Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Thanh tâm tuyền trước 1975 từ quan niệm văn học tới nội dung thi ca

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (238.21 KB, 13 trang )

THANH TÂM TUYỀN TRƯỚC 1975 –TỪ QUAN NIỆM VĂN HỌC
TỚI NỘI DUNG THI CA
Dương Thị Thúy Hằng
1


Thanh Tâm Tuyền là một trong những cây bút tiêu biểu của thơ miền Nam Việt
Nam trước năm 1975. Cho tới ngày nay, đây còn là một hiện tượng thơ gây nhiều tranh
cãi. Thanh Tâm Tuyền có một hệ thống quan niệm văn chương rõ ràng. Điều này ảnh
hưởng trực tiếp tới sáng tác của ông, trước hết là ở mặt nội dung.

1. Mở đầu
Thanh Tâm Tuyền (1936 – 2006), cây bút của dòng thơ Tự do thập kỉ 60, 70 tại miền Nam Việt
Nam; Thanh Tâm Tuyền – tác giả của những đối nghịch, mâu thuẫn; Thanh Tâm Tuyền - nhà thơ của tình
yêu thời chia cách. Hơn nửa thế kỉ đã qua kể từ khi những sáng tác đầu tiên của Thanh Tâm Tuyền đăng trên
tạp chí Sáng Tạo, lời chê tiếng khen vẫn không ngớt quanh tác giả này. Một hiện tượng văn học, gây ra
những đột biến hay là tạo ra sự đổ vỡ cho thơ ca? Cho đến nay, đây vẫn là một tác giả gây ra những luồng
dư luận thuận nghịch, những tương phản trong độc giả và giới phê bình ở Việt Nam và hải ngoại. Nói đến
thơ Thanh Tâm Tuyền, người ta chú ý đến sự kết hợp của ba yếu tố: tượng trưng, siêu thực, xã hội.
2. Nội dung
2.1. Quan niệm thơ ca của Thanh Tâm Tuyền. “Trước thư lập ngôn”, câu nói này rất đúng với
Thanh Tâm Tuyền. Bên cạnh việc làm thơ, viết truyện, Thanh Tâm Tuyền có quan niệm nghệ thuật - thơ
ca khá rõ ràng. Những phát ngôn của ông tập trung trong các tiểu luận “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”
(viết năm 20 tuổi), “Nhân nghĩ về hội hoạ” (viết năm 20 tuổi), “Nghệ thuật đen” (viết năm 24 tuổi).
Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi tìm hiểu quan niệm nghệ thuật trong tiểu luận “Nỗi buồn
trong thơ hôm nay”.
“Nỗi buồn trong thơ hôm nay” ra đời 1955, sau được in trong lời đề tựa tập thơ Liên thơ 1956 –
1960 (in 1960). Nhan đề tiểu luận được hiểu theo hai nghĩa: nguyên nhân của sự đáng buồn trong việc
tiếp nhận thơ hôm nay (chữ dùng của Thanh Tâm Tuyền) và đặc điểm của nỗi buồn trong thơ hôm nay,
trong đó chủ yếu nhấn mạnh nội dung thứ hai. Thực chất, nhiều người coi đây là tuyên ngôn cho dòng thơ
Tự do mà Thanh Tâm Tuyền là một trong những người khởi xướng.


Thanh Tâm Tuyền cho rằng đặc điểm dễ nhận dạng nhất của thơ tự do, thơ hôm nay chính là vấn
đề nhịp điệu. Đây cũng là yếu tố phân biệt thơ tự do – thơ chính thể, truyền thống. Thơ tự do không phải
là thơ phá thể như sự nhầm lẫn của số đông. Thơ phá thể là bước phát triển hơn so với thơ truyền thống,
song theo Thanh Tâm Tuyền lại là biểu hiện của thơ mới ở ngõ cụt, nhạc điệu của thơ phá thể là thứ nhạc
điệu nghèo nàn giả tạo nhất. Nhạc điệu trong thơ phá thể, cũng như truyền thống, là một thứ nhạc điệu bề
ngoài, dễ nhận thấy, thứ nhạc điệu cũ kĩ, tìm mối liên hệ giả tạo giữ các vần, thanh, âm. Nhạc điệu của

1
Trường ĐHSP Hà Nội 2
thơ tự do không phải ai cũng nhận thấy, nhưng đây là yếu tố giúp phân biệt rạch ròi giữa thơ tự do – thơ
truyền thống – thơ phá thể. Theo Thanh Tâm Tuyền, thơ tự do “không gieo vần lối đồng âm, đồng thanh,
vần của nó là vần ẩn giấu cách xa (có thể đi tới lối khác âm, nghịch thanh), nhịp điệu của nó là sự phối
hợp của một toàn thể trong khuôn một số câu nhất định khiến cho hơi thơ tự do dễ kéo dài hơn các hơi
thơ khác”
2
Đó là nhịp điệu bên trong.
Cổ suý cho thơ tự do, Thanh Tâm Tuyền hướng đến thứ nhạc điệu đặc biệt, nằm ẩn khuất sau lớp
câu chữ và không phải ai cũng nhận ra - nhịp điệu ý thức. “Nhịp điệu ý thức”, cụm từ mới mẻ, là sự kết
hợp “nhịp điệu hình ảnh’ và “nhịp điệu ý tưởng”. Ý tưởng thể hiện ra bởi hình ảnh. Cách liên kết sắp xếp
của ý tưởng như thế nào sẽ tạo ra sự vận động của hình ảnh như vậy, và ngược lại. “cả hai thứ nhịp điệu
trên chỉ là sự thể hiện của nhịp điệu của ý thức, hơn bao giờ hết người ta sẽ thấy các nhà thơ hôm nay là
những ý thức muốn thể hiện bằng thơ ca”
3
. Việc hình thành và phát triển được nhịp điệu ý thức chính là
yếu tố quyết định đâu là thơ, đâu không phải là thơ: “dù viết xuôi hiển nhiên thơ xuôi không phải là văn
xuôi. Cái nhịp điệu của ý thức sinh ra nhịp điệu của ý tưởng, của hình ảnh, nằm trong sự điều hoà tự thân
phức tạp, không có quy luật nhất định, nó tuỳ thuộc vào từng nhà thơ”.
Từ việc phân chia các khái niệm nhịp điệu bên ngoài, nhịp điệu - nhịp điệu bên trong, thơ tự do –
thơ hôm nay, thơ truyền thống – thơ phá thể; Thanh Tâm Tuyền cho rằng có hai thứ nghệ thuật: Apollon
và Dionysos, theo đó có hai nhân sinh quan chi phối sự hình thành yếu tố nội dung ở thơ ca, nghệ thuật.

