Tải bản đầy đủ (.pdf) (101 trang)

Một số tư tưởng triết học ngôn ngữ của noam chomsky luận văn ths triết học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (827.72 KB, 101 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------------------------------------------------------------------------

VƢƠNG THỊ PHƢƠNG

MỘT SỐ TƢ TƢỞNG TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ
CỦA NOAM CHOMSKY

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Triết học

HÀ NỘI – 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------------------

VƢƠNG THỊ PHƢƠNG

MỘT SỐ TƢ TƢỞNG TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ
CỦA NOAM CHOMSKY

Luận văn thạc sĩ chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60 22 80

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn

HÀ NỘI – 2015



LỜI CẢM ƠN
Luận văn được hoàn thành dưới sự hướng dẫn tận tình của PGS.TS.
Nguyễn Anh Tuấn. Vì vậy, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc
tới thầy.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Phòng Sau đại học cùng các
thầy, cô trong khoa Triết học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
ĐHQG Hà Nội đã giúp đỡ cho tôi trong học tập và nghiên cứu luận văn.
Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô phản biện đã đọc, góp ý
và sửa chữa cho luận văn.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn bạn bè cùng gia đình luôn đồng
hành cùng tôi trong quá trình thực hiện luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn!

Vƣơng Thị Phƣơng


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi dưới
sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn.
Tôi cũng xin cam đoan đề tài này không trùng với bất kì đề tài luận văn
thạc sĩ nào đã được công bố ở Việt Nam.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung đề tài.
Người cam đoan

Vƣơng Thị Phƣơng


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 2

Chƣơng 1. KHÁI QUÁT VỀ TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ VÀ CUỘC ĐỜI,
SỰ NGHIỆP CỦA NOAM CHOMSKY ...............................................................11
1.1. Khái quát về triết học ngôn ngữ .........................................................................11
1.1.1. Triết học ngôn ngữ là gì? ................................................................................11
1.1.2. Khái lược lịch sử triết học ngôn ngữ ..............................................................12
1.2. Noam Chomsky: cuộc đời và sự nghiệp ............................................................35
1.2.1. Cuộc đời ..........................................................................................................35
1.2.2. Sự nghiệp .........................................................................................................38
Tiểu kết Chương 1 .....................................................................................................46
Chƣơng 2. NHỮNG TƢ TƢỞNG TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ CƠ BẢN CỦA
NOAM CHOMSKY ................................................................................................47
2.1. Chomsky bàn về ngôn ngữ .................................................................................47
2.1.1. Quan niệm của Chomsky về bản chất ngôn ngữ .............................................47
2.1.2. Các quy tắc tạo sinh câu .................................................................................55
2.2. Chomsky bàn về ý thức/ hoạt động trí não ..........................................................64
2.2.1. Chủ nghĩa duy lí và quan điểm của Chomsky ...................................................64
2.2.2. Cơ chế bộ não sinh ra ngôn ngữ.......................................................................71
2.3. Chomsky bàn về thụ đắc ngôn ngữ ....................................................................75
2.3.1. Thiết bị thụ đắc ngôn ngữ ...............................................................................75
2.3.2. Cơ chế trẻ em thụ đắc ngôn ngữ .....................................................................80
Tiểu kết Chương 2 .....................................................................................................92
KẾT LUẬN...................................................................................................... 93
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................95

1


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Noam Chomsky được cả thế giới biết đến là một giáo sư ngôn ngữ học người

Mỹ nổi tiếng có ảnh hưởng lớn trong thời đại chúng ta. Vị trí của Chomsky trong
khung cảnh trí tuệ thế giới là độc nhất vô nhị. “Theo cứ liệu thống kê của “Arts and
Humanities Citation Index”, trong khoảng thời gian 1980-1992, Chomsky là một
trong những học giả được trích dẫn nhiều nhất” [4, tr. 40]. Và theo cuộc bầu chọn
những người trí tuệ trên thế giới vào năm 2005 do tạp chí Prospect của Anh thực
hiện thì “Noam Chomsky là người có trí tuệ nhất thế giới” [12, tr.175]. Ông là nhân
vật hàng đầu trong cuộc cách mạng tri nhận (cognitive) của những năm 1950 và
1960 đồng thời chi phối lĩnh vực ngôn ngữ học kể từ đó. Tên tuổi của ông gắn liền
với ngữ pháp cải biến – tạo sinh (Generative –Transformational Grammar), là một
tấm biển chỉ đường, là nguồn cổ vũ cho nhiều nhà ngôn ngữ học trên thế giới và là
điểm so sánh cho hầu hết các học giả. Đôi khi, ông còn được coi là “cha đẻ” của
ngôn ngữ học hiện đại. Chomsky được biết đến không chỉ trong ngôn ngữ học mà
trong cả triết học ngôn ngữ. Trong triết học ngôn ngữ, ông bàn đến những vấn đề:
sự đối lập giữa ngữ năng/ năng lực ngôn ngữ (linguistic compentence) và ngữ thi/
sự thực hiện ngôn ngữ (linguistic performance). Chính ở đó ngữ năng của con người
và tri thức ngôn ngữ có quan hệ rất chặt chẽ trong các biểu đạt.
Tư tưởng của Chomsky tập trung vào các cơ chế ngữ pháp của ngôn ngữ nói
chung, sự hiểu biết có tính ngầm ẩn và bản năng của chúng ta. Cơ chế này gắn liền
với hoạt động trí não (mind) của con người, đó là những hoạt động có ý thức. Bằng
việc đưa ra một sự phân biệt quan trọng ngữ năng và ngữ thi, Chomsky xem ngữ
pháp của một ngôn ngữ là cơ chế hợp thành ngữ năng. Theo ông, nghiên cứu ngôn
ngữ là nghiên cứu ngữ năng có tính chất chung, phổ quát cho mọi ngôn ngữ, không
phải là lí thuyết về ngữ thi. Từ đó, Chomsky đặt ra những vấn đề rất đáng chú ý
như: ngữ pháp phổ quát (Universal grammar) và ngữ pháp đặc thù (Particular
grammar), các quy tắc tạo sinh (genernative rules), sự khác biệt giữa ngôn ngữ nội
tại (Internal language- viết tắt là I-language) nằm trong người học và ngôn ngữ

2



ngoại tại (External language- viết tắt là E-language) nằm ngoài người học và vấn đề
thụ đắc ngôn ngữ (language acquisition) ở trẻ em. Chính những nghiên cứu này của
Chomsky đã thúc đẩy nhiều nghiên cứu khác như: vấn đề thụ đắc ngôn ngữ trong
tâm lý học, nghiên cứu trong trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính, việc dạy và học
ngoại ngữ. Chomsky đã làm một “cú hích” cho sự ra đời của ngôn ngữ học tri nhận
(cognitive linguistics), một lí thuyết đi sâu vào việc khảo sát các quá trình trí não
trong việc sử dụng tri thức và nhận thức ngôn ngữ. Đối với triết học ngôn ngữ
(philosophy of language), ông cũng có những đóng góp có giá trị.
Triết học ngôn ngữ là một lĩnh vực của triết học có nhiệm vụ không chỉ
nghiên cứu nguồn gốc, bản chất, chức năng của ngôn ngữ, mối quan hệ giữa tư duy
và ngôn ngữ mà còn làm rõ vấn đề bản chất ý nghĩa, sử dụng ngôn ngữ, nhận thức
ngôn ngữ và mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thực tại. Triết học ngôn ngữ của
Chomsky tập trung vào ngữ năng nhằm làm rõ bản chất sáng tạo (creative), di truyền
(genetic), chuyển đổi (transformational) của ngôn ngữ loài người. Ông luận chứng
cho quan điểm nghiên cứu ngôn ngữ chính là nghiên cứu cách tổ chức và hoạt động
của thực thể vật chất là trí não trong quá trình sinh ra các phát ngôn (utterance). Đó là
những hoạt động có ý thức giúp chúng ta chuyển ngôn ngữ bên trong bộ não thành
ngôn ngữ bên ngoài thông qua một hệ thống các quy tắc tạo câu. Theo ông, không có
một khái niệm ngôn ngữ tường minh nào nằm ngoài ý thức của con người. Do vậy,
nghiên cứu ngôn ngữ phải lấy kiến trúc tinh thần làm trọng tâm, kiến trúc hình thành
nên kiến thức ngôn ngữ của chúng ta. Vì vậy, hệ vấn đề ngôn ngữ của Chomsky liên
quan đến ngữ pháp phổ quát, ngôn ngữ hình thức bên trong trí não, tính bẩm sinh và
thụ đắc ngôn ngữ, những vấn đề liên quan trực tiếp đến ngữ năng nhằm làm rõ mối
quan hệ giữa ngôn ngữ và ý thức (ý thức ở đây là hoạt động của trí não) mà lâu nay
các nhà nghiên cứu thiếu hẳn những suy ngẫm dành cho nó.
Khi nghiên cứu ngôn ngữ, Chomsky đã sử dụng một loạt phương pháp của
toán học và các phương pháp của chủ nghĩa phân bố (distributionism) nhằm xây
dựng một lí thuyết ngôn ngữ sao cho nó có thể lường trước được số lượng vô hạn
các câu của ngôn ngữ tự nhiên bằng một tập hợp các quy tắc hữu hạn. Do đó, ông


