Tải bản đầy đủ (.doc) (25 trang)

Đánh giá thực trạng việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản của ngành giao thông vận tải đường bộ việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (153.38 KB, 25 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Thực tập tốt nghiệp nhằm giúp sinh viên làm quen với thực tế, vận dụng
kiến thức lý luận của nhà trường vào việc phân tích, lý giải và xử lý các vấn đề
do thực tiễn đặt ra, qua đó củng cố và nâng cao kiến thức đã được trang bị. Đối
với sinh viên kinh tế thì kỳ thực tập chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn thực tập
tổng hợp và giai đoạn thực tập chuyên đề chuyên ngành.
Mục đích của giai đoạn thực tập tổng hợp là nhằm phân tích những vấn
đề chung nhất về nơi thực tập, để từ đó đi sâu vào giai đoạn thực tập chuyên đề
chuyên ngành. Do vậy, đây là giai đoạn thực tập rất quan trọng, góp phần vào
sự thành công của giai đoạn thực tập chuyên đề sau này.
Với nơi thực tập là Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị thuộc Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, nơi thực tập rất phù hợp với chuyên ngành kế hoạch mà em đang theo
học, nội dung báo cáo tổng hợp này thể hiện những hiểu biết chung nhất của em
về nơi mình thực tập. Đồng thời qua đó cũng gợi mở hướng nghiên cứu đề tài
cho giai đoạn thực tập chuyên đề sắp tới.
Em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn của thầy giáo Tiến sĩ Phạm
Ngọc Sơn, cũng như sự hướng dẫn tận tình của đồng chí Nguyễn Việt Hồng là
chuyên viên chính thuộc Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị là người hướng dẫn em
tại nơi thực tập. Sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cũng như của cán bộ thuộc
Vụ đã giúp em hoàn thành tốt báo cáo tổng hợp này.
PHẦN I
GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ BỘ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ
VÀ VỤ KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ ĐÔ THỊ
I. TỔNG QUAN VỀ BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
1. Lịch sử hình thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Từ trước năm 2000, ngày 8 tháng 10 năm 1995, ngày Hội đồng Chính
phủ họp quyết định thành lập uỷ ban Kế hoạch Quốc gia được xác định là ngày
thành lập uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ kế hoạch và đầu tư.
Ngược trở lại lịch sử, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới
được thành lập, ngày 31 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra sắc lệnh số 78-SL


thành lập uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết nhằm nghiên cứu, soạn thảo và
trình Chính phủ một kế hoạch kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài
chính, xã hội và văn hoá. Uỷ ban gồm các uỷ viên là tất cả các Bộ trưởng, Thứ
trưởng, có các Tiểu ban chuyên môn, được đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch
Chính phủ.
Vì vậy, trong buổi lễ ngành Kế hoạch và Đầu tư đón nhận Huân chương
Sao Vàng được tổ chức tại Hội trường Ba Đình lịch sử ngày 4 tháng 11 năm
2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định lấy ngày 31 tháng 12 năm 1945
là ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Kể từ đây ngành Kế hoạch
và Đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư coi ngày 31 tháng 12 hàng năm là ngày Lễ
chính thức của mình.
Theo dòng lịch sử, chúng ta có thể điểm lại các mốc quan trọng trong quá
trình xây dựng và trưởng thành của Ngành Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Kế hoạch
và Đầu tư:
▪ Ngày 14 tháng 5 năm 1950, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
ra sắc lệnh số 68-SL thành lập Ban kinh tế Chính phủ. Ban kinh tế Chính phủ có
nhiệm vụ nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ những đề án về chính sách,
chương trình, kế hoạch kinh tế hoặc những vấn đề quan trọng khác.
▪ Trong phiên họp ngày 8 tháng 10 năm 1955, Hội đồng Chính phủ đã
quyết định thành lập uỷ ban Kế hoạch Quốc gia và ngày 14 tháng 10 năm 1955,
Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 603-TTg thông báo quyết định này. Uỷ
ban Kế hoạch Quốc gia và các Bộ phận kế hoạch của các Bộ ở Trung ương, Ban
kế hoạch ở các khu, tỉnh, huyện có nhiệm vụ xây dựng các dự án kế hoạch phát
triển kinh tế, văn hoá, và tiến hành thống kê kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.
Ngày 9-10-1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 158-CP quy định
nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, trong
đó xác định rõ uỷ ban Kế hoạch Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Chính phủ
có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn phát triển
kinh tế và văn hoá quốc dân theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
▪ Cùng với thời gian, qua các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất

nước, Chính phủ đã có hàng loạt các Nghị định quy định và bổ sung chức năng
cho uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (158/CP, 47/CP, 209/CP, 29/CP, 10/CP, 77/CP,
174/CP, 15/CP, 134/CP, 224/CP, 69/HĐBT, 66/HĐBT, 86/CP, v.v…).
▪ Ngày 27 tháng 11 năm 1986 Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định
151/HĐBT giải thể uỷ ban Phân vùng kinh tế Trung ương, giao công tác phân
vùng kinh tế cho uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.
▪ Ngày 1 tháng 1 năm 1993, uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tiếp nhận Viện
Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, đảm nhận nhiệm vụ xây dựng chính sách, luật
pháp kinh tế phục vụ công cuộc đổi mới. Ngày 1 tháng 11 năm 1995, Chính phủ
đã ra Nghị định số 75/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức
bộ máy của Bộ kế hoạch và đầu tư trên cơ sở hợp nhất uỷ ban Kế hoạch Nhà
nước và uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.
▪ Ngày 17 tháng 8 năm 2000 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số
99/2000/TTg giao Ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam về Bộ kế hoạch
và đầu tư.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngành kế hoạch và đầu tư đã ngày càng lớn
mạnh và trưởng thành. Hàng trăm cán bộ từ các cơ quan Kế hoạch cấp tỉnh nay
đã là các cán bộ cốt cán ở các địa phương và có hàng chục cán bộ từ cơ quan Kế
hoạch Trung ương đã trở thành những đồng chí lãnh đạo cao cấp giữ các vị trí
trọng trách trong bộ máy của Đảng và Chính phủ, như các đồng chí Phạm Văn
Đồng, Nguyễn Côn, Nguyễn Duy Trì, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Lam, Võ Văn
Kiệt, Phan Văn Khải,…
Thành tích của ngành nói chung và Bộ nói riêng là các kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội chung của đất nước từ 1955 tới nay, bao gồm kế hoạch
khôi phục kinh tế, cải tạo XHCN, kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm, kế
hoạch dài hạn và chiến lược, quy hoạch phát triển 10 năm, 20 năm.
Bộ kế hoạch và đầu tư đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân
chương Hồ Chí Minh (năm 1995) và Huân chương Sao Vàng (2000). Nhiều đơn
vị trong Bộ cũng được tặng thưởng Huân chương lao động các hạng.
Các đồng chí Chủ nhiệm uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Kế

hoạch và Đầu tư từ năm 1955 đến năm 2002:
1. Đồng chí Phạm Văn Đồng.
2. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
3. Đồng chí Nguyễn Côn.
4. Đồng chí Lê Thanh Nghị
5. Đồng chí Nguyễn Lam
6. Đồng chí Võ Văn Kiệt
7. Đồng chí Đậu Ngọc Xuân
8. Đồng chí Phan Văn Khải
9. Đồng chí Đỗ Quốc Sam
10. Đồng chí Trần Xuân Giá
11. Đồng chí Võ Hồng Phúc
2. Chức năng và nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 quy định về chức
năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, với nội dung như sau:
2.1. Vị trí và Chức năng
Bộ kế hoạch và đầu tư là cơ quan của Chính phủ , thực hiện chức năng
quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, bao gồm: Tham mưu tổng hợp về
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước,
về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế chung và một số lĩnh vực cụ thể, về đầu tư
trong nước, ngoài nước, khu công nghiệp, khu chế xuất, về quản lý nguồn hỗ trợ
phát triển chính thức, đấu thầu, doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh trong phạm
vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong phạm vi thuộc lĩnh vực
quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn
2.2.1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh,
các dự thảo quy phạm pháp luật khác về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
2.2.2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch tổng

thể, dự án kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cả nước, vùng lãnh thổ, kế
hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm và các cân đối chủ yếu của nền kinh tế quốc
dân, trong đó có cân đối tài chính, tiền tệ, vốn đầu tư xây dựng cơ bản làm cơ sở
cho việc xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách; tổ chức công bố chiến lược,
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước sau khi được phê
duyệt theo quy định.
2.2.3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư trong lĩnh vực kế hoạch
và đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
2.2.4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các
văn bản quy phạm pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê
duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thông tin,
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản
lý của Bộ.
2.2.5. Về quy hoạch, kế hoạch
a) Trình Chính phủ chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, theo dõi và tổng hợp tình hình
thực hiện kế hoạch hàng tháng, quý để báo cáo Chính phủ, điều hoà và phối hợp
việc thực hiện các cân đối chủ yếu của nền kinh tế quốc dân. Chịu trách nhiệm
điều hành thực hiện kế hoạch về một số lĩnh vực được Chính phủ giao.
b) Hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch, kế
hoạch phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của cả nước và vùng lãnh thổ đã được phê duyệt.
c) Tổng hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển, kế hoạch về bố trí vốn đầu
tư cho các lĩnh vực của các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
thẩm định các quy hoạch phát triển ngành, vùng lãnh thổ của các bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc Bộ thông qua phân cấp của Chính
phủ.
d) Tổng hợp các cân đối chủ yếu của nền kinh tế quốc dân: cân đối tích

