Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

chuyên đề địa lí hướng dẫn trả lời dạng câu hỏi giải thích

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (186.7 KB, 15 trang )

HD trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài thi địa lí 12

Chuyên đề Địa lí:
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI DẠNG CÂU HỎI GIẢI THÍCH
TRONG LÀM BÀI THI ĐỊA LÍ LỚP 12

Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng
Giáo viên trường: THPT Quang Hà
Đối tượng bồi dưỡng: Học sinh lớp 12

Số tiết dự kiến: 04 tiết

95


96

LỜI NÓI ĐẦU
Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông báo về khung cấu trúc đề thi
cũng như hình thức thi của các môn thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao
đẳng. Năm học 2008 – 2009 là năm học đầu tiên học sinh tham dự các kì thi (tốt
nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng) theo chương trình và sách giáo
khoa mới (ban Chuẩn và ban Nâng cao). Điều đó chắc chắn dẫn tới những khó
khăn nhất định, đặc biệt trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trước bối
cảnh đó, chuyên đề “Hướng dẫn trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài
thi địa lí lớp 12” nhằm giúp học sinh có điều kiện tốt hơn trong việc ôn tập,
củng cố kiến thức và đặc biệt là rèn kỹ năng làm bài, giải quyết các câu hỏi, các
vấn đề được đặt ra trong quá trình làm bài của học sinh.
Chuyên đề bao gồm các nội dung liên quan đến một trong những dạng câu
hỏi khó, thường gặp trong các đề tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Địa lí,
đến việc hướng dẫn ôn luyện hệ thống kiến thức, kỹ năng cơ bản trong


quá trình làm bài của học sinh. Thông qua việc tổng kết các đề thi tuyển
sinh đại học, cao đẳng môn Địa lí trong nhiều năm kết hợp với kinh
nghiệm thực tế bản thân và tham khảo một số tài liệu, tác giả hi vọng rằng
chuyên đề nhỏ bé này sẽ giúp các em học sinh hứng thú hơn và được bổ
sung thêm kiến thức, kỹ năng làm bài trước mùa tuyển sinh đại học, cao
đẳng sắp tới cũng như trong quá trình học tập môn Địa lí.
Trong quá trình viết, do thời gian có hạn, bản thân còn phải học hỏi nhiều
nên chuyên đề không thể tránh khỏi những thiếu xót, tác giả mong muốn đón
nhận được những góp ý chân thành từ các thầy cô để chuyên đề được hoàn thiện
hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Tiến Dũng


HD trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài thi địa lí 12

PHẦN I: CÁC CÂU HỎI DẠNG GIẢI THÍCH THƯỜNG GẶP TRONG
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG MÔN ĐỊA LÍ VÀ
HƯỚNG DẪN CÁCH GIẢI
I. YÊU CẦU KHI TRẢ LỜI DẠNG CÂU HỎI GIẢI THÍCH.

Dạng câu hỏi giải thích thường xuyên xuất hiện trong các đề thi tuyển
sinh đại học, cao đẳng. Đây là một dạng câu hỏi khó, đòi hỏi thí sinh không chỉ
nắm vững kiến thức cơ bản, mà còn phải biết vận dụng chúng để giải thích một
hiện tượng địa lí (tự nhiên hoặc kinh tế - xã hội).
Muốn trả lời được câu hỏi này, yêu cầu thí sinh phải:
- Có nền tảng kiến thức cơ bản trong chương trình và sách giáo khoa thật
vững (chủ yếu là địa lí 12), có khả năng tìm mối liên hệ giữa các kiến thức với
nhau và hiểu được bản chất của kiến thức đó.

- Tìm mối liên hệ giữa các hiện tượng địa lí theo yêu cầu câu hỏi. Việc có
được. kiến thức cơ bản mới chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Các hiện tượng
địa lí luôn có các mối liên hệ qua lại với nhau, trong đó có mối liên hệ nhân quả.
- Biết cách khái quát các kiến thức liên quan đến câu hỏi và mối liên hệ
của chúng để tìm ra nguyên nhân. Đây là khâu mấu chốt, ảnh hưởng trực tiếp
đến chất lượng bài thi.
II. PHÂN LOẠI DẠNG CÂU HỎI GIẢI THÍCH.