3


đã đem đến cho triết học một diện mạo mới, một khuynh hướng độc đáo trong sự
phát triển của tư duy nhân loại ở thế kỷ thứ XXI.
Có thể khẳng định rằng, các tư tưởng Chomsky về ngôn ngữ có tầm quan
trọng và tác động lớn. Trên thế giới, có nhiều học giả đã, đang và vẫn nghiên cứu về
những quan điểm lí thuyết ngôn ngữ của ông nhưng ở Việt Nam mới chỉ có một số
công trình nghiên cứu rất lẻ tẻ và rời rạc về Chomsky. Riêng về tư tưởng triết học
ngôn ngữ của Chomsky thì cho đến nay chưa có tác giả nào đề cập đến. Vì vậy,
nghiên cứu triết học ngôn ngữ của Chomsky sẽ là một vấn đề quan trọng và cần
phải đặt ra. Đúng như nhà ngôn ngữ học người Anh, John Lyons nhận xét: “Bất
luận lí luận ngữ pháp của Chomsky có chính xác hay không thì rõ ràng đó vẫn là lí
luận ngữ pháp có sức sống nhất, có ảnh hưởng nhất hiện nay. Bất kì một nhà ngôn
ngữ nào nếu không muốn tụt hậu trong xu thế phát triển của ngôn ngữ học đều
không thể xem nhẹ cách xây dựng lí luận của Chomsky” [35, tr. 341].
Với những lí do như trên, tôi chọn vấn đề “Một số tư tưởng triết học ngôn
ngữ của Noam Chomsky” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Lí thuyết ngôn ngữ của Chomsky đã được nhiều học giả ở cả trong nước và
thế giới nghiên cứu từ nhiều góc độ và phương pháp tiếp cận khác nhau. Trong các
công trình nghiên cứu đặc biệt là trong các sách giáo trình ngôn ngữ học, sách về
lịch sử ngôn ngữ học đều nhắc tới lí thuyết cải biến - tạo sinh của ông. Do lí luận
ngôn ngữ của Chomsky rất phức tạp, đa dạng, lại liên tục phát triển và đổi mới cộng
thêm nguồn tài liệu ít ỏi và hiếm, lại chủ yếu bằng tiếng Anh nên vấn đề nghiên
cứu, tìm hiểu về tư tưởng triết học ngôn ngữ của Chomsky rất khó khăn.
Trên thế giới, vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, một trong những tác
phẩm quan trọng nhất của Chomsky là Syntactic Structures (Các cấu trúc cú pháp)
đã được xuất bản năm 1957. Công trình này được nhiều tác giả tham chiếu và được
đánh đánh giá là một trong những là một trong những thành tựu trí tuệ của thế kỷ

XX. Nó làm thay đổi phương pháp tư duy, đánh dấu bước chuyển sang tư duy mới
trong nghiên cứu ngôn ngữ và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác. Trong tác phẩm

4


này, ông trình bày mục đích của lí thuyết ngôn ngữ về cơ bản là miêu tả cấu trúc cú
pháp. Cấu trúc cú pháp bị quy định bởi những thuộc tính bẩm sinh của trí tuệ con
người chứ không phải bởi các cấu trúc trong giao tiếp. Ông coi cú pháp là hệ thống
tự trị (autonomous) không gắn với xã hội, dân tộc và văn hóa. Cấu trúc cú pháp gắn
liền với cấu trúc bộ não. Về sau, Chomsky phát triển lý thuyết này trong công trình
Aspects of the theory of syntax (Các bình diện của lý thuyết cú pháp) xuất bản năm
1965 với tham vọng rằng lý thuyết ngôn ngữ phải nhằm mục đích giải thích tất cả
các mối quan hệ ngôn ngữ giữa hệ thống âm thanh với hệ thống nghĩa của ngôn ngữ
đó. Hai cuốn sách đó của Chomsky luôn tạo hứng thú cho các nhà nghiên cứu, một
cuốn được coi là công trình báo trước “cuộc cách mạng Chomsky”, khởi xướng
những ý tưởng mới đột phá trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải thích
về sự sáng tạo trong ngôn ngữ và giới thiệu ngữ pháp cải biến của riêng mình như là
một cách giải thích có sức thuyết phục hơn về việc con người tạo ra các câu nói như
thế nào. Và cuốn sách còn lại cũng là sự tiếp nối tinh thần ấy nhưng ông đã tiến lên
một bình diện khác cao hơn. Cả hai cuốn đều giúp chúng ta hiểu biết khái quát về
quan điểm ngôn ngữ của Chomsky và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ của ông.
Tiếp đó, trong các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài, tư
tưởng ngôn ngữ của Chomsky đã được giới thiệu tương đối sâu sắc. Tiêu biểu là:
The Philosophy of language (Triết học ngôn ngữ) của A.P.Martinich xuất bản 1996;
The Chomsky - Foucault Debate on human nature (Tranh luận giữa ChomskyFoucault về bản chất con người) của The New Express xuất bản năm 2006 và The
Cambridge Companion to Chomsky (Sách hướng dẫn về Chomsky) của Mc
Gilvgray xuất bản năm 2007. Trong các tác phẩm này, các tác giả đã cho thấy vị trí
của Chomsky trong khung cảnh trí tuệ thế giới hiện đại. Ông mở đường cho một tư
duy mới bằng sự mô tả toán học chính xác về một số đặc điểm nổi bật nhất của

ngôn ngữ loài người. Đồng thời, ông cũng thiết lập một cách giải thích độc đáo với
luận điểm then chốt cho rằng có một cấu trúc ngôn ngữ bẩm sinh xác định khuôn
mẫu bên trong ý thức, hoạt động của trí não. Ngôn ngữ được đánh thức trong trí
não, theo một tiến trình đã xác định từ trước, giống như các thuộc tính sinh học

