Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Điểm nhìn trần thuật gắn với ngôi kể thứ ba trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (158.88 KB, 6 trang )

ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT GẮN VỚI NGÔI KỂ THỨ BA
TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ
Thiều Thị Hạnh
1


Nguyễn Thị Thu Huệ là một nhà văn nữ trẻ, đa tài của văn học thời
kỳ sau đổi mới. Chị đã thành công trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó,
truyện ngắn là một thể loại văn học được chị đam mê hơn cả.
Tìm hiểu nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Thị
Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất,
trong một số truyện ngắn chị vẫn sử dụng lối kể mang tính truyền thống - kể
chuyện ngôi thứ ba. Song ở lối kể này, trên cơ sở kế thừa, tiếp thu thành tựu
và tận dụng ưu thế của nó, chị đã tạo được nội lực riêng, mở ra điểm nhìn
đa chiều, mang phong vị, hơi thở riêng, khẳng định được vị trí vững chắc
trên văn đàn.

1. Mở đầu
Nguyễn Thị Thu Huệ là một trong số nhà văn nữ trẻ của thời kỳ sau đổi mới. Với sức
viết dồi dào và sự nhạy cảm đặc biệt với các vấn đề nhân sinh, truyện ngắn của của chị mang
chiều sâu nội cảm phong phú và đa dạng trong cách phản ánh hiện thực đời sống. Mặc dù
thành công trên cả lĩnh vực biên kịch, làm phim, nhưng nhắc đến Nguyễn Thị Thu Huệ trước
hết là nói tới một nhà văn nữ đầy đam mê với thể loại truyện ngắn. Đến nay, chị đã xuất bản
được sáu tập truyện ngắn có giá trị: Cát đợi (1992), Hậu thiên đường (1993), Phù thủy
(1995), 21 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2001), Nào ta cùng lãng quên (2003), 37 truyện
ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2006). Tác phẩm của chị thu hút được đông đảo độc giả, chị được
vinh dự nhận nhiều giải thưởng văn chương như: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Hội văn
học nghệ thuật Hà Nội (1986); Giải A cuộc thi viết về Hà Nội do Hội nhà văn tổ chức (1993);
Giải nhì cuộc thi viết truyện ngắn Tác phẩm xanh của báo Tiền Phong (1993); Giải nhất cuộc
thi viết truyện ngắn do báo Văn nghệ quân đội tổ chức (1994).
Đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, người đọc cảm nhận đó là tiếng lòng của


người phụ nữ viết nên từ những trải nghiệm. Trải qua hơn hai mươi năm cầm bút, người phụ
nữ ấy như ngày một trưởng thành, nhuần nhị hơn. Những khát khao, những tiếng nói nhiệt
huyết và cá tính mạnh mẽ ban đầu nay trở nên đằm thắm, dịu nhẹ, mang một sự chiêm
nghiệm về cuộc đời. Để nói về những sáng tác của chị, có lẽ điều chứng ta cần chú ý đến đầu
tiên đó là thiên tính nữ rất đậm nét. Khi đọc truyện ngắn của chị, mỗi người, theo một cách
cảm nhận riêng, ít nhiều thấy mình trong đó. Vấn đề chị đặt ra luôn là những câu hỏi buốt
nhức dội lại lòng ta: tình người ở đâu? Con người trở về đâu để kiếm tìm tâm hồn mình? Bao
giờ kết thúc những đau khổ nối dài của kiếp người? Và tình yêu là câu trả lời ngọt ngào xoa
dịu những vết thương lòng đang gào thét, cứa sâu vào từng vạt kí ức, làm tan nát những cảnh