Cách phân chia khá cực đoan. Tất cả những sáng tác nghệ thuật chau truốt, mang nội dung êm đềm, tốt
đẹp, bình lặng… đều được xếp vào hàng nghệ thuật Apollon, đều là bắt nguồn từ nhân sinh quan bình
yên, nhìn ngắm và chấp nhận đời sống chứ không phải là đấu tranh chống lại và vượt thoát đời sống. Với
Thanh Tâm Tuyền, nghệ thuật đích thực, nghệ thuật của “ngày hôm nay” thuộc về Dyonisos, khó được
người đọc chấp nhận song lại là vĩnh cửu: “Nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong
những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng, mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ
một nhân sinh quan bi thảm, đắm chìm trong khổ đau không bao giờ chịu chấp nhận”. Thơ tự do đi theo
thứ nghệ thuật này, nghệ thuật Dyonisos.
Với Thanh Tâm Tuyền, nghệ thuật của ngày hôm nay chính là một sự phá vỡ tất cả những yếu tố
tồn tại trong nghệ thuật truyền thống. Thơ ca xa lạ với thiên nhiên, tình yêu, mơ mộng. Người sáng tác là
con người thực tại, không phải là thi nhân hay nhà thơ, bởi vậy, nhân sinh quan của họ cũng là một thứ
nhân sinh quan dữ dội. “Nên họ không mơ mộng nghĩa là không tạo những hình dáng cho cuộc đời vốn
đã là một hình dáng, họ muốn nhìn thực tế cuộc sống bằng con mắt trợn tròn căng thẳng phá vỡ hết mọi
hình dáng để sự vật hiện ra với thực chất hỗn loạn không che đậy” , “là kẻ ăn mày lẫn giữa đám đông
khốn cùng với một mẩu tự do sót lại”. Nỗi buồn trở thành tâm điểm của thơ ca, cô đơn là bản thể của sáng
tạo nghệ thuật và mới lạ là sức sống của mỗi sáng tác: “không chuyển sự cô đơn lên bầu trời bình yên để
hoà đồng trong tĩnh mịch trường cửu, hắn vục mặt vào cô đơn giữa một dòng náo động bi phẫn đòi gần
gũi trước mặt nhau” và: “ý thức quằn quại chập chờn cùng với những cồn cào của cơ thể, những hỗn
loạn của thực tế. Phá vỡ những giấc mộng quen thuộc, thơ hôm nay đưa người ta đi tìm sự thực, con mắt

2
. Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam (tập 2), Nxb Quê mẹ, Paris 1992, tr 275
3
. Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam (tập 2), Nxb Quê mẹ, Paris 1992, tr 275

vừa tỉnh còn ngái ngủ trông thấy sự vật hiện lên những hình thù quái đản và người ta không thể không
luyến tiếc cái thế giới hình dáng đã tạo dựng bằng ảo tưởng”.
Phần lớn những sáng tác của Thanh Tâm Tuyền sau này sẽ là sự minh hoạ cho quan niệm mà ông
đã trình bày ở “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”.
2.2. Thanh Tâm Tuyền, sự kết hợp của tượng trưng – siêu thực – xã hội. Đây có thể xem là

nhận xét đầu tiên khi nói về thơ Thanh Tâm Tuyền. Nói một cách công bằng, thơ Thanh Tâm Tuyền đem
lại cho chúng ta, dù lần đầu tiếp xúc, những ấn tượng trái ngược nhau. Không phải ai cũng chấp nhận nó,
chấp nhận nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt những sáng tác ấy, và nắm bắt được rồi thì cơ hồ chỉ
là một phần rất nhỏ trong thế giới của tượng trưng, siêu thực.
Trong lời đề tựa của cuốn truyện Bếp lửa, Thanh Tâm Tuyền viết: “Hắn lớn lên trong một thành
phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết. Hắn đọc
Max tìm thấy giấc mộng “biến cải thế giới”, đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng “thay đổi cuộc đời”, đọc
Dostoievski tìm thấy thái độ “tất cả không có gì hết”, đọc Gide tìm thấy “đời sống thành khẩn trung
thực”, đọc Malraux tìm thấy hào quang của trí tuệ đối đầu với Định Mệnh, đọc Sartre tìm thấy “cuộc
hiện sinh chọn lựa”. Hắn lớn lên cùng bạn bè vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động.
Mỗi đứa một lối lần mình theo mỗi cám dỗ lớn lao của hư vô. Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bạn bè,
dấn thân vào lịch sử, đuổi theo giấc mộng phiêu lưu của trí tuệ mà trong đó, nhà văn, nhà thơ đóng vai,
kẻ sống sót của một thời định mệnh. Họ đã gánh vác trên vai gánh nặng của thế gian”
4
. Bếp lửa là một
tác phẩm thường thường bậc trung, chứa đựng những tư tưởng siêu hình, bi quan của đời sống hiện sinh,
xoay quanh nhân vật chính là Vũ Đạo Anh, lời đề tựa nói trên đều mang tính cường điệu và phóng đại,
nhưng khi đối chiếu vào thơ Thanh Tâm Tuyền, cái tôi của cây bút này lại chính là hình ảnh minh hoạ cho
những điều mà Thanh Tâm Tuyền viết về Vũ Đạo Anh. Theo sự mô tả ấy, Thanh Tâm Tuyền trong thơ là
sự cộng gộp, đan xen và sống trong nhau của Marx, Gide, Rimbaud, Malraux, Strate; nói cách khác, đó là
sản phẩm của sự hợp lưu ba dòng: siêu thực, tượng trưng, xã hội.
2.2.1.Thanh Tâm Tuyền với siêu thực, tượng trưng.
Siêu thực và tượng trưng là hai trường phái lớn trong sự phát triển của thơ ca thế giới. Chủ nghĩa
tượng trưng đề nghị thơ không phải là miêu tả, kể chuyện, mà phải chạm đến bản chất của sự vật, bên kia
vẻ bề ngoài của nó. Thơ phải sử dụng các biểu tượng (symbole), mang tính “khơi gợi tính lỏng, tính nhạc,
tính phù chú” . Nerval (1808 – 1855) và Baudelaire (1821 – 1867) là hai người mở đầu cho tượng trưng.
Baudelaire gọi vũ trụ là rừng biểu tượng, là những tương ứng theo trục dọc và trục ngang: “Hương thơm,
màu sắc, thanh âm tương ứng nhau”. Mallarme (1842 – 1898) không hoàn toàn thuộc trường phái nào,
nhưng lại đẩy chủ nghĩa tượng trưng tới thơ bí hiểm, luyện đan. Ông cho rằng ngôn ngữ thông thường
không thể nói được cái bản chất thật sự của sự vật, bởi thế câu thơ, phải tạo ra từ ngữ mang tính tổng

thể, mới, xa lạ với ngôn ngữ thông thường và giống như thần chú” ,bù đắp cho sự khiếm khuyết của ngôn
ngữ, theo Mallarme, chính là dự tính bổ sung cho sự bất lực cố hữu ở mọi ngôn ngữ của con người để

