Đầu tư công là gì?
Đầu tư công hay chi tiêu chính phủ, là các khoản chi của chính phủ để cung
ứng hàng hóa công cộng, chẳng hạn như khi chính phủ bỏ tiền vào phát triển đường
xá, trường học, quân sự, v.v
Đầu tư công cộng là một thành phần quan trọng của tổng cầu. Kinh tế học
Keynes cho rằng đầu tư công cộng có tác dụng thúc đẩy tổng cầu thông qua số nhân
tài chính. Dựa vào đó, họ đề cao vai trò của chính sách tài chính.
Vậy, đầu tư công là các khoản tiền đưa ra để thực hiện các chương trình nhằm
thực hiện các kế hoạch & công trình công ích, quốc kế dân sinh, đầu tư công không
nhất thiết là từ ngân sách của nhà nước, mà có thể là từ tiền của các tổ chức thực hiện
cho các công trình công cộng, với lợi ích cho xã hội, những khoản đầu tư từ ngân sách
nhà nước do chính phủ quyết định đầu tư là chính.
Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ
Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu của
năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, nhất
quán các mục tiêu, giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày
24/2/2011 của Chính phủ và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ từ
đầu năm đến nay; phối hợp chặt chẽ chính sách kinh tế vĩ mô, trước hết là chính sách
tài khóa, chính sách tiền tệ, tín dụng, xuất nhập khẩu để kiềm chế lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý.
Áp dụng cả những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm kiềm chế lạm phát
Chính phủ nhận định trong nhiều năm qua, lạm phát ở nước ta tăng cao và kéo
dài do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do bị tác động của kinh tế thế
giới khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam cao hơn nhiều nước nhưng nguyên nhân nội
tại của nền kinh tế là chủ yếu, như: chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng
kéo dài, tăng dư nợ tín dụng, thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao; cơ cấu kinh tế,
cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, năng suất lao động và hiệu quả đầu tư thấp
Chính phủ thống nhất để xử lý căn bản tình trạng trên đây cần áp dụng cả
những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ
- tài khóa chặt chẽ; nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt
nhập khẩu để giảm nhập siêu; nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là nông nghiệp; ổn
định tâm lý và cải thiện niềm tin của người dân đối với chính sách kinh tế vĩ mô.
Về lâu dài, cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở áp dụng
tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động xã hội, tăng tính cạnh tranh
của nền kinh tế; tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư, tái cơ
cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính - ngân hàng; tập trung nguồn lực
cho sản xuất, kinh doanh; phát triển đồng bộ, nâmg cao hiệu quả quản lý nhà nước đối
với các thị trường; đồng thời kiểm soát lạm phát có mục tiêu và làm tốt công tác
thông tin, tuyên truyền.
Từng bước giảm dần lãi suất
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính
sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp theo tín hiệu thị trường; trên cơ sở kết quả
kiềm chế lạm phát, từng bước giảm dần lãi suất tín dụng, bảo đảm hỗ trợ dòng vốn tín
dụng cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh, trước hết là nông nghiệp,
nông thôn, ngành điện, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng xuất khẩu; điều hành tăng
trưởng tín dụng khoảng 15-17%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 12%.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án cân đối ngoại tệ và điều hành tỷ giá trong
quý IV năm 2011 và quý I năm 2012. Tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được
trong quản lý ngoại tệ và vàng trong thời gian qua; sớm nghiên cứu ban hành chính
sách để huy động ngoại tệ và vàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Không để thiếu hàng, đẩy giá thực phẩm lên cao
Nghị quyết nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát
triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển
nhanh đàn gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu thị trường, không để thiếu hàng, đẩy giá
thực phẩm lên cao, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương
có biện pháp mạnh để khắc phục hiện tượng đầu cơ găm hàng, thao túng giá, đẩy giá
lên cao. Kiên quyết xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh
doanh hàng giả, trốn thuế.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất
biện pháp hỗ trợ các địa phương phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão
lụt, dịch bệnh gây ra.
Yêu cầu các tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành
Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vốn
đầu tư vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, không để đầu tư ngoài ngành,
nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập
đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch
thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh.
Các bộ quản lý ngành có phương án xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các
tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ
kéo dài; đề xuất mô hình quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phù hợp theo
hướng tinh gọn, hiệu quả.
Kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao
thông
Về giao thông, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối
hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm
kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; kiên quyết xử lý các trường
hợp đua xe, sử dụng rượu, bia, chất có cồn khi tham gia giao thông; tổ chức giao
thông hợp lý trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; không sử
dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm đỗ hoặc kinh doanh điểm đỗ xe ô tô, xe gắn máy.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, nhất là trên địa bàn 5 thành phố trực thuộc Trung ương để tạo môi trường
thu hút vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục
hành chính; tăng cường công tác kiểm tra việc kiểm soát thủ tục hành chính ở các cấp,
các ngành.
Chưa bao giờ Chính phủ tỏ ra quyết tâm cắt giảm đầu tư công như năm
nay.
Tuy nhiên, kết quả trên thực tế đang đặt ra nhiều thách thức. Theo số liệu mới
công bố của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực
hiện trong tháng 5/2011 ước tính 17,8 nghìn tỷ đồng.
Và tính chung 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà
nước thực hiện 73,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch năm và tăng 14,8% so với
cùng kỳ năm 2010.
Đi vào chi tiết, Tổng cục Thống kê cho biết trong số vốn nói trên, vốn trung
ương quản lý đạt 15.123 tỷ đồng, bằng 36,1% kế hoạch năm và tăng 10,9% so với
cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, vốn địa phương quản lý đạt 58.236 tỷ đồng, bằng 39,8% kế
hoạch năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2010.
Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là Hà Nội đạt 6.096
tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước;
Tp.HCM đạt 4.581 tỷ đồng, bằng 32,5% và tăng 9,5%; Đà Nẵng 3.393 tỷ đồng, bằng
59,2% và tăng 14,2%; Thanh Hóa 2.150 tỷ đồng, bằng 44,2% và tăng 42,9%; Hậu
Giang 1.579 tỷ đồng, bằng 73,5% và tăng 41,7%; Cần Thơ 1.557 tỷ đồng, bằng 55,7%
và tăng 31,9%; Bà Rịa-Vũng Tàu 1.486 tỷ đồng, bằng 45,7% và tăng 1,1%
Tự thân các con số thống kê cho thấy, việc cắt giảm đầu tư công không dễ
dàng như mong đợi. Nếu “đà” giải ngân được duy trì như hiện nay, mục tiêu cắt giảm
đầu tư công trong năm nay, có lẽ, sẽ trở nên hết sức khó khăn trong những tháng cuối
năm.