Các câu hỏi thuộc dạng giải thích rất dễ nhận biết. Việc phân loại các câu
hỏi chỉ mang tính chất tương đối nhằm giúp thí sinh nhanh chóng nhận dạng câu
hỏi để từ đó chọn cách giải phù hợp.
Nếu lấy tiêu chí phân loại là cách giải thì có thể chia các câu hỏi thành 2
loại:
1. Loại câu hỏi có cách giải theo mẫu cố định.
Loại câu hỏi này liên quan chủ yếu đến phần Địa lí kinh tế - xã hội Việt
Nam. Có 2 mẫu là mẫu nguồn lực và mẫu khái niệm. Dưới đây là một số ví dụ
minh họa:
* Các câu hỏi có cách giải theo mẫu nguồn lực:
Tại sao Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm số một về
lương thực, thực phẩm của nước ta?
Tại sao Đồng bằng sông Hồng là nơi dân cư tập trung đông đúc nhất?
Tại sao trong những năm gần đây, ngành thủy sản của nước ta lại phát
triển mạnh mẽ?
* Các câu hỏi có cách giải theo mẫu khái niệm:
Tại sao công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm là ngành công
nghiệp trọng điểm của nước ta hiện nay?
Tại sao công nghiệp điện lực là ngành công nghiệp trọng điểm của nước
ta hiện nay?
Tại sao TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông lớn nhất của nước ta?
2. Loại câu hỏi không theo mẫu cố định.

Đây là loại câu hỏi chủ yếu liên quan đến cả phần Địa lí tự nhiên và phần
Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam. Đối với loại câu hỏi này, cần phải vận dụng
kiến thức đã học, tìm mối liên hệ để phát hiện ra nguyên nhân. Cần lưu ý rằng

97


98

cách giải không theo một mẫu nào cả nên đòi hỏi sự nhanh nhạy, linh hoạt trong
tư duy của học sinh trên sơ sở kiến thức đã có. Có thể đưa ra một vài ví dụ minh
họa sau:
Tại sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?
Tại sao thiên nhiên của nước ta có sự phân hóa đa dạng?
Tại sao đổi mới kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết của nước ta trong giai
đoạn hiện nay?
Tại sao dân số là một trong những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu ở
nước ta hiện nay?
III. HƯỚNG DẪN CÁCH GIẢI.

Mỗi loại câu hỏi thuộc dạng giải thích, về nguyên tắc có một cách giải
riêng. Căn cứ vào các phân loại trên, xin đưa ra cách giải đối với từng loại câu
hỏi cụ thể.
1. Loại câu hỏi có cách giải theo mẫu nguồn lực.
Loại câu hỏi này rất phổ biến và thường gặp trong các đề thi tuyển sinh.
Để trả lời cần phải dựa vào những kiến thức đã có về nguồn lực phát triển kinh
tế - xã hội. Nói cách khác là phải căn cứ vào nguồn lực để lí giải hiện tượng địa
lí kinh tế - xã hội mà câu hỏi đặt ra. Nguồn lực cũng có thể hiểu là điều kiện (tự
nhiên, kinh tế - xã hội) để phát triển.
Về lí thuyết, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bao gồm những thành

phần chủ yếu sau đây:
- Vị trí địa lí.
- Nguồn lực tự nhiên:
+ Địa hình.
+ Đất.
+ Khí hậu.
+ Thủy văn.
+ Sinh vật.
+ Khoáng sản.
- Nguồn lực kinh tế - xã hội:
+ Dân cư, lao động.
+ Cơ sở hạ tầng và vật chất – kĩ thuật.
+ Thị trường,
+ Đường lối, chính sách.
+ Các nguồn lực khác (vốn đầu tư, lịch sử khai thác lãnh thổ…).
Trên đây là mẫu tối đa về nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Việc
vận dụng mẫu này như thế nào lại phụ thuộc vào yêu cầu của từng câu hỏi.
Không phải bất cứ câu hỏi nào cũng đều được trình bày theo trình tự như vậy.
Về nguyên tắc, việc giải thích nên tiến hành tuần tự theo mức độ quan trọng của
từng nguồn lực. Trên nền chung về vị trí địa lí, tự nhiên, kinh tế - xã hội, dựa
vào yêu cầu của câu hỏi thấy thành phần nào quan trọng nhất thì được trình bày
đầu tiên và cứ như thế cho đến thành phần cuối cùng. Những thành phần nào của
nguồn lực không liên quan đến câu hỏi thì không phải trình bày.

