Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Cảm nhận về bài thơ đây thôn vĩ dạ của hàn mạc tử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (101.67 KB, 4 trang )

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ ĐÂY THÔN VĨ DẠ CỦA HÀN MẶC TỬ

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912, tại Lệ Mĩ, Đồng Hới, tỉnh
Quảng Bình, trong một gia đình công chức theo đạo Thiên Chúa.
Năm 1920, Hàn Mặc Tử theo gia đình vào học tiểu học ở Sa Kì, Quy Nhơn, sau đó học ở
Bồng Sơn, rồi lại trở về học ở Sa Kì.
Năm 1926, thân sinh Hàn Mặc Tử bị bệnh rồi mất ở Huế, ông theo mẹ vào Quy Nhơn, bắt
đầu làm thơ Đường với bút hiệu Minh Duệ Thị.
Năm 1928, Hàn Mặc Tử ra học ở trường Pellerin ở Huế, đổi bút hiệu là Phong Trầu, ghé
thăm cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự nên bị Pháp xóa tên trong danh sách những người được đi du
học ở Pháp.
Năm 1932 - 1933, ông làm việc ở sở Đạc Điền Quy Nhơn, có thơ đăng báo Tiếng Dân.
Phụ Nữ Tân Văn: Tới năm 1934, theo Thúc Tề vào Sài Gòn làm báo, lấy bút hiệu Lệ Thanh, rồi
Hàn Mặc Tử.
Những bài thơ Đường luật đầu tiên của Hàn Mặc Tử mang cảnh buồn lạnh như cảnh Chùa
hoang:
Hương sầu khói lạnh nằm ngơ ngác
Vách chán đêm suông đứng dãi dầu
Qua nỗi buồn nhè nhẹ trong tập Gái quê. Và rồi người đọc ngạc nhiên khi trong tập Thơ
Điên lại có Đây thôn Vĩ Dạ không điên tí nào, ngược lại còn đẹp, có chút dịu dàng
Một lời mời, lời trách nhẹ nhàng, thân ái mở đầu bài thơ. Nghệ thuật trách và mời trong
câu thơ thật khéo léo.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Trách vì đã quen nhau và đã mời từ trước. Bây giờ mới về gặp mặt, nhắc lại là để trách yêu
nhưng cũng để giới thiệu cái đẹp trong sáng, xinh tươi. Tiếp đến, người đọc thấy một bức tranh
bình minh rạng rỡ:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Đấy là một đất trời rạng rờ với nắng sớm long lanh trên những tàu cau còn đẫm sương đêm
vươn lên đón nắng ban mai, hòa vào một không gian mướt xanh tươi non trong vườn cây sum suê
thấp thoáng bóng người. Nghệ thuật tả và so sánh trong câu thơ thứ hai làm tăng thêm vẻ xanh


trong cảnh vườn. Trong cảnh đẹp nõn nà ấy lại thấy xuất hiện:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Người ta cứ thắc mắc khuôn “mặt chữ điền” đó là của ai? Người ta cứ nghĩ rằng khuôn
mặt đó “vuông” chứ chẳng phải “khuông trăng” hay “trái xoan” nên cứ đoán rằng đó là khuôn
mặt của nam giới. Sao không nghĩ rằng đó là khuôn mặt của em? Vừa giới thiệu hàng cau, giới
thiệu “vườn xanh như ngọc” của “ai” đó. “Anh” vừa nhìn được cảnh đẹp ấy, còn nhìn được
khuôn mặt chữ điền của “ai” đó thấp thoáng bên bụi trúc. Có đôi mắt, sống mũi, đôi môi, gò má
hồng cân đối thì khuôn mặt chữ điền phúc hậu kia sao lại chẳng là khuôn mặt của người đẹp?
Cái khéo léo của nhà thơ là ở tài giới thiệu “ai” đó một cách kín đáo, duyên dáng và phúc hậu
theo quan niệm về tướng mạo của người xưa.
Lời hỏi. lời trách nhẹ; cảnh bình minh ở trên vừa thực vừa mơ. Thực là cảnh thực của Vĩ
Dạ, mơ là cái mộng của nhà thơ. Có thể trước kia Hàn Mặc Tử đã về cùng thôn Vĩ, nhưng bây giờ
thì là mơ, làm thơ mơ được về nơi ấy, thưởng thức cảnh đẹp của bình minh, rồi ngẩn ngơ cảnh
chiều buồn giữa khu vườn bắp đang độ trổ cờ:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Cảnh hiền lành của miền quê trong chiều, và trước dòng chuyển của thời gian vô tình, mỗi
sự vật đều như cố thu về trong cõi cô đơn, quạnh quẽ của riêng mình, ở đây, mây không còn
nương gió. Điệp từ trong câu thơ không để nhấn manh mà là để diễn tả nỗi cô đơn. Gió, mây,
dòng nước, hoa bắp như có hồn, cảm nhận được cái vô tình nghiệt ngã của thời gian lướt tới. Ai
đã từng về Vĩ Dạ tất nhận ra cảnh đẹp của một thôn ngoại vi của kinh thành Huế nằm bên bờ sông
Hương có cánh đồng lau và những nương bắp, nơi cư trú của các quan triều Nguyễn.
Và ta cũng đừng quên đêm với Hàn Mặc Tử là trăng. Hàn Mặc Tử là nhà thơ của trăng.
Trăng trong những bài thơ Đường luật như:
Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa
Sương dẫm trăng lồng bóng thiết tha
Trăng trong Bẽn lẽn như:
Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Trăng trong Mật đắng như:

Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng
Cho trăng xuân tràn về say chới với
Và còn cả một tập thơ xuôi Chơi giữa mùa trăng, nên Vĩ Dạ sông nước hữu tình kia trong
thơ của chàng làm sao thiếu trăng được! Và anh thơ đã hỏi giữa khoảng trời mênh mông:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
“Thuyền ai” đâu có thể xác định được là của ai? Chở trăng về đâu vậy hở? Chở trăng về Vĩ
Dạ với chàng ư? Hay ai đó chở trăng về với người thương đang đợi? Có thể như thế lắm, thơ là
mơ mộng mà!
Khổ thơ cuối có lẽ là nhà thơ đã tỉnh mộng, đã quay về với thực tại nơi nhà thơ đang sống.
Nhà thơ đã:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Cần nhớ rằng nhà thơ làm bài thơ này lúc đã bị bệnh phong, cắt đứt mọi quan hệ giao tiếp
với người thân ngoại trừ vài người thân thiết nhất, bởi vậy mà niềm mơ ước của nhà thơ tha thiết
vô cùng. Giờ đây, không phải mơ được về thăm thôn Vĩ mà là mơ người thôn Vĩ đến thăm chàng.
Mơ lắm ở nghệ thuật láy lại “khách đường xa”. Người khách ấy còn trinh trắng quá không chỉ
trong tâm hồn mà còn cả ở “áo em trắng quá nhìn không ra”
Nhà thơ quay về với thực tại: buồn lắm, cô đơn lắm, tuyệt vọng đang hiện về từ chứng
bệnh ngặt nghèo. Chính ở trong tâm trạng đó, nhà thơ khao khát cuộc sống, khao khát tình yêu tới
tột cùng:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Đất Quy Hòa cát trắng là nơi nhà thơ đang sống cùng bệnh phong, nơi tình người chỉ
thoáng như “sương khói” ngày nắng tháng mưa.
Cái tha thiết ước mong đọng lại ở câu thơ cuối cùng. Chẳng hiểu em (ai) có biết cho tình
yêu của ta (ai) với em vô cùng tha thiết, nồng đượm? Cái hay của câu thơ nằm ở nhân xưng đại từ
phiếm chỉ “ai” ở câu thơ nghi vấn có âm hưởng của tiếng thở dài vô vọng.
Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm sâu sắc, Đây thôn Vĩ Dạ, một bài thơ đẹp. Một bài
thơ có những câu tả cảnh đầy tính nghệ thuật làm tăng thêm vẻ đẹp của một vùng quê xứ Huế.

Đồng thời cũng thể hiện khao khát sống, khao khát được yêu của nhà thơ trong cảnh sống cô đơn,
bệnh hoạn một bài thơ tình yêu của một kiếp người truân chuyên nhưng đầy ắp tình yêu đời,
yêu người.

×