Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Những nét độc đáo trong Thuốc của Lỗ Tấn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (84.43 KB, 8 trang )

Trong di sản văn học của Lỗ Tấn, Thuốc là truyện ngắn đặc biệt và luôn giữ một vị trí quan
trọng, độc đáo trong cách thức kết cấu, tổ chức không gian, bố trí nhân vật và tái hiện nhân
vật.
Với kết cấu bốn phần, mạch lạc tạo ra cảm giác kết cấu khai - thừa - luận - kết hay khai - thừa
- chuyển - hợp tương tự như kết cấu của một bài thơ cổ điển, được đánh số thứ tự từ I đến IV,
câu chuyện mang tiêu đề vừa thực vừa biểu trưng – Thuốc - được chia thành hai không gian
rất đặc trưng gắn với nhan đề tác phẩm: không gian quán trà nhà lão Hoa với ba phần và
không gian nghĩa địa với phần còn lại mà độ dài không kém ba phần kia là bao.
Phần khai truyện, tương ứng với phần khai đề của một bài thơ cổ điển, được mở ra từ không
gian thứ nhất bằng một buổi sáng sớm, chưa sáng hẳn song cũng đã chuyển sang một ngày
mới với nội dung chính là mua thuốc. Đó là “một đêm thu gần về sáng, trăng lặn rồi, nhưng
mặt trời chưa mọc”. Bóng tối bao trùm lên không gian ấy, trời không trăng cũng chẳng có sao
nên “ngoài những giống đi ăn đêm, còn thì ngủ say cả ”. Để xua đi cái bóng tối ấy, lão Hoa, chủ
nhân của ngôi nhà vừa để ở vừa để bán hàng, đã “ đánh diêm, thắp cái đèn nhầy nhụa những
dầu là dầu” để tạo ra một thứ ánh sáng “trắng xanh sáng khắp hai gian quán trà”. Ánh sáng ấy
không làm cho ngôi nhà ấm lên, hay sáng thêm mà chỉ làm cho nó chìm ngập sâu hơn vào
bóng tối đang phủ dày xung quanh, khiến sự trầm lắng có chiều sâu và hoàn cảnh buồn bã thê
thảm hơn. Ánh sáng ấy cũng mang tính chất khác thường. Đã thế sau khi thắp ngọn đèn lồng,
lão Hoa lại “tắt ngọn đèn con”, tắt luôn thứ “ánh sáng trắng xanh” đầy vẻ ma quái, hăm dọa
ấy. Cảm giác về bóng tối bao trùm lại hiện ra khi lão bước ra “ ngoài đường, trời tối om và hết
sức vắng”. Trong bóng tối ấy, lão đi vừa với tràn trề hi vọng, vừa nơm nớp lo cho gói bạc cồm
cộm trong túi. Lão đi đến nơi sẽ có phương thuốc diệu kì chữa bệnh cho con lão, phương thuốc
được truyền khẩu trong dân gian song không phải ai cũng biết, kể cả lão Hoa.
Sự dịch chuyển thời gian được đánh dấu bằng: “Trời cũng sáng dần và đường cũng càng lâu
càng rõ” và lão cũng đến được nơi lão cần đến: một ngã ba đường nơi có “ một cửa hiệu còn
đóng kín mít”. Tại đó, như một người lạc đường vào một xứ sở mới, lão “ngước đầu nhìn xung
quanh” và “thấy bao nhiêu người kì dị hết sức, cứ hai ba người một, đi đi lại lại như những
bóng ma. Nhưng nhìn kĩ thì lại chẳng lấy gì làm quái lạ nữa ”. Đúng là lão đang rơi vào trạng
thái trông gà hóa cuốc, thần hồn nát thần tính mà tất cả cũng chỉ vì phương thuốc mà nhà lão
đang rất cần để chữa bệnh cho con. Thứ ánh sáng ở đây tạo cho lão cái nhìn ảo giác, vừa thực
vừa hư mà cho dù không viết một lời bình nào nhưng tác giả cũng hé lộ cho ta thấy trạng thái


tâm lí lưỡng phân của lão Hoa. Nếu có ai đó nhìn lão thì cũng nhìn bằng “ ánh mắt cú vọ ngời
lên, như người đói lâu ngày thấy cơm” hoặc nhìn lão với đôi mắt “sắc như hai lưỡi dao chọc
thẳng vào lão”. Những cặp mắt ấy cùng với những cái nhìn kia gia tăng sức nặng cho phương
thuốc “đặc biệt lắm”, đó là “một chiếc bánh bao nhuốm máu” mà lão nhìn rõ là “đỏ tươi, máu
còn nhỏ từng giọt từng giọt”. Tác giả kể một cách tuần tự, không vội vã, như thể đang theo
nhịp của từng giọt máu đang nhỏ xuống. Màu đỏ của máu tương phản với sắc phục màu đen
của người bán bánh tạo ra ấn tượng hãi hùng, vừa huyền bí vừa mang sắc thái mỉa mai và đây
là hai màu sắc đặc trưng mà lão Hoa nhận ra cũng như tác giả nhấn mạnh cho độc giả biết.
Việc mua bán đã xong và lão đã có trong tay “cái gói bánh”, lão nâng niu nó như “nâng niu
đứa con của gia đình mười đời độc đinh”. Có “gói bánh ấy” lão hoàn thành trách nhiệm làm
cha, và lại cũng báo hiếu được cho tổ tiên, cứu cho dòng dõi nhà mình không dứt dòng tuyệt
giống theo triết lí của đạo Khổng. Hình ảnh mặt trời lại xuất hiện: “ Mặt trời đã mọc, chiếu sáng
con đường lớn đi về nhà lão, và cũng chiếu sáng cái biển mục nát trên cái nhà bia ở ngã ba


