Tải bản đầy đủ (.doc) (32 trang)

CHUYÊN đề TRÀO NGƯỢC dạ dày THỰC QUẢN gastroesophageal reflux )

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (887.63 KB, 32 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG

BỘ MÔN NHI

CHUYÊN ĐỀ

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN
( Gastroesophageal reflux )

Hà Nội – 2013


TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG

BỘ MÔN NHI

CHUYÊN ĐỀ

TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN
( Gastroesophageal reflux )
Nhóm thực hiện:

Nguyễn Duy Bộ
Nguyễn Thị Thu Huyền
Đoàn Thị Ngọc Hoa
Nguyễn Văn Long
Kiều Ngọc Phú


Dương Thị Thành
Lê Trọng Tú

Giáo viên hướng dẫn:

Hà Nội - 2013

TS Nguyễn Thị Việt Hà


ĐẶT VẤN ĐỀ
Trào ngược dạ dày thực quản là vấn đề về tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ
nhỏ với các biểu hiện thường gặp là nôn trớ. Triệu chứng lâm sàng không chỉ
biểu hiện ở hệ tiêu hóa mà còn ở các hệ cơ quan khác như hô hấp, tai mũi họng.
Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản thường là chẩn đoán lâm sàng.
Tuy nhiên, hỏi bệnh và thăm khám bệnh ở trẻ dưới 8 tuổi tương đối khó. Sự mô
tả triệu chứng của trẻ nhỏ thường khó khăn. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ
nhỏ thường không đặc hiệu. Hiện nay không có xét nghiệm nào được coi là tiêu
chuẩn vàng của chẩn đoán. Mỗi xét nghiệm có tiện ích riêng và không phải cơ
sở y tế nào cũng có thể làm được tất cả các xét nghiệm.
Việc chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực quản mấy năm gần đây
có nhiều thay đổi và cập nhật mới.
Vì vậy chúng em lựa chọn tìm hiểu và báo cáo chuyên đề “Trào ngược dạ
dày thực quản” với mục tiêu:
Cập nhật kiến thức trong chẩn đoán và điều trị trào ngược dạ dày thực
quản ở trẻ em.
Hi vọng chuyên đề này giúp ích trong thực hành lâm sàng nhi khoa, đặc
biệt là trong thực hành lâm sàng tiêu hóa dinh dưỡng. Đồng thời đối với chúng
em đây là những bước đầu tìm hiểu và tổng hợp tài liệu, do vậy rất mong được
sự chỉ bảo và giúp đỡ của thầy cô, anh chị và các bạn đồng nghiệp.



1.

ĐẠI CƯƠNG
Trào ngược dạ dày thực quản - Gastroeosophageal Reflux (GER) được

định nghĩa như là luồng trào ngược những chất chứa trong dạ dày qua cơ thắt
thực quản dưới vào thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể là sinh lý hoặc bệnh lý. Trào ngược
dạ dày thực quản sinh lý (GER) không ảnh hưởng đến sinh hoạt và phát triển
thể chất của trẻ. Các cơn trào ngược sinh lý thường kéo dài không quá 3 phút và
xảy ra sau ăn. Trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý (GERD) khi xuất hiện
thường xuyên hơn và dai dẳng hơn gây ra suy dinh dưỡng, viêm thực quản hoặc
một số biến chứng hô hấp khác.
Trào ngược dạ dày thực quản là vấn đề về tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ
nhỏ đặc biệt là trong mấy tháng đầu đời. Ước tính có hơn 50% trẻ khỏe mạnh có
tiền sử trào ngược DD - TQ trong 3 tháng đầu đời. Con số này tăng lên 67% ở
thời điểm 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên nhờ
sự hoàn thiện về cấu trúc của đường tiêu hóa và chế độ ăn cũng đặc dần. Ở thời
điểm 8 tháng tuổi thì có đến 85% trẻ bị trào ngược sẽ hết triệu chứng, và chỉ
khoảng 5% trẻ tiếp tục vẫn bị trào ngược sau thời điểm 1 tuổi. Nhóm trẻ này sẽ
dễ có nguy cơ xuất hiện các biến chứng của trào ngược, gây ảnh hưởng đến sự
phát triển của trẻ và tình trạng trào ngược sinh lý trước kia giờ trở thành bệnh
lý.

