Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

BIỂU HIỆN của THƠ TRỮ TÌNH điệu nói TRONG SÁNG tác của XUÂN DIỆU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (158.02 KB, 12 trang )

BIỂU HIỆN CỦA THƠ TRỮ TÌNH ĐIỆU NÓI
TRONG SÁNG TÁC CỦA XUÂN DIỆU
Giáo viên: Bùi Thị Hoàng Yến
Tổ Ngữ văn - Trường PTTH Chuyên Vĩnh Phúc
Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc
I, Giới thuyết:
1, Khái niệm:
Thơ trữ tình “là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống,
thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ
hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu” (1). Thơ là hình
thái văn học đầu tiên của loài người. Qua quá trình phát triển, thơ có
những biến đổi cả về nội dung phản ánh lẫn hình thức thể hiện.
Trong văn học trung đại , chủ yếu là thơ Đường luật, với đặc
điểm xuyên suốt là thơ trữ tình điệu ngâm. Theo từ điển Tiếng Việt,
“ngâm’ có nghĩa là:
1, Đọc hoặc hát với giọng ngâm nga diễn cảm nhưng một cách
tự do, không phải theo một khuôn nhịp cố định – ngâm thơ .
2, Làm thơ, ngâm thơ để thưởng thức, miêu tả, ca ngợi hoặc
biểu hiện tâm trạng nào đó – ngâm vịnh.
Như vậy, thơ điệu ngâm có thể hiểu là loại thơ kết hợp các thanh
âm, những hình ảnh nhịp điệu tạo thành ý nhạc có thể hát hoặc đọc
với giọng ngâm nga diễn cảm nhằm thể hiện cảm xúc mạnh mẽ của
con người.
Có thể thấy thơ điệu ngâm là loại thơ đặc trưng cho tư duy thơ cổ
điển – thơ luật Đường. Đặc điểm nổi bật của loại thơ này là ngôn
ngữ chọn lọc, gọt giũa, trau chuốt, các hình ảnh được gạn lọc đến
tinh xảo. cá câu thơ có tính chất khuôn mẫu, tuân thủ chặt chẽ niêm,
luật, vần, đối. Chúng được tinh giản đến mức tối đa, theo kiểu “ý tại
ngôn ngoại”, cho nên thiếu hẳn các từ ngữ đưa đẩy, không có từ
thừa. Mặt khác, trong thơ cổ điển các câu chữ cao sang, đài các, cho
nên không có vốn từ ngữ trong đờisốnghàngngày.


Thơ trữ tình điệu nói là thuật ngữ được GS-TS Trần Đình Sử sử
dụng đầu tiên. Khác với thơ điệu ngâm, thơ điệu nói thường đem lời
nói hàng ngày vào trong câu chữ. Theo đó thơ điệu nói có lớp ngôn
từ thuộc ngôn ngữ nói, như từ đệm, khẩu ngữ, quan hệ từ; câu thơ tợ
do phù hợp với nội dung biểu đạt, có thể vắt dòng theo cảm xúc của
người nói.

1


Tóm lại, về đặc trưng thơ điệu nói được phân biệt với thơ điệu
ngâm ở các đặc điểm sau:
+ Về ngôi thứ: trong thơ điệu nói thường có lời tự xưng của
chủ thể - chủ thể xưng trực tiếp “tôi”, “ta”… như lời nói hàng ngày.
+ Về từ ngữ: Thơ điệu nói đưa lời nói hàng ngày vào trong
thơ. Vì vậy trong thơ có các kiểu khẩu ngữ như quan hệ từ, thán từ,
phụ từ, các hô ngữ….
+ Về câu thơ: Câu thơ được viết tự do theo cảm xúc nên có
hiện tượng câu thơ vắt dòng, có khi còn kéo dài thành câu thơ vắt
đoạn. Câu thơ có sự ngắt nhịp linh hoạt, dấu câu được sử dụng đa
dạng, các kiểu câu phong phú….
+ Về thể thơ: Sử dụng các thể thơ mới lạ như 8 chữ, 4 chữ, thơ
tự do….
2, Nguyên nhân của hiện tượng thơ trữ tình điệu nói:
Trước hết, cần phải hiểu tại sao thơ truyền thống lại là thơ điệu
ngâm? Do quan niệm truyền thống về vũ trụ, người xưa xem thơ
như là sự tự biểu hiện của thế giới qua tâm hồn nhà thơ, tình rung
động mà thành lời, Ngô Thế Lân ví tâm hồn con người như cây trúc
– hư tâm (ruột rỗng không), gió cuộc đời làm trúc lay động mà lên
tiếng: “Gió đến thì trúc kêu, gió qua thì trúc lặng… Thế là tiếng kêu

