Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Những yêu cầu cần đạt khi dạy học thao tác lập luận phân tích trong sách giáo khoa ngữ văn 11

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (180.69 KB, 6 trang )

NHỮNG YÊU CẦU CẦN ĐẠT KHI DẠY HỌC THAO TÁC LẬP LUẬN PHÂN
TÍCH TRONG SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN 11

Phạm Kiều Anh
1


Thao tác lập luận phân tích là một trong những nội dung được triển
khai dạy trong Sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 11, nhằm trang bị cho học
sinh những tri thức cơ bản về các thao tác lập luận. Mặc dù đây không phải
là nội dung khó song muốn dạy học đạt hiệu quả, giáo viên cần chú ý tới
một số yêu cầu nhất định. Bài viết tập trung xác lập những yêu cầu cơ bản
khi dạy học nội dung này.

1. Mở đầu
Trong chương trình cải cách giáo dục (CCGD), khi dạy học văn bản nghị luận, SGK
Làm văn chia thành các kiểu bài như giải thích, chứng minh, bình luận… Phân tích cũng
được coi là một trong những kiểu bài cơ bản của văn nghị luận. Quan điểm này gắn với một
suy nghĩ là khi tạo lập văn bản, người viết chỉ đơn thuần phân chia nhỏ vấn đề ra để trình bày
nội dung vấn đề. Tuy nhiên, trong quá trình tạo lập, rõ ràng người viết không chỉ sử dụng một
thao tác mà phải sử dụng kết hợp các thao tác lập luận nhằm làm rõ được nội dung vấn đề cần
bàn luận. Chính vì vậy cách gọi kiểu bài phân tích, hay kiểu bài chứng minh là chưa chuẩn
xác, chưa thể hiện đúng đặc trưng cơ bản của kiểu văn bản nghị luận. Muốn học sinh có thể
tạo lập những bài văn có giá trị, cách diễn đạt hấp dẫn sinh động, các em cần phải biết kết
hợp nhiều cách thức lập luận khi trình bày nội dung văn bản. Theo quan điểm đó, chương
trình Ngữ văn Trung học phổ thông (THPT) đã thay đổi thuật ngữ, không gọi là kiểu bài mà
đổi thành khái niệm kiểu văn bản. Và các kiểu bài nghị luận như giải thích, chứng minh…
được gọi bằng tên mới là “thao tác lập luận”.
Quán triệt quan điểm trên, SGK Ngữ văn 11 đã xây dựng một số bài dạy về các thao tác
lập luận, trong đó có nội dung thao tác lập luận phân tích. Đây là nội dung đầu tiên về thao tác
lập luận trong chuỗi các bài dạy về nội dung này. Tuy vậy, để việc dạy bài học này đạt hiệu


quả, trong quá trình dạy học, cần chú ý tới một số yêu cầu nhất định.
2. Nội dung
2.1. Cách triển khai nội dung dạy học thao tác lập luận phân tích
Trong SGK Ngữ văn11, thao tác lập luận phân tích được bố trí dạy ở học kì 1, ngay
trong tuần thứ hai theo kế hoạch năm học. Khi giới thiệu thao tác này, SGK dành 01 tiết cho
việc trang bị những kiến thức cơ bản về thao tác phân tích với hai nội dung cơ bản là:
- Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận phân tích.
- Cách phân tích.