Nguyễn Tiến Dũng


HD trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài thi địa lí 12

Một điểm nữa cần lưu ý, khi đề cập đến nguồn lực là bao hàm cả thế

mạnh (thuận lợi) lẫn hạn chế (khó khăn). Tùy theo yêu cầu câu hỏi, có thể cần
hoặc không cần nêu hạn chế (khó khăn). Vấn đề theo chốt là ở chỗ phải nhạy
cảm và linh hoạt trong khi định hướng trả lời.
Ngoài ra, có thể có một số cách khác về phân loại nguồn lực (như nguồn
lực bên trong và nguồn lực bên ngoài…). Tuy nhiên, đối với loại câu hỏi có cách
giải theo mẫu nguồn lực, nên sử dụng cách phân loại như đã hướng dẫn ở trên.
2. Loại câu hỏi có cách giải theo mẫu khái niệm.
Trong các đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Địa lí, loại câu hỏi này
thường gắn với việc giải thích về ngành công nghiệp trọng điểm. Lí do đưa ra để
giải thích phải tìm trong khái niệm ngành công nghiệp trọng điểm.
Về lí thuyết, ngành công nghiệp trọng điểm phải là ngành:
- Có thế mạnh lâu dài (về tự nhiên, kinh tế - xã hội).
- Đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường.
- Có tác động mạnh mẽ đến việc phát triển các ngành kinh tế khác.
Ba đặc điểm nêu trên chính là các lí do để trả lời khi câu hỏi yêu cầu phải
giải thích tại sao một ngành công nghiệp nào đó lại là ngành trọng điểm. Tuy
nhiên, tùy theo từng ngành cần có sự linh hoạt khi dẫn ra các thế mạnh sao cho
phù hợp với yêu cầu câu hỏi.
Khi phân tích thế mạnh lâu dài đối với một ngành công nghiệp nào đó, về
cơ bản có thể vận dụng loại câu hỏi có cách giải theo mẫu nguồn lực. Thế mạnh
lâu dài thực chất chính là bộ phận quan trọng của nguồn lực (không đề cập đến
phần hạn chế hay khó khăn).
Đối với thế mạnh, cần phân tích cả thế mạnh về tự nhiên và thế mạnh về
kinh tế - xã hội. Tùy theo từng ngành cụ thể mà câu hỏi đưa ra để có thể lựa
chọn các thế mạnh sao cho phù hợp.
Về hai lí do tiếp theo, nhìn chung ít nội dung và đòi hỏi sự tổng hợp kiến
thức đã có của thí sinh. Đối với lí do đem lại hiệu quả cao, ngoài hiệu quả về
kinh tế cần phân tích cả hiệu quả về xã hội và môi trường trong chừng mực nhất
định.
* Ngoài câu hỏi có cách giải dựa vào khái niệm ngành công nghiệp trọng

điểm, có thể còn các câu hỏi mà cách giải theo mẫu khái niệm khác như đầu mối
giao thông…Về lí thuyết, các lí do nêu lên để giải thích cũng đều nằm trong
khái niệm này.
Ví dụ: Để trả lời câu hỏi giải thích tại sao TP Hồ Chí Minh là đầu mối
giao thông lớn nhất nước ta thì phải hiểu khái niệm đầu mối giao thông là gì.
Đầu mối giao thông là nơi có mặt của nhiều loại hình giao thông vận tải với
hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch và hệ thống cơ sở vật chất – kĩ thuật có
chất lượng phục vụ cho ngành này. Ngoài ra, cần chú ý đến vai trò to lớn của
TP. Hồ Chí Minh trong sự phân công lao động theo lãnh thổ của Nam Bộ nói
riêng và của cả nước nói chung. Từ những kiến thức nêu trên, có thể đưa ra 4 lí
do sau đây:
- Vai trò đặc biệt của TP Hồ Chí Minh.

99


100

- Có mặt tất cả các loại hình giao thông vận tải (đường ô tô, đường sắt,
đường sông, đường biển, đường hàng không).
- Tập trung các tuyến giao thông huyết mạch.
- Tập trung cơ sở vật chất – kĩ thuật khá hiện đại.
3. Loại câu hỏi có cách giải không theo mẫu cố định.
Loại câu hỏi này đôi khi vẫn gặp trong các đề thi tuyển sinh môn Địa lí.
Cái khó nhất của câu hỏi là ở chỗ cách giải không theo một mẫu nào cả. Tùy
theo yêu cầu của câu hỏi phải tìm ra cách lí giải sao cho thích hợp.
Do cách giải không có mẫu cố định nên không thể hướng dẫn cụ thể như
các loại câu hỏi có mẫu. Ở đây chỉ xin gợi ý quy trình giải loại câu hỏi này, gồm
3 bước sau đây:
- Bước một: Đọc kĩ câu hỏi để xem câu hỏi yêu cầu phải giải thích cái gì.