tại gió chứ không phải tại trúc”. Quan niệm này tuy nhấn mạnh
nguồn gốc khách quan nhưng chưa thấy được vai trò năng động,
sáng tạo của chủ quan nhà thơ. Từ quan niệm đó, thơ không được
coi như phát ngôn hay như lời nói mà được xem như biểu hiện của
tạo hóa, đứng cùng dãy với gấm hoa, với chim kêu, vượn hót. Làm
thơ là sự kí thác, gửi gắm nên khác với nguyên tắc giao tiếp trực
tiếp. Thơ cổ điển là thơ nói chí chứ không phải bày tỏ cảm xúc nên
thường phản ánh cái Ta khái quát. Từ đó tư duy thơ không được
quan niệm là sự phát triển tự do của trí tưởng tượng phóng túng mà
phải học tập theo khuôn phép cổ nhân: “Nếu muốn học làm thơ, tất
phải theo cổ nhân từng bước, lấy đấy làm khuôn mẫu, ra công mài
giũa hằng ngày tự nhiên phép luật và âm vận hợp thơ cổ”. Như vậy,
văn chương bắt nguồn từ thánh, lấy căn cứ thánh nhân nên không có
cái Tôi, không có sức sáng tạo riêng, cảm xúc của cái Tôi bị tiêu
biến, bị gò bó trong cái khung phép luật và âm vận.
Có thể thấy thơ điệu nói ra đời là một yêu cầu tất yếu của quá
trình hiện đại hóa văn học. Quá trình hiện đại hóa đã đưa văn học
thoát khỏi những quan điểm thẩm mỹ và hệ thống thi pháp của văn
học trung đại để hòa nhập vào quỹ đạo phát triển chung của văn học
thế giới. Về quan niệm thẩm mỹ, chức năng của văn học chuyển từ
2


“văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” sang khám phá, thể hiện thế giới
khách quan và đời sống phong phú phức tạp của mỗi cá nhân. Từ sự
ra đời của cái Tôi, con người được tách thành một thế giới độc lập.
Từ đó xuất hiện phạm trù chủ thể - khách thể - con người quan sát,
nhìn ngắm thế giới và lấy chính mình làm đối tượng soi ngắm. Con
người mới là con người của cảm xúc, con người của cái Tôi đòi hỏi
phải được thể hiện bản ngã một cách đầy đủ, toàn vẹn nhất. Cảm

xúc bắt đầu tràn vào trong thơ làm thay đổi tận gốc thi pháp – “Nội
dung chẳng phải là cái gì khác mà chính là sự chuyển hóa của hình
thức vào nội dung và hình thức chẳng gì khác hơn là sự chuyển hóa
nội dung vào hình thức” (1).Thơ điệu ngâm chuyển sang thơ điệu
nói. Đây là một quá trình thử nghiệm nhưng cũng là quá trình khẳng
định một cuộc cách mạng lớn trong thi ca Việt Nam. Sự thể hiện của
nó có mặt ở khắp các nhà thơ hiện đại, đậm nét là phong trào thơ
Mới mà Xuân Diệu là một đại biểu xuất sắc.
II, Biểu hiện của thơ trữ tình điệu nói trong sáng tác của
Xuân Diệu:
Nếu như Thế Lữ là lá cờ đầu của phong trào thơ Mới thì Xuân
Diệu là người đưa nó lên đến đỉnh cao – “Xuân Diệu là nhà thơ mới
nhất trong các nhà thơ Mới” (2). Bởi đến Xuân Diệu thì cái Tôi cá
nhân được biểu hiện một cách đầy đủ, toàn diện nhất. Xuân Diệu
phơi bày hết cõi lòng mình giữa nhân gian, chân thành bộc lộ những
nhu cầu, khát vọng phong phú của con tim. Có thể nói “Thơ Xuân
Diệu là nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ
này” (2). Cảm xúc thơ thay đổi khiến khuôn khổ thơ phải lung lay –
Xuân Diệu đã hoàn thành một cuộc cách mạng trong thi ca với
những cách tân thơ trữ tình điệu ngâm sang thơ trữ tình điệu nói.
1, Sự xuất hiện trực tiếp của chủ thể trữ tình:
Như đã nói ở trên, thơ Mới ra đời là sự khẳng định của cái Tôi cá
nhân. Với Xuân Diệu nhu cầu bộc lộ cái Tôi trở thành tất yếu của
dấu ấn chủ thể trong thơ. Luc này “Tôi” được khẳng định một cách
mạnh mẽ, ráo riết – “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”. Sự xuất hiện
của nó khiến thơ Xuân Diệu là thơ trữ tình điệu nói. Bởi lẽ với đại từ
nhân xưng ngôi thứ nhất có thể cho phép nhà thơ biểu hiện rõ ràng,
dứt khoát tư tưởng, tình cảm cá nhân. Khác với thơ cổ điển – “chưa
có ý thức tách bạch chủ thể - khách thể nhìn từ hai phía’ (3). Trong
khi đó, trong thơ Xuân Diệu cái Tôi xuất hiện như một tiếng nói của

