Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

Bàn về biện pháp nâng cao tính tích cực học tập của tăng ni sinh các học viện phật giáo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (161.4 KB, 6 trang )

Bàn về biện pháp nâng cao tính tích cực học tập của Tăng Ni sinh các Học
viện Phật giáo
Đặt vấn đề
Tính tích cực học tập là một trong những nhân tố có vai trò quyết định đến hiệu
quả học tập của Tăng Ni sinh (TNS). Khi TNS tích cực học tập, họ sẽ hăng hái, chủ
động, tự giác tham gia các hoạt động học tập, thích tìm tòi khám phá những điều chưa
biết dựa trên những cái đã biết, tìm ra cách giải quyết nhiệm vụ học tập mới lạ, độc
đáo, hữu hiệu; ngoài ra họ còn sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức đã học vào thực
tế cuộc sống … vì thế, tính tích cực học tập được xem là “một hiện tượng sư phạm
biểu hiện ở sự gắng sức cao về nhiều mặt trong hoạt động học tập” [2, tr.9]. Như vậy,
nói đến tính tích cực của sinh viên tức là nói đến sự tự ý thức của sinh viên về mục
đích học tập, từ đó, sinh viên sẽ huy động ở mức độ cao các chức năng tâm lý để giải
quyết các nhiệm vụ học tập có hiệu quả.
Trong học tập, nếu TNS luôn tích cực học tập, họ sẽ có khả năng thích ứng, khả
năng tiếp thu và vận dụng linh hoạt tri thức được học vào đời sống tu tập và hoằng
pháp trong những điều kiện hoàn cảnh thực tế đáp ứng yêu cầu của Giáo hội. Chính vì
thế, việc tìm hiểu các biện pháp mang tính khả thi có thể áp dụng vào hoạt động giáo
dục nhằm nâng cao tính tích cực học tập của TNS là một việc làm cần thiết hiện nay.
Nội dung
Thông qua quá trình học tập, nghiên cứu từ chuyên ngành Tâm lý học giáo dục,
các kết quả nghiên cứu giáo dục của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng
như xuất phát từ mục tiêu đào tạo của các Học viện Phật giáo trong giai đoạn hiện nay.
Chúng tôi đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao tính tích cực học tập của TNS tại
các Học viện Phật giáo như sau:
1. Học viện cần hướng dẫn phương pháp học tập ở bậc đại học cho TNS
Muốn kích thích say mê, hứng thú đối với việc học, nhà trường cần phải hướng
dẫn cho TNS biết cách học tập ở bậc đại học để TNS dễ dàng thích ứng và điều chỉnh
kịp thời các hành vi học tập của mình phù hợp với môi trường học tập mới. Bởi lẽ nếu
không có phương pháp học tập, TNS không thể đạt được kết quả học tập tốt vì khối
lượng tri thức, kỹ năng, kỹ xảo phải lĩnh hội trong những năm trên ghế giảng đường là
rất lớn, rất phong phú.


Theo Lê Thị Xuân Liên (2012): Dạy cách học được coi là một tiêu chí quan
trọng trong dạy học ở bậc đại học [3]. Bởi lẽ cách học ở đại học khác hẳn với cách học
ở bậc sơ cấp, trung cấp nên những phương pháp học tập mới này TNS khó tiếp cận
được nếu không có sự hướng dẫn của nhà trường. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng
để dạy cách học và hướng dẫn TNS cách tự học là điều hết sức cần thiết. Để giúp TNS
làm quen với phương pháp học tập mới giảng viên và nhà trường cần thực hiện tốt
một số vấn đề sau:
- Tổ chức các buổi chuyên đề để hướng dẫn TNS làm quen và thực hiện hoạt động học
tập theo hướng tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo.
- Hướng dẫn cho TNS các phương pháp tự học, tự nghiên cứu ngoài giờ lên lớp. Đây là
vấn đề TNS đang gặp phải, họ tỏ ra lúng túng, khó khăn trong việc tự học, tự nghiên
cứu.
- Nhà trường yêu cầu GV phải hướng dẫn cho TNS phương pháp học tập bộ môn mà
mình phụ trách.
- Trong giảng dạy, GV phải thường xuyên sử dụng nhiều hình thức khác nhau như:
giảng lý thuyết, làm bài tập, thảo luận, xemina, hướng dẫn tự học tự nghiên cứu, tự
học, làm việc độc lập hoặc theo nhóm. Với mỗi hình thức có thể áp dụng các phương
pháp dạy và hướng dẫn, tổ chức hoạt động học phù hợp cho TNS để tạo cho TNS có
thói quen, có phương pháp học tập tốt.
2. Tự viện nơi sinh viên tu học cần động viên, tạo điều kiện để TNS mạnh dạn
áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống tu học
Trong đề tài nghiên cứu về “Động cơ học tập của sinh viên Học viện Phật giáo
Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”[1, tr.100], người nghiên cứu nhận thấy động cơ
“Học để có kỹ năng áp dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tiễn cuộc sống” với
điểm trung bình ở mức rất cao (TB = 4,15). Qua đây cho thấy TNS rất quan tâm đến
vấn đề có được kỹ năng áp dụng những gì đã học vào cuộc sống. Song, sự hình thành
những kỹ năng này không chỉ qua những giờ học trên lớp mà còn phải thông qua thực
tiễn tôi luyện. Cho nên việc các Tự viện nơi TNS đang tu học cần mạnh dạn động
viên, tạo điều kiện để TNS áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống là điều
cần thiết đối với hoạt động học tập nói chung và kích thích tính tích cực học tập nói