luỹ và tiêu dùng, tổng phương tiện thanh toán, cán cân thanh toán quốc tế, ngân
sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển, dự trữ nhà nước. Phối hợp với Bộ tài
chính lập dự toán ngân sách nhà nước.
2.2.6. Về đầu tư trong nước và ngoài nước
a) Trình Chính phủ quy hoạch, kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư
trong nước, các dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài và điều chỉnh trong thời
gian cần thiết.
b) Trình Chính phủ kế hoạch tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội, tổng mức
và cơ cấu theo ngành, lĩnh vực của vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước, tổng
mức bổ sung dự trữ nhà nước, tổng mức hỗ trợ tín dụng nhà nước, tổng mức
góp vốn cổ phần và liên doanh của nhà nước, tổng mức bù lỗ, bù giá, bổ sung
vốn lưu động và thưởng xuất, nhập khẩu. Chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính lập
phương án phân bổ vốn của ngân sách trung ương trong lĩnh vực đầu tư xây
dựng cơ bản, bổ sung dự trữ nhà nước, hỗ trợ vốn tín dụng nhà nước, vốn góp
cổ phần và liên doanh của nhà nước, tổng hợp vốn chương trình mục tiêu quốc
gia.
c) Tổng hợp chung về lĩnh vực đầu tư trong nước và ngoài nước; phối
hợp với Bộ tài chính và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá hiệu quả vốn
đầu tư các công trình xây dựng cơ bản.
d) Thẩm định các dự án đầu tư thuộc quyền quyết định của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ; cấp giấy phép đầu tư cho các dự án theo thẩm quyền;
thực hiện việc uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư theo quy đình của Thủ tướng
Chính phủ; thống nhất quản lý việc cấp giấy phép các dự án đầu tư của nước
ngoài vào Việt Nam và Việt Nam ra nước ngoài.
e) Làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý đối với hoạt động đầu tư trong
nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, của Việt Nam ra nước
ngoài; tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư.
f) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá
trình hình thành, triển khai và thực hiện dự án đầu tư theo thẩm quyền, đánh giá
kết quả và hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư

nước ngoài. Làm đầu mối tổ chức các cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ
với các nhà đầu tư trong nước cũng như ở nước ngoài.
2.2.7. Về quản lý ODA
a) Là cơ quan đầu mối trong việc thu hút, điều phối, quản lý ODA; chủ
trì soạn thảo chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng ODA; hướng dẫn cơ
quan chủ quản xây dựng danh mục và nội dung các chương trình, dự án ưu tiên
vận động ODA; tổng hợp danh mục các chương trình, dự án sử dụng ODA trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Chủ trì việc chuẩn bị, tổ chức vận động và điều phối các nguồn ODA
phù hợp với chiến lược, quy hoạch thu hút, sử dụng ODA và danh mục chương
trình, dự án ưu tiên vận động ODA.
c) Chuẩn bị nội dung và tiến hành đàm phán điều ước quốc tế khung về
ODA; đại diện cho Chính phủ ký kết Điều ước quốc tế khung về ODA với các
nhà tài trợ.
d) Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức có liên quan chuẩn bị chương trình, dự
án ODA; chủ trì phối hợp với Bộ tài chính xác định hình thức sử dụng vốn
ODA thuộc diện ngân sách nhà nước cấp phát hoặc cho vay lại; thẩm định trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện chương trình, dự án ODA thuộc thẩm
quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
e) Theo dõi, hỗ trợ chuẩn bị nội dung và đàm phán Điều ước quốc tế cụ
thể về ODA với các nhà tài trợ .
f) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp và lập kế hoạch giải ngân
vốn ODA, kế hoạch vốn đối ứng hàng năm đối với các chương trình dự án
ODA thuộc diện cấp phát từ nguồn ngân sách; tham gia cùng Bộ Tài chính về
giải ngân, cơ chế trả nợ, thu hồi vốn vay ODA.
g) Chủ trì theo dõi và đánh gia các chương trình dự án ODA; làm đầu
mối xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn
đề có liên quan đến nhiều bộ, ngành; định kỳ tổng hợp báo cáo về tình hình và
hiệu quả thu hút, sử dụng vốn ODA.
2.2.8. Về quản lý đấu thầu:

a) Trình Chính phủ , Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đấu thầu và kết quả
đấu thầu các dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
theo dõi việc tổ chức thực hiện các dự án đấu thầu đã được Chính phủ phê
duyệt.
b) Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổng hợp việc thực hiện các
quy định của pháp luật về đấu thầu; quản lý hệ thống thông tin về đấu thầu.
2.2.9. Về quản lý nhà nước các khu công nghiệp, khu chế xuất:
a) Trình Chính phủ quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu công nghiệp,
khu chế xuất và các mô hình khu kinh tế tương tự khác trong phạm vi cả nước.
b) Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng
thể các khu công nghiệp, khu chế xuất, việc thành lập các khu công nghiệp, khu
chế xuất; hướng dẫn triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu công
nghiệp, khu chế xuất đã được phê duyệt.
c) Làm đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình đầu tư
phát triển và hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất; chủ trì, phối hợp
với các cơ quan có liên quan đề xuất về mô hình và cơ chế quản lý đối với các
khu công nghiệp, khu chế xuất.
2.2.10. Về doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh:
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ chiến lược, chương trình, kế hoạch sắp xếp, đổi mới, phát triển
doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành
phần kinh tế; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khuyến khích đầu tư
trong nước.
b) Làm đầu mối thẩm định đề án thành lập, sắp xếp, tổ chức lại doanh
nghiệp nhà nước theo phân công của Chính phủ; tổng hợp tình hình sắp xếp, đổi
mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước và tình hình phát triển doanh nghiệp của
các thành phần kinh tế khác của cả nước. Làm thường trực của Hội đồng
khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
c) Thống nhất quản lý nhà nước về công tác đăng ký kinh doanh; hướng
dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh; kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện

đăng ký kinh doanh và sau đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp của các
địa phương; xử lý các vi phạm, vướng mắc trong việc thực hiện đăng ký kinh
doanh thuộc thẩm quyền; tổ chức thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về đăng ký
kinh doanh trong phạm vi cả nước.
2.2.11. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng
dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thuộc
phạm vi quản lý của bộ.
2.2.12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
2.2.13. Quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực kế hoạch
và đầu tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định pháp luật; quản lý và chỉ
đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.
2.2.14. Quản lý nhà nước các hoạt động của hội, tổ chức phi Chính phủ
trong các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thuộc phạm vi của Bộ theo quy định của
pháp luật.
2.2.15. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham
nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kế hoạch và
đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ.
2.2.16. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính
của Bộ theo mục tiêu và nội dung, chương trình cải cách hành chính nhà nước
đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2.2.17. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ
tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán
bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc Bộ quản lý; đào tạo bồi dưỡng về
chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý của Bộ.
2.2.18. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân
sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
3. Cơ cấu tổ chức của Bộ
Bộ máy tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm 21 đơn vị giúp Bộ

trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 6 đơn vị sự nghiệp. Từ chỗ chỉ
có 55 người khi mới thành lập năm 1955, năm 1988 biên chế của Bộ đạt số
lượng cao nhất 930 người; đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 760 cán bộ công
nhân viên, trong đó 420 cán bộ đang tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng
và điều hành kế hoạch. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Bộ cũng không ngừng
lớn mạnh, hiện nay có 2 giáo sư, 7 phó giáo sư, 126 tiến sĩ, 42 thạc sĩ, 479
người có trình độ đại học.
a)Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:
1. Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân;
2. Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ;
3. Vụ Tài chính, tiền tệ;
4. Vụ Kinh tế Công nghiệp;
5. Vụ Kinh tế Nông nghiệp;
6. Vụ Thương mại và Dịch vụ;
7. Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị;
8. Vụ Quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất;
9. Vụ Thẩm định và Giám sát đầu tư;
10. Vụ Quản lý đấu thầu;
11. Vụ Kinh tế đối ngoại;
12. Vụ Quốc phòng - An ninh;
13. Vụ pháp chế;
14. Vụ Tổ chức Cán bộ;
15. Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường;
16. Vụ Lao động, Văn hoá, Xã hội;
17. Cục Đầu tư nước ngoài;
18. Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
19. Thanh tra;
20. Văn phòng.
21. Vụ Hợp Tác Xã.
Vụ kinh tế đối ngoại, Vụ tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ kinh tế địa

phương và lãnh thổ, Văn phòng được lập phòng, do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và
Đầu tư quyết định sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ nội vụ.
b)Các tổ chức sự nghiệp của Bộ:
1. Viện Chiến lược phát triển;
2. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương;
3. Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội quốc gia;
4. Trung tâm tin học;
5. Báo Đầu tư;
6. Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Chiến lược phát
triển và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
II. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ VỤ KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ
ĐÔ THỊ
1. Quá trình xây dựng và trưởng thành của Vụ kết cấu hạ tầng và đô
thị
Quá trình xây dựng và trưởng thành của Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị gắn
liền với sự hình thành và phát triển của Bộ kế hoạch và đầu tư. Vụ lúc đầu có
tên là Vụ Cơ sở hạ tầng sau đổi thành Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị theo Nghị
định 61/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 do Vụ được bổ sung thêm chức
năng quản lý kết cấu hạ tầng đô thị.
Trải qua chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, Vụ kết cấu hạ
tầng và đô thị cùng với sự phát triển của ngành kế hoạch đã hoàn thành xuất sắc
mọi nhiệm vụ được giao trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong hoà bình và
xây dựng đất nước trong công cuộc đổi mới.
Lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức của Vụ đã thể hiện được vai trò
tiên phong, gương mẫu trong công tác, rèn luyện và học tập; với tinh thần trách
nhiệm cao, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm về phát triển các ngành thuộc lĩnh vực kết
cấu hạ tầng đô thị. Chính vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành,

Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị đã đạt được những thành tích đáng khích lệ.
Đến nay, kết cấu hạ tầng và đô thị đã được nâng cao một bước, đáp ứng
nhu cầu cơ bản của nền kinh tế, nhu cầu xã hội, dân sinh và bảo vệ môi trường,
phát triển bền vững…Hệ thống giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt,
đường biển, hàng không, đường thuỷ nội địa đã được cải tạo, nâng cấp và xây
dựng mới đồng bộ trên khắp mọi miền đất nước; ngành bưu chính viễn thông đã
nhanh chóng hiện đại hoá đạt trình độ công nghệ ngang tầm với các nước tiên
tiến trên thế giới; kết cấu hạ tầng đô thị đã từng bước được cải thiện, góp phần
tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị
Chức năng, nhiệm vụ của Vụ Kết cấu Hạ tầng và Đô thị được quy định
trong quyết định số 600/QĐ-BKH ngày 19 tháng 08 năm 2003 như sau:
2.1. Chức năng
Điều 1. Vụ Kết cấu Hạ tầng và Đô thị thuộc Bộ kế hoạch và đầu tư, giúp
Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị.
2.2. Nhiệm vụ
Điều 2. Vụ Kết cấu Hạ tầng và Đô thị có các nhiệm vụ sau đây:
1. Nghiên cứu tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng
và đô thị; phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ tổng hợp, lập quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, quy hoạch vùng lãnh thổ.
2. Chủ trì tổng hợp kế hoạch 5 năm, hàng năm về phát triển kết cấu hạ
tầng và đô thị bao gồm các ngành: Xây dựng, giao thông - vận tải, bưu chính
viễn thông và các công trình công cộng đô thị, cấp thoát nước, nhà ở, hạ tầng
các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, vệ
sinh môi trường thuộc lĩnh vực Vụ phụ trách; nghiên cứu, tổng hợp các ngành
dịch vụ; vận tải, bưu chính viễn thông, tư vấn xây dựng, công cộng đô thị theo
sự phân công của Bộ.
3. Nghiên cứu, phân tích, lựa chọn các dự án đầu tư trong và ngoài nước
thuộc lĩnh vực Vụ phụ trách. Làm đầu mối quản lý các chương trình, dự án

được Bộ giao.
4. Chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành, lĩnh
vực kết cấu hạ tầng và đô thị; phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ
nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong kế
hoạch 5 năm, hàng năm. Trực tiếp soạn thảo các cơ chế, chính sách và văn bản
quy phạm pháp luật cụ thể khi được Bộ giao. Làm đầu mối tham gia thẩm định
các cơ chế, chính sách và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của ngành và
lĩnh vực thuộc Vụ phụ trách để các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ hoặc
ban hành theo thẩm quyền.
5. Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình,
dự án (kể cả dự án ODA), báo cáo đánh giá việc thực hiện kế hoạch hàng tháng,
quý và hàng năm của các ngành và lĩnh vực thuộc Vụ phụ trách. Đề xuất các
giải pháp xử lý những vướng mắc trong quá trình điều hành triển khai thực hiện
kế hoạch.
6. Tham gia với các đơn vị liên quan trong Bộ thẩm định dự án, thẩm
định kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đối với dự án, gói thầu thuộc thẩm
quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ để Bộ trình Thủ tướng chính phủ
phê duyệt hoặc cho phép đầu tư; làm đầu mối tham gia thẩm định các dự án
thuộc lĩnh vực Vụ phụ trách để các bộ, ngành, địa phương quyết định theo thẩm
quyền gồm: thẩm định thành lập mới, sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà
nước; thẩm định các dự án đầu tư (cả vốn trong nước và vốn ngoài nước); thẩm
định quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị. Thực hiện việc giám sát dự
án đầu tư thuộc ngành, lĩnh vực Vụ phụ trách.
7. Nghiên cứu dự báo, thu thập và hệ thống hoá các thông tin về kinh tế
phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực Vụ
phụ trách; phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ xử lý và cung cấp thông
tin về lĩnh vực kết cấu hạ tầng và đô thị.
8. Làm đầu mối tổng hợp kế hoạch 5 năm, hàng năm của: Bộ Xây dựng,
Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Giao thông vận tải (kể cả Cục Hàng hải Việt
Nam và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) và các Tổng Công ty thuộc

