Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

NGUỒN TÀI NGUYÊN ĐẤT VÀ SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.94 KB, 10 trang )

NGUỒN TÀI NGUYÊN ĐẤT VÀ SỰ PHÁT TRIỂN
NÔNG NGHIỆP Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
ThS. Trần Thị Hồng Nhung
Đại học Sư phạm Hà Nội
Đặt vấn đề
Sống hoà hợp với tự nhiên luôn và ước mơ và đặc điểm văn hoá nổi
bật của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Với nền nông nghiệp lúa
nước, người dân Việt Nam đã tìm mọi cách bắt thiên nhiên phục vụ cho
những nhu cầu của mình. Đặc điểm này được thể hiện rõ rệt ở những
vùng đất khác nhau trên lãnh thổ, tạo nên nét riêng biệt trong nền văn
hoá nông nghiệp của người dân các địa phương.
Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất hạ lưu của con sông lớn nhất
khu vực Đông Nam Á, được bồi đắp hàng năm một lượng phù sa màu
mỡ. Nhờ vậy, đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện phát triển một
nền nông nghiệp trù phú với nhiều loại cây trồng phong phú và đa
dạng. Tuỳ thuộc vào điều kiện địa hình và nước tưới, nguồn tài nguyên
đất ở đây phân hoá rõ rệt thành nhiều loại đất với đặc điểm về độ phì,
độ tơi xốp, khả năng chứa nước khác nhau. Điều này đã ảnh hưởng rõ
rệt đến đặc điểm sản xuất nông nghiệp ở các địa phương khác nhau
trong vùng. Đây là một biểu hiện của văn hoá ứng xử với thiên nhiên
của vùng nông nghiệp trù phú này.
1. Điều kiện hình thành đất ở đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là phần cuối cùng của lưu vực sông Mê
Kông với tổng diện tích tự nhiên là 3,96 triệu ha bằng 5% diện tích toàn
lưu vực, bao gồm 12 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long,
Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu
và Cà Mau, chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên; dân số toàn vùng năm
1995 là 16, 18 triệu người chiếm 22% dân số cả nước.
CƠ SỞ KHOA HỌC CHO PHÁT TRIỂN VÙNG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
387
Vùng đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ những trầm


tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển;
qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ
biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những
vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng
cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp
Sự tham gia của sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng trong
suốt quá trình hình thành vùng châu thổ. Lượng nước trung bình hàng
năm của sông cung cấp vào khoảng 4.000 tỷ m³ nước (và vào khoảng
100 triệu tấn vật liệu phù sa), những mảnh vỡ bị bào mòn từ lưu vực
sông, mặc dù một phần có thể dừng lại tạm thời dọc theo hướng chảy,
cuối cùng được mang đến cửa sông và được lắng tụ như một châu thổ.
Những vật liệu sông được lắng tụ dọc theo sông để hình thành những
đê tự nhiên có chiều cao 3–4 m, và một phần của những vật liệu phù sa
phủ lên trên những trầm tích pyrit thời kỳ Holocen với sự biến thiên
khá rộng về độ dầy tầng đất vùng và không gian vùng. Các con sông
nằm được chia cắt với trầm tích đê phù sa nhưng những vùng rộng lớn
mang vật liệu trầm tích biển chứa phèn tiềm tàng vẫn còn lộ ra trong
vùng đầm lầy biển. Tuy nhiên, độ chua tiềm tàng không xuất hiện trong
vùng phụ cận của những nhánh sông gần cửa sông mà tại đây ảnh
hưởng rửa bởi thủy triều khá mạnh.
2. Đặc điểm nguồn tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long
Tổng diện tích đồng bằng sông Cửu Long, không kể hải đảo, khoảng
3,96 triệu ha, trong đó khoảng 2,60 triệu ha được sử dụng để phát triển
nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản chiếm 65%. Trong quỹ đất nông
nghiệp, đất trồng cây hàng năm chiếm trên 50%, trong đó chủ yếu đất
lúa trên 90%. Đất chuyên canh các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn
ngày khoảng 150.000 ha, đất cây lâu năm chiếm trên 320.000 ha, khoảng
8, 2% diện tích tự nhiên.
Vùng bãi triều có diện tích khoảng 480.000 ha, trong đó gần 300.000
ha có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, nước lợ. Theo điều tra