chủ thể trước thế giới. Bởi vậy thơ là lời tự kể, lời bộc bạch của một
tâm hồn ham sống đến cuồng nhiệt:
“Tôi muốn tắt nắng đi
3


Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
(Vội Vàng)
Tần số xuất hiện của những từ khẳng định vai trò của chủ thể dày
đặc trong thơ Xuân Diệu. Trong 95 bài của hai tập “Thơ thơ” và
“Gửi hương cho gió” thì có đến 45 bài nhà thơ trực tiếp tự xưng:
Xưng “Tôi”:
“Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”
(Chiều)
Xưng “Ta”:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”
(Vội Vàng)
Xưng “Anh”:
“Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em”
(Tương tư chiều)
Có khi nhà thơ nhập vai để diễn tả nỗi niềm của chính bản thân
mình:
“Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy sương lạnh lẽo suốt xương da”
(Lời kỹ nữ)

Sự phong phú của lời tự xưng càng cho thấy lời thơ đã trở thành
công cụ giãi bày của người nói. Nhà thơ tự thể hiện mình một cách
đầy đủ, thành thật, do vậy kéo câu thơ từ lời của trời đất, của vũ trụ
mang đậm tính chất phi cá thể, siêu cảm giác xuống gần với lời nói
đời thường. Khác với các nhà thơ xưa không dám tự nói về mình,
cảm xúc luôn ở dạng trầm bình, kìm nén, thơ trữ tình điệu nói giúp
Xuân Diệu bộc lộ được những tình cảm mãnh liệt, đắm say nhất;
tâm hồn nhà thơ được rộng mở với trí tưởng tượng được tung hoành
để trở thành trung tâm của cảm hứng giãi bày. Cảm xúc giờ đây
được thể hiện một cách ồn ào, mãnh liệt nhất:
“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh
Anh nhớ em. Anh nhớ lắm! Em ơi!”
4


(Tương tư chiều)
“Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ
Phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần
Phải mặn nồng cho mãi mãi đem xuân”
(Phải nói)
Như vậy, lời tự xưng đã đem đến cho thơ Xuân Diệu sự gần gũi,
ấm áp, chân thành; nó cho phép chuyển câu thơ từ ý – tình sang lời –
giọng – điệu. Câu thơ được chủ thể hóa, cá thể hóa cao độ. Lừi nói
trong thơ trở nên đa giọng điệu hơn. Thơ ca chính là “cuốn nhật kí
của những xúc cảm, là tư liệu, là sự kiện, là chứng chỉ tâm hồn” (4).
Tất cả suy cho cùng là kết quả của sự tự ý thức cao độ của chủ thể
sáng tạo.
2, Từ ngữ:
“Thi ca là tinh hoa tối cao của ngôn ngữ” (5). Mỗi thời đại ngôn
ngữ thi ca lại có sự biến chuyển khác nhau. Ngôn ngữ thi ca cổ điển