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và
Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết nguồn đầu tư từ ngân sách năm nay là 152 ngàn tỷ
đồng và nguồn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ là 45 ngàn tỷ đồng.
Với nguồn đầu tư công tổng cộng 197 ngàn tỷ đồng này, Chính phủ sẽ không
cắt giảm nhưng sẽ cắt giảm đầu tư từ tín dụng Nhà nước và của doanh nghiệp Nhà
nước. Bên cạnh đó, sẽ không cho ứng trước vốn của năm 2012 và không cho điều
chuyển vốn của năm 2010 sang năm 2011.
Đầu tư công ở mức cao hiện được xem là một trong những nguyên nhân gây
nên tình trạng lạm phát cao tại Việt Nam hiện nay.
Không chỉ băn khoăn về hiệu quả, mà hậu quả của cắt giảm đầu tư công
cũng là quan ngại được đề cập tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm
tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, ngày
24/6 vừa qua.
Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi
ngân sách Nhà nước là một trong 6 nhóm giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 11
của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh
tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Từ sau khi nghị quyết nói trên được ban hành, cắt giảm đầu tư công như thế
nào cho thực sự hiệu quả là vấn đề được tranh luận tại khá nhiều diễn đàn về kinh tế.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp cuối
của Quốc hội khóa 12 vào cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị Chính
phủ giao cụ thể chỉ tiêu cắt giảm vốn đầu tư cho mỗi ngành, mỗi địa phương, việc cắt
giảm các dự án cụ thể giao cho ngành và địa phương quyết định, không nên thành lập
nhiều đoàn đi rà soát các dự án rồi mới cắt giảm.
Tại phiên họp ngày 24/6 của Ủy ban Kinh tế, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư cho biết, việc rà soát, sắp xếp đầu tư công để tập trung vốn cho các công trình quan
trọng, cấp bách, hiệu quả được thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Và, 80.550 tỷ đồng là con số đã được các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn
kinh tế, tổng công ty nhà nước công bố cắt giảm, tính đến cuối tháng 5/2011. Báo cáo
cũng cho biết, số tiền này bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm nay.
Đáng chú ý, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã cắt giảm 39.212 tỷ đồng
tại 907 dự án, số vốn tín dụng kế hoạch năm 2011 giảm 10% là 3.000 tỷ đồng.
Phần hạn chế, tồn tại của bản báo cáo không nhắc đến nội dung cắt giảm đầu
tư công. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra khá nhiều vấn đề đi kèm
với các quan ngại về hiệu quả và hậu quả.
Theo Chủ nhiệm Hà Văn Hiền, trên thực tế, do hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu
cụ thể nên một số địa phương rơi vào tình trạng chờ đợi. Không chỉ có dự án mới phải
dừng mà ngay cả với một số công trình rất cần thiết cũng không thực hiện được hoặc
đã thực hiện rồi dừng thực hiện vì không được giải ngân.
“Có địa phương phản ánh, hiệu quả của việc cắt giảm cũng có, nhưng sự chờ
đợi, chậm trễ cũng có”, ông Hiền nói.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cũng nhìn nhận, luận
điểm cắt giảm đầu tư và cách làm hiện nay chưa thống nhất. Nhưng phải chú ý đích
cuối cùng là cắt giảm có hiệu quả không, có đem đến tác dụng giảm hệ số ICOR (đo
lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV)
hay không? Phải nhìn hậu quả của cắt giảm, ông Kiêm đề nghị. Vì, “thực tế có địa
phương hiệu quả chưa thấy, đã thấy hậu quả".
Còn theo đại biểu Mai Ánh Tuyết (An Giang) thì việc triển khai cắt giảm đầu
tư công khó khăn do hướng dẫn của cơ quan chức năng không rõ ràng, và sự phối hợp
chưa nhịp nhàng.
Vì thế nên mới có tình trạng dự án đang thực hiện kho bạc không cấp tiền và
công trình có hiệu quả, đòi hỏi cấp bách cũng không thể tiến hành nhanh.
Trả lời "chất vấn" ngay tại cuộc họp rằng tại sao đã nhìn rõ hệ lụy nhưng vẫn
không kịp thời hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, đại diện Bộ Tài
chính cho biết quan điểm của Bộ là không cắt giảm dự án đang thực hiện, dự án mới
nhưng đã đấu thầu cũng không thể cắt giảm được.
Nhắc lại ý kiến đã phát biểu nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Du
Lịch cho rằng cắt giảm đầu tư công không nên chỉ dừng lại ở các biện pháp cắt giảm
đã nêu, mà cần thay đổi phương thức phân bố đầu tư để tạo một nề nếp mới trong
quản lý ngân sách.
Có như vậy mới có biện pháp căn cơ cho thời gian tới, để tránh vòng luẩn
quẩn rồi năm sau lại quay lại chuyện này, ông Lịch phát biểu.
Nhắc lại phản ánh của một số địa phương về sự chậm trễ nhận được câu trả lời
về các kiến nghị liên quan đến một số dự án trong cắt giảm đầu tư công, Chủ nhiệm
Hiền nhấn mạnh "chủ trương đúng nhưng cách làm không hợp lý nên hiệu quả chưa
cao".
Ông Hiền cũng đề nghị cần sớm rà soát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, chứ nếu
chỉ nhất nhất một điều công trình mới không khởi công là rất cứng nhắc, làm giảm
hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Tính đến ngày 26/8/2011, tất cả các bộ ngành ở Trung ương và các địa
phương đều đã thực hiện và có báo cáo về kết quả cắt giảm, điều chuyển vốn đầu
tư trong kế hoạch năm 2011 theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.(Theo
Chinhphu.vn)
Kết quả tích cực
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ 123.029,1 tỉ đồng vốn ngân
sách nhà nước cho 20.529 dự án. Trong đó, 22.176,6 tỉ đồng được bố trí cho 5.474 dự
án khởi công mới và 100.825,5 tỉ đồng cho 15.055 dự án chuyển tiếp. Cả nước đã
thực hiện ngừng khởi công mới, cắt giảm, điều chuyển vốn của 2.103 dự án với tổng
số vốn là 6.532,7 tỉ đồng, trong đó ngừng khởi công mới 1.206 dự án với số vốn cắt
giảm 3.768,5 tỉ đồng; cắt giảm, điều chuyển vốn của 897 dự án với số vốn 2.764,2 tỉ
đồng.
