Nghị luận về nghị lực sống
Nghị lực sống
Bài học về nghị lực sống - Bài viết được tuyển vào vòng chung khảo Cuộc thi
"Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi" . Bài dự thi được tuyển chọn vào vòng
chung khảo Cuộc thi Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi
BÀI HỌC VỀ NGHỊ LỰC SỐNG
Sài Gòn mùa mưa.
Mưa, lại được nghỉ hè, nằm dài ở nhà mãi cũng chán. Thế là, khi trời hơi tạnh, tôi
buộc mình không được trì trệ như thế này nữa, tôi ra nhà sách. Ít ra thì cũng phải
cập nhật cho mình một chút kiến thức về xã hội chứ. Lượn hết một vòng nhà sách,
tôi dừng lại ở kệ sách tâm lý, loại sách rất hiếm khi tôi đọc bởi vì tôi cũng không
biết vì sao nữa. Chỉ đơn giản là tôi thích đọc truyện tranh hoặc sách văn học, vậy
thôi. Đột nhiên, tôi thấy một cuốn sách có tựa đề khá ấn tượng “Câu chuyện nữ
sinh mắc AIDS”, bìa ngoài trình bày giản dị và đặt ở nơi “địa thế” không được
“đẹp” cho lắm. Đọc lướt qua vài dòng đầu tôi biết đây là cuốn nhật ký của nữ sinh
viên Chu Lực Á (Trung Quốc) kể về câu chuyện cuộc đời mình trước và sau khi
mắc AIDS. Tôi không hiểu vì sao nhân viên nhà sách lại xếp cuốn sách vào kệ
“sách tâm lý”, có lẽ có sự nhầm lẫn chăng, nhưng khi gấp cuốn sách lại tôi mới
biết cái gì cũng có lý do của nó.
Có thể nói, đối với tôi, đúng như lời người dịch có viết ngay từ lời dẫn: đọc không
ngừng nghỉ từ trang đầu tới trang cuối. Cuốn sách thực sự có sức cuốn hút rất lớn,
đọc trang trước lại muốn đọc tiếp trang sau. Cuộc đời của cô nữ sinh viên Chu Lực
Á cứ trải ra trước mắt khiến tôi luôn cảm thấy mình đang tham gia vào câu chuyện
và là một phần của câu chuyện. Cuốn sách dường như cũng là những dòng tâm
tưởng, tôi bắt gặp chính tôi trong đó. Nhưng có lẽ với tư cách là một người đi
trước, Chu Lực Á đã là người chỉ đường cho tôi, để tôi và thế hệ thanh niên như tôi
không dẫm lên vết xe đỏ của cô ấy.
Cuốn nhật kí mở đầu bằng niềm hân hoan của co học sinh Chu Lực Á khi biết
mình đậu đại học, vào một ngôi trường danh tiếng, nơi cô hằng mơ ước. Rời miền
quê nghèo xa xôi, hành trang cô mang lên giảng đường đại học là tất cả niềm tự
hào của cha mẹ, niềm hạnh phúc của bản thân và niềm ước vọng vào một tương lai
tươi sáng. Cô đã bộc lộ tâm trạng mình như tất cả những ai lần đầu tiên cầm trên
tay tấm giấy báo đại học và xếp hành lí đi đến cánh cửa ước mơ. Tôi hiểu được
điều đó, bởi cũng chỉ mới một năm trước đây thôi, tôi đã trải qua tâm trạng hân
hoan, vui sướng đó như thế nào. Câu chuyện tiếp tục với cuộc sống sinh viên, trên
giảng đường, trong kí túc xá, nơi cô học tập miệt mài và đang từng ngày hòa nhập
với cuộc sống mới, xã hội mới. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, cô đã tự vươn lên
khẳng định mình, là một sinh viên xuất sắc, được nha ftrường tin yêu và là một cán
bộ cốt cán của Đoàn. Tất cả mở ra trước mắt cô viễn cảnh tươi đẹp về tương lai.
Rồi tình yêu đến với cô gái trẻ, bất ngờ và lãng mạn, đẹp như một câu chuyện cổ
tích thời hiện đại. Cô không quá vội vàng, không quá bồng bột, tình yêu đến tự
nhiên như nó vốn có, không thể cưỡng lại được. Cô yêu anh sâu sắc, chân thành.
