TẬP LÀM VĂN
Nghị luận văn học.
Bài làm
Một đời người dễ có tới mấy nghìn trường hợp nhìn thấy cảnh
trăng. Nhưng ai nhớ được bao nhiêu đêm trăng đời mình ? Chưa nói ghi
lại bằng văn thơ. Chưa kể văn thơ ấy nhằm cái gì.
Bác Hồ của chúng ta không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Nhưng
lướt qua thơ văn Bác, cũng thấy nhiều cảnh trăng đã đọng lại giữa các
trang giấy. Mà có lạ không ? Thuở nọ, ánh trăng nào cũng như chứa chất
suy tư. Trăng đầu tiên trên con tàu lênh đênh trên mặt biển, nhìn ngắm
suốt đêm. Trăng đêm mưa rầu rĩ, vàng vọt như đất nước nô lệ trong
truyện ngắn buổi đầu cầm bút. Trăng không phải trăng mà ánh ngày
nhợt nhạt lọt qua khung cửa sổ hình trăng khuyết tận trên nóc nhà
Hương Cảng. Trăng mười ba tháng gông cùm… Chỉ khác với những nhà
thơ xưa, Bác Hồ ít dịp ngắm trăng vào lúc trà dưu tửu hậu. Bác ngắm
trăng vào những đêm không ngủ được vì lo việc nước nhà. Chỉ có một lần
Bác đơn thuần ngắm trăng, ấy là lúc Bác mới vào nhà ngục Tĩnh Tây độ
hơn mươi bữa. Trước mắt hãy bộn bề lo đối phó với bọn Quốc Dân Đảng,
lo cái ăn, chỗ ngủ. Ấy vậy mà đã ánh lên cái đêm trăng sáng rỡ trước
trung thu này. Có thể nhận xét rằng, “Ngắm trăng” trong Nhật kí trong tù
là bài thơ trăng đặc sắc của Bác Hồ.
“Ngắm trăng”. Đầu đề là vậy. Trong tù ngắm trăng. Ta không rõ
đây là trăng của mùa nào trong bốn mùa, ở giai đoạn nào trong tháng:
thượng huyền, hạ huyền, giữa tháng, trăng khuyết hay trăng tròn. Trong
nhiều bài thơ của Bác, nhiều khi do thi hứng, trăng không được xác định
cụ thể. Nhưng rất nhiều khi, trăng chỉ là trăng, nó có ý nghĩa với nhà thơ
chỉ vì nó là như vậy, không phải vì cái gì khác. Trong bài thơ Ngắm trăng
này, từ đầu cho đến cuối bài thơ là thứ trăng như vậy. Đây là cảm xúc, là
tình cảm của nhà thơ trước một sự vật mà nhà thơ tìm thấy chính ở đó
niềm rung cảm, sự đồng điệu. Đây là cuộc tìm đến, cuộc gặp mặt trực tiếp
của một con người và sự vật. Trăng là bản thân đề tài, toàn bộ đề tài,
toàn bộ nguồn rung cảm của nhà thơ.
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà ?”
(Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ)
Theo lệ, trong tù thì làm sao có thể bình thường được. Đã là thân
tù thì phải do chủ ngục quyết định. Trong hoàn cảnh đó mà đòi ngắm
trăng, làm một công việc an nhiên, là có vẻ trái. Công việc ấy xảy ra ở nhà
thường với bạn bè, có hoa, có rượu. Cái thú tao nhã từ xưa là thế. “Tiệc
quý bên hoa, rượu thơm dưới nguyệt”. Trong ngục làm gì có những thứ
ấy ? Không rượu, không hoa, và điều này không nói ra: không cả bạn bè.
Đó là một thực tế, một thực tế không thể chối cãi. Không rượu thì hoa
cũng đành, đằng này cũng chẳng có hoa. Không hoa chồng lên không
rượu càng khẳng định thực tế ấy, khẳng định cái không khí ấy, phàm tục
đến khô khốc, chẳng chút gì thuận lợi chứ đừng nói đến thanh tao.
Bài thơ bắt đầu bằng một cái trống không. Cái trống không ấy là
do nhà tù mà ra. Đặt “trong tù” lên đầu câu, tiếp theo là “không” rồi
“cũng không” là lên án cái nhà tù ấy. Nó là thủ phạm. Đối với người chính
nghĩa, nó là vô nhân đạo.
Nhưng có ai ngờ, trong cái không ấy lại hàm ngụ cái có. Bởi vì còn
có trái tim biết cảm cái đẹp của người tù. Không rượu, không hoa ư ?
Nhưng ai cấm lòng ta có đủ ? Mà cũng bất chấp. Vì có sao đâu ? Ta vẫn có
thể ngắm trăng suông mà cứ đẹp. Ai chặn mắt ta ngắm trăng trong ? Ai
ngăn lòng ta xôn xao trước đêm đẹp.
Sắp trung thu. Trời xứ Bắc hẳn trong, trăng hẳn tròn và sáng.
Đêm trước rằm đẩu tiên từ ngày bị giam giữ. Mười mấy ngày qua, trừ cái
bực mình ban đầu khi bị bắt giữ vô cơ, cái khẳng định mình vẫn là khách
tự do, chỉ là một xâu những sự vật lỉnh kỉnh đáng lạ, đáng cười, đáng
ghét của bộ mặt nhà giam. Bỗng đêm nay trăng sáng quá chừng. Trong
suốt, bao la, huyền ảo, vỗ về. Ngay bên của sổ, lồng trong bóng cây. Đêm
Phân tích bài thơ “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh.
nay rất đẹp. Trong lòng rạo rực bao nỗi niềm. Cầm lòng không đậu,
người tù phải thốt lên:
“Đối thử lương tiêu nại nhược hà ?”
(Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ)
Thốt lên lại là một câu tình tứ cổ. Vậy trước cảnh đẹp đêm nay,
trước cái đêm lành này, biết làm thế nào ? Một câu hỏi hay một câu than
đều có nghĩa. Nó là dấu hiệu của một tâm trạng dạt dào nên băn khoăn,
hơn nữa, bối rối, bứt rứt. Nó ăm ắp tình tứ, nó rạo rực, nó muốn yêu,
muốn thưởng thức, muốn chan hoà, muốn giãi bày, bộc lộ. Phải đi với
đêm, phải tắm mình trong nguyệt, phải vui, phải làm thơ. Tâm trạng
người tù như vậy nhưng người tù lại phải làm ngơ. Như đành để mặc cho
đêm đẹp đêm lành, cho trăng mời trăng giục. Nghĩa là bao nhiêu dạt dào
trước trăng và đêm, trước cái đẹp cái lành, phải ẩn vào bên trong, vùi
vào im lặng. Xưa trong hoàn cảnh bình thường, người ta còn gọi đến
trăng, nhờ đến bóng, rồi người ta chuốc rượu khuyên mời cho đỡ cô đơn.
Đây chỉ im lặng. Người cũng như trăng: lặng lẽ.