năm 1995 có 0,508 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng 211.800
ha và đất không rừng 296.400 ha. Tỷ lệ che phủ rừng chỉ còn 5%.
Các nhóm đất chính ở đồng bằng sông Cửu Long gồm:
388
Trần Thị Hồng Nhung
‑ Đất phù sa sông (1,2 triệu ha): loại đất này tập trung ở vùng trung
tâm Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có độ phì nhiêu tự nhiên cao và
không có các yếu tố hạn chế nghiêm trọng nào. Nhiều loại cây trồng có
thể được canh tác trên nền đất này.
‑ Đất phèn (1,6 triệu ha): loại đất này được đặc trưng bởi độ axit
cao, nồng độ độc tố nhôm tiềm tàng cao và thiếu lân. Nhóm đất này
cũng bao gồm cả các loại đất phèn nhiễm mặn nặng và trung bình.
Các loại đất phèn tập trung tại Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long
Xuyên còn các loại đất phèn mặn tập trung tại vùng trung tâm bán
đảo Cà Mau.
‑ Đất nhiễm mặn (0,75 triệu ha): loại đất này chịu ảnh hưởng của
nước mặn trong mùa khô. Các vùng đất này khó có thể được cung cấp
nước ngọt. Hiện nay lúa được trồng vào mùa mưa và ở một số khu vực
người ta nuôi tôm trong mùa khô.
‑ Các loại đất khác (0,35 triệu ha): Gồm đất than bùn (vùng rừng U
Minh), đất xám trên phù sa cổ (cực Bắc của đồng bằng sông Cửu Long)
và đất đồi núi (phía Tây ‑ Bắc đồng bằng sông Cửu Long).
Nhìn chung ở đồng bằng sông Cửu Long rất thuận lợi cho phát triển
nông nghiệp không có hạn chế lớn. Do nền đất yếu cho nên để xây dựng
công nghiệp, giao thông, bố trí dân cư, cần phải gia cố, bồi đắp nâng
nền, do đó cần đòi hỏi chi phí nhiều.
3. Sự phân hóa nguồn tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long
Tuy là một đồng bằng trẻ nhưng do trong quá trình hình thành chịu
ảnh hưởng mạnh mẽ của thủy triều, thường xuyên bị ngập lụt nên tài
nguyên đất của đồng bằng sông Cửu Long có tính chất rất phức tạp mặc

dù chúng có chung nguồn gốc là đất phù sa. Có thể chia tài nguyên đất
ở đồng bằng thành các vùng chính sau:
3.1. Vùng đất phù sa ven sông Tiền, sông Hậu
Vùng đất này là đất phù sa mới trẻ nhất, không mặn, không phèn.
Diện tích gần 1 triệu ha, độ phì rất cao thuận nước, ngay cả trong mùa
khô cũng không thiếu nước. Trong mùa mưa lũ một phần ở phía bắc bị
ngập sâu từ 0,81m do nước tràn từ thượng nguồn về không thoát kịp.
Nguồn tài nguyên đất và sự phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
389
Do ngập lũ nên ở đây hàng năm được bồi đắp thêm phù sa mới. Tập
quán canh tác là lúa nổi. Gần đây một số nơi đã tăng thêm một vụ màu,
sau khi thu hoạch lúa nổi. Cũng có nơi tích cực hơn, đắp bờ bao ngăn lũ
sớm trồng lúa hè thu thu hoạch trước lũ và sau lũ trồng thêm một vụ
lúa đông xuân.
Phía nam của vùng không bị ngập lũ, vừa thuận nước, đất tốt đã
phát triển mạnh lúa tăng vụ cao sản với năng suất 8‑10 tấn/ha/năm, có
nơi đã làm hai vụ lúa và một vụ đậu nành có kết quả tốt.
Nhìn chung, đây là một vùng đất phì nhiêu nhất của đồng bằng
có nhiều khả năng thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Hệ
số sử dụng đất chỉ mới đạt 1,6‑1,8; tuy là cao nhất so với toàn đồng
bằng nhưng còn thấp so với tiềm năng. Trong cơ cấu cây trồng, cây
lúa và cây đậu nành là thích hợp nhất. Trên đất phù sa cát ven sông
trên các giồng có thể trồng hai vụ đậu, một vụ lúa. Trên đất phù sa
không bị ngập có thể trồng hai vụ lúa một vụ đậu. Đất các cù lao có
khả năng trồng cây ăn trái. Các loại cây trồng khác cũng thích nghi
với vùng phù sa như ngô, mía, đay, dâu tằm, vừng, dưa hấu, khoai
lang và bông.
3.2. Vùng đất phù sa mặn ven biển
Địa hình của vùng gồm những giồng cát và các đầm trũng xen kẽ
nhau chạy dài từ gò Công đến Gia Rai với bề ngang trung bình khoảng

