NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN TÂM LÝ TRONG
HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN NĂM THỨ NHẤT Ở TRƯỜNG
ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH
Nguyễn Thị Xuân Hương
Nguyễn Thị Diễm Hằng
Khoa SP Tiểu học – Mầm non
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hoạt động học tập của sinh viên là một dạng lao động trí óc căng thẳng, thường
diễn ra một cách lâu dài và liên tục nhưng không phải lúc nào cũng gặp thuận lợi. Đặc
biệt, học sinh, sinh viên thường gặp phải những khó khăn nhiều hơn trong hoạt động
học tập ở những giai đoạn chuyển cấp học. Khi chuyển từ phổ thông lên đại học, do
yêu cầu, nội dung và phương pháp học tập có nhiều thay đổi làm cho sinh viên thường
gặp phải những khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập. Những khó khăn này vừa
ảnh hưởng xấu đến sự ham thích học tập của sinh viên; mặt khác dẫn đến kết quả học
tập không cao. Việc hiểu được những nguyên nhân gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt
động học tập của sinh viên năm thứ nhất và đề ra được những biện pháp phù hợp để
khắc phục những khó khăn ấy sẽ góp phần giúp sinh viên nâng cao hiệu quả học tập và
đạt được kết quả cao.
I. KHÁCH THỂ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Khách thể nghiên cứu
- 106 sinh viên năm thứ nhất ở trường Đại học Quảng Bình
2. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp điều tra bằng anket để tìm hiểu khó khăn
và những nguyên nhân gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên
năm thứ nhất ở trường Đại học Quảng Bình. Bảng hỏi này gồm 13 câu hỏi nhằm tìm
hiểu những khó khăn mà sinh viên năm thứ nhất gặp phải với 3 mức độ từ ảnh hưởng
nhiều nhất đến ít ảnh hưởng nhất.
Ngoài ra chúng tôi sử dụng toán thống kê để xử lý số liệu (%) kết quả nghiên cứu,
nhằm chính xác hóa công trình nghiên cứu đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy cao.
II. NỘI DUNG
1. Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm khó khăn tâm lý, nhưng chúng tôi
đồng ý với khái niệm sau: Khó khăn tâm lý được hiểu đó là những yếu tố cản trở hoạt
động nhận thức, tình cảm, ý chí, tính cách của con người và được biểu hiện ra bên
ngoài qua hành vi, cử chỉ của cá nhân trong hoạt động.
Trên cơ sở khái niệm về khó khăn tâm lý, khó khăn tâm lý trong hoạt động học
tập được hiểu như sau: Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập được xem là những
yếu tố cản trở hoạt động học tập, làm cho người học khó thích nghi với hoạt động học
tập, kết quả học tập không được tốt.
Chuyển từ bậc phổ thông lên đại học là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời
của mỗi sinh viên. Bước vào trường đại học sinh viên năm thứ nhất thường gặp nhiều
khó khăn, đặc biệt là khó khăn tâm lý do sự thay đổi môi trường sống và tính chất của
hoạt động học tập. Các khó khăn tâm lý xảy ra đối với sinh viên năm thứ nhất như: khó
khăn trong việc thích nghi với môi trường mới, khó khăn tâm lý trong giao tiếp, khó
khăn trong hoạt động nói chung và khó khăn tâm lý trong học tập nói riêng. Khó khăn
tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất rất đa dạng và phong phú.