1
Học viên Cao học K13, trường ĐHSP Hà Nội 2

đời, những số phận. Tình yêu lớn ấy được chị gửi vào chân dung nhân vật tư tưởng của mình.
Bởi vậy, truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ hay sử dụng ngôi kể thứ nhất để nhân vật được
mặc sức thể hiện những rung động tinh tế nhất bên trong cõi lòng, để nhân vật thực sự sống
với đời sống riêng tư, phóng khoáng của mình. Bên cạnh đó, cảnh huống đa dạng về cuộc đời
được tái hiện tự nhiên qua những câu chuyện kể ở ngôi thứ ba, đây cũng là một dạng thức
trần thuật thành công trong truyện ngắn của chị mà người viết lựa chọn để khảo sát.
2. Nội dung
Kể theo ngôi kể thứ ba không phải là phương thức kể mới lạ trong văn học, lối kể ấy,
ngược lại mang tính truyền thống từ văn học dân gian. Song với Nguyễn Thị Thu Huệ, ngôi
kể này rõ ràng được làm mới chính mình, được phủ tràn lên đó màu sắc đa dạng: nhạt nhòa kí
ức nhân vật, da diết nỗi lòng “người biết tuốt” (người kể chuyện), thấm thía nỗi đau nhân
sinh đang dóng diết ngân lên từ con chữ biết khóc, cười, biết thắp dậy đam mê và những suy
tư trong lòng người đọc… Chọn lối kể từ ngôi thứ ba, Nguyễn Thị Thu Huệ đã tận dụng triệt
để những ưu thế của lối kể chuyện này.
Trên thực tế, trong văn học đổi mới ở Việt Nam, các nhà văn rất ưa thích lối kể hiện đại
từ ngôi thứ nhất và hăng hái thể nghiệm sự cách tân trong lối kể này, nên không ít người vô
tình xao lãng và “bỏ quên” lối kể từ ngôi thứ ba. Điểm đáng nói ở Nguyễn Thị Thu Huệ, như

đã khẳng định ở trên, là chị không hề đoạn tuyệt với lối kể chuyện truyền thống, mà ngược lại,
trong khi thể nghiệm những cách tân táo bạo bằng lối kể chuyện mới, chị vẫn kế thừa và phát
huy sức mạnh từ lối kể chuyện truyền thống kết hợp với sự sáng tạo mới mẻ của riêng mình để
tạo nên những sức hút riêng.
Trong nhiều truyện ngắn của chị, chủ thể kể chuyện được đặt ở ngoài câu chuyện, tức
hình thức kể ở ngôi thứ ba nhưng vẫn tạo ra sức hấp dẫn mãnh liệt. Câu chuyện về đời sống
được diễn ra “tự nhiên” qua lời của một người kể chuyện “vô hình”. Chủ thể kể chuyện có thể
là người “đứng ngoài” chuyện nhưng đóng vai trò như một “người biết hết”, dẫn dắt bạn đọc
vào thế giới nhân vật, sự kiện. Các tác phẩm: Tân cảng; Xin hãy tin em; Thiếu phụ chưa chồng;
Rượu cúc; Tình yêu ơi, ở đâu?; Một trăm linh tám cây bằng lăng; Phù thuỷ; Của để dành; Lời
thì thầm của mùa xuân; Cầu thang; Giai nhân; Mùa thu vàng rực rỡ; Một nửa cuộc đời; Hoa
nở trên trời; Nào, ta cùng lãng quên; Bảy ngày trong đời… có cách kể chuyện như vậy. Điều
đáng nói là dù sử dụng lối kể truyền thống nhưng Nguyễn Thị Thu Huệ đã “phù phép” vào lối
kể vốn đã quen thuộc đó khiến nó như được tái sinh, mang một phong vị riêng, một hơi thở
riêng. Bởi thế, những tác phẩm này của chị đã rời xa lối hành văn trang trọng thường thấy
trong văn học sử thi với những tụng ca, những lời phán xét, bình luận của chủ thể kể, mà diễn
tả sự ào ạt của sự kiện, của những buồn đau, đổ vỡ trong lòng nhân vật. Trong Phù thuỷ, sự
kiện diễn ra hỗn độn, ngổn ngang, con người méo mó, nhếch nhác, đáng thương đến tội nghiệp.
Thiếu phụ chưa chồng lại diễn đạt một cách phóng túng những mảnh đời, mảnh người trong thế
gian này. Trong Của để dành, chủ thể kể đứng ngoài truyện, không can thiệp, phân tích nhân
vật. Với Tân cảng, cuộc chia ly nghẹn ngào, đắng chát để lại nỗi ám ảnh giằng xé trong lòng
người. Sự ngơ ngác hồn nhiên của những đứa trẻ đứng trước “Tân cảng” trước ngã rẽ cuộc đời
thật đáng thương, gợi suy nghĩ về hạnh phúc thực sự của cuộc đời, người kể dường như hoà
vào dòng suy tư của nhân vật, cộng hưởng với trăn trở chung của người đọc tạo nên sắc thái
đặc sắc tự sự. Xin hãy tin em lại có kết cấu khá bất ngờ làm bật lên những nghịch lý trớ trêu
trong việc thử thách đùa giỡn với con người. Tình yêu ơi, ở đâu? lại đặt ở người kể chuyện một
trọng trách không nhỏ trong việc chuyên chở những băn khoăn, dằn vặt của con người. Một
trăm linh tám cây bằng lăng có sức ám ảnh từ nỗi xót xa, tiếc nuối… Do lối sắp xếp, bố trí sự
kiện khéo léo kết hợp với nghệ thuật tổ chức điểm nhìn độc đáo mà dù có một khoảng cách rất
xa với nhân vật, bạn đọc vẫn bị cuốn vào những điều mình quan tâm một cách tự nhiên.