40 km. Chênh lệch độ cao trong nội vùng thường từ 1‑2m. Đây là một
vùng có mùa khô dài khắc nghiệt, thiếu nước ngọt. Đất chủ yếu là các
loại đất mặn và đất cát biển phát triển trên trầm tích không chứa lưu
huỳnh nên sau khi thoát mặn hoặc được rửa mặn thì đất rất tốt. Điều
kiện cơ bản hạn chế hiện nay là trong mùa khô từ tháng 4 đến tháng 7
thiếu nước ngọt cho nên vẫn chỉ trồng một vụ lúa trong mùa mưa, thu
hoạch vào đầu mùa khô. Năng suất bình quân có thể đạt 2,0‑2,5 tấn/ha.
Tuy chỉ trồng một vụ nhưng là nơi có bình quân diện tích cao từ 2.500
đến 4.000 m
2
/người nên vùng này vẫn là một vùng lúa hàng hoá quan
trọng của đồng bằng.
Đây là vùng trọng điểm thâm canh lúa mùa một vụ. Hướng
chuyển vụ mùa dài ngày sang các giống lúa ngắn ngày có năng suất
cao tránh mặn đầu vụ và cuối vụ tăng thêm phân đạm đã tăng năng
390
Trần Thị Hồng Nhung
suất lên 5tấn/ha. Nhìn chung, tiềm năng nông nghiệp của vùng này
còn lớn, vấn đề đặt ra là khắc phục tình trạng mặn xâm nhập và hiện
tượng bốc mặn trong mùa khô. Nếu dẫn nước ngọt từ xa đòi hỏi tốn
kém và phải cân đối nhu cầu về nước trong mùa khô cho toàn đồng
bằng, vì vậy biện pháp hữu hiệu là giữ nước tại chỗ kết hợp với ngăn
mặn tiêu úng.
3.3. Vùng đất mặn phèn U Minh và bán đảo Cà Mau
Phần bán đảo Cà Mau do phù sa sông Cửu Long sau khi ra biển được
dòng hải lưu kéo về bồi ở phía tây, có đặc trưng trong nhiều lạch triều,
rừng ngập mặn phát triển. Đất mặn phèn tiềm tàng đang hình thành và
phát triển thành nhiều dạng khác nhau: đất mặn than bùn phèn tiềm
tàng, đất mặn phèn, đất phèn mặn.
Đây là vùng đất có tiềm năng nông nghiệp lớn, đất có điều kiện

thuận lợi còn có thể khai thác nhiều. Đây cũng là địa bàn trọng điểm
thâm canh lúa mùa một vụ năng suất cao và là vùng lúa hàng hoá quan
trọng, có thể kết hợp khai thác cả tôm, trồng các loại cây đỗ tương, gừng,
dưa hấu, mía, dứa… trên đất than bùn
3.4. Vùng đất phèn Đồng Tháp Mười và lân cận
Trừ vùng đất xám phía bắc và đông bắc, đất Đồng Tháp Mười chủ
yếu là đất phèn. Vùng trũng thấp phía đông là đất phèn vừa do bản
thân hình thành trên trầm tích hỗn hợp sông biển nhiều lưu huỳnh
vừa bị nước phèn từ các vùng cao hơn dồn về. Trong mùa lũ ngập sâu
nên tập quán trồng lúa nổi đã có từ lâu đời ngay cả trên đất xám ven
biên giới.
Vùng đất xám ven biên giới cao ngập lũ sớm và lũ rút sớm hơn
không bị phèn bốc trong mùa khô nên sau vụ lúa nổi có thể tăng
vụ màu đậu đỗ hoặc đay – trong vùng có diện tích khá lớn đay tự
nhiên và cỏ bàng có thể khai thác lâu dài nuôi dưỡng cho cây tái sinh
thuận lợi.
Nhìn chung, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điều kiện thuận lợi
để phát triển nông nghiệp. Còn đối với các hoạt động công nghiệp, giao
thông… do nền đất yếu nên đòi hỏi chi phí nhiều cho việc gia cố, bồi
đắp, nâng nền.
Nguồn tài nguyên đất và sự phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
391
4. Mối quan hệ giữa nguồn tài nguyên đất và nền nông nghiệp ở
đồng bằng sông Cửu Long
* Đồng bằng sông Cửu Long – vùng trọng điểm lương thực số 1 cả nước
Nguồn tài nguyên đất cho phép đồng bằng sông Cửu Long phát
triển nền nông nghiệp hàng hóa với rất nhiều sản phẩm phong phú,
trong đó nổi bật nhất là cây lúa gạo. Hiện nay, ĐBSCL chiếm 51,5%
diện tích và 51,3% sản lượng lúa của cả nước. Bình quân sản lượng
thóc của vùng cũng cao nhất so với toàn quốc. Điều này khiến cho

