PHÒNG GD&ĐT HIỆP ĐỨC
TRƯỜNG THCS NGUYỄN VĂN TRỖI
Tham luận: TỔ CHỨC DẠY HỌC MÔN HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGLL
THEO HƯỚNG TÍCH CỰC (TRÒ THIẾT KẾ, TRÒ THI CÔNG,
GIÁO VIÊN ĐÓNG VAI TRÒ CỐ VẤN)
I. Đặt vấn đề:
Theo luật giáo dục đã khẳng định: Phương pháp giáo dục phổ thông phải
phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với từng
đặc điểm của lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng
vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại nhiều niềm vui và
hứng thú học tập cho học sinh. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay do xã hội phát
triển để có được một con người hữu ích cho đất nước, có cái tâm, có tài, nắm lý
thuyết, biết thực hành, có kiến thức đồng thời phải có những kỹ năng đáp ứng thực
tiễn cuộc sống thì trong giáo dục nhà trường ngoài việc trang bị cho học sinh những
kiến thức, kỹ năng, thái độ ở trong giờ lên lớp, cần chú trọng đến việc tổ chức cho
học sinh tham gia các hoạt động nhằm hình thành nhân cách, ý thức, hành vi và kỹ
năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh. Môn hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là
một môn học của chương trình giáo dục phổ thông nên phương pháp giảng dạy cần
phải đạt được những mục tiêu trên.
II. Biện pháp thực hiện:
Qua nhiều năm tổ chức các tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo
phương pháp tích cực “Thầy thiết kế, trò thi công” và hướng đến việc “Trò thiết kế,
trò thi công, giáo viên chỉ đóng vai trò cố vấn” tôi xin thay mặt cho tổ giáo viên
chủ nhiệm trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đưa ra một số biện pháp thực hiện như
sau:
1. Công việc chuẩn bị của giáo viên chủ nhiệm lớp:
- Thành lập Ban nội dung tiết hoạt động giáo dục NGLL ngay từ đầu năm
học. Thành phần gồm: Ban cán sự lớp, Ban chỉ huy chi đội và những em học sinh
có năng khiếu.
- Soạn hoặc sưu tầm một vài thiết kế mẫu về tiết hoạt động giáo dục NGLL
giao cho Ban nội dung tham khảo trước.
- Trên cơ sở kế hoạch tổ chức các tiết hoạt động giáo dục NGLL hằng tháng
(theo kế hoạch của nhà trường) giáo viên tiến hành tổ chức họp Ban nội dung bàn
bạc thống nhất hình thức tổ chức, phân công, giao việc cụ thể cho từng thành viên
(sưu tầm các tài liệu có liên quan đến việc tổ chức các hoạt động hoặc ra một số
câu hỏi dự thi….)
- Kiểm tra việc chuẩn bị của Ban nội dung (trước 1 tuần khi tổ chức hoạt
động), góp ý về nội dung, hình thức, và việc chuẩn bị các điều kiện, phương tiện
phục vụ cho tiết học, yêu cầu Ban nội dung sửa chữa, điều chỉnh.
- Đối với những học sinh mới lần đầu thực hiện (khối 6) giáo viên cần hướng
dẫn và kiểm tra thật kỹ lưỡng, thậm chí cần hướng dẫn cho học sinh lường trước
những tình huống xẩy ra trong quá trình tổ chức.
- Trước khi tổ chức hoạt động (từ 1 đến 2 ngày) Ban nội dung tham mưu với
GVCN tiến hành phân công học sinh trong lớp (các tổ) chuẩn bị các điều kiện về cơ
sở vật chất, các phương tiện cần thiết (trang trí, sắp xếp bàn ghế, phần thưởng hoặc
bảng con, phấn khi tham gia các hội thi….) phục vụ cho tiết học.
2. Tổ chức tiết hoạt động giáo dục NGLL:
a) Đối với Ban nội dung:
- Tổ chức, điều hành các nội dung hoạt động theo thiết kế đã chuẩn bị.
- Các thành viên trong Ban nội dung cần phối hợp linh hoạt, tạo ra những
tình huống sôi nổi, hấp dẫn, lôi cuốn được đông đảo học sinh tham gia.
- Người điều khiển chương trình cần phải năng động, sáng tạo, linh hoạt, có
kỹ năng khen, chê tích cực để thúc đẩy sự tham gia của tất cả học sinh và nhạy bén
xử lý những tình huống bất ngờ (nếu có).
b) Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp:
- Trong quá trình học sinh tổ chức hoạt động giáo viên cần theo dõi, ghi chép
đầy đủ quy trình tổ chức, nội dung, hình thức và tinh thần thái độ tham gia của học
sinh.