Biểu đồ 1: Tỷ lệ GER ở trẻ em
Trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý xuất hiện với tần suất 1/300 –
1/1000 trẻ. Trẻ nam mắc bệnh nhiều hơn trẻ gái, tỷ lệ trẻ trai mắc bệnh trong



các nghiên cứu khoảng 60%. 75% các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản
lành trước 18 tháng, 20% tồn tại cho đến 4 tuổi, bệnh có tiện lượng tốt. Triệu
chứng ở trẻ lớn có xu hướng là mãn tính với những tổn thương vi thể niêm mạc
thực quản. Biểu hiện viêm thực quản trên mô bệnh học được xác nhận thấy ở
những trẻ mắc GERD đã cải thiện tự nhiên các triệu chứng lâm sàng.
GERD có thể có thiên hướng di truyền: tính chất gia đình của triệu chứng
của GERD, viêm thực quản nội soi, thoát vị khe, Barrett thực quản, và ung thư
tuyến đã được xác định. Trào ngược dạ dày thực quản được xem là như một rối
loạn liên tục có thừa kế phức tạp liên quan đến nhiều gen và các yếu tố môi
trường. Tính chất di truyền của GERD được khẳng định trong nghiên cứu với
cặp song sinh cùng trứng. Một gen chi phối biểu hiện của GERD có triệu chứng
tai mũi họng và hô hấp đã được xác định nằm ở nhiễm sắc thể 13q14, và các
locus này được gọi là GERD1.
2.
SINH LÝ BỆNH
2.1. Cơ chế gây trào ngược

Hình 1: Cơ chế gây trào ngược
Bình thường dịch từ dạ dày không trào ngược lên thực quản được nhờ
một hàng rào chống trào ngược gồm: cơ thắt thực quản dưới, chiều dài đoạn
thực quản bụng, khe thực quản và dây chằng hoành - thực quản, góc Hiss, van
niêm mạc… . Trong đó, cơ thắt thực quản dưới đóng vai trò quan trọng nhất.
Dãn cơ thắt thực quản dưới thoáng qua đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ
chế gây ra luồng trào ngược ở trẻ em.


Trào ngược xẩy ra khi hàng rào trên hoạt động không hiệu quả trước các
yếu tố thuận lợi gây ra trào ngược mà đặc biệt là sự tăng áp tực trong dạ dày.
2.1.1. Dãn cơ thắt thực quản dưới thoáng qua

Cơ thắt thực quản dưới là một đơn vị cơ thắt có ý nghĩa về sinh lý hơn là
giải phẫu. Đó là phần tận cùng của thực quản có áp lực cao hơn các vùng khác.
Vùng này có chiều dài từ 0,75 – 2 cm ở trẻ dưới 3 tháng và từ 0,75 – 3 cm ở trẻ
trên 1 tuổi. Ở người lớn, cơ thắt thực quản dưới dài từ 3 – 4 cm. Áp lực của cơ
thắt thực quản dưới vào khoảng từ 15 – 25 mmHg và luôn luôn cao hơn áp lực
trong lòng dạ dày khi nghỉ. Áp lực này tăng dần từ khi mới sinh cho đến 45
ngày, thời điểm mà cơ thắt thực quản dưới đã phát triển hoàn thiện.
Những yếu tố liên quan đến khả năng của cơ thắt thực quản dưới là vị trí
của nó trong ổ bụng, góc nối của thực quản vào trong dạ dày và áp lực của cơ
thắt. Bình thường cơ thắt này đóng lại, chỉ mở ra khi có động tác nuốt cho phép
thức ăn xuống dạ dày. Cơ thắt thực quản dưới thường đóng lại khi ngủ, nhưng
cũng có thể mở ra khi thức giấc. Ở trẻ em có những giai đoạn dãn cơ thắt thực
quản dưới khi ngủ không sâu. Trương lực của cơ thắt thực quản dưới chịu tác
dụng của nhiều yếu tố như trẻ đẻ non, thuốc, hormon (ức chế Ca,
Anticholinergic, Theophylline, Dopamin…) và một số thức ăn (mỡ, chocolate,
rượu, kẹo bạc hà, Nicotin, cafe, nước chanh…).
2.1.2. Tăng áp lực ổ bụng
Áp lực ổ bụng khác với áp lực trong dạ dày. Áp lực trong dạ dày là tổng
hợp của áp lực ổ bụng và áp lực gây nên do trương lực của cơ thành dạ dày. Áp
lực trong ổ bụng là từ 6 – 8 cm nước, cần thiết để duy trì cơ chế chống trào
ngược.
Áp lực ổ bụng tác động lên thực quản bụng làm cho đoạn thực quản này
bị xẹp xuống và đóng lại. Áp lực trong ổ bụng thấp trong các trường hợp thoát
vị qua vùng rốn hoặc khe hở thành bụng có thể gây ra trào ngược. Áp lực trong
ổ bụng tăng quá cao trong các trường hợp ho, táo bón nặng, ép chặt bụng từ
phía ngoài làm cho áp lực trong dạ dày tăng và làm cho trào ngược dễ xuất hiện.
2.1.3. Rối loạn dung hợp và chậm làm trống dạ dày