đường sau lưng lão, có đề bốn chữ thếp vàng đã nhạt màu Cổ… Đình Khẩu ”. Tác giả dường
như cố tình bỏ mất một chữ, song thực ra chỉ nhằm để chứng minh thêm rằng vầng dương
đang chiếu sáng kia cũng chỉ là vầng dương yếu ớt, không đủ để soi rọi cả bốn chữ mà chỉ đủ
chiếu sáng có ba.
Số lượng nhân vật trong truyện có thể nói là nhiều, song hiện hình rõ rệt chỉ có bốn. Trước hết
là vợ chồng lão Hoa chủ quán hiện ra chỉ với những động tác mà không có nét ngoại hình nào.
Hai vợ chồng rất kiệm lời, thể hiện sự nhất trí nhưng đầy băn khoăn nghi ngại mà cả vợ lẫn
chồng đều không dám nói ra. Vì thế khi cầm gói bạc để đi mua thuốc, tay lão Hoa cứ “ run run”,
và cả khi đưa tiền để lấy chiếc bánh bao đẫm máu người tay lão cũng “ run run”, khi gặp người
lạ thì lão “trố mắt lên”. Nhân vật Thuyên được giới thiệu bằng “một cơn ho” và lời dặn dò của
lão Hoa mà không hiện ra cụ thể, song qua cách giới thiệu như vậy độc giả đã nắm bắt được lí
do ra đi vào buổi tờ mờ sáng, khi còn chưa rõ mặt người, của lão Hoa với gói bạc dành dụm
được từ lâu. Cơn ho còn là động lực thúc đẩy lão Hoa phải đi, vừa tạo ra sự thấp thỏm đợi chờ
của bà Hoa. Một nhân vật khác được miêu tả qua bộ “áo quần đen ngòm”, song có khác hơn
một chút là hắn có cặp “mắt sắc như hai lưỡi dao” với cử chỉ và cách nói dứt khoát: “Này! Tiền

trao cháo múc, đưa đây!”. Nhân vật này hiện ra với cách thức của một kẻ đao phủ chuyên
nghiệp, lọc lõi chuyên buôn máu người chết. Hắn cũng chẳng nói nhiều và cũng biết chẳng cần
nói nhiều nhưng đã nói thì lời của hắn phải là mệnh lệnh.
Số nhân vật khác hiện dưới dạng các đám đông “tụm năm tụm ba” mà không thể biết số lượng
là bao. Ngoài ra, còn “mấy người lính” được phân biệt không phải qua tên người hay khuôn mặt
mà qua dấu hiệu quần áo có đính “miếng vải tròn màu trắng ở vạt áo trước và vạt áo sau”. Đây
là loại nhân vật được định danh bằng kí hiệu qui ước, song cũng thuộc loại nhân vật đám đông.
Tất cả họp thành một cái chợ đặc biệt. Kẻ bán, bán loại thuốc “ đặc biệt”, còn người mua tuy
ngại ngùng song không thể không mua. Cái vô giá của mặt hàng ấy không phải ở chất liệu
bánh mì làm nên chiếc bánh bao mà ở chỗ nó được tẩm máu phạm nhân chết chém. Người
phải chết đã chết rồi nhưng phần cơ thể của họ, hiện hình qua những giọt máu đỏ tươi còn rỏ
dài theo bước chân của kẻ bán, tạo nên một nghịch cảnh trớ trêu, đầy nước mắt. Số lượng
người đến mua không đếm được song không phải là ít ỏi dưới mức bình thường, càng cho thấy
rõ hơn nỗi đau của đám dân chúng cuồng tín mê muội mà tác giả ngầm gửi gắm trong câu
chuyện.
Con đường mà lão Hoa đi bắt đầu từ nhà lão và kết thúc tại ngã ba đường, nơi có “ ngôi nhà
còn đóng cửa kín mít” mà lão đã đứng chờ để mua phương thuốc thần diệu, nơi những người
“tụm năm tụm ba lúc nãy” “dồn lại một chỗ”, “xô nhào tới như nước thủy triều”, “quây lại thành
một nửa vòng tròn”. Con đường đưa lão trở về hiển nhiên cũng chính là con đường ấy, song
điều khác biệt là đám người “tụm năm tụm ba” kia, đám người “quây thành nửa vòng tròn” kia
đã biến mất từ lúc nào và thay vào đó chỉ là tấm bia có “ cái biển mục nát”, bốn chữ chỉ còn
ba.“đặc biệt”, nơi nuôi dưỡng niềm tin mù quáng và cuồng tín. Ngã ba đường là nơi người ta
phải chọn lựa, song sự chọn lựa của lão Hoa chỉ là quay về nhà với niềm tin vào chiếc bánh tẩm
máu người mang sức mạnh thần bí. Ngã ba đường này vừa thực lại vừa hư, một ngã ba đường
với cái nhà bia tưởng niệm với cái biển đề mục nát. Ngã ba đường kiểu này thường gắn với
hình tượng con đường vốn tiêu biểu cho tài năng và trí tuệ của Lỗ Tấn.
Phần thừa đề diễn ra ngay trong ngôi nhà - quán trà ấy mà ta có thể tóm gọn nội dung bằng
cụm từ dùng thuốc. Ánh sáng cũng không sáng hơn cho dù có “ngọn lửa đỏ sẫm bốc lên” từ
trong gian bếp, tuy nhiên với ánh sáng ấy cũng đủ để nhận ra “ trên đĩa có vật gì tròn tròn, đen
thui” qua màu đen của vỏ chiếc bánh bao bị “cháy sém” và “làn hơi trắng” bốc ra từ chiếc bánh

bị bẻ làm đôi, tiếp đó là ruột bánh bằng “bột mì trắng”. Hành động diễn ra ở đây không nhiều
nhưng đều được thể hiện một cách rất cẩn trọng, đầy xác tín. Hình ảnh “ thằng Thuyên đang
ngồi ăn cơm ở cái bàn dãy phía trong, mồ hôi trán nhỏ từng giọt to tướng, chiếc áo kép dính
vào sống lưng, hai xương vai gồ lên thành chữ “bát” in nổi” trong mở đầu đoạn II với cách thức
“Thuyên nghe tim mình đập mạnh không sao cầm nổi, đưa tay vuốt ngực” khi kết thúc phần II,