4
Nhiều tác giả (Vũ Hạnh, Thạch Phương, Huy Khánh…), Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt
trận văn hoá tư tưởng, Nxb Văn hoá, Hn 1980, tr 91

thiết lập nên những liên hệ tương đồng giữa ngôn ngữ và thế giới, giữa từ ngữ và sự vật, giữa các kí hiệu
đã được tổ chức trong chúng làm thức dậy… Đó cũng là bản chất khi nói đến thơ tượng trưng và siêu
thực. Và nếu như tượng trưng được thiết lập trên nền tảng các biểu tượng thì siêu thực đã “đề xuất với
chúng ta sự đảo lộn các ý tưởng, các hình ảnh, các huyền thoại, các thói quen thuộc về tinh thần đã quyết
định đồng thời nhận thức của chúng ta đang có về chính chúng ta, về thế giới và sự dấn thân của chúng
ta về thế giới đó” .
Thơ Thanh Tâm Tuyền chứa đựng những yếu tố nói trên, bởi nó là kết quả từ sự tác động của chủ
nghĩa tượng trưng, siêu thực Pháp đến tác giả này.
Nói đến thơ là nói đến hình ảnh. Đến với thế giới thơ Thanh Tâm Tuyền, chúng ta tìm đến với tập
hợp những hình ảnh khác lạ, tạo nên một thứ nhịp điệu hình ảnh như tác giả đã phát biểu. Những ý tưởng,
những hình ảnh Thanh Tâm Tuyền sử dụng thường không nằm trong những ước lệ của tiếng nói, lối suy
tư hàng ngày; ta thường không hiểu, không nhìn ra hết ý tứ đằng sau lớp hình ảnh đó. Không phải một mà
lớp lớp hình ảnh đặt cạnh nhau, đã tạo nên “những va đập chói loà về ngôn ngữ” như J.Vaché từng nói.
“Toàn là những hình ảnh họp chợ trong bài thơ. Và hình ảnh này là bản đồ của thế giới tiềm thức, nếu
không là siêu thực. Nơi quá khứ bí ẩn đang chói lọi.Nhưng cũng có thể là hình ảnh báo hiệu sẽ hiện ra
trong tương lai trên trái đất hay nơi tinh cầu nào. Hình ảnh hiện ra theo lối so sánh hay đồng hoá. Mỗi
hình ảnh thoát vượt bài thơ để lập thành một bài thơ mới”
5
. Thanh Tâm Tuyền nói về việc làm thơ của
mình, trong đó hiện rõ hai yếu tố cơ bản nhất của chủ nghĩa siêu thực: lối viết tự động và hình ảnh. Hình
ảnh mang tính chất mộng mị, chiêm bao: “Tôi sống thường trực bằng hình ảnh / Bài thơ này tôi viết trong
giấc mơ” (Hình ảnh). Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, “phải xua đuổi, gột rửa mười lăm thế kỷ đọc thơ Việt,
mới yêu thích được bài thơ trên đây”. Sự xuất hiện của những hình ảnh bất thường dày đặc, sự kì dị, ngột

ngạt: “Đêm giao thừa thế kỉ mưa rơi sao / Mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi / bàn tay mây
mắt trăng môi nhiệt đới”
6
. Ba câu thơ có đến tám hình ảnh lạ, loại hình chưa xuất hiện trên thơ Việt
trước đây: đêm giao thừa thế kỉ, mưa rơi sao mái sáng, đường nằm chiêm bao, biển giận dỗi, bàn tay
mây, mắt, trăng, môi. Chất siêu thực chiếm trọn ba câu. Nhiều từ ngữ bị lược bỏ tạo nên những “bước
nhảy cóc” về ý tưởng. Cũng vậy, toàn bộ bài Phục sinh 39 câu, bài thơ từng gây phản cảm với một bộ phận
không nhỏ bạn đọc, tồn tại những danh từ thường nhật như: phố, nắng, tôi, chiều, sao, chuông, đứa nhỏ, linh
hồn, chó, sông nước, tội lỗi, chó sói, cổ, nhân loại, người, đao phủ, tiếng kêu, kinh cầu, thế kỷ, hơi thở,
ngực, lửa, cửa, tâm hồn, sự thật. Từng ấy chữ gắn kết bởi những động từ xưa cũ: gọi, vỡ, thao thức, hét,
lang thang, giết, gào, bóp cổ, tha thứ, chờ đợi. Nhưng sự kết hợp ấy tạo nên sự khó hiểu, dị kì. Ai có thể
chắc mình thấu triệt ý tưởng của những câu: “Tôi buồn khóc như buồn nôn / Ngoài phố / Nắng thuỷ tinh/
Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ”. Một hình thức thơ mở, dang dở và có thể tiếp nối. Có người giải thích sự ziczăc
của câu thơ cũng chính là sự ziczăc của cuộc đời. Diễn ý: tôi buồn khóc như buồn nôn. Tôi nhìn ra ngoài
phố thì nắng vẫn thuỷ tinh, từ đó có thể hiểu: sự đứt đoạn của câu thơ giống sự đứt đoạn cuộc đời. Thực tại
là một chuỗi liên tục đứt đoạn. Thi Vũ cho rằng đó chính là sự phân đôi, huỷ thể: giết cái tôi tha hoá, từng

5
Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam (tập 2), Nxb Quê mẹ, Paris 1992, tr 210
6
Thanh Tâm Tuyền, Tôi không còn cô độc, Tài liệu lưu tại thư viện Khoa học xã hội, tr 45

phút để phục sinh mà sống với thơ,với đời. Đó cũng chỉ là ý kiến của những cá nhân riêng lẻ, mang tính chủ
quan lớn.
Dựa theo lý thuyết phân chia các cấp độ hình ảnh trong thơ siêu thực của Robert Berchon (cuốn
Chủ nghĩa siêu thực) thì hình ảnh trong thơ siêu thực đi theo ba cấp độ xây dựng hình ảnh (tất nhiên, đây
chỉ là sự phân định của cá nhân người viết).
1. Những hình ảnh được nối với nhau bằng từ “ như”
- Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai (Liên, những bài thơ tình thời chia cách)
- Chia tay cho ta đi như một loài cỏ cây điên dại / Như một hồn lang thang không gặp được bóng

mình (Thức giấc – Liên, đêm mặt trời tìm thấy)
- Như mắt – như ngõ hoang hồn này (Trời xẫm)
- Anh chôn tình yêu không / Điên như đá (Bài hát buồn)…
Hai vế A và B được so sánh với nhau, cách so sánh này đơn giản và khá phổ biến trong thi ca.
Tuy nhiên, vế B của những câu thơ trên thường gây khó hiểu, bất ngờ vì tính chất siêu thực của nó. Số
lượng này chiếm phổ biến trong hai tập thơ của Thanh Tâm Tuyền.
2. Cấp độ thứ hai, thay vì được kết hợp bởi liên từ “như” hoặc từ tương đương, A và B được đặt
cạnh nhau, để người đọc tự cảm nhận. Trường hợp này không phổ biến qua Tôi không còn cô độc và Liên,
đêm mặt trời tìm thấy.
- Con mắt đen niềm im lặng (Đêm – Liên, đêm mặt trời tìm thấy)
- Đêm giao thừa thế kỉ / mưa rơi sao (Chim – Tôi không còn cô độc)
3. Loại so sánh thứ ba rất đặc trưng cho chủ nghĩa siêu thực, được gọi là “ẩn dụ cụt” (các hình
ảnh được so sánh không còn được đặt gần nhau mà có sự thay thế từ vế này sang vế kia), xuất hiện rất ít
trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Ví dụ: Hạt mưa long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt. Hạt mưa gợi nhớ đến nỗi
nhớ, sự xa cách hay là sự xa cách, nhớ nhung gợi nhớ đến hạt mưa?
Bên cạnh đó, chúng ta bắt gặp sự kết hợp của những hình ảnh khác xa về tính chất:
- Ngón tay âm thầm trò chuyện
- Em có thấy hư vô đắp dưới mền tóc dày ( Bài hát buồn )
- …
Tất cả những hình ảnh nói trên đều hướng tới một thực tại được tái tạo qua vô thức, phủ nhận vai
trò của ý thức.
Thanh Tâm Tuyền được nhận xét là một cây bút phức tạp, khó hiểu còn bởi tính chất tương phản
giữa các thế giới được thiết lập trong thơ. Thơ Thanh Tâm Tuyền được xây dựng dưới sự tác động của lý
thuyết về tượng trưng, siêu thực nhưng cội nguồn, khởi thuỷ của nhiều khó hiểu lại bắt nguồn từ triết lý
hiện sinh. Ở đây, vừa có sự đồng thuận, vừa có sự đối lập giữa triết lý hiện sinh và biểu hiện siêu thực. Sự
đối lập này tạo nên hai thực tại tương phản: thực tại hiện sinh trong cái nghĩa đi đến tận cùng của nhận
thức, lý trí chủ động biện chứng và thực tại siêu thực, tái hiện hiện thực qua giấc mơ, vai trò của lý trí bị
phủ nhận. Dưới đây, chúng tôi trình bày những hiểu biết bước đầu về thực tại hiện sinh trong thơ Thanh
Tâm Tuyền.
Trước hết, thơ Thanh Tâm Tuyền tràn ngập các thuật ngữ: buồn nôn, hiện hữu, cô đơn, tự do, lưu