Một số khó khăn sinh viên thường gặp là: Khó khăn trong việc chuẩn bị bài lên lớp;
khó khăn khi làm quen với phương pháp học tập mới; khó khăn trong việc sắp xếp thời
gian học tập; khó khăn khi làm việc độc lập với sách và tài liệu; khó khăn trong việc
sắp xếp thời gian học tập, khó khăn trong ôn tập, hệ thống hóa kiến thức… Những khó
khăn này chúng ta có thể dễ nhận thấy thông qua những biểu hiện đa dạng như: Trong
giờ học sinh viên khó tập trung nghe giảng, lúng túng khi trả lời các câu hỏi của thầy
cô, không hiểu bài và làm được bài khó, không nộp bài hoặc chậm nộp bài kiểm tra ,
không tích cực thảo luận nhóm, dễ trốn học, bỏ học…
Có thể nhận thấy rằng, khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên
năm thứ nhất nhiều, đa dạng với mức độ ảnh hưởng khác nhau, có những khó khăn
thường xuyên xảy ra nhưng cũng có những khó khăn thỉnh thoảng mới xảy ra. Và,
chính những khó khăn này cản trở sự ham thích học tập của sinh viên, dẫn đến hoạt
động học tập của họ kém hiệu quả. Vì vậy, cần phải tìm hiểu kỹ những nguyên nhân
gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất và đề ra
những giải pháp phù hợp giúp họ tháo gỡ khó khăn.
2. Nguyên nhân gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh
viên năm thứ nhất ở trường Đại học Quảng Bình
Có nhiều nguyên nhân gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh
viên; trong đó có hai nhóm: nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan
2.1 Nhóm các nguyên nhân chủ quan
Qua khảo sát 106 sinh viên năm thứ nhất ở trường Đại học Quảng Bình, chúng tôi
thu được kết quả ở bảng sau:
Bảng 1: Các nguyên nhân chủ quan gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập
của sinh viên năm thứ nhất.
TT
Ảnh
hưởng
nhiều
Các nguyên nhân
Ảnh hưởng
ít
Không ảnh
hưởng
SL
%
SL
%
SL
%
1
Do rụt rè, nhút nhát
40
37.7
50
47.2
16
15.1
2
Do chưa tìm ra phương pháp học tập phù hợp
66
62.3
31
29.2
9
8.5
3
Do tâm lý căng thẳng, lo âu
25
23.6
58
54.7
23
21.7
4
Do năng lực hạn chế của bản thân
35
33
57
53.8
14
13.2
5
Do chưa có hứng thú học tập
21
19.8
54
50. 9
31
29.3
6
Do động cơ chọn nghề
21
19.8
35
33
50
47.2
7
Do bị thu hút vào các mối quan hệ xã hội/ các
12
hoạt động khác
11.3
46
43.4
48
45.3
Nhìn vào bảng chúng ta nhận thấy, có nhiều nguyên nhân chủ quan gây ra khó
khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất, trong đó có 7 nguyên
nhân cơ bản với mức độ ảnh hưởng không đồng đều. Nguyên nhân “Do chưa tìm ra
phương pháp học tập phù hợp” với 62.3% ý kiến cho là ảnh hưởng nhiều, 29.2% cho
là ít ảnh hưởng và chỉ có 8.5% ý kiến sinh viên cho là không ảnh hưởng. Cùng với việc
điều tra, chúng tôi tiến hành trao đổi trực tiếp với một số sinh viên năm thứ nhất và
nhận thấy nguyên nhân chủ yếu gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của
sinh viên là “Do chưa tìm ra phương pháp học tập phù hợp ”. Nhiều sinh viên năm thứ
nhất cho biết các em chưa biết tìm ra phương pháp học tập như thế nào cho phù hợp và
thể hiện mong muốn được thầy cô và các anh chị sinh viên khóa trên, bạn bè hướng
dẫn, giúp đỡ để có phương pháp học phù hợp. Như vậy, phương pháp học tập của sinh
viên là vấn đề quan trọng cần được các nhà giáo dục quan tâm và có biện pháp giúp
đỡ… Bên cạnh đó, các nguyên nhân như “Do rụt rè, nhút nhát”, “Do năng lực hạn chế
của bản thân” cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động học tập của sinh viên.