gợi ra cảm giác mong manh, vô nghĩa của phương thuốc “đặc biệt lắm” mà lão Hoa mua về.
Ngoài màu đen của vỏ chiếc bánh bị cháy sém và màu trắng của làn hơi bốc lên từ chiếc bánh
bị bẻ đôi mà làn hơi đó cũng mang lại cảm giác rợn người là màu chủ đạo, ở đây còn xuất hiện
mùi vị qua sự cảm nhận của nhân vật Năm Gù: “Thơm ghê quá”, song đó là “mùi thơm quái lạ
tràn ngập cả quán trà”, mùi thơm tỏa ra từ chiếc bánh bao tẩm máu người được bọc lá sen để
nướng. Cái “mùi thơm quái lạ” này càng tăng thêm ấn tượng cho phương thuốc đặc biệt, vừa
tạo ra niềm tin cho vợ chồng lão Hoa vừa đe dọa cảm thức tâm linh của họ.
Số lượng nhân vật ở đây cũng chỉ có bốn song vợ chồng lão Hoa chủ quán cũng chỉ được giới
thiệu qua các động tác, cử chỉ là chủ yếu, ngoại trừ hình ảnh “ bà Hoa từ trong bếp chạy ra,
giương to đôi mắt, đôi môi run run”. Còn thằng Thuyên đứa con còn lại của một gia đình “mười
đời độc đinh” được giới thiệu kĩ hơn. Trước hết là hình dáng với “hai xương vai gồ lên thành
chữ “bát” in nổi” cho thấy căn bệnh của nó đã vô phương cứu chữa và vì thế sự tuyệt vọng của
gia đình càng tăng hơn. Rồi các động tác ăn bánh của nó, ngoan ngoãn hiền lành, bảo ăn thì
ăn, bảo uống thì uống, bảo nằm thì nằm, không hề hé răng nửa lời bởi nó chẳng còn đủ sức
mà nói mà phô nữa, tới mức mới vừa nuốt khỏi cổ nó cũng quên tuốt luôn “ mùi vị” của cái
bánh mà nó vừa nhai nuốt, bởi lẽ nó cũng đã mất đi cảm giác ngon miệng, bởi bệnh đã trầm
trọng lắm rồi. Cách hành động của Thuyên được thể hiện rõ nhất lúc hắn cầm chiếc bánh:
“Thuyên cầm lấy vật đen thui, nhìn một lúc, có cảm giác rất lạ không biết thế nào mà nói, như
đang cầm tính mệnh của chính mình trong tay”. Cái “lạ” trở thành cảm giác chung được mọi
nhân vật nhận biết nhưng cả cha mẹ lẫn đứa con đều không nói cho nhau nửa lời về chuyện
đó. Cái “lạ” dường như chứa đựng một điều gì đó bí ẩn, khác thường, mà tuy nhận ra cái khác
thường ấy, khác thường bởi đó là chiếc bánh bao tẩm máu người, song cả lão Hoa lẫn bà Hoa
đều có cảm giác như là vật thiêng cứu mạng. Cách trả lời duy nhất của thằng Thuyên là “ ho”,

là những “cơn ho”. Cho nên khi thấy đứa con ăn có vẻ ngon lành thì hai ông bà cứ “ trố mắt
lên” như thể đang đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác hoặc giả cũng có thể quá đỗi lo sợ
vì đứa con đang ăn nhanh để mà chết chứ không phải để kéo dài cuộc sống thì cả hai đều
không thể nói ra lời nên đành phải “trố mắt” mà nhìn vậy. Hình ảnh “lão Hoa đứng một bên, bà
Hoa đứng một bên”, còn ở giữa là đứa con tạo ra cảm giác như thể hai người đó đang đứng hai
bên chiếc quan tài trong một đám tang. Cảnh tượng đó thật hãi hùng song có tính biểu tượng
rất lớn và kèm theo đó là nỗi đau tuyệt vọng, vừa của người đang sống mòn mỏi vô vọng lẫn
của cả người đang chết dần một cách tuyệt vọng. Tác giả khi miêu tả hai ông bà này cũng chỉ
đặc tả trạng thái bất bình thường của họ qua đôi mắt mà cụm từ được sử dụng nhiều nhất là
“trố mắt lên”, còn khi phải hành động thì luôn “run run”. Bà Hoa “run run” sợ chồng không mua
được thuốc, lão Hoa “run run” khi đón nhận chiếc bánh bao tẩm máu người từ tên đao phủ.
Hoàn cảnh mà cả hai bị đặt vào thật hết sức thương tâm.
Nhân vật thứ tư xuất hiện trong phần này là nhân vật có tên: “ cậu Năm Gù”- cái tên này trước
hết là một số thứ tự tạo ra ấn tượng về kiểu nhân vật vô danh, kiểu nhân vật mang kí hiệu qui
ước, kèm theo đặc điểm nhân dạng qua biểu hiện tật nguyền của con người đó: nhân vật bị
“gù”. Xét về bản chất, đây là loại nhân vật vô công rồi nghề, thể hiện ở chỗ: “ cậu ta ngày nào
cũng lê la ở cái quán này, thường đến sớm nhất mà cũng về muộn hơn ai hết”. Cái mà cậu ta
cảm nhận được là mùi vị bốc ra từ gian bếp. Cái mùi đối với vợ chồng lão Hoa là “ quái lạ” thì lại
được nhân vật cảm nhận thành mùi cơm rang: “ Thơm ghê nhỉ !”. Sự tật nguyền của cơ thể
chưa đủ, tác giả cho nhân vật này tật nguyền luôn cả khứu giác. Con người này, bao giờ cũng
đến sớm nhất và ra về muộn nhất, tại nơi mà một con bệnh đang hấp hối khiến cho không gian
ngôi nhà - quán trà trở thành không gian đầy tử khí, nơi đó sự sống đang dần bị mất đi, cái
chết đang lấn tới, bởi cái chết không chỉ hiện diện trong ngôi nhà - quán trà đó mà còn cả cái
chết được mua, mang từ ngoài về. Nhưng những con người đó không chỉ chết dần về mặt thể
xác mà điều quan trọng hơn là họ đang chết cả về tâm hồn lẫn trí tuệ.
Không gian ngôi nhà - quán trà ấy tiếp tục được mở ra trong phần III - phần luận đề hay
chuyển đề của câu chuyện, với số lượng người có vẻ tấp nập hơn, ồn ào hơn nhưng cũng buồn
bã hơn. Nội dung câu chuyện được bàn ở đây là công dụng của thứ thuốc “ đặc biệt” và nguồn
gốc của thứ thuốc ấy. Ánh sáng cũng không sáng hơn, chỉ đủ để phân biệt màu huyền trên
chiếc áo và chiếc thắt lưng của nhân vật Cả Khang. Ngoài cậu Năm Gù vốn đã ngồi sẵn từ lâu ở



