Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

Hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh lâm đồng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (298.34 KB, 16 trang )

Hoạt động cho vay xây dựng Nông thôn mới tại
Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông
thôn Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng


Nguyễn Thị Hiền

Trường Đại học Kinh tế
Luận văn ThS chuyên ngành: Tài chính và ngân hàng; Mã số: 60 34 20
Người hướng dẫn: PGS.TS Trịnh Thị Hoa Mai
Năm bảo vệ: 2012


Abstract: Hệ thống hóa những lý luận cơ bản về xây dựng NTM (Nông thôn mới) và hoạt
động cho vay ngân hàng đối với xây dựng NTM. Đánh giá thực trạng hoạt động cho vay
xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng từ 2010 đến nay, chỉ rõ những kết quả đạt được,
những bất cập và nguyên nhân. Đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động cho
vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng trong giai đoạn mới.

Keywords: Hoạt động cho vay; Xây dựng nông thôn mới; Ngân hàng Nông nghiệp và
phát triển nông thôn; Lâm Đồng; Ngân hàng


Content
PHẦN MỞ ĐẦU
1.Tính cấp thiết của Đề tài
Chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu quan trọng được
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/08/2008 của Bộ Chính trị về phát triển Tam Nông xác định :
“ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã
hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Giải quyết vấn đề nông


nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội ”. Chính phủ đã
cụ thể hoá chương trình thành mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày
06/04/2010 về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 -
2020 và Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế
hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Cùng với cả nước, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, hiện nay là
ngân hàng thương mại duy nhất được nhà nước đầu tư 100% vốn có vai trò chủ lực, chủ đạo
trong việc đầu tư tín dụng và cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên địa bàn nông nghiệp, nông
thôn thông qua các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ để can thiệp nhằm hỗ trợ cho kinh
tế nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là một ngân hàng luôn có vai trò, vị thế, trách nhiệm và
gương mẫu đi đầu trên mặt trận phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập kinh tế
quốc tế của đất nước.
Là một đơn vị trực thuộc Agribank, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tỉnh Lâm Đồng từ khi được thành lập đến nay đã luôn đi đầu trong việc thực hiện các
chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, kết
quả kênh tín dụng đối với khu vực nông thôn đã từng bước được mở rộng, đảm bảo khơi thông
nguồn vốn thúc đẩy nông nghiệp phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hoá,
nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn,
tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao
đời sống nhân dân về mọi mặt. Tuy nhiên, Agribank Lâm Đồng xác định cần phải tiếp tục vươn
xa hơn ở lĩnh vực này trong giai đoạn mới, nhất là trong điều kiện nền kinh tế tại tỉnh Lâm Đồng
đang ngày một phát triển, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng, đời sống nông dân
càng ngày càng được cải thiện, xây dựng NTM đang là phong trào sôi nổi trong cả nước nói
chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, điều này rất thuận lợi để Agribank Lâm Đồng tăng cường
hoạt động cho vay xây dựng NTM, một lĩnh vực mà ít hấp dẫn các ngân hàng thương mại trong
thời gian vừa qua.
Với các lý do được trình bày ở trên, thì hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank
Lâm Đồng cần phải được nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, sâu sắc, toàn diện
và khoa học để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời
gian sắp tới. Vì vậy, tác giả chọn đề tài: “ Hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại chi

nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng ” làm luận văn thạc sỹ
kinh tế.
2. Tình hình nghiên cứu
Vấn đề hoạt động cho vay của NHTM cũng như vấn đề cho vay đối với phát triển nông
nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm và đã có nhiều bài viết, công trình khoa học được công bố
ở những nội dung, khía cạnh khác nhau, đây là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu luận
văn. Có thể kể đến một số nghiên cứu dưới đây:
- Giáo trình Nghiệp vụ ngân hàng thương mại do tác giả Nguyễn Thị Mùi chủ biên
(2006), tác giả đã đưa ra những khái niệm cơ bản về hoạt động tín dụng của NHTM, làm rõ bản
chất của tín dụng, đặc điểm của tín dụng, phân loại tín dụng, các loại hình tín dụng, quy trình và
nguyên tắc cho vay
- Luận văn thạc sỹ của tác giả Vũ Tiến Thực, năm 2007 với đề tài: “Tín dụng ngân hàng
góp phần phát triển ngành hoa tại Thành phố Đà Lạt”. Đề tài này tác giả tập trung đi sâu vào
nghiên cứu về tín dụng ngân hàng ở khía cạnh đối với phát triển ngành hoa tại Thành phố Đà
Lạt.
- Luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, năm 2008 với đề tài: "Tín dụng ngân
hàng nhằm phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng". Đề tài này tác
giả tập trung đi sâu vào nghiên cứu về tín dụng ngân hàng ở khía cạnh đối với phát triển vùng
nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng.
- Luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Tấn Nguyện, năm 2010 với đề tài: “Tín dụng ngân
hàng đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng". Đề tài này tác giả đi sâu
nghiên cứu về tín dụng ngân hàng ở khía cạnh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh
Lâm Đồng.
- Luận văn thạc sỹ của tác giả Nguyễn Quang Tùng, năm 2011 với đề tài “Tín dụng ngân
hàng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Agribank Lâm Đồng”: Tác giả của đề tài này
đã tập trung nghiên cứu về tín dụng ngân hàng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn tại
Agribank Lâm Đồng, tuy nhiên tác giả chưa đề cập đến nội dung cho vay xây dựng NTM.
Với một số công trình vừa kể trên, tác giả nhận thấy đến nay chưa có công trình nào
nghiên cứu về “Hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại chi nhánh Ngân hàng Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng”, do đó về cơ bản nội dung và mục tiêu nghiên

cứu của luận văn không trùng lắp với các đề tài nghiên cứu khác mà tác giả được biết qua tìm
hiểu.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank
Lâm Đồng để đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay xây dựng NTM tại
Agribank Lâm Đồng trong giai đoạn mới.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Đề tài tập trung giải quyết các vấn đề:
- Hệ thống hóa những lý luận cơ bản về xây dựng NTM và hoạt động cho vay ngân hàng
đối với xây dựng NTM.
- Đánh giá thực trạng hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng từ 2010
đến nay, chỉ rõ những kết quả đạt được, những bất cập và nguyên nhân.
- Đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay xây dựng NTM tại
Agribank Lâm Đồng trong giai đoạn mới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu sâu trong hoạt động cho vay xây dựng NTM tại
Agribank Lâm Đồng.
4.2. Phạm vi nghiên cứu:
- Không gian: Hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng.
- Thời gian: Số liệu nghiên cứu được giới hạn trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học kinh tế, từ các phương pháp
duy vật biện chứng, duy vật lịch sử đến các phương pháp tổng hợp, so sánh, thống kê, phân tích,
nhận xét, đánh giá
6. Dự kiến những đóng góp mới của luận văn:
Trên cơ sở kế thừa và phát triển các công trình nghiên cứu trước đây, đề tài tiếp tục
nghiên cứu thực trạng hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng với những
đóng góp chủ yếu sau:

- Phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm
Đồng giai đoạn từ năm 2010 đến nay để đưa ra những nhận xét, đánh giá, thấy được những thành
tựu cần tiếp tục phát huy, tìm ra những bất cập và nguyên nhân tồn tại để có biện pháp giải
quyết.
- Đề xuất những giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay xây dựng NTM
tại Agribank Lâm Đồng trong giai đoạn mới.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận văn gồm 03
chương
Chương 1: Lý luận chung về cho vay ngân hàng đối với xây dựng NTM
Chương 2: Thực trạng cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng từ 2010 đến nay.
Chương 3: Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm
Đồng.


CHƯƠNG 1
LÝ LUẬN CHUNG VỀ CHO VAY NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI XÂY DựNG NÔNG THÔN
MớI
1.1. Vai trò của nông nghiệp, nông thôn đối với phát triển kinh tế
1.1.1. Khái niệm nông nghiệp, nông thôn
Nông nghiệp theo nghĩa hẹp là ngành sản xuất ra của cải vật chất mà con người phải dựa
vào quy luật sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm như lương thực, thực
phẩm để thoả mãn các nhu cầu của mình. Nông nghiệp theo nghĩa rộng còn bao gồm cả lâm
nghiệp, ngư nghiệp.
Nông thôn là khái niệm dùng để chỉ một địa bàn mà ở đó sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ
trọng lớn. Nông thôn có thể được xem xét trên nhiều góc độ: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội
1.1.2. Đặc điểm, vai trò của nông nghiệp, nông thôn
1.1.2.1. Đặc điểm của nông nghiệp, nông thôn
- Nông nghiệp có đối tượng sản xuất là những cây trồng và vật nuôi.
- Ruộng đất sử dụng trong nông nghiệp được coi là tư liệu sản xuất đặc biệt.