Nguyên nhân ít ảnh hưởng nhất đến hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất
là “Do bị thu hút vào các mối quan hệ xã hội/ các hoạt động khác” với 11.3% cho là
ảnh hưởng nhiều, 43.4% cho là ảnh hưởng ít và 45.3% cho là không ảnh hưởng. Qua
điều tra, chúng tôi còn biết được ngoài những nguyên nhân trên, còn có một số nguyên
nhân chủ quan khác ảnh hưởng tới hoạt động học tập của sinh viên như do bản thân
chưa chuẩn bị kỹ tâm lý trước khi đi học, do khuyết tật của bản thân…
2.1 Nhóm các nguyên nhân khách quan
Bảng 2: Các nguyên nhân khách quan gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt động học
tập của sinh viên năm thứ nhất
TT
Các nguyên nhân
Ảnh hưởng
nhiều
Ảnh hưởng
ít
Không ảnh
hưởng
SL
%
SL
%
SL
%
1
Do phương pháp dạy của thầy chưa phù hợp
32
30.2
55
51. 9
19
17. 9
2
Do thầy ít hướng dẫn về phương pháp học
40
37.7
52
49.1
14
13.2
3
Nội dung môn học khó, mới lạ
44
41.5
46
43.4
16
15.1
4
Khối lượng kiến thức tiếp thu trong một
ngày quá nhiều
54
50. 9
39
36.8
13
12.3
5
Thiếu giáo trình và tài liệu tham khảo
50
47.2
40
37.7
16
15.1
6
Do điều kiện kinh tế
21
19.8
42
39.6
43
40.6
7
Do sự tác động của yếu tố xã hội
14
13.2
50
47.2
42
39.6
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, các nguyên nhân khách quan cũng ảnh
hưởng lớn đến hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất. Từ bảng 2 chúng tôi nhận
thấy, nguyên nhân “Khối lượng kiến thức tiếp thu trong một ngày quá nhiều” gây ra
khó khăn nhiều nhất trong hoạt động học tập của sinh viên. Trong số 106 sinh viên
đươc hỏi có 50.9% cho rằng đây là nguyên nhân ảnh hưởng nhiều, 36.8% cho là ít ảnh
hưởng và chỉ có 12.3% cho là không ảnh hưởng. Đối với sinh viên năm thứ nhất, khi
mà bản thân họ còn đang bỡ ngỡ, lúng túng trước môi trường học tập mới, chưa tìm ra
phương pháp học tập phù hợp thì việc tiếp thu khối lượng kiến thức trong một ngày
quá nhiều sẽ gây ra cho sinh viên những khó khăn nhất định. Chính lượng tri thức tiếp
thu trong một ngày quá lớn gây cho họ những khó khăn khi nghe giảng, ghi bài, khó
khăn trong việc ôn tập và hệ thống hóa kiến thức cũng như trong kiểm tra, thi cử…
Nguyên nhân “Thiếu giáo trình và tài liệu tham khảo” cũng ảnh hưởng đến hoạt
động học của sinh viên. Việc học tập ở đại học chủ yếu là tự học và tự nghiên cứu nên
tài liệu tham khảo là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giáo trình và tài liệu
tham khảo dành cho sinh viên vẫn còn nghèo nàn, ít ỏi. Điều này hạn chế sinh viên đào
sâu, mở rộng tri thức, tầm hiểu biết cho bản thân. Nhiều sinh viên năm thứ nhất cho
biết là khi gặp nhiều vấn đề khó và trừu tượng, muốn đào sâu hơn vấn đề nhưng tài liệu
tham khảo về chuyên ngành quá ít. Vậy việc thiếu tài liệu tham khảo là một trong
những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của
sinh viên năm thứ nhất.
Các nguyên nhân khác như: “Nội dung môn học mới lạ, khó hiểu”, “Do thầy ít
hướng dẫn về phương pháp học”,“Phương pháp dạy của thầy chưa phù hợp” cũng
ảnh hưởng nhiều đến hoạt động học tập của sinh viên.