sản lượng lúa gạo của vùng không chỉ đáp ứng nhu cầu của người
dân địa phương mà còn đóng vai trò chính yếu trong việc cung cấp
lương thực cho các vùng khác và cho xuất khẩu. Chính vùng đất này
đã góp phần quan tọng nhất đưa Việt Nam từ một nước phải nhập
khẩu lương thực trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều
nhất thế giới.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nghề ruộng là nghề gốc. Đất rộng,
người thưa, thiên nhiên trù phú, lắm cá nhiều tôm, chim muông, thú
vật, nên con người không đi theo hướng thâm canh, bắt đất quay vòng
để sản xuất ra thóc lúa nhiều nuôi sống mình mà là khai hoang, quảng
canh, cày phát 5 – 7 ha để rồi thu hoạch kiểu cầu may 3 – 4 ha. Như thế
cũng dư thừa, làm một vụ ăn cả năm. Rồi còn biết bao nguồn lợi thiên
nhiên khác nuôi sống con người: Cá tôm dưới sông rạch, chim chóc trên
các vườn chim, mật ong ở rừng… là những nguồn lợi thiên nhiên to
lớn. Bởi thế nơi đây vẫn truyền tụng mãi câu Nam Bộ là đất “làm chơi
ăn thật”.
* Thau chua, rửa mặn – biện pháp hàng đầu cho sản xuất nông nghiệp
Sự phân hóa của nguồn tài nguyên đất đã tác động mạnh mẽ tới
phương thức canh tác của người nông dân. Tùy vào tính chất và độ phì
nhiêu của các loại đất, người ta có thể sử dụng các biện pháp khác nhau
để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của
cây trồng. Tiêu biểu nhất là cách canh tác trên đất phèn, loại đất có diện
tích lớn và gây nhiều khó khăn nhất trong sản xuất nông nghiệp ở đồng
bằng sông Cửu Long.
Ở các vùng đất phèn, nông dân đào kênh dẫn nước ngọt vào ruộng
và giữ nước ngọt để “ém phèn”, tức là để phèn ở lớp sâu (60 – 100cm)
392
Trần Thị Hồng Nhung
không gây độc hại đối với cây trồng. Sau khi gặt lúa, nếu ruộng bị khô,
nông dân cày ải để cắt đứt mao dẫn, phèn vẫn bị giữ ở lớp dưới. Ở