đấy, xuất hiện thêm một người có “râu hoa râm”- nhân vật không có tên mà chỉ được định
danh bằng đặc điểm cơ thể - sẽ đóng vai người khơi mở ra câu chuyện được bàn ở đây.
Nhân vật Cả Khang với cái tên mang vẻ quyền uy kẻ cả trong làng, thể hiện luân lí tôn ti thứ
bậc của văn hóa Trung Hoa, được mọi người trong quán “cung kính”, được miêu tả qua trang
phục áo “không cài khuy”, “xộc xệch”, vào quán chẳng thèm chào hỏi đã nói “oang oang” như
thể trấn áp những người khác, với lối nói dồn dập chứa nhiều câu hỏi, với giọng điệu kể công,
ban ơn. Nhân vật này còn được miêu tả bằng một đặc điểm nhân dạng đặc biệt “ người mặt thịt
ngang phè”, khi nói thì “những thớ thịt trên mặt nổi từng cục” và cách nói cũng khác thường, kẻ
cả: “cứ giương cổ nói oang oang”. Nhân vật này bốn lần “cam đoan thế nào cũng khỏi” và một
lần khẳng định như đinh đóng cột “nhất định sẽ khỏi thôi mà”. Bởi theo lão thì sự hiệu nghiệm
của phương thuốc nằm ở chỗ nó còn “nóng hôi hổi”, “lấy về còn nóng hôi hổi” và “ăn cũng còn
nóng hôi hổi”, kèm theo đó là một sự so sánh thẳng thừng, không úp mở “bánh bao tẩm máu
người như thế, lao gì mà ăn chẳng khỏi”. Bí mật của phương thuốc “đặc biệt lắm” đã xuất đầu
lộ diện. Thằng Thuyên, người trực tiếp sử dụng thứ thuốc ấy, không nói không rằng, chỉ lấy
tiếng ho để minh họa. Nó phải “ho lên” để “phụ họa”, nó phải “hai tay ôm lấy ngực, ho lấy ho
để”, nó phải “thừa dịp ho cố mạng”. Còn động tác của nó thì “bước chậm rãi”, người thì “mồ
hôi ướt đầm, trên đầu hơi bốc phừng phừng”. Đặt hai nhân vật này trong quan hệ đối sánh thì
công dụng của thứ thuốc “đặc biệt” nổi bật lên mà tác giả cũng chẳng cần thêm lời bình luận.
Đồng thời cũng khu biệt được kiểu người Cả Khang. Điều này càng được khắc họa rõ hơn bằng
chính lời của hắn, khi trả lời câu hỏi của người “ râu hoa râm”.
Nhân vật người có “râu hoa râm”, là đại diện cho một tầng lớp xã hội đông đảo hiện diện trong
Thuốc và được đặt đối sánh với “anh chàng trạc hai mươi tuổi” để từ đó làm nổi bật khả năng
nhận thức cũng như để minh chứng cho sự u mê lầm lạc của lớp người như thế. Cùng loại với
nhân vật “râu hoa râm” này trước hết là ông bà Hoa, là lão Nghĩa “ đề lao” “mắt đỏ như mắt cá
chép” và hiển nhiên là cả lão Cả Khang. Nhân vật “râu hoa râm” tuy có nhận ra vẻ bất thường
trên nét mặt lão Hoa, nhưng cũng không phân định được là ông ta có ốm thật hay không, lại
còn đưa ra câu bình tán có vẻ thức thời nhưng lại không đúng đối tượng: “ đánh cái đồ ấy,
thương hại cái gì?” cho dù có biết “người bị chém hôm nay là người họ Hạ”. Đây là kiểu nhân