Điểm mới đáng chú ý là, theo Tổng cục Thống kê, những ước tính ban đầu về
hiệu quả đầu tư sau loạt chính sách cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ nhiều dự án đầu
tư công đã cho thấy dấu hiệu tốt hơn. Nếu loại trừ yếu tố giá, khối lượng đầu tư thực
chất là giảm, trong khi hiệu quả đầu tư thông qua tỷ lệ đầu tư so với GDP và tốc độ
tăng trưởng GDP có sự cải thiện, cụ thể, tỷ lệ đầu tư so với GDP năm 2010 khoảng
45,6%, GDP tăng 6,18%, nghĩa là để tăng 1 đồng GDP cần đầu tư 7,38 đồng. Còn 6
tháng đầu năm 2011, tỷ lệ đầu tư so với GDP khoảng 38,3%, GDP tăng 5,57%, nghĩa
là chỉ cần đầu tư 6,9 đồng để tạo ra 1 đồng GDP…
Những khó khăn thấy được từ thực tế
Do cắt giảm đầu tư công có ảnh hưởng nhất định đến mức tăng trưởng và lợi
ích của ngành, địa phương, doanh nghiệp, vì thế, phải thực hiện một cách khách quan
và triệt để trên cơ sở lợi ích chung, không để các biểu hiện chạy vạy, xin-cho, tư
tưởng cục bộ chi phối và tránh làm theo kiểu “phong trào”. Chấp hành thật nghiêm
túc và hiệu quả chủ trương này còn có ý nghĩa góp phần thúc đẩy đổi mới quản lý đầu
tư công, tạo thêm tiền đề thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển hệ thống kết cấu hạ
tầng kinh tế-xã hội theo hướng bền vững trong những năm tới.
Thực tế cũng cho thấy việc cắt giảm đầu tư công không hề dễ dàng do thứ
nhất, nhu cầu thực tế cao về vốn đầu tư phát triển ở nhiều địa phương và đơn vị là có
thực; thứ hai, sự phân cấp mạnh quản lý nhà nước cho các địa phương và việc cắt
giảm lại do chính các địa phương thực hiện theo hướng dẫn chung của cơ quan chức
năng; thứ ba, việc phân cấp đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp
nhà nước đã không đi kèm với một cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; thứ tư, các tiêu
chí hướng dẫn cắt giảm đầu tư công chưa thật cụ thể, nhất là tiêu chí về hiệu quả của
dự án đầu tư. Hơn nữa, việc đánh giá hiệu quả lại giao cho chính chủ đầu tư, là các
bộ, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước thực hiện, không có sự thàm gia
của các tổ chức độc lập và sự giám sát xã hội.
Cách làm này ít có được sự khách quan, cả do các quan hệ lợi ích cục bộ,
nhóm và nhiệm kỳ, cả do tính tự ái của cơ quan có thẩm quyền không muốn bác bỏ
các quyết định đầu tư đã ký của mình như một bằng chứng về chất lượng ra quyết
định đầu tư nói riêng, về năng lực va trách nhiệm lý nhà nước nói chung của mình.
Nên có tiêu chí cụ thể
Vì vậy, để cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 nghiêm túc và
hiệu quả, trước hết, cần cụ thể hóa tiêu chí và các dự án đầu tư công cần cắt giảm và
có bước cải cách mạnh mẽ trong khâu thẩm định và ra quyết định đầu tư; đặc biệt,
sớm xây dựng và thông qua Luật Đầu tư công.
Vai trò của đầu tư công trong nền kinh tế cần được thay đổi theo hướng giảm
bớt chức năng “đầu tư để kinh doanh”, tăng cường chức năng “phúc lợi” của đầu tư
công; tăng cường đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, điện); đầu tư
hoặc hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm, mũi nhọn có tác động lan tỏa
về mặt công nghệ; đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với sản
xuất; đầu tư cho giáo dục đào tạo, y tế và phúc lợi xã hội để phát triển nguồn nhân lực
có trình độ kỹ thuật cao; nâng cao năng lực quản lý và hiện đại hóa quản lý nhà nước.
Việc đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư công cần có những tiêu chí rất cụ
thể, được phân biệt về các mặt kinh tế-xã hội và môi trường.
Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn
doanh nghiệp nhà nước phải chủ động hơn căn cứ vào nhu cầu thực tế, thứ tự ưu tiên
của mình để quyết định cắt cái nào, giảm cái gì, giãn tiến độ ra sao và điều chuyển
vốn như thế nào hoặc tự xây dựng cho mình tiêu chí sát sao hơn để thực hiện.
Việc thẩm định đầu tư dự án sử dụng ngân sách cần thực hiện độc lập, chuyên
nghiệp và khách quan, với chất lượng và trách nhiệm cao; giảm thiểu tình trạng thẩm
định dự án mang tính hành chính dễ dãi, xuê xoa, đôi bên cùng có lợi, cũng như tình
trạng phê duyệt nhiều dự án hơn mức cần thiết; đặc biệt là tình trạng người ra quyết
định đầu tư không có đủ thông tin về dự án hoặc không sử dụng đủ thông tin.
Vai trò của đầu tư công trong nền kinh tế cần được thay đổi theo hướng giảm
bớt chức năng “đầu tư để kinh doanh”, mà tăng cường chức năng “phúc lợi” của đầu
tư công; tăng cường đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, điện); đầu
tư hoặc hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm, mũi nhọn có tác động lan tỏa
về mặt công nghệ; đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với sản
xuất; đầu tư cho giáo dục đào tạo, y tế và phúc lợi xã hội để phát triển nguồn nhân lực
có trình độ kỹ thuật cao; nâng cao năng lực quản lý và hiện đại hóa quản lý nhà nước.