Sử dụng lối kể từ ngôi thứ ba, nhưng Thu Huệ thường kết hợp điểm nhìn từ nhiều đối
tượng để nắm bắt được một cách chính xác bản chất của cuộc sống. Trong tác phẩm của chị,
hình thức kể này thường mở đầu câu chuyện với một điểm nhìn bên ngoài khách quan để thâu
tóm toàn bộ câu chuyện. Đây là lối mở đầu trong Của để dành: “Ngôi nhà bà Vy ở một đường
phố buôn bán sầm uất. Hàng ngày chỉ cần ngồi một chỗ là có thể mua đủ thứ, từ đồng quà tấm
bánh đến các thức ăn ngon, ăn sang. Khu phố này dường như không bao giờ ngưng hoạt động.
Kể cả nửa đêm. Ngày. Nó là chợ mua bán. Đêm. Nó là chợ tá lả, chích choác, rượu chè và trai
gái”. Người kể chuyện ở đây không xuất hiện trực tiếp xưng tôi cũng không có cuộc đời số
phận cụ thể trong tác phẩm mà chỉ thấp thoáng để đứng sau dẫn dắt câu chuyện. Tuy không gợi
ra được sự trải nghiệm trực tiếp nhưng lối kể này cũng có ưu thế riêng trong việc trần thuật một
cách tự nhiên, khách quan và cả việc cung cấp những thông tin bổ ích về nhân vật, những sự
dẫn dụ cần thiết: “Bà Vy bị ngã. Tin ấy lan truyền khắp phố. Hầu hết dân phố xuýt xoa, nhưng
không rõ do mừng hay do thương” (Của để dành). Và hiển nhiên, với lối kể này, người kể sẽ
không “bỏ rơi” bạn đọc mà kiên trì dẫn dắt để đi đến kết thúc: “Bà Vy chết. Nhà cửa sau phen
xáo trộn lại đi vào nề nếp. Cuộc sống an nhàn hơn nhưng anh cả, anh hai xem ra lầm lì khó
tính. Còn cô út ít đi đêm, mà thường quanh quẩn ở nhà”. Do lối kể từ ngôi thứ ba mà câu
chuyện được hiện lên một cách khách quan, đồng thời những vấn đề nảy sinh dẫn đến tình
trạng phân rã của gia đình hiện đại cũng được nhìn nhận một cách thẳng thắn.
Với Thiếu phụ chưa chồng, người kể đưa ra một lời mào đầu đầy ý nghĩa triết lý: “Đời
người phần lớn là buồn…”. Sau những lời lẽ mang nặng sức khái quát, người kể đã dẫn dắt đến
tâm trạng, cuộc đời, số phận của nhân vật chính: “Bảy ngày nay My sống một mình. Dương đã
về quê để làm đám ma. My thì không. Người mang bầu thường kiêng đám ma và đám cưới”.
Sau lời mở đầu ấy, tác giả đã quay về quá khứ để dẫn dắt bạn đọc bước vào chứng kiến chuyện
tình loạn luân của My với người anh rể và cuối cùng kết thúc tác phẩm, tác giả cũng không
quên chỉ ra một kết cục rõ rệt của nhân vật: “My đi ra cửa sổ. Nhìn xuống đường. Cuộc sống
không có chiến tranh mang vẻ đẹp bình yên lầm lụi”. My phải đối mặt với một hiện thực phũ
phàng: Dương bỏ đi, đứa con do cô sinh ra phải mang một hình hài quái dị để rồi vĩnh viễn cô
không được thấy mặt nó. Với lối kể từ ngôi thứ ba, Thu Huệ không chỉ để cho người trần thuật
dẫn dắt đến một kết thúc hợp qui luật mà còn cho thấy một cách rõ rệt thực trạng suy đồi, băng
hoại đạo đức của con người trong xã hội hiện đại.