Nguyên nhân “Do điều kiện kinh tế” và “Do sự tác động của các yếu tố xã hội
khác” ít ảnh hưởng nhất đến hoạt động học tập của sinh viên. Ngoài các nguyên nhân
trên, còn có một số nguyên nhân khác cũng gây ra khó khăn tâm lý trong hoạt động học
tập của sinh viên năm thứ nhất như: Do gia đình thiếu quan tâm, do điều kiện nhà
trường không thuận lợi, do giáo viên ít khuyến khích sinh viên học tập…
Tóm lại, qua điều tra các nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra khó khăn
tâm lý trong hoạt động học tập của sinh viên năm thứ nhất, chúng tôi nhận thấy mức độ
ảnh hưởng của các nguyên nhân là khác nhau. Nhận thức rõ các nguyên nhân đó là
điều cần thiết để các nhà giáo dục có thể hiểu, tôn trọng sinh viên và có những giải
pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sinh viên, giúp đỡ sinh viên đạt kết quả cao trong học
tập.
3. Biện pháp khắc phục khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh
viên năm thứ nhất.
2.1. Nhóm biện pháp về phía nhà trường
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo về trao đổi kinh nghiệm học tập để sinh viên năm
thứ nhất tham gia. Trong các hội nghị này, cần có sự tham gia của các chuyên gia, các
thầy cô giáo với tư cách là các nhà tư vấn hướng dẫn cho sinh viên về phương pháp
học tập ở đại học, ví dụ như cách lập kế hoạch học tập, cách nghe giảng và ghi chép bài,
đọc sách, thảo luận nhóm… Sự hướng dẫn này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về sự
khác biệt giữa phương pháp học tập đã có từ môi trường phổ thông và phương pháp
học tập cần có ở đại học. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng cần tham gia trao đổi, chia sẽ
kinh nghiệm học tập để có điều kiện học hỏi, mở rộng tri thức, hiểu biết về môi trường
học ở đại học.
- Tổ chức có hiệu quả các câu lạc bộ liên quan đến các chuyên ngành khác nhau,
các hình thức phụ đạo các học phần khó cho sinh viên năm thứ nhất. Các hình thức phụ
đạo các môn học khó có thể được tổ chức theo hình thức giảng viên phụ đạo hoặc sinh
viên giỏi trong mỗi môn học, hoặc sinh viên các năm trên hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên
năm thứ nhất. Những hình thức tổ chức này một mặt có thể giúp sinh viên giải quyết
được những vấn đề khó khăn cụ thể trong từng môn học, mặt khác, có thể mở rộng tầm
hiểu biết của họ đối với chuyên ngành theo học.
- Tổ chức các hình thức tư vấn cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất,
ví dụ thành lập văn phòng tư vấn ở trong nhà trường để sinh viên có thể được các
chuyên gia tư vấn học tập cũng như các mặt khác trong đời sống khi cần thiết.
- Tổ chức nhiều hoạt động về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động
chính trị xã hội… cho sinh viên tham gia đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất. Sự tham
gia tích cực của sinh viên sẽ giúp họ mạnh dạn hơn trong cuộc sống, mở rộng hơn các
mối quan hệ xã hội và từ đó sẵn sàng tích cực tham gia các hoạt động như thảo luận
trên lớp, làm việc theo nhóm…
- Trang bị đầy đủ sách, báo, giáo trình, tài liệu tham khảo… đáp ứng được yêu
cầu của các ngành học khác nhau cũng như các phương tiện học tập hiện đại nhằm tạo
điều kiện về cơ sở vật chất cho sinh viên học tập tốt.
- Nhà trường tạo ra nhiều quỹ học bổng, nhiều hình thức động viên, khen thưởng
để khuyến khích tinh thần học tập của sinh viên đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất.