5


khác. Cấu trúc này gắn liền với ngữ pháp phổ quát. Với kiến thức bẩm sinh về hệ
thống ngữ pháp phổ quát, đứa trẻ nhập tâm, tiếp nhận ngữ pháp của tiếng mẹ đẻ
thông qua kinh nghiệm.
Ở Việt Nam, sớm nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của Chomsky,
một số học giả đã chú ý tới ông nhưng nghiên cứu tương đối rời rạc, tiêu biểu là các
công trình: Ngôn ngữ học, khuynh hướng – lĩnh vực – khái niệm (Tập I) xuất bản
năm 1984 và Ngôn ngữ học, khuynh hướng – lĩnh vực – khái niệm (tập II) của Đái
Xuân Ninh - Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Quang-Vương Toàn, (Nxb Khoa học xã
hội), xuất bản năm 1986. Trong hai cuốn sách này, một số khái niệm cơ về ngữ
pháp cải biến tạo sinh của Chomsky được trình bày rải rác. Sau này, những khái
niệm này được GS. TS Đỗ Hữu Châu đề cập đến trong Đại cương Ngôn ngữ học,
Nxb Giáo dục Việt Nam, xuất bản năm 1993. GS. TS Đỗ Hữu Châu không nghiên
cứu tư tưởng ngôn ngữ của Chomsky. Phần lí thuyết về ngữ pháp tạo sinh của
Chomsky trong cuốn sách này được GS. TS Đỗ Hữu Châu trích dịch từ Bách Khoa
thư ngôn ngữ ra. Nó giới thiệu một cách đại cương về ngữ pháp tạo sinh của
Chomsky, đó là: cơ sở của ngữ pháp tạo sinh, một số giả thuyết có tính chất tiên đề
và ba giai đoạn ngữ pháp cải biến, bước đầu khảo sát một cách có hệ thống những
khái niệm và các quy tắc chuyển đổi câu... mà tập trung chủ yếu về mặt cú pháp.
Nghiên cứu một cách tương đối hệ thống lý thuyết ngữ pháp tạo sinh của
Chomsky, phải kể đến công trình: Ngữ pháp tạo sinh của Nguyễn Đức Dân. Công
trình này đã được xuất bản thành sách vào năm 2012, Nxb ĐHQG Hồ Chí Minh.
Trong cuốn sách này, tác giả mới chỉ quan tâm đến tư tưởng của Chomsky ở giai

đoạn đầu từ năm 1957-1965, toàn bộ giai đoạn sau trong tư tưởng ngôn ngữ của
Chomsky không được tác giả đề cập tới. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, những nội
dung cơ bản về ngữ pháp tạo sinh của Chomsky đã được phân tích một cách rõ
ràng. Nguyễn Đức Dân cho rằng mô hình lí thuyết ngữ pháp tạo sinh của Chomsky
là lí thuyết về năng lực ngôn ngữ. Trên nền tảng đó, ông đưa ra những tư liệu bổ ích
về ba mô hình ngôn ngữ của Noam Chomsky: ngữ pháp hữu hạn trạng thái, ngữ
pháp thành tố trực tiếp và ngữ pháp tạo sinh. Đồng thời, ông cũng trình bày có hệ

6


thống về quy tắc tạo sinh câu và quá trình hình thành ngữ pháp chuyển đổi của
Chomsky chủ yếu qua hai tác phẩm: Syntactic Structures (1957) (Các cấu trúc cú
pháp) và “Aspects of the theory of Syntactic” (1965) (Các bình diện của lý thuyết
cú pháp). Tác phẩm thứ nhất nhấn mạnh lý thuyết cú pháp là xây dựng các nguyên
lí tạo câu, tác phẩm sau bổ sung thêm thành phần ngữ nghĩa trong miêu tả ngữ pháp,
tác giả đã khái quát được những phát triển gần đây của ngữ pháp tạo sinh liên quan
đến vấn đề ngữ nghĩa của câu từ đó chỉ ra hai khuynh hướng đối lập của ngữ pháp
tạo sinh giai đoạn hiện nay là: lí thuyết chuẩn mở rộng (Extended Standard Theory)
và ngữ nghĩa học tạo sinh (generative semantics).
Tiếp theo, giới hạn trong đề tài cá nhân: Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em,
một số trường phái lý thuyết chính của tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình (20032004), Viện ngôn ngữ học, Viện khoa học xã hội Việt Nam, đã giới thiệu khái quát
về thụ đắc ngôn ngữ theo mô hình bẩm sinh luận của Chomsky. Tuy nhiên, đây là
một đề tài cá nhân cho nên tác giả chưa đi sâu vào những khía cạnh triết học ngôn
ngữ trong tư tưởng của Chomsky.
Trong cuốn Ngôn ngữ học (ghi chép và suy nghĩ) của Trần Văn Cơ, ngôn ngữ
học của Chomsky được giành một mục nhỏ khi tác giả bàn đến ba hình hệ khoa học về
ngôn ngữ. Trần Văn Cơ cũng không nghiên cứu về Chomsky, ông chỉ đề cập đến quan
điểm của Chomsky từ góc độ tri nhận có nghĩa là nghiên cứu ngữ pháp cần gắn liền với
ngữ nghĩa. Nghiên cứu nghĩa là nghiên cứu cơ chế nhận thức, là nghiên cứu tri nhận.

Hiện nay, cũng có một số tài liệu bằng tiếng Việt quan tâm chú ý tới ngữ
pháp tạo sinh của Chomsky. Chúng có thể được coi là cơ sở cho nghiên cứu những
tư tưởng ngôn ngữ của Chomsky, tiêu biểu là: Phương pháp luận và phương pháp
nghiên cứu ngôn ngữ của Nguyễn Thiện Giáp, Nxb Giáo dục Việt Nam xuất bản
năm 2012. Đây là một tài liệu hữu ích. Tác giả đã khái quát cơ sở triết học và nhận
thức luận của lí thuyết cải biến – tạo sinh của Chomsky, nêu những tư tưởng ngôn
ngữ cơ bản của Chomsky qua ba giai đoạn: mô hình ngôn ngữ thứ nhất (19571965), Lí thuyết chuẩn (1965-11970) và Lí thuyết chuẩn mở rộng (từ 1970 trở đi).
Công trình này chỉ rõ phương pháp nghiên cứu của lí thuyết ngữ pháp tạo sinh của

7


Chomsky nhưng vẫn chưa đi vào vấn đề triết học ngôn ngữ của ông.
Bên cạnh đó, còn có một số tư liệu dịch như: Những cơ sở triết học ngôn ngữ
do Trúc Thanh dịch, Nxb Giáo dục xuất bản năm 1984, dịch từ tiếng Nga sang tiếng
Việt, Các trường phái ngôn ngữ học phương Tây của Lưu Nhuận Thanh do Đào Hà
Ninh dịch, Lược sử ngôn ngữ học của R. H. Robins do Hoàng Văn Vân dịch, và hai
cuốn sách: Language and mind (1968)( Ngôn ngữ và ý thức) và New Horizons in
the Studies of Language and Minds-(2000) (Những chân trời mới trong nghiên cứu
ngôn ngữ và ý thức) của Noam Chomsky cũng do Hoàng Văn Vân dịch. Các tài liệu
này đề cập tới tư tưởng của Chomsky một cách trực tiếp. Trong đó, Chomsky đã lý
giải ngôn ngữ theo cách nội hiện về khả năng ngôn ngữ của loài người. Ý tưởng của
Chomsky cho rằng, kiến thức ngôn ngữ có tính cá thể nằm trong bộ não, tư duy con
người. Ông luận giải sở dĩ con người thụ đắc ngôn ngữ mẹ đẻ một cách nhanh
chóng là do trong trí não chúng ta có hệ thống các qui tắc ngữ pháp của ngữ pháp
phổ quát bẩm sinh. Quan điểm này của Chomsky đã đưa ra một thách thức mới và
gây phấn khích trong nghiên cứu ngôn ngữ và ý thức. Ý thức ở đây, được Chomsky
hiểu toàn bộ quá trình tinh thần bên trong bộ não góp phần sinh ra các phát ngôn.
Năm 2002, Noam Chomsky tiếp tục nghiên cứu về các khía cạnh của ngôn ngữ và
bộ não cũng như mối quan hệ giữa chúng với công trình On nature and language