bị gò bó, trói buộc trong một khuôn khổ nhất định. Ngôn ngữ thơ ca
hiện đại, nhất là từ thơ mới trở đi, đa dạng hơn, phong phú hơn. Để
tạo ngữ khí lời nói các nhà thơ đã sử dụng các từ ngữ trong lời nói
thường ngày.
Trước hết, trong thơ Xuân Diệu đã sử dụng rất nhiều các hư từ
như: thán từ, quan hệ từ, hô ngữ….. Thán từ là từ được Xuân Diệu
sử dụng rất thường xuyên. Dường như con người mang cảm xúc dạt
dào, đắm say nay đã không giấu nỗi mình và cũng không muốn giấu
mình, cứ thành thật mà kêu lên, mà thốt lên những tiếng đam mê.
Khảo sát trên 95 bài thơ của Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám,
ông đã 127 lần sử dụng thán từ. Có những thán từ thường gặp: ôi,
than ôi, ồ:
“Đôi mắt người yêu, ôi! vực thẳm
Ôi trời xa, vừng trán của người yêu”
(Xa cách)
Và cả những thán từ sinh động, mới lạ mang hơi thở của ngôn
ngữ đời sống: Ờ nhỉ, đấy, lắm, quá, thế, mà thôi…:
“Ờ nhỉ sao hoa hoa lại phải rơi
Đã xa sao lại hứa yêu hoài”
(Ý thu)
“Thôi hết rồi còn chi nữa đâu em
Thôi hết rồi gió gác với trăng thềm”
“Tôi biết lắm! Trời ơi! Tôi biết lắm!
Để lại nhóm cho cháy lên ngọn lửa
Tưởng gần tan – yêu? Yêu nhau? Làm chi nữa?”
5


(Dối trá)
Cảm xúc cứ tuôn chảy đầu ngọn bút mà nhà thơ không phải lo

kìm nén nó lại như trước. Những thán từ cho phép nhà thơ bộc lộ
mình một cách đầy đủ và mãnh liệt.
Bên cạnh đó, Xuân Diệu sử dụng nhiều hô ngữ trong thơ, khiến
cho câu thơ mang đậm hình thức điệu nói – “sự xuất hiện các hô
ngữ tạo nên khí vị đối thoại – giãi bày của lời thơ” (4). Các hô ngữ
trong thơ Xuân Diệu có thể là kiểu lời gọi – “ơi’, “hỡi”…. hoặc các
kiểu lời mệnh lệnh – “phải”, “hãy”, “chớ”….. Lời gọi, lời mệnh
lệnh hướng tới các đối tượng hết sức phong phú:
Đó là “khách”:
“Khách ngồi lại cùng em thêm chốc nữa
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi!”
(Lời kỹ nữ)
Đó là “nhan sắc”:
“Ngày trong lắm, lá hoa em đẹp quá
Nhan sắc ơi! cây cỏ chói đầy sao”
(Mời yêu)
Đó là “thanh niên”:
“Thanh niên ơi! Người đang ở cùng ta
Rộn tiếng mùa và thay đổi cười hoa”
(Thanh niên)
Đó là “xuân”:
“Bình minh quá, mỗi khi tình lạc hướng
Xuân ơi xuân, vĩnh viễn giữa lòng ta”
(Xuân không mùa)
Dường như Xuân Diệu muốn khách thể hóa mọi đối tượng tên
cõi đời để biến tất cả thành những người bạn tri âm, tri kỷ. Đó chính
là biểu hiện cao độ của khát khao giao cảm với đời, tình tự với
người.
Các quan hệ từ cũng là một dấu ấn độc đáo của ngôn ngữ thơ
Xuân Diệu. So với thi ca cổ điển thì đây là một bước tiến dài. Với

yêu cầu về độ hàm súc, cô đọng, thơ cổ cấm kị những yếu tố dư
thừa. Ngược lại, Xuân Diệu lại sử dụng thoải mái các quan hệ từ:
thì, là, mà, với, và, nếu, nhưng…….Những hư từ này đứng ở nhiều
vị trí trong câu thơ tùy theo ngữ khí của lời nói; có khi hư từ đứng ở
đầu dòng thơ:
“Là thi sỹ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”.
6