- Hoạt động của lao động và tư liệu sản xuất trong nông nghiệp có tính thời vụ .
- So với thành thị, nông thôn là vùng có mật độ dân cư thấp, kết cấu hạ tầng kém phát
triển hơn, thu nhập và đời sống thấp hơn. Ngay cả trình độ dân trí, trình độ sản xuất hàng hoá và
tiếp cận thị trường trong một chừng mực nào đó cũng thấp hơn thành thị. Vì vậy nông thôn chịu
sức hút của thành thị về nhiều mặt. Dân cư nông thôn thường hay đổ xô về thành thị để kiếm
việc làm và tìm cơ hội sống tốt hơn.
- Nông thôn giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên như đất đai, nguồn nước, khí
hậu rất đa dạng về kinh tế, xã hội, đa dạng về các hình thức tổ chức quản lý, đa dạng về quy
mô và trình độ phát triển.
1.1.2.2. Vai trò của nông nghiệp, nông thôn
- Cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội
- Cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp nhẹ
- Cung cấp một phần vốn để công nghiệp hoá
- Phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần phát triển thị trường của các ngành công
nghiệp và dịch vụ
- Phát triển nông nghiệp, nông thôn là cơ sở ổn định kinh tế, chính trị, xã hội
1.2. Vấn đề nông thôn mới
1.2.1. Những vấn đề lý luận chung về nông thôn mới xã hội chủ nghĩa
1.2.2. Vấn đề nông thôn mới ở Việt Nam.
1.2.2.1. Nội dung nông thôn và nông thôn mới
"Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn
được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là ủy ban nhân dân xã".
Như vậy, NTM trước tiên phải là nông thôn, không phải là thị tứ, thị trấn, thị xã, thành
phố và khác với nông thôn truyền thống hiện nay. NTM có những đặc trưng cơ bản sau:
Một là nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại;
Hai là sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa;
Ba là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao;
Bốn là bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển;
Năm là xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ
Việc xây dựng NTM được tập trung giải quyết theo từng xã, với bộ tiêu chuẩn gồm 19

tiêu chí được nêu tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính Phủ.
1.2.2.2. Chức năng nông thôn mới
NTM có ba chức năng sau:
Thứ nhất, chức năng vốn có của nông thôn là sản xuất nông nghiệp
Thứ hai, chức năng giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc
Thứ ba, chức năng bảo đảm môi trường sinh thái
1.2.2.3. Chủ thể xây dựng nông thôn mới
Theo quan điểm xây dựng NTM XHCN Việt Nam thì chủ thể chính là cộng đồng dân cư,
không phải ai làm hộ, người nông dân tự xây dựng là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.
1.2.2.4. Nguồn gốc, động lực xây dựng nông thôn mới
- Nguồn gốc, động lực
- Nguồn lực để xây dựng NTM
1.2.2.5. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Mục tiêu chung
Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và
các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch
vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu
bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời
sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2015: 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM (theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM).
Đến năm 2020: 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM (theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM).
Thời gian thực hiện: từ năm 2010 đến năm 2020.
Phạm vi: thực hiện trên địa bàn nông thôn của toàn quốc.
1.2.2.6. Nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới
1.3. Hoạt động cho vay ngân hàng đối với xây dựng nông thôn mới
1.3.1. Bản chất và phân loại tín dụng ngân hàng
1.3.2. Đặc điểm cho vay ngân hàng đối với xây dựng nông thôn mới
- Cho vay theo thời vụ và nguy cơ tập trung rủi ro cao