(Về tự nhiên và ngôn ngữ), tác giả luận văn đã tiếp cận được công trình này.
Ngoài những công trình bàn trực tiếp về Chomsky, có một số cuốn sách giới
thiệu trực tiếp về tư tưởng triết học ngôn ngữ có liên quan đến Chomsky, đó là
cuốn: Philosophy of language a contemporary introduction (Triết học ngôn ngữ sự
giới thiệu đương đại) của W. Lycan xuất bản năm 2000. Với công trình này,
W.Lycan trình bày rõ các chủ đề của triết học ngôn ngữ đương đại là: nghĩa và quy
chiếu, vấn đề tên riêng, ngữ nghĩa chân – ngụy và các vấn đề khác về ẩn dụ và phép
loại suy mà trong đó định vị được triết học ngôn ngữ nói chung và tư tưởng triết học
ngôn ngữ của Chomsky nói riêng trong bối cảnh hiện đại.
Từ sự tổng quan các tài liệu trên, chúng ta có thể thấy rằng các tài liệu nghiên
cứu về Chomsky chủ yếu được dịch từ Tiếng Anh ra tiếng Việt và mới chỉ trình bày

8


và phân tích tư tưởng của Chomsky dưới góc độ ngôn ngữ, tâm lý, triết học và
logic, chưa đi vào vấn đề triết học ngôn ngữ. Trong mảng luận văn, luận án, cũng
chưa có một công trình nghiên cứu nào liên quan triết học ngôn ngữ của Chomsky.
Do vậy, tác giả bước đầu tìm hiểu và nghiên cứu một vài tư tưởng triết học ngôn
ngữ chính của Chomsky. Đây là một đề tài rất mới mà đến nay khi đề cập đến tư
tưởng triết học ngôn ngữ của ông vẫn là một vấn đề không đơn giản.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích: tìm hiểu một số tư tưởng triết học ngôn ngữ của Chomsky, cụ
thể là: Chomsky bàn về bản chất ngôn ngữ; ý thức/ hoạt động trí não và vấn đề thụ
đắc ngôn ngữ ở trẻ em. Để thực hiện mục đích trên, luận văn giải quyết những
nhiệm vụ sau:
- Nhiệm vụ:
+ Trình bày khái quát về triết học ngôn ngữ: khái niệm, một vài nét lịch sử của
triết học ngôn ngữ, các trào lưu chính và các chủ đề của triết học ngôn ngữ hiện đại.
+ Trình bày khái quát về cuộc đời và hoạt động sáng tạo của Noam Chomsky.

+ Khảo sát và nghiên cứu một số tư tưởng triết học ngôn ngữ chính của
Chomsky về: bản chất ngôn ngữ; ý thức/ hoạt động trí não con người và thụ đắc
ngôn ngữ ở trẻ em.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tư tưởng triết học ngôn ngữ của
Chomsky, cụ thể là: quan điểm của ông về bản chất ngôn ngữ, ý thức gắn liền với
hoạt động bộ não và thụ đắc ngôn ngữ ở trẻ em.
Phạm vi nghiên cứu: thuộc hai nguồn. Nguồn thứ nhất là một số tác phẩm
gốc của Chomsky, cụ thể là: Syntactic Structures (Các cấu trúc cú pháp) xuất bản
năm 1957, Aspects of the theory of syntax (Các bình diện của lý thuyết cú pháp xuất
bản năm 1965, Language and mind (Ngôn ngữ và ý thức) xuất bản năm 1968 và
New Horizons in the Studies of Language and (Những chân trời mới trong nghiên
cứu ngôn ngữ và ý thức) xuất bản năm 2000. Nguồn thứ hai là những tài liệu thứ
cấp trong ngôn ngữ học bao gồm các nghiên cứu đánh giá của những người đi trước

9


về Chomsky.
5. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu
- Cơ sở lý luận: Luận văn dựa trên những khái niệm, phạm trù, quy luật của
triết học ngôn ngữ.
- Phương pháp nghiên cứu: Luận văn được thực hiện dựa trên các công trình
nghiên cứu về ngôn ngữ học của Chomsky đã có trong lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ.
Luận văn sử dụng các phương pháp như: đọc tài liệu về Chomsky, tổng thuật lại,
phân tích – tổng hợp và đánh giá.
6. Cái mới của Luận văn
Luận văn giới thiệu đến bạn đọc một cách khái quát về triết học ngôn ngữ và
một số tư tưởng triết học ngôn ngữ chủ yếu của Chomsky, về mối quan hệ giữa
ngôn ngữ và tư duy, ý thức. Từ đó, tác giả luận văn mong muốn cung cấp những

vấn đề mới mẻ và lý thú cho người đọc, người nghiên cứu quan tâm đến tư tưởng
triết học ngôn ngữ của Noam Chomsky. Vì thế, luận văn có thể làm tài liệu tham
khảo cho sinh viên, học viên nghiên cứu về triết học ngôn ngữ và các tư tưởng khác
của ông.
7. Kết cấu của Luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung cơ
bản của luận văn gồm 2 chương 5 tiết.

10


Chƣơng 1. KHÁI QUÁT VỀ TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ
VÀ CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP CỦA NOAM CHOMSKY
1.1. Khái quát về triết học ngôn ngữ
1.1.1. Triết học ngôn ngữ là gì?
Ngôn ngữ là một chủ đề luôn tạo được sự quan tâm và lôi cuốn đối với các
nhà nghiên cứu. Triết học ngôn ngữ gắn liền với lý thuyết ngôn ngữ học. Bàn về
bản chất và vai trò của ngôn ngữ đã được các nhà triết học đề cập đến từ thời cổ đại
và việc nghiên cứu ngôn ngữ cho đến nay phản ánh rõ ràng lập trường nghiên cứu
của họ đối với các vấn đề cơ bản của triết học.
Triết học ngôn ngữ trước hết là một lĩnh vực của triết học nghiên cứu hoạt
động ngôn ngữ. Triết học ngôn ngữ xem xét hoạt động ngôn ngữ như một đối tượng
đã biết và tìm hiểu mối quan hệ của nó với những đối tượng khác, được coi là khu
biệt với nó. Nó đi vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ học và triết học, giữa ngôn ngữ
và tư duy, giữa ý thức và hiện thực khách quan, đi vào nguồn gốc và sự phát triển
lịch sử của ngôn ngữ, bản chất và vai trò và giá trị của ngôn ngữ cũng như sự phụ
thuộc về mặt thế giới quan và phương pháp luận của các công trình nghiên cứu triết
học về ngôn ngữ và ngôn ngữ học, v.v... tức là nó nghiên cứu mặt bên ngoài của
ngôn ngữ.
Triết học ngôn ngữ cũng được hiểu là sự nghiên cứu về mặt triết học các quy

luật bên trong của sự cấu tạo và sử dụng ngôn ngữ. Lĩnh vực này đặt trọng tâm vào
phân tích ngôn ngữ, khảo sát những vấn đề của cú pháp logic, ngữ nghĩa logic, giao
tiếp ngôn ngữ hoặc cái gọi là “hàng rào ngôn ngữ”... Đặc biệt gần đây sự lạm dụng
tên gọi của các công trình triết học phân tích được mệnh danh là triết học ngôn ngữ
đã gây ra những hướng suy nghĩ không đúng về triết học ngôn ngữ.
Cũng có ý kiến phân biệt triết học ngôn ngữ, lĩnh vực chủ yếu đi sâu những
vấn đề của nhận thức với triết học của ngôn ngữ học, vốn quan tâm đến vấn đề lý
thuyết và phương pháp nghiên cứu. Cách phân chia như thế không cơ bản vì không
thể tách rời nhận thức với lý thuyết và phương pháp. Triết học ngôn ngữ cần phải
được nhận thức lại cho phù hợp với vị trí và vai trò của nó trong triết học, trong