(Cảm xúc)
Có khi ở giữa dòng:
“Ngừng hơi thở lại xem trong ấy
Hiển hiện hoa và phảng phất hương”
(Huyền diệu)
Có khi đứng cuối để vừa nối câu thơ vừa tạo vần:
“Yêu ngẩn ngơ rồi đau xót xa
Số anh là khổ, phận anh là’
Suốt đời nuốt lệ vào trong ngực
Đem ái tình dâng kẻ phụ ta”
(Muộn màng)
“Để liên từ cuối dòng thơ kiêm chức năng tạo vần như thế chứng
tỏ nhà thơ vừa tôn trọng kết cấu lôgic của lời nói thường vừa tìm
cách đa dạng hóa chức năng của từ. Hiện tượng này thể hiện mối
quan hệ sinh động, kết hợp giữa khuynh hướng dân chủ hóa và
khuynh hướng thẩm mỹ hóa lời thơ trong sáng tạo của các nhà thơ
lãng mạn” (4)
Tóm lại, từ ngữ mà nhà thơ Xuân Diệu sử dụng rất độc đáo,
mang đậm dấu ấn cá nhân và cá tính sáng tạo. Việc đưa vào thơ
ngôn ngữ nói thường ngày một cách thẩm mỹ chứng tỏ hướng đi

đúng đắn của các nhà thơ Mới nói chung và của Xuân Diệu nói
riêng nhằm đẩy nhanh thơ ca theo hướng hiện đại hóa.
3, Câu thơ:
Như trên đã giới thiệu, thành tựu lớn nhất của thơ Mới là tạo
dáng lại cho câu thơ. Câu thơ cổ là câu thơ độc lập, bài thơ cũng là
một kết cấu hoàn chỉnh – “bài thơ được dán “niêm” lại thành một
vòng khép kín như cái lẽ “chu nhi dịch thủy” (đi vòng mà trở về
điểm xuất phát) của Dịch đạo” (6). Ngược lại, thơ Mới đã xây dựng
cấu trúc thơ hiện đại – câu thơ vắt dòng, câu thơ tự do – “thơ đang
vận động về phía tự do. Các nhà thơ đã sử dụng câu thơ nhiều
dòng, những câu thơ nhiều âm tiết, họ ngày càng thờ ơ với dấu ngắt
cuối dòng” (7).
Nhạy cảm với những dấu hiệu cách tân, Xuân Diệu đã tích cực
tạo dáng lại cho câu thơ của mình, đem lại cho nó một cấu trúc mở.
Nghĩa là câu thơ mất tính độc lập, ý thơ từ câu trên tràn xuống câu
dưới. Cảm xúc của Xuân Diệu luôn bồng bột, sôi nổi, nhiều lúc
không kìm hãm nên nhà thơ không muốn ngắt câu thơ, dừng cảm
xúc! Ông để cho các đơn vị từ ngữ liên kết nhau tạo thành một dòng
chảy liên tục:
“Và non nước, và mây, và cỏ rạng
7


Cho chuyếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh
sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi…”
(Vội vàng)
Hay thậm chí là từ khổ trên tràn xuống khổ dưới:
“Một tối bầu trời đắm sắc mây
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy

Hoa nghiêng xuống cỏ.Trong khi cỏ
Nghiêng xuống vườn cây một lối đầy
Những lời huyền bí tỏa lên trăng
Những ý bao la rủ xuống trần
Những tiếng ân tình hoa bảo gió
Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân”
()
Và ngược lại, cũng có những câu thơ bị chia làm hai, có khi làm
ba câu độc lập:
“Tôi ôm ngực thử tìm xem biên giới
Của sầu tủi. Nhưng hỡi người yêu hỡi
Nó mênh mông, vô ảnh bủa vây tôi”
(Dối trá)
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
(Vội vàng)
Cách ngắt câu, vắt dòng như vậy là sự tự thể hiện của câu thơ
điệu nói, phân biệt với câu thơ độc lập của thơ trữ tình điệu ngâm.
Có thể thấy ở Xuân Diệu, câu thơ có sự biến đổi mạnh mẽ khác
thường – “dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo con đường
có sẵn. Ý văn xô đẩy, khuôn khổ câu thơ phải lung lay” (2). Phải
khẳng định rằng câu thơ của Xuân Diệu không chỉ lung lay mà thực
sự đã phá bung hàng rào thơ cũ mà vẫn giữ được tính nhịp nhàng,
hài hòa bên trong của lời thơ nhờ cách ngắt nhịp linh hoạt.
Nhịp trong thơ là sự phân bố và lặp đi lặp lại cách quãng đều đặn
các đơn vị ngôn ngữ nhằm chống lại sự đơn điệu, đơn nhất. Nhịp có
thể dài hoặc ngắn, nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào nội dung tình ý
cần diễn tả. Thơ cũ giữ nguyên nhịp 4/3 trong câu thơ thất ngôn và
2/3 trong câu ngũ ngôn… Thơ Xuân Diệu thì tùy theo mạch đập của
tình cảm mà tạo ra nhịp điệu linh hoạt. Nếu là sự tiếc nuối xa xăm