Quy định rõ các hành vi bị cấm và các chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi
phạm ở các mức độ khác nhau, góp phần ngăn chặn những hành vi tiêu cực và làm cơ
sở pháp lý để xử lý các sai phạm trong đầu tư công (cần cấm các quan chức nhà nước
không được kiêm nhiệm chức vị trong các tập đoàn, công ty nhà nước để ngăn chặn
và giảm bớt các hiện tượng lạm quyền, tham nhũng và liên kết trục lợi, làm giảm hiệu
quả và gây mất kiểm soát đối với đầu tư công).
Bên cạnh hệ thống giám sát nhà nước đối với đầu tư công, cần xem xét bổ
sung quy định các hoạt động đầu tư công phải chịu sự giám sát của cộng đồng; xác
lập quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong vai trò giám sát đối với đầu tư công.
Chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ đang gặp thử thách thật sự khi
mà nhiều tỉnh thành vẫn cố tình lách quy định.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 26/8/2011, tất cả các
bộ ngành ở Trung ương và các địa phương đều đã thực hiện và có báo cáo về kết quả
cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2011.
Cụ thể, cả nước đã thực hiện ngừng khởi công mới, cắt giảm, điều chuyển vốn
của 2.103 dự án với tổng số vốn là 6.532 tỷ đồng, trong đó ngừng khởi công mới
1.206 dự án với số vốn 3.768 tỷ đồng; cắt giảm, điều chuyển vốn của 897 dự án với số
vốn 2.764 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, cùng thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công nhưng trong
khi các bộ, ngành khá nghiêm túc trong công việc này thì một số tỉnh, thành lại thể
hiện thái độ khác biệt.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận rằng cho đến nay, “nhiều địa
phương vẫn còn chần chừ trong việc cắt giảm, ngừng khởi công các dự án sử dụng
vốn ngân sách nhà nước”.
Tổng hợp số liệu từ 63 tỉnh thành cho thấy có tới 638 dự án có sử dụng vốn
ngân sách nhưng không thuộc đối tượng được khởi công mới trong năm 2011 song
vẫn được các tỉnh thành bố trí 1.763 tỷ đồng để thực hiện.
Chưa kể, các tỉnh thành cũng không “chịu” cắt giảm 2.000 dự án khác sử dụng
vốn của ngân sách địa phương nhưng không thuộc đối tượng khởi công mới trong
năm 2011.
Cho đến nay, thời hạn cho việc cắt giảm đầu tư công đã quá 2 tháng nhưng
một số địa phương vẫn chưa thực hiện đầy đủ các quy định trong Nghị quyết 11/NQ-
CP và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ.
Một số địa phương thậm chí đang cố “xin” không cắt giảm đối với các dự án
đã khởi công hoặc đã làm xong thủ tục đấu thầu trước ngày 24/2/2011, hoặc các dự án
không thuộc đối tượng khởi công mới nhưng Kho bạc nhà nước tại tỉnh thành đó đã
… trót giải ngân!
Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là trong vấn đề cắt giảm đầu tư công,
Chính phủ cần kiên quyết thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP.
Chính vì vậy, trong báo cáo của mình, bộ này đề nghị Chính phủ thu hồi toàn
bộ số vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho các dự án chưa đủ thủ tục hoặc khởi công
mới không đúng đối tượng của các bộ ngành để bổ sung vốn cho chương trình Biển
Đông – Hải đảo của Bộ Quốc phòng. Tổng lượng vốn thuộc diện này là 337,6 tỷ
đồng.
Đối với nguồn vốn 1.736,6 tỷ đồng thuộc 638 dự án của 55 tỉnh thành, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư đề nghị bù trừ vào khoản ứng trước của ngân sách Trung ương mà
các tỉnh thành đã được nhận để giảm gánh nặng cho ngân sách.
Trường hợp địa phương không có các khoản ứng trước từ ngân sách Trung
ương, Bộ đề nghị chuyển số vốn cắt giảm này về dự phòng ngân sách địa phương để
bổ sung cho các dự án cấp bách được quy định trong Nghị quyết 11/NQ-CP.
Hiểu một cách đơn giản là đối với các dự án mà các tỉnh thành đã bố trí vốn
sai tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP thì địa phương đó phải tự “chịu trách nhiệm”.
Đối với các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách Trung ương mà
không thuộc danh mục được khởi công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ
giao Bộ Tài chính tổng hợp, thu hồi về ngân sách nhà nước.
Chính phủ đang họp phiên thường kỳ tháng 8 và cắt giảm đầu tư công là một
nội dung được đưa ra thảo luận. Trước những đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư,
công luận đang chờ đợi quan điểm chính thức của Chính phủ.
Tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP theo đó quyết liệt cắt giảm đầu tư công
để kiềm chế lạm phát, hạn chế cung tiền ra lưu thông đang đứng trước thử thách mà
nếu Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện, lãnh đạo nhiều tỉnh thành rõ ràng đang có lý
do để lo lắng.
Với sự đăng đàn của 4 vị bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng các bộ Nội vụ, Kế
hoạch và Đầu tư, phiên thảo luận sáng 28/10, khép lại 1,5 ngày bàn về kinh tế, xã hội của
Quốc hội đã bớt tẻ nhạt hơn.
“Gói” lại 68 ý kiến đã phát biểu (trong số 101 đại biểu đăng ký), Phó chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, đã có nhiều ý kiến tập trung thảo luận và
thống nhất cao với mục tiêu đề ra cho năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế
vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu
nền kinh tế
Trình đề án lương tại Hội nghị Trung ương 5
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến xây dựng đội ngũ cán
bộ, công chức là vấn đề tiền lương đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
thông tin chi tiết hơn.
Một số nội dung đang tập trung tại đề án cải cách tiền lương được Bộ trưởng
Bình cho biết là mức lương tối thiểu; quan hệ lương tối thiểu, trung bình, tối đa; thang
lương, bảng lương, ngạch lương, bậc lương và chế độ phụ cấp.
Nhấn mạnh cải cách tiền lương là vấn đề mang tính chất cấp bách, bức xúc và
được tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị rất quan tâm, Bộ trưởng Bình cho hay
sẽ trình đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 5.
Về lộ trình, theo ông Bình, dự kiến từ năm 2012 đến 2014 cố gắng điều chỉnh
mức lương tối thiểu cho phù hợp. Sau khi đạt được điểm điều chỉnh mức lương tối
thiểu thì mới tính quan hệ giữa mức lương tối thiểu, trung bình, tối đa. Rồi sau đó mới
tính đến ngạch lương, thang lương, bậc lương.