Một lần nữa, cái có lại nấp dưới cái không, cái có lại biểu hiện ở
cái không. Bao nhiêu sóng gió đành lặng xuống đáy để bày lên trên mặt
hồ phẳng lặng. Trăng ơi trăng, trăng hiểu cho người chứ !
Vậy nên, cảnh thưởng trăng chỉ thu lại trong mỗi hành động
không hơi không tiếng, người quay ra cửa sổ nhìn trăng sáng và trăng từ
khe cửa nhìn ngắm nhà thơ:
“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.”
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)
Có người không bằng lòng lắm với chữ ngắm. Vọng cũng là ngắm,
khán cũng là ngắm. Cho là được đi, thì ngắm cũng còn đôi chút gì thích
thú, say mê bộc lộ ra ngoài, trong khi khán chỉ là xem, có mắt thì xem,
chưa kèm sắc thái tình cảm nào. Tòng là tuân theo một tình trạng hiển
nhiên, có khe cửa thì trông lọt vào, chứ không phải nhòm là một cử chỉ
chủ động, pha í tinh nghịch, lém lỉnh, không hợp lắm. Hóm hỉnh là một
nét đặc thù ở Bác Hồ, nhưng chất vui ở đây e làm tan mất cái không khí
toàn lặng lẽ, suy tư. Mà lặng lẽ, suy tư mới đúng.
Cứ cho đó là cử chỉ, là hành động đi thì “hướng” và “tòng” vẫn là
thể im lìm lặng lẽ. Còn “khán”, nhìn thì hoàn toàn chỉ dùng đôi mắt, khôn
cử động cơ thể nào khác, không chút tiếng tăm. Ôi cái nhìn! Cái nhìn hoa
chim trên đường chuyển lao, chân tay xiềng xích. Cái nhìn lúc tâm hồn đã
lắng lọc bao nhiêu gay gắt, lo toan để trở thành trong veo, mát rượi.
Chính vì thế mà người tù trở thành thi gia rất đột ngột ở cuối bài.
Làm gì còn người tù. Lao ngục cũng đã bị phủ định một cách thần tình.
Mở đầu bài thơ là nhà tù mà kết thúc bài thơ lại là nhà thơ.
Câu thơ song song nhân và nguyệt, song tiền với song khích, minh
nguyệt với thi gia, và cả hai cùng hoà tan trong một cái nhìn. Còn có gì
nhịp nhàng hơn, hài hoà hơn, cảm thông hơn ? Người xứng với trăng,
trăng thấu hiểu người. Trăng đẹp lên vì sáng. Người đẹp lên bởi tâm hồn
thành thơ. Tâm hồn người thành thơ nên trăng càng sáng, trăng càng
sáng nên con người càng hoá thành thơ. Và bên nhau, trăng sáng cũng
đượm thơ và tâm hồn thơ cũng lung linh ánh sáng. Hai mà một, một mà
hai. Bởi tất cả đều gói trong một cái nhìn lặng lẽ.
“ Vui say ai cấm ta dừng”. Nghĩa là Bác vẫn vượt ra ngoài hoàn
cảnh ấy, vẫn giành lấy cái tự do mà nhà ngục không sao gồng xiềng được.
Nhờ vậy mà ta có được bao nhiêu điều để thích thú, ngưỡng mộ và học
tập với đời: mắt vẫn ngắm vẫn nhìn, vẫn trò chuyện với trăng bằng im
lặng. Hơn thế, không có gì cả, mà vượt lên trên, biến không thành có.
Không có hoàn cảnh, không có điều kiện, nhưng vẫn thưởng trăng đầy
đủ. Đầy đủ ở trong lòng.
Nếu trăng thuộc phần vui, phần đẹp, phần ước mơ lãnh mạn, phần
triển vọng, vậy ngục tù có phải là bao nhiêu cái khó khăn, gian khổ cái
trói buộc, cái lúng túng tiêu cực trên đường đi tới một cảnh trăng đẹp
chăng ? Trong tù mà ngắm được trăng, đương nắng lửa mưa dầu mà
nhìn được trăng thanh gió mát, đó đâu chỉ là một phong thái, Đó là một
bài học đạo đức, một bài học lạc quan, ti ntường, một bài học Cách mạng
thật không ngờ, nhưng thật thú vị.
Bài làm
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao
cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do,
đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng
phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để
câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ
chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.
Đó là lời Bác Hồ phát biểu với các nhà báo tháng 1 – 1946. Bình
sinh, Bác rất yêu thích thiên nhiên và đặc biệt thích thú khi được sống
giữa thiên nhiên, hoà mình với suối rừng, gió trăng, non xanh nước biếc.
Có điều, cuộc đời Cách mạng chỉ cho phép người hưởng “thú lâm tuyền”
trong hoàn cảnh đầy gian khổ khi còn hoạt động bí mật ở Cốc Bó (Pác
Bó). Những khi đó, Bác Hồ cảm thấy rất vui thích, thoải mái, dường như
Người thật sự hoà nhịp với điệu sống nơi núi rừng, như một tiên ông, một
ẩn sĩ, một “khách lâm tuyền” thực thụ. Cảm giác vui thích sảng khoái đó
được Bác ghi lại trong nhiều bài thơ Người sáng tác ngẫu hứng, mà có lẽ
rõ nét nhất là “Tức cảnh Pác Bó”.
Có người nói “Tức cảnh Pác Bó” mang một phong vị cổ điển. Quả
thật như vậy. Ngay qua nụ cười hồn nhiên của Bác ở đây, ta cũng cảm
thấy điều đó. Chẳng phải các nhân sĩ thanh bạch, khảng khái ngày xưa
vẫn thường sử dụng nghệ thuật thơ bí lộng như vậy sao: Nói nghèo mà
hoá ra sang, hay nói sang mà thực ra rất nghèo túng để vui đùa, tỏ ý
khinh thường cuộc đời thiếu thốn về vật chất. Trong bài thơ Bạn đến chơi
nhà, Nguyễn Khuyến đã viết:
“ Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…“
Nụ cười của Bác có nét gần gũi với nụ cười của Nguyễn Khuyến.
Đây là nét truyền thống “lạc đạo vong bần” của những nhân sĩ ngày xưa
có tâm hồn thẳng ngay trong sạch, gặp lúc nước nhà rối ren, triều đình
thối nát, kẻ tham ác làm mưa làm gió, bèn lui về ẩn dật nơi núi rừng,
đồng ruộng, làm bạn với cỏ cây, non nước. sẵn sàng đồi cái giàu sang dơ
bẩn lấy cái nghèo túng mà trong sạch, hay nói cách khác, đổi cái giàu về
vật chất tục tằn lấy cái sang về đạo lí và inh thần.
