1. Cảm nghĩ về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
2. Bài làm:
Có những nốt nhạc trầm ngâm đến gần như câm lặng nhưng lại mang đến cho người nghe
những ý vị sâu sắc và tạo nên nhiều tiếng vang. Có những con người thầm lặng vô danh nhưng
lại được hiểu rất nhiều. Anh thanh niên trẻ bước vào những trang viết trong truyện ngắn Lặng
lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long với công việc lặng lẽ khiến ta hiểu sâu về anh để quý trọng
và yêu mến anh, nhưng đồng thời cũng cho chúng ta những suy nghĩ sâu xa.
Trước hết, đọc tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, người đọc cảm nhận sâu sắc
hình ảnh anh thanh niên trẻ say mê lao động, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc khiến
mỗi chúng ta trân trọng và cảm phục. Từ giã cuộc sống đô thị, nơi xa hoa, lộng lẫy, anh thanh
niên trẻ tình nguyện trở về quê hương - mảnh đất Sa Pa, lên đỉnh Yên Sơn lạnh giá làm việc.
Anh làm công tác khí tượng thuỷ văn kiêm vật lý địa cầu, quanh năm vắng bóng âm thanh của
con người. Chỉ nói về mình vẻn vẹn có năm phút, một cách rất khiêm tốn, anh đã cho chúng ta
hiểu hết sự gian khổ của công việc anh làm: Công việc nói chung cũng dễ, chỉ cần chính xác.
Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy.
Nửa đêm đang nằm trong chăn nghe chuông đồng hồ chỉ muốn tắt đi... Xách đèn ra vườn, gió
tuyết và lặng yên ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra ào ào xô tới. Anh đã không bỏ qua,
không chậm trễ một lần nào dẫu ban ngày hay ban đêm, khi gió lớn hay tuyết rơi. Bởi trong anh
đã ý thức được công việc của mình rất rành rọt, dứt khoát. Chúng ta thật xác động khi đọc
những dòng suy nghĩ của anh:
Mình sinh ra là gì. Mình đẻ ở đâu. Mình vì ai mà làm việc.
Trong dòng suy nghĩ ấy thực chất là ý thức trách nhiệm. Nguyễn Thành Long thật sâu sắc khi
đưa dòng suy nghĩ này đặt vào tâm lý của anh, để anh tự khẳng định chính mình. Anh hiểu
được rằng mỗi việc làm của anh là một mắt xích quan trọng trong cái chuỗi công việc chung
của nhiều người, của mọi người. Thiếu một lượng thông tin chỉ từ cái đài quan sát của anh, biết
đâu việc dự báo thời tiết cho cả một huyện, một tỉnh, một vùng, chả vì thế mà kém chính xác đi,
hoặc còn tệ hơn sai lệch đi?
Đã bấy lâu nay, công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, ghi chép rồi gọi về máy bộ đàm,
báo cáo về trung tâm. Công việc của anh âm thầm lặng lẽ tưởng chừng như cô đơn nhưng anh
vẫn khẳng định:
Khi làm việc ta với công việc là đôi, sao lại gọi là một mình được?
Đó là lời tâm sự của anh với ông họa sĩ già. Phải chăng trong lời nói ấy chứa đựng bao nhiêu
tình yêu, niềm say mê với công việc. Con người thật sự không cô đơn bởi trong con người với
công việc là một. Anh thanh niên - một con người vô danh nhưng thực là một con người với
mọi ý nghĩa tốt đẹp của danh từ ấy, bởi anh đã sống với ý thức trách nhiệm đầy đủ của một con
người.
Công việc của cháy vất vả thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất (lời anh thanh niên với
ông họa sĩ già). Thế mới biết công việc đối với anh là quan trọng nhất. Nó là nguồn sống,
nguồn hạnh phúc của anh, là cái đích anh vươn tới bấy lâu nay. Nguyễn Thanh Long đã dùng
mấy trang viết để diễn tả niềm say mê công việc của anh? Không! Chỉ vài dòng ngắn ngủi ông
đã diễn tả rõ điều đó. Vượt qua tất cả khó khăn anh vẫn cống hiến "một giờ sáng đi ốp". Và để
rồi chính anh là người góp phần làm nên chiến thắng, nhờ việc phát hiện ra đám mây khô mà
anh đã giúp quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng. Có lẽ sẽ chẳng có ai
vui mừng bằng anh, nó (chiến thắng ấy) đã là động lực để anh làm việc.
Phải chăng Nguyễn Thành Long đã khắc họa tên anh bằng cả tâm huyết, bằng cả sự cảm
phục, đậm nét. Anh chính là hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam đang say mê lao động xây dựng đất
nước, là tấm gương cho mỗi chúng ta học tập, noi theo.