vật u u mê mê, muốn hiểu không được hiểu, muốn biết không được biết, kiểu người tự mình
mò mẫm tìm đường đi. Bởi thế dù nhân vật có đi tới khẳng định: “ Lão Nghĩa mà đáng thương
hại à?” thì vế tiếp theo của lời phát ngôn ấy: “Điên! Hắn điên thật rồi!” lại càng nhấn mạnh
thêm tính chất thức tỉnh qua việc “vỡ nhẽ” của con người này.
Cho dù được gọi kèm theo đại từ “bác” qua cửa miệng của bà Hoa song Cả Khang là kiểu người
cơ hội, vụ lợi, chuyên rình mò kiếm chác từ cái chết của người khác, coi thường mạng sống của
người khác: “Cái thằng nhãi con ấy không muốn sống nữa, thế thôi. Lần này tớ chẳng nước mẹ
gì. Đến cái áo nó cởi ra , cũng lão Nghĩa, cái lão đề lao, mắt đỏ như mắt cá chép ấy, lấy mất”.
Cái chết của Hạ Du dưới con mắt của lão Cả Khang thì đấy là một dịp may hiếm có mà “ may
nhất có thể nói là ông Hoa nhà này, thứ đến cụ Ba. Cụ ta được thưởng hai mươi lạng bạc trắng
xóa, một mình bỏ túi tất, chẳng mất cho ai một đồng kẽm!”. Ba lần Cả Khang nhấn mạnh với
ông Hoa và với những người đang có mặt ở đấy: “may phúc cho nhà ông”, “phúc nhà ông”,
“thằng Thuyên nhà ông may phúc thật” mà tất cả đều dồn tụ vào chỗ “đấy là nhờ tôi biết tin
sớm”. Quả là một tay săn lùng xác chết để kiếm lời điển hình của xã hội u mê và phần thưởng
mà hắn được hai ông bà chủ quán ngoài sự “cảm ơn hết lời” của bà Hoa, thì bà còn bỏ thêm
vào chén trà của hắn “một quả trám” như là một cách báo đáp ơn nghĩa theo cách của những
người nghèo khổ.
Hắn tán thưởng cách kiếm tiền nhanh chóng của cụ Ba: “ Cụ Ba đến là khôn! Giá cụ ta không
đem thằng cháu ra thú thì cả nhà mất đầu hết. Nay thì được bao nhiêu là bạc!”. Trong cách tán
thưởng ấy còn thấy rõ sự tiếc rẻ của hắn vì hắn chẳng có một cơ hội nào tương tự. Hắn gọi Hạ
Du bằng những từ ngữ ngạo mạn, khinh rẻ: “ thằng quỉ sứ”, “thằng nhãi con”, là “giặc”, coi
những người dưới tuổi hắn “chẳng ra cái thá gì hết”. Một mình Cả Khang “nói oang oang” độc
chiếm diễn đàn của cử tọa nơi quán trà ấy. Hắn vừa là người phân giải, vừa là kẻ phán quyết
phải trái theo cách của hắn hiểu và suy nghĩ hành động theo đúng cách nghĩ, cách hiểu ấy,


nghĩa là phải đem những người có quan điểm: “thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là của chúng
ta”, những người bênh vực cho lẽ phải, nộp cho chính quyền để lấy về, để được thưởng, chí ít
là “hai mươi lạng bạc trắng xóa”. Hắn thu lời bằng cách bán cả lương tâm và tình nghĩa và
chính là hậu duệ đích thực của cụ Ba mà hắn thường nhắc đi nhắc lại với một vẻ vừa đề cao

vừa ganh tị bởi hắn cũng chẳng hề thua kém. Hai lần hắn nói “ thật đáng thương hại” và hai lần
“đáng thương hại” tương hợp với bốn lần “cam đoan thế nào cũng khỏi” của hắn, cho thấy kiểu
người lầm lạc đang càng ngày càng chìm sâu vào trong mê muội cuồng tín, song càng ngày
càng gây ra tác hại lớn cho xã hội bởi lẽ hắn là “ kẻ cả trong làng”. Câu nói “Lần này tớ chẳng
nước mẹ gì” và “Nay thì được bao nhiêu là bạc!”cho thấy bản chất đích thực của hắn.
Nhân vật cậu Năm Gù xuất hiện ra ở đây như là kiểu người vừa có vẻ a dua vừa có nhận thức
nhất định. Đây là kiểu người ngoại lệ vì tật nguyền, trở thành vô công rồi nghề, bất lực trước
mọi việc ở đời nhưng cũng đủ khả năng để nhận biết mọi thứ mà trước hết là sự ốm yếu của
ông Hoa là bởi đứa con bệnh tật, nhận biết “lão Nghĩa là tay võ nghệ rất cừ”, và khi nghe xong
câu chuyện Cả Khang kể thì gật gù: “Điên thật rồi”. Cách xưng hô của tác giả ở đây cũng thể
hiện một sự trân trọng đối với con người tật nguyền nhưng có óc suy nghĩ và hiểu biết này.
Ông gọi nhân vật này bằng “cậu”.
Nhân vật “trạc hai mươi tuổi” không có danh tính, cũng không có đặc điểm ngoại hình nhưng
lại là biểu tượng cho một cách nghĩ khác, cho một thế hệ khác. Anh ta không đơn giản chỉ nghe
câu chuyện về cái chết của Hạ Du một chiều. Anh ta chỉ tán thưởng con người mà Cả Khang coi
là “nhãi con”, là “giặc” ấy khi được biết người tử tù ấy “nằm trong tù rồi mà còn dám rủ lão đề
lao làm giặc”. Anh ta cũng “vỡ nhẽ” khi được biết kẻ “đáng thương hại” chính là lão Nghĩa và
cũng đi tới khẳng định điều đó là:“Điên thật”.
Vấn đề tại sao khi nhắc tới câu nói của người tử tù coi lão Nghĩa là người “ đáng thương hại” thì
cả người có “râu hoa râm” lẫn cậu Năm Gù và anh chàng “trẻ tuổi” này đều nói là “điên”? Lão
Nghĩa tuy chỉ xuất hiện qua lời kể của Cả Khang song lại rất tiêu biểu cho loại người công cụ
trong xã hội ấy. Loại người này là công cụ sát nhân của các thế lực thống trị, chẳng biết phải
trái, lại càng không biết đến công lí là gì. Loại người công cụ ấy có tác hại rất lớn, lại càng
không thể giác ngộ, cũng không thể tự thức tỉnh. Loại người chìm đắm trong mê muội cuồng
tín, lầm đường lạc lối ấy quả là “đáng thương hại” thật. Nhưng hướng tới loại đối tượng ấy để
giác ngộ tuyên truyền mà người tử tù đã làm là không ổn. Huống hồ, cái áo mà người tử tù cởi
ra lão cũng nhanh chóng “lấy mất”. “Điên” ở đây đồng nghĩa với việc không đúng hướng,
không đúng đối tượng, do đó, dẫn tới sự “vỡ nhẽ” của nhiều người. Đây cũng chính là sự thức
tỉnh của người có “râu hoa râm”, của cậu Năm Gù và của anh chàng “trạc tuổi hai mươi”. Họ đã
có những suy nghĩ khác về cái chết của Hạ Du, về cái chết của con người mà máu của người đó