Yếu tố trợ cấp theo hướng đưa một số phụ cấp hiện nay vào trong lương mới
để cân đối cho phù hợp cũng sẽ được tính đến, Bộ trưởng cho biết.
Chưa cắt giảm đồng nào
Đăng đàn sau các ý kiến nhiều chiều về hiệu quả và cả hậu quả của cắt giảm
đầu tư công, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh một điểm
mà "có thể nhiều vị đại biểu chưa xem xét kỹ".
Đó là dùng từ "cắt giảm đầu tư công" nhưng trong thực tế Nghị quyết 11
không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các bộ, ngành và các địa
phương về trung ương.
Thực tế đến phút này Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng nào về kế
hoạch đã bố trí bằng số lượng cụ thể giao cho các bộ, ngành và địa phương, Bộ trưởng
nhấn mạnh.
Ngay sau đó, ông Vinh đã chỉ rõ các phần có thể "cắt giảm" được nêu ở Nghị
quyết 11.
Thứ nhất là không được kéo dài việc thực hiện các khoản vốn đầu tư đã cấp
cho năm 2010 thêm 6 tháng, thậm chí 1 năm như trước. Kết thúc năm 2010 là cắt
giảm toàn bộ việc này với 5.000 tỷ đồng.
Thứ hai là không cho ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu
Chính phủ và ngân sách nhà nước, khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng.
Thứ ba là không cho phép khởi công mới các công trình, tránh tiếp tục dàn
trải.
Cập nhật số liệu đến hết tháng 9, Bộ trưởng cho biết tổng số cắt giảm theo
nghĩa không cho phát hành đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỷ đồng. Các tập đoàn,
tổng công ty Nhà nước, cắt giảm không đầu tư theo kế hoạch là 39.212 tỷ đồng.
Bộ trưởng cũng phân trần rằng về cơ bản đã thực hiện rất nghiêm nhưng cắt
giảm đầu tư công khác với cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Nghị quyết 11 yêu cầu cắt
giảm chi tiêu thường xuyên 10%, Bộ tài chính ra lệnh lập tức tất cả các bộ, ngành, địa
phương cắt luôn trên phần chi cho địa phương và cho các Bộ ngành 10%, tổng số
khoảng 3.800 tỷ.
Riêng các đầu tư công chúng ta đều biết rất khó khăn, rất phức tạp, vấn đề này
rất chia sẻ với các địa phương, các bộ, ngành, Bộ trưởng nói.
Không né tránh bức xúc trên công luận, là với công trình của Bộ Giao thông
Vận tải quản lý thì Chính phủ không cắt một đồng nào của, ông Vinh giải thích, Bộ
này hàng năm đều thiếu vốn, cho nên năm nào cũng phải dùng vốn ứng trước của năm
sau để đầu tư cho năm kế hoạch.
Bộ Giao thông muốn ứng khoảng 3.700 tỷ nữa để đầu tư tiếp của năm 2012
nhưng vì Nghị quyết 11 không cho ứng, cho nên Bộ giao thông rất nghiêm túc chấp
hành.
Kết thúc phát biểu của mình, Bộ trưởng Vinh cho biết, nguồn vốn đầu tư sẽ
giảm rất mạnh, dự báo chỉ đạt khoảng 34% so với GDP đầu tư xã hội, trong khi bình
quân của 2010 là 42% .
Đầu tư công đang lấn át hay thúc đẩy đầu tư tư nhân? Đó là vấn đề được TS. Tô
Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt
Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” do Ủy ban Kinh tế phối hợp với
Viện Khoa học xã hội tổ chức trong hai ngày 10 và 11/3 ra tại Cần Thơ.
Để đánh giá đầu tư công trong mối quan hệ với đầu tư tư nhân tại Việt Nam,
TS. Thành đã sử dụng mô hình VECM (Vector Autoregressive Error Correction
Model) để ước lượng các hàm phản ứng với ba biến số là đầu tư khu vực nhà nước,
đầu tư khu vực tư nhân và GDP.
Các biến số này được thu thập từ năm 1986-2010 từ nguồn Tổng cục Thống
kê, tính theo giá so sánh 1994, ông Thành cho biết.
Đầu tư “ngược”
Theo ông Thành, một trong những nguyên nhân chính của những bất ổn vĩ mô
thời gian qua chính là mô hình tăng trưởng theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào vốn
đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nhưng với chất lượng thấp.
Mô hình này đã và đang đe dọa khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn
của nền kinh tế, ông Thành cùng chung nhận xét với nhiều chuyên gia kinh tế khác tại
hội thảo.
Vị diễn giả này cũng cho rằng, yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế đang đặt ra cấp
thiết và trọng tâm của quá trình tái cấu trúc này là tái cơ cấu đầu tư công theo hướng
nào: nên giảm hay gia tăng đầu tư công, liệu đầu tư công ảnh hưởng tiêu cực hay tích
cực đến đầu tư của khu vực tư nhân?
Phân tích số liệu từ 1986 đến nay, TS. Thành nhận xét, từ năm 2000, Việt
Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư. Tỷ lệ vốn/GDP đã
tăng từ 35,4% năm 2001 lên 41,9% năm 2010, bình quân cho cả giai đoạn 2001-2010
là xấp xỉ 41%, so với 30,7% trong giai đoạn 1991-2000, thuộc loại cao nhất khu vực
Đông và Đông Nam Á.
Đáng chú ý, trong 10 năm, vốn của khu vực đầu tư nước ngoài tăng 5,1 lần,
tiếp nối là khu vực kinh tế tư nhân (3,5 lần) và cuối cùng là khu vực kinh tế nhà nước
(tăng 2,5 lần). Tuy nhiên, xét về cơ cấu thì khu vực kinh tế nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ
lớn nhất trong tổng đầu tư xã hội.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vốn đầu tư có hiệu quả kém lại chủ yếu
là đầu tư công, khi hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một
đơn vị tăng trưởng GDP - PV) cho khu vực nhà nước là 7,8 - cao hơn mức trung bình
chung của nền kinh tế là 5,2.