Sự chậm tống đẩy ở dạ dày hay thời gian làm rỗng dạ dày bị kéo dài làm

thức ăn tồn đọng ở dạ dày lâu, dạ dày phải co bóp nhiều gây tăng áp lực của dạ
dày dẫn đến sự chênh lệch áp lực giữa dạ dày và thực quản. Mặt khác các xung
động thần kinh đến từ các thụ thể cơ- hoá học ở dạ dày làm thư giãn cơ thắt dẫn
đến sự trào ngược, nhất là giai đoạn sau khi ăn và ở người thường ăn quá no.
Dung tích dạ dày tăng nhất là sau bữa ăn là một trong các yếu tố làm cho
trào ngược dễ xuất hiện. Dung tích dạ dày phụ thuộc vào khối lượng và thành
phần thức ăn, vào mức độ tháo thoát qua môn vị, khối lượng dịch vị được bài
tiết, tần suất và khối lượng của dịch trào ngược từ tá tràng.
Ngoài hai yếu tố trên, mức độ co bóp của dạ dày, sự mất điều hòa của các
sóng nhu động giữa thực quản, dạ dày và môn vị cũng là một yếu tố thuận lợi
gây trào ngược.
2.1.4. Các cơ chế khác

Hình 2: Đặc điểm giải phẫu sinh lý liên quan GER ở trẻ em
Trẻ em có dạ dày nhỏ hơn so với người lớn. Sức chứa của dạ dày nhỏ dẫn
đến dễ bị tăng áp lực trong dạ dày khi ăn quá no. Do vậy dễ gây ra trào ngược.
Hơn nữa trẻ thường xuyên ở tư thế nằm. Tư thế này làm tăng áp lực của thức ăn
lên cơ thắt thực quản dưới và làm tăng nguy cơ trào ngược.
Trẻ nhỏ có chiều dài thực quản ngắn hơn so với người lớn. Do vậy trẻ dễ
trớ hơn. Chất chứa trong dạ dày dễ dàng và nhanh chóng trào ra miệng và
đường hô hấp hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành.
2.2. Cơ chế gây triệu chứng và biến chứng tại thực quản


Các chất chế tiết và chứa đựng trong dạ dày có pH thấp hơn trong thực
quản. Khi có sự trào ngược, lượng dịch dạ dày trào lên thực quản phải được
nhanh chóng tống đẩy ra khỏi thực quản và lượng acid ở trong thực quản phải
được trung hoà. Nếu dịch dạ dày đọng lâu trong thực quản sẽ tấn công phá huỷ
niêm mạc và gây viêm.
Sự làm sạch các chất trong lòng thực quản phụ thuộc vào tư thế của cơ