được biến thành thứ thuốc “đặc biệt” chữa bệnh lao trong xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ. Họ đã
nghĩ tới cái “đặc biệt” nhưng bất thường của loại thuốc đó. Và tuy không ai nói ra hay bàn tới
công dụng của thứ thuốc mà Cả Khang mách bảo cho ông bà Hoa song họ đều tỏ ra nghi ngờ
công dụng của nó và cũng thể hiện sự xót xa về cái chết của Hạ Du. Ánh sáng lương tri đã
được thắp lại và cho dù không gian ngôi nhà - quán trà không sáng thêm nhưng nhiều con
người có mặt ở đó đã bắt đầu sáng tâm sáng dạ. Công dụng của thứ thuốc “ đặc biệt” và cái
chết của Hạ Du được nối với nhau liền mạch và tạo ra một sự chuyển hóa mới về tâm tư, về
nhận thức. Câu chuyện được trao đổi ở phần III này do đó, đóng vai trò phần luận đề, bàn bạc,
mở rộng các ý nghĩa khác nhau, tạo ra sự chuyển hóa trong tiếp nhận như trong kết cấu của
một bài thơ cổ điển.
Vợ chồng lão Hoa, và thằng Thuyên, đứa con bệnh tật, niềm mong mỏi cuối cùng của gia đình
“mười đời độc đinh”, đóng vai trò làm nền cho câu chuyện diễn ra trong ngôi nhà - quán trà
của họ. Đây là các nhân vật tĩnh, nếu không nói là bất động trong bức tranh ấy, cho dù họ có
“đi đi lại lại”, “xách chiếc ấm đồng lớn” để “pha trà”. Âm thanh phát ra từ họ là tiếng ho của
thằng Thuyên. Ho, được hiểu, ngoài việc là biểu hiện của trạng thái bệnh tật, còn là một kiểu
phát ngôn không thành lời, thành câu thành chữ song có âm thanh mà ta có thể liên hệ với
tiếng ho của bà Elmire trong vở kịch Tartuffe của Molière, nhưng lại có sức mạnh đặc biệt, một
mặt vừa mỉa mai những lời “cam đoan nhất định khỏi” của lão Cả Khang, mặt khác vừa phủ


nhận công năng của loại thuốc “đặc biệt” đó. Tiếng ho của thằng Thuyên và giọng nói “oang
oang” của Cả Khang cứ đan xen lẫn nhau, tạo thành một hòa âm đau đớn, vang lên từ không
gian ngột ngạt đầy tử khí đó. Câu chuyện chỉ diễn ra trong chưa đầy một ngày, bắt đầu từ thời
điểm tờ mờ sáng và kết thúc sau đó vài giờ, song lại hàm chứa những tầng ý nghĩa sâu xa,
buộc người đọc phải nghiền ngẫm nghĩ suy về thuốc ở đây là gì? Có phải chỉ là thuốc chữa
bệnh thể xác đơn thuần hay là thuốc cần để chữa trị căn bệnh tinh thần, chữa trị vấn đề nhận
thức mà không chỉ có những người có “râu hoa râm” cậu Năm Gù hay anh chàng “trạc hai
mươi tuổi” kể cả Hạ Du nữa cũng đang cần đến ?
Phần IV đóng vai trò phần kết hay phần hợp của câu chuyện và được thay bằng một không
gian khác: không gian nghĩa địa. Nhân vật chính của bức tranh này là hai bà mẹ. Họ đều có

điểm chung là có con bị chết trẻ, họ cùng đến nghĩa địa để viếng con. Những người con của họ
đều được chôn tại “miếng đất dọc chân thành phía Tây vốn là đất công” . Điều khác biệt là
những đứa con ấy được chôn ở hai phía của nghĩa địa được ngăn cách bằng “ con đường mòn,
nhỏ hẹp, cong queo” do “những người hay đi tắt giẫm mãi mà thành”. Con đường tạo ra bởi
thói quen, bởi thành kiến ngự trị lâu ngày, thói quen ăn sâu thành nếp nghĩ trong đầu óc mọi
người, bởi thế con đường này không chỉ để đi mà con đường này còn là con đường của thành
kiến, được tạo ra bằng sự u mê, dẫn tới sự đối xử không bình thường, thành sự ngăn cách tự
nhiên, bất khả kháng của những con người trong xã hội ấy. Đứa con của bà Hoa được chôn ở
“phía tay phải” nơi dành cho “những người nghèo”, còn đứa con của bà Hạ thì chôn ở phía tay
trái, nơi dành cho “những người chết chém hoặc chết tù”. Con đường trở thành ranh giới ước
định giữa “dân” và “giặc”. Điểm nổi bật lên từ nghĩa địa này là “cả hai nơi, mộ dày khít, lớp này
lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ” mà từ đó toát lên ý nghĩa biểu trưng là các
nhà giàu, tức tầng lớp thống trị trong xã hội Trung Hoa thời đó, tồn tại trên sự hi sinh xương
máu của “dân” và của “giặc”, “dân” bị bóc lột, bị bần cùng hóa mà chết dần chết mòn trong đói
khổ, còn nếu chống đối thì bị qui là “giặc” và tất yếu là phải chết. Cả hai loại chết đều cùng vì
khổ đau, vì bị áp bức nhưng lại bị phân biệt đối xử rõ ràng qua hai nửa của nghĩa địa được
ngăn cách bằng con đường của thành kiến mê muội ấy. Điều đó thể hiện qua hình ảnh “ bà kia
ngập ngừng không dám bước tới nữa, sắc mặt xanh xao bỗng đỏ lên vì xấu hổ ”, bởi lẽ phần mộ
của con bà nằm bên phía dành cho người “chết tù hoặc chết chém” tuy “nấm mộ” của con bà
“với nấm mộ của thằng Thuyên nằm cùng một hàng, chỉ cách con đường mòn ở giữa ”.
Việc vượt qua ranh giới định kiến ấy mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng song để có điều
ấy thì phải có một biến cố. Đó là vòng hoa trên mộ Hạ Du, “ một vòng hoa, hoa hồng hoa trắng
xen lẫn nhau, nằm khoanh trên nấm mộ khum khum ”. Vòng hoa ấy đã làm cho bà Hạ “tay
chân hơi run lên, rồi loạng choạng lùi lại mấy bước, mắt trợn trừng ngơ ngác” mà nhìn thấy sự
việc đó bà Hoa “cầm lòng không đậu” đã “bước sang bên kia đường mòn”. Như vậy động lực
thúc đẩy bà Hoa vượt qua con đường ranh giới giữa những ngôi mộ của người chết nghèo với
những ngôi mộ của người chết chém chính là tình thương. Có thể bà Hoa không biết chiếc bánh
bao mà con bà đã ăn với hi vọng khỏi bệnh song điều đó không thành, đã được tẩm bằng máu
của chính Hạ Du, nhưng nếu bà có biết sự thật đó thì, trước hết, bà đau nỗi đau đồng cảm, nỗi
đau của những bà mẹ mất con, cho nên bà “sợ bà kia thương con quá” mà “phát điên”. Và rồi