đày, phi lý… Điều này gợi nhớ đến phương trời khác: một Roquetin của Strate: “Tôi buồn khóc như buồn
nôn / Ngoài phố / Nắng thuỷ tinh / Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ / Thanh Tâm Tuyền (…) Tôi buồn chết như
buồn ngủ / Dù tôi đang đứng trên bờ sông”…Tại sao lại là “phục sinh”, phục sinh phải chăng là tái sinh?
Tồn tại hai cái tôi trong một chủ thế: “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ”: một cái tôi hiện hữu (tôi gọi tên tôi) và
một cái tôi vắng mặt (cho đỡ nhớ). Sự phân thân và phân tâm vừa chứng mình sự đổ vỡ không cách gì
cứu vãn trong con người, vừa là nhận thức sâu xa về những mất mát, tứ tán của chính bản thân mình.
Trong “Đen” – bài thơ vẫn được coi là bằng chứng thể hiện mối quan hệ giữa sáng tác Thanh
Tâm Tuyền và màu da, nhà thơ này đã đi vào một khía cạnh khác của đời sống hiện sinh: “Một người da
đen, một khúc hát đen/ bầu trời đen sâu không cùng / những giòng nước mắt / xé nát thân thể bằng tiếng
kèn đồng / bằng giọng của máu, của tuỷ, của hờn bắt đầu ngày tháng (…) trêm màu da nức nở / trong
hộp đêm / bắt đầu chảy máu những thầm kín khóc cổ họng mình /ngón tay cấu lấy ống kèn như một bùa
thiêng”. Thanh Tâm Tuyền không đứng ngoài để tả về người nghệ sĩ da đen, tác giả xuất phát từ da, thịt,
máu, nước mắt, tiếng kèn của người nghệ sĩ để phóng ra những âm thanh, những hình ảnh khốc liệt của
một khúc hát đen, trong bầu trời đen, với những dòng nước mắt xé nát thân thể, tiếng kèn đồng, trên màu
da nức nở. Đi sâu kiệt cùng, không có sự kiểm duyệt của lý trí, hình ảnh mặc sức phát triển: Tất cả đều là
biểu hiện của sự tan nát, vỡ vụn: xé nát thân thể, giọng của máu, của tủy, của hồn, tan vỡ hôm qua, hôm
nay, kể gì ngày mai…, đều để thể hiện ý tưởng: không có gì có thể giải quyết nổi, sự bất lực trước nỗi đau
con người.
Nhìn nhận về thực tại hiện sinh trong thơ Thanh Tâm Tuyền như thế nào? Để hiểu rõ, chúng tôi
đặt hiện sinh của Thanh Tâm Tuyền trong sự đối sánh với hiện sinh của Albert Camus. Những tác phẩm
của Camus - những tác phẩm được đánh giá là chứa đựng những giá trị thâm sâu và nhân bản nhất của
con người
7
, đề cập đến một thứ hiện sinh đạt đến trình độ triết học (triết học phi lý), đề cập đến một thứ
phản kháng tất cả những âm mưu, những sức cản làm giảm bớt khả năng của con người trong việc nắm
bắt những cơ hội để sống hạnh phúc trong vòng giới hạn ấy; hiện ra dưới bất cứ dạng nào: tinh thần, cá
nhân, định chế… Hiện sinh trong thơ Thanh Tâm Tuyền chưa đạt đến trình độ ấy. Nó dừng lại ở sự buồn
chán, bế tắc của người không tìm được hướng đi cụ thể trên đường đời, ngơ ngác, hoang mang, ngờ vực,
cuối cùng hướng đến cõi mông lung, tuyệt vọng. Có những sáng tác mang giá trị nhân bản (Đen), song số
đó không nhiều, không tiêu biểu cho hiện sinh của Thanh Tâm Tuyền. Mặt khác, cần chú ý rằng nội dung

hiện sinh của Thanh Tâm Tuyền sở dĩ không đạt đến “trình độ bậc thầy” của Anbert Camus vì nó phát
khởi từ những mục đích chính trị nhiều hơn từ mục đích vì cá nhân con người.
2.2.2.Thanh Tâm Tuyền và xu hướng xã hội

7
Trong một tiểu luận đề tựa là “Camus in America”, Serge Doubrovsky đã cho rằng Camus là một nhà văn vĩ đại
của nước Mỹ, của nhân loại. Và mặc dù Camus đương nhiên là một nhà văn lớn của Pháp, nhìn dưới khía cạnh quần
chúng, ông vĩ đại hơn nữa trong lòng người Mỹ. Trường hợp đặc biệt và độc đáo nhất của Camus được tạo ra do sự
liên đới cảm nhận và chia se giữa Camus, tác phẩm của ông và nhân loại.
Ở bất cứ nhà thơ nào, dù muốn dù không, yếu tố xã hội là một yếu tố quan trọng. Thanh Tâm
Tuyền cũng vậy.
Quan niệm về cuộc sống, xã hội, con người được Thanh Tâm Tuyền nói đến trong tiểu luận: “Nỗi
buồn trong thơ hôm nay”: “Nên họ không mơ mộng nghĩa là không tạo những hình dáng cho cuộc đời
vốn đã là một hình dáng, họ muốn nhìn thực tế bằng con mắt trợn tròn căng thẳng phá vỡ hết mọi hình
dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy” . Sau này, trong tiểu luận “Nghệ thuật
đen”, quan điểm về sự hiện diện của đời sống nghệ thuật trong thơ ca cũng như tác động của thơ ca đến
xã hội tiếp tục được trình bày, ở một dạng khác hơn. Nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền chủ trương chống
lại các nhà đạo đức, người văn minh và những người macxit: “ba hạng người chỉ nhìn thấy vấn đề trên
bình diện xã hội (…) lối giải thích văn chương nghệ thuật bằng xã hội chỉ giúp người ta đứng ở bên ngoài
mà la lối hò hét với những thiên kiến và chỉ nạt nộ được những kẻ yếu bóng vía và vô ý thức”]. Thanh
Tâm Tuyền hướng đến thứ nghệ thuật là “khởi nguyên của ý thức, là mầm mống của thay đổi của sáng
tạo (…) là điều kiện cho một nhận thức sâu xa hơn về đời sống, rũ bỏ những huyễn ảnh của kẻ bấy lâu
ngồi trong hốc đá”.
Thực tại không trọng vẹn. Bên cạnh những sáng tác mang dấu ấn của siêu thực, tượng trưng,
những dòng thơ là sản phẩm của tư tưởng hiện sinh, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, chúng ta tìm thấy một
thực tại đầy nghĩ suy, không trọn vẹn và mang dấu ấn sâu đậm của thời cuộc. Đó là nét tiêu biểu nhất khi
xem xét hình ảnh cuộc đời trong sáng tác của cây bút này. Đây cũng là một điều khá hiếm hoi, được coi là
thật sự giá trị trong mớ huyên náo, hổ lốn của thơ ca miền Nam 1954 – 1975.
Thanh Tâm Tuyền không làm thơ vui. Đi suốt hai tập thơ “Tôi không còn cô độc”, “Liên – đêm
mặt trời tìm thấy”, cũng như một số sáng tác sau 1964, trước 1975, ta nhận thấy dằng dặc nỗi buồn, khi