- Chi phí món vay cao
- Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nên khó xử lý
- Mục đích vay vốn khá phức tạp.
1.3.3. Vai trò của cho vay ngân hàng đối với xây dựng nông thôn mới
Vai trò của ngân hàng là bổ sung nguồn vốn cho xây dựng NTM. Điều này rất quan trọng
bởi vì những lý do sau:
- Do nhu cầu trang trải lớn: Để xây dựng NTM theo mục tiêu đã đề ra, cần phải có khối
lượng vốn đầu tư rất lớn cho việc xây dựng các tiêu chí như: phát triển hệ thống giao thông, thủy
lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở, khôi phục và phát
triển sức sản xuất bằng việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường
trang thiết bị hiện đại
- Nguồn vốn Ngân sách không đủ: Nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho xây dựng
NTM là 40% tổng nguồn vốn, do vậy để đáp ứng đủ vốn để xây dựng NTM thì phải cần có sự hỗ
trợ của các nguồn vốn khác.
- Khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác còn hạn chế: Để xây dựng NTM ngoài nguồn
vốn từ ngân sách nhà nước còn có các nguồn vốn khác gồm vốn đóng góp từ nhân dân, vốn đầu
tư của doanh nghiệp, vốn tài trợ khác. Tuy nhiên các nguồn vốn này còn đang rất hạn chế chỉ đáp
ứng được một phần nhu cầu cho xây dựng NTM bởi vì sự tích lũy từ nhân dân còn thấp, các
doanh nghiệp chưa có điều kiện thuận lợi để đầu tư vào lĩnh vực này, nguồn vốn tài trợ khác rất
ít, do đó nguồn vốn ngân hàng đóng vai trò hết sức quan trọng để xây dựng NTM. Do vậy tài trợ
tín dụng cho xây dựng NTM là hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn đầu của phong trào xây
dựng NTM trên cả nước như hiện nay.


CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CHO VAY XÂY DỰNG NÔNG THÔN MớI TẠI AGRIBANK LÂM
ĐỒNG TỪ 2010 ĐẾN NAY
2.1. Giới thiệu khái quát về Lâm Đồng
2.2. Thực trạng hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại Agribank Lâm Đồng
từ 2010 đến nay

2.2.1. Giới thiệu chung về Agribank Lâm Đồng
2.2.2. Hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại Agribank Lâm Đồng
2.2.2.1. Nguồn vốn huy động
Nguồn vốn huy động của Agribank Lâm Đồng qua các năm đều tăng, Nếu tính chung
trong giai đoạn 2010-06/2012 thì tỷ lệ tăng trưởng bình quân qua các năm là khá cao 27,03%,
tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của tỷ trọng nguồn vốn huy động tại chi nhánh so với các TCTD
trên địa bàn thì lại tăng không đáng kể nếu không nói đến là thị phần huy động vốn lại bị chững
lại qua các năm, tỷ lệ tăng trưởng bình quân về tỷ trọng huy động vốn qua các năm chỉ là 2,34%.
Về cơ cấu nguồn vốn huy động tại Chi nhánh:
- Nguồn vốn huy động từ tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn (trên 86%) và luôn tăng qua
các năm, tỷ lệ tăng trưởng bình quân qua các năm trong giai đoạn 2010-2012 của nguồn vốn huy
động từ tiền gửi dân cư là 31,19%, cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân tổng nguồn vốn
huy động qua các năm của Agribank Lâm Đồng (27,03%).
- Tiền gửi có kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng chiếm tỷ trọng lớn, bình quân là 73,48%, tiền
gửi không kỳ hạn và loại tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng
nguồn vốn.
- Nguồn vốn huy động của Agribank Lâm Đồng trong giai đoạn 2010-06/2012 chủ yếu
tập trung ở nguồn vốn nội tệ (tỷ trọng bình quân là 97,84%), nguồn vốn ngoại tệ chiếm tỷ trọng
không đáng kể (chỉ chiếm 2,16%).
2.2.2.2. Dư nợ cho vay
Hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng trong giai đoạn 2010-
06/2012 ngày càng phát triển mạnh mẽ, điều này được thể hiện ở dư nợ, doanh số và số lượng
khách hàng cho vay ngày càng tăng lên.
- Dư nợ phân theo thời gian:
Dư nợ cho vay ngắn hạn xây dựng NTM tại chi nhánh chiếm tỷ trọng lớn (bình quân
65,44%), dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn (bình quân 34,56%).
- Dư nợ phân theo mục đích, chương trình cho vay
Mục đích, chương trình cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng giai đoạn 2010-
06/2012 chủ yếu gồm cho vay hộ sản suất (tỷ trọng bình quân là 82,29%); cho vay xây dựng nhà
ở và cho vay tiêu dùng, phục vụ đời sống chiếm tỷ trọng nhỏ.