thể (thuận lợi ở tư thế đứng, rất hạn chế ở tư thế nằm) và nhu động của thực
quản để tống đẩy dịch trào ngược, tuy nhiên, các chất này còn đọng lại trong
lòng thực quản ít nhiều, sự nuốt nước bọt chứa chất kiềm sẽ trung hoà nốt lượng
acid này. Ở những bệnh nhân GERD và viêm thực quản thường có rối loạn co
bóp thực quản dẫn đến việc chậm làm sạch thực quản, thúc đẩy sự phá huỷ niêm
mạc thực quản.
Ở trẻ đẻ non, nhu động thực quản yếu so với trẻ đủ tháng. Do vậy trẻ đẻ
non dễ bị GERD và dễ bị tổn thương thực quản hơn so với trẻ đủ tháng.
2.3. Cơ chế gây triệu chứng và biến chứng tại đường hô hấp
Chất chứa trong dạ dày trào ngược lên thực quản vào đường hô hấp, tai
mũi họng và ra miệng. Acid và pepsin trong dịch dạ dày có thể dẫn đến viêm và
tổn thương các cơ quan này.
Cơ chế bảo vệ đường thở khỏi các tổn thương trên bao gồm cơ thế thông
qua phản xạ vagal và các cơ chế khác (hình 3).

Hình 3: Cơ chế bảo vệ đường thở trong GER


Nhiễm trùng đường hô hấp và luồng trào ngược dạ dày - thực quản có
liên quan mật thiết với nhau. Hít phải chất trào ngược được coi là cơ chế duy
nhất của các biểu hiện đường hô hấp trong nhiều năm trước đây. Ngày nay
người ta cho rằng các biểu hiện của đường hô hấp có thể còn do phản xạ co thắt
thanh quản hoặc phế quản vì dịch vị đã kích thích vào các thụ cảm thần kinh ở
thực quản, thanh quản hoặc kích thích trực tiếp vào dây X.
3.
TRIỆU CHỨNG
3.1. Lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng của GERD bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, hô
hấp, tai mũi họng hoặc các biểu hiện của biến chứng.
Triệu chứng cảnh báo

Nôn nhiều, dữ dội
Nôn mật, máu
Nôn khởi phát sau 6 tháng tuổi
Tiêu chảy hoặc táo bón
Đau hoặc chướng bụng
Gan lách to
Sốt, ly bì hoặc co giật
Dị dạng đầu
Biểu hiện bệnh lý gen, chuyển hóa

Bảng 1: Triệu chứng cảnh báo nguyên nhân khác ngoài GERD ở trẻ nôn
Hỏi bệnh kỹ lượng và khám bệnh cẩn thận đóng vai trò quan trọng trong
tiếp cận bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản mà quan trọng hơn là để loại
trừ các bệnh khác đáng lo ngại hơn mà cùng biểu hiện là nôn trớ đồng thời để
xác định các biến chứng của GERD (bảng 1).
Triệu chứng của GERD thay đổi theo tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ
(bảng 2). Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nôn, đau bụng kèm theo ho nhưng không
ợ nóng là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ lớn và thanh thiếu niên bị GERD.
Ho và chán ăn hoặc từ chối ăn phổ biến hơn ở trẻ em 1-5 tuổi so với trẻ lớn hơn.


Chú thích:

+ + + rất hay gặp
+
có thể gặp

++
(+)


thường gặp
hiếm gặp

? không biết
- không gặp

Bảng 2: Triệu chứng GERD theo lứa tuổi
Triệu chứng và dấu hiệu liên quan đến trào ngược là không đặc hiệu. Ví
dụ, không phải tất cả các trẻ em với GER bị ợ nóng hoặc khó chịu. Ngược lại,
chứng ợ nóng và khó chịu có thể được gây ra bởi các điều kiện khác hơn GER.
Nôn trớ và quấy thường gặp ở trẻ nhỏ có GER sinh lý hoặc GERD nhưng không
thể phân biệt với dị ứng thức ăn và các rối loạn khác. Không có sự tương xứng
giữa mức độ nặng của trào ngược trên lâm sàng với xét nghiệm.
GERD thường được chẩn đoán lâm sàng ở người lớn dựa vào triệu chứng
ợ nóng có hoặc không có nôn. Dựa trên ý kiến chuyên gia, việc chẩn đoán
GERD ở trẻ vị thành niên có thể đặt ra với triệu chứng ợ nóng điển hình như ở
người lớn. Tuy nhiên, không thể dựa vào triệu chứng ợ để chẩn đoán GERD ở
trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi vì sự mô tả về chất lượng và số lượng các triệu chứng
ở trẻ nhỏ là không đáng tin cậy.


