Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (41 KB, 2 trang )
Hịch là thể văn được viết nhằm nêu cao chính nghĩa của một cuộc hành binh, động viên tinh thần chiến
đấu của tướng sĩ, thường ngắn gọn. Bài hịch của Trần Quốc Tuấn khá dài, pha trộn miêu tả, tự sự, nghị
luận, giọng văn thiết tha, sôi nổi, tác động sâu sắc đến lý trí và tình cảm của người đọc, người nghe. Nên
chú ý, đây vừa là bài hịch lại vừa là bài tựa (bài mở đầu, lời nói đầu) cho một cuốn binh pháp (cũng do
Trần Quốc Tuấn soạn thảo để huấn luyện tướng sĩ) nhan đề là Binh gia điệu lý yếu lược, ta thường quen
gọi là Binh thư yếu lược. Vì vậy, về hình thức kết cấu, không nên so sánh với các bài hịch khác (của Việt
Nam hoặc của Trung Quốc) để đi tới những nhận định về văn thể.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, bài hịch được viết vào khoảng trước cuộc xâm lăng lần thứ hai của quân
Nguyên Mông (1285). Đại Việt sử ký toàn thư - bộ sử hoàn chỉnh khá cổ còn lại tới nay ghi rõ: đó là bài
hịch hiểu dụ các tỳ tướng. Trong Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích (1744 - 1818), khi chép bài
hịch này cũng ghi tiêu đề là Dụ chư tỳ tướng hịch văn. Giữa tỳ tướng (các sĩ quan cấp dưới giúp việc cho
chủ tướng) với tướng sĩ nói chung (toàn thể lực lượng vũ trang) có một sự khác biệt về phạm vi và cấp
độ. Nội dung bài hịch, những từ xưng hô (dư: ta; nhữ đẳng: các người...) đều là những minh chứng có thể
giúp chúng ta xác định, trước tiên đây là bài hịch Trần Quốc Tuấn viết để động viên, giáo dục các viên
chỉ huy cấp dưới trong lực lượng vũ trang của riêng mình (theo binh chế đời Trần). Về sau, cùng với việc
Trần Quốc Tuấn được phong làm Quốc công Tiết chế, nắm quyền chỉ huy toàn bộ lực lượng vũ trang của
vương triều Trần và do giá trị đích thân của bài hịch, văn bản lịch sử này mới trở thành lời kêu gọi, động
viên, giáo dục toàn quân. Vì vậy, tiêu đề cần ghi rõ là Dụ chư tỳ tướng hịch văn (Bài hiểu dụ các tỳ
tướng). Nêu rõ ý nghĩa của hai chữ tỳ tướng có thể giúp người học hiểu thêm về tổ chức lực lượng vũ
trang thời Trần và ý nghĩa lịch sử của bài hịch.
Tìm hiểu các đoạn trích giảng mà ở trường phổ thông thường căn cứ theo bản dịch có một số từ ngữ cần
chú ý khai thác, đối chiếu với nguyên văn chữ Hán để triển khai bình giá. Thí dụ: ngó thấy sứ giặc...
nguyên văn là thiết kiến - nhìn trộm, ý vị nhục nhã chua cay tăng lên gấp bội; câu Thật khác nào ném thịt
cho hổ đói, sao cho khỏi gây tai vạ về sau! dịch như vậy khó hiểu, quan hệ logic không rõ ràng, đặc biệt
là mấy từ sao cho khỏi... . Căn cứ vào nguyên văn, nên hiểu là: ví như ném thịt cho hổ đói sao tránh khỏi
để tai họa cho mai sau (vì lòng tham của giặc là không đáy, cung phụng bao nhiêu cho đủ? Cứ nhẫn nhịn
chịu cung phụng mãi, rốt cục chúng vẫn không vừa ý, vẫn cứ quay lại hại ta!). Câu: làm tướng triều đình
phải hầu quân giặc mà không biết tức..., so với nguyên văn sức khơi gợi suy nghĩ giảm nhiều, vì trong
nguyên văn đã dùng mấy chữ bang quốc chi tướng, thị lập (đứng hầu) di tù (bọn tù trưởng mọi rợ): làm
tướng nước nhà mà phải đứng hầu bọn tù trưởng mọi rợ, rõ ràng là bang quốc khác với triều đình; một
đằng là cấp trung ương, một đằng là cấp địa phương (quốc cũng có nghĩa là một địa phương, một vùng.