- Dư nợ phân theo xã xây dựng NTM
Hiện nay xã có mức dư nợ lớn nhất là xã Tân Hà thuộc huyện Lâm Hà với tổng dư nợ là
156,791 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 10,88%, xã có mức dư nợ thấp nhất là xã Đạ Huoai thuộc huyện
Đạ Huoai với tổng dư nợ là 8,058 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 0,56% trên tổng dư nợ.
2.3. Đánh giá chung về hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng giai
đoạn 2010 đến nay.
2.3.1. Chất lượng cho vay xây dựng NTM
Tỷ lệ nợ xấu cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng qua các năm 2010-06/2012
bình quân là 0,22%, đây là một tỷ lệ thấp so với tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng Lâm Đồng và
tỷ lệ này đang thấp hơn nhiều so với định hướng của Agribank (dưới 3%).
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu thuộc đối tượng cho vay SXKD (bình quân là
90,62%). Cho vay xây dựng nhà ở và cho vay tiêu dùng, phục vụ đời sống tỷ lệ nợ xấu chiếm tỷ
trọng rất nhỏ trong tổng nợ xấu.
Chất lượng cho vay xây dựng NTM tương đối tốt đã đóng góp vào kết quả hoạt động
kinh doanh chung của Chi nhánh. Các chỉ số về kết qủa hoạt động kinh doanh tại chi nhánh tăng
trưởng đều và tương đối ổn định qua các năm, giúp chi nhánh bảo toàn vốn và có điều kiện tiếp
tục tái đầu tư ngày một lớn hơn.
2.3.2. Kết quả xây dựng nông thôn mới
Một là, Chi nhánh đã khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư cho xây dựng NTM, góp
phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Hai là, Nguồn vốn huy động tăng nhanh nhằm để chủ động đầu tư cho vay xây dựng
NTM.
Ba là, mạng lưới họat động ngân hàng ngày càng được mở rộng.
Bốn là, không ngừng mở rộng đầu tư tín dụng.
Năm là, góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Sáu là, ý nghĩa về mặt xã hội.
2.3.3. Một số bất cập và nguyên nhân
2.3.3.1. Những bất cập:
Một là, nguồn vốn để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM còn hạn chế.
Hai là, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực.

Ba là, hạn chế trong bảo đảm tiền vay.
Bốn là, hạn chế trong quy trình cho vay.
Năm là, hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát.
2.3.3.2. Nguyên nhân của những bất cập trên
- Nguyên nhân từ phía ngân hàng
- Nguyên nhân từ phía khách hàng
- Các nguyên nhân khác

CHƯƠNG 3
ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG CHO VAY XÂY
DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI AGRIBANK LÂM ĐỒNG.
3.1. Định hướng hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới
3.1.1. Định hướng hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank.
3.1.2. Định hướng hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng.
3.1.3. Định hướng hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank Lâm Đồng.
- Tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, chủ lực trong đầu tư tín dụng đối với xây dựng NTM tại
địa phương.
- Duy trì thị phần huy động vốn và cho vay cao nhất so với các TCTD khác trên địa bàn.
- Gắn tăng trưởng với nâng cao chất lượng tín dụng; đảm bảo tỉ lệ nợ xấu thấp hơn 3%
3.2. Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại Agribank
Lâm Đồng
3.2.1. Giải pháp về huy động vốn:
Một là, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn và kỳ hạn gửi.
Hai là, xây dựng chính sách lãi suất linh hoạt, chủ động
Ba là, mở rộng huy động vốn ở ngoài địa bàn.
Bốn là, tranh thủ các nguồn vốn có lãi suất thấp.
3.2.2. Giải pháp về nâng cao chất lượng tín dụng
Thứ nhất, xây dựng chính sách cho vay rõ ràng.
Thứ hai, Quy trình cho vay phải được chi nhánh tuân thủ nghiêm túc
Thứ ba, Tổ chức rà soát, chấm điểm xếp hạng khách hàng chính xác

Thứ tư, Đa dạng hoá các hình thức cho vay.
Thứ năm, Cải tiến đơn giản hơn nữa các thủ tục vay vốn
Thứ sáu, có cơ chế ưu đãi về lãi suất, phí.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
Thứ tám, đẩy mạnh triển khai, phối hợp với ABIC.
3.2.3. Giải pháp về nguồn nhân lực
Một là, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn
đến năm 2020.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác bố trí, sắp xếp cán bộ.
Ba là, đổi mới công tác tuyển dụng.
Bốn là, nâng cao trình độ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ tín dụng.
Năm là, có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ tín dụng.
3.2.4. Giải pháp về Marketting
Một là, về chiến lược sản phẩm
Hai là, về chính sách lãi suất, phí
Ba là, về màng lưới và kênh phân phối
Bốn là, về chính sách truyền thông, quảng bá
3.3. Kiến nghị
3.3.1. Đối với Chính phủ
3.3.2. Đối với NHNN và các Bộ, Ngành
3.3.3. Đối với UBND các cấp
3.3.4. Đối với Agribank