3.2. Cận lâm sàng
3.2.1. Đo pH thực quản
Đo pH thực quản của thực quản xa, không còn được coi là tiêu chuẩn
vàng trong chẩn đoán GERD. Đo pH thực quản cung cấp thông tin về các cơn
trào ngược axit, loại quan trọng nhất của trào ngược cho trào ngược bệnh lý.
Loại máy đo pH thực quản thông dụng nhất trên thị trường hiện nay có một ống
thông từ mũi xuống thực quản chứa một hoặc nhiều điện cực dọc suốt chiều dài
thực quản. Tuy nhiên kích thước của ống thông này cũng là một vấn đề gây trở
ngại và khó chịu khi tiến hành đo pH thực quản ở trẻ em. Gần đây có xuất hiện

máy đo pH thực quản không dây. Việc đặt điện cực của máy đo không dây này
đòi hỏi phải gây mê. Lợi ích và tính an toàn của máy đo pH thực quản không
dây còn chưa được nghiên cứu đầy đủ ở trẻ em.

Hình 4: Đo pH thực quản ở trẻ em
Ưu điểm của phương pháp này là phát hiện được cơn trào ngược và có
thể đánh giá sự liên quan giữa cơn trào ngược và triệu chứng lâm sàng, đánh giá
được chức năng làm sạch của thực quản đồng thời giúp chọn liều thuốc ức chế
thụ thể H2 cũng như thuốc ức chế bơm proton ở trẻ chưa đáp ứng. Nhược điểm
của phương pháp này là không phát hiện được các cơn trào ngược không acid
cũng như không phát hiện được các biến chứng của GERD.
Theo quy ước, khi pH thực quản < 4,0 được coi là một cơn trào ngược (vì
ở người lớn ợ nóng thường xảy ra khi pH < 4,0). Thông số phổ biến thu được từ
giám sát pH bao gồm: tổng số cơn trào ngược, số lượng cơn trào ngược >5 phút,


thời gian của cơn trào ngược dài nhất và hệ số trào ngược – reflux index (RI) tỷ lệ phần trăm của tổng số thời gian mà pH thực quản < 4.0.
Còn có sự khác nhau giữa các nghiên cứu về giá trị RI bình thường trong
cách chọn mẫu và cách định nghĩa trên trẻ bình thường. Thông thường khi RI >
7% được xem là bất thường, RI <3% được coi là bình thường và khi RI từ 3%
đến 7% là nghi ngờ.

Hình 5: Minh họa kết quả đo pH thực quản
Một nghiên cứu chỉ ra rằng một RI > 10% có liên quan đến tình trạng
viêm phổi, cơn ngưng thở, táo bón và tình trạng viêm thực quản.
3.2.2. Đo điện trở kháng thực quản
Là phương pháp cho phép đánh giá sự chuyển động của chất lỏng, chất
rắn và chất khí trong lòng thực quản. Đo điện trở kháng thực quản cho phép ghi
lại những thay đổi điện trở kháng ở các điện cực trên một ống thông được đặt
dọc chiều dài thực quản gây ra bởi sự chuyển động của các chất trong lòng thực

quản. Bình thường sự thay đổi điện trở kháng bắt đầu ở thực quản phía trên tiến
dần xuống cơ thắt thực quản dưới. Khi sự thay đổi điện trở kháng đi theo chiều
ngược lại đó là biểu hiện của luồng trào ngược.
Khi phân tích điện trở kháng cho phép ta đánh giá tốc độ, độ cao của cơn
trào ngược. Đo điện trở kháng thực quản cho phép phát hiện cả những cơn trào