- Cố vấn cho Ban nội dung xử lý những tình huống bất ngờ (nếu có).
3. Sau khi tổ chức xong tiết hoạt động giáo dục NGLL:
- Giáo viên nhận xét trước lớp về công tác chuẩn bị, tinh thần, thái độ tham
gia của học sinh cả lớp.
- Họp lại Ban nội dung để góp ý và rút kinh nghiệm trong việc tổ chức các
hoạt động tiếp theo (lưu ý: giáo viên cần nêu ra những tồn tại hạn chế nhưng bằng
phương pháp khen – chê tích cực, trách trường hợp kiểm điểm học sinh làm cho
học sinh mất hứng thú khi tham gia các hoạt động tiếp theo).
- Phân công chuẩn bị cho tiết học NGLL tuần sau.
III. Kết quả ban đầu:
Phương pháp dạy học tích cực trong môn hoạt động giáo dục NGLL (trò
thiết kế, trò thi công, giáo viên đóng vai trò cố vấn) đã được nhà trường triển khai
thực hiện trong những năm gần đây, sau khi triển khai thực hiện đã đạt được những
kết quả ban đầu như sau:
- Tạo không khí lớp học sôi nổi, học sinh hứng thú, rèn luyện được kỹ năng
giao tiếp, ứng xử, kỹ năng tư duy sáng tạo cho học sinh. Phần lớn các em có tính
gan dạ, không nhút nhát trước đông người, tự tin trong công việc và trong học tập,
một số em mạnh dạn trao đổi với thầy cô giáo giảng dạy trên lớp khi những kiến
thức đó mình chưa hiểu hoặc tham gia tốt các trò chơi, các hoạt động văn nghệ,
giao lưu…
- Rèn luyện kỹ năng thủ lĩnh, điều hành. Nhiều em biết tự thiết kế và tổ chức
tốt một hoạt động như 1 tiết ngoài giờ lên lớp, chào cờ, hoạt động uỷ ban học sinh
hoặc hội thi “Trạng nguyên nhỏ tuổi”….
- Phát huy được tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý thức tổ chức kỷ luật
trong học sinh, tinh thần tự quản trong học tập tốt, tạo mối quan hệ thân thiện trong
tập thể, giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên.
- Qua mỗi hoạt động rèn luyện cho các em được kỹ năng tự khám phá, tìm ra
những nội dung, hình thức sinh hoạt phong phú, cách xử lý những tình huống nhằm
nâng cao kiến thức các môn học, BGH và giáo viên phát hiện được những học sinh
năng khiếu để phát huy và bồi dưỡng.
IV. Kết luận:
Tóm lại, việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực theo hướng “Trò thiết
kế, trò thi công, giáo viên đóng vai trò cố vấn” trong tổ chức tiết hoạt động giáo
dục NGLL là phương pháp đổi mới có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với
hoạt động tự giáo dục, tự rèn luyện của học sinh vì nó giúp cho học sinh khả năng
tư duy sáng tạo, khám phá tốt có thể lĩnh hội được nhiều kiến thức trong học tập và
trong xã hội, đồng thời cũng rèn ruyện cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng giao
tiếp ứng xử, tự tin, nêu cao tinh thần tập thể, khả năng liên kết giữa các lực lượng
giáo dục cao.
- Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này cần phải hợp lý thì mới đem lại
hiệu quả cao. Muốn vậy, giáo viên phải nhiệt tình và tâm huyết với bộ môn, phải
làm tốt những công việc chuẩn bị, thường xuyên quan tâm theo dõi, đôn đốc, nhắc
nhở học sinh và kiểm tra chu đáo, đồng thời qua mỗi hoạt động giáo viên cần phải
có rút kinh nghiệm cho học sinh để các tiết học tiếp theo tổ chức đạt hiệu quả tốt
hơn.
Trên đây là ý kiến chủ quan của tổ giáo viên chủ nhiệm trường THCS
Nguyễn Văn Trỗi về việc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy học môn hoạt
động GDNGLL theo phương pháp tích cực “Trò thiết kế, trò thi công, giáo viên
đóng vai trò cố vấn”. Rất mong sự đóng góp ý kiến của quý thầy cô giáo.
NGƯỜI THỰC HIỆN
TỔ GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM
TRƯỜNG THCS NGUYỄN VĂN TRỖI
DUYỆT CỦA BGH