Khi trần thuật từ ngôi thứ ba, bên cạnh việc chọn điểm nhìn từ bên ngoài mang tính khách
quan, Nguyễn Thị Thu Huệ còn kết hợp với điểm nhìn bên trong để hóa thân vào nhân vật, trải
nghiệm những cảm xúc, những nỗi niềm, những đớn đau và những day dứt mà nhân vật phải
nếm trải để tạo độ chân thật cho truyện kể. Điều này một mặt mang lại tính chất “nóng hổi”,
tính hiện tại chưa hoàn kết cho câu chuyện, mặt khác còn giúp cho việc khắc họa tính cách của
nhân vật một cách chân thực và toàn diện nhất. Ta có thể bắt gặp việc sử dụng điểm nhìn này
trong hầu hết các truyện đã nêu. Trong Tân cảng, nỗi đau được đặt vào đúng vào điểm nhìn của
nhân vật trong cuộc càng trở nên thấm thía: “Không có điều gì làm chị xúc động hơn chính bản
thân bão tố trong lòng chị lúc này. Chiến tranh đã nổ ra. Bom đã rơi vào chính chị. Và chị cũng
phải chạy đi. Đến một cảng mới để làm lại từ đầu”. Với Tình yêu ơi, ở đâu? , tác giả đã khéo
léo kết hợp điểm nhìn khách quan từ bên ngoài với điểm nhìn bên trong của nhân vật để tái
hiện nỗi bẽ bàng, đắng cay của nhân vật: “Tối đến. Dưới gốc cây có bao đôi trai gái tình tự và
trong hàng nghìn quán giải khát có bao người hôn nhau? Tại sao đến giờ nàng vẫn cô đơn khi
mà nàng xinh đẹp, có học, không tật nguyền?”. Với Giai nhân, sau khi đặt điểm nhìn vào người
kể chuyện ngôi thứ ba để tái hiện gia cảnh của Sao, một cô gái đẹp ở tuổi xế bóng nhưng vẫn
cô đơn vì sự kiêu ngạo, đỏng đảnh, tác giả đã khéo léo để cho nhân vật tự mình nếm trải để tự
dằn vặt, ân hận: “Trời ơi. Sao run rẩy. Tôi thề. Tôi thề sẽ yêu người gõ cửa này. Sẽ lấy người
đó làm chồng. Tôi cô đơn quá rồi. Tôi chẳng cần gì nữa ngoài việc phải có ngay một gia đình.
Tim Sao rung loạn xạ trong ngực như muốn bắn ra bên ngoài. Mình sẽ ôm lấy người ấy. Sẽ giữ
người ấy cho mình. Mình sẽ không để tuột đi đâu. Dù là ai”. Truyện ngắn Cầu thang cũng tạo
ra sức hấp dẫn từ chính việc đặt câu chuyện đời qua sự cảm nhận của Trân về nhịp sống thời
hiện đại với tất cả màu vẻ thô nhám vốn có của dòng xoáy cuộc đời khiến con người phải tìm
sự cân bằng ở chính những bậc cầu thang: “Họ đâu biết là cô chỉ được cảm thấy mình là mình
nhất khi đi ở những bậc cầu thang. Bao giờ bên trong những cánh cửa cuối cầu thang kia cũng
là sự bất ngờ. Cuộc sống thời hiện đại, tìm phút tự do cho mình khó quá”.
Với cách trần thuật từ điểm nhìn bên trong của nhân vật, những dòng hồi ức, tâm lý con
người được hiện ra một cách tự nhiên, đồng thời cũng tạo điều kiện để nhà văn đi sâu khám phá
những vùng mờ, khuất lấp trong tâm hồn con người để nó hiện lên với chiều sâu bản thể. Đồng
thời,với cách kể này, người kể chuyện từ ngôi thứ ba không chỉ quan sát được thế giới bên
ngoài của cuộc sống mà còn có khả năng thâm nhập, soi rọi vào chiều sâu tâm hồn của nhân