Dĩ nhiên chí hướng của Bác Hồ cao hơn rất nhiều chí hướng của
các nhân sĩ xưa như Nguyễn Khuyến, cho nên quan niệm về “lạc đạo vong
bần” trong thơ Hồ Chủ tịch cần hiểu theo một nội dung khác: đạo lí ở đây
là đạo lí cách mạng, bần là cái nghèo của người cách mạng. Như vậy bút
pháp truyền thống đã kết hợp nhuần nhuyễn với nội dung cách mạng: ba
câu đầu của bài thơ là ba dòng tự sự, kể về cảnh sinh hoạt của nhà thơ ở
Pác Bó: Câu thứ nhất nói về nơi ở, câu thứ hai nói về cái ăn, câu thứ ba
nói vể điều kiện làm việc hàng ngày. Bài thơ kết thúc bằng một câu trữ
tình: tác giả tỏ thái độ đánh giá của mình với với cảnh sinh hoạt đó, Bác
cho thế là sang, và nụ cười nở ra một cách thoải mái, vui vẻ. Ba câu tự sự
như thế là ba câu kể nỗi gian hổ của Bác chăng ? Bác nói sự thật, Bác tả
thực, nhưng không hề than khổ, kể khổ. Dĩ nhiên cảnh thực ấy là cảnh
khổ sở thiếu thốn, nhưng bản thân những câu thơ kia không nhằm gợi tả
sự thật ấy để nói lên cái khổ của người cách mạng.
Trong vô vàn yếu tố tinh thần truyền thống tạo nên tâm hồn
phong phú của Bác Hồ, có một yếu tố này: Vui với cảnh thiên nhiên nơi
rừng suối (người xưa gọi là thú lâm tuyền). Đọc thơ Bác nhiều khi thấy
ẩn hiện thấp thoáng cái bóng dáng ung dung tự tại của Nguyễn Trãi ở
Côn Sơn, của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Bạch Vân am vậy. Đọc Tức cảnh Pác
Bó, ta thấy Bác Hồ đã hiện ra với cái thích thú riêng của mình: “… một cái
nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều
làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với
vòng danh lợi”.
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”…
Vị “tiên ông” thời cách mạng này xuất hiện ở đây từ thuở nào mà
“sáng ra, tối vào”, dường như đã quen thuộc và nền nếp lắm ? Phong thái
thật nhàn nhã, thung dung, bước đi khoan thai nhịp nhàng, thoải mái rõ
Phân tích bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” của Hồ Chí Minh.
ra là người ấy, cảnh ấy đã hoà hợp với nhau từ lâu rồi. Bàn về câu thơ
này, có người đã tìm ra cả một chân trời thơ được mở ra ở cái phía “sáng
ra bờ suối” của nó. Đúng ra câu thơ này chỉ gợi, chứ không miêu tả hay
kể lể gì rõ rệt cả. Nhưng chính cái tính chất không xác định ấy, gắn liền
với cái dáng điệu nhàn tản kia của nhân vật trữ tình, đã đem lại cho câu
thờ cái thi vị riêng của nó. Người đọc có thể tưởng tượng về một tiên ông
hay một nhà hiền triết ẩn dật nào đó “sáng ra bờ suối” để hái thuốc hoặc
ngồi câu trên một mỏm đá, đến chiều tối lại trở về hang động của mình.
“ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”
Câu thứ hai này, nhìn trên bình diện “thú lâm tuyền” cũng thấy
hiện lên những màu sắc thú vị. Có một cái gì dường như là hư hư, thực
thực, lại vừa nghiêm chỉnh, vừa đùa vui trong ba chữ “vẫn sẵn sàng”.
“Vẫn sẵn sàng” đúng nghĩa ở đây là sung túc, đầy đủ. Nhưng sung túc về
chs1o bẹ rau măng chăng ? Lại một lời nói đùa của Bác chăng ? Nhưng
chúng ta hãy nghĩa theo hướng khác: “Cháo bẹ rau măng” chẳng phải là
những mùi vị thanh đạm mà cao quý của những bậc ẩn sĩ đó sao ? Đó
chẳng phải là lí do khiến cho những “Nguyễn Bỉnh Khiêm” ngày trước
thường đắc ý tự hào hay sao ?
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…
… Trúc biếc nước trong ta sẵn có,
Phong lưu rất mực dễ ai bì”.
Dĩ nhiên đây là sự phong lưu tinh thần chứ không phải sự giàu
sang về vật chất. Khi đã mang ý nghĩa ấy rồi thì cháo bẹ rau măng không
còn biểu hiện của nghèo nàn gian khồ nữa. Nhưng ai biết các nhà hiền
triết ngày xưa, trong đời, đã ăn rau rừng, măng núi thế nào ? Có điều
những thực phẩm đạm bác ấy từ lâu đã trở thành những ước lệ trong
văn học. Vậy, đối với những mùi vị ấy, các cụ xưa có lúc ăn thật, nhưng
chắc cũng có nhiều lúc chỉ ăn “ước lệ”, “tượng trưng”, ăn trong thơ mà
thôi. Còn Bác Hồ thì cứ phải thường xuyên “thưởng thức” trong thực tế.
Vậy câu thơ ở đây thực hay hư, nghiêm hay đùa ? Người đọc lại thấy
đằng sau chữ nghĩa ẩn hiện nụ cười thoải mái của Bác Hồ.
Nhưng vui nhất là câu thứ ba:
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
Câu này có chữ “chông chênh” cũng cần phải tìm hiểu. Tách rời
khỏi văn cảnh, “Chông chênh nghĩa là không bằng phẳng, không vững
chãi, chắc chắn. Nhưng đặt trong văn cảnh của nó thì ý nghĩa lại khác
hẳn. Có thể coi đây là chi tiết vui nhất trong bài thơ vui này của Bác Hồ.
Hãy tạm diễn đạt cái vui của câu thơ như sau: làm việc, dịch sách trên
một phiến đá tự nhiên thiên tạo như thế này, kể cũng thú vị đấy chứ ! Có
một cái gì rất trẻ trung trong sự thích thú này. Dĩ nhiên Bác Hồ vốn bận
trăm công nghìn việc, làm gì có thì giờ để đi tìm cái thú vui cầu kì như
thế. Nhưng cuộc đời cách mạng, tình cờ đã đem đến cho Bác hoàn cảnh
làm việc như vậy, thì Bác cũng vui, cái vui rất “thanh niên” đó chứ sao ?
Đã nói về cảnh nghèo của cách mạng, nay lại nói về sự cao sang
của cách mạng ? Nhưng sự thật là như vậy. Đây là hai mặt thống nhất
hiện chứng của hiện thực cách mạng: nghèo là hiện tại, sang là tương lai,
hay nói đúng hơn, nghèo là điều kiện sinh hoạt vật chất nhất thời, sang là
thế tất thắng của cách mạng, cái thế nhanh chóng giành được độc lập tự
do lâu dài cho Tổ quốc. Điều ấy, dĩ nhiên Bác Hồ là người nắm vững hơn
ai hết. Tinh thần chiến thắng ấy trước hết thể hiện ở cái thế vững chãi
chung của bài tứ tuyệt.