Việc đọc kĩ câu hỏi là tiền đề cho thí sinh có được định hướng trả lời.
- Bước hai: Tái hiện kiến thức có liên quan đến yêu cầu câu hỏi, sắp xếp
và tìm mối liên hệ giữa chúng với nhau. Đây là bước rất quan trọng nhằm giúp
thí sinh có được một dàn bài hợp lí với các ý chính phải trả lời.
- Bước ba: Đưa ra các lí do để giải thích theo yêu cầu câu hỏi.
Để thực hiện 3 bước nói trên cần vững kiến thức cơ bản, đồng thời lại
phải có sự linh hoạt. Xin nêu 2 thí dụ để minh họa (1 về địa lí tự nhiên và 1 về
địa lí kinh tế - xã hội) nhằm làm rõ quy trình để giải loại câu hỏi không có mẫu.
Đối với câu hỏi về địa lí tự nhiên “Tại sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm
gió mùa?” cần khẳng định rằng đây là câu hỏi không có mẫu cố định. Để trả lời,
phải tái hiện kiến thức đã học (bài 9 ban chuẩn hoặc bài 10 ban nâng cao). Đó
là vị trí nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc; chịu ảnh hưởng mạnh mẽ
của các khối khí hoạt động theo mùa với 2 mùa gió chính là gió mùa mùa đông
và gió mùa mùa hạ; các khối khí di chuyển qua biển (trong đó có Biển Đông)
mang đến cho nước ta lượng mưa lớn. Trên nền kiến thức đã tái hiện làm cơ sở,
chúng ta lần lượt đưa ra các lí do để giải thích khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của
nước ta.
Cũng tương tự với quy trình ấy đối với câu hỏi về địa lí kinh tế - xã hội
“Tại sao dân số là một trong những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu ở nước
ta hiện nay?”. Mấu chốt của câu hỏi là ở cụm từ “vấn đề được quan tâm hàng
đầu”. Tại sao lại như vậy? Theo quy trình, cần tái hiện kiến thức đã có (bài 16
ban chuẩn hoặc bài 21 ban nâng cao) liên quan đến đặc điểm dân số và phân bố
dân cư của nước ta. Các kiến thức cơ bản đó là: đông dân, nhiều thành phần dân
tộc, dân số tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ; phân bố chưa hợp lí. Trên cơ sở này,
có thể đưa ra 3 lí do chủ yếu: đặc điểm dân số của nước ta (đông, tăng nhanh,
dân số trẻ); đặc điểm phân bố (không đồng đều, chưa hợp lí) và hậu quả to lớn
của nó (đối với phát triển kinh tế, xã hội, tài nguyên môi trường).

Nguyễn Tiến Dũng



HD trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài thi địa lí 12

PHẦN II: HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI MỘT SỐ CÂU HỎI
DẠNG GIẢI THÍCH THƯỜNG GẶP TRONG MÔN ĐỊA LÍ LỚP 12
I. LOẠI CÂU HỎI GIẢI THÍCH THEO MẪU CỐ ĐỊNH.

1. Câu hỏi giải thích theo mẫu nguồn lực.
VD1. Giải thích tại sao Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công
nghiệp lớn nhất nước ta?
Hướng dẫn trả lời.
Để trả lời câu hỏi này, học sinh cần:
- Nhận định đây là dạng câu hỏi giải thích theo mẫu cố định nguồn lực.
- Nhớ lại mảng kiến thức về nguồn lực (tự nhiên và kinh tế - xã hội).
- Tái hiện lại kiến thức nguồn lực thuộc bài 25 (Ban cơ bản) hoặc bài 33
(Ban Nâng cao): Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp; bài 39 (Ban cơ bản) hoặc bài 53
(Ban Nâng cao): Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ để trả lời
như sau:
* Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước
ta vì:
- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:
+ Địa hình: Đồi lượn sóng, khá phẳng với độ cao trung bình từ 200 –
300m thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp tập trung trên quy mô lớn và áp
dụng cơ giới hóa.
+ Đất: Gồm 2 loại chính là đất xám bạc màu trên phù sa cổ và đất ba dan.
Đều là những loại đất thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp (DC).
+ Khí hậu: Cận xích đạo, ít có những biến động của thời tiết thích hợp cho
việc phát triển cây công nghiệp.
+ Nguồn nước: Khá phong phú với hệ thống sông Đồng Nai cung cấp
nước tưới cho các vùng chuyên canh cây công nghiệp.

- Điều kiện kinh tế - xã hội:
+ Nguồn lao động: Dồi dào, nhất là lao động lành nghề, có kinh nghiệm
và chuyên môn trong lĩnh vực trồng và chế biến cây công nghiệp.
+ Cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện nước…), cơ
sở vật chất kỹ thuật (cơ sở công nghiệp chế biến, thủy lợi…) phục vụ phát triển
cây công nghiệp có chất lượng và hoàn thiện nhất cả nước.
+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước.
+ Được sự quan tâm đầu tư, khuyến khích của vùng và của nhà nước.
+ Khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước lớn nhất cả nước tạo
điều kiện kích thích cây công nghiệp phát triển.
VD2. Tại sao trong những năm gần đây, ngành thủy sản của nước ta lại
phát triển mạnh mẽ?
Hướng dẫn trả lời.
Để trả lời câu hỏi này, học sinh cần:
- Nhận định đây là dạng câu hỏi giải thích theo mẫu cố định nguồn lực.
- Nhớ lại mảng kiến thức về nguồn lực (tự nhiên và kinh tế - xã hội).