Nhưng tình yêu đẹp đẽ đó đã dẫn tới tấn bi kịch cho số phận cô. Dưới ánh sáng kì
diệu của đêm trăng hôm ấy, cô trao anh tất cả những gì thanh khiết nhất, để rồi sau
đó đau khổ khi biết rằng: mình mắc AIDS.
Tất cả quay lưng lại với cô, bạn bè, nhà trường, lý tưởng, ước mơ. Như con thuyền
chòng chành giữa bể khơi vô bờ vô bến, không có bất kì ai để cô nương tựa, cô
như chết dần đi giữa những suy nghĩ của chính mình. Xã hội quá ư vô tình và
thành kiến hay chính cô không thể rời bỏ cái kén bao bọc mình trong sự đau khổ?
Nhưng rồi nghị lực của một người đã từng làm cán bộ, nghị lực của sức trẻ đã vực
cô dậy. Những tháng ngày còn lại của cuộc đời, dẫu không còn nhiều nhưng cô đã
gắng sống, đem câu chuyện cuộc đời mình để làm gương cho những người trẻ tuổi
khác. Lý tưởng và cuộc sống, tình yêu và niềm tin tưởng chừng đổ vỡ, nhưng giờ
đây cô đã kí gửi tất cả vào trong cuốn nhật kí nhỏ bé chứa đựng cả cuộc đời.
Mỗi ngày trôi đi lại thêm một trang đời viết dở, nhưng trang đời ấy được viết bằng
màu mực như thế nào mới là điều quan trọng. Mỗi ngày của Chu Lực Á đều được
mở đầu bằng hình ảnh của bầu trời ngày hôm đó. Trời âm u, trời nhiều mây, trời
hửng nắng tất cả đều là tâm trạng của con người nhìn cuộc sống bằng đôi mắt
như thế nào.Câu chuyện của nữ sinh viên Chu Lực Á đã dạy tôi nhiều về bài học
cuộc sống, dạy về lý tưởng của lớp trẻ và dạy về ước mơ khi bắt gặp phồn hoa đô
hội, dạy về nghị lực khi cuộc sống nổi sóng và hơn hết là dạy vượt qua nỗi đau để
nhìn về một ngày mai tươi sáng hơn.
Tôi, một sinh viên mang trong mình những ước mơ và hoài bão tươi đẹp, đang cầm
trên tay câu chuyện của một sinh viên cũng chứa đầy những lý tưởng cao đẹp. Căn
bệnh thế kỉ AIDS có thể hủy hoại thân xác Chu Lực Á nhưng không thể hủy hoại
được tình yêu mà cô dành cho cuộc sống này. Bài học của cô là bài học cho tất cả
những sinh viên, giới trẻ, tất cả những mầm tương lai đang từng ngày dựng xây đất
nước, nhất là câu chuyện lại xuất phát từ Trung Quốc – đất nước rất gần chùng ta
về khoảng cách địa lý cũng như văn hóa và niềm tin, lý tưởng. Nhưng hơn hết câu
chuyện của cô là tiếng nói của cá nhân trước sự lan tràn của đại dịch AIDS. AIDS
đang ở ngay gần chúng ta, nếu chỉ bập bõm một chút kiến thức về AIDS tức là
chính bạn cũng có nguy cơ mắc AIDS. Thông điệp của Chu Lực Á muốn gửi đến
chúng ta phải chăng chính là sự chung tay để đẩy lùi hiểm họa này, đồng thời là
thái độ của chính chúng ta đối với người ị nhiễm AIDS, hãy cho họ động lực và
sức mạnh để tồn tại, để sống và góp một phần sức lực trong quãng đời ngắn ngủi
còn lại.
Gấp cuốn sách lại, thấy trong mình một tình yêu lớn dậy. Ta yêu thêm đất nước
mình tươi đẹp và hùng vĩ, yêu thêm con người quanh mình thân thiện và hòa đồng,
và hơn hết yêu thêm chính mình, được sinh ra nguyên vẹn hình hài, được học tập
và được “sống”.
Ngoài kia, cơn mưa vội vã của đất trời Sài Gòn đã dứt. Nắng ửng hồng.
Nguồn: Lính Chì