Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Trần thùy mai một cây bút giàu phong vị huế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (202.94 KB, 8 trang )

TRẦN THUỲ MAI - MỘT CÂY BÚT GIÀU PHONG VỊ HUẾ
Nguyễn Thị Bình
1

Đinh Thanh Huyền
2

Trần Thùy Mai là cây bút văn xuôi độc đáo. Là mảng sáng tác quan
trọng nhất trong văn nghiệp, truyện ngắn của chị không chỉ hấp dẫn người
đọc ở những vấn đề về số phận và khát vọng sống đẹp đẽ của con người mà
còn gây được cảm tình sâu sắc nhờ phong vị Huế. Chất Huế thể hiện rõ
nhất trong cảnh sắc, phong tục, trong tính cách nhân vật và màu sắc Phật
giáo hòa thấm vào ứng xử hàng ngày.

1. Mở đầu
Trần Thuỳ Mai thuộc thế hệ những người cầm bút sau chiến tranh, cùng thời với Đoàn
Lê, Lý Lan, Minh Ngọc, Y Ban, Dạ Ngân, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo Đó là thế hệ
lớn lên trong ảnh hưởng của văn học thời chiến tranh nhưng nhờ thế mà lại có được ý thức rõ
rệt về nhu cầu đổi mới văn chương Việt khi dấn thân làm một người viết. Nhìn vào đời sống
văn nghệ nước ta mấy thập kỉ qua, thấy những biến động thật mạnh mẽ và đa dạng. Có tác giả
xuất hiện như một hiện tượng đột phá, khiến người đọc phải bàng hoàng, sửng sốt. Có tác giả
bắt người đọc rối trí, hoang mang rồi sau đó bị cuốn đi như trong trạng thái bị thôi miên, vừa
ngây ngất vừa sợ hãi. Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn
Việt Hà, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Đỗ Hoàng Diệu… trong văn xuôi và Nguyễn Quang
Thiều, Bùi Chí Vinh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư trong thơ là những trường hợp như
thế. Văn chương của họ phân hóa bạn đọc rất mạnh, gây nên nhiều cuộc tranh cãi lắm khi hết
sức ồn ào, gay cấn. Nhưng có tác giả, cứ lặng lẽ, nhẩn nha tạo một bè trầm, tuy không dễ
nhận ra ngay, nhưng bền bỉ thấm dần, rồi đem đến cho ta cái cảm giác của sự bình ổn mà
không nhàm chán, cũ mòn. Nó tạo nên thế cân bằng không thể thiếu cho đời sống văn học.
Bè trầm ấy có công chúng riêng của nó, tạo ra đam mê theo kiểu của nó. Truyện ngắn Trần
Thuỳ Mai thuộc vào trường hợp này: không tạo nên những cú “sốc” trong tiếp nhận nhưng


vẫn được tìm đọc và chờ đợi. Truyện của chị cuốn hút ở lối viết điềm đạm, tinh tế, mới đọc
thấy hiền lành, nhẹ nhàng, càng ngẫm kỹ càng thấy sâu sắc, ý vị. Nhiều truyện hành văn nhỏ
nhẹ, nhân vật bình dị, quen thuộc nhưng ẩn chứa cách đặt vấn đề táo bạo, gai góc không kém
gì tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Đỗ Hoàng Diệu Chị kể
về những kiếp sống đầy bi kịch mà vẫn giữ nguyên trái tim nhân hậu, về những giằng xé bất
an của con người hiện đại trong tình yêu và nỗi cô đơn, niềm hy vọng và sự tuyệt vọng, về
cuộc tranh chấp giữa khát vọng cao cả với bản năng tự nhiên, về cảm giác hoài nghi và lòng
tin vào cái thiện Tất cả đều được nhìn bằng cái nhìn điềm đạm, khoan hòa, nhiều phát hiện
bất ngờ từ góc độ văn hóa - lịch sử. Đó là cách thức để Trần Thuỳ Mai dựng nên một thế giới
nghệ thuật riêng, khẳng định diện mạo riêng của một cây bút giàu nội lực, tâm huyết với

1
PGS.TS, trường ĐHSP Hà Nội
2
ThS, trường ĐHSP Hà Nội
nghề. Gần ba mươi năm theo đuổi văn chương, gần như năm nào chị cũng cho ra mắt độc giả
một tập truyên ngắn trong đó có không ít truyện hay.
2. Nội dung
Một trong những điểm làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn Trần Thuỳ Mai chính là
chất Huế đậm đà. Sẽ ít nhiều khiên cưỡng nếu nói rằng vì chị là người Huế nên văn chị có
chất Huế, nhưng quả thật Huế có ý nghĩa đặc biệt đối với việc nhận diện phong cách văn xuôi
của chị. Từ thiên nhiên đến con người, từ lời ăn tiếng nói đến cách cảm, cách nghĩ , tác
phẩm Trần Thuỳ Mai đều gợi ra cái vẻ riêng rất Huế.
2.1. Cảnh sắc và phong tục
Chất Huế toát ra trước hết từ cảnh vật, phong tục tập quán, sinh hoạt, ngôn ngữ Huế.
Phong cảnh Huế đặc trưng nhất là vườn, như khu vườn mênh mông ở Kim Long “chưa thấy ở
đâu có những cây cổ thụ như trong khu vườn ấy: những cây măng cụt tán rộng hơn cả một cái
nhà, cành xoà ra chung quanh sà xuống sát đất, nhánh nhỏ đan vào nhau” (Ngày xưa ở Kim
Long). Đó là khu vườn rộng, “xa xa có cái giếng nhỏ, cạnh đó là am bà cô trên chạc ba cây
bưởi”. Đêm khuya, khi bốn bề yên ắng “nghe tiếng ai dội nước ào ào ngoài bờ giếng, thoang

thoảng từ xa đưa lại mùi lá dứa, mùi bông bưởi thơm thơm…”. (Am bà cô), là dòng Hương
lúc nào cũng được phủ lớp khói sương huyền ảo “sương trắng mờ phủ kín mặt sông: dường
như thuyền đang trôi trên một vầng mây huyền ảo, không biết đâu là bến bờ… Bến đò Thừa
Phủ… tiếng đàn bầu của người hát xẩm đang kể vè Thất thủ Kinh đô từ một gốc cây nào xa
vắng…” (Huyền thoại về chim phượng). “Đêm xuống, con đò từ từ ra giữa dòng. Tiếng sênh
phách rộn rã trong khoang. Một câu hò ngân nga chầm chậm, đủng đỉnh lan trong đêm
sương…Trời lạnh, nước lạnh, khói bay nhoà trên sông…” (Khói trên sông Hương). Huế còn
là những di tích cổ xưa, là hồ Tịnh Tâm hoang phế, “vẫn còn một ngôi đền lục giác tuy cũ kỹ
nhưng vẫn nguyên lành, trên mặt nước đầy hoa sen” và vầng trăng khi thì “dội bóng xuống
hồ rực rỡ”, khi thì “mũm mĩm làm dâng lên niềm khát sống vô bờ bến” (Quỷ trong trăng).
Những cảnh vật thân thương đượm màu huyền thoại và lãng đãng màn sương quá khứ ấy tự
nó tạo ra không gian riêng, không khí riêng như một phần con người nhà văn. Vẫn là vườn,
sông, hồ, trăng…, nhưng trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai, chúng là Huế không lẫn vào đâu
được bởi những địa danh, những hơi hướng lịch sử gắn liền với chúng, bởi cái vẻ trầm mặc
cổ kính, u hoài mà chúng gợi ra.
Làm nên chất Huế còn có phong tục, tập quán, sinh hoạt và ngôn ngữ. Nó hiển hiện
trong hình ảnh người con gái ngồi xăm gừng làm mứt “mười ngón tay búp măng cầm chiếc
bàn chông nhỏ xíu xăm vào củ gừng vàng nuột. Chiếc vòng hạt hổ phách rung rung lấp lánh
trên cổ tay nhỏ nhắn. Đôi lúc tình cờ cô gái ngẩng lên: bắt gặp cái nhìn trên ấy cô vội vàng
cúi xuống, mỉm cười, cái cười ngậm kim với một lúm đồng tiền thật ngọt” (Huyền thoại về
chim phượng). Những hình ảnh ấy như một bức tranh lụa gợi cảm và tinh tế. Huế của Trần
Thuỳ Mai còn là những đêm hát trên sông Hương, những ngọn hoa đăng thả trôi theo dòng
nước lững lờ. Với du khách, những ngọn đèn ấy chỉ gợi sự thích thú trong chốc lát, còn với
người Huế, nó là tín ngưỡng, là ước vọng, là một phần tâm thức, tính cách xứ này: “Ngọn lửa
lan vào cánh hoa, cháy tận tình trước khi tiêu tan trong gió và nước, để lại những ánh tàn rực
rỡ. Cháy đến tận cùng” (Khói trên sông Hương). Huế còn là nghệ thuật ẩm thực tinh tế mà
bình dị “Bữa ăn không cần thịt cá, đôi khi chỉ cần đĩa bông bí chấm nước tôm kho đánh,
nhưng nước tôm phải thật sánh, thật thơm, đỏ rực. Thịt bò thì nhất định phải nấu canh hoa
thiên lý, tô canh dìu dịu mùi hương ngọt ngào. Đêm khuya ngồi đọc sách chỉ cần ăn vài củ
khoai bồi dưỡng nhưng khoai phải ngọt, dẻo, hấp với lá dứa. Chiều thì vài lóng mía tiện thật

sạch sẽ, ửng màu đỏ cầm rượu” (Trăng nơi đáy giếng).
Trong từng truyện, người đọc luôn cảm nhận được chất giọng riêng của người Huế, từ
cách phát âm đến lối diễn tả đặc trưng:
“- Mệ ơi! mệ! Con không có chi ăn hết nì. Đói bụng bắt chết nì!
- Mệ ơi! gà mình nhỏ! Con gà bác Thập to ghê, béo nâng!”
(Chuyện cũ ở quê nhà)
“- Để cho tau ở ngoài ni… biết chừng mô tụi hắn ngoài nớ trở về, tau còn được gặp…”
(Thương lắm ngoại ơi)
Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những câu ca, lời thơ đượm màu sắc dân gian,
mang hồn cốt xứ Huế khi thấp thoáng, lúc ắp đầy trong những trang văn. “Hơ…ơ… Giữa
sông Hương dậy sóng khuynh thành/Nửa đêm một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng” (Khói
trên sông Hương); “Trồng trầu, trầu lộn với tiêu/Con đi đò dọc, mẹ liều, con hư” (Chuyện cũ
ở quê nhà); “Dẫu thầy mẹ đánh một trăm roi cũng vô một chỗ, một ngàn roi cũng vô một
chỗ, xát muối lặn liền. Muối tan lằn lặn xin nguyền theo anh” (Dòng suối cạn nguồn). Những
câu ca buồn lặng lẽ, thấm đẫm bản lĩnh và thân phận con người xuất hiện tự nhiên như thể đó
là một phần tất yếu của núi non sông nước Huế. Chúng không phải vật trang sức mà là cách
để nhân vật bộc lộ lòng mình. Khi lời nói trở nên bất lực trước những cơn lũ cảm xúc, người
ta dùng đến thơ, đến nhạc như một sự giãi bày hiệu quả nhất. Đọc các truyện ngắn như thế
này, người đọc thường dễ dàng liên tưởng đến những điệu hò mái nhì, mái đẩy, những điệu
ca Huế đặc trưng. Điều này khiến cho truyện Trần Thuỳ Mai hiện đại mà vẫn phảng phất linh
hồn Cố đô một thủa. Cảnh vật và cuộc sống Huế qua ngòi bút Trần Thuỳ Mai vừa đẹp, vừa
gợi thương, gợi buồn. Nó là cái khí vị của một vùng đất, nó khiến cho câu chuyện vừa quen
vừa lạ. Sức hấp dẫn của truyện ngắn Trần Thuỳ Mai một phần là ở đó.
Nhưng chất Huế không chỉ thể hiện ở vật thể, đường nét, màu sắc có thể nắm bắt được
mà chủ yếu toát lên ở tinh thần, ở đời sống tâm hồn người Huế. Đó là xu hướng sống thiên về
nội tâm của người Cố đô: trầm lắng, kin đáo, kĩ tính nhưng nhiều mơ mộng lãng mạn. Trong
Huyền thoại về chim phượng, nhân vật ông Ninh-một nhà khảo cổ học đã nhiều năm gắn bó
với Huế - nhận xét “Người Huế là con người suy tưởng và mơ mộng, chưa hẳn là con người
nói năng, đi lại và giao tế”. Điều này có lẽ cũng là niềm tin của chính tác giả, là tính cách mà
tác giả “phổ” vào cho nhân vật. Cô gái trẻ trong Bài thơ về biển khơi, Miên (Bài hát đêm

cuối năm), Mi (Thiên đường mong manh), Na (Người bán linh hồn), Trang (Khói trên sông
Hương), Nhi (Ngày xưa ở Kim Long)… đều là những con người trẻ tuổi giàu mơ mộng. Họ
nghĩ ngợi, làm việc, thậm chí đau khổ cũng vẫn với vẻ trầm lắng, mơ màng đó. Nhưng mơ
mộng không có nghĩa là hời hợt. Người Huế của Trần Thuỳ Mai sống rất sâu sắc với những
gì đang diễn ra quanh mình, trong mình, nhất là trong tình yêu. Họ cảm nhận đầy đủ vị ngọt,
đắng của nó, họ hiểu được bản chất con người là đa đoan thế nào. Cô giáo Hạnh (Trăng nơi
đáy giếng) và Na (Người bán linh hồn) yêu như ngọn nến tự cháy hết mình. Sự tận tuỵ của họ
biến họ thành những vị thánh. Thế nhưng khi nhận ra người đàn ông mình yêu thực chất chỉ
là kẻ trống rỗng, ích kỷ, tầm thường, họ đã quyết liệt dứt bỏ. Không ồn ào, đao to búa lớn, họ
“khai tử” những kẻ không xứng đáng, “trục xuất” nó khỏi tim mình và bằng cách đó không
chấp nhận tha thứ cho sự dối lừa. Như Như (Hoa sứ trắng), Nhụy (Vẽ chân trời) đã yêu say
đắm những người đàn ông ngoại quốc. Nhưng họ đều từ bỏ cuộc tình khi nhận ra tính chất
chông chênh của nó. Tình yêu chân thành, trọn vẹn mới là cái họ truy cầu. Với Chuyện cũ ở
quê nhà, chiều sâu suy nghĩ của các nhân vật khiến tác phẩm trở thành một bài ca của tình
người và sự sống. Trong bão tố, lần lượt mỗi nhân vật đều bộc lộ hết sự gắn bó sâu sắc của
mình với gia đình. Hành động nổi loạn, phá vỡ những lề thói làng xã được thực hiện bởi sức
mạnh của tình yêu thương. Bằng sức mạnh ấy, người ta vượt qua ranh giới sinh tử, hóa giải
nỗi sợ hãi và định kiến.
Đó cũng là vẻ đẹp tâm hồn người Huế tự bao đời. Nhiều nhân vật của Trần Thùy Mai
sống sâu sắc, làm gì cũng bằng tất cả niềm đam mê và sự nghiêm túc. Yêu đương, sáng tạo
nghệ thuật, ca hát, nội trợ…, với họ đều có thể trở thành “Đạo”. Bà mẹ (Khói trên sông
Hương) cả đời chỉ gắn bó với những bài ca. Theo bà, mỗi câu hát đều là máu thịt nên không
thể suồng sã: “Tiếng ca là tiếng trong tâm mình, lòng con không vui sao có thể gượng vui?!
Ca Huế là phải tươi tắn mà chững chạc, trang nhã mà nồng nàn, đa tình mà không đa dâm…,
nếu không được vậy, không mở miệng cất lời”. Và người con gái học được từ mẹ, từ cuộc đời
một điều: “Nghệ thuật cũng như tình yêu, phải khó khăn, không chấp nhận sự dễ dãi”. Đấy
phải chăng là lòng tự trọng của người đất đế đô, đầy ý thức kiêu hãnh? Nó thấm đậm trong
trang văn Trần Thuỳ Mai như một cách tri ân mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn
chị. Ngay khi chị viết về cuộc sống và con người ở một nơi xa nào đó, chị vẫn nhìn bằng con
mắt người Huế, nói bằng cách của người Huế. Điều này lý giải vì sao truyện chị dù lấy bối

cảnh nào, viết về điều gì, nhân vật là ai thì vẫn mang cái hồn cốt của xứ Huế.
2.2. Màu sắc Phật giáo
Nói đến phong vị Huế trong truyện ngắn Trần Thuỳ Mai không thể không nhắc đến
màu sắc Phật giáo. Phật giáo, Phật thoại và những câu chuyện về nhà chùa đã trở thành
nguồn cảm hứng rất phong phú chảy tràn nhiều trang văn của chị, chi phối đến tổ chức cốt
truyện, đến tính cách nhân vật và sự lựa chọn lời văn.
Văn hoá Huế in đậm dấu ấn văn hoá Phật giáo. Là người sống lâu năm ở Huế, tinh thần
Phật và thiền thấm vào chị một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn. Trước hết là quan niệm về việc
“tạo nghiệp”. Theo kinh Phật, đường đời con người thế nào đều do duyên nghiệp mà ra. Đã
tạo nghiệp thì phải kết thúc nghiệp. Ở Ngôi đền sống, Cường yêu và phụ rẫy Khánh “nữ tu”
để trả thù mối nhục mà Khánh gây ra ngày trước. Đến khi chết, Khánh không hề oán trách mà
chỉ nói với Hà “nợ là do tao gây ra, dù chỉ một xu tao cũng phải trả”. Ông Thanh (Trò chơi
cấm) trong lần sinh nhật bảy mươi của mình phát hiện mình vẫn chưa thể dứt nợ với cuộc
đời. Ông đã để lại một giọt máu rơi và ông phải trả món nợ ân tình với người đàn bà đã lặng
lẽ sống vì ông. Ông là kẻ khởi xướng một trò chơi thì bây giờ phải đi hết cuộc chơi, không
thể bỏ dở. Trong Hải đường tăng, sư Viên Tâm khi đứng trước người đàn bà có thể huỷ hoại
thanh danh và sự nghiệp tu hành của ông đã bình tĩnh chấp nhận: “Nghiệp đã khởi, hãy để
cho nghiệp đi đến cùng rồi mới có thể sánh vai với trời xanh mây trắng”.
Cuộc đời trên trang văn Trần Thuỳ Mai đa diện, đa chiều, nhiều khổ đau hơn hạnh
phúc. Chị quan tâm hơn cả đến những số phận bất hạnh, những nỗi buồn đau của con người.
Đó cũng là cảm hứng của đa số nhà văn nhưng nét riêng ở chị là cách giải quyết vấn đề.
Nhiều tác phẩm của chị có cái kết mang âm hưởng của triết lý nhà Phật: không “có” cũng
không “không”. Nhà văn không chỉ ra một con đường đi cụ thể nào cho nhân vật mà chỉ có
những băn khoăn, những khơi gợi như lời khẩn nguyện, như câu hỏi bỏ ngỏ đọng lại ở những
câu nói âm vang như một sự ám ảnh “Phép Phật nhiệm mầu, xin chữa lành cho con…” (Nàng
công chúa té giếng); “Hãy chờ xem tương lai” (Lời hứa); “xấu tốt chi chừ nữa” (Ngày xưa ở
Kim Long); “Giữa hồi ức về tháp đá Bayon bốn mặt, đâu mới thực là khuôn mặt của em?”
(Chăn Tha). “Biết nơi đâu là biển của đời người” (Biển đời người); “Bác là người hay mơ, tôi
là người hay mơ, hay cả nhân gian đều quờ quạng lần theo những giấc mộng?” (Thuyền trên
núi); “Lạnh thế sao mặt nước lại đầy khói?” (Khói trên sông Hương) Gần như không một

truyện nào của Trần Thuỳ Mai có kết thúc sáng tỏ bằng một sự lựa chọn dứt khoát. Đó trước
hết là do cách nhìn nhận hiện thực như nó đang diễn ra, như nó vốn có. Hiện thực ấy không
thể biết trước, không thể đoán định, nhưng rõ ràng cũng còn có ảnh hưởng của tinh thần Phật
giáo vốn đã quen thuộc với người Việt Nam, nhất là người Huế.
Có lẽ điểm thú vị nhất khi tìm hiểu màu sắc Phật giáo qua truyện ngắn Trần Thuỳ Mai
chính là vấn đề mối quan hệ giữa tu và tục, đạo và đời, trong đó nổi bật lên hình ảnh những
người tu hành. Ở những tác phẩm này, có thể tìm thấy hai lớp ý nghĩa. Lớp thứ nhất thấm
đẫm tinh thần Phật giáo. Chú tiểu Đăng Minh (Thương nhớ Hoàng Lan) sinh ra trong một gia
đình đặc biệt, cha vốn nhà nhà sư đã bỏ đời tu về đời tục. Nhưng ông vẫn dựng chùa, ăn chay
niệm Phật. Lớn lên, Minh tự nguyện đi tu như là sự tiếp nối con đường người cha bỏ dở. Đã
có lúc Đăng Minh xao lòng trước cô học trò tên Lan mà chính cậu đặt tên là “Tinh khôi”,
nhưng cuối cùng cậu vẫn vượt qua được cơn chấn động tình cảm, sống tiếp cuộc đời tu hành:
“Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ”. Còn sư Viên Tâm (Hải đường tăng), ngay phút trước
khi lên xe hoa đã bất ngờ bỏ lại tất cả để đi tu. Sau này, gặp lại người đàn bà bị ông bỏ lại
giữa đường đời, người quyết tâm tìm đến để phá con đường tu hành của ông vì giận đời, giận
thân đến tuyệt vọng, sư Viên Tâm đã chữa lành được tâm hồn Xuyến, đưa Xuyến trở lại với
cuộc sống bình thường. Viên Tâm không được phong thượng toạ nhưng ông đã đạt đạo: “một
nhà sư mà ai đến gần đều cảm thấy như được một vầng sáng ấm áp và tinh khiết bao phủ
quanh mình, vầng sáng của an lạc”. Với lớp nghĩa này, có thể nói Trần Thuỳ Mai thực sự mộ
đạo. Những câu nói, những khái niệm thuộc Phật giáo được chị sử dụng nhuần nhuyễn, chính
xác, phù hợp đến mức có thể lầm chị là một phật tử: “Trong tự tính của hoa, chẳng có hoa
nào là xấu. Chỉ xấu vì ý tưởng phân biệt của con người thôi” (Hải đường tăng), “Ai bảo con
là đời đục? đời không đục, không trong” (Thương nhớ Hoàng Lan)… Đây là quan niệm về
“kiến chấp” và “tự tính vô ngã” của nhà Phật. Còn “cỏ cây vô tội, sao mình không thể bao
dung” (Thương nhớ Hoàng Lan) là triết lý về đức từ bi của Phật.
Tuy nhiên, dù lấy bối cảnh chùa chiền, dù viết về cuộc sống tu hành và thấm đẫm tinh
thần Phật giáo thì truyện của Trần Thuỳ Mai vẫn không mang mục đích truyền bá giáo pháp
nhà Phật. Chị chỉ “đi vào khu vườn đầy hoa trái của Phật giáo để lấy chất liệu cho những câu
chuyện về cuộc sống của con người” như chị bộc bạch. Trước sau, cuộc đời thực với những
vật vã, vò xé hay yêu thương, khát vọng hạnh phúc cháy bỏng hay những rung động trong

trẻo thanh khiết vẫn là đích đến của Trần Thuỳ Mai.
Vì thế, lớp nghĩa thứ hai trong truyện ngắn của chị trĩu nặng nỗi niềm thế sự. Vãi Thông
(tức cô Niết) trong Lửa của Khoảnh khắc tu hành đã hơn ba mươi năm. Nhưng hơn ba mươi
năm ấy bà sống trong hồi niệm về “ánh lửa của một khoảnh khắc bất tử”, khoảnh khắc cô Niết
trẻ trung được biết thế nào là hạnh phúc thực sự: “Nàng nhìn vào mắt Dõng, ánh mắt của lửa
chớp trong cơn giông và biết trong giờ phút này, với hắn và cả với Niết nữa, cái chết chẳng có
ý nghĩa gì hết”. Dù khoảnh khắc bất tử ấy chỉ đem lại cho vãi Thông một sự day dứt đau đớn
bởi đứa con bất thành nhân dạng thì bà vẫn sống với nó như một kỷ niệm thiêng liêng cho đến
khi cái chết mang đi tất cả: cả nỗi đau quá khứ, cả hồi quang một thời, cả lý do để sống của bà.
Ở Hải đường tăng, nhà sư Viên Tâm đã bị cái ấm áp mềm mại của thân thể người đàn bà quyến
rũ trong một khoảnh khắc: “Một vị thiền sư thì cũng là một người đàn ông”. Giây phút ấy ông
vừa đối thoại với Phật lại vừa đốn ngộ chân lý Phật dạy: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là
chính mình”.
Dẫu Viên Tâm sau đó vượt qua được thử thách, giữ thân tâm trong sạch thì giây phút
xao động ngắn ngủi kia vẫn khiến người đọc xúc động trước những giá trị sống mà đôi khi ta
nhìn không rõ. Thương nhớ Hoàng Lan được bạn đọc đánh giá là thấm đẫm tinh thần Phật
giáo, tưởng như truyện của một người chuyên tâm hành trì, hướng đạo viết ra, với tâm thức
vượt qua những mê cuồng của tham sân si. Nhưng xuyên qua lớp màn nghiêm cẩn của tôn
giáo, ta nhận ra những sóng gió trong tâm hồn một người trai trẻ đang gắng gượng cưỡng lại
tiếng gọi của cuộc đời. Đi tu là để vượt thoát khỏi vô lượng khổ đau, để được đi trên con
đường tỉnh thức. Nhưng trước khi đến được bến bờ giải thoát, con người ta còn phải chịu
đựng bao nhiêu hệ luỵ đau khổ nữa? Đăng Minh đã chạy trốn tình yêu, trấn áp những rung
động của chính mình để toàn tâm với đạo. Cậu xin ra đồi đào giếng để tĩnh tâm mà tâm
không thể tĩnh. Cậu cố quên tình yêu mà tình yêu cứ nở hoa trong lòng. Cậu quyết phụ lòng
một người con gái mà vẫn cứ trồng một cây hoàng lan gợi nhắc khát khao trần tục ngay trong
vườn chùa. Đăng Minh buộc phải có sự lựa chọn nghiệt ngã nhất trong đời: tình yêu với một
người con gái hay tình yêu với Phật. Cả hai đều đẹp đẽ, thiêng liêng nhưng lại không thể đi
cùng nhau. Ngay cả sư thầy cũng không thể giúp cậu: “Chỉ có con tự trả lời con được thôi.
Ngày mai con hãy về, hãy nhìn thẳng vào nghiệp duyên mà tự quyết lòng mình”.
Thực ra ở truyện ngắn này, sự lựa chọn cái gì không quan trọng bằng nỗi lòng giằng xé

của con người. Bởi thế dù câu chữ đậm màu sắc Phật giáo thì trái tim nhà văn vẫn thực sự
hướng về cái nhọc nhằn bí ẩn của kiếp người, cái vĩ đại mà mong manh của phận người. Qua
Hải đường tăng và Thương nhớ Hoàng Lan, tác giả có lẽ muốn nhắc đến một điều: người ta
không phải cứ an nhiên mà đi đến với Phật, con đường ấy thường được lót bằng nỗi khổ mà
người tu hành để lại cho những người yêu thương họ: “Thầy ơi, nếu vào Niết bàn mà phải
đạp lên một chiếc lá, Phật có làm không? Xin thầy cho con hay, trời đất nặng hơn hay chiếc
lá nặng hơn?” (Thương nhớ Hoàng Lan); “Hai mươi năm trước, chính ông đã đưa tôi vào
chân tường. Ông đã đạp lên cuộc đời tôi để đi vào cõi Phật” (Hải đường tăng). Và người tu
hành biết điều đó, khổ tâm vì điều đó, giằng xé cũng vì điều đó. Nếu không thế, họ đâu phải
con người? Cùng một chi tiết, những Phật tử chân chính sẽ cho rằng đây là biểu hiện chiến
thắng của lòng mộ đạo trước sức cám dỗ của đời tục. Còn người đọc bình thường lại thấy đây
là những giằng xé nội tâm rất đời. Vẻ đẹp của những tác phẩm này chính là ở chỗ gợi lên giá
trị của tình thương yêu và sự hy sinh của những con người như sư Viên Tâm, tiểu Đăng
Minh, Lan. Xét đến cùng, tôn giáo nào muốn thu phục nhân tâm mà chẳng hướng đến lòng
thương yêu con người như là mục tiêu cao cả nhất. Vì thế, viết như Trần Thuỳ Mai vẫn là
một cách ngợi ca những thuộc tính nhân loại của con người. Nhờ đó mà cuộc đời đẹp hơn,
đáng sống hơn.
Như đã trình bày, trong cách nhìn Phật giáo của Trần Thuỳ Mai, không thấy có bóng
dáng của sự say mê đắm đuối. Chị không phải một phật tử, với chị chùa chiền và Phật giáo là
một không gian văn hoá có khả năng làm cho lòng người thanh tĩnh lại và tâm hồn phong phú
hơn trước cuộc sống. Không có sự ràng buộc của lòng sùng kính, đôi khi trong tác phẩm của
chị, Phật giáo được hiểu theo một cách thật bất ngờ. Trần Thuỳ Mai đã từng nhắc đến một
Phật điển rất nổi tiếng về cành hoa sen của Đức Phật và nụ cười giác ngộ chân lý của Đại đức
Mahakassapa (Trong một buổi pháp thoại, Đức Phật cầm một bông sen đưa lên trước mặt đại
chúng, không ai hiểu gì nhưng Đại đức Mahakassapa mỉm cười. Sau đó Phật đã giảng về an
trú trong chánh niệm: bông hoa là một thực tại màu nhiệm của sự sống, tất cả đều có cơ hội
tiếp xúc với thực tại ấy, nhưng chỉ những ai tâm trí không bị vướng bận bởi suy tư mới có thể
tiếp xúc được với thực tại. Đại đức Mahakassapa đã mỉm cười trước tiên vì tiếp xúc được với
thực tại trước tiên - Theo Đường xưa mây trắng- Thích Nhất Hạnh).
Nhưng với Vũ (Thuốc ba màu), sự khải thị về thực tại màu nhiệm lại chính là vẻ đẹp

thân thể người anh yêu, biểu tượng cho lòng khát khao cái đẹp mà anh đã vắt kiệt mình để dõi
theo vô vọng. Một số người viết cũng nhìn tôn giáo theo cách này, Trương Quốc Dũng trong
Đường Tăng đã viết về nỗi day dứt của Đường Tam Tạng trong đêm cuối cùng trước khi
thành Phật. Thật bất ngờ, đó lại là những trăn trở về giá trị của cuộc sống con người, của cõi
đời trần tục mà Đường Tăng cố dứt bỏ. Nhà thơ Phùng Khắc Bắc thì mượn hình ảnh của
Chúa Giêsu để khẳng định tình yêu bất tử: “…Chúng mình hẹn nhau thành phố/ Cái ngày
Chúa nằm trong máng cỏ/ Cho anh ngẩng lên nhìn mặt Đức Bà/ Rồi chia tay/ Để anh được
lên đồi Gôn-gô-ta/ Đừng ngạc nhiên, đừng lo sợ/ Anh đã ngắm kỹ rồi/ Chẳng có nhát đinh
nào xuyên qua trái tim của Chúa/ Và cây thánh thập bằng gỗ cũng từ chối việc này/ Bởi vậy,
anh mới lại được cúi nhìn xuống biển/ Để thấy được vẫn là dáng em đứng đó/ Trong biếc
xanh có một quầng bụi đỏ/ Phập phồng, gió ép sóng đồi/ Phải là anh trong ấy không em ơi!”
(Ý nghĩ đêm Giáng sinh). Tôn giáo trong xử lý nghệ thuật của nhà văn vì vậy chính là tôn
giáo của cuộc sống. Và nhà văn là người khai phóng cái nhìn đó mà không bị hạn chế bởi bất
kỳ sự cấm kị nào. Tinh thần dân chủ hoá văn học như vậy là đã đi vào bề sâu của cơ chế sáng
tạo. Phật giáo qua truyện ngắn Trần Thùy Mai không chỉ là triết lý về sự sống, về niềm gắn
bó thiết tha với cuộc sống mà cũng là một phần không gian văn hóa tinh thần xứ Huế. Ai đã
đọc chị đều bị quyến rũ bởi cái duyên rất ý nhị, rất mặn mòi này.
3. Kết luận
Khi đọc kí Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta thấy Huế là đối tượng thẩm mỹ trung tâm đã
đem đến cho cái tôi uyên bác của ông bao nhiêu cảm xúc thăng hoa. Huế ở những trang văn
này là Huế của văn, nhạc, võ công, là Huế đa tình, kiêu sa, lộng lẫy mà huyền hồ sương khói.
Huế trong truyện ngắn Trần Thùy Mai bảng lảng nơi những câu chuyện đời thường nhật,
những con người sống dung dị hiền lành hay quyết liệt vượt qua cái đa đoan trần thế với hành
trang là văn hóa - phong tục Huế. Giữa thời hội nhập toàn cầu, hình ảnh nhà văn như những
công dân thế giới đang trở nên quen thuộc, nhưng hình như vì thế mà những nhà văn của
vùng miền càng có khả năng phát sáng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Simon De Beauvoir, Giới nữ (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch), Nxb
Phụ nữ, 1991.

2. Nguyễn Duy Cần, Phật học tinh hoa, Nxb Trẻ - Tp Hồ Chí Minh, 1995.
3. Nguyễn Thị Hồng Hà, Truyện ngắn nữ và xu hướng tự nghiệm, Tạp chí Văn hóa -
Văn nghệ Công an, số 10-2003.
4. Thích Nhất Hạnh, Đường xưa mây trắng, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2007.
5. Lý Hạnh - Trần Thùy Mai, Viết về tình yêu đâu phải để câu khách, báo Công an Nhân
dân.com, ngày 17-3-2008.
6. Mai Văn Hoan, Trần Thùy Mai và những giấc mơ hoang tưởng, Tạp chí Nhà văn,
ngày 6-9-2006.
7. Mai Hương, Truyện ngắn Dạ Ngân, Tạp chí Nghiên cứu phụ nữ, số 2-1991.
8. Trần Thùy Mai, Phật giáo giúp con người hiền lương và văn minh hơn, Google, mục
Văn hóa Phật giáo.
9. PV, Chát với Trần Thùy Mai, báo An ninh Thủ đô ngày 19-10-2008.
10. Nguyễn Hoàng Sơn, Duyên văn, Lời giới thiệu cuốn Hai mươi năm tình yêu và tác
phẩm, Nxb Phụ nữ, 2001.

A WRITER WITH STRONG HUE PERSONALITY
Nguyen Thi Binh, Dinh Thanh Huyen
Abstract
Ms. Tran Thuy Mai is an original prose writer. Being the most important part of her literary
career, her short stories not only are attractive because of fate and human's beautiful living
aspiration matters but also cause deep sympathy thanks to Hue flavor. Hue's substance
expresses the most in landscape, custom, characters' personality, and Buddhism colour which
dissolves in daily behavior.

×