riêng.
Để áp dụng biện pháp này, Tự viện nơi TNS đang tu học có thể thực hiện như
sau:
- Động viên, khuyến khích TNS tham gia vào các hoạt động của tự viện theo các cấp độ
từ thấp đến cao, từ những hoạt động đơn giản đến phức tạp để TNS có cơ hội trải
nghiệm và chứng tỏ khả năng của mình.
- Tìm hiểu nhu cầu, hứng thú của TNS, qua đó có thể biết được sở thích, nguyện vọng,
ước mơ, hoài bão trong hiện tại cũng như tương lai của mỗi TNS để từ đó tạo điều
kiện đáp ứng và phát triển các nhu cầu lành mạnh, cũng như kịp thời điều chỉnh những
nhu cầu không phù hợp, sau đó giao cho họ những công việc phù hợp ở tự viện.
- Trong quá trình thực hiện các hoạt động tại tự viện, khuyến khích TNS tự kiểm tra, tự
đánh giá hoạt động của mình. Như vậy, TNS phải thường xuyên phân tích, so sánh đối
chiếu kết quả hoạt động của bản thân với yêu cầu công việc, hoặc so sánh kết quả hoạt
động của bản thân với những TNS khác. Từ đó TNS sẽ nhận ra những yếu kém,
những lỗ hỏng kiến thức của mình, nảy sinh nhu cầu điều chỉnh để hoàn thiện bản
thân. Những hành động đó có tác dụng củng cố, nâng cao hứng thú học tập của TNS
nhiều hơn.
- Thông qua kết quả mà TNS đạt được khi tham gia vào các hoạt động tại tự
viện, các tự viện nên có các hình thức khen thưởng và trách phạt kịp thời, đúng lúc,
đúng chỗ sẽ có tác dụng lớn trong việc động viên, khuyến khích TNS tích cực học tập.
Tiêu biểu: Chùa Bửu Đà, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung gần
40 Tăng sinh (Học viện Phật giáo, trường Cao đẳng Phật học) từ các trú xứ trở về tu
học. Nơi đây dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa trụ trì thường xuyên diễn ra các hoạt
động Phật sự như: hoạt động từ thiện, các khóa tu dành cho Phật tử, lễ Hoằng thuận,
các nghi lễ ma chay, tiếp sức mùa thi, … Điều đặc biệt, trong tất cả các công tác Phật
sự kể trên Thượng tọa trụ trì đều khuyến khích, sách tấn các Tăng sinh mạnh dạn tham
gia tùy theo năng lực và sở trường của mình. Việc làm này, một mặt Tăng sinh có cơ
hội luyện tập kỹ năng hoằng pháp, mặt khác giúp Tăng sinh có dịp tôi luyện kiến thức
Phật học của mình vào thực tế. Đây là mô hình mà chùa Bửu Đà đã áp dụng thành
công, thiết nghĩ các Tự viện khác cũng cần mạnh áp dụng để TNS có cơ hội thể hiện