KẾT LUẬN
Với mục tiêu của đề tài đặt ra là: Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về tín dụng
ngân hàng đối với hoạt động cho vay xây dựng NTM; phân tích, đánh giá thực trạng cho vay xây
dựng NTM của Agribank Lâm Đồng giai đoạn 2010-2012; đưa ra các biện pháp thúc đẩy hoạt
động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng trong giai đoạn mới. Sau thời gian nghiên
cứu, đề tài “Hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng” tác giả đã chỉ ra được những thành công và hạn chế của

hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng đó là:
Những thành công
Một là, Chi nhánh đã luôn khẳng định vai trò chủ đạo, chủ lực trong đầu tư cho vay đối
với xây dựng NTM tại địa phương.
Hai là, Chi nhánh đã không ngừng tăng trưởng nguồn vốn huy động để mở rộng đầu tư
cho vay xây dựng NTM.
Ba là, mạng lưới hoạt động của chi nhánh đã được mở rộng đến các xã, thị trấn, tạo điều
kiện cho mọi thành phần kinh tế nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận các sản phẩm,
dịch vụ ngân hàng một cách dễ dàng.
Bốn là, hoạt động cho vay xây dựng NTM tại chi nhánh ngày càng được mở rộng, dư nợ
cho vay và số lượng khách hàng còn dư nợ ngày càng tăng, tỷ lệ nợ xấu luôn thấp hơn mức cho
phép của NHNN.
Năm là, thông qua hoạt động cho vay xây dựng NTM chi nhánh đã góp phần xoá đói,
giảm nghèo tại địa phương.
Sáu là, ý nghĩa về mặt xã hội. Thông qua hoạt động cho vay xây dựng NTM chi nhánh đã
góp phần nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; trình độ dân trí và
khả năng làm kinh tế ở nông thôn.
Những hạn chế
Một là, Tuy nguồn vốn không ngừng tăng trưởng qua các năm nhưng vẫn không đáp ứng
được nhu cầu đầu tư cho vay tại chi nhánh.
Hai là, Chất lượng nguồn nhân lực tại chi nhánh còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu đòi
hỏi của công việc trong giai đoạn hiện nay.
Ba là, Quy trình cho vay còn rườm rà; tài sản đảm bảo tiền vay là giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu cho vay xây dựng NTM, việc xử lý tài sảm
đảm bảo chưa có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan có thẩm quyền.
Bốn là, Hiệu lực của công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa cao.
Với những thành công và hạn chế ở trên, tác giả đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục
như: giải pháp về huy động vốn, giải pháp về nâng cao chất lượng tín dụng, giải pháp về nguồn
nhân lực và giải pháp Marketing.
Cùng với một số giải pháp, tác giả cũng đã đưa ra những kiến nghị đối với Chính phủ,

NHNN, các Bộ, ngành, UBND các cấp, Agribank và Agribank Lâm Đồng nhằm tháo gỡ những
khó khăn, vướng mắc để hoạt động cho vay xây dựng NTM tại Agribank Lâm Đồng ngày càng
đạt được hiệu qủa cao.
Hoạt động cho vay xây dựng NTM là một vấn đề mới được triển khai, còn đang lung
túng, mới lạ đối với các cấp, các ngành, đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu ở nhiều góc độ và nhiều
phương diện khác nhau. Để có thể đánh giá một cách khách quan, cụ thể và toàn diện hơn về
hoạt động cho vay xây dựng NTM có thể mở rộng đề tài nghiên cứu ở phạm vi bao quát hơn như
hoạt động cho vay xây dựng NTM của các TCTD trên địa bàn Lâm Đồng hoặc ở khu vực Tây
Nguyên.
Do thời gian nghiên cứu và những kiến thức về đề tài của tác giả có hạn nên luận văn
chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong nhận được sự đóng góp của những
người quan tâm.