2.2 Nhóm biện pháp về phía giảng viên
- Trước mỗi môn học, giảng viên cần dành thời gian thích đáng để nêu rõ mục
đích, nhiệm vụ và yêu cầu của môn học, giới thiệu cấu trúc chương trình, phương pháp
kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, giảng viên cần hướng dẫn cho sinh viên phương pháp
học tập cho phù hợp với môn học cụ thể mà mình giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên
các giáo trình và tài liệu tham khảo có liên quan đến môn học… Ngoài ra, giảng viên
cũng cần hướng dẫn sinh viên phương pháp hệ thống hóa kiến thức sau từng phần, từng
chương và cả chương trình học. Sự hướng dẫn tận tình của giảng viên sẽ góp phần
quan trọng tạo hứng thú học tập, giúp sinh viên ngăn chặn những khó khăn có thể xảy
ra trong quá trình học, từ đó nâng cao kết quả học tập của sinh viên.
- Giảng viên chủ động gần gũi, quan tâm nhiều hơn đến sinh viên năm thứ nhất,
đặc biệt quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của sinh viên như: hiểu được nhu cầu,
hứng thú, nguyện vọng thiết thực của sinh viên để có sự giúp đỡ phù hợp, kịp thời.
Đồng thời, giảng viên phải hướng dẫn cho các em phương pháp học tập phù hợp với
môi trường ở đại học. Giảng viên biết động viên, khuyến khích và khen thưởng kịp
thời những thành tích học tập của sinh viên để khuyến khích họ phấn đấu vươn lên
trong học tập.
- Cần quan tâm đến việc biên soạn tài liệu bài giảng, lựa chọn phương pháp, hình
thức dạy học phù hợp đảm bảo vừa sức, vừa sát đối tượng, giúp sinh viên giảm bớt
căng thẳng tâm lý trong học tập. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích sinh viên trong
việc tìm kiếm các tài liệu trên các phương tiện khác nhau. Đồng thời, cần thường
xuyên kiểm tra, nhắc nhở sinh viên thực hiện tốt các nhiệm vụ học tập đề ra.
- Giảng viên cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện phẩm chất và năng lực của bản
thân vì đây chính là công cụ thiết yếu để giúp người giảng viên thực hiện tốt công việc
của mình.
2.3 Nhóm biện pháp về phía sinh viên
- Cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho hoạt động học tập ở môi trường đại học. Bên
cạnh làm quen với những thay đổi trong môi trường sống, quan hệ xã hội, sinh viên ý
thức được tầm quan trọng của hoạt động học tập từ đó tích cực, chủ động tìm hiểu về
những vấn đề liên quan đến hoạt động học tập; ví dụ: nội dung, phương pháp học tập
và kiểm tra, đánh giá ở đại học. Ngoài ra, sinh viên cần có tinh thần học hỏi, trao đổi
kinh nghiệm với bạn bè, các anh chị khóa trước, thầy cô để dần hình thành cho mình hệ
thống phương pháp học tập phù hợp với môi trường đại học.
- Cần tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, các câu lạc bộ, các buổi giao lưu
do lớp, khoa, trường tổ chức để mở rộng các mối quan hệ xã hội, học hỏi thêm nhiều
kinh nghiệm cho bản thân.
- Cần rèn luyện cho mình ý chí quyết tâm, sẵn sàng đón nhận thử thách, khó khăn
và tích cực nổ lực khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập và luôn tin tưởng vào
tương lai tươi đẹp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Ngọc Hà, Một số trở ngại tâm lý của trẻ khi vào lớp 1, Tạp chí Tâm lý học,
số 11 – 2005.
2. Vũ Thị Nho (2003), Tâm lý học phát triển, NXB ĐHSP.
3. Nguyễn Xuân Thức (2003), Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của sinh
viên năm thứ nhất trường ĐHSP Hà Nội, Tạp chí Tâm lý học, số 10/2005.
4. Nguyễn Quang Uẩn (2005), Tâm lý học đại cương, NXB ĐHSP.