thoáng nhẹ, lúc bị giằng xé, vỡ vụn. Nỗi buồn về thời cuộc, chiến tranh; về thân phận con người, về sự
chia tách, xa lìa, quyết không thể chỉ là những rung cảm theo kiểu “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.
Cuộc chiến khốc liệt, sự sống và cái chết mong manh gang tấc, sự ra đi vĩnh viễn của người con gái mang
tên Liên, hay thân phận của một dân tộc nhược tiểu; những áp lực từ chính trị hay sự nhạy cảm của một
con người nhiều nghĩ suy? Đâu là nguyên nhân tạo nên cái buồn trong thơ Thanh Tâm Tuyền? Buồn, đến
đỉnh cao thành đau, thành khổ nạn. Thanh Tâm Tuyền của những câu thơ siêu thực kì dị, Thanh Tâm
Tuyền của những ý đồ, mưu toan chính trị gửi vào trong thơ…nhưng ở góc độ này, Thanh Tâm Tuyền là
một con người thuần tuý, nhìn thực tại trong nhiều mối trăn trở.
Đọc những câu thơ mang tính xã hội của Thanh Tâm Tuyền, chúng ta không thể bình yên, chúng
ta buộc phải nghĩ suy về vấn đề tác giả đề cập đến. Những tiêu đề chứa đựng sự bất ổn, chia tách, rạn vỡ:
Lệ đá xanh, Liên những bài thơ tình thời chia cách, Nói về dĩ vãng, Bao giờ, Bài hát buồn, Một lần nữa,
Đừng bắt tôi từ biệt, Trời xẫm…Tất cả đều ở thế mất mát, cần bù đắp nhưng không bù đắp nổi, chờ đợi
mà không biết chờ đợi điều gì và chờ đợi như thế nào? Từ ngữ mô tả trạng thái đau thương tràn ngập hai
tập thơ, không có những điều chung chung, đơn giản như buồn; luôn được “cực tả”, sắc nét về mức độ:
thao thức, khoảng thì thầm tội lỗi, thảm thiết, lẻ loi, đau đớn, đập vỡ, sầu héo, rưng rưng… Thực tại hiện
ra dưới hai dạng: hoặc câm nín im lặng, hoặc xáo trộn tan nát. Không một chút bình yên; bình yên chỉ
hiện diện trong mơ ước: “Anh cố gắng viết những lời thơ thật tự nhiên / Như câu chuyện buổi còn găp gỡ
/ như khoảng trời đơn sơ sau cửa sổ” (Liên, những bài thơ tình thời chia cách). Đó là: “Những chữ hoa
tưởng tượng bắt đầu / Nguồn nước dữ cuốn trôi vùi hận sầu đen tối / Chôn xuống đáy biển sâu” (Bài hát
buồn), “Mùa này thành phố thổi điên lên những cơn địa ngục” (Tên người yêu dấu), “Trong hồn mắt mỗi
người, cuộc đời hổ thẹn” (Nhân danh)…
Thanh Tâm Tuyền nói nhiều đến các cuộc hành trình, đến khát khao tìm kiếm, để “phục sinh”,
“đừng bắt tôi từ biệt”, để “một lần nữa”. Trên những đỉnh cao: “Trên đỉnh đèo Hải Vân / Nếu nhớ quê
hương”. (Tên người yêu dấu), trên “con đường chưa ai tới” (Và một bài thơ của tháng giêng), “Trên một
sân ga vắng”, trên một không gian dường như vô định: “Con thuyền xuôi/ Chiều không xanh không tím
không hồng” (Bao giờ)…. Trên hành trình ấy, con ngưòi là cá nhân đơn lẻ, một mình: “Chuyến xe vẫn
một mình / Như kẻ say rót tượu lấy mà uống (…)/ Cuộc hành trình hoàn toàn đơn độc” (Bao giờ), “Tôi
biết những ngưòi khóc lẻ loi” (Lệ đá xanh), “Người ngủ một mình đợi chúng tôi” (Gửi Quách Thoại),
“Chẳng một ai ôm mình/ Đêm dài tiếng kèn thê thiết” (Tên người yêu dấu)… Sự hiện diện của con số hai
người rất hiếm hoi và thường đưa lại nghịch lý, nghịch cảnh: “Những người đã chết xin có mặt / Những