Trong khi đó, cơ cấu đầu tư công trong các ngành chưa thể hiện rõ được vai
trò “bà đỡ” cho nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2000-2009, đầu tư cho các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế luôn
chiếm trên 73% vốn đầu tư của Nhà nước, đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực xã
hội, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của con người (khoa học, giáo dục và đào
tạo, y tế và cứu trợ xã hội, văn hóa, thể thao, phục vụ cá nhân và cộng đồng) từ 17,6%
năm 2000 giảm xuống còn 15,2% năm 2009.
Theo tác giả tham luận, như vậy, đầu tư công vẫn tập trung vào một số ngành
mà khu vực tư nhân có khả năng và sẵn sàng đầu tư, trong khi đầu tư vào phát triển
nguồn lực con người còn chưa được chú trọng và chưa tương xứng.
Điều này dường như đang đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản cho đầu tư
công. Theo đó, chức năng chính của nhà nước phải là xây dựng các nền tảng phát
triển và tăng trưởng, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không
thể hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.
Cần giảm dần tỷ trọng đầu tư công
Kết quả thực nghiệm cho thấy hiện tượng đầu tư công lấn át đầu tư tư nhân thể
hiện rõ nét, bản tham luận nêu rõ.
Sau một thập niên, 1% tăng vốn đầu tư công ban đầu sẽ khiến đầu tư của khu
vực tư nhân bị thu hẹp khoảng 0,48% và chỉ đóng góp trung bình 0,05% vào tăng
trưởng sản lượng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tác động đến GDP của đầu tư
khu vực nhà nước là thấp hơn nhiều so với tác động của đầu tư khu vực tư nhân.
Hàm ý bản tham luận được tác giả nhấn mạnh là trong quá trình chuyển đổi
mô hình kinh tế, cần theo xu thế giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư
của xã hội, đồng thời tăng cường mạnh mẽ hiệu quả và chất lượng của đầu tư công.
TS. Thành cũng đưa ra khuyến nghị, cần tạo cơ hội bình đẳng hơn nữa cho các
nguồn vốn đầu tư khác của xã hội, tạo ra các cơ chế hiệu quả để huy động tối đa các
nguồn vốn tư nhân, giảm dần sự phụ thuộc, trông chờ vào ngân sách.
Ngoài ra, cần đổi mới tư duy về vai trò Nhà nước trong nền kinh tế, cụ thể là
giảm bớt chức năng “nhà nước kinh doanh”. Không nên phân bố đầu tư nhà nước vào
các ngành mà khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm và đảm nhiệm tốt.
Nhiều vấn đề được nêu tại tham luận của TS. Thành, đặc biệt là hiệu quả đầu
tư công cũng là nội dung được bàn thảo khá sôi nổi tại phiên thảo luận sáng nay của
hội thảo.
Một số ý kiến cho rằng việc kiểm soát đầu tư công chưa đạt yêu cầu, dẫn đến
dàn trải và lãng phí.
Theo TS. Trần Văn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của
Quốc hội, tình trạng đầu tư nhỏ giọt làm cho công trình đáng ra chỉ 3 năm thành 10
năm, như thế thì không thể gọi là hiệu quả.
Nhiều dự án dễ thu hồi vốn thì đầu tư công chiếm hầu hết cả, đầu tư không
còn dư địa, TS Văn phân tích.
Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra lượng tiền đầu tư
công bằng khoảng 17-20% GDP, trong khi các nước trong khu vực chỉ dưới 5%
(Trung Quốc 3,5%, Indonesia 1,6%…). Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam
hiện vẫn còn quá kém.
Đầu tư công của Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển đất
nước. Trước kia, theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung thì hầu như tuyệt đại đa
số mọi đầu tư của xã hội là đầu tư công, còn tư nhân chỉ đầu tư vào xây nhà, xây
cửa… chứ không có đầu tư gì nhiều.
Ngày nay, khi Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường và có thu hút đầu tư
nước ngoài thì đầu tư công vẫn còn chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư của toàn xã
hội, có năm ít vẫn chiếm từ 43-46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì thế, đầu tư công
rất quan trọng. Tuy nhiên, những vấn đề dư luận hiện nay quan tâm nhiều về đầu tư
công đó là hiệu quả đầu tư công quá kém, hay nói cách khác, có đầu tư nhưng tài sản
cố định mang lại ngày càng giảm đi; và đầu tư quá dàn trải.
Nếu như năm 2000, đầu tư 100 đồng chúng ta có được 82 đồng là tài sản cố
định thì đến năm 2007, chúng ta đầu tư 100 đồng thì chỉ còn 60 đồng là tài sản cố
định và có những dự án như xây kè, làm thuỷ lợi thì tài sản cố định chỉ còn 40 đồng
thôi, còn 60 đồng đã “hao hụt” đi đâu không rõ?!. Và nếu như tình trạng này còn kéo
dài, thì Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia rất đắt đỏ, bởi Việt Nam sẽ phải bỏ ra một
lượng tiền rất lớn để đầu tư làm đường, và đường đó sẽ thu phí, thì xe cộ, người đi lại
phải nộp phí, đó là điều mà trên thực tế chúng ta đều đã thấy.
Một vấn đề nữa của đầu tư công hiện nay tại Việt Nam đó là, đầu tư quá dàn
trải, người người đầu tư, nhà nhà đầu tư, ai cũng muốn đầu tư. Hầu như những người
lên chức, từ chủ tịch xã đến hiệu trưởng đều muốn đầu tư, bởi vì đầu tư ngoài lợi ích
xây cho mình một “đài tưởng niệm” về công lao, sáng tạo thì có lẽ cũng còn có những
phần lợi ích “chia chác” của nhà thầu rồi các đơn vị thi công “lại quả”, cho nên vấn đề
giám sát đầu tư là rất quan trọng.