Anh là một con người mà trong lòng luôn rực rỡ một khát vọng: Sống đẹp, sống có ý nghĩa,
sống có ích cho đất nước, cho mọi người. Ở anh toát lên một lối sống giản dị yêu đời tâm hồn
trong sáng và trái tim giàu tình yêu thương. Có trách nhiệm đối với mọi người, với công việc
anh cũng sống trách nhiệm, với chình mình không buông thả. Chính ông họa sĩ cũng đã nghị:
Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước, dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn.
Nhưng không! Cuộc sống của anh thật giản dị, gọn gàng và sạch sẻ. Tất cả thu gọn trong một
góc trái gian nhà với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Chẳng cần tìm hiểu
sâu thêm, chỉ càn dừng ngay trước nơi anh làm việc cũng đủ để ta thêm yêu mến, quý trọng
anh. Nếp sống hằng ngày của anh tổ chức có nề nếp: Ăn, ngủ, làm việc và đọc sách. Anh
chẳng khác nào một người đang sống giữa xã hội chứ không phải sống một mình cô đơn. Sống
như thế không phải là dễ nhưng đó thực sự là sống đẹp. Cái đẹp ấy không bắt nguồn từ ham
muốn giả tạo mà bắt nguồn từ bản chất tâm hồn đẹp.
Sống ở vị trí cô độc nhất thế gian, nhưng anh không buồn, không chán nản. Anh vẫn ham học
tập, đọc sách, trồng hoa, nuôi gà. Anh lấy nó làm nguồn vui và cũng là để tăng thêm sự hiểu
biết.
Thật là đầy ý nghĩa khi tác giả đưa vào truyện ngắn chi tiết về vườn hoa của chàng trai với bao
nhiêu hoa lay đơn, thược dược... Đó không chỉ là hoa của thiên nhiên, đó còn là cái gì tốt đẹp
nhất của cuộc đời, đó chính là tâm hồn anh. Và chính anh đã hào phóng tặng nó cho mọi
người, cho ông họa sĩ, cho cô kĩ sư... Từ chi tiết ấy như toát lên một triết lý sống: hãy sống tốt
đẹp, hãy đến với cuộc sống, đến với mọi người bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình.
Trong sự cô độc nơi làm việc, tâm hồn anh gần gũi con người biết chừng nào, ấm áp biết
chừng nào. Anh luôn khao khát được gặp gỡ với mọi người: Bác lái xe đã xử sự rất đúng khi
đặt ra thành lệ việc ngừng xe lại nửa giờ nơi đỉnh núi cao để thoả mãn nguyện vọng của anh,
nhưng cũng là để được gặp gỡ và tỏ lòng yêu mến một tâm hồn trong sáng như anh. Anh luôn
quan tâm đến mọi người. Anh trao gói tam thất cho bác lái xe rất chu đáo chỉ vì hôm qua bác
chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì? Thái độ ấy, tình cảm ấy còn được bộc lộ ở sự hiếu khách
của anh. Anh đã tiếp đón ông họa sĩ giá và cô gái rất chân thành tự nhiên. Anh chân tình quan
tâm đến niềm vui và hạnh phúc của người khác. Anh hồ hởi và thích giao tiếp, anh nói những
điều người ta ít nghĩ. Từng giấy phút trò chuyện đối với anh là quý giá biết bao nhiêu. Bởi lúc ấy
anh thổ lộ những gì sâu kín trong lòng. Mà chình những lời bộc bạch ấy lại gây ấn tượng cho
người đọc.
Ta hãy xem anh khiêm tốn biết bao: Chỉ nói về mình có năm phút trong tổng số ba mươi phút
gặp gỡ nhưng anh lại để lại ấn tượng khó quên. Nói về mình đã ít mà cách nói cũng hết sức
nhẹ nhàng. Anh cho rằng những gì anh làm đâu có đáng gì so với mọi người khác như bác kỹ
sư su hào, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét mà trong hoàn cảnh tiếp hai người khách xa tới
thì anh hoàn toàn có thể khoa trương cường điệu. Nhưng anh đã không làm vậy. Anh từ chối
ông họa sĩ vẽ mình và chân thành giới thiệu bao nhiêu người đáng vẽ hơn anh: Ông kĩ sư su
hào, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét...
Chính cuộc sống của anh đã gợi ra một âm vang cho mỗi thế hệ trẻ sau này. Anh là tấm gương
tiêu biểu cho hình tượng con người mới Việt Nam đang đi xây dựng đất nước với lối sống đầy
tình cảm. Chính điều đó đã tạo cho chúng ta lòng tin yêu vào chế độ mới, cuộc sống mới. Phải
chăng anh chính là Mai An Tiêm trong thời đại ngày nay.
Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một hình tượng
điểm hình cho thế hệ trẻ Việt Nam đang xây dựng đất nước. Một con người với lý tưởng cao
đẹp: Sống và cống hiến... Anh là tấm gương cho chúng ta học tập, noi theo. Và khúc ca của
thanh Hải chợt vọng lại trong lòng chúng ta Một mùa xuân nho nhỏ - Lặng lẽ dâng cho đời...