1
ThS, trường ĐHSP Hà Nội 2
Ở nội dung “Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận phân tích”, SGK giới thiệu sơ qua
về phân tích,và sau đó đưa ra ngữ liệu có chứa thao tác lập luận này. Phần sau ngữ liệu là hệ
thống câu hỏi dẫn dắt học sinh tiếp cận với nội dung ngữ liệu, cách phân chia vấn đề, sự kết
hợp giữa phân tích và tổng hợp trong ngữ liệu, tìm các ví dụ về phân tích và cuối cùng là đưa
ra khái niệm về thao tác này cũng như các yêu cầu của nó trong văn bản nghị luận.
Như vậy, SGK không trực tiếp cung cấp khái niệm cũng như yêu cầu khi thực hiện và
sử dụng thao tác này mà hướng dẫn học sinh, thông qua những ngữ liệu cụ thể, tự rút ra
những kiến thức cần thiết.
Trong phần “Cách phân tích”, SGK Ngữ văn 11 đưa ra hai ngữ liệu, một ngữ liệu thuộc
nghị luận văn học và một ngữ liệu nghị luận xã hội và sau đó xác định cách phân tích trong
những ngữ liệu đó. Cách triển khai như vậy sẽ giúp học sinh, dưới sự định hướng của giáo
viên, rút ra những kiến thức cần thiết cho bản thân về thao tác lập luận này. Từ những kiến
thức được rút ra, SGK nêu ra những kết luận cần ghi nhớ và tổ chức luyện tập cho học sinh.
Tuy nhiên, khi giới thiệu cách thức phân tích, SGK mới chỉ tập trung nêu các cơ sở để
phân tách vấn đề. SGK Ngữ văn 11 xác định: phân tích là chia nhỏ đối tượng ra từng yếu tố,
từng khía cạnh theo những tiêu chí, những mối quan hệ nhất định để tìm hiểu cặn kẽ, sâu sắc
đối tượng. Mối quan hệ đó có thể là quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân
quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng liên quan, quan hệ giữa người phân tích với
đối tượng phân tích… Cách nêu như vậy mới chỉ tập trung vào căn cứ để chia tách vấn đề

chứ chưa trình bày các bước phân chia vấn đề. Điều đó sẽ tạo ra những khó khăn nhất định
cho học sinh khi thực hành về thao tác này.
Không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức lý thuyết, SGK Ngữ văn 11 còn bố trí
thêm bài “Luyện tập thao tác lập luận phân tích”. Bài luyện tập cũng được thực hiện trong 01
tiết, sau khi đã dạy bài lý thuyết về thao tác lập luận này. Cách triển khai như vậy đã thể hiện
quan điểm tiến bộ trong việc biên soạn nội dung chương trình Ngữ văn nói chung và phân
môn Làm văn nói riêng. Quan điểm tiến bộ ấy được đề ra xuất phát từ thực tế mục đích của
việc dạy học Làm văn trong nhà trường phổ thông. Dạy Làm văn trong trường phổ thông
nhằm dạy cho học sinh cách thức tạo lập các kiểu văn bản, để sản phẩm của các em có giá trị,
có tính nghệ thuật, và thể hiện sự sáng tạo của các em. Để làm được điều đó, việc dạy học
Làm văn, một mặt phải trang bị hệ thống cơ sở lý thuyết về các kiểu văn bản, mặt khác phải
tạo cho học sinh điều kiện được luyện tập thực hành. Bởi lẽ, thực hành là con đường duy nhất
giúp học sinh củng cố và nâng cao các vấn đề lý thuyết đã học. Đồng thời đây cũng là cơ hội
tốt để các em vận dụng lý thuyết đã học vào quá trình tạo lập văn bản, thể hiện những nhận
thức, những suy nghĩ, những cảm xúc và cả những sáng tạo rất riêng của bản thân khi tiếp
cận với những nội dung giao tiếp cụ thể. Điều đó cũng đòi hỏi khi triển khai nội dung lý
thuyết cần phải tính đến sự cân bằng với nội dung thực hành cho học sinh.
2.2. Mục đích dạy nội dung thao tác lập luận phân tích
Triển khai dạy học nội dung này nhằm giúp cho học sinh có điều kiện hiểu sâu hơn,
đầy đủ hơn bản chất và cách thức thực hiện thao tác phân tích trong quá trình tạo lập văn bản
nghị luận.
Trên thực tế, phân tích là một hoạt động được con người sử dụng hàng ngày trong quá
trình khám phá các yếu tố tự nhiên nhằm chiếm lĩnh thế giới. Để có thể đưa ra những nhận
định chính xác về các đối tượng, các yếu tố trong thế giới khách quan, con người tất phải chia
nhỏ các yếu tố đó thành các bộ phận nhỏ hơn. Việc chia tách ấy xuất phát từ một thực tế là
mỗi sự vật, hiện tượng bao giờ cũng được tạo thành bởi nhiều yếu tố. Các yếu tố này không
tồn tại độc lập mà giữa chúng thường có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau trong một
chỉnh thể thống nhất. Thông qua hoạt động chia tách đối tượng, con người có thể đi sâu vào
bản chất của từng bộ phân cấu thành nên đối tượng. Và hơn nữa, nhờ có hoạt động đó, con
người còn có thể xác định rõ đặc điểm nội dung và hình thức, mối quan hệ bên trong bên

