Lục Tiến Dũng
Thơ Hàn Mặc Tử là một hiện tượng phức tạp, không dễ thống nhất trong cách
thẩm định và cắt nghĩa. Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như vậy...Nhìn tổng thể, bài
thơ có sự di chuyển tăng dần về phía cuối. Cả bài thơ được bao phủ bởi một màn
sương mộng ảo, mơ hồ; cùng cái cảm giác chông chênh, chơi với của lòng người.
Vì là sản phẩm của một trạng thái mơ, nên giữa các khổ thơ có vẻ “đầu Ngô, mình
Sở”, không tuân theo lô-gíc nào cả. Nó phi lô-gíc bề mặt, nó đồng hiện và đột hiện.
Nhưng nó có lô –gíc chiều sâu: tiếng của một tình yêu tuyệt vọng, thảng thốt và đau
đớn..
Người ta đã tốn quá nhiều
giấy mực để bàn bạc, thậm chí là
tranh cãi về tuyệt phẩm này. Mỗi
quan điểm, mỗi cách tiếp cận
đều có những lí lẽ riêng và đến
tận hôm nay, Đây thôn Vĩ Dạ
vẫn còn đó những khoảng trống
thú vị giành cho những ai đam
mê bài thơ này khám phá và
chiêm nghiệm. Xét về mặt hình
tượng, Đây thôn Vĩ Dạ là một
cấu trúc mở. Mỗi từ ngữ, mỗi hình ảnh được sử dụng trong bài thơ này đều có một
sức vang ngân rất lớn, mỗi người chỉ có thể đuổi theo một phía trong làn sóng âm
lan toả đa chiều, bao phủ toàn bộ hình tượng nghệ thuật của bài thơ. Tuy nhiên, nói
như thế không có nghĩa là hình tượng thơ trừu tượng đến độ không thể nắm bắt, chỉ
có điều, không phải người đọc nào cũng đủ tinh tế để tìm đến đúng cội nguồn lan
toả của làn sóng âm vang vọng nhưng cũng rất đỗi mơ hồ đó.
Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh giản dị, trong sáng nó gợi những hình
dung thật đẹp về cảnh và người Vĩ Dạ trong hoài niệm của thi nhân. Tuy nhiên, nếu
bàn về khổ thơ thứ nhất, mà chỉ chú trọng đến vẻ đẹp của hình ảnh mà bỏ qua cảm
giác của nhân vật trữ tình khi đối diện với cảnh thì chúng ta sẽ không thể kết nối
được nội dung cảm xúc của toàn bài. Không thể phủ nhận vẻ trong sáng, tinh khôi
của cảnh trong hình ảnh nắng mới lên, trong cái vẻ xanh mướt như ngọc của vườn
Vĩ Dạ, gợi cảm giác bình yên và cả nỗi niềm khao khát của con người. Nhưng chỉ
với một đại từ phiếm chỉ ai (trong vườn ai), và một từ chỉ mức độ quá (trong mướt
quá) đã làm tất cả vụt tan biến như một huyễn mộng. Cái sợi dây mơ hồ nối kết thi
nhân với cảnh (cũng là với tình) Vĩ Dạ đột ngột biến mất. Thay vào đó là cảm giác
xa lạ (vườn ai) và cái chống chếnh của trạng thái vượt ngưỡng (mướt quá). Chỉ từng
ấy thôi cũng đủ để ta cảm thấy dường như cái Đẹp kia đã là một cái gì đó vượt ra
ngoài tầm với của thi nhân. Từ cảm giác xa lạ, thiếu hoà hợp dẫn đến mặc cảm của
kẻ đứng ngoài là cái logic tất yếu của tâm trạng vậy. Có quá nhiều cách hiểu về câu
thơ cuối của khổ thơ thứ nhất: lá trúc che ngang mặt chữ điền. Nhưng dường như
phần đa đều nhìn nhận hình ảnh trong khổ thơ này là một phần của bức tranh Vĩ Dạ,
là vẻ đẹp e lệ, kín đáo và hồn hậu của con người xứ Huế mà bỏ qua khía cạnh trữ
tình của bản thân hình ảnh đó. Sẽ là vô ích nếu cứ mãi lí luận với nhau rằng mặt
chữ điền là chỉ vật hay chỉ người và nếu chỉ người thì đó là chủ thể trữ tình hay đối
tượng trữ tình. Nếu xét về cấu trúc của hình ảnh, rõ ràng câu thơ này gợi lên cảm
giác của sự ngăn cách. Đó là sự ngăn cách giữa người với người và giữa cảnh với
người. Để rồi, từ mặc cảm của sự ngăn cách dẫn đến mặc cảm về sự chia lìa trong
khổ thơ thứ hai.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Thật đúng khi cho rằng hình ảnh trong bài thơ này được tạo nên bởi sự đồng
hiện và đột hiện. Không một logic khách quan nào có thể lí giải cho sự vận động
của không gian, thời gian và hình ảnh được biểu hiện trong đó. Hình ảnh thơ ở đây
không còn là sự miêu tả nữa mà đã chuyển sang địa hạt của sự biểu hiện. Từ cảm
giác ngăn cách, thiếu hoà hợp thi nhân đã nhìn thấy sự chia lìa đang diễn ra trước
mắt. Và đau đớn hơn, sự chia lìa ấy lại đang diễn ra với những cái tưởng chừng như
khăng khít, không thể tách rời: gió - mây. Cái không gian ngoại hiện đã biến mất và
nhường chỗ cho không gian nội cảm. Nói về hình ảnh dòng nước buồn thiu, nhiều
người cứ thích tán rằng Hàn Mặc Tử đã sử dụng thủ pháp nhân hoá khiến dòng
nước kia cũng như có tâm trạng, cũng biết buồn, để rồi kết luận: cảnh sông nước xứ
Huế mơ mộng, huyền ảo, đẹp nhưng buồn mà không thấy rằng hình ảnh đó chẳng
qua chỉ là phương tiện để biểu hiện tâm trạng, biểu hiện nỗi lòng của thi nhân. Vì
hình ảnh thơ đã không còn tuân theo cái logic khách quan nên mọi thắc mắc về sự
thay đổi đột ngột của thời gian giữa hai câu thơ trên và hai câu thơ dưới đều trở nên
vô nghĩa. Giờ đây, tất cả đều tuân theo quy luật vận động của tâm trạng con người.
Mặc cảm chia lìa ở hai câu thơ trên đã chuyển sang cảm giác bất an, lo sợ. Ai đó
trong chúng ta có thể thấy hình ảnh thuyền trăng, sông trăng gợi lên một vẻ đẹp
huyền ảo, đầy mê hoặc còn Mặc Tử thì không. Từ xưa, trăng vốn là tri âm, tri kỉ
của biết bao thi sĩ nhưng ít ai viết về trăng với nhiều khao khát và thèm muốn như
Hàn Mặc Tử, người đã từng rượt trăng, trải trăng làm chiếu, ngủ với trăng, lả lơi,
ân ái cùng trăng…Nhưng chưa bao giờ trong thơ Hàn trăng lại gợi sự xa cách như
trong bài thơ này. Mặc dù trăng dãi dề khắp dòng sông, con thuyền, trăng bao phủ
khắp không gian nhưng thi nhân vẫn cảm thấy chới với hoảng hốt khi đối diện với
giới hạn tối nay. Một chữ kịp mà chứa đựng cả bi kịch đau đớn của một tâm hồn
chưa bao giờ nguôi khao khát sự hoà hợp và giao cảm với đời.
Không tìm thấy sự hoà hợp dù là trong hoài niệm hay cả trong cõi mộng, Hàn
đột ngột trở về với chính cõi lòng mình:
Mơ khách đường xa! Khách đường xa!
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Lần đầu tiên trong bài thơ, hình ảnh con người hiện lên đầy đủ như một hình
tượng nghệ thuật. Nhưng sao sự xuất hiện của con người vẫn không đem đến cho
thi nhân hơi ấm và cảm giác của sự hoà hợp. Hình ảnh con người trong khao khát
của thi nhân cũng xa lạ và hờ hững: khách (thiếu sự thân thiết, gần gũi) lại còn là
khách đường xa. Phải chăng, trong trạng thái cô đơn, trống trải đến cùng cực, thi
nhân khao khát dù chỉ là một bóng hình xa lạ. Có lẽ vì thế nên đến câu thơ sau, hình
bóng con người dù được chuyển thành em nhưng vẫn không thể đem đến cảm giác
gần gụi và ấm áp mà tan biến như một ảo hình. Hình ảnh áo em trắng quá lại gợi
cảm giác vượt ngưỡng. Không thể chiếm lĩnh bất cứ yếu tố nào của cuộc sống dù là
nhỏ nhất, mơ hồ nhất nên cuối cùng tâm trạng của thi nhân đã chuyển sang sự hoài
nghi, bi quan: ai biết tình ai có đậm đà. Đó là cảm giác của một tâm hồn luôn khao
khát yêu đương, khao khát sự đồng điệu, đồng cảm nhưng lại nhận được từ cuộc
đời quá nhiều đắng cay và bất hạnh.
Đi tìm cái đẹp của cõi thực, cõi thực hờ hững, xa lạ. Đi tìm sự đồng cảm, đồng
điệu trong cõi mộng, cõi mộng hư ảo, mịt mờ. Cho nên, đắm say rồi nguội lạnh,
băng giá; khao khát vẫn trống trải, cô đơn. Mộng đấy rồi lại tỉnh đấy. Đó là cái logic
vận động tâm trạng của một cái tôi trữ tình ham sống và yêu đời đến trào máu và
nước mắt.