cũng như bà Hạ, bà Hoa ngạc nhiên: “Cả hai bà, mắt mờ từ lâu rồi, nhưng nhìn những cánh
hoa trắng hoa hồng kia thì còn thấy rõ”. Để so sánh, “bà Hoa vội nhìn về phía mộ con mình và
những nấm mộ khác xung quanh, chỉ thấy vài nụ hoa không sợ lạnh, bé tí, trắng trắng, xanh
xanh”. Sự so sánh đó đã khiến bà ngạc nhiên và sự ngạc nhiên đó lại càng được tăng lên qua
phát ngôn của bà Hạ: “Hoa không có gốc, không phải dưới đất mọc lên! Ai đã đến đây? Trẻ
con không thể đến chơi. Bà con họ hàng nhất định là không ai đến rồi!... Thế này là thế nào ?
Rõ ràng vòng hoa ấy không phải ngẫu nhiên mà là vòng hoa có chủ và được đặt vào mộ Hạ Du
một cách có chủ ý. Song ai là chủ nhân của vòng hoa ấy thì cả hai bà đều không biết được và
bà Hạ chỉ luôn nghĩ đến nỗi oan khuất của con mình. Nỗi oan mà chính bà con họ hàng của bà
đã gây ra và càng không ai dám đến đó nữa để khỏi phải liên lụy. Bà cũng chưa nghĩ được xa
hơn đến những đồng đội, đồng chí của Hạ Du, tới những người cùng chí hướng với Hạ Du.
“Hoa không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng chỉnh tề ”,
trở thành biểu tượng của sự thống nhất ý chí, của sự đoàn kết, của một niềm tin mới được khơi


dậy. Khác với đám người “tụm năm tụm ba” tại ngã ba đường trên kia mà cũng chỉ xếp được
nửa vòng tròn thì ở đây vòng tròn đã rõ nét, đã liền khối, và cho dù chưa tròn lắm song cũng
đã định hình. Tất cả khơi gợi trong tâm trí bà Hạ một điều gì đó, một cảm thức nào đó khó tả.
Câu hỏi: “Thế là thế nào nhỉ?” cứ trăn đi trở lại trong lòng bà Hạ, song nó đã có định hướng
bằng một hình tượng đầy biểu trưng khác, đó là hình ảnh con quạ. Có thể bà Hoa cũng không
biết tên bà Hạ cũng như bà Hạ không biết tên bà Hoa. Sự gặp gỡ của họ chỉ là ngẫu nhiên vì
tiết thanh minh, theo truyền thống văn hóa Trung Hoa, ai cũng đi tảo mộ, thăm mộ. Nhưng tác
giả đã cố ý xếp đặt để cho họ gặp nhau vào thời điểm hợp lí đó và vào tiết thanh minh mùa
xuân, cho dù lúc ấy “trời vừa rạng” thì hơi ấm tình người của họ kết hợp với vòng hoa bất ngờ
trên mộ Hạ Du cũng sưởi ấm cho họ, khơi dậy cho họ một niềm tin vào một cái gì đó mới mẻ
mà họ cũng chưa biết được. Không gian ở đây cũng rộng lớn hơn và tuy vẫn phảng phất màu
sắc ảm đạm vì là nghĩa trang nhưng điều khác biệt là không gian này đã có thêm chiều cao
vươn tới, nó không còn bị giới hạn và ngột ngạt như không gian ngôi nhà - quán trọ. Tính chất
ảm đạm, thê lương của không gian nghĩa trang cũng được giảm bớt khi sự sống mới bắt đầu
trở lại, khi con người đã nhận ra được con đường tất yếu mà họ phải đi, khi tình người được nối