ngoài của từng bộ phận và qua đó đánh giá được một cách chính xác và cụ thể vai trò của
từng bộ phận trong mối tương quan với cái toàn thể, đồng thời có cái nhìn bao quát về toàn
thể đối tượng. Như vậy, phân tích là một hoạt động gắn liền với quá trình tư duy, là một hoạt
động của tư duy logic.
Từ bản chất của hoạt động phân tích, chúng tôi cho rằng, việc dạy học thao tác lập luận
phân tích, một mặt giúp cho học sinh nhận thấy đây là một hoạt động của tư duy logic. Văn
bản nghị luận là kiểu văn bản giúp cho con người bàn luận, đánh giá về các vấn đề của tự
nhiên, của xã hội, của thế giới xung quanh và thông qua việc bàn luận ấy mà con người đưa
ra những chân lý khoa học. Muốn chân lý được rút ra đảm bảo tính chính xác khách quan,
con người phải có quá trình tiếp cận đối tượng thật khoa học và cụ thể. Phân tích là hoạt động
của tư duy đáp ứng được các yêu cầu đó. Nói một cách khác là phân tích là con đường, là
cách thức giúp người tạo lập văn bản có thể dẫn dắt, trình bày vấn đề một cách logic, khoa
học. Nhờ có thao tác này mà người viết mới có cơ sở đưa ra những nhận định khách quan,
chính xác.
Mặt khác, nhờ có phân tích, người viết mới có điều kiện chỉ ra các mối quan hệ bên
trong, bên ngoài của đối tượng, lý giải đặc điểm cấu tạo, nội dung và hình thức của vấn đề.
Bởi vậy, muốn tạo sự thuyết phục cho độc giả khi bàn luận vấn đề, muốn người tiếp nhận tin
và nghe theo những điều được trình bày trong bài văn, một trong những cách thức hiệu quả
chính là sử dụng thao tác lập luận phân tích.
Tóm lại, việc dạy học nội dung này trong SGK Ngữ văn 11 nhằm trang bị cho học sinh
những tri thức cơ bản, tầm quan trọng của phân tích trong văn bản nghị luận. Qua đó, giúp
học sinh biết cách thực hiện và sử dụng thao tác này đúng lúc, đúng chỗ trong quá trình tạo
lập văn bản để việc lập luận của các em chặt chẽ, mạch lạc.
2.3. Những yêu cầu cần đạt khi dạy nội dung thao tác lập luận phân tích
Để việc dạy học nội dung thao tác lập luận phân tích đạt hiệu quả, người dạy cần hướng
tới một số yêu cầu sau:
Trước hết, để học sinh nắm được cách thức thực hiện thao tác này, giáo viên cần trang
bị những hiểu biết về thế nào là phân tích. Trên thực tế, học sinh đã rất quen thuộc với từ này
trong quá trình học môn Ngữ văn, cũng như trong đời sống hàng ngày. Hơn thế nữa, thao tác
lập luận phân tích là nội dung đã được dạy ở lớp 9 trong bài “Phép phân tích và tổng hợp”.