101


102

- Tái hiện lại kiến thức nguồn lực thuộc bài 24 (Ban cơ bản) hoặc bài 32
(Ban Nâng cao): Vấn đề phát triển thủy sản và lâm nghiệp để trả lời như sau:
* Trong những năm gần đây, ngành thủy sản của nước ta phát triển mạnh
mẽ vì:
- ĐKTN:
+ Nước ta có vùng biển rộng lớn (khoảng 1 triệu km2) Đây là vùng biển
nhiệt đới với nhiệt độ trung bình năm cao (DC), thích hợp cho sự sinh trưởng và
phát triển của nhiều loài sinh vật biển. Biển nước ta giàu nguồn lợi hải sản với

tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9 – 4,0 triệu tấn, cho phép khai thác hàng năm
1,9 triệu tấn. Giới sinh vật biển đa dạng với hơn 2000 loài cá, 70 loài tôm, 50
loài cua và hàng nghìn loài nhuyễn thể khác…là cơ sở phát triển mạnh ngành
khai thác thủy sản.
+ Có 4 ngư trường trọng điểm: Hải Phòng - Quảng Ninh, Hoàng Sa Trường Sa, Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu, Minh Hải - Kiên
Giang.
+ Nước ta có đường bờ biển dài 3260km, dọc bờ biển có nhiều vũng,
vịnh, đầm phá, các cánh rừng ngập mặn có khả năng xây dựng các cảng cá và
nuôi trồng thủy hải sản.
Ngoài ra, còn có nhiều sông, suối, kênh rạch…có thể nuôi thả cá, tôm
nước ngọt. Năm 2005, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy hải sản khoảng trên
900 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL (trên 600 nghìn ha).
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời gian nắng trong năm lớn, biển
không bị đóng băng…tạo thuận lợi cho các tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản.
- ĐKKT – XH:
+ Đội ngũ ngư dân đông đảo, lành nghề trong việc ra khơi đánh bắt và
nuôi trồng thủy sản…
+ Các phương tiện đánh bắt, ngư cụ đang ngày càng được quan tâm đầu
tư hiện đại hơn, các dịch vụ thủy sản và công nghiệp chế biến cũng phát triển
mạnh.
+ Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước.
+ Chính sách khuyến khích của nhà nước…
VD3. Giải thích tại sao ĐBSH và vùng phụ cận có mức độ tập trung công
nghiệp vào loại cao nhất cả nước?
Hướng dẫn trả lời.
Để trả lời câu hỏi này, học sinh cần:
- Nhận định đây là dạng câu hỏi giải thích theo mẫu cố định nguồn lực.
- Nhớ lại mảng kiến thức về nguồn lực (tự nhiên và kinh tế - xã hội).
- Tái hiện lại kiến thức nguồn lực thuộc bài 33 (Ban cơ bản) hoặc bài 46
(Ban Nâng cao): Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở ĐBSH để trả lời như

sau:
* ĐBSH và vùng phụ cận có mức độ tập trung công nghiệp vào loại cao nhất
cả nước vì:

Nguyễn Tiến Dũng


HD trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài thi địa lí 12

- Vị trí địa lí thuận lợi: Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, giáp
TDMNBB, BTB, vịnh Bắc Bộ tạo thuận lợi trong việc mở rộng thị trường, trao
đổi hàng hóa, thu hút nguồn nguyên liệu, lao động…
- ĐKTN và TNTN:
+ Tài nguyên khoáng sản phong phú (DC), nhất là than tập trung chủ yếu
ở vùng phụ cận.
+ Nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp, ngư nghiệp dồi dào (DC) cung cấp
cho công nghiệp chế biến phát triển.
- ĐKKT – XH:
+ Nguồn lao động dồi dào, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao (DC).
+ Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật tốt (DC), có Hà Nội là thủ đô, trung
tâm kinh tế lớn của cả nước…
+ Thị trường rộng lớn và ngày càng mở rộng.
+ Chính sách quan tâm phát triển của nhà nước và của vùng.
+ Có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời…
2. Câu hỏi giải thích theo mẫu khái niệm.
VD1. Giải thích tại sao công nghiệp năng lượng là ngành công nghiệp trọng
điểm của nước ta?
Hướng dẫn trả lời.
Để trả lời câu hỏi này, học sinh cần:
- Nhận định đây là dạng câu hỏi giải thích theo mẫu cố định khái niệm.

- Nhớ lại mảng kiến thức về khái niệm ngành công nghiệp trọng điểm.
- Tái hiện lại kiến thức công nghiệp trọng điểm thuộc bài 27 (Ban cơ bản)
hoặc bài 35 (Ban Nâng cao): Vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng
điểm để trả lời như sau:
* Công nghiệp năng lượng là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta vì:
Khái niệm ngành công nghiệp trọng điểm: Công nghiệp trọng điểm là
ngành có thế mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và có tác
động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác.
- Công nghiệp năng lượng có thế mạnh lâu dài:
+ Nguồn năng lượng phong phú và vững chắc:
# Than có ở nhiều nơi với trữ lượng dự báo khoảng 7 tỷ tấn nhưng tập
trung chủ yếu ở Quảng Ninh (than antraxít với trữ lượng hơn 3 tỷ tấn là loại than
có chất lượng tốt nhất, ngoài ra còn có than mỡ ở Thái Nguyên, than nâu ở
ĐBSH, than bùn ở ĐBSCL…
# Dầu - khí: Có trữ lượng lớn, tập trung ở các bể trầm tích ngoài thềm lục
địa như: Bể trầm tích sông Hồng, bể trầm tích Cửu Long, bể trầm tích Nam Côn
Sơn, bể trầm tích Thổ Chu - Mã Lai, với trữ lượng dự báo 10 tỷ tấn dầu và 250 –
300 tỷ m3 khí.
# Thủy năng dồi dào với khoảng >30 triệu KW, tập trung ở hệ thống sông
Hồng (37%) và sông Đồng Nai (19%).
# Các nguồn năng lượng khác: Mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt…
+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn với nhu cầu ngày càng tăng. Đó là:

103


104

# Các ngành kinh tế ngày càng phát triển mạnh nhờ quá trình CNH HĐH.
# Nhu cầu của đời sống con người ngày càng tăng.

- Mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội:
# Đã và đang khai thác đem lại sản lượng lớn về than, dầu – khí, điện:
Năm 2005, sản lượng than đạt hơn 34 triệu tấn, tiêu thụ trong và ngoài nước; sản
lượng dầu đạt 18,5 triệu tấn. Năm 2009, đưa vào hoạt động nhà máy lọc dầu
Dung Quất, Quảng Ngãi…Khí đốt còn được đưa vào phục vụ cho các ngành
công nghiệp điện lực, sản xuất phân bón như: nhà máy nhiệt điện và sản xuất
phân đạm Phú Mỹ, Cà Mau.
# Sản lượng điện tăng rất nhanh đạt 52,1 tỷ kwh (2005), trong đó nhiệt
điện cung cấp 70%.
# Đã và đang hình thành mạng lưới các nhà máy điện phục vụ nhu cầu
CNH – HĐH (DC) và xây dựng được đường dây 500 KV đưa điện từ Hoà Bình
vào Phú Lâm (TP.HCM), 220 KV, các trạm biến áp...
# Nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động, giải quyết việc làm cho
một bộ phận lớn lao động, nâng cao đới sống và trình độ văn minh cho người
dân…
- Tác động mạnh mẽ tới các ngành kinh tế khác về quy mô, kỹ thuật –
công nghệ, chất lượng sản phẩm (DC).
VD2. Giải thích tại sao công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm là
ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta?
Hướng dẫn trả lời.
Để trả lời câu hỏi này, học sinh cần:
- Nhận định đây là dạng câu hỏi giải thích theo mẫu cố định khái niệm.
- Nhớ lại mảng kiến thức về khái niệm ngành công nghiệp trọng điểm.
- Tái hiện lại kiến thức công nghiệp trọng điểm thuộc bài 27 (Ban cơ bản)
hoặc bài 36 (Ban Nâng cao): Vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng
điểm để trả lời như sau:
* Công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm là ngành công nghiệp trọng
điểm của nước ta vì:
- Khái niệm ngành công nghiệp trọng điểm: Công nghiệp trọng điểm là
ngành có thế mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và có tác

động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác.
- Công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm có thế mạnh lâu dài:
+ Nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú:
# Nguyên liệu từ trồng trọt: Đã hình thành được một số vùng trọng điểm
lương thực – thực phẩm với sản lượng lương thực đạt 39,4 triệu tấn (2005) là cơ
sở cho sự phát triển của công nghiệp xay xát.
Vùng nguyên liệu mía với khoảng 28 - 30 vạn ha mía, sản lượng mía cây
khoảng 15 triệu tấn.
Chè khoảng 10 - 12 vạn ha.
Cà phê với diện tích gần 50 vạn ha và sản lượng đạt 80 vạn tấn cà phê
nhân.
Nguyễn Tiến Dũng


HD trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài thi địa lí 12

# Nguyên liệu từ chăn nuôi.
Lợn (27 triệu con), gia cầm (220 triệu con), trâu (2,9 triệu con), bò (5,5
triệu con), dê, cừu… (2005) là cơ sở cung cấp nguyên liệu cho sự phát triển
công nghiệp chế biến các sản phẩm từ thịt..
# Nguyên liệu từ ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản: Với sản lượng
khai thác và nuôi trồng đạt gần 3,5 triệu tấn (2005) là cơ sở cung cấp nguyên
liệu cho sự phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm thủy hải đông lạnh,
nước mắm...
+ Nguồn lao động dồi dào, giá nhân công thấp.
+ Thị trường rộng lớn cả trong và ngoài nước, đó là: nhu cầu thị trường
trong nước lớn và ngày càng tăng, thị trường nước ngoài ngày càng mở rộng với
một số sản phẩm được thị trường ưa chuộng (gạo, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá…).
+ Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật được nâng cấp và xây dựng đáng kể
(công nghiệp truyền thống, các trung tâm công nghiệp…) phân bố ở các thành

phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
- Mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội:
+ Công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm không đòi hỏi vốn đầu tư
lớn, không đòi hỏi khắt khe về mặt kỹ thuật, lao động kỹ thuật, khả năng thu hồi
vốn nhanh và sớm cho lãi.
+ Chiếm tỉ trọng tương đối cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp
(23,5% - 2005) Hàng năm sản xuất được một khối lượng sản phẩm lớn, đóng
góp một phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cả nước: Khoảng 39 triệu tấn
gạo, ngô/năm, 1 triệu tấn đường, 12 vạn tấn chè búp khô, 80 vạn tấn cà phê
nhân, 160 - 220 triệu lít rượu, 300 - 350 triệu hộp sữa, 190-200 triệu lít nước
mắm…
+ Nhiều sản phẩm chiếm vị trí cao trong xuất khẩu thế giới (gạo, cà phê,
hồ tiêu, thủy - hải sản…).
+ Thu hút được số lượng lớn lao động, góp phần giải quyết việc làm cho
người lao động, nâng cao đời sống cho người lao động.
- Có tác động lớn tới các ngành kinh tế khác: Nông nghiệp, ngư nghiệp,
giao thông vận tải, thương mại và nhiều ngành kinh tế khác…
II. LOẠI CÂU HỎI GIẢI THÍCH KHÔNG THEO MẪU CỐ ĐỊNH.
VD1. Giải thích tại sao nước ta phải phân bố lại dân cư cho hợp lí?
Hướng dẫn trả lời.
Để trả lời được câu hỏi này, học sinh cần:
- Tái hiện kiến thức có liên quan đến yêu cầu câu hỏi, sắp xếp và tìm mối
liên hệ giữa chúng với nhau.
- Đưa ra các lí do để giải thích theo yêu cầu câu hỏi. Cụ thể:
* Nước ta phải phân bố lại dân cư cho hợp lí vì:
- Dân cư nước ta phân bố chưa hợp lí:
+ Mật độ dân số trung bình cả nước năm 2006 là 254 người/km2, nhưng
phân bố chưa hợp lí giữa các vùng.
+ Giữa đồng bằng với trung du và miền núi.


105


106

# Ở vùng đồng bằng dân cư tập trung đông đúc với 75% dân số cả nước
nhưng chỉ chiếm 25% diện tích nên mật độ dân số rất cao:
ĐBSH mật độ dân số là 1225 người /km2 (2006).
ĐBSCL mật độ dân số là 429 người/km2.
# Ở vùng miền núi và trung du dân cư thưa thớt chiếm 75% diện tích
nhưng chỉ chiếm 25% dân số nên mật độ dân cư thấp hơn nhiều so với đồng
bằng.
Tây Bắc và Tây Nguyên mật độ dân số là <100 người/km2 .
+ Ngay trong nội bộ từng lãnh thổ (khu vực, vùng).
# Giữa khu vực đồng bằng:
ĐBSH là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước: Phần lớn lãnh thổ có
mật độ cao từ 1001-2000người/km2.
Dải đồng bằng duyên hải miền Trung có mật độ phổ biến từ 101-200
người/km2 và từ 201-500 người/km2.
ĐBSCL phần lớn có mật độ dân số từ 101-200người/km 2 và 201-500
người/km2, phía tây tỉnh Long An và phía tây Kiên Giang chỉ có mật độ từ 50100 người/km2.
# Trong nội bộ từng vùng kinh tế:
ĐBSH: Vùng trung tâm, ven biển phía đông và đông nam có mật độ cao
trên 2000 người/km2. Rìa phía bắc, đông bắc và phía tây nam đồng bằng, mật độ
chỉ từ 201-500 người/km2.
ĐBSCL: Vùng ven sông Tiền có mật độ từ 501-1000 người/km 2, phía tây
tỉnh Long An và phía tây Kiên Giang chỉ có mật độ từ 50-100 người/km2.
Bắc Trung Bộ hoặc Duyên hải NTB: Dân cư tâp trung đông ở dải đồng
bằng ven biển phía đông (mật độ trung bình từ 201-500 người/km 2), thưa thớt ở
vùng núi phía tây (mật độ dưới 50 người/km2).