Sở dĩ có tình trạng “người người đầu tư, nhà nhà đầu tư” như trên là bởi việc
phân trách nhiệm cho người quyết định đầu tư và người thực hiện đầu tư vẫn chưa rõ
ràng. Có những công trình đầu tư những con đường thì người thi công nhận thầu (gọi
là bên B) chưa kịp làm gì đã bán lại ngay lập tức (sang đối tượng B’) để lấy một
lượng phí, và thậm chí có những công trình được bán đến 4 lần (B’’’’ – B bốn phảy),
vì thế thực chất số tiền thực để thi công công trình đó không còn là nhiều. Đó là thực
trạng đầu tư công của Việt Nam hiện nay, vì thế Nghị quyết 11 của Chính phủ đòi hỏi
phải giảm đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Tình trạng chưa giải quyết được triệt để đó là có vấn đề của lợi ích nhóm, có
sự “chia chác” của những người liên quan. Vì vậy, khi Quốc hội ra Nghị quyết cần
phải được cắt giảm, giám sát thì nói rất nghiêm nhưng khi thực hiện không được bao
nhiêu, đó là vấn đề khó khăn, vì thế muốn làm khác đi thì chúng ta cần phải công
khai, minh bạch, nói rõ là ai ký hợp đồng, và người ký hợp đồng ấy có thực thi không
hay lại bán lại cho một người thứ hai rồi người thứ tư nữa và bán lại vì lý do gì, điều
kiện ra làm sao…tất cả cần phải được công bố rõ ràng trên các phương tiện thông tin
đại chúng để người dân có thông tin và các cơ quan giám sát phải vào cuộc.
Ngoài ra, cũng cần quy định trách nhiệm rõ ràng đối với người quyết định đầu
tư và người thực hiện đầu tư, tránh tình trạng ai ai cũng xin đầu tư dẫn đến tình trạng
đồng tiền của nhà nước và dân chi vào đầu tư sẽ không mang lại hiệu quả như mong
muốn. Và như vậy, một viễn cảnh về Việt Nam sẽ xảy ra, Việt Nam sẽ trở thành một
quốc gia “đắt đỏ” từ thu phí cầu đường đường, đến điện, nước,…
Vậy thì việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ hiện
nay có phải là cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề này?
Đó là bước đầu tiên, là biện pháp hành chính để làm sao tránh việc đầu tư một
cách quá đáng, còn về lâu về dài thì phải thay đổi cơ chế, là phải thay đổi chế độ trách
nhiệm thật rõ ràng. Đơn cử như ở Trung Quốc, họ làm như thế này. Có một hội đồng
đề ra yêu cầu, muốn sống sót thì về năng xuất phải tăng 3%, xuất khẩu tăng 5%, dùng
điện giảm 1%, nước giảm 3% và tiền lương tăng bao nhiêu,… và công bố ai muốn
làm giám đốc lập kế hoạch hành động đưa lên, và họ sẽ lập một hội đồng xem xét
xem chương trình hành động của ai hay nhất, lúc bấy giờ sẽ bổ nhiệm và nếu được bổ
nhiệm mà làm tốt thì tăng lương, không tốt giảm lương và sau 2 năm làm không được
thì thay người khác… thế thì chế độ trách nhiệm rõ ràng hơn.
Cần phải thực hiện ngay công khai minh bạch. Từ việc lập dự toán, lên danh
mục và phải có một chế độ hội đồng công khai, độc lập và giám sát độc lập, kiểm toán
độc lập và phải có chế độ trách nhiệm rõ ràng, nếu chúng ta tiến được những bước
tiến thực sự thì bằng các biện pháp giảm đầu tư công này chúng ta sẽ mạnh lên, có
hiệu quả cao hơn và sẽ có năng lực cạnh tranh.
Ngược lại, nếu chúng ta chỉ làm việc cắt giảm mang tính chất hành chính thì
việc ấy nó chỉ diễn ra một lần và năm sau lại có cơn khát đầu tư mới, lại có những
người mới lên, họ lại nghĩ ra nhiều mẹo hay hơn, nhiều dự án hay hơn,… chúng ta lại
nghĩ ra cách này, và như từ trước tới nay, chúng ta đã rất nhiều lần cắt giảm đầu tư
công và rồi chúng ta lại phải cắt giảm đầu tư công nữa, thì tôi nghĩ cái vòng luẩn quẩn
ấy cứ lặp đi, lặp lại vì thế vấn đề hiện nay là, chúng ta cần đổi mới cơ chế, đó là cần
có sự công khai minh bạch trong đầu tư công.
Cũng cùng quan điểm trên, nghiên cứu mới đây nhất của ông Vũ Anh Tuấn-
Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy, vốn đầu tư công luôn “phình” to ra theo các năm. 10
năm qua, quy mô vốn đầu tư công tăng tới 3,2 lần, trung bình mỗi năm tăng 13,9 %.
Năm 2008, lạm phát, Chính phủ đã rốt ráo rà soát, cắt giảm vốn đầu tư công thì tổng
vốn đầu tư công vẫn chỉ thấp hơn một chút so với năm 2007, rồi đến năm 2009, nguồn
vốn này lại tăng vọt lên nhờ chủ trương kích cầu đầu tư như để “bù lại sự cắt giảm ít
ỏi”.
Vốn đầu tư thì như vậy, song hiệu quả đầu tư thì lại rất kém. Theo thông tin
TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đưa ra tại hội thảo “Kinh tế
Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” do Ủy ban Kinh tế phối hợp
với Viện Khoa học xã hội tổ chức trong hai ngày 10 và 11/3 tại Cần Thơ vừa qua, cho
thấy, hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị
tăng trưởng GDP) cho khu vực nhà nước là 7,8 – cao hơn mức trung bình chung của
nền kinh tế là 5,2.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2011, Chính phủ đã dành nhiều thời gian
phân tích thảo luận về các vấn đề xung quanh việc cắt giảm đầu tư công hiệu quả và
kiềm chế lạm phát. Ta hãy cùng tham khảo bài chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu
tư Bùi Quang Vinh để một lần nữa hiểu rõ hơn vấn đề cấp thiết này:
- Theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XII thì công tác triển khai thực hiện
cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11 còn không ít hạn chế, đơn cử như việc
hướng dẫn về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng, cũng như không
có tiêu chí thống nhất đã gây trở ngại cho việc triển khai thực hiện?
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh: Việc cắt giảm đầu tư
công là một trong những giải pháp hết sức cần thiết để kiềm chế lạm phát và ổn định
kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Do đó đây là vấn đề cần
phải làm. Trong đó có một giải pháp là cắt giảm, phân bổ lại vốn đầu tư phát triển
trong năm 2011, sao cho số tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung vào những
công trình đang chuẩn bị hoàn thành trong năm 2011, để những công trình này sớm
phát huy hiệu quả.