ngược rất nhỏ. Phương pháp này đặc biệt hữu hiệu để đánh giá giai đoạn sau ăn
khi mà các cơn trào ngược thường không acid.
Điện cực điện trở kháng và điện cực pH có thể kết hợp trên cùng một ống
thông cho phép đánh giá cả điện trở kháng và pH thực quản. Phương pháp này
cho phép đánh giá mối tương quan giữa các cơn trào ngược với triệu chứng lâm
sàng như cơn ngừng thở, ho, sự thay đổi hành vi của trẻ cũng như các triệu
chứng khác.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là chỉ số bình thường về
điện trở kháng thực quản ở trẻ em chưa được xác định.
3.2.3. Đo áp lực thực quản
Đo áp lực thực quản giúp đánh giá áp lực cơ vòng thực quản trên và dưới
cũng như chức năng phối hợp của các cấu trúc trong ống thực quản . Mặc dù đo
áp lực thực quản đã được một công cụ quan trọng trong việc nghiên cứu các cơ
chế của GERD, tuy nhiên nó không có giá trị nhiều trong chẩn đoán GERD.
Đo áp lực thực quản đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giãn cơ
thắt thực quản dưới thoáng qua là một cơ chế gây GERD. Một loạt các bất
thường không đặc hiệu của nhu động thực quản đã được tìm thấy ở trẻ GERD
nặng hoặc viêm thực quản. Đo áp lực thực quản có thể là bất thường ở bệnh
nhân GERD, nhưng kết quả này không đủ để chẩn đoán GERD, cũng không
giúp đánh giá đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật. Phương pháp này
thường được chỉ định cho những bệnh nhân đã thất bại với liệu trình điều trị
bằng các thuốc giảm tiết acid hoặc những người bệnh có tổn thương trên nội soi
nặng nề để tìm rối loạn nhu động thực quản.

3.2.4. Xạ hình hạt nhân
Trong xạ hình dạ dày, thức ăn đánh dấu technetium-99 được đưa vào dạ
dày và các vị trí xạ hình quan tâm gồm: dạ dày, thực quản và phổi. Xạ hình hạt
nhân chỉ đánh giá trào ngược sau ăn bao gồm cả cơn trào ngược acid và không
acid. Phương pháp này cũng có thể cung cấp thông tin về tình trạng làm trống
dạ dày. Xạ hình 1 giờ có độ nhạy 15% đến 59% và độ đặc hiệu 83% đến 100%
trong chẩn đoán GERD khi so sánh với theo dõi pH thực quản 24 giờ. Quét xạ
hình dạ dày trào ngược có thể phát hiện các cơn trào ngược xảy ra trong hoặc


ngay sau bữa ăn, nhưng độ nhạy của nó trong việc phát hiện hiện tượng hít dịch
trào ngược vào đường hô hấp tương đối thấp. Bằng chứng của hít dịch trào
ngược vào phổi có thể được phát hiện trong ghi hình 1 giờ và hình ảnh thu được
có thể lên đến 24 giờ sau khi uống hạt nhân phóng xạ. Tuy nhiên, khi xét
nghiệm âm tính vẫn không loại trừ khả năng hít dịch trào ngược vào phổi. Một
nghiên cứu của trẻ em có các triệu chứng hô hấp do trào ngược thấy rằng một
nửa có hình ảnh dịch trào ngược vào phổi. Tuy nhiên không loại trừ chất phóng
xạ trên là từ nước bọt. Xạ hình hạt nhân không được khuyến cáo trong chẩn
đoán và quản lý của GERD ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
3.2.5. Siêu âm dạ dày – thực quản
Siêu âm không được khuyến cáo như là một xét nghiệm để chẩn đoán
GERD nhưng có thể cung cấp thông tin khi không có các xét nghiệm khác. Khi
so sánh với đo pH thực quản 24 giờ để chẩn đoán cho GERD, độ nhạy của siêu
âm Doppler màu thực hiện trong 15 phút là khoảng 95% nhưng độ đặc hiệu chỉ
có 11 % và không có sự tương quan giữa số lần phát hiện trào ngược trên siêu
âm vời chỉ số trào ngược phát hiện bằng đo pH thực quản.
Siêu âm cho phép quan sát hình thể và động học của thực quản bụng tâm vị. Đồng thời, nó còn giúp phát hiện những cơn trào ngược xảy ra bất chợt
sau ăn mà thường không được nhận biết bởi đo pH kế. nó còn có lợi ích là
nhanh, rẻ tiền, ít chấn thương và không ăn tia X. Với thời gian quan sát ngắn 10
phút.

Trẻ được nằm ngửa và thăm khám ngay sau bữa ăn, thường kèm theo
bình sữa. Việc sử dụng bình nước cam cho bú dