Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Thực trạng và biện pháp sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (173.49 KB, 6 trang )

THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG
DẠY HỌC CÁC YẾU TỐ THỐNG KÊ Ở TIỂU HỌC
Nguyễn Quang Hưởng
1


Bài báo đưa ra thực trạng nhận thức của giáo viên tiểu học về nội dung yếu tố
thống kê ở tiểu học; Những thuận lợi và khó khăn của giáo viên đối với dạy học nội dung
yếu tố thống kê ở tiểu học; Thực trạng của việc sử dụng phần mềm trong dạy học các
yếu tố thống kê ở tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trên cơ sở tìm hiểu thực trạng
ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học, đề xuất một
số biện pháp sư phạm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở
tiểu học nhằm nâng cao chất lượng dạy học toán ở tiểu học.

1. Mở đầu
Một trong những nội dung cơ bản của chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của
Đảng và Nhà nước ta là đưa công nghệ thông tin nói chung và phần mềm dạy học nói riêng vào hoạt động
dạy và học nhằm nâng cao hiệu quả dạy học.
Khoa học thống kê ra đời nhằm mục đích nghiên cứu các phương pháp thu thập, tổ chức và phân
tích dữ liệu một cách khách quan, đáng tin cậy để từ đó phát hiện ra các tri thức, thông tin ẩn chứa ở đó.
Ở nước ta, trong chương trình tiểu học hiện nay, các yếu tố về thống kê được đưa vào nhằm tăng cường
những nội dung kiến thức có nhiều ứng dụng thực tế, tăng cường kỹ năng thực hành, kỹ năng giải quyết
vấn đề cho học sinh. Do đó việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học
là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Trong thực tế, giáo viên tiểu học đã nhận thức đúng về nội dung, mức độ yêu cầu dạy học yếu tố
thống kê trong chương trình hay chưa? Họ đã ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố
thống kê nhằm phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh như thế nào? Để tìm hiểu vấn đề này, chúng
tôi đã tiến hành điều tra thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu
học của các giáo viên tiểu học thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Nội dung
2.1. Kết quả điều tra và đánh giá thực trạng


Chúng tôi tiến hành điều tra 100 giáo viên tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Phiếu điều tra
bao gồm 34 câu hỏi, trong đó chủ yếu là các câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn (có những
phương án mở) và một số câu trắc nghiệm tự luận. Nội dung của phiếu điều tra tập trung xung quanh một
số vấn đề: nhận thức của giáo viên về nội dung và mức độ yêu cầu cần đạt trong dạy học các yếu tố thống

1
Trường ĐHSP Hà Nội 2
kê ở tiểu học; khả năng và mức độ sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu
học.
2.1.1. Kết quả điều tra về nhận thức của giáo viên về nội dung yếu tố thống kê
Kết quả điều tra nhận thức của giáo viên tiểu học về nội dung yếu tố thống kê được dạy trong
chương trình tiểu học:
Số giáo viên nhận thức đúng và đủ về nội dung yếu tố thống kê được dạy trong chương trình tiểu
học là 25%.
Số giáo viên nhận thức đúng nhưng chưa đủ về nội dung yếu tố thống kê được dạy trong chương
trình tiểu học là 57%.
Số giáo viên nhận thức chưa đúng về nội dung yếu tố thống kê được dạy trong chương trình tiểu
học là 18%.
Nhận thức của giáo viên tiểu học về mức độ yêu cầu cần đạt đối với học sinh về dạy học yếu tố
thống kê:
Số giáo viên nhận thức đúng và đủ về mức độ yêu cầu cần đạt đối với học sinh về dạy học yếu tố
thống kê ở tiểu học là 19%.
Số giáo viên nhận thức đúng nhưng chưa đủ về mức độ yêu cầu cần đạt đối với học sinh về dạy
học yếu tố thống kê ở tiểu học là 32%.
Số giáo viên nhận thức chưa đúng về mức độ yêu cầu cần đạt đối với học sinh về dạy học yếu tố
thống kê ở tiểu học là 49%.
Dựa vào các số liệu điều tra trên địa bàn Vĩnh Phúc cho thấy tỉ lệ giáo viên nhận thức đúng và đủ
về nội dung cũng như mức độ yêu cầu cần đạt đối với học sinh tiểu học còn thấp. Điều này chứng tỏ giáo
viên tiểu học chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức thống kê ở mức cao để có khả năng soi rọi vào kiến
thức trong chương trình tiểu học. Chưa thấy được kiến thức ở mức thấp là cơ sở, nền tảng, minh họa cho

kiến thức ở mức cao. Thực tế dạy học cho thấy, còn nhiều giáo viên chưa hiểu đúng bản chất và đặc trưng
của mạch kiến thức này cho nên khi dạy rất hời hợt, thường bỏ qua và không khai thác đúng trọng tâm
kiến thức, chưa thể hiện được tư tưởng quan trọng của thống kê, ý nghĩa thống kê, đặc trưng của yếu tố
thống kê. Giáo viên thường lệ thuộc các tình huống đưa ra trong sách giáo khoa, chưa có ý thức tìm tòi
đưa ra những số liệu thực tế thông qua điều tra, thu thập Chẳng hạn, khi dạy về dãy số liệu, giáo viên
không làm rõ được việc hình thành dãy số liệu là do quan sát thực tế, thu thập, ghi chép lại theo một thứ
tự nhất định, từ đó học sinh không hiểu tại sao phải học dãy số liệu thống kê.
2.1.2. Đánh giá thực trạng sử dụng phần mềm dạy học trong dạy học các yếu tố thống kê ở
tiểu học
2.1.2.1. Những thuận lợi và khó khăn của giáo viên đối với dạy học nội dung yếu tố thống kê
* Thuận lợi
- Cấu tạo của chương trình toán nước ta có nhiều thuận lợi cho việc sắp xếp cũng như lĩnh hội các
kiến thức thống kê. Các kiến thức thống kê có liên quan hữu cơ với các kiến thức toán học khác. Ngược
lại, các kiến thức toán học khác lại được bổ sung thêm ý nghĩa và lĩnh vực ứng dụng qua thống kê.
- Yếu tố thống kê được đưa vào chương trình một cách có hệ thống, thành một mạch kiến thức
riêng, có tiết luyện tập, ôn tập, trong các kì kiểm tra được nhắc tới. Điều này làm cho giáo viên dễ dạy
hơn và có thể thường xuyên củng cố mạch kiến thức này cho học sinh. Tuy là mạch kiến thức mới được
đưa vào chương trình nhưng thực chất giáo viên đã dạy ở chương trình cũ. Trong chương trình cũ đã chứa
đựng những yếu tố mang nội dung thống kê, trước hết là thống kê mô tả (biểu đồ, số trung bình cộng ),
giáo viên đã dạy các kiến thức đó với kinh nghiệm tích luỹ được mặc dù dạy chúng với tư cách là những
kiến thức toán học thuần tuý chứ chưa phải là kiến thức thống kê.
- Các tri thức dưới dạng số liệu đang tràn ngập trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta, khắp
nơi xung quanh chúng ta. Điều đó cũng giúp giáo viên dễ dàng cập nhật thông tin để đưa vào nội dung bài
học.
- Học sinh thường xuyên được tiếp cận với các con số thông qua bảng, biểu đồ trên các phương
tiện thông tin đại chúng. Có nghĩa là việc làm quen với một số yếu tố thống kê đơn giản là vừa sức đối
với học sinh tiểu học.
* Khó khăn
- Đội ngũ giáo viên tiểu học tuy đông đảo nhưng trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn còn hạn chế,
phần lớn giáo viên có trình độ trung học sư phạm cho nên còn thiếu hụt các kiến thức của lí thuyết xác

suất thống kê. Chính vì vậy họ chưa có đủ tầm nhìn khái quát, bản chất của nội dung kiến thức này, thậm
chí họ không hiểu thống kê là thế nào? Chưa xác định được nội dung và mức độ cần đạt về kiến thức và
kĩ năng của mạch kiến thức này. Hầu như giáo viên không nắm được mức độ tích hợp và đặc trưng của
mạch kiến thức này. Thực tế dạy học cho thấy, giáo viên dạy rất hời hợt, chỉ lệ thuộc hoàn toàn vào tình
huống đưa ra ở sách giáo khoa, chưa biết thay thế, bổ sung dạng bài tập sao cho phù hợp với từng đối
tượng học sinh, phù hợp với địa phương, càng làm cho kiến thức thống kê xa rời với thực tiễn sống động.
Việc khai thác kiến thức một cách hời hợt như vậy làm cho dạy học không còn ý nghĩa, học sinh không
thấy học kiến thức đó để làm gì. Chẳng hạn, khi dạy về dãy số liệu, giáo viên chỉ biết mô tả dãy số liệu
thông qua tình huống có trong sách giáo khoa mà không làm nổi bật tại sao phải học dãy số liệu.
- Vốn kiến thức và vốn sống của học sinh tiểu học còn ít, khả năng tư duy tổng hợp chưa cao. Vì
vậy cần có hệ thống câu hỏi gợi mở để khai thác những hiểu biết và vốn sống của học sinh.
- Trên thực tế dạy học hiện nay, đồ dùng phục vụ dạy học chưa đáp ứng vì vậy vẫn tồn tại giáo
viên dạy “chay”.
- Giáo viên khó có thể tổ chức cho học sinh những buổi học ngoại khoá, tham quan nhà máy, xí
nghiệp, những cơ sở sản xuất ở địa phương để học sinh có những cuộc điều tra nhỏ trên thực tế.
- Tuy nội dung yếu tố thống kê đã sắp xếp thành mạch riêng song lượng bài tập giúp học sinh
thực hành luyện tập còn ít.
- Việc sử dụng và phối hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực nhận thức của
học sinh đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị mất nhiều thời gian, chủ động xử lí tình huống sư phạm.
2.1.2.2. Thực trạng sử dụng phần mềm dạy học trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học
Hầu hết các giáo viên cũng như cán bộ quản lý đều khẳng định vai trò, tác dụng và tầm quan trọng
của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê nói riêng, dạy học toán ở tiểu
học nói chung. Các cán bộ quản lý nhà trường luôn có những chủ trương tích cực trong việc ứng dụng
công nghệ thông tin vào dạy học. Đó là, động viên, khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông
tin; tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất và trang thiết bị kĩ thuật; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia
các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ để có thể sử dụng thành thạo máy vi tính cũng
như các phần mền dạy học. Về phía các giáo viên đứng lớp, mặc dù cũng có thái độ tích cực tuy nhiên
việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê nói riêng, dạy học toán ở tiểu học nói
chung vẫn chưa được thường xuyên, thậm chí có một vài trường hợp không hề sử dụng. Tâm lý e ngại
của giáo viên khi sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học toán do các nguyên nhân chủ yếu là: trình độ

năng lực tin học còn hạn chế (100%), tốn nhiều thời gian và công sức cho việc chuẩn bị bài dạy (50%),
thiếu thông tin về một số phần mền dạy học để có thể ứng dụng trong dạy học (100%), khả năng tổ chức
giờ dạy có sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế (83%).
Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kĩ thuật để có thể tổ chức dạy học có sử dụng công nghệ
thông tin trên địa bàn khảo sát: chỉ có 1 trường có 1 phòng máy vi tính với máy chiếu, bảng tương tác và
có nối mạng nội bộ, còn một số trường cũng có phòng máy vi tính nhưng chất lượng máy không tốt, số
lượng ít, còn lại hầu hết các trường chỉ trang bị hoặc là máy tính xách tay, hoặc là CPU “lưu động” cùng
với máy chiếu màu và màn hình để cho các giáo viên có nhu cầu sử dụng tại lớp của mình. Phần mềm
thường được giáo viên sử dụng chủ yếu là Microsoft PowerPoint.
Hầu hết các giáo viên chỉ sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học
khi tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp (97%). Còn lại số ít là do hứng thú và thấy được vai trò của
việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học nên thỉnh thoảng sử dụng. Mặc dù vậy, các giáo viên đều
khẳng định tính khả thi của việc triển khai nghiên cứu sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu
tố thống kê nói riêng, dạy học toán ở tiểu học nói chung (92%) trong một tương lai gần.
2.2. Một số biện pháp sư phạm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống
kê ở tiểu học
Qua điều tra thực trạng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy các giáo viên đều nhận thức được vai trò của việc sử dụng công
nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê nói riêng, dạy học toán ở tiểu học nói chung. Tuy nhiên,
việc sử dụng này còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
các yếu tố thống kê phù hợp với hoạt động nhận thức của học sinh tiểu học và mang lại hiệu quả cao
trong quá trình dạy học, có thể sử dụng một số biện pháp sư phạm sau:
Giáo viên tiểu học cần phải được trang bị những kiến thức cần thiết về thống kê, những tư tưởng
quan trọng về thống kê, tính hệ thống của những khái niệm mở đầu về thống kê được đưa vào chương
trình tiểu học.
Các trường tiểu học cần được trang bị phòng máy bao gồm máy tính, máy chiếu, máy quét, máy
ảnh. Các máy cần được cài các phần mềm ứng dụng, phần mềm thiết kế bài giảng, phần mềm diệt vi rút
có bản quyền.
Giáo viên cần được trang bị kiến thức cơ bản về tin học và thường xuyên bồi dưỡng những kiến
thức mới, công nghệ mới về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học toán ở tiểu học.

Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học theo hướng minh họa
trực quan, mô phỏng cấu trúc
Bổ sung hệ thống bài tập về yếu tố thống kê được tích hợp một số nội dung giáo dục dân số, giáo
dục môi trường, giải toán…
3. Kết luận
Dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học có vai trò rất quan trọng bởi nó góp phần không nhỏ vào
việc thực hiện nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà
trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội’’. Điều tra để nắm được thực trạng sử dụng công nghệ
thông tin trong dạy học các yếu tố thống kê ở tiểu học từ đó đề xuất các biện pháp sư phạm là một việc
cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học toán ở tiểu học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Quốc Chung, Đào Thái Lai, Đỗ Tiến Đạt, Trần Ngọc Lan, Nguyễn Hùng Quang, Lê Ngọc
Sơn, Giáo trình phuơng pháp dạy học toán học ở tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.
2. Nguyễn Cương, Phương tiện kỹ thuật và đồ dùng dạy học, Hà Nội, 1995.
3. Dự án Việt - Bỉ “Hỗ trợ học từ xa”, Giới thiệu một số phần mềm dạy học, Hà Nội, 2001.
4. Nguyễn Kế Hào, Nguyễn Hữu Dũng, Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy ở tiểu học,
Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993.

THE FACT OF USING INFORMATION TECHNOLOGY IN TEACHING AND LEARNING
STATISTICAL FACTORS IN PRIMARY EDUCATION
Nguyen Quang Huong

Abstract
The paper shows reality of conceiveness of the primary school teachers about the statistics factor
at primary education; the advantages and disadvantages for teachers when teaching the statistics factor at
primary education, the reality of using the teaching software in teaching the statistics factor at primary
education in Vinh Phuc province. Based on the finding of the reality of using ICT in teaching we propose
somme pedagogical solutions to apply ICT in teaching the statistics factor at primary education to raise
the quality of Maths teaching at primary education.


×