11


ngôn ngữ học cũng như trong lịch sử các khoa học nói chung.
Theo chúng tôi, triết học ngôn ngữ theo nghĩa rộng là tập hợp những luận
điểm, những quan niệm triết học về nguồn gốc, bản chất và chức năng hoạt động
của ngôn ngữ, bản chất của ý nghĩa (meaning), và nhận thức ngôn ngữ đồng thời luận
chứng cho mối quan hệ giữa ngôn ngữ và ý thức, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thế
giới. Theo nghĩa hẹp, triết học ngôn ngữ còn được xem như một lĩnh vực nghiên cứu
của triết học có nhiệm vụ không chỉ nghiên cứu mối liên hệ qua lại giữa tư duy và
ngôn ngữ mà còn làm rõ vai trò xây dựng của ngôn từ câu cú trong các hình thức
tranh biện khác nhau, trong nhận thức và trong cấu trúc của ý thức và tri thức.
Để hiểu được những nét cơ bản của triết học ngôn ngữ với tư cách là một
lĩnh vực của triết học trước hết chúng ta hãy điểm qua lịch sử hình thành và phát
triển của nó.
1.1.2. Khái lược lịch sử triết học ngôn ngữ
Thuật ngữ “triết học ngôn ngữ” do P. I. Zitexki (1900), A. Marty (1910), K.
Vossler (1925), Q. Funker (1928), M. M Baxtin và V.N Volosilow (1929) đề xuất
và được phổ biến rộng rãi vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, chủ yếu ở Đức,

Anh, Mỹ, và một số nước Đông Âu… với các đại diện tiêu biểu như Carnap, Quine,
Tarski, Wittgenstein hậu kỳ... Tuy nhiên, những tư tưởng về triết học ngôn ngữ đã
có từ thời Cổ đại. Nó gắn liền với lý thuyết ngôn ngữ.
1.1.2.1. Thời Cổ đại
Triết học ngôn ngữ có lẽ cũng có một lịch sử lâu dài như chính lịch sử triết
học vậy. Ngay từ thời cổ đại, một số triết gia đã có những suy ngẫm mang tính triết
học về ngôn ngữ.
Ở Phương Tây, nghiên cứu về ngôn ngữ trải dài trở lại thế kỷ thứ V TCN với
Socrates (470-399 TCN), Plato (429-347 TCN), Aristotles (384-322 TCN), và các
nhà khắc kỷ (trường phái triết học Stoics). Trong các nghiên cứu của họ, ngôn ngữ
có một vị trí quan trọng. Đến nay, chúng ta không biết nhiều về các nghiên cứu của
Socrates. Ông không để lại tác phẩm nào. Chỉ có thể tìm thấy quan điểm của ông
trong một số tác phẩm của Xenophone (430-355 TCN) hay của Plato, song cũng

12


khó có thể nói được đâu là quan điểm của Socrates. Ở Hy Lạp cổ đại, các triết gia
tranh luận chủ yếu xoay quanh hai đề tài: nguồn gốc ngôn ngữ và mối quan hệ giữa
ngôn ngữ và tư duy. Xoay quanh đề tài thứ nhất, có hai quan niệm trái ngược nhau:
một số (các nhà ngụy biện và khắc kỷ thuộc trường phái triết học Stoics) cho rằng
ngôn ngữ xuất hiện một cách tự nhiên; số khác lại cho rằng ngôn ngữ nảy sinh theo
thói quen. Một bên là chủ trương từ của ngôn ngữ là do tự nhiên, do bản tính của sự
vật mà có, và một bên là chủ trương từ do quy ước mà có. Các quan điểm này xuất
phát từ tranh luận về mối quan hệ giữa tên gọi (từ) và sự vật. Aristotles, nhà triết
học vĩ đại thời cổ đại, theo quan điểm thứ hai, cho rằng: “Ngôn ngữ hình thành do
thói quen vì tự nhiên không đẻ ra tên gọi… Lời nói là sự thể hiện của tư tưởng kinh
nghiệm, còn văn tự là sự thể hiện của lời nói. Chủng tộc khác nhau thì lời nói và
chữ viết không giống nhau. Nhưng sự phản ánh của tư tưởng con người là giống
nhau, từ vựng của một ngôn ngữ là dấu hiệu tư tưởng” [trích theo 35, tr. 22]. Platon

(427-347 tr.CN), nhà triết học duy tâm khách quan, là học trò của Socrates. Ông đã
nhớ lại lời dạy của thầy và viết thành nhiều quyển sách dưới hình thức đối thoại.
Trong các đối thoại, Cratylus là tác phẩm bàn kỹ nhất về ngôn ngữ. Plato đã có
nhiều đóng góp có giá trị khi nghiên cứu mối quan hệ giữa tên gọi và vật. Trong đối
thoại Cratylus, Plato đặt ra câu hỏi liệu tên các sự vật được xác định theo quy ước
hay theo tự nhiên? Tên biểu hiện một thuộc tính nào đó của đối tượng được gọi tên.
Ông phê phán quan điểm quy ước vì hậu quả dẫn đến của nó là mọi vật đều có thể
được gọi tên theo quy ước. Do đó, nó không thể giải thích việc ứng dụng chính xác
hoặc không chính xác của một tên gọi. Ông tuyên bố rằng có một tính đúng đắn tự
nhiên cho các tên. Ông chỉ ra rằng từ ghép và cụm từ sẽ có một loạt các tính đúng
đắn. Ông cũng cho rằng tên nguyên thủy đã có một đúng đắn tự nhiên, bởi vì mỗi
âm vị đại diện các ý tưởng cơ bản hay những cảm xúc. Tên gọi là hình mẫu, cho
nên nó không biểu hiện toàn bộ đối tượng mà chỉ biểu hiện những thuộc tính có sẵn,
gọi là bản tính của vật. Gọi tên đúng bản tính của vật, biểu hiện việc sử dụng đúng
các vật (ứng với bản tính của chúng) trong hoạt động ngoài ngôn ngữ. Ngoài ra, ông
cũng bàn đến mối quan hệ giữa tư tưởng và lời nói. Platon cho rằng có sự thống

13


nhất giữa tư tưởng và sự biểu đạt bằng lời nói. Cái khác duy nhất là sự biểu đạt
bằng lời kèm theo âm thanh. Theo ông: “ý kiến là sự biểu đạt bằng lời, nhưng nếu
không có sự tham gia của giọng nói và nếu không nói với người khác chỉ yên lặng,
hướng về bản thân (Thêêtet)” [trích theo 36, tr. 145]. “Bởi vậy, tư tưởng và lời nói
là một, ngoại trừ cuộc nói chuyện của tinh thần với chính mình, chỉ nảy ra ở bên
trong nó và không thành tiếng, mà ta gọi là tư duy” (Sophist)” [trích theo 36, tr.
145]. Hạn chế của ông là chỉ phân tích cấu trúc phán đoán logic biểu đạt bằng ngôn
ngữ, chưa đi sâu vào phân tích ngữ pháp. Aristotles không chỉ bàn về nguồn gốc
ngôn ngữ mà còn khẳng định rằng từ tự thân có ý nghĩa nhất định nhưng không thể
chia thành những thành tố nhỏ hơn. Nghĩa của từ được cho gián tiếp qua ý niệm về