References
Tiếng Việt
1. Agribank (2012), Kế hoạch hành động của Agribank hưởng ứng phong trào thi đua “cả
nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
2. Agribank Lâm Đồng (2012), Báo cáo tổng kết các năm từ 2010 đến 06/2012; Tài liệu xây
dựng nông thôn mới tháng 04 năm 2012.
3. Ban chấp hành Trung ương(2012), Kỷ yếu tổng kết chương trình xây dựng thí điểm mô
hình nông thôn mới (2009-2011) của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới
tháng 01 năm 2012.
4. Ban dân vận tỉnh ủy - TT ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng (2012),
Hướng dẫn liên tịch về phong trào thi đua “dân vận khéo” thực hiện chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày 19 tháng 06 năm 2012.
5. Bộ chính trị (2008), Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 08 năm 2008 của Bộ chính
trị về phát triển Tam Nông.
6. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn(2009), Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT
ngày 21-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Chính phủ (2010), Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 06 năm 2010 của Thủ
Tướng chính phủ về phê duyệt mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2010-2020; Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20 tháng 09 năm 2011 của Thủ Tướng
Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung
sức xây dựng nông thôn mới”; Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 04 năm 2010
của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị
định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 06 năm 2010 của Thủ tướng Chính Phủ về chính
sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ; Nghị quyết số
24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về : “Chương
trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp ha
̀
nh
Trung ương Đa
̉
ng kho
́
a X về nông nghiê
̣
p , nông dân, nông thôn”; Quyết định số 491/QĐ-
TTg ngày 16 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng Chính Phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí
Quốc gia về Nông Thôn Mới.
8. Cục thống kê tỉnh Lâm Đồng (2011), Niên giám thống kê năm 2011 (từ 2006 đến 2011).
9. Đinh Phi Hô
̉
(2008), Kinh tế ho
̣
c nông nghiê
̣
p bền vư
̃

ng, Nxb Phương Đông – Thành phố
Hồ Chí Minh
10. Cù Ngọc Hưởng (dịch giả) (2006), Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương: “Lý
luận, thực tiễn và chính sách xây dựng nông thôn mới Trung Quốc”; “Lý luận và thực
tiễn xây dựng nông thôn mới XHCN”.
11. Nguyễn Minh Kiều (2006), Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nxb Thống kê.
12. Nguyễn Minh Kiều (2008), Hướng dẫn thực hành tín dụng và thẩm định tín dụng NHTM,
Nxb thống kê.
13. Trịnh Thị Hoa Mai (2000), Kinh tế học tiền tệ - ngân hàng, Nxb Đại học Quốc Gia, Hà
Nội.
14. Nguyễn Thị Mùi (2006), Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nxb Tài Chính.
15. Nguyễn Văn Mỹ (2008), Tín dụng ngân hàng nhằm phát triển vùng nguyên liệu cà phê
chất lượng cao tại tỉnh Lâm Đồng. Luận văn thạc sỹ, trường Đại học Ngân hàng Thành
Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí Minh.
16. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2010), Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14 tháng
06 năm 2010 của NHNN hướng dẫn chi tiết Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 04
năm 2010.
17. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng (2012), Báo cáo tổng kết các năm từ
2010 đến 06/2012; Báo cáo tình hình cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
Lâm Đồng các năm từ 2010 đến 06/2012.
18. Nguyễn Tấn Nguyện (2010), Tín dụng ngân hàng đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên
địa bàn tỉnh Lâm Đồng, luận văn thạc sỹ, trường Đại học Ngân hàng Thành Phố Hồ Chí
Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
19. Vũ Tiến Thực (2007), Tín dụng ngân hàng góp phần phát triển ngành hoa tại Thành phố
Đà Lạt, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Ngân hàng Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành
phố Hồ Chí Minh.
20. Nguyễn Quang Tùng (2011), Tín dụng ngân hàng đối với phát triển nông nghiệp, nông
thôn tại chi nhánh ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, luận
văn thạc sỹ, trường Đại học Ngân hàng Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Hồ Chí
Minh.

21. Ủy Ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (2010-2011), Báo cáo chương trình xây dựng NTM
tỉnh Lâm Đồng 2009-2011; Quyết định số 2575/QĐ-UBND ngày 05/11/2010 về việc phê
duyệt Chương trình xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2010- 2020.
Website
22. www.agribank.com.vn: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Việt Nam.
23. www.agroviet.gov.vn: Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Viê
̣
t Nam .



×