hay tâm trạng buồn bã cô đơn không nơi bấu víu, không người tri kỷ

8


thì nhịp thơ như tiếng thở dài, tiết điệu được kéo dãn tương ứng với
sự trôi nổi của lòng người:
“Không gì buồn bằng những buổi chiều êm
Mà ánh sáng điều hòa cùng bóng tối”
(Tương tư chiều)
Ngược lại khi tình cảm đổ vỡ, chia lìa nhịp thơ bị cắt vụn ra gãy
khúc, đứt đoạn, lời thơ như tiếng nói nghẹn ngào, tiếng nức nở đau
đớn. Âm hưởng lời nói cũng tràn vào câu thơ:
“Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em!
Thôi hết rồi! gió gác với trăng thềm”
(Tương tư chiều)
“Tôi biết lắm! Trời ơi! Tôi biết lắm!”
(Dối trá)
Nhịp thơ dồn dập khi nhà thơ muốn khuấy động một nhịp sống
vội vàng, hối hả. Lời thơ trở thành một khẩu hiệu, một lời giục giã:
“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi”
(Hết ngày hết tháng)
Ngay cả câu lục bát – một thể thơ vốn chuộng sự mềm mại, Xuân
Diệu cũng bắt nó phải chuyển động theo nhịp sống, theo nhịp điệu
của khẩu ngữ đời thường:
“Đi mau. Trốn rét. Trốn màu
Trốn hơi! Trốn tiếng! Trốn nhau! Trốn mình”
(Cặp hài vạn dặm)
Cách ngắt nhịp này đã đem đến cho thơ Xuân Diệu một nét giọng

điệu đặc trưng đó là tính chất cuồng nhiệt, sôi nổi, đắm say.
4, Thể thơ:
Thi ca hiện đại vừa kế tục vừa phát triển nhiều thể loại của thi ca
truyền thống. Trong phong trào thơ Mới, người ta thử nghiệm nhiều
loại thơ khác nhau. Với Xuân Diệu, ông thể nghiệm trên nhiều thể
loại: 4 chữ (2/95 bài), 5 chữ (5/95 bài), 7 chữ (47/95 bài), 8 chữ
(30/95 bài), lục bát (7/ 95 bài), hợp thể (4/95 bài). Sở dĩ như vậy là
bởi người ta cảm tháy ngột ngạt trong cái vòng cổ điển. Ông Phan
Khôi phàn nàn: “lâu nay mỗi khi có hứng, tôi toàn giở ra ngâm vịnh
thì cái hồn thơ của tôi nó như lúng túng, chẳng khác gì cái thân tôi
là lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông
Tô choán trong đầu rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà huyện
Thanh Quan đè ngang ngực tôi làm cho tôi thở không ra’ (Dẫn theo
2). Lời nói chân thành của ông đã được Hoài Thanh nhiệt tình bênh
vực – “nguyện vọng của họ (Phan Khôi và các nhà thơ Mới rất
9


chính đáng )” (2) và họ tìm đến với nhiều thể thơ hiện đại để làm
“một cuộc thí nghiệm táo bạo” chưa từng thấy.
Xuân Diệu chủ yếu làm thơ 7 chữ, 8 chữ. Đây chính là hai thể
chính thức của thơ Mới. Đối với thể thơ 7 chữ có nguồn gốc từ thơ
truyền thống đã được Xuân Diệu cách tân bằng cách đưa lối nói vào
trong thơ:
“Hết ngày, hết tháng, hết! Em ôi!
Kinh hãi không gian quặn tiếng còi”
(Hết ngày hết tháng)
“Đàn buồn đàn lặng, ôi! đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”
(Nguyệt cầm)