sự vật trong ý thức con người. Ông cũng quan tâm đến mối quan hệ giữa tư tưởng
và lời nói. Ông nghiên cứu ngôn ngữ bằng việc gắn logic với sự biểu đạt tư duy
bằng ngôn ngữ. Theo Aristotle, từ là biểu đạt của những khái niệm trong trí óc và
không trực tiếp là hình ảnh âm thanh của sự vật. Từ đó, ông quan niệm rằng hình
thức ngôn ngữ cũng là hình thức của tư duy, vì các phạm trù ngữ pháp và các phạm
trù logic gắn chặt nhau. Tư tưởng của Zenon (496-429 TCN) cũng giống tư tưởng
của Aristotle, ông cho rằng nghiên cứu hình thức tư duy không thể tách rời việc
nghiên cứu các biểu đạt ngôn ngữ, vì nói đúng và tư duy đúng đều là việc của cùng
một người.
Epicure (341-270 TCN), nhà duy vật nổi tiếng thời kỳ Hy Lạp hóa đã đi sâu
vào mặt xã hội của sự hình thành và phát triển ngôn ngữ. Từ không phải được tùy
tiện đặt ra mà bản chất của con người trong mỗi dân tộc có cách thể hiện riêng
thành tiếng những cảm nghĩ của mình, trong đó sự khác biệt về nơi cư trú cũng có
vai trò nhất định. Dần dần các dân tộc chấp nhận những quy ước sử dụng chung,
hạn chế tính đa nghĩa của phát ngôn, làm cho nó ngắn và sát yêu cầu sử dụng hơn.
Trường phái Stoics là một trường phái triết học hoạt động từ thế kỷ thứ III
TCN đến thế kỷ thứ IV SCN. Họ là những người phản đối quan điểm của Aristotles.
Họ cho rằng ngôn ngữ có nguồn gốc tự nhiên. Quan điểm ngôn ngữ của trường phái
này được tổng kết như sau: “Con người ta khi sinh ra, bộ não giống như một trang

14


giấy trắng, có thể viết được chữ trên đó” [trích theo 35, tr. 26]. Điều đó rất gần với
“thuyết bảng trắng” sau này. Bản thân ngôn ngữ không là trí tuệ nhưng là sự thể hiện
của trí tuệ. Họ phân biệt một cách rõ ràng ranh giới giữa hai ngành nghiên cứu logic
của ngôn ngữ và nghiên cứu ngữ pháp. Họ sử dụng các thuật ngữ ngữ pháp chính xác
hơn. Trường phái này cho rằng, ngôn ngữ gồm ba bình diện: ngữ âm – một loại ký
hiệu; ý nghĩa các ký hiệu ngôn ngữ, tức là nội dung và các sự vật trong thế giới tự
nhiên được các từ thể hiện. Sau này, Saussure tiếp tục phát triển ý tưởng này.

Xuất phát từ nhu cầu con người cần xác lập vị trí của mình trước mọi sự vật
xung quanh, các triết gia cổ đại đã có thế giới quan duy vật cổ đại với những yếu tố
của phép biện chứng, của tư tưởng về sự phát triển không ngừng của sự vật. Tư tưởng
khoa học và triết học duy vật này ảnh hưởng to lớn đến thời kỳ Trung cổ và Phục
hưng cũng như các nhà duy vật Khai sáng Anh và Pháp, đặc biệt đến các nhà triết học
ngôn ngữ Hobbes (1588-1679), Locke (1632 - 1704) và Condillac (1715-1780).
Ở phương Đông, Ấn Độ là cái nôi của ngôn ngữ học lớn và tiến bộ. Người Ấn
Độ cổ quan tâm đến ngôn ngữ trước hết vì lí do tôn giáo. Bộ kinh Veda nổi tiếng
của đạo Brahmin cần được bảo lưu, sau đó là vốn văn học dân gian tiếng Sanskrit
(tiếng Phạn) cũng cần phải được giữ gìn.
Tư tưởng triết học về ngôn ngữ ở Ấn Độ xoay quanh bốn vấn đề: ngữ pháp
hình thức (bao gồm nghĩa và ngữ pháp), sử dụng ngôn ngữ và mối quan hệ giữa
ngôn ngữ và hiện thực, giữa ngôn ngữ và tư tưởng.
Mọi hệ thống triết học ngôn ngữ dù chính thống hay không chính thống đều đề
cập đến ngôn ngữ, đến khả năng của ngôn ngữ “nắm bắt” và biểu thị hiện thực. Thế
kỷ V-VI, Bhatriari viết tác phẩm Vàkya padìya (Về từ và câu), trong đó theo quan
điểm duy tâm truyền thống, ông cho rằng Brahman – hiện thực cao nhất, không có
bắt đầu, không có kết thúc- sản sinh ra mọi sự vật hiện tượng dưới hình thức từ. Tư
tưởng và mọi sự hiểu biết ngay từ đầu đã phải gắn bó khăng khít với từ. Sự gắn bó
ấy cũng tồn tại ngay ở trẻ sơ sinh, song ở thời kỳ này, trẻ mới chỉ có những mầm
mống hiểu và biết, đó là vết tích còn lại của kiếp trước; trong quá trình lớn lên, nhờ
tác dụng của nghị lực, trẻ hiểu ngôn ngữ và biết làm như người lớn. Cũng do đó,

15


giáo dục không thể truyền cho trẻ khả năng mà chỉ thúc đẩy khả năng. Mọi hoạt
động của con người đều dựa trên quan hệ khăng khít giữa ý thức và từ. Mọi sự giao
tiếp tư tưởng phụ thuộc vào sự gắn bó ấy,và nếu không có sự truyền đạt tư tưởng
một cách đúng đắn, thành công thì không thể có sự phát triển khoa học, văn hóa, tài

hoa. Ý kiến đồng nhất giữa từ và tư tưởng của Bhartrihari đã gây nên sự thảo luận
sôi nổi trong những người đi sau ông. Một phái cho rằng: không có ý thức nào
không thể hiện ra ngôn từ, tuy hai hiện tượng đó không thể tồn tại có cái này mà
không có cái kia nhưng chúng không đồng nhất. Luận cứ của họ là: từ tồn tại một
cách logic trước khi có ý thức cá nhân, được thực tại hóa mỗi khi lóe lên một tia
trực giác và ban cho ý thức ấy một cấu trúc nhất định. Một phái khác cho rằng ý
thức là bản chất tiềm ẩn trong từ, do đó từ không những là cấu trúc của ý thức mà
còn là của bản thân ý thức nữa. Bhartrihari ủng hộ những người theo quan điểm thứ
hai. Bhartrihari còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc coi câu như là tượng
trưng không thể cắt bỏ của ngôn ngữ. Việc phân tách câu thành những từ, việc chia
cắt chúng thành những loại động từ, danh từ, v.v... và việc phân chia căn tố với các
phụ tố là biện pháp thuận tiện để nghiên cứu ngôn ngữ.
Về mặt ngữ pháp, người Ấn Độ cổ đã biết nhận diện thành phần câu và tìm
cách đánh dấu câu trên văn bản. Ngữ pháp của ngôn ngữ Ấn Độ cổ gắn liền với việc
truyền bá Ấn Độ giáo. Cũng như tiếng Phạn hậu kỳ gắn liền với bộ kinh sách Phật.
Trong khi phương Tây nhắc tới Aristotle như đại diện cho ngữ pháp Hy Lạp cổ đại
thì ở Ấn Độ có nhắc đến tên của Panini, nhà ngữ pháp học đại diện tiêu biểu và kiệt
xuất cho giới nghiên cứu ngôn ngữ học Ấn Độ cổ đại, với bộ ngữ pháp cổ của ông
có tên là Ashtadhyayi gồm tám phần chính. Đây bộ sách tiếng Phạn nổi tiếng tổng
kết các quan niệm ngữ pháp, được viết ra vào khoảng thế kỉ thứ V TCN. Bloomfield
đã gọi tác phẩm của Panini là “một trong những cột mốc quan trọng và vĩ đại nhất
của trí tuệ nhân loại. Tác phẩm của ông đã miêu tả một cách tỉ mỉ từng loại biến
hình, từng hiện tượng phái sinh, cấu trúc các tổ hợp và cách dùng của loại cú pháp.
Cho đến nay, vẫn chưa có nhà ngôn ngữ học nào có thể miêu tả ngữ pháp tỉ mỉ hơn
ông” [36, tr. 73]. Panini có ảnh hưởng rất lớn đến chủ nghĩa cấu trúc trong ngôn

16


ngữ học hiện đại. Panini không trực tiếp đưa ra các tổng kết mang tính lí luận nhưng