Bởi vậy, giáo viên có thể vận dụng quan điểm tích hợp khi trang bị cho học sinh khái niệm
phân tích. Việc vận dụng quan điểm tích hợp được thực hiện thông qua việc kiểm tra lại các
kiến thức về phân tích mà các em đã được học từ lớp 9, và qua đó hướng dẫn học sinh tiếp
cận và tìm hiểu các ngữ liệu trong SGK Ngữ văn 11. Khi vận dụng quan điểm này, giáo viên
bắt đầu bằng cách cho học sinh huy động những kiến thức đã học về thao tác lập luận phân
tích mà các em đã học ở lớp 9 thông qua hệ thống câu hỏi về khái niệm “phân tích”, về đặc
điểm phân tích (đó là sự phân chia, tách nhỏ luận điểm, hay luận cứ cần bàn luận) và mối
quan hệ giữa phân tích và tổng hợp. Đồng thời, giáo viên cũng có thể tận dụng những kiến
thức về phân tích để hướng dẫn học sinh tìm hiểu các ngữ liệu trong SGK để xác định cơ sở
của sự phân tích. Việc làm này sẽ giúp giáo viên vừa kiệm thời gian, vừa vận dụng được quan
điểm cơ bản, chỉ đạo việc biên soạn SGK hiện hành.
Sau khi cho học sinh huy động các kiến thức về thao tác lập luận này, giáo viên hướng
dẫn học sinh đánh giá vai trò, mục đích, yêu cầu của thao tác phân tích. Khi thực hiện nhiệm
vụ này, giáo viên cần xác định rõ trong quá trình tạo lập văn bản, việc thực hiện thao tác lập
luận nhằm đạt được những mục đích nào, khi tách nhỏ vấn đề, người viết cần lưu ý tới những
yêu cầu gì? Các việc làm này cần phải được thực hiện bởi qua đó mà học sinh hiểu thấu đáo
hơn về thao tác lập luận này trong văn bản nghị luận cũng như trong quá trình tạo lập văn
bản. Khi viết văn nghị luận, các em không phân tích theo kiểu diễn xuôi hay chia tách làm
vụn vặt nội dung vấn đề, mà khi phân tích các em căn cứ vào các mối quan hệ mà phân chia,
từ đó tổ chức lập luận để lời văn của các em chặt chẽ, chính xác. Nói một cách khác, việc làm
trên sẽ giúp cho học sinh hiểu đúng hơn ý nghĩa, yêu cầu của thao tác lập luận này và qua đó
hình thành ý thức cẩn trọng trong khi thực hiện thao tác này để tạo lập văn bản.
Trọng tâm của bài “Thao tác lập luận phân tích” là ở nội dung “cách phân tích”. Thông
qua nội dung này, giáo viên hướng dẫn cho học sinh biết cách xây dựng một lập luận phân
tích, hay chính là nắm được các bước tiến hành thao tác phân tích. Tuy vậy, SGK Ngữ văn
11, thông qua hai ngữ liệu cụ thể để hướng dẫn học sinh đạt đến nhận xét: là sự chia nhỏ đối
tượng theo những tiêu chí, những mối quan hệ, và xác định mối quan hệ giữa phân tích và
tổng hợp. Như vậy, học sinh sẽ rất khó xác định các bước thực hiện thao tác này khi tạo lập
văn bản. Vì vậy, khi hướng dẫn học sinh học nội dung này, giáo viên cần bổ sung thêm các
bước thực hiện thao tác phân tích. Về cơ bản, thao tác này thường được thực hiện theo các