+ Giữa thành thị với nông thôn.
# Đa số dân cư sống ở nông thôn (72,6%), tỉ lệ dân thành thị còn thấp
(27,4%), song có xu hướng tăng và sức ép dân số ngày càng mạnh còn tỉ lệ dân
nông thôn giảm dần.
Sự phân bố dân cư chưa hợp lí làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng
lao động và khai thác tài nguyên (DC). Vì vậy, phân bố lại dân cư trên phạm vi
cả nước là rất cần thiết.
VD2. Giải thích tại sao nước ta rất chú ý đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở
các vùng đồng bào dân tộc?
Hướng dẫn trả lời.
* Nước ta rất chú ý đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào
dân tộc vì:
- Phần lớn các dân tộc ít người đều sống ở các vùng trung du và miền núi.
Đó là những nơi có nguồn tài nguyên giàu có, nhưng cơ sở hạn tần lại chưa phát
triển, kinh tế còn lạc hậu lại thiếu nguồn lao động, đặc biệt là lao động có trình
độ kĩ thuật. Vì thế đời sống của nhân dân các dân tộc đặc biệt là các dân tộc
vùng cao còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyễn Tiến Dũng


HD trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài thi địa lí 12

- Góp phần giảm thiểu sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng
đồng bằng với trung du và miền núi. Đây được coi là một chủ trương lớn nhằm
xóa đói giảm nghèo, đồng thời cũng là cơ sở để củng cố khối đoàn kết giữa các
dân tộc anh em, giữ vưng an ninh quốc phòng vùng biên giới.
VD3. Giải thích tại sao việc làm trở thành một trong những vấn đề KT – XH
lớn ở nước ta hiện nay?
Hướng dẫn trả lời.

* Việc làm là một vấn đề kinh tế- xã hội lớn ở nước ta vì:
- Tỉ lệ TVL và TN ở nước ta còn cao:
+ Năm 2005, cả nước có 2,1% lao động TN và 8,1% lao động TVL.
+ Tỉ lệ TN và TVL có sự khác nhau giữa các khu vực và các vùng:
# TT: Tỉ lệ TN cao (5,3%), TVL thấp hơn (4,5%).
# NT: Tỉ lệ TN thấp hơn (1,1%), TVL cao (9,3%).
# Tỉ lệ TN và TVL diến ra chủ yếu ở đồng bằng trong khi ở TDMN vẫn
thiếu lao động (Tỉ lệ TN và TVL cao nhất ở ĐBSH và BTB…).
+ Ngoài ra, trung bình mỗi năm nước ta tăng thêm >1 triệu lao động,
trong điều kiện nền kinh tế còn chậm phát triển nên mới chỉ giải quyết được gần
1 triệu việc làm mới, mặt khác cơ cấu lao động còn nhiều bất cập, phân bố
không đều giữa các khu vực nên giải quyết việc làm hiện còn gặp nhiều khó
khăn.
- Tỉ lệ TVL và TN cao, chưa được giải quyết đã dẫn tới nhiều hậu quả về
mặt KT - XH.
+ Lãng phí nguồn lao động.
+ Mức sống người dân thấp và khó cải thiện (cả vật chất và tinh thần).
+ Tệ nạn xã hội phát triển.
+ Các vấn đề xã hội khác nảy sinh (DC).
VD4. Giải thích tại sao việc phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp
kết hợp với công nghiệp chế biến lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ
chức lãnh thổ nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn?
Hướng dẫn trả lời.
* Việc phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp kết hợp với công nghiệp
chế biến có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ chức lãnh thổ nông nghiệp và
phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vì:
- Giúp khai thác có hiệu quả các lợi thế của nước ta.
+ Đất đai đa dạng, khí hậu thuận lợi, phân hóa đa dạng.
+ Nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng, chính sách ưu tiên
khuyến khích của nhà nước,…

- Việc phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp kết hợp với phát triển
công nghiệp chế biến còn đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Cụ thể:
+ Gắn chặt các vùng chuyên canh với công nghiệp chế biến trước hết
nhằm mục đích đưa công nghiệp phục vụ đắc lực cho nông nghiệp, từng bước
thực hiện công nghiệp hóa nông thôn, đưa nông thôn xích lại gần thành thị.
+ Giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu từ nơi sản xuất đến nơi chế biến,
giảm thời gian vận chuyển.

107


108

+ Nâng cao chất lượng nguyên liệu từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm
sau khi chế biến, nâng cao giá trị của nông sản và thu nhập cho người nông dân.
+ Thu hút lao động, tạo thêm việc làm cho người dân, giảm lao động
thuần nông, giảm tính mùa vụ trong nông nghiệp (giảm tỉ lệ thiếu việc làm, giảm
thời gian nhàn rỗi).
+ Phát triển mô hình nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến có nghĩa
là thực hiện liên kết công – nông nghiệp, trong đó sản xuất nông nghiệp tạo ra
nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, còn công nghiệp chế biến lại làm tăn giá
trị của nông phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao tạo điều kiện cho ngành nông
nghiệp phát triển.

Nguyễn Tiến Dũng


HD trả lời dạng câu hỏi giải thích trong làm bài thi địa lí 12

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hướng dẫn giải các dạng bài tập từ các đề thi quốc gia của Bộ giáo dục và đào
tạo – NXB Đại học quốc gia Hà Nội năm 2009.
2. Sách giáo khoa Địa lí 12 (Ban cơ bản và Nâng cao) – NXB Giáo dục năm
2009.
3. Sách giáo viên Địa lí 12 - NXB Giáo dục năm 2009.

109



×