ông gián tiếp phản ánh các vấn đề mà ngày nay ngôn ngữ học vẫn đang quan tâm về
cú pháp, ngữ âm và ngữ nghĩa. Có nhiều tư duy lí luận của họ đi trước châu Âu.
Tư tưởng triết học về ngôn ngữ ở Ấn Độ cổ đại còn được thể hiện qua những
cuộc tranh luận liên quan đến bản chất ý nghĩa của từ, các hiện tượng đa nghĩa và
đồng âm, việc biểu đạt những sự vật và phổ quát trừu tượng, việc dùng từ ngữ để
kiến tạo câu, ý nghĩa của từu tham gia vào ý nghĩa tổng thể của câu. Nhận thức cơ
bản về cấu trúc câu, các nhà ngôn ngữ học Ấn Độ cổ đại cho rằng việc dùng từ để
đặt câu, ít nhất, cần ba điều kiện:
Một là, trong một câu không chỉ có danh từ hoặc chỉ có động từ hoặc chỉ có
giới từ mà các từ loại phải có sự kết hợp nhất định với nhau.
Hai là, về mặt ý nghĩa, các từ phải phù hợp với nhau về mặt ngữ nghĩa để tạo
ra những câu vừa đúng ngữ pháp vừa đúng nghĩa.
Ba là, các từ phải xuất hiện với nhau theo trật tự thời gian liên tục. Nếu như,
sáng nói một chữ, chiều nói một chữ, tối mới nói xong một câu thì người ta không
hiểu được câu nói đó là gì.
Các luận điểm ngữ pháp của Panini đã miêu tả một cách toàn diện các nguyên
tắc cấu tạo từ trong tiếng Phạn. Tiếng Phạn, có bốn từ loại: danh từ, động từ, giới từ
và tiểu từ. Động từ biến đổi hình thái theo ngôi, thì, số là hạt nhân của câu. Các từ
khác thì có liên hệ cụ thể với động từ, trong số đó quan trọng nhất là danh từ với các
dạng thức khác nhau. Ý tưởng này trong ngôn ngữ hiện đại vẫn tiếp tục.
Các quy tắc cấu trúc cụm từ tiếng Phạn được Panini rất chú ý trong ngữ pháp
đại cương của ông. Theo đó, ông phân biệt việc xác định căn tố và phụ tố khởi đầu
cho việc phân định các hình vị trong ngữ pháp sau này. Panini cũng nhận xét về
cách thức và trình tự kết hợp căn tố với các phụ tố trong dạng thức cấu tạo từ, ông
cũng sớm dùng khái niệm Zero trong các đối lập ngữ pháp.
Về phương diện ngữ âm và âm vị học, người Ấn Độ cổ miêu tả cơ quan phát
âm và phương pháp phát âm. Họ cho rằng ngữ âm là cấu nối giữa ngữ pháp và lời
nói. Các mô tả ngữ âm gồm ba bộ phận: quá trình phát âm, các thành phần cấu

17



thành ngữ âm (phụ âm và nguyên âm), sự kết hợp trong các kết cấu âm vị của các
thành phần ngữ âm.
Ảnh hưởng nghiên cứu của ngữ pháp Panini đối với các nhà nghiên cứu thế
kỷ XIX là rất lớn. Trong các công trình viết về tiếng Phạn, các học giả châu Âu hết
sức ngưỡng mộ ông ở việc nghiên cứu hình thức ngôn ngữ mà chú ý đến cú pháp
của câu. Ở Mỹ, Chomsky cũng đi theo đường lối này. Tuy nhiên, sau thời cổ đại
phát triển, triết học ngôn ngữ gắn liền với lí luận ngôn ngữ học Ấn Độ đã chững lại.
Ở Trung Quốc, những suy tư về ngôn ngữ xoay quanh vấn đề Danh và Thực.
Các nhà triết học Trung Quốc không coi ngôn ngữ như một đối tượng, một hiện
tượng xã hội để xem xét, và khi có bàn đến hiện tượng ấy thì gắn liền với mục đích
đạo đức chính trị hoặc triết học, hoặc logic học, nhiều nhất cũng chỉ bàn luận trên
quan điểm logic-ngữ nghĩa, ít khi họ nói đến những vấn đề thuần túy ngôn ngữ học.
Vì vậy, Khổng Tử (551-479 TCN), khi được học trò hỏi Vua nước Vệ mời thầy ra
làm chính trị thì thầy làm gì trước, Khổng Tử đã trả lời “Phải làm cho đúng tên gọi
(Chính danh) (Luận ngữ, Tử Lộ)” [trích theo 36, tr.43]. Ông giải thích thêm: “tên
gọi không đúng thì lời không xuôi. Lời không xuôi thì việc không thành. Việc
không thành thì lễ nhạc không dấy lên được. Lễ nhạc không dấy lên được thì hình
phạt không trúng. Hình phạt không trúng thì dân không biết xoay sở chân tay ra
sao” [trích theo 36, tr.43]. Ý nghĩa câu này là: người ta làm sao cho hiện thực phù
hợp với tên gọi; không làm như thế thì việc không thành mà trật tự xã hội sẽ không
có, việc quản lý nước sẽ mất cái hướng đi đúng đắn, mà dân không biết phải làm ăn
ra sao cho phải lễ. Tên gọi ở đây không phải là vấn đề ngôn ngữ thuần túy, nó gắn
liền với quan điểm chính trị xã hội. Còn Mặc Tử (490-403TCN, tên thật là Mặc
Địch) chủ yếu là lấy thực tại để đặt tên gọi. Theo ông, biết hay không biết không
phải vì tên gọi, cũng tức là khái niệm, mà phải lấy hiện thực làm chuẩn. Vì vậy, mối
quan hệ giữa danh và thực của ông trái với Khổng Tử: ông lấy hiện thực làm chuẩn
đặt tên, bác bỏ ý kiến lấy hiện thực đã qua để gọi cái đang có. Mặc Tử có quan điểm
tiến bộ hơn Khổng Tử: ông có quan điểm biện chứng đối với sự biến đổi nghĩa của

tên gọi: “Lời nói có thể biến đổi là việc thường thấy, không đổi là việc không

18


thường thấy, coi không đổi chỉ là thường thấy chỉ là nói càn” [trích theo 36, tr.44].
Xung quanh mối quan hệ giữa danh và thực, Lão Tử có quan điểm khác xa hai quan
điểm trên. Ông cho rằng mọi hiện tượng đều bắt nguồn từ đạo song ông nghi ngờ
khả năng diễn đạt cái đạo ấy ra lời, ra tên gọi. Lời nói theo ông là những hình ảnh
giả hoặc hư ảo: “người biết không nói, người nói không biết (Chương 46)” [trích
theo 36, tr.46 ]. Huệ Thi (370-310 TCN) cho rằng giữa tên gọi khác nhau và hiện
thực khác nhau tương đối. Còn Công Tôn Long (320- 250 TCN) mở rộng nội dung
và phạm vi của thuyết chính danh. Theo ông: “tên gọi mà đúng thì nó chỉ thuộc về
cái này, cái kia mà thôi. Gọi cái kia mà cái kia không phải là cái kia, thì tên gọi cái
kia không ổn; gọi cái này mà cái này không phải chỉ là cái này thì tên gọi cái này
không ổn” [trích theo 36, tr. 49]. Công Tôn Long là người phân biệt sớm nhất tên
gọi (danh), sự vật (vật), và chỉ. Tên gọi là cái mà ngày nay ta thường gọi là từ còn
vật tương đương với biểu vật (denotative) hay quy chiếu (reference) hoặc là ý nghĩa
(meaning). Từ đó ông tách rời thuộc tính khỏi sự vật, cho rằng thuộc tính và sự vật
không có gì gắn bó với nhau.
Như vậy, tư tưởng triết học về ngôn ngữ ở Trung Quốc cổ đại tương đối mờ
nhạt. Họ không bàn đến vấn đề nguồn gốc ngôn ngữ và mối quan hệ giữa từ và
nghĩa của từ ở khía cạnh bản thể luận như ở phương Tây. Ở Trung Quốc, mối quan
hệ giữa tên gọi và sự vật, giữa ngôn ngữ và thế giới cho thấy nguồn gốc của tên gọi
là hiện thực, phản ánh hiện thực nhưng gắn liền với đạo đức con người. Tên gọi và
hiện thực, lời nói và tư tưởng là những phạm trù khác nhau. Tuy nhiên, sau đó, ở
Trung Quốc, các vấn đề này không được đề cập đến.
1.1.2.2. Thời kì Trung cổ
Triết học thời Trung cổ ở phương Tây kéo dài 1000 năm, từ thế kỷ thứ V đến
thế kỷ XV sau CN với đặc trưng là sự thống trị của tôn giáo và nhà thờ. Nghiên cứu