lại, khi khối đoàn kết dân tộc thống nhất được tạo ra.
Con quạ là một hình ảnh đặc biệt và có ý nghĩa biểu trưng trong phần kết truyện. Khi đang cố
nhìn ngó xung quanh để xem ai đã đến đặt vòng hoa lên mộ con bà thì bà Hạ chỉ nhìn thấy
“một con quạ đen đậu trên cành khô trụi lá”. Tiếng khóc của bà Hạ cất lên sau đó là lời kết án,
theo luật nhân quả báo ứng trong tâm thức của những người dân bình thường: “ chúng nó giết
con thì rồi chúng nó sẽ bị báo ứng thôi”. Con quạ trong văn hóa Trung Hoa có một ý nghĩa
khác với quan niệm dân gian của Việt Nam. Ở Việt Nam, con quạ là kẻ tham ăn, vì thế nó đã
phải mang bộ lông màu đen suốt đời, là biểu tượng của điềm dữ, thường gắn liền với những
bất hạnh của con người. Con quạ vốn là loài chim phổ biến ở các nước xứ lạnh. Trong văn hóa
Trung Hoa cũng như trong văn hóa Nhật Bản, con quạ là biểu tượng của “ đức hiếu thảo”(1),
cho nên lời cầu khẩn của bà Hạ: “Nếu hồn con quả thật đang ở đây nghe lời mẹ nói thì con ứng
vào con quạ kia, đến đậu vào nấm mộ con cho mẹ xem, con ơi!” cũng cho thấy quan niệm văn
hóa đặc biệt đó. Cho dù “con quạ vẫn đậu trên cành khô trụi lá, rụt cổ lại, im lìm như đúc bằng
sắt” thì trong cảm thức bà Hạ vẫn sống dậy một niềm tin. Ngoài ra, người Hán xem quạ như
một dấu hiệu thần kì để tái lập trật tự xã hội, người Nhật xem quạ là biểu tượng của tình cảm
gia đình. Đối với người Trung Hoa, quạ là con chim của mặt trời, là hiện thân của mặt trời, là
“kim ô” mà câu chuyện Hậu Nghệ bắn mặt trời luôn được truyền tụng đã cho thấy điều đó. Số
là thượng đế phái mười con quạ mang ánh sáng từ cây dâu của mặt trời đi khắp bốn phương
tám hướng, nhưng chúng thường tụ tập với nhau một chỗ khiến cho mặt đất nứt nẻ, bốc cháy.
Hậu Nghệ đã bắn chết chín con, chỉ còn một con sợ quá trốn biệt sau phải nhờ con gà cất tiếng
gáy để gọi về.
Hình ảnh hai bà già cùng đi về, bên nhau, có thể sóng đôi hoặc kẻ sau người trước, song đều
cùng về, tạo ra sự tiếp nối mà ghép tên của hai bà, Hoa và Hạ, thì sẽ có ngay tên gọi của
Trung Hoa hùng mạnh, thống nhất và thái bình cổ xưa: đất nước Hoa Hạ. Họ cùng bước trên
một con đường chung, con đường đó không có ngã ba nào. Kết hợp hình ảnh hai người cùng đi
ấy với hình ảnh con quạ cất lên một tiếng kêu “rất to”, rồi “xòe đôi cánh, nhún mình” và “vút
bay thẳng về phía chân trời xa”, “như một mũi tên” và gắn với kiểu thức tư duy của Trung Hoa
coi quạ là mặt trời thì con quạ bay lên đồng nghĩa với mặt trời đã mọc, là dấu hiệu của một trật
tự xã hội mới đã xuất hiện, thì ta sẽ thấy rõ hơn niềm tin của Lỗ Tấn vào tương lai, vào sự thức
tỉnh của những người dân vốn trước đây mê muội, đã từng sử dụng bánh bao tẩm máu người

để làm thuốc. Họ đã thức tỉnh, họ đã biết cùng sát cánh bên nhau. Con đường ngăn cách hai
loại người chết trong cùng một nghĩa địa không còn là ranh giới ngăn cách hai bà mẹ nữa.
Ranh giới ấy đã bị xóa nhòa. Vòng hoa trên mộ Hạ Du trở thành vòng hoa biểu trưng cho sự
chiến thắng, của tình người vốn bị cuồng tín, mê muội chia cắt nay đã lại nối liền thành một
khối thống nhất. Một sức mạnh mới đã hình thành. Phần IV mang lại cho độc giả những kết
luận quan trọng mà tác giả gửi gắm và gợi mở một tương lai, thắp sáng và thức tỉnh mọi người,
bằng sự hợp nhất những con người vốn bị chia rẽ.


Sức gợi của mạch văn ở đây là rất lớn mà nếu chỉ đọc bàng bạc lướt qua thì chắc hẳn sẽ bỏ rơi những giá
trị nhận thức cần thiết không chỉ để hiểu câu chuyện mà còn để hiểu thời đại mà câu chuyện đề cập tới
nữa. Đám người biến mất tăm mất dạng ở ngã ba đường, lão Hoa cũng chỉ đến ngã ba đường rồi quay lại.
Ngã ba đường nơi người ta bán bánh bao tẩm máu người, nơi người ta tận dụng cái chết để tạo thành
thuốc Câu chuyện nhẹ nhàng, không có xung đột gay cấn, song với cách thức tổ chức theo hệ
thống khai - thừa - luận – kết, khai – thừa – chuyển - hợp, đã tạo thành một cốt truyện hoàn
chỉnh, chặt chẽ, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, vừa đẹp về mặt kết cấu, tổ chức nghệ thuật, vừa
chuyển tải được một nội dung mang tính cách mạng cao. Câu chuyện được tái hiện trong hai
không gian khác nhau, mỗi không gian đều có những nét riêng, độc đáo, đều nhằm nhấn mạnh
một khía cạnh riêng của chủ đề. Câu chuyện diễn ra trong hai không gian đều có khung thời
gian được kể là một buổi sáng, tạo ra một kiểu trùng lặp nhằm nhấn mạnh sự thay đổi về nhận
thức của con người. Điều khác biệt là buổi sáng của không gian thứ nhất thuộc về mùa thu,
mùa của sự tàn tạ, héo hon, của sự buồn bã chia li, còn buổi sáng của không gian thứ hai gắn
với mùa xuân, mùa của sự sống trỗi dậy, mùa của sự sinh sôi nảy nở, cho dù trong không gian
thứ hai có hình ảnh cành cây khô trụi lá, nhưng “ những cây dương liễu” đã “đâm ra được
những mầm non bằng nửa hạt gạo”. Sự chuyển đổi các không gian theo mùa, do đó, cũng tạo
ra ý tưởng về sự phát triển đi lên, tạo ra niềm tin và khơi dậy niềm lạc quan tin tưởng, tạo ra
ấn tượng về sự thay đổi cuộc đời mang tính chất chu kì “bĩ cực thái lai” của truyền thống tâm
thức Trung Hoa. Vì thế Thuốc vẫn luôn là một trong những sáng tạo nghệ thuật tài ba của nhà
văn Lỗ Tấn. Thứ thuốc mà quần chúng nghèo khổ Trung Hoa cần có đã được chỉ ra. Đấy cũng
là thứ thuốc mà độc giả thu nhận được qua thông điệp nghệ thuật của nhà văn




×