bước sau:
Bước 1: Xác định nội dung, vấn đề cần phân tích (Đây là bước định hướng cho việc
chia nhỏ vấn đề).
Bước 2: Xác định các khía cạnh, các bộ phận của nội dung cần phân tích. Bước này là
bước tiền đề, giúp cho người viết có điều kiện, có cơ sở tìm các luận cứ, luận chứng chính
xác, phù hợp phục vụ cho việc biểu đạt nội dung. Việc xác định các khía cạnh, các bộ phận
này được thực hiện dựa trên căn cứ là các mối quan hệ (quan hệ nhân quả, quan hệ giữa các
yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ giữa các đối tượng liên quan, quan hệ giữa người phân tích
và đối tượng phân tích). Khi xác lập các khía cạnh, người viết cần căn cứ vào mục đích nghị
luận để lựa chọn các quan hệ cho phù hợp.
Bước 3: Sắp xếp các khía cạnh, các bộ phận theo trình tự hợp lý. Đây là bước thực hiện
nhằm tạo sự hệ thống, tầng bậc cho nội dung được phân tích. Căn cứ vào việc sắp xếp này,
người viết có cơ sở trình bày nội dung một cách logic, mạch lạc.
Bước 4: Trình bày từng khía cạnh, từng bộ phận theo trình tự đã sắp xếp. Khi thực hiện
công đoạn này, người viết cần chú ý tới cách tạo sự liên kết giữa các ý, các khía cạnh của vấn
đề. Đây chính là bước cụ thể hoá nội dung phân tích. Ở bước này, người viết huy động các
yếu tố ngôn ngữ, kết hợp với các luận cứ để lời văn được trình bày một cách cụ thể, chính
xác.
Bước 5: Chốt lại vấn đề cần phân tích. Việc bao quát vấn đề cũng phải căn cứ trên
những khía cạnh đã được phân tách. Phải đầy đủ các khía cạnh, phải đánh giá đúng mối quan
hệ và chỉ rõ bản chất của vấn đề đã được phân chia để từ đó người tiếp nhận có cái nhìn tổng
thể về vấn đề.
Để học sinh có thể sử dụng thao tác này tốt nhất, giáo viên cũng cần tổ chức luyện tập
thực hành. Hoạt động thực hành phải được thực hiện ngay sau khi dạy lý thuyết và trong bài
thực hành về thao tác này. Việc tổ chức thực hành phải thực hiện theo đúng các công việc
như: ôn tập kiến thức, nhận diện phân tích trong các ngữ liệu, và tập phân tích theo những
yêu cầu, những nội dung cụ thể.
3. Kết luận
Thao tác lập luận phân tích là một trong những nội dung không thể thiếu trong quá trình
hướng dẫn học sinh tạo lập văn bản nghị luận. Tuy nhiên, để các em có thể sử dụng thành

thạo thao tác này, trong quá trình dạy học, giáo viên cần chú ý tới một số yêu cầu cụ thể. Từ
việc đánh giá cách triển khai nội dung, mục đích của việc dạy học này, chúng tôi nêu ra một
số yêu cầu cơ bản cho việc dạy học nội dung này, để việc dạy học đạt hiệu quả cao nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nhiều tác giả, Nâng cao kỹ năng làm bài văn nghị luận, Nxb Giáo dục, H.,
2006.
2. SGK Ngữ văn 9 (Tập 2), Nxb Giáo dục, H.
3. SGK Ngữ văn 11 (Tập 11), Nxb Giáo dục, H.
4. Nguyễn Quốc Siêu, Kỹ năng làm văn nghị luận phổ thông, Nxb Giáo dục
(2000).

SOME REQUIREMENTS TO FULFIL WHEN TEACHING ANALYSIS AS A
PATTERN OF ORGANIZATION INTRODUCED IN PHILOLOGY 11
Pham Kieu Anh
Abstract
Analysis as a pattern of organization is one of the teaching items introduced in
Philology 11. The aim of teaching the item is to provide students with the basic knowledge of
this pattern of organization. This is not a difficult item but in order to teach it effectively the
teacher is to attend to certain requirements. The article is focused on imposing some
requirements in relation to the teaching of this item.

×