người còn sống xin giơ tay” (Hơi thở ngực tôi), “600 tù binh phóng thích, một thành phố đợi chờ, những
linh hồn ngong ngóng” (Tù binh), “Một người treo cổ trên cành cây, Trong công viên giữa thành phố,
Nhìn một phút cuối cùng, Đôi tình nhân hôn nhau” (Bài thơ vui), “Người đàn bà rũ tóc thành một cơn
bão mặn (…) Người đàn ông co quắp chân tay/ Hồn không dưng quằn quại’ (Hai người)… Con người,
dù trong trường hợp nào, cũng đều là kết quả của bất hạnh, nghịch cảnh.
Sự buồn phiền, đau khổ trải rộng trên hành trình thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai, và con
người không cách gì vượt thoát. Quá khứ chứa đầy tiếng khóc: “Khi chúng ta cùng nghẹn ngào / Quá khứ
chết đi không một lời than khóc” (Tình cờ), hiện tại và tương lai nối nhịp bởi dự cảm bất an: “Hôm nay
thiếp dưới lần chăn gai / Và ngày mai bơ vơ như đứa trẻ trong cơn oanh tạc” (Tình cờ), “Anh sợ những
cột đèn đổ xuống/ Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta” (Dạ khúc). Câu hỏi đặt ra trong nhiều sáng tác, không
có sự trả lời, ám ảnh day dứt hay là thắc mắc, hoài nghi về thực tại: “Sao tuổi trẻ quá buồn / Như con mắt
tuyệt vọng” (Dạ khúc), “Tôi tự hỏi sự tình cờ nào đưa chúng ta gần nhau” (Tình cờ), “Dù sao mai phòng
triển lãm sẽ đóng cửa/ (Rồi mở thêm lần nữa, để làm gì) (Bao giờ), “Còn gì chăng ? Tôi bé nhỏ và tôi
than thở”(Về Quách Thoại ), “Còn muốn sống như nguồn nước đổ/ Sao em trả lời bằng bệnh viện mắt
kín mưa đêm” (Từ chối), “Làm thế nào để quên được nhau/ Hạt mưa kia long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt”
(Nói về dĩ vãng)… Tiếng khóc là điệp khúc xuyên suốt nhiều bài thơ của Thanh Tâm Tuyền. Viết về một
người bạn: “Còn gì chăng / Tôi bưng mặt khóc bên thềm cửa”(Về Quách Thoại), về nỗi đau dồn nén:
“Tôi biết những người khóc lẻ loi / Không nguôi một phút / Những người khóc lệ không rơi ngoài tim
mình” (Lệ đá xanh), về môt người da đen: “Những dòng nước mắt / Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng”
(Đen ), về một sự kiện: “Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest” (Những cuộc
tình duyên Budapest), về số kiếp: “Nhưng dòng nước mắt ướp mặn môi / Không chết trần truồng không
thể được” (Gửi Quách Thoại)… Đây là âm điệu rất đặc trưng trong thơ Thanh Tâm Tuyền.
Chiến tranh là hình ảnh cụ thể của thực tại hiện diện trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Suy cho cùng,
mọi khổ luỵ, đau thương, những giằng xé vỡ nát nói trên đều là kết quả trực tiếp của sự tác động từ phía
chiến tranh. Chưa nói đến những yếu tố mang màu sắc chính trị, ở đây, chúng ta bắt gặp hình bóng cuộc
chiến rõ nét qua hai tập thơ: “Nhưng đêm nào chiến tranh đã quên/ Con mắt đen niềm im lặng/ Anh vẫn
đi hoài trong thành phố/ Cô đơn…” (Đêm, Liên đêm mặt trời tìm thấy), nhuốm nỗi hư vô chập chờn trong
những ngày nổi trôi theo từng biến cố chính trị: “Trên đèo Hải Vân /Nếu nhớ quê hương/ Muốn chết (…)/
Chiến tranh vẫn còn (Đến khi nào)…, gắn với những miền đất xa lạ: “Toa chở súc vật/ bưng bít tức thở/
bánh nghiến đường rày / Siberie tuyết trắng / Rào gai tập trung” (Tù binh)… Chiến tranh làm con người

nghĩ nhiều hơn đến sự sống, cái chết. Sự sống mong manh, cái chết quá nhiều. Thanh Tâm Tuyền có lúc
sợ hãi, khẩn cầu: “Không, không tôi không trút hơi thở đêm nay / Mặc thần chết đứng múa trên đầu lưỡi/
Không tôi chối lạy cả hai tay/ Tôi còn muốn sống tôi còn muốn sống” (Đừng bắt tôi từ biệt ). Suy nghĩ
nhà thơ gắn với một con người vô danh: “Một người treo cổ trên cành cây / Trong công viên giữa thành
phố” (Bài thơ vui ), hướng về sự sát nhân ngập tràn: “Chúng chém vào giữa trán chúng bắn vào ngực /
Khi tuổi anh chưa tròn ba mươi” (Bằng hữu)…
Không thể phủ nhận rằng Thanh Tâm Tuyền đã có những vần thơ giá trị về con ngưòi và cuộc
sống. Những vần thơ đầy suy nghiệm về đời, làm cho chúng ta còn nhận ra một Thanh Tâm Tuyền gần
gụi, không phải chỉ là Thanh Tâm Tuyền của siêu thực, tượng trưng, kì dị và quái đản… Cho đến bây giờ,
một số người, dù không nhiều, vẫn nhớ về Thanh Tâm Tuyền chính bởi những vần thơ đậm chất “ người”
ở đó, quyết không phải là những cái mà có kẻ từng gọi là “sáng tạo” của Thanh Tâm Tuyền. Kết lại phần
này, chúng tôi muốn ghi lại những dòng của Rainer Maria Rike - người thi sĩ Đức tài hoa và tha thiết ấy,
đã nói những lời chân thật và xúc động về thơ và sự làm thơ: “Người ta phải chờ đợi và gom góp những
xúc cảm và sự dịu ngọt của cả một đời dài, có khi cả một đời người, tới lúc đó, ở cuối cuộc gom góp đó,
người ta mới có thể viết được mươi câu thơ hay (…). Nhưng người ta cũng cần phải có kinh nghiệm ở bên
cạnh một người đã chết, người ta cần phải có kinh nghiệm ngồi bên cạnh một người đã chết rồi trong một
căn phòng có cửa sổ mở tung ra những cơn ồn ào từng chập. Nhưng chỉ có hồi niệm vẫn chưa đủ. Người
ta phải có khả năng để quên chúng đi khi chúng trở nên quá nhiều đầy trong óc người ta (…). Bởi vì đây
chưa phải là hồi niệm đâu. Chúng chỉ là những hồi niệm khi chúng biến thành máu chảy trong tim, trong
thân thể người ta, khi chúng trở thành cái nhìn và những điệu bộ…” Thanh Tâm Tuyền, ở khía cạnh mà
chúng tôi đề cập ở trên, ít nhiều đã làm được điều đó.
Yếu tố chính trị dày đặc. Khi nói về xu hưóng xã hội trong thơ Thanh Tâm Tuyền, bên cạnh
những vần thơ giàu chất nhân văn, Thanh Tâm Tuyền lại gây “phản cảm” bởi xu hướng chính trị mà tác
giả này đưa vào tác phẩm; không lộ liễu, song có thể gọi ở trình độ “điêu luyện”. Đây cũng là một nguyên
nhân dễ hiểu khi thơ Thanh Tâm Tuyền khó đi vào trí nhớ của bạn đọc nói chung.
Trong hai tập thơ nói trên và cả sau này, Thanh Tâm Tuyền nói nhiều đến chính trị, thời cuộc,
vấn đề cộng sản, vấn đề chống phá cách mạng. Các tiêu đề: Trưởng thành, Tù binh, Vỹ tuyến, Bằng
hữu…Thơ biến thành một công cụ đả phá: “Chúng nó làm phát xít/ Chúng nó làm cộng sản / Chúng con
làm tù nhân “ (Tù binh), “Anh biết vì sao cộng sản thủ tiêu Khái Hưng / (…)/ Anh biết vì sao cộng sản
thủ tiêu Phan Văn Hùm / (…) / Anh biết vì sao cộng sản thủ tiêu Tạ Thu Thâu (Trưởng thành).Tuy nhiên,

số bài trực tiếp đề cập đến điều này không nhiều.
Thanh Tâm Tuyền lặp lại nhiều lần khát vọng tự do. Tự do trở thành một trong ba chủ đề chính
của “Tôi không còn cô độc” (cùng với tình yêu, nỗi khắc khoải về thân phận con người), kéo dài trong
“Liên đêm mặt trời tìm thấy”…Trong lời đề tựa “Tôi không còn cô độc”, Thanh Tâm Tuyền đã viết: “Ở
đây tôi hoàn toàn tự do”. Tất nhiên, đây trước hết là thứ tự do trừu tượng, siêu hình của triết lý hiện sinh.
Song tìm hiểu hai tập thơ, chúng ta nhận thấy rằng ở nhiều bài thơ, tự do trở thành một khái niệm chính
trị, không phải là thuật ngữ triết học thuần tuý. Khái niệm này được Thanh Tâm Tuyền dùng vào việc phủ
nhận và chống phá hai tiếng “tự do” mà cách mạng miền Bắc hướng đến. Trong “Ôi anh em cộng hoà”,
Thanh Tâm Tuyền nói với những người nghĩa binh, cộng hoà ở Tây Ban Nha những năm 30, lời lẽ tha
thiết, nhưng liên hệ đến tình trạng đất nước của đất nước 20 năm sau, một sự buộc tội công khai: “Chẳng
bao giờ/ Chẳng bao giờ/ Các anh quên kỉ niệm buồn của thế kỷ/ Chắc các anh chưa đọc bài thơ nào/ đời
nhược tiểu/ Chúng tôi đến sau 20 năm / Cuộc chiến tranh kéo dài qua chúng tôi ở đây/ Thêm sự phản trắc
nặng nề / Cộng sản”. Bài “Nhịp ba” nguyên là một lời đề bạt cho tập truyện cổ tích (tân thời) của Doãn
Quốc Sỹ lặp lại vấn đề này: “Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ôm nhau nức nở(…)/ Nhịp ba / Tình yêu mãi tự
do”. Điệp khúc Tự do trở lại lần nữa trong bài thơ dài “Tôi không còn cô độc”: “Những ngày đã sống
trói tay/ Những ngày đã sống tù đày / Lòng tôi điên cuồng / Mồm tôi khấn nguyện / Tự do tự do tự do tự
do tự do”. Việc gắn khái niệm tự do với hành động chống phá làm giá trị của thơ giảm đi rất nhiều, tạo
nên các xu hướng tiếp nhận lệch lạc.
Thanh Tâm Tuyền và tình yêu. Khác với Nguyên Sa ngợi ca tình yêu, xuất phát từ việc lập
thuyết xây dựng văn nghệ Dyonisos, Thanh Tâm Tuyền phủ nhận tình yêu: “Tôi không ngợi ca tình yêu,
tôi nguyền ruả tình yêu. Mỗi tiếng, mỗi lời viết và tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, dày
vò, đau đớn, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, thô bạo, cục cằn, tủi
hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc, nghĩa là tất cả những thứ mà tình yêu loại trừ. Trong thơ tôi không hề có
tình yêu, cái báu vật mà tôi mơ ước và tưởng rằng cùng với tự do là những hi vọng cuối của đời tôi” [10,
277]. Nhưng tình yêu lại là chủ đề chính trong thơ Thanh Tâm Tuyền, xuất phát và khởi điểm trong hành
trình tư tưởng của nhà thơ này. Tình yêu trong thơ Thanh Tâm Tuyền, một mặt, là sản phẩm của quan
niệm nghệ thuật Dyonisos, mặt khác, là kết quả của những giằng xé nội tâm tác giả.
Tình yêu xuất hiện dày đặc trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Tập thơ thứ hai mang tên người con gái
đã mất “Liên, đêm mặt trời tìm thấy”, “như niềm tưởng vọng không đâu những gì không thể nào tìm thấy
được” [10, 277], là chủ điểm trong nhiều bài thơ: Phục sinh, Lệ đá xanh, Liên những bài thơ tình thời

chia cách, Nói về dĩ vãng, Và một bài thơ của tháng giêng, Bài ngợi ca tình yêu, Dạ khúc…Siêu thực,
tượng trưng, xã hội, cách tân, cầu kì, khó hiểu, nhưng cuối cùng vẫn trở về khởi điểm trong trẻo, nguyên
sơ, và chứa nhiều mâu thuẫn: Em. Phục sinh dài 39 câu, nếu không có Em sẽ đổ vỡ. Em – dòng thứ 36,
trơ trọi nhưng lại giữ vị trí trung tâm, taọ nên mối liên kết giữa hai phần bài thơ; giữa phần hiện sinh và
cuộc đời trần thế. Em - đồng nghĩa với phục sinh, động lực cho những lần tái sinh, là một lần Chân lý - sự
thật, phương cách để cải biến tâm hồn:
Em
Hãy mở của trái tim
Tâm hồn anh vừa sống lại
Trong sạch như một lần sự thật
Dù Thanh Tâm Tuyền về lí trí, nhìn nhận tình yêu chỉ là một phương tiện khai quật ý thức,
phương tiện hành động: “Thế giới tình ái cứ bị phá vỡ, những thần tượng sụp đổ. Tình ái cũng bị làm
phương tiện khai quật ý thức, phương tiện khám phá đời sống” [12, 1], nhưng tình yêu trở thành cái cuối
cùng, cứu cánh, cứu rỗi. Những lời thơ tha thiết, dễ đi vào lòng người nhất của Thanh Tâm Tuyền, xét ra,
lại là những vần thơ về tình yêu. Điệp khúc “Em có biết” trong “Bài hát buồn” đưa đến cảm nhận về một
trái tim trìu mến, đằm thắm:
Em có biết sau lúc em từ biệt
Điếu thuốc cháy trên môi như người bạn chết
(…)
Em có biết em nhìn vào trang sách.
Tình yêu tự nhiên như một quy luật: “Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai” (Liên, những
bài thơ tình thời chia cách), đưa lại khát khao hướng đến hạnh phúc: “Chợt anh muốn viết tặng em (…)/
Anh gọi thầm một mình / Trong giấc mơ phủ làn tóc biếc / Anh biết anh gọi thầm một mình” (Liên, những
bài thơ tình thời chia cách), gắn với mong muốn tìm đến điều tốt đẹp: “Anh làm mới tình yêu (…) / Anh
phải làm mới tình yêu (…) / Anh phải làm mới tình yêu”. Như vậy, tình yêu trở thành cội nguồn sâu xa
cho cảm hứng sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền.
Trong thơ Thanh Tâm Tuyền, tình yêu ít được nhìn dưới khía cạnh toàn vẹn, luôn xáo động, xấp
ngửa giữa ánh sáng và bóng tối, sự sống – cái chết, niềm hi vọng cải biến, hoá thân và những hoài nghi
không bao giờ dứt; giữa chùm môi hôn vội vàng và con đường đi buổi chiều hấp hối, giữa “ngón tay âm
thầm trò chuyện /Những bước chân thỏ rừng” và “vì chiều theo chân em sang bên kia đồi / Nụ cười mang

theo / Em có biết sau lúc em từ biệt / Điếu thuốc cháy trên môi như người bạn chết” (Bài hát buồn). Rất
hiếm gặp những câu thơ bình lặng, yên ả khi suy ngẫm về tình yêu, kiểu như: “giản dị như trang nhật kí
của anh / Ngày bắt đầu yêu em” (Liên, những bài thơ tình thời chia cách). Thanh Tâm Tuyền đặt ra nhiều
câu hỏi: Làm thế nào để quên được nhau / Hạt mưa kia long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt/ Hoàng hôn bàng
hoàng màu khói nhạt…Tình yêu trong thơ của tác giả này không còn là thứ tình cảm trong sáng, e ấp buổi
ban đầu, đó là cảm xúc đã đi qua sóng gió cuộc đời, bao giờ cũng tồn tại ở hai trường hợp: gắn liền với
mong ước thiết tha điều chưa đạt tới hay chưa trọn vẹn; hoặc tất cả đã từng tồn tại nhưng giờ đổ vỡ: “Môi
em chưa bao giờ hôn / Đêm mới lạ đêm đầu tiên của người” (Bài ngợi ca tình yêu), “Chợt anh muốn viết
tặng em / Không thể được / Em là con tin ở một thế giới / Mà lòng sầu héo là trọng tội”. Trường hợp thứ
hai, không gian, thời gian, con người đều ở trạng thái dang dở, cái tôi tác giả được thể hiện như là tận
cùng của thương đau. Tình yêu đi đôi với tội ác, cái chết. Trong tình yêu có tội ác và cái chết; trong cái
chết có tội ác và tình yêu. Thanh Tâm Tuyền đã trình bày sự tương phản cực độ ấy trong một bài thơ, với
những hình ảnh đen:
Ở cuối đêm
Em rũ tóc nói những lời mê sảng
Những ám hiệu
Của mặt biển đen không
Tình yêu tuyệt vọng
Anh xé tóc em cùng những vườn lá chết
Mùa thu gây thương tích nơi cườm tay
Khoá chặt
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan
Như cẩm thạch
Như nước mắt
Câu thơ đứt gãy, nhịp thơ nhanh mạnh, như sự giằng kéo giữa hai bề tuyệt vọng và một chút hi
vọng mong manh còn sót lại. Nhưng câu thơ trên gợi nhớ đến hình ảnh Orphée tìm người yêu qua miền
địa ngục, giết người yêu bằng tình yêu của mình: khi Orphee ngoái lại, bánh xe huỷ diệt luân hồi giữa tình
yêu, tội ác, sự sống, cái chết lại vận hành, cho tới khi tất cả biến mất, trong đó có tình yêu. Sự tiếp cận của
Thanh Tâm Tuyền với lĩnh vực này dường như đã ở ngoài cõi sống, cõi biết: “Vậy sao em lại ngủ / Ngủ

trong lòng mộ trong nghĩa địa thân thể anh / Với áo cỏ may châm da thịt”. Chất lãng mạn không tồn tại ở
đây. Đối lập với tin tưởng, thần thánh hoá là sự hoài nghi: “đôi khi anh muốn tin”. Những hoài nghi được
xác lập bằng những hình ảnh tạo hình:
Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
Lệ là những viên đá xanh
Tim rũ rượi…
Ước mơ, hoài nghi, cay đắng… cứ thế quyện lấy trái tim, con người chao đảo trong mớ hỗn loạn
ấy.
Như trên đã nói, tình yêu là cội nguồn tư tưởng trong sáng tác của Thanh Tâm Tuyền. Từ đây, tác
giả phóng chiếu ra ngoài những yếu tố xung quanh. Theo quan niệm về nghệ thuật Dyonisos, Thanh Tâm
Tuyền không chủ định miêu tả thiên nhiên, người phụ nữ, sự bình yên…Tất cả những điều đó hiện diện
trong thơ tác giả này đều thông qua tình yêu.
Trong ngôn ngữ của Thanh Tâm Tuyền, sợi tóc không còn là sợi tóc, những sợi tóc đen như một
chuỗi cười. Những giọt lệ không còn là giọt lệ, lệ trở thành viên đá xanh. Và môi em là trái cây ngọt ngào.
Cánh tay, thân thể em là cỏ hoa quyến rũ. Buổi chiều không còn đứng yên, chiều theo chân em sang bên
kia đồi. Bệnh viện mắt kín mưa đêm. Đêm trong thơ Thanh Tâm Tuyền như thể một thân xác, một linh
hồn: “Đêm hiền từ nhỏ to trên trán / Màu đen sáng đủ ngó vào nụ cười / Có đấy không em này mưa chan
hoà / Trên ngực em trên ngực em bát ngát”. Thân thể người con gái, người đàn bà vừa gần gũi; vừa trừu
tượng vừa xa vời: “Da trắng như tiếng hát trên trời / Anh cúi xuống hôn cánh môi tím màu đêm mà
thương nhớ / Đừng trói anh vào trần gian bằng mắt em nhìn kia”…Tất cả chuyển dịch, biến hoá, đưa con
người vào thiên nhiên, khi thì trong xanh, bừng lên sáng sủa như một tiếng chim, nhưng nhiều khi chỉ
hiện ra ở những hình thể sắc cạnh, những khối gỗ sắt vô tri. Tiếng mưa gõ nhịp lách cách vào mắt người
con gái: “Cửa sổ trời những mắt chưa quen / Trán hoang đồng cỏ / Run đường môi kỉ niệm/ Đi qua
những thành phố đầy tim / Cười đổ mưa một mình…” (Của em). Thiên nhiên của mùa về với bông mía
phất phơ trong đám lau buồn lắt lay trong gió: “ai xui rằng mùa măng chưa tới / Mà mùa về măng thôi
chẳng ngọt / Vườn măng đêm sâu/ Muốn làm người học trò 17 tuổi / Đạp xe trên đồng / Bông mía trắng
những căn nhà dưới cây” (Bao giờ). Thanh Tâm Tuyền đã tạo cho mình một giọng điệu riêng khi viết về
tình yêu.
3. Kết luận
Như vậy, trong bài viết này, chúng tôi đã tìm hiểu về yếu tố siêu thực, tượng trưng và xã hội

trong thơ Thanh Tâm Tuyền trước năm 1975; có sự chi phối từ quan niệm sáng tác. Hi vọng rằng bài viết
sẽ góp phần vào việc nhìn Thanh Tâm Tuyền như một cây bút không thể phủ nhận của văn học miền Nam
Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Trọng Đăng Đàn, Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954 – 1975 (Tập 2),
Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991.
2. Nhiều tác giả (Vũ Hạnh, Thạch Phương, Huy Khánh…), Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực
dân mới trên mặt trận văn hoá tư tưởng, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1980.
3. Tạ Tị, Mười khuôn mặt văn nghệ, Tài liệu lưu tại thư viện Khoa học xã hội, Sài gòn, 1970.
4. Thanh Tâm Tuyền, Tôi không còn cô độc, Tài liệu lưu tại thư viện Khoa học xã hội.
5. Huy Trâm, Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại Việt Nam, Nxb Sáng, Sài Gòn, 1969.
6. Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam (tập 2), Nxb Quê mẹ, Paris 1992


THANH TAM TUYEN'S POEMS BEFORE 1975 - FROM CONCEPT TO LITERARY
POETRY CONTENT

Duong Thi Thuy Hang
Abstract
Thanh Tam Tuyen is one of typical writer in the area of the southern of Vietnam’s poetry before
1975. This still has been an arguing phenomenon so far. Thanh Tam Tuyen has got clearly literature
concepts’ systems. It affects directly on his works, firstly at the atmosphere of content).

×