Hãy xem kết cấu âm thanh và hình tượng của toàn bài. Hai câu
đầu và câu thứ tư như mở ra chiều ngang bằng những âm vận có sức
vang xa, toả rộng (sáng, hang, măng, sàng, mạng, sang) khiến cho bài thơ
dù chỉ hạn chế trong khuôn khổ bốn câu ba vần, mà vẫn có cái vẻ đường
hoàng rộng lớn. Tính chất bề thế ấy lại được tăng cường gấp bội bằng
âm hưởng và hình tượng hết sức gân guốc ở câu thứ ba như được dựng
lên theo chiều dọc, mới đầu vươn hẳn lên nhờ hai thanh đoản bình liên
tiếp và đột xuất: “chông chênh”, một đầu cắm sâu, chôn chặt xuống bằng
sức mạnh dồn lại rất khoẻ của ba thanh trắc liên tiếp “dịch sử Đảng”.
Như thế là bốn câu thơ đan vào nhau rất chặt, tạo thành một tổ chức bền
vững, kiên cố, toát lên một niềm tin không gì lay chuyển được ở lẽ tất
thắng của cách mạng.
Thơ Bác thường bắt đầu chỉ là vài nét tả thực đơn sơ, hoặc một
thoáng cảm nghĩ nhẹ nhàng giản dị, nhưng bởi là tiếng nói tâm hồn của
Bác, nên ý tứ sâu xa rộng lớn, nghệ thuật phong phú độc đáo. Tức cảnh
Pác Bó là một bài thơ như thế. Bác thường nói: Bác có dụng công nghệ
thuật gì đâu. Đây chỉ là một lời nói đùa vui giải trí, một nụ cười hồn nhiên
thoải mái mà thôi.
“Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Vậy mà đi vào bài thơ, ta cảm thấy như đi mãi cũng không cùng. Ở
đây có quá khứ, hiện tại và tương, cả giai cấp và thời đại. Ở đây có thể
tìm thấy chất thép kiên cường nhất và chất thơ bay bổng nhất. Và cũng ờ
đây, có thể nhận ra sự hoà hợp độc đáo giữa nhiều bút pháp khác nhau:
tự sự và trữ tình, hiện thực và lãng mạn; cổ điển và hiện đại… Tất cả đều
gói lại trong một nụ cười vui của Bác Hồ, nụ cười vui của nhân văn chủ
nghĩa Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Bài làm
“Tay bị trói giật cánh khuỷu, cồ mang xiềng xích, có sáu người lính
mang súng giải đi […]. Dầm mưa dãi nắng, trèo qua núi qua truông…”. Đó
là nhưng gian khồ của Bác Hồ trong suốt hơn một năm bị giam cầm ở
Trung Quốc, bị giải đi hết nhà lao này sang nhà lao khác. Trong Nhật kí
trong tù, Bác Hồ đã trực tiếp ghi lại những nỗi vất vả của việc đi đường
trong rất nhiều bài. Bác hiểu rất rõ đường đời khó khăn trong lần bị bắt
giam hết sức vô lí này, bác càng thấm thía những nơi khó khăn trên
đường đời, có lúc đã thốt lên chua xót:
“ Mới biết ở đời không phải dễ,
Mà nay càng thấy khó khăn hơn !”
(Đường đời khó khăn)
Nhưng mặt khác, dù khó khăn, gay go đến mấy Bác Hồ vẫn lạc
quan, tin tưởng. “Đau khổ như vậy nhưng Cụ vẫn vui vẻ” (Trần Dân Tiên).
Chẳng những “vẫn vui vẻ” chịu đựng mọi gian khổ mà bởi tinh thần lạc
quan Cách mạng, trên con đường bị giải đi, Bác đã xúc động, suy ngẫm
thành bài thơ “Đi đường” (Tẩu lộ), một bài thơ đúc kết được chân lí
đường đời Cách mạng.
“ Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan”
(Có đi đường mới biết đường đi khó)
Ở câu thơ chữ Hán, việc lặp lại hai chữ “tẩu lộ” đã làm nổi bật ý
thơ – “tẩu lộ nan” (đi đường thật khó khăn, gian lao) và giọng thơ trở
nên đầy suy nghẫm. Đó là suy nghĩ thấm thía rút ra từ bao cuộc “đi
đường” chuyển lao đầy khổ ải của người tù – Bác Hồ trong những chuỗi
ngày khổ ải “sống khác loài người” ở Quảng Tây (Trung Quốc).
“Còn tối như bưng đã phải đi,
Đường đi khúc khuỷu lại gồ ghề”.
(Hụt chân ngã)
Nỗi gian lao của người đi bộ đường núi là điều không nói ai cũng
biết, nhưng không phải ai cũng cảm nhận một cách thấm thía. Chỉ có
người nào đã từng trải qua, từng thể nghiệm thì mới thấu hiểu đầy đủ
cái sự thực hiển nhiên đó và mới thực sự thấm thía mấy chữ “đi đường
khó” (tẩu lộ nan) rất mực giản dị trong bài thơ. Câu thơ rất đơn sơ
nhưng mang nặng suy nghĩ, cảm xúc và gợi ra những ý nghĩa khái quát
sâu xa, vượt ra ngoài chuyện đi bộ đường núi.
Vậy đi đường khó như thế nào ?
“Trùng san chi ngoại hựu trùng san”
(Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác)
Vừa đi hết lớp núi này lại đến lớp núi khác, cứ thế… Khó khăn
chồng chất khó khăn, , gian lao tiếp liền gian lao, khó khăn gian lao triền
miên, dường như bất tận, như dãy núi này tiếp dãy núi khác, cứ tiếp núi
trập trùng. Câu thơ chữ Hán hai lần lặp lại chữ “trùng san” (lớp núi) với
chữ “hựu” (lại) ở giữa, đã làm nổi bật hình ảnh thơ và nhấn mạnh, làm
sâu sắc ý thơ. Chú ý sắc thái tình cảm của những chư “tài tri” (mới biết) ở
câu một, chữa “hựu” (lại) ở câu hai dường như thấp thoáng nhân vật trữ
tình – người tù cách mạng Hồ Chí Minh, đang cảm nhận thấm thía, suy
ngẫm về nỗi gian lao triền miên của việc đi đường núi cũng như của con
đường cách mạng, con đường đời.
Phân tích bài thơ “Đi đường” của Hồ Chí Minh.
Trong một bài tứ tuyệt Đường luật, câu chuyển thường có vị trí
riêng, nổi bật; hình tượng, ý thơ ở câu này lắ mkhi vút lên bất ngờ, làm
chuyển cả mạch thơ. Ở bài Đi đường, câu ba là vậy.
“ Trung san đăng đáo cao phong hậu”
(Khi đã vượt qua các lớp núi lên đến đỉnh cao chót)
Nếu hai câu trên đều chỉ nỗi gian lao của việc đi đường, dãy núi
này tiếp liền dãy núi khác thì sang câu này, mạch thơ đã chuyển khác:
mọi gian lao đều đã kết thúc, lùi về phía sau, người đi đường lên tới đỉnh
cao chót (đăng đáo cao phong hậu) là lúc gian lao nhất nhưng đồng thời
cũng là lúc mọi khó khăn vừa kết thúc, người đi đường đứng trên cao
điểm tột cùng.
Vậy là nỗi gian lao của người đi đường núi dù có chồng chất,triền
miên nhưng không phải là bất tận, và tất cả hành trình vô vàn ian nan ấy
không phải là vô nghĩa, mà trái lại, có trải qua chặng đường dài gian lao
thì mới tới đích, càng nhiều gian lao thì càng gần tới đích, thắng lợi càng
lớn. Việc đi đường núi hiển nhiên là thế mà con đường cách mạng cũng
như con đường đời cũng là thế.
Cả một con đường gian lao dài dằng dặc đã kết thúc, hình ảnh nân
vật trữ tình không còn là người đi đường núi vô cùng vất vả với trước
mắt sau lưng chỉ toàn là “núi cao rồi lại núi cao trập trùng”, mà đã trở
thành người khách du lịch đến được vị trí cao nhất, để tha hồ thưởng
ngoạn phong cảnh núi non hùng vĩ bao trải ra trước mắt.
Từ tư thế con người bị đày đoạ đến kiệt sức, tưởng như tuyệt
vọng, người đi đường cực khổ ấy bỗng trở thành người du khách ung
dung say đắm ngắm phong cảnh đẹp. nhưng con đường núi gian lao,
hiểm trở trong bài thơ còn gợi ra hình ảnh con đường cách mạng, và
hình ảnh con người ung dung ngắm cảnh từ trên đỉnh núi cao kia còn là
hình ảnh người chiến sĩ đỉnh cao vọi của chiến thắng sau biết bao gian
khổ hi sinh.
“Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”
Câu thơ diễn tả niềm vui sướng đặc biệt, bất ngờ, phần thưởng
quý giá đối với con người đã trèo qua bao dãy núi vô vàn gian lao, nhưng
còn ngụ ý nói đến niềm hạnh phúc hết sức lớn lao của người chiến sĩ cách
mạng khi cách mạng hoàn toàn thắng lợi sau bao gian khổ hi sinh. Qua
câu thơ, thấp thoáng hiện ra hình ảnh con người đứng trên đỉnh cao
thắng lợi với tư thế làm chủ thế giới.
Ở hai câu cuối này, nếu câu thứ ba, tứ thơ đột ngột vút lên theo
chiều cao, thì đến câu kết, hình ảnh thơ lại mở ra bát ngát theo chiều
rộng, gợi ra cảm giác về sự cân bằng, hài hoà. Câu thơ quả là đã có vai
trò của câu hợp, quy tụ cảm hứng chủ đạo của bài tứ tuyệt bình dị mà
cảm xúc này.
Bài thơ không thuộc loại thơ tức cảnh hay tự sự tuy ở bề mặt là
miêu tả, tự sự, mà chủ yếu thiên về suy nghĩ, triết lí. Song triết lí mà
không hề có giọng triết lí, nêu bài học đường đời mà không hề lên lớp dạy
đời. Chỉ là những vần thơ giống như lời kể chuyện, tâm sự của chính Bác
Hồ trong những ngày tù đày nhưng đã nói lên thật sâu sắc, thuyết phục
một chân lí, một bài học rút ra từ thực tế hằng ngày của Bác: Con đường
cách mạng là lâu dài, là vô vàn gian khổ, nhưng nếu kiên trì bền chí để
vượt qua gian nan thử thách thì nhất định sẽ đạt tới thắng lợi rực rỡ.
Đây thự sự là bài thơ và tự nhiên, chân thực mà chứa đựng tư tưởng sâu
xa, cổ vũ tinh thần con người vượt qua khó khăn thử thách trên con
đường đời để vươn tới mục đích cao đẹp.
Bài làm
Trong bóng tối mịt mờ chốn lao tù, dường như sự sống đã chấm
dứt hẳn, bởi lạnh giá, bởi cô độc. Vậy mà, giữa những âm thanh khô khốc,
chói tai của tiếng xiềng xích, vẫn vang lên nhịp tim thổn thức, rạo rực của
một hồn thơ trẻ tha thiết yêu đời, yêu người. Tố Hữu, bằng cảm xúc chân
thật của mình, đã cất lên tiếng nói tâm tình tha thiết của người chiến sĩ
cộng sản suốt đời chiến đấu cho lí tưởng và tâm hồn khát khao tự do đến
cháy bỏng trong bài thơ “Khi con tu hú”.
Nhan đề bài thơ là một sự diễn đạt chưa trọn ý một cách kì lạ. Kì
lạ bởi chính chỗ chưa trọn vẹn đó đã mở ra bao nhiêu liên tưởng. Giờ đây,
Phân tích bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu.
người ta không còn thấy bóng dáng cô đơn, nặng nề của người tù Tố Hữu
mà chỉ nghe tiếng lòng nhà thơ đang rộn ràng, ngân vang khi đón nhận
lấy tiếng chim tu hú từ xa rộn về. Tu hú gọi bầy là âm thanh hết sức quen
thuộc ở chốn làng quê Việt Nam, báo hiệu cho sự chuyển mình của sự
sống - mùa hè về. Lúc này, khi con tu hú gọi bầy, trong hoàn cảnh tách
biệt với cuộc sống bên ngoài, người chiến sĩ cách mạng càng cảm thấy
ngột ngạt hơn, tù túng hơn, vì vậy mà càng thêm khát khao cháy bỏng
hướng đến cuộc sống tự do tươi đẹp bên ngoài:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không ”
Mười chín tuổi, còn trẻ trung, bồng bột, người thanh niên Tố Hữu
đã tìm thấy cho mình lí tưởng cao đẹp cuộc đời. Những bước đi không
mỏi mệt trên chặng đường chông gai, phút chốc phải dừng đột ngột, bị
bó buộc tù hãm khiến cho Tố Hữu không khỏi có lúc thốt lên chua xót: “Cô
đơn thay là cảnh thân tù”. Nhưng rồi phút giây ấy cũng nhanh chóng đi
qua, nhường chỗ cho không gian cảnh vật tràn trề nhựa sống: những
bông luá chín, hạt bắp vàng, ánh nắng đào, trời xanh rộng, đôi sáo diều,
tiếng ve ngân Phải có một sự tưởng tượng lãng mạn, bay bổng và một
tâm hồn mến yêu sự sống sâu sắc mới có thể vẽ lại toàn bộ bức tranh
phong cảnh mùa hè sống động đến vậy. Thiên nhiên hiện lên tuyệt đẹp kia
không phải là hiện thực, tất cả chỉ là sự tưởng tượng của một tâm hồn
mơ mộng khi căng tất cả các giác quan để nghe, để nhìn, để ngửi, để cảm
nhận không khí hè qua tiếng gọi bầy của tu hú. Chỉ bằng vài đường nét,
màu sắc, âm thanh, nhà thơ đã phơi bày một bức tranh đầy nhựa sống
với cánh đồng lúa chiêm quen thuộc của quê hương đã bao lần đi vào thơ
Tố Hữu:
“Đây từng ô mạ xanh non mơn mởn
[…]
Ôi ruộng đồng quê hương thương nhớ ơi!”
Giờ đây lại hiện về trong trạng thái căng đầy nhất, viên mãn nhất,
lúa ngả vàng, ngả sang màu niềm vui, là màu vàng rực rỡ của mùa hè,
của mồ hôi kết tinh thành hạt thóc. Với một tâm hồn lãng mạn tinh tế, Tố
Hữu đã cảm nhận sự thay đối của màu nắng với nhiều góc độ: từ ánh
nắng của “đôi ánh lạt ban chiều” (Tâm tư trong tù), ánh nắng yếu ớt dễ
bóp nghẹt bởi bóng tối tới một “ánh nắng đào” giữa mùa hè, lấp đi dấu
ấn của “vườn râm”. Câu thơ là một không gian thoải mái với sắc hồng kì
lạ. Đó là thứ ánh sáng êm dịu, hiền hậu, vỗ về cho con người trước những
mất mát, đau khổ trong cuộc đời. Có lẽ từ chính sự gặp gỡ tuyệt diệu của
chàng thanh niên trẻ tuổi:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”.
Đã khiến cho ánh nắng mùa hè có sự thay đổi tinh tế đến vậy. Và
sự xuất hiện của bầu trời trong vắt như mặt nước yên bình nâng tầm bay
cho các cánh diều đã đẩy tầm nhìn, tầm nhận thức của nhà thơ lên đến độ
sâu nhất, xa nhất, cao nhất:
“Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộng nhào từng không…”
Thấp thoáng trong ánh nhìn người tù, là một không gian mở rộng
đến vô cùng vô tận. Mặc dù có thể lúc ấy ánh nhìn của nhà thơ - chiến sĩ
có phần bị che khuất đi bởi chấn song nhà tù chật hẹp. Trên bầu trời lúc
này không phải là một mình lẻ loi, con sáo diều cũng có đôi, có cặp, có
được sự tự do bay lượn trong vùng trời riêng kia. Huống chi là con
người. Vậy mà, thực tế thì sao? Con người cô đơn, cô đơn hơn bao giờ
hết, và mất tự do. Không ngẫu nhiên mà bài thơ có sự bổ đôi của hai câu
thơ lục bát. Nhà thơ diễn tả bức tranh mùa hè sống động đối lập với cảnh
mùa đông trong ngục tối đã làm nổi bật lên khát vọng cháy bỏng của
người chiến sĩ trên con đường tìm đến tự do. bốn câu thơ kết đã lắng lại
cho tiếng lòng náo nức bật lên:
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi !
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu !”
Khổ thơ là lời bộc lộ trực tiếp cho tâm tư con người. Bốn câu cảm
thán là sự dồn nén những cảm xúc mãnh liệt của một trái tim đau khổ,
uất hận vì mất tự do. Nhà thơ nghe hè, cảm nhận hè chỉ qua tiếng chim tu
hú gọi bầy. Hè đã đến, ba tháng trong ngục tối cũng đã trôi qua, lòng
người thanh niên đầy nhiệt huyết càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn tiếng gọi
lên đường, tiếng gọi của tự do. Từ trong sâu thẳm tâm tư mình, người tù
đã nhận ra tất cả cuộc sống náo nức, vui tươi bên ngoài lúc chỉ là tưởng
tượng, bởi đó là tất cả những hình ảnh tồn tại trong trí nhớ của nhà thơ.
Đó là những cánh đồng, những vườn cây trái, những vườn râm. Còn hiện
tại, kẻ thù đang giày xéo quê hương, đã biến bao đồng quê thành hoang
mạc và thực chất không gian tự do mà nhà thơ khát khao bên ngoài kia
cũng chỉ là một không gian tù hãm, một cái lồng to giam chí lớn, như
chụp lên cuộc sống con người, lên quê hương. Cho nên, khổ thơ là sự
bừng tỉnh của lí trí, là tâm trạng uất ức, ngột ngạt muốn đạp bỏ tất cả,
tìm đến không gian tự do, tự tại thật sự. Bằng cách ngắt nhịp mạnh kết
hợp với những từ ngữ mạnh mẽ: “đạp tan”, “chết uất”, câu thơ đã tập
trung cao độ tinh thần yêu đời, yêu người cháy bỏng.
Tiếng kêu tu hú cứ day đi day lại cả bài thơ, như thúc giục, như lời
thôi thúc người tù vượt thoát cảnh giam cầm, tìm về với tự do. Có lẽ vì
vậy mà ba năm sau, Tố Hữu đã vượt ngục và quay về đội ngũ, để làm tròn
ước nguyện cống hiến tất cả cuộc đời cho cách mạng.
“Khi con tu hú” là một bài thơ kết hợp hài hoà của cảnh và tình. Cảnh mở
ra rạo rực, tha thiết, tình lắng đọng da diết, trầm buồn. Với tâm hồn dân
tộc, ngòi bút linh hoạt, mềm mại, Tố Hữu xứng đáng với danh hiệu con
chim đầu đàn trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam.
Nghị luận xã hội.
Bài làm
Ngày nay, trên thế giới, môi trường là vấn đề được quan tâm
hàng đầu. Ở các quốc gia tiên tiến, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường rất
được chú trọng nên việc xả rác và nước thải bừa bãi hầu như không còn
nữa. Người dân được giáo dục rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường sống
xanh – sạch – đẹp. Đáng buồn thay, ở nước ta, hiện tượng vứt rác ra
đường hoặc những nơi công cộng, không giữ gìn vệ sinh đường phố rất
phổ biến. Việc làm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường
mà cụ thể ở đây là gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu
về hiện tượng này.
Hiện tượng không giữ gìn vệ sinh đường phố có rất nhiều biểu
hiện nhưng phổ biến nhất là vứt rác ra đường hoặc nơi công cộng. Ăn
xong một que kem hay một chiếc kẹo, người ta vứt que, vứt giấy xuống
đất. Uống xong một lon nước ngọt hay một chai nước suối, vứt lon, vứt
chai ngay tại chỗ vừa ngồi mặc dù thùng rác để cách đó rất gần. Thậm
chí khi ăn xong một tép kẹo cao su, họ cũng không mang đến thùng rác
mà vo tròn rồi trét lên ghế đá và cứ thế bỏ đi chỗ khác. Công viên, nơi
được xem là có bầu không khí trong lành, sạch đẹp, giúp con người thư
giản, hay chùa chiền, vốn là nơi tôn nghiêm cũng không tránh khỏi hiện
tượng này. Bến tàu, nhà ga, kênh rạch đâu đâu cũng có rác. Một biểu hiện
phổ biến khác là một số tài xế chở gạch, đá phế thải ở các công trình xây
dựng đem đổ khắp nơi và cả trên dưới phố. Con người ta còn vô ý thức
đến mức mang xác súc vật chết như chó, mèo, chuột, gia cầm như gà, vịt
ném xuống hồ, ao, sông rạch và ra đường. Ở một số hàng, quán bán trên
vỉa hè người ta đổ tất cả đồ ăn dư thừa, nước rửa chén, bát xuống cống
khiến cho nước thải bị ứ đọng, cống bị tắt nghẽn. Thế nhưng hiện tượng
xả rác đó còn lan sâu vào một tầng lớp trí thức trẻ ngày nay. Biểu hiện cụ
thể ở một số sinh viên làm gia sư. Họ thường đứng ở các ngã ba, ngã tư
đường để phát tờ rơi quảng cáo nhóm gia sư của mình một cách bừa bãi
khiến khắp đường phố rải rác đầy những tờ rơi. Trong lớp học, sân học,
học sinh cũng ngang nhiên xả rác ở hộc bàn, góc lớp, hành lang, Nguy
hiểm hơn cả là tình trạng bệnh viện chôn rác xuồng lòng đất ngay bên
cạnh khu dân cư, hay mới đây là vụ nhà máy bột ngọt Vedan đã thải
nước xuống dòng sông Thị Vải mấy chục năm biến dòng sông thành dòng
sông chết.
Vậy do đâu mà hiện tượng xả rác bừa bãi lại tràn làn như vậy?
Nguyên nhân đầu tiên là do những thói quen xấu lười biếng và lối sống
Nghị luận về vấn đề môi trường
lạc hậu ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Họ sống
theo kiểu:
“Của mình thì giữ bo bo
Của người thì thả cho bò nó ăn ”
Họ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần nhà mình sạch thì được còn bẩn thì
ai bẩn mặc ai. Những nơi công cộng không phải là của mình, vậy thì việc
gì mà phải mất công gìn giữ. Cứ ném rác vội ra là xong, đã có đội vệ sinh
lo dọn dẹp. Cách nghĩ như thế thật là thiểu cận và nguy hại làm sao.
Nguyên nhân tiếp theo là do thói quen đã có từ lâu, khó sửa đổi, phải có
sự nhắc nhở thì người ta mới không xả rác bừa bãi. Ở các lớp học, hằng
ngày, các thầy cô và ban cán sự lớp phải thường xuyên nhắc nhở thì mới
giữ cho lớp học sạch đẹp. Nhưng xã hội là một phạm vi rộng lớn hơn lớp
học rất nhiều. Mọi người đều bận rộn với công việc của mình và không
một ai có đủ thời gian để đi nhắc nhở từng người một. Không được nhắc
nhở, con người ta lại quay về với thói quen trước kia. Việc giáo dục ý
thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức,
chưa được tổ chức thường xuyên. Mặc dù trên các phương tiện thông tin
đại chúng vẫn có những chương trình kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường
của con người nhưng chúng quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu tìm
hiểu và học hòi của người dân. Do đó mà trình độ hiểu biết của người dân
còn thấp dẫn đến thái độ tuân thủ nội quy nơi công cộng chưa đi vào nề
nếp. Một phần là do sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng
chưa chặt chẽ, kém hiệu quả,… chưa có hình thức xử lý nghiêm khắc
những cá nhân, đơn vị, công ty vi phạm, hay nói cách khác là biết mà làm
ngơ. Cứ thử phạt thật nặng một người nào đó xả rác ra đường phố làm
gương, thì còn ai dám xả rác nữa.
Với tình hình vứt rác bừa bãi hiện nay, thì những hậu quả kéo
theo nó cũng không phải nhỏ. Trước tiên là gây ảnh hưởng đến sức khỏe
của người dân. Rác bị xả bừa bãi liên tục, ngày càng nhiều nếu không
được thu dọn sẽ bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường không khí. Nguồn nước
bị ô nhiễm nặng do dân cư ven các con sông thải chất thải sinh hoạt
xuống sông, tệ hại hơn, họ còn ném xác gia cầm bị H5N1 xuống sông.
Người dân chẳng may sử dụng phải nguồn nước nay, hay sống gần
những bãi rác sẽ dễ mắc các bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da, bệnh
đau mắt hột… Đặc biệt gần đây ở nước ta có nhiều người tử vong vì bị
tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn tả từ nước bị ô nhiễm. Về vấn đề kinh tế
mà nói, ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành nuôi trồng thủy sản.
Do môi trường sinh thái bị ô nhiễm, cá tôm chết nhiều hoặc bị bệnh tác
hại nghiêm trọng đến sản lượng, kinh tế người dân và tốn kém nhiều tiền
bạc trong việc cải tạo môi trường. Rác trong lớp học, sân trường, nếu
không thu dọn kịp thời sẽ bốc mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng đến sức
khỏe và sự tiếp thu bài của học sinh, sự truyền đạt kiến thức của giáo viên
và còn làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của ngôi trường. Và độc hại hơn cả, là
rác thải y tế với những mầm bệnh ung thư, nước nhiễm chì, nhiễm bẩn.
Rác tồn đọng, ứ lại trên các kênh rạch, cống rãnh gây nên ngập lụt vào
mùa mưa gây ảnh hưởng đến đời ống của người dân, nhà nước, địa
phương phải tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ để thuê nhân công
thu dọn, nạo vét, khai thông cống rãnh, ao hồ, kênh rạch. Và một thiệt
thòi đối với nước ta nếu hiện tượng xả rác còn tràn lan là sẽ để lại ấn
tượng không tốt đẹp cho khách du lịch. Thử hỏi còn ai dám đến tham
quan một đất nước đầy rác ngoài phố, mùi hôi khó chịu, mất vệ sinh ? Lúc
ấy, chúng ta sẽ mất một nguồn lợi khá lớn về du lịch.
Vậy làm thế nào để giảm thiểu được hiện tượng xả rác này? Nhà
trường phối hợp với các ban ngành thướng xuyên nhắc nhở, tuyên
truyền, kiểm tra ý thức tự giác của mọi người về việc giữ gìn vệ sinh. Nên
có những hình thức khiển trách đúng mức đối với những học sinh có thói
quen vứt rác bừa bãi. Đối với người dân vi phạm thì họp tổ dân phố kiểm
điểm. Còn công ty nào vi phạm thì thẳng tay phạt nặng, rút giấy phép
hoạt. Tốt nhất là các cơ quan nhà nước cần đưa ra những bộ luật thật cụ
thể về vấn đề xâm hại môi trường.
Hành vi xả rác nơi công cộng đang là vấn đề đau đầu của các cơ
quan chức. Bảo vệ môi trường là bảo vệ năng bởi mức thiệt hại cảu nó
đối với xã hội, sự sống của mọi người, vì vậy mỗi người chúng ta cần có ý
thức, góp phần chung tay xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp.
Nghị luận về trang phục
Bài làm
Trang phục truyền thống và hiện đại là một vấn đề văn hóa đa
dạng và phức tạp. Đa dạng ở chỗ mỗi dân tộc trong năm mươi bốn dân
tộc đều có cách thức, kiểu dáng, chất liệu trang phục riêng; trong từng hệ
thống trang phục ấy lại bao gồm nhiều loại: quần, áo, váy, mũ, khăn, nón,
giày, dép, guốc thậm chí cả đồ trang sức; trang phục ngày thường khác
ngày tết, ngày hội, trang phục cưới khác tang phục, lễ phục khác thường
phục
Phức tạp là bởi trang phục không phải hình thành và biến động
chỉ trong bản thân hệ thống nội tại của nó mà còn gắn bó với hàng loạt
bộ phận khác nhau của đời sống văn hóa xã hội: điều kiện hình thành,
phong tục tập quán, thị hiếu, thói quen, nghề nghiệp, tuổi tác của từng
đối tượng hay nhóm đối tượng cư dân. Nghĩa là, đề cập tới trang phục
theo chiều tuyến tính, lịch đại (thời gian: quá khứ - hiện tại - tương lai)
hay theo lát cắt đồng đại, chúng ta đều bắt gặp sự phong phú, đa dạng,
phức tạp này. Tuy nhiên, trong hệ vấn đề về trang phục ấy, chúng tôi xin
phép chỉ quan tâm tới một vấn đề nhỏ: quan hệ giữa trang phục (dù
truyền thống hay cách tân) với thị hiếu thẩm mỹ của con người với tư
cách chủ thể. Hẹp hơn nữa, bài viết đề cập chủ yếu tới một số khía cạnh
xung quanh mốt trang phục, mốt thời trang và tất nhiên, từ góc độ lý
luận.
Cách hiểu về trang phục, đã trình bày ở trên. Tạm coi đó bao gồm
tất cả những phục sức mà con người có thể khoác, đeo, gắn lên cơ thể
mình với nhiều mục đích: che thân, chống rét, chống nắng, làm đẹp,
khẳng định nguồn gốc
Thị hiếu thẩm mỹ về trang phục có thể được hiểu như một năng
lực sẵn có của con người thể hiện sự ưa thích, lựa chọn, khả năng cảm
thụ và thực hành cái đẹp thông qua trang phục (và một biểu hiện rất
được chú ý của nó là thời trang).
Do vậy, có thể nói, ngay từ buổi bình minh của loài người, trang
phục, ngoài những tiện ích như chúng tôi đã đề cập, đã luôn gắn bó và
bộc lộ thị hiếu thẩm mỹ. Quần, áo, khố bằng lá, vỏ cây thời tiền sử và vải
vóc, nhung, lụa hiện thời, muốn tồn tại được trong đời sống, rõ ràng
phải được con người ưa thích, chọn lựa và đáp ứng được nhu cầu đa
dạng khác nhau, trong đó có nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, ngày càng
hoàn thiện của con người. Tuy nhiên, cần chú ý một điều rất quan trọng
là: thị hiếu thẩm mỹ cá nhân, đành rằng rất quan trọng, song sự tồn tại
trang phục, với tính xã hội của nó, không hẳn phụ thuộc thẩm mỹ cá nhân
mà là thẩm mĩ số đông, thẩm mĩ nhóm, cộng đồng. Hay nói khác đi sự ưa
thích, lựa chọn mang tính cộng đồng, thậm chí mang tính quốc gia sẽ
khẳng định tầm mức và tư cách xã hội của trang phục. Để có được phục
trang ổn định một cách tương đối (như cái chúng ta thường gọi là trang
phục người Việt, trang phục người Chăm, Kh’mer, Tày, Thái ), con người
phải trải qua một quá trình dài lâu lựa chọn, lặp đi lặp lại những trang
phục đó từ một vài sản phẩm lưu hành trong đời sống tộc người và dân
tộc để từ những lựa chọn cá nhân đẩy thành lựa chọn cộng đồng. Do đó,
mốt thời trang (vốn mang đậm tính cá nhân) dần trở thành thị thiếu thời
trang của cả cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận, ưa thích, bảo lưu,
cải biến cho ngày càng phù hợp, ngày càng hoàn thiện.
Như vậy, bỏ qua rất nhiều điều kiện xã hội, dân tộc, văn hóa
trong quá trình hình thành thị hiếu thẩm mỹ trang phục tộc người cũng
như dân tộc, ta đi vào sự chuyển biến từ mốt thời trang đến thị hiếu dân
tộc về trang phục, một yếu tố quan trọng thể hiện quá trình xã hội hóa
trang phục của con người, một hiện tượng được quan tâm hiện nay.
Mốt trang phục có nội hàm ngữ nghĩa khá rộng. Thứ nhất, có thể
hiểu nó như phương thức thực hành thẩm mĩ, xã hội, tư duy con người
thông qua trang phục. Thứ hai, nó hàm nghĩa thời thượng, tức sự ưa
chuộng, đánh giá sáng tạo, thể hiện trang phục (mặc gì, phối hợp các
trang phục ra sao, sự sưu tập các trang phục cổ của các đối tượng khác
nhau như vua chúa, quý tộc, những người nổi tiếng ) của số đông trong
xã hội. Thứ ba, nó mang ý nghĩa thời trang, tức quá trình hưởng thụ,
sáng tạo, thể hiện trang phục được ưa chuộng và phổ biến trong từng
thời kỳ, mang đậm tính cá thể và tính nhóm xã hội, linh hoạt và năng
động. Hiểu một cách đầy đủ, mốt không chỉ là phần nổi, là hiện tượng
thời trang nhất thời như ta từng thấy mà còn bao hàm cả phần chìm, tức
những gì thể hiện phương thức thẩm mĩ trang phục cũng như hàng loạt
điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội chi phối nó trong không gian và thời
gian.
Như vậy, phía sau hiện tượng mốt thời trang là cả một quá trình
hình thành, vận động, biến đổi của trang phục theo quy luật của cuộc
sống xã hội và quy luật phát triển của bản thân trang phục từ truyền
thống đến hiện đại.
Trang phục hay hiện tượng nổi của nó - mốt trang phục, do đó,
phải được tìm hiểu qua hàng loạt yếu tố nội hàm và ngoại diên liên quan.
Chẳng hạn: truyền thống văn hóa, môi trường thẩm mỹ, quan niệm đạo
đức, mức sống, đặc điểm tâm sinh lý, quá trình giao lưu và tiếp biến, tính
ổn định tương đối, tính thời đoạn, đặc trưng chu kỳ, khả năng truyền lan,
sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội Chúng tôi xin điểm qua một số yếu tố
tác động đến trang phục, như là một hiện tượng xã hội.