Thanh tra giám sát theo mô hình CAMELS: Có thể áp dụng đầy đủ từ năm
2015
Ưu điểm của mô hình CAMELS là các tiêu chí đánh giá năng lực và tình hình tài chính được định
lượng và áp dụng đồng nhất với tất cả các ngân hàng. Cùng với đó, việc đánh giá hiệu quả và mức
độ rủi ro của một TCTD có thể dễ dàng thực hiện qua các việc xếp hạng/đánh giá trong nhiều thời
kỳ liên tiếp và dưới cùng những chỉ tiêu thống nhất.
Ảnh minh họa
Thực tiễn cũng như dự báo cho thấy, các áp lực, khủng hoảng trong hệ thống tài chính ngân hàng
có thể dẫn đến những xáo trộn lớn về kinh tế, chính trị, thậm chí chủ quyền quốc gia. Trong bối
cảnh đó, vấn đề quản lý tốt thanh tra, giám sát (TTGS) hoạt động của hệ thống tài chính ngân
hàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trên thế giới hiện có nhiều mô hình được sử dụng trong công tác TTGS hệ thống ngân hàng,
nhưng CAMELS là mô hình được nhiều NHTW các nước áp dụng. Trong Dự án “Xây dựng hệ
thống thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát từ xa” mà Cơ quan TTGS (NHNN) đang triển khai
cũng dự kiến áp dụng hệ thống chấm điểm và xếp hạng TCTD theo mô hình này.
Mô hình CAMELS là gì?
CAMELS là viết tắt của các từ tiếng Anh gồm: C=Capital (Vốn); A=Asset Quality (Chất lượng
tài sản có); M=Management (Quản lý); E=Earnings (Lợi nhuận); L=Liquidity (Thanh khoản);
S=Sensitivity to market risk (Độ nhạy cảm với rủi ro thị trường).
Mỗi cấu phần trong mô hình CAMELS sử dụng một hệ thống tính điểm từ 1 tới 5, gồm: Rating
1: mức thẩm định cao nhất với kết quả thanh tra rất tốt; Rating 2: mức thẩm định hài lòng với
một vài sai phạm (exceptions) không đáng kể; Rating 3: Thẩm định dưới mức hài lòng và kết quả
thanh tra đưa ra một vài lo ngại; Rating 4: Kết quả thanh tra đưa ra những lo ngại nghiêm trọng
mà cơ quan thanh tra sẽ theo dõi đặc biệt; Rating 5: Ngân hàng có những vấn đề rất nghiêm
trọng và cần có sự chỉnh đốn tức thời. Tất cả những điểm/ xếp hạng của những cấu phần trên sẽ
được cộng lại và đưa ra điểm tổng hợp rủi ro (Composite rating).
Dựa vào xếp hạng của CAMELS, Cơ quan TTGS sẽ đưa ra kết luận thanh tra tương ứng. Cụ thể,
trong trường hợp có điểm tổng hợp 1 và 2, thanh tra chỉ đưa ra những điểm cần phải lưu ý liên
quan đến một vài cấu phần đáng quan tâm. Trong trường hợp có điểm tổng hợp 3, thanh tra sẽ
đưa ra những khuyến nghị điều chỉnh cho những cấu phần có điểm thấp dưới 2. Nếu có điểm
tổng hợp 4, thanh tra có thể đưa ra những kế hoạch xử lý cụ thể (enforcement actions), thường là
những lệnh ngưng hoạt động có điều kiện (cease & desist order) trong một thời hạn nào đó nếu
các sai phạm không được chỉnh sửa. Đặc biệt, trong trường hợp có điểm tổng hợp 5 thì thanh tra
có thể đưa ra cảnh cáo sẽ ra lệnh ngưng hoạt động toàn diện đối với TCTD đó.
Một điểm rất đáng lưu ý là các NHTW áp dụng CAMELS tỏ ra rất khắt khe với các ngân hàng
nằm trong sự quản lý của họ và đòi hỏi các ngân hàng bị thanh tra phải có mức điểm 1 hay 2.