Chúng ta cũng phải tiết giảm việc mở quá rộng phạm vi đầu tư trong khi
nguồn lực còn có hạn, mục tiêu quan trọng nhất là đầu tư tập trung hơn và có hiệu quả
hơn. Trên tinh thần như vậy, trong thời gian tới cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm
chủ trương cắt giảm đầu tư công đã được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.
- Đối với lĩnh vực đầu tư công thì nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và đầu
tư sẽ thực hiện trong thời gian tới là gì?
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Một vấn đề rất lớn đang đặt ra là nâng cao
hiệu quả đầu tư chung của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là hiệu quả đầu tư từ vốn
ngân sách nhà nước. Ngân sách của chúng ta có hạn trong khi nhu cầu phát triển của
đất nước rất lớn, cho nên phải thay đổi quan điểm trong đầu tư. Đó là Nhà nước phải
tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách để khuyến khích các nguồn lực trong nhân dân,
trong doanh nghiệp, trong các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát
triển. Vốn Nhà nước chỉ tập trung cho các vấn đề trọng yếu, then chốt, đột phá của đất
nước.
Cụ thể là phải tạo ra những cơ chế để thu hút các nguồn lực khác và vốn nhà
nước là một dạng tiền đề, điều kiện xúc tác để mà phát triển các nguồn lực khác. Cơ
chế chính sách trong đầu tư tới đây phải theo hướng khơi dậy được những nguồn lực
to lớn như nêu trên.
- Khi đề cập đến hạn chế của quy hoạch phát triển trong thời gian qua, tình
trạng cục bộ địa phương dẫn đến “loạn” sân bay, cảng biển, sân golf… thường được
nhắc đến?
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong thực tế có thể đã xảy ra những chuyện
đó và Chính phủ cũng đã yêu cầu điều chỉnh lại trong quy hoạch. Chúng tôi cho rằng
tới đây công tác quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch phải đươc đặt ra rất kiên
quyết. Ví dụ đầu tư cảng biển, sân bay, các hạ tầng thiết yếu là rất cần thiết, nhưng
chúng ta phải có sự phân loại rõ ràng.
Đơn cử, đối với cảng biển loại nhỏ thực chất cũng chỉ là bến đỗ, cho phép các
địa phương nghiên cứu tùy theo khả năng tài chính, nguồn lực đến đâu và tính hiệu
quả để làm. Nguồn lực nhà nước chỉ tập trung vào những cảng trung chuyển quốc tế
lớn của đất nước… Những kết cấu hạ tầng lớn ví dụ như đường cao tốc mà còn yếu
kém thì nhà nước tập trung vào đó để tạo đột phá.
- Với vai trò “tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư, ông có có sẵn sàng gạt bỏ
những dự án trình lên nếu thấy dự án đó không phù hợp?
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi nghĩ rằng bản thân lãnh đạo các địa
phương cũng rất hiểu vấn đề này. Họ đều mong muốn cho địa phương mình phát
triển, tất nhiên ở đây với tư cách tham mưu trưởng trong vấn đề này thì Bộ kế hoạch
và đầu tư sẽ phải thuyết phục, phân tích có căn cứ khoa học để các địa phương thấy
rằng làm như thế nào là vì lợi ích chung và có lợi cho đất nước nghĩa là cũng có lợi
cho địa phương.
Ví dụ, chúng ta có thể chỉ tập trung mạnh cho cảng Hải Phòng, nếu làm tốt
cảng này để nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa đạt lên đến 100 triệu tấn mỗi năm,
thậm chí là 200 đến 300 triệu tấn, từ đó chúng ta có thể không làm những cảng nhỏ
khác ở các tỉnh lân cận mà sẽ phát triển hệ thống đường cao tốc từ Thái Bình, Nam
Định, Ninh Bình,… để kết nối với cảng Hải Phòng. Như vậy cảng Hải Phòng không
chỉ của Hải Phòng mà là của cả miền Bắc. Lúc đó các tỉnh lân cận chắc cũng không
đòi hỏi phải làm cảng ở tỉnh tôi.
- Để thực hiện tốt trọng trách, ông có nghĩ rằng các “tư lệnh” ngành phải có
thêm thẩm quyền?
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi không đề ra vấn để tăng quyền cho bộ
trưởng, nhưng phải có phân cấp rõ. Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta nên phân
cấp rõ những việc gì thuộc Chính phủ, việc gì giao trách nhiệm cho các bộ trưởng,
trưởng ngành đó phải làm và tự chịu trách nhiệm và phần nào của địa phương.
Bên cạnh đó, tuy là phân cấp nhưng trong cả hệ thống phải thông suốt, cần
phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để xem xét những chủ trương
chính sách của nhà nước được đi vào cuộc sống như thế nào, có vấn đề gì đúng và vấn
đề gì cần phải kịp thời điều chỉnh.
Cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư công có hiệu quả là một trong những nội
dung được đề cập tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngày 24/6 tại
TP. Hồ Chí Minh.
Phiên họp nhằm lấy ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng
đầu năm, công tác kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và các giải pháp, định
hướng phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm để báo cáo Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp
lần thứ nhất.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, 57/60 bộ, ngành ở Trung
ương và 61/63 tỉnh, thành báo cáo chính thức về việc rà soát, cắt giảm, điều chuyển
vốn đầu tư công.
Theo đó, đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương
đã cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2011 của 2.048 dự án
với tổng kinh phí 5.556,4 tỷ đồng; trong đó các bộ, ngành đã cắt giảm, điều chuyển,
đình hoãn 280 dự án với số vốn 1.115,9 tỷ đồng; các tỉnh, thành cắt giảm, điều
chuyển, đình hoãn 1.768 dự án với số vốn 4.440 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát,
cắt giảm, điều chuyển số vốn 2.777,6 tỷ đồng của 126 dự án.
Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước cũng đã rà soát, đình hoãn, giãn tiến
độ 907 dự án với tổng vốn 39.212,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện Nghị quyết 11 vẫn còn
một số hạn chế, có nơi còn triển khai chậm, chưa cắt giảm, điều chuyển, giãn tiến độ,
đình hoãn triệt để các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đề nghị các tỉnh, thành
cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ, thực hiện thật cụ thể
và kịp thời cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công tại địa phương sao cho hiệu quả
hơn nữa.