ngôn ngữ tập trung trong các tu viện và trường học. Do vị trí quan trọng của tiếng
La Tinh, triết học Trung cổ tập trung nghiên cứu ngôn ngữ này. Họ coi trọng ngữ
pháp vì đó là một trong 7 ngành học cùng với: Logic học, Tu từ học, Âm nhạc, Số
học, Hình học và Thiên văn học. Việc giảng dạy ngữ pháp tiếng La Tinh rất được

19


coi trọng với mục đích chuẩn hóa và thực dụng. Tư tưởng triết học ngôn ngữ thời
Trung cổ bàn tới nhiều vấn đề, đặc biệt là ngữ dụng và ngữ pháp phổ quát. Hệ vấn
đề ngôn ngữ tập trung vào ngữ pháp tiếng La tinh. Do vậy, thời kỳ này, các nhà triết
học coi ngữ pháp là “tấm gương phản ánh sự thật” [35, tr. 39], nghĩa là phản ánh
hiện thực. Con người có khả năng nhận thức thế giới thông qua ngôn ngữ là do các
từ vừa có mối liên hệ với tâm trí con người, vừa có mối liên hệ với sự vật mà nó
biểu hiện. Boethius (480-524), triết gia nổi tiếng thời kỳ này quan tâm đến các phổ
quát trong ngôn ngữ. Chẳng hạn như, các quan niệm về “tốt đẹp”, “con người”,
“đạo đức”... mang tính phổ quát, ngôn ngữ nào cũng có. Theo ông, ngữ nghĩa có
mối quan hệ mật thiết với tính chân thực, nghiên cứu về nghĩa từ phải nghiên cứu
nghĩa đó được vận dụng trong thực tế như thế nào. Điều này đặt ra một nhiệm vụ
mới cho ngành logic học và tâm lí học. Khi nghiên cứu ngôn ngữ con người phải
coi đối tượng nghiên cứu là con người thành một động vật có tư duy. Logic học cần
thâm nhập vào tất cả các ngành nghiên cứu khoa học kĩ thuật, bởi muốn mang tính
khoa học thì trước hết phải hợp với logic. Sau đó, Peter Helias (thế kỷ XII) với
phương pháp nghiên cứu logic hóa ngữ pháp. Thế kỷ XIII có ngữ pháp của Petrus
Hispanus nổi tiếng với bộ Summalae Logicales (Cương yếu logic) bàn về logic, ngữ
pháp và tâm lí. Theo ông, ngôn ngữ có ba mô hình tam diện: ý nghĩa, giả thiết và
tên gọi. Quan niệm này ảnh hưởng tới trường phái Modestae. Phái này cho rằng
ngôn ngữ xuất hiện do thói quen và là sản phẩm xã hội và không có mối liên hệ tất
yếu nội tại giữa hình thức và ý nghĩa của từ. Kết cấu ngôn ngữ có cũng giống như
tự nhiên đều có các qui luật. Ngôn ngữ và thế giới tự nhiên đều có hệ thống của

riêng chúng, đều do một bộ phận hữu hạn các đơn vị tổ hợp thành vô số các đơn vị
khác dựa trên cơ sở một số quy tắc hữu hạn. Chính từ những quy tắc trên, chúng ta
mới có thể nhận biết thế giới, mới có thể biên soạn ngữ pháp. Họ cho rằng nếu có
thể chứng minh giữa các quy tắc của thế giới tự nhiên và các quy tắc nội tại của
ngôn ngữ có một mối liên hệ nhất định nào đó thì sẽ có thể giải thích được các hiện
tượng ngôn ngữ. Từ đó, họ phân định các từ loại, xem xét các chức năng cơ bản của
từ loại. Về phương diện cú pháp, trường phái này gần với Aristotles, cho rằng câu

20


được xác lập theo bốn đặc trưng: Vật chất, Hình thức, Động lực, Mục đích. Bên
cạnh đó phải tính đến các đặc trưng thứ cấp như khả năng của các từ loại, các biến
đổi tình thái, các khả năng kết hợp. Trong câu, cấu trúc căn bản nhất là đối lập
danh- động, còn các cấu trúc khác chỉ có tính chất phụ thuộc.
Ở thời đại Trung cổ, các nhà nghiên cứu đã rất quan tâm đến sự tinh tế của
ngôn ngữ và cách sử dụng nó. Họ coi logic học cũng là một “khoa học về ngôn
ngữ”, và dự đoán nhiều vấn đề thú vị nhất của triết học ngôn ngữ hiện đại, bao gồm
cả các hiện tượng mơ hồ và tính nhập nhằng về nghĩa, giải thích nghĩa của một từ
trong một ngữ cảnh cụ thể, cùng với sự nghiên cứu về các từ và thuật ngữ minh
bạch và không minh bạch.
Thời kỳ này, hệ vấn đề ngôn ngữ dựa trên cơ sở của cuộc tranh luận giữa phái
duy danh và phái duy thực. Phái duy danh cho rằng từ chỉ tên gọi được đặt ra một
cách quy ước. Còn phái duy thực thì cho rằng từ được sinh ra từ ý niệm, mà ý niệm
là cái tồn tại trước tất cả mọi vật. Ta thấy rằng, phái duy thực phát triển quan điểm
duy tâm của Platon, còn phái duy danh phát triển quan điểm duy vật của Aristotles.
1.1.2.3. Thời kì Phục hưng và Cận đại từ thế kỷ XVI-nửa đầu thế kỷ XIX
Bước sang thời kỳ Phục hưng từ thế kỷ XV đến XVI, là thời kỳ quá độ từ chế
độ phong kiến sang chế độ tư bản, thời kỳ dấy lên ý thức dân tộc, dấy lên lòng tin
tưởng ở khả năng không giới hạn của con người, ở lí trí của con người. Triết học

thời kỳ Phục hưng chống lại tư tưởng Cơ đốc giáo và chủ nghĩa kinh viện thời trung
cổ. Nghiên cứu ngôn ngữ ở những vấn đề chính sau: sự hình thành ngôn ngữ dân
tộc và sự bảo vệ nó, các chuẩn mực của ngôn ngữ văn học dân tộc, việc biên soạn
ngữ pháp và việc miêu tả các mặt khác của tiếng La tinh, tiếng Hi Lạp...
Trải qua thời kỳ Phục hưng, chuyển sang thời Cận đại, đặc biệt là ở thế kỉ
XVII, ngôn ngữ học chịu ảnh hưởng quan điểm kinh nghiệm chủ nghĩa của Francis
Bacon (1561-1626), nhà triết người Anh, quan điểm duy lí của R. Descartes (15961650) nhà triết học người Pháp, đề cao lí trí và phương pháp diễn dịch và tư tưởng
của Leibniz, nhà triết học và toán học người Đức.
F. Bacon nhấn mạnh kinh nghiệm cảm giác, cho rằng tất cả mọi ngôn ngữ đều

21


×