vật, kể bằng cảm xúc, giác quan của họ. Vì thế, dù trần thuật từ ngôi thứ ba nhưng truyện ngắn
của Thu Huệ vẫn tạo được sự tin cậy đối với bạn đọc, đồng thời giảm bớt tính chất chuyên chế
của một “người kể chuyện toàn năng”, kéo độc giả lại gần với tác giả trên tinh thần đối thoại
cởi mở và dân chủ.
Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ dù kể chuyện theo ngôi thứ ba, một lối kể quen
thuộc trong văn học truyền thống nhưng không tạo cảm giác nhàm chán, trái lại vẫn có sức
hấp dẫn mới mẻ, sự lôi cuốn, mời gọi bạn đọc khám phá. Chị đã khéo léo thực hiện một thao
tác linh hoạt: liên tục thay đổi điểm nhìn trần thuật để tạo sự tươi mới cho lối kể. Cùng là
ngôi kể thứ ba nhưng có lúc, tác giả kể với vị thế của “cái tôi bên ngoài” tác phẩm, công việc
duy nhất là trần thuật, cái tôi ấy hoàn toàn lạnh lùng với những gì đang diễn ra. Nhưng cũng
có lúc, tác giả nấp sau một nhân vật nào đó, nhìn mọi việc dưới góc nhìn của nhân vật. Lúc
này, nhân vật trở thành “người kể chuyện không xưng tôi”. Những lúc như vậy, người kể
chuyện đã ẩn đi, đứng đằng sau nhân vật để kể, bằng cách đẩy nhân vật ra trước độc giả. Nói
cách khác, người kể chuyện đã “tựa vào điểm nhìn nhân vật để kể” (chữ dùng của Trần Đình
Sử). Người kể hòa vào nhân vật đến mức ta khó phân biệt được giọng kể của anh ta và giọng
kể của nhân vật. Người trần thuật ở đây tuy ẩn tàng, giấu mặt, nhưng thực ra đang đứng một
vị trí nào đó để theo dõi mọi diễn biến của câu chuyện và thuật lại câu chuyện cho người
khác nghe. Kiểu trần thuật này khiến cho độc giả cứ ngỡ người trần thuật là một “khách thể”
hoàn toàn khách quan kể chuyện.
3. Kết luận
Nguyễn Thị Thu Huệ thực sự đã thành công khi khai thác điểm nhìn gắn với ngôi kể.
Cái tài của chị chính là ở chỗ vừa kế thừa, tiếp thu và tận dụng được ưu thế, vừa phát triển,
đào sâu, làm mới lối kể truyền thống (ngôi thứ ba). Nhờ đó, chị đã tạo ra được nội lực riêng
cho tác phẩm của mình và khẳng định được vị trí vững chắc trên văn đàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thu Huệ, Cát đợi, (Tập truyện ngắn), Nxb Hà Nội, 1992.
2. Nguyễn Thị Thu Huệ, Hậu thiên đường (Tập truyện ngắn). Nxb Hội Nhà văn, H.,
1993.
3. Nguyễn Thị Thu Huệ, Phù thủy (Tập truyện ngắn). Nxb Hội Nhà văn. H., 1995.

4. Nguyễn Thị Thu Huệ, Nào ta cùng lãng quên (Tập truyện ngắn). Nxb Văn học. H.,
2003.
5. Nguyễn Thị Thu Huệ, 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Nxb Văn học, H., 2007.
6. Hà Minh Đức (Chủ biên), Lý luận văn học – in lần 7, Nxb Giáo dục, H., 2011
7. Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại
học Quốc gia, H., 2000.

BEING IN THE POSITION OF THE THIRD PERSON IN THE SHORT STORY IN
NGUYEN THI THU HUE’S STORIES
Thieu Thi Hanh
Abstract
Nguyen Thi Thu Hue is a young and talented writer of Vietnam’s contemporary
Literature. She has been successful in many areas of Art, but short stories are the best her
passion.
Through researching her stories, we find that she not only uses successfully first
person in telling story but also she still writes traditional ways-being in the position of third
person. By this way, she has been created her own internal resources for her stories by the
basing of inheriting and absorbing the achievements and using its advantages. Moreover, she
has also created wide ideals, multi- dimensional, her own taste, breathing, point of view in
her books. These help her to have a strong position in her career.

×