Các ngân hàng có mức điểm 3-5 được xem là dưới chuẩn và phải thực hiện những chấn chỉnh
theo khuyến nghị của NHTW. Với những ngân hàng được xếp hạng 5, NHTW sẽ theo dõi thường
xuyên hoạt động của họ và có thể trở lại thanh tra toàn diện hay từng phần bất cứ lúc nào. Đặc
biệt, những ngân hàng trong nhóm này mà vốn chủ sở hữu bị xếp loại “thiếu vốn trầm trọng ”
(critically undercapitalized) thì sẽ bị đặt vào tình trạng báo động và cơ quan quản lý có thể đóng
cửa ngân hàng bất cứ lúc nào nếu nguồn vốn không được bổ sung.
Lộ trình áp dụng tại Việt Nam
Ưu điểm của mô hình CAMELS là các tiêu chí đánh giá năng lực và tình hình tài chính được
định lượng và áp dụng đồng nhất với tất cả các ngân hàng. Cùng với đó, việc đánh giá hiệu quả
và mức độ rủi ro của một TCTD có thể dễ dàng thực hiện qua các việc xếp hạng/đánh giá trong
nhiều thời kỳ liên tiếp và dưới cùng những chỉ tiêu thống nhất. Đồng thời, mô hình này ngoài
việc giúp các TCTD chỉnh sửa những sai phạm (nếu có), còn giúp họ tập trung vào việc nâng cao
mức xếp hạng/đánh giá tổng thể và dưới các chỉ tiêu chính.
Hơn thế nữa, việc lượng hóa các đánh giá theo mô hình này có tính khách quan cao và dễ dàng
tiếp thu mặc dù việc xếp hạng/đánh giá ít nhiều vẫn dựa vào những nhận định chủ quan của
thanh tra ngân hàng.
Việc ngay lập tức áp dụng mô hình CAMELS trong công tác TTGS tại Việt Nam hiện nay có thể
sẽ gặp phải một số khó khăn do thông tin và hệ thống sổ sách của các TCTD Việt Nam chưa đủ
dữ liệu tin cậy để áp dụng những chuẩn mực quốc tế. Chuẩn mực kế toán của Việt Nam cũng
chưa hòa nhập hoàn toàn với các chuẩn mực quốc tế để các báo cáo tài chính theo đúng thông lệ.
Cụ thể như việc bán nợ xấu hay tái cơ cấu nợ xấu của các TCTD tại Việt Nam hiện chưa được
được hạch toán phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cho việc chẩn đoán nợ xấu cũng như đánh giá
tình hình tài chính dưới các chuẩn mực CAMELS không chính xác…
Như vậy, muốn áp dụng được mô hình này cần có 6 điều kiện cần và đủ sau:
1/ Cần nâng cao tính minh bạch và chính xác trong các báo cáo tài chính của các TCTD.
2/ Cần điều chỉnh một số chuẩn mực kế toán của Việt Nam cho phù hợp với các nguyên tắc hạch
toán và kế toán theo chuẩn mực quốc tế.
3/ Cần tái huấn luyện và tăng cường bộ phận TTGS của Cơ quan TTGS theo những chuẩn mực
mới. Theo nhận định cá nhân, với số lượng trên 100 TCTD hiện nay, lực lượng TTGS đang quá
mỏng. Ít nhất cần tăng gấp đôi số lượng cán bộ thanh tra hiện nay - cùng với việc nâng cao chất
lượng, trình độ và kinh nghiệm của các cán bộ thanh tra - để có thể đảm đương được công tác
này trên toàn hệ thống.
4/ Cần nâng cấp hệ thống và năng lực CNTT của bộ phận thanh tra của NHTN
5/ Cần công khai các báo cáo định kỳ (mỗi quý) của các TCTD qua cổng thông tin của NHNN và
6/ Cần cho phép nhiều tổ chức tư vấn trong nước và ngoài nước đánh giá và xếp hạng tín nhiệm
(credit ratings) các TCTD Việt Nam bên cạnh kết quả thanh tra của NHNN để công chúng có thể
đánh giá một TCTD dưới nhiều góc cạnh, chứ không phải chỉ dưới góc chuẩn mực của thanh tra
NHNN.
Để áp dụng mô hình này, có lẽ trong năm 2014 chúng ta cần cố gắng thực hiện những điều kiện
thuộc các bước từ 1 đến 4. Qua năm 2015, thực hiện các bước 5 và 6 để từ đó hệ thống ngân
hàng có thể áp dụng đầy đủ mô hình CAMELS.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng
/>