Dẫn chứng
chọn lọc, thuyết phục; Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
I. Yêu cầu về kiến thức
Bài viết phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa của đoạn tin.
- Đoạn tin là một câu chuyện kì diệu về một nữ vận động viên nổi tiếng của Mỹ có tên
là Wilma Rudolph. Từ một đứa trẻ kém may mắn: sức khỏe yếu vì sinh thiếu tháng, lên
4 tuổi bị liệt chân trái vì bệnh tật, Wilma Rudolph đã kiên trì tập luyện để có thể đi lại
bình thường. Lên 9 tuổi cô đã đi lại được và có ước mơ trở thành vận động viên điền
kinh. Sau nhiều lần thất bại (về cuối trong các cuộc thi) cô vẫn không nản lòng. Sau
nhiều năm cố gắng cô đã chiến thắng và giành được ba huy chương vàng Olimpic.
- Câu chuyện của Wilma Rudolph gợi suy nghĩ về tấm gương những con người không
bao giờ chịu đầu hàng số phận: Wilma Rudolph đã vượt lên hoàn cảnh bất hạnh của bản
thân không chỉ để trở thành con người bình thường mà còn trở thành con người xuất
chúng.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề.
- Trong cuộc sống, có không ít người gặp phải hoàn cảnh bất hạnh (do bẩm sinh, do tai
nạn, bệnh tật…). Nhiều người trong số đó đã vươn lên không ngừng, tự khẳng định
mình “tàn nhưng không phế”.
- Câu chuyện của Wilma Rudolph và nhiều người khác gợi suy nghĩ:
+ Sự khâm phục, ngưỡng mộ với những con người giàu ý chí, nghị lực trong
cuộc sống.
+ Không có khó khăn nào mà con người không thể vượt qua, điều quan trọng là
cần phải có ý chí nghị lực, có hoài bão ước mơ, có tình yêu với cuộc sống.
- Trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội với họ:
+ Cảm thông, tôn trọng chứ không xa lánh, ghẻ lạnh họ.

+ Động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng.
2
- Phê phán một bộ phận không nhỏ (nhất là thanh niên) sống không có nghị lực, ý chí,
ước mơ hoài bão.
3. Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn
lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong
phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Nắm được yêu cầu của đề bài nhưng triển khai còn lúng túng. Kiến thức sơ
sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học: vận dụng nhiều thao tác nghị
luận (chủ yếu là phân tích, chứng minh) để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận
chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng
từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh hiểu được ý kiến trên: Qua nhân vật Thúy Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã
miêu tả hình ảnh con người bị vùi dập để khẳng định và bênh vực giá trị con người. Thí
sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản
sau:
1. Nhân vật Thúy Kiều là hình ảnh con người bị vùi dập.
- Thúy Kiều là người tài sắc tuyệt vời: Thông minh sắc sảo, giỏi cả cầm, kì, thi, họa;
Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành khiến cho tạo hóa phải hờn ghen, đố kị. Nàng là
hiện thân cho tinh hoa của con người.
- Thúy Kiều bị vùi dập, chà đạp phũ phàng:
+ Bị biến thành món hàng cho bọn buôn thịt bán người hành hạ (Mối càng vén

tóc bắt tay/ Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ; Cò kè bớt một thêm hai/ Giờ lâu ngã
giá vàng ngoài bốn trăm).
+ Bị đẩy vào lầu xanh hai lần, bị đánh đập tàn nhẫn (Uốn lưng thịt đổ dập đầu
máu sa).
3
+ Bị biến thành thứ đồ chơi cho bọn ăn chơi trác táng (Sớm đưa Tống Ngọc, tối
tìm Trường Khanh).
+ Bị Hoạn Thư giày vò về tình cảm: bắt gảy đàn hầu rượu cho vợ chồng mụ (từ
địa vị vợ Thúc Sinh, Kiều bị đẩy xuống làm con hầu cho Thúc Sinh).
- Mỗi lần Kiều cố ngoi lên là mỗi lần bị dìm xuống sâu hơn trong ô nhục:
+ Muốn thoát khỏi lầu xanh thì mắc lừa Sở Khanh, muốn sống trong sạch cùng
Thúc Sinh thì bị Hoạn Thư hành hạ, muốn thoát khỏi nhà Hoạn Thư thì lại rơi vào tay
Bạc Bà, Bạc hạnh và phải vào lầu xanh lần thứ hai.
+ Đang sống hạnh phúc bên Từ Hải thì bị Hồ Tôn Hiến lừa gạt, giết chồng, cướp
đi mọi hi vọng.
2. Nguyễn Du bênh vực và khẳng định giá trị con người.
- Nhà thơ thật sự xót xa trước những đau khổ và nỗi nhục của Kiều. Mỗi lần Kiều bị
hành hạ là một lần trái tim nhà thơ rỉ máu. Nhà thơ như hóa thân vào nhân vật, đau cùng
nỗi đau của nhân vật.
- Nguyễn Du khẳng định những phẩm chất cao quí của Kiều qua cuộc đời đau khổ:
+ Kiều có tâm hồn vị tha, giàu đức hi sinh: vì cha mẹ, vì các em, Kiều sẵn sàng hi
sinh tình yêu.
+ Kiều là người tình thủy chung, là người con hiếu thảo.
+ Kiều là người nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn. (khóc thương nấm mồ của Đạm
Tiên, cách đối xử với mụ quản gia và vãi Giác Duyên …).
- Nguyễn Du ca ngợi mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng. Đó là mối tình nảy sinh trên cơ
sở tự do, tự nguyện; mối tình bền vững vượt qua không gian, thời gian và những khó
khăn thử thách.
3. Khái quát
- Thúy Kiều là hiện thân của những nỗi tủi nhục, đau đớn của con người, đồng thời

cũng là hiện thân của những giá trị đẹp đẽ, tinh túy của con người. Kiều càng bị vùi dập
thì những phẩm chất cao quí càng có cơ hội tỏa sáng. Vì vậy giá trị của hình tượng
Thúy Kiều (cũng là giá trị cơ bản của tác phẩm) là ở sự ngợi ca con người.
- Qua đó, thấy được giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc của Truyện Kiều và trái tim nhân
đạo, tấm lòng hiểu người, hiểu đời của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
III. Biểu điểm:
4
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài
viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn
đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích
được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý:
- Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm
của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng
điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5
điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
5

×