Đối với thể thơ 8 chữ, Xuân Diệu đã dưa nó lên đỉnh cao. Cũng
lối nói thường ngày nhưng Xuân Diệu phát huy sức mạnh của nhịp,
lại chú ý thanh điệu nên câu thơ thật nhuần nhị, trong sáng:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa”
(Vội vàng)
Đối với loại thơ hợp thể, Xuân Diệu làm không nhiều, chỉ có 4
bài, mỗi bài chỉ có một đôi câu phá cách như “Vội Vàng”, “Thở
than”, “Tương tư chiều”, “Khi chiều giăng lưới”…. Những câu phá
cách tạo cho thơ Xuân Diệu mang đậm đà ngữ khí lời nói:
“Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chuyếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh
sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi….”
(Vội vàng)
Ở đây dễ thấy khuôn khổ câu thơ bị xô đẩy, dồn thúc bởi cảm
xúc. Cảm xúc dâng trào khiến câu thơ 8 chữ không bao chứa nổi.
dòng thác tuôn chảy để tạo ra câu thơ 9 chữ, 10 chữ nhưng nhịp điệu
thơ vẫn hài hòa khiến câu thơ đậm chất nhạc.
III, Kết luận:
Như vậy, quá trình phân tích ở trên đã cho chúng ta một cái nhìn
về một khía cạnh của thi pháp hiện đại – câu thơ trữ tình điệu nói.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rõ dạng trữ tình điệu nói trong thơ
một cách chính xác. Về bản chất, nó là việc tác giả đưa vào trong
10



thơ ngữ khí lời nói làm cho câu thơ gần với lối nói hàng ngày. Mục
đích là để thể hiện cái Tôi cá nhân độc đáo, sắc cạnh. Tuy nhiên điều
đó không có nghĩa là câu thơ giống hệt như lời nói thường. Lời nói
trong cuộc sống đi vào văn khác thơ. Trong văn, nó vẫn giữ nguyên
ngôn từ, trật tự - nghĩa là tính khẩu ngữ cao. Ngược lại, khi đi vào
trong thơ nó phải biến đổi hình thể, trật tự để có được nhạc điệu du
dương, lời thơ mềm mại. Bởi lẽ thơ vốn là cảm xúc, thơ biểu hiện
cảm xúc của cá nhân đồng thời cũng khơi gợi cảm xúc ở người đọc.
Muốn vậy thơ phải đi vào lòng người bởi giai điệu mang tính xúc
cảm – “thơ đi giữa nhạc và ý”. Do vậy đánh giá tài năng nhà thơ
trong việc vận dụng lời nói vào sáng tấc là ở chỗ người làm thơ tạo
ra ngữ điệu nói như thế nào, có đảm bảo được hai yêu cầu là thể
hiện ý tứ đi cùng với nhạc điệu hay không. Đây chính là định hướng
để khảo nghiệm và đánh giá tài năng thơ Xuân Diệu.
Trong suốt quá trình sáng tác của mình Xuân Diệu đã góp phần
hoàn chỉnh một cuộc cách mạng trong thi ca mà các bậc đàn anh đã
khởi xướng. Và một thành tựu quan trọng nhất là ông đã đưa câu thơ
từ trữ tình điệu nói sang trữ tình điệu ngâm. Điều này đã giúp Xuân
Diệu bộc lộ mình một cách chân thực, không bị gò bó trong khuôn
khổ chật hẹp của thơ cũ. Những cách tân về các mặt từ ngữ, câu thơ,
thể điệu. .. cho phép ông đưa ngữ khí lời nói vào trong câu chữ. Và
đó là lời nói của cảm xúc, của con tim yêu đời thiêt tha và cuồng
nhiệt, muốn tận hưởng hết những phần ngon nhất của cuộc đời –
tuổi trẻ và tình yêu.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1, Lí luận văn học – Phương Lựu (chủ biên), NXB Đại học sư
phạm, 2008.
2, Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh – Hoài Chân – NXB Văn
học, 1995.

3, Những thế giới nghệ thuật thơ – Trần Đình Sử - NXB GD,
1995
4, Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu – Lê Quang Hưng.
5, Mấy vấn đề thi pháp thơ hiện đại – Trần Đình Sử.
6, Thi pháp thơ Đường – Nguyễn Thị Bích Hải - NXB Thuận
Hóa, Huế, 2006.
7, Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam –Nguyễn Bá
Thành – NXB Văn học, 1996.

11


12



×