mình từ cuộc sống.
3. TNS cần ý thức đúng đắn về vị trí, ý nghĩa của việc lĩnh hội tri thức đối với
việc tu tập và phụng sự đạo pháp sau này
Theo TNS Nguyễn Thị Ph (Pháp danh Như H, lớp Hoằng pháp, khóa 8): “Học
viện Phật giáo là nền giáo dục căn bản xác thực về ý nghĩa lời Phật dạy. Học tập ở
Học viện ta sẽ có một kiến thức cơ bản chuẩn mực về Phật học cũng như thế học. Từ
sự tiếp thu giáo lý Phật giáo ta áp dụng vào đời sống tu tập đem lại an lạc nơi tâm
hồn và ta có thể truyền đạt lại cho người khác cũng được như mình”[1,tr.151].
Chúng ta đang sống trong thời đại đất nước có những chuyển biến rất lớn về
kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với quá trình hội nhập ngày càng toàn diện và mở rộng.
Phật giáo đã chứng tỏ được sức sống mảnh liệt của mình gần 2000 năm ở Việt Nam và
ngày càng có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước. Vai trò Phật
giáo đối với thời đại và dân tộc là rất lớn và trọng trách gánh vách “ngôi nhà” Phật
pháp này trong tương lai là ở những TNS Phật giáo trẻ hiện nay. Do vậy, đối với mỗi
TNS ý thức đúng đắn về vị trí, ý nghĩa của việc lĩnh hội tri thức đối với việc tu tập và
phụng sự đạo pháp sau này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính tích cực học
tập của họ.
Để TNS luôn ý thức đúng đắn về vị trí, ý nghĩa của việc lĩnh hội tri thức đối với
việc tu tập và hoằng pháp, bản thân mỗi TNS cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
- Mỗi TNS cần tự hình thành cho mình niềm tin vào sự thành công trong học tập
để có động lực phấn đấu.
- Mỗi TNS hãy tự đặt ra động cơ học tập đúng đắn lấy đó làm mục tiêu học tập,
đặt ra những dự định tương lai, lên kế hoạch học tập và tự giác, chủ động thực hiện
chúng.
- Có kế hoạch rồi phải rèn luyện cho bản thân một tinh thần quyết tâm cao độ,
nghiêm khắc với chính mình, sẵn sàng giải quyết và đương đầu với khó khăn để có
được kết quả học tập tốt nhất.
- Tích cực học tập trên lớp, lắng nghe bài giảng của GV và ý kiến bạn học trong
lớp, mạnh dạn phát biểu xây dựng bài, ghi chép cẩn thận những vấn đề cốt lõi. Chính
những hành động này tạo cho mình niềm tin vào tri thức và tự tin hơn với bản thân.

- Trang bị cho mình những kỹ năng về tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt cần rèn
luyện các kỹ năng: xem, nhìn, nghe, đọc; sau đó là nghiên cứu, trao đổi, tranh luận với
người khác nhằm mục đích thấu rõ hơn vấn đề.
- Trong quá trình học tập, mình còn phải tìm cách tiếp cận, cọ xát thực tế; đi
nhiều nơi, gặp nhiều người; thâm nhập vào cuộc sống,… qua đó sẽ hình thành, cũng
cố, và thúc đẩy tính tích cực, vượt qua khó khăn thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ
học tập và sẽ theo đuổi sứ mệnh trong tương lai.
- Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá để biết mình có tiến bộ hay không. Dù có
tiến bộ hay không thì đó cũng là động lực thúc đẩy TNS tiếp tục phấn đấu.
Kết luận
Luật Giáo dục sửa đổi ban hành ngày 27/6/2005, điều 2.4, đã ghi “ Phương
pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của
người học; Bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say
mê học tập và ý chí vươn lên”. Như vậy, trong bối cảnh đất nước hiện nay, việc phát
huy tối đa tính tích cực của người học nhằm đạt được hiệu quả giáo dục tối ưu là
điều rất cần thiết. Giáo dục Phật giáo đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện về nhiều
phương diện cũng nhằm mục đích giúp đào tạo ra các thế hệ TNS tài đức đáp ứng
yêu cầu thực tiễn của giáo hội. Giáo dục là việc làm cần có sự phối hợp đồng bộ
giữa nhà trường, giảng viên và các Tự viện, cũng như sự nỗ lực cao độ của TNS
mới mong đạt được mục tiêu. Các biện pháp nêu trên chỉ mới đề cập ở một vài khía
cạnh cần thực hiện, do đó, rất mong nhận được sự bổ sung, hoàn chỉnh từ các nhà
nghiên cứu quan tâm đến giáo dục Phật giáo.
Tài liệu tham khảo
1. Thái Văn Anh (2013), “Động cơ học tập của sinh viên Học viện Phật giáo Việt
Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, Trường ĐH Sư
phạm TPHCM.
2. Trần Bá Hoành (2000), Đổi mới phương pháp dạy học ở trường THCS, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Lê Thị Xuân Liên (2012), “Một số phương pháp học của sinh viên trong đào tạo
theo học chế tín chỉ”, Giáo dục, Số đặc biệt, tháng 3/2012

4. Nguyễn Cảnh Toàn (chủ biên), Nguyễn Kỳ, Nguyễn Khánh Bằng, Vũ Văn Tảo
(2004), Học và dạy cách học, Nxb Đại học sư phạm.
5. Phạm Thành Nghị (2013), Tâm lý học giáo dục, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
THÔNG TIN TÁC GIẢ
- Họ và tên : ThS. NCS Thái Văn Anh
- Nghiên cứu sinh: Học viện Khoa học xã hội
- Địa chỉ liên hệ: Thái Văn Anh, chùa Bửu Đà, 419/11 CMT8, P.13, Q.10, Tp.HCM
- Số điện thoại: 0933668332
- Địa chỉ Email:

×