chuyên ngành xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông.
9. Thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao.
3. Cơ cấu tổ chức
Bộ máy tổ chức của Vụ bao gồm 1 Vụ trưởng, 3 Vụ phó và 14 chuyên
viên.
Vụ trưởng là người lãnh đạo cao nhất trong Vụ, có trách nhiệm phụ trách
chung công việc của Vụ.
Lĩnh vực chung mà Vụ phụ trách chia làm 3 mảng lớn, do vậy Vụ có 3
Vụ phó, mỗi Vụ phó phụ trách một mảng. Bao gồm:
- Vụ phó phụ trách Tổng hợp và Bưu chính Viễn thông.
- Vụ phó phụ trách Giao thông Vận tải
- Vụ phó phụ trách ngành Xây dựng.
Mỗi chuyên viên phụ trách một hoặc một số lĩnh vực nhỏ như đã phân
chia theo mô hình tổ chức như trên. Chuyên viên nào phụ trách lĩnh vực thuộc
mảng nào sẽ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Vụ phó phụ trách mảng đó.
MÔ HÌNH TỔ CHỨC VỤ KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ ĐÔ THỊ

PHẦN II
ĐÁNH GIÁ CHUNG TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC
CHUYÊN MÔN NĂM 2005 CỦA VỤ KẾT CẤU HẠ TẦNG
VÀ ĐÔ THỊ
I. Công tác chuyên môn của Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị
Với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong quyết định số
600/8/2003/QĐ-BKH thì Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị phải thực hiện những
công việc cụ thể như sau:
1. Tham gia lập chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, lập kế hoạch về
đầu tư dài hạn và hàng năm của các đơn vị do Vụ phụ trách, bao gồm:
- Bộ Giao thông vận tải
- Bộ Bưu chính viễn thông
- Bộ Xây dựng

- Cục Hàng hải Việt Nam
- Cục Hàng không dân dụng Việt Nam
- Cục Đường Sắt Việt Nam
- Tổng công ty 91
2. Theo dõi việc thực hiện kế hoạch của các cơ quan thuộc Vụ phụ
trách:
- Theo dõi việc thực hiện kế hoạch 5 năm, hàng năm thông qua các
báo cáo hàng tháng, hàng quý, hàng năm do các đơn vị gửi lên, bao gồm báo
cáo về đầu tư xây dựng cơ bản và báo cáo về sản xuất, kinh doanh.
- Các chuyên viên lập báo cáo tổng kết việc thực hiện kế hoạch của
các đơn vị theo tháng, quý, năm nhằm phục vụ công tác của lãnh đạo.
3. Nghiên cứu, đề xuất, tham gia soạn thảo các Luật, các văn bản quy
phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực Vụ theo dõi.
4. Tham gia thẩm định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Vụ
trong các lĩnh vực xây dựng; giao thông vận tải, bưu chính viễn thông; cấp
thoát nước, môi trường nhà ở, trụ sở ở các đô thị thuộc TW.
5. Tham mưu cho Bộ trưởng về hướng dẫn chỉ tiêu kế hoạch sản xuất
kinh doanh dài hạn, hàng năm cho các Tổng Công ty thuộc Vụ phụ trách.
6. Hàng ngày, Vụ phải xử lý các văn bản, công văn đến và gửi đi các
văn bản, công văn nhằm thực hiện nhiệm vụ của mình.
7. Lãnh đạo Vụ thực hiện công tác giao ban hàng tuần, giao việc,
thông tin cho các chuyên viên.
8. Ngoài ra, còn nhiều công việc khác do Vụ trưởng, Bộ trưởng giao.
II. Đánh giá chung công tác chuyên môn của Vụ năm 2005
1. Những thành quả đạt được:
Trong những năm qua, Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị đã hoàn thành tốt
mọi nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực sau:
1.1. Vụ đã hoàn thành Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch 2001-
2005, dự kiến kế hoạch 5 năm 2006-2010; tình hình thực hiện kế hoạch
2005, xây dựng kế hoạch 2006 các ngành, lĩnh vực, Bộ, tổng công ty do Vụ

phụ trách.
Hoàn thành các báo cáo định kỳ và đột xuất theo chỉ đạo của Lãnh
đạo Bộ.
1.2. Trong năm 2005, đã tập trung hoàn thành báo cáo Thủ tướng
Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về danh mục và mức vốn các dự án
sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ; xử lý vốn nợ của Bộ Giao thông
vận tải theo Quyết định 910/CP, vốn nợ Quỹ hỗ trợ phát triển, vốn nợ của
các doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải, vốn hỗ trợ các dự án BOT ngành
giao thông vận tải, bổ sung vốn đối ứng ODA ngành giao thông năm 2005
và cân đối đủ vốn đối ứng ODA ngành giao thông vận tải năm 2006; xử lý
các vấn đề tồn tại của các doanh nghiệp xây lắp ngành giao thông vận tải.
Kết hợp việc bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đã đề xuất các
giải pháp xử lý vốn cho các công trình nhóm B, C vùng Đồng bằng sông
Cửu Long, miền núi phía Bắc, Tây nguyên, miền Tây duyên hải Nam Trung
Bộ…
1.3. Tham gia đàm phán và ký kết biên bản ghi nhớ một số dự án
quan trọng với các nhà tài trợ như Cảng Cái Mép - Thị Vải, Quốc lộ 3
(mới), Cầu Nhật Tân, Thoát nước Hà Nội, Thoát nước Thành phố Hồ Chí
Minh giai đoạn 2, Thoát nước và vệ sinh môi trường Thành phố Hải phòng,
Cầu Thanh trì,…
1.4. Tham gia thẩm định các quy hoạch :
- Quy hoạch xây dựng mới về hệ thống cảng biển các khu vực
- Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin
- Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí
Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long
- Quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc
1.5. Tham gia tổ soạn thảo Luật đầu tư, các Ban chỉ đạo trung ương,
các tổ công tác của Bộ về triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ chính
trị về các vùng kinh tế, tổ công tác Chính phủ về dự án vệ tinh Vinasat, các
ban soạn thảo Đề án chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư, xây dựng; Nghị

định sản xuất và cung cấp nước sạch…; tham gia các tổ công tác liên ngành
về dịch vụ…
1.6. Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành
phần kinh tế tư nhân tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và
xây nhà để bán, cho thuê cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp -
khu chế xuất.
1.7. Có chương trình công tác năm, quý, tháng; có báo cáo năm, quý,
tháng và hàng tuần đúng quy định; xử lý công văn kịp thời, đúng nội dung.
Duy trì giao ban thường xuyên, cung cấp thông tin kịp thời đến từng công
chức. Công văn đi, đến xử lý trong ngày, đến đúng địa chỉ.
1.8. Về tổ chức chung:
Tổ chức nghiên cứu các văn bản mới về luật, cơ chế, chính sách để
vận dụng tốt vào công tác chuyên môn.
Đã tập trung hoàn thiện, ban hành biểu mẫu báo cáo năm, quý, tháng,
tuần, cũng như báo cáo kế hoạch 5 năm, hàng năm trong Vụ.
Đã hoàn thiện bước đầu hồ sơ các dự án nhóm A, ODA, dự án quan
trọng, dự án trái phiếu Chính phủ… để theo dõi và điều hành kế hoạch.
Tổ chức tốt hệ thống văn thư, quản lý văn bản đi- đến và văn bản trả
lời theo hạn định.
1.9. Về phối hợp công tác
Có quan hệ tốt với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài Bộ, tiếp
khách nước ngoài đúng quy định, bảo đảm bí mật cơ quan Nhà nước nhưng
vẫn rộng mở trong giao tiếp, xúc tiến đầu tư đúng quy định; không có biểu
hiện sách nhiễu, quan liêu, tham ô, tham nhũng, không có đơn thư khiếu nại.
Thực hiện tiết kiệm trong sử dụng kinh phí cơ quan về chi hành
chính, tiết kiệm điện, điện thoại, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của
Bộ, của Vụ.
Bố trí hợp lý thời gian và có chương trình để Lãnh đạo Vụ và công
chức đi công tác, nắm tình hình thực tế các dự án quan trọng, các địa
phương, nâng cao năng lực quản lý và trau dồi kinh nghiệm thực tiễn.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành Kế hoạch và Đầu tư, đã
lập kỷ yếu của Vụ nhằm khơi dậy truyền thống đoàn kết, sức sáng tạo của
công chức, động viên phong trào thi đua, tiếp bước cha anh xây dựng Vụ
ngày càng vững mạnh.
2. Một số mặt tồn tại
Trong năm 2005, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện
chủ trương đường lối, chính sách và các quy định của Đảng, Nhà nước và
Chính phủ, nhưng trong phân bổ đầu tư còn có sự chưa cân đối giữa các
ngành như đường bộ, đường sắt, đường sông…bảo đảm cân đối các nguồn
vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đảm bảo sự phát triển hài hoà trong một
số lĩnh vực, nhất là ngành giao thông vận tải.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, giám sát dự án, đảm bảo thực
hiện tốt hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí, dàn trải; cập nhật tình
hình thực hiện các dự án quan trọng (Nhóm A, TPCP, ODA…) để nắm bắt
và chỉ đạo kịp thời góp phần vào việc tăng cường quản lý các dự án.
Đây là lĩnh vực liên quan nhiều đến sự phát triển ngành đối với góp
phần vào tăng trưởng kinh tế, vì vậy cần tìm mọi biện pháp để phát triển
lĩnh vực này, kể cả trong sản xuất - kinh doanh và thu hút các nguồn vốn
đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
Đẩy mạnh hơn nữa, tìm giải pháp xử lý nợ XDCB, nhất là trong
ngành Giao thông vận tải trong giai đoạn tới.
Trong công tác trẻ hoá đội ngũ cán bộ, cần tìm mọi biện pháp để có
thể nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, phẩm chất đạo đức, nắm bắt công việc
tốt hơn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
PHẨN III
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN NĂM 2006 CỦA
VỤ KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ ĐÔ THỊ
I. Chương trình công tác chuyên môn năm 2006 của Vụ
1. Hoàn thiện báo cáo kế hoạch 2006-2010 của Vụ, tham gia báo cáo
kế hoạch 2006-2010 của Bộ trình Quốc hội.

2. Theo dõi tình hình triển khai kế hoạch 2006 và tham gia điều hành
kế hoạch 2006 của Bộ, Tổng công ty do Vụ phụ trách.
3. Tham gia xây dựng Nghị định thi hành Luật đầu tư, Luật đấu thầu,
Luật doanh nghiệp, Luật nhà ở và các Luật đầu tư bằng nguồn vốn ngân
sách nhà nước, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Công nghệ
thông tin, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đăng ký bất động sản, Luật
các vùng biển Việt Nam, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển.
4. Tham gia cơ chế chuyển đất từ nguồn tài nguyên thành vốn; cơ chế
quản lý sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người
nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam; cơ chế huy động nguồn lực xây
dựng nhà ở.
5. Xây dựng danh mục các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; lĩnh
vực và danh mục kêu gọi FDI; lộ trình áp dụng cơ chế một giá, giảm chi phí
sản xuất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh; lộ
trình tiến tới xoá hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước trong quá trình hội nhập
quốc tế.
6. Tham gia nghiên cứu các đề án thành lập các tập đoàn kinh tế
mạnh, phát hành trái phiếu doanh nghiệp với các Tổng công ty lớn.
7. Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các ngành.
8. Tăng cường thanh tra, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án trong
ngành.
9. Tích cực cải cách hành chính trong nội bộ.
10. Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
II. Định hướng đề tài
Ngành Giao thông vận tải (GTVT) Việt Nam bao gồm đầy đủ các
phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, vận tải
biển, vận tải ven biển và đường hàng không cùng với các bến bãi liên quan.
Trong suốt thời gian qua, ngành GTVT đã phát triển một cách đáng kể với
tốc độ tăng trưởng vượt trội, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện
các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Sở dĩ ngành GTVT đường

bộ đã tập trung đầu tư nâng cấp va hoàn thiện cơ bản các trục đường giao
thông trên tuyến Bắc - Nam, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, các tuyến từ
Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các khu công nghiệp, khu kinh tế quan
trọng, đường xuyên Á, hành lang Đông Tây, mở thêm tuyến trục song song
để giải toả ách tắc giao thông, củng cố các tuyến liên tỉnh. Hoàn thành xây
dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, xây dựng cầu lớn như cầu Thanh Trì,
cầu Cần Thơ, cầu Bãi Cháy.
Mặc dù ngành GTVT đường bộ tăng trưởng ổn định qua các năm
nhưng điều đó không có nghĩa ngành GTVT đường bộ không có vấn đề gì
để bàn mà ngược lại hiện nay trong ngành đang tồn tại nhiều mặt còn hạn
chế, nếu không sớm khắc phục sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành GTVT
đường bộ nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.
Một trong số đó là những yếu kém và bất cập trong quản lý đầu tư
xây dựng cơ bản, là một trong những nguyên nhân quan trọng trực tiếp làm
hạn chế chất lượng và hiệu quả của sự tăng trưởng và sẽ còn gây những hậu
quả lâu dài với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhận thức được vấn đề bức xúc, nổi cộm trên, em muốn đi sâu nghiên
cứu đề tài:" Đánh giá thực trạng việc phân cấp quản lý trong lĩnh vực
đầu tư xây dựng cơ bản của ngành giao thông vận tải đường bộ Việt
Nam giai đoạn 2001-2005" nhằm góp phần tìm ra giải pháp sớm khắc phục
tình trạng trên.
KẾT LUẬN
Trên đây là toàn bộ nội dung của báo cáo tổng hợp mà em đã tìm hiểu
được về Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị - Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự
hướng dẫn nhiệt tình của thầy giáo Tiến sĩ Phạm Ngọc Sơn và đồng chí
Nguyễn Việt Hồng - chuyên viên Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị - Bộ Kế
hoạch và Đầu tư.
Giai đoạn thực tập tổng hợp là cơ hội tốt để em tìm hiểu thêm về thực
trạng phát triển của ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam và những
bất cập còn tồn tại của ngành hiện nay.

Trên cơ sở tích luỹ kiến thức ở trường và qua tìm hiểu thực tế, em
muốn được đi sâu nghiên cứu để góp phần tìm ra giải pháp khắc phục một
số vấn đề còn tồn tại của ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam.
Tuy nhiên do trình độ và thời gian tìm hiểu còn hạn chế nên không
tránh khỏi những thiếu sót, vì vậy em rất mong được sự bổ sung, góp ý của
thầy và tập thể cán bộ Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị để bài viết này được
hoàn thiện hơn. Hy vọng trong thời gian thực tập tới em tiếp tục nhận được
sự hướng dẫn của thầy và của các cán bộ hướng dẫn thực tập.
Em xin chân thành cảm ơn!

×