những vùng phèn không trồng được lúa nước, chỉ trồng được hoa
màu, người nông dân lên liếp để lớp đất trên liếp được cách ly với đất
sinh phèn ở dưới, đồng thời đào mương để lấy nước tưới cho cây trồng
trên liếp.
Trên các vùng đất phèn ngập lũ ở Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang,
An Giang, nông dân sạ ngầm lúa đông ‑ xuân: Khi nước rút còn
khoảng 10 – 15 cm, họ sạ giống đã ngâm ủ nẩy mầm để khoảng 20 ngày
sau cây lúa non vươn khỏi mặt nước, nhờ đó tiết kiệm được xăng dầu
bơm tưới, giảm chi phí làm đất, trừ cỏ. Trên vùng đất phèn cấy lúa hè
– thu, nông dân dùng phương pháp sạ khô. Sắp đến mùa mưa, họ đốt
cho sạch cỏ dại, cày một lần, bừa hai lần rồi sạ khô và bừa lấp. Hạt
giống nằm đợi để rồi nảy mầm từ những cơn mưa đầu mùa, đến khi
bị “lóng phèn”
1
thì cây lúa đã được 1‑2 tháng tuổi, vượt qua được sự
hủy diệt của độc tố.
Ở vùng ven và phía bắc sông Tiền, người ta làm 2 vụ lúa bằng hai
biện pháp độc đáo là sạ chay và cày ngâm lũ. Trước đây, để làm lúa đông
– xuân, họ đợi lũ rút mới bắt đầu phát cỏ, vớt cỏ rồi trục, do đó chi phí
cao và phèn có nguy cơ bị quậy lên. Ngày nay, sau khi thu hoạch vụ hè
– thu, họ làm đất ngay, để lũ ngập 2 – 3 tháng, gốc rạ và cỏ mục thành
phân. Ngay sau khi nước rút, họ sạ giống đã được ngâm ủ, cho nước
vào dần trong ruộng. Suốt cả vụ đông – xuân, đất luôn ở trạng thái khử
phèn. Biện pháp này giúp cho hàng chục ngàn ha đất nhiễm phèn ở
Đồng Tháp Mười được canh tác an toàn. Đối với vụ hè – thu, sau khi
thu hoạch vụ đông – xuân, họ rải đều rơm lên mặt ruộng, đốt ngược
chiều gió cho sạch ruộng. Họ sạ chay hạt giống rồi bơm nước vào để tro
phủ lên hạt sau đó tưới nước 4‑ 5 lần cho cả vụ. Bằng cách này người
nông dân đã kéo thời vụ lên trước lúc “lóng phèn” đến 1 – 2 tháng, cho
cây lúa đủ sức chống chịu phèn ở giai đoạn sau.

Đất mặn và xâm nhập mặn cũng là một trong những khó khăn trong
sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long. Theo Phân viện
1. “Lóng phèn” là hiện tượng tăng đột ngột các độc chất, gây nguy hiểm cho cây trồng
vào đầu mùa mưa ở vùng đát phèn.
Nguồn tài nguyên đất và sự phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
393
Khảo sát quy hoạch thủy lợi Nam Bộ, đến nay toàn vùng đồng bằng
sông Cửu Long đã có 2 triệu ha đất trồng lúa, cây ăn trái, hoa màu, nuôi
trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Trong đó, trên 235.000 ha
lúa hè ‑ thu bị thiếu nước, 80.000 ha phải xuống giống chậm so với cùng
kỳ. Nghiêm trọng nhất là nước mặn đã xâm nhập, ảnh hưởng đến 1,4
triệu ha diện tích sản xuất toàn vùng. Ở những vùng nhiễm mặn, nông
dân đắp đê bao ngăn mặn. Ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu có hai tuyến đê
bao to (cao 1,5 – 2m, chân rộng 8m, mặt rộng 4m), tuyến phía đông từ
địa phận Hậu Giang đến cửa Gềnh Hào dài 56km, tuyền phía Tây từ cửa
Tiểu Dừa giáp Kiên Giang đến cửa Bảy Háp dài 93km. Ngoài ra còn
hàng ngàn km bờ bao ngăn mặn ở các sông, rạch nhỏ. Hệ thống đê bao,
bờ bao cũng giúp người nông dân xả nước mặn, nước phèn ra ngoài
đồng ruộng khi mùa mưa tới.
* Kĩ thuật cấy lúa
Tùy theo các điều kiện tự nhiên, nhất là điều kiện đất đai, thủy văn
và thủy lợi, người nông dân áp dụng ba kỹ thuật cấy lúa: cấy lúa một
lần, cấy lúa hai lần (có nơi 3 lần) và gieo sạ lúa nổi.
Lúa cấy một lần được áp dụng phổ biến ở vùng dưới của châu thổ,
chiếm 2/3 diện tích của đồng bằng sông Cửu Long. Tùy thuộc độ cao
thấp của ruộng, mực nước trong mùa canh tác mà người nông dân gieo
giống lúa sớm, lúa trung hay lúa muộn. Thường mạ gieo vào đầu mùa
mưa và thu hoạch vào tháng 10 với giống lúa sớm và tháng Giêng cho
giống lùa muộn.
Lúa cấy hai lần được áp dụng ở vùng trung châu thổ, trên địa bàn

các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, nơi ruộng lúa thấp, không có
điều kiện tiêu nước. Vào đầu mùa mưa người ta gieo mạ trên những
ruộng mạ chiếm khoảng 2% diện tích ruộng lúa. Mạ được chăm sóc tại
đây trong vòng 40 – 50 ngày. Khi ruộng mạ thứ nhất bị ngập mạ được
chuyển đến ruộng mạ thứ hai ở cao hơn, chiếm khoảng 20% diện tích
ruộng lúa. Mạ được nuôi ở đây khoảng 50 – 60 ngày cho đến khi thân
dài khoảng 0,7m thì đem cấy vào ruộng lúa. Ở một vài vùng khác người
ta còn cấy lúa 3 lần. Việc cấy hai hoặc ba lần cốt làm chậm lại quá trình
phát triển của cây lúa trên những mảnh đất cực kì giàu chất hữu cơ, khắc
phục tình trạng cây lúa nhiều lá ít hạt. Cách cấy lúa 2 lần là điểm độc
đáo của đồng bằng sông Cửu Long, trên thế giới không có nơi nào có.
394
Trần Thị Hồng Nhung
Lúa nổi được trồng ở thượng châu thổ, nơi ngập nước sâu nhiều
tháng trong năm. Các giống lúa nổi có khả năng chịu được tình trạng
ngập sâu, tăng trưởng rất nhanh. Vào mùa ngập lũ, cây lúa có thể mọc
dài 10 cm mỗi ngày, thân cây có thể dài 3 – 5m. Vào đầu mùa mưa
(tháng 5 – 6), nông dân gieo hạt trên các cánh đồng cày sẵn, hạt lúa
nảy mầm và lớn nhanh theo nước lũ, lúa thu hoạch tháng 12 – 1 vào
đầu mùa khô. Lúa nổi tuy ít phải chăm bón nhưng năng suất thấp (1
– 1,5 tấn/ha). Vì vậy diện tích lúa nổi đã dần được cải tạo chuyển
thành vùng tăng vụ, với các giống lúa cao sản, năng suất có thể đạt 8
– 9 tấn/ha.
* Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất của các miệt vườn
Ở các vùng đất phù sa ven hai bên các sông ngòi, kênh rạch hay
trên các cù lao giữa sông, các vườn chuyên canh cây ăn quả đã được
hình thành. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 55.000 ha đất trồng
chuyên canh 9 loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao: bưởi
Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cơm
vàng hạt lép 9 hóa và Ri6, thanh long, vú sữa Lò Rèn với sản lượng

trên 360.000 tấn, mỗi năm đạt giá trị trên 4.000 tỉ đồng.
Có lẽ không ở đâu, cây ăn quả lại đa dạng, phong phú như ở
đồng bằng sông Cửu Long. Rất nhiều loại cây đã trở thành đặc sản,
mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ngoài việc cung cấp
nguồn nông sản cho thị trường trong và ngoài nước, các vườn cây
ăn quả này còn là địa điểm du lịch độc đáo và đầy sức hấp dẫn.
Chính nhờ vậy, trong những năm gần đây, du lịch sinh thái đã phát
triển mạnh mẽ trong vùng.
Kết luận
Vùng đồng bằng sông Cửu Long là món quà mà thiên nhiên trao
tặng cho người dân địa phương. Với nguồn tài nguyên đất dồi dào và
màu mỡ, nền nông nghiệp trong vùng có điều kiện phát triển trở thành
vùng trọng điểm lương thực số 1 của cả nước. Thiên nhiên đã được con
người khai thác và ứng xử với thiên nhiên thực sự là nét văn hóa độc
đáo của vùng.
Nguồn tài nguyên đất và sự phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
395
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Công Bình (1990), Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long,
Nxb Khoa học xã hội.
[2] Nguyễn Huy Côn (1985), Khí hậu – kiến trúc – con người, Nxb Khoa học
và kĩ thuật.
[3] Đỗ Thị Minh Đức (2007), Giáo trình Địa lý kinh tế ‑ xã hội Việt Nam (tập
2), Nxb Đại học Sư phạm.
[4] Sơn Nam (2004), Đồng bằng sông Cửu Long, Nét sinh hoạt xưa và văn minh
miệt vườn, Nxb Trẻ,.
[5] Lê Bá Thảo (1986), Địa lý Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Tổng hợp Đồng
Tháp.
[6] Lê Bá Thảo (2002), Việt Nam, lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới.
[7] Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam,

Nxb Trẻ.
[8] Lê Anh Trà (1984), Mấy đặc điểm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb
Văn hoá.
[9] Phạm Thị Yến Tuyết (1993), Văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb
Khoa học xã hội.
[10] Nhiều tác giả (1987), Mấy đặc điểm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long,
Nxb Tổng hợp Hậu Giang.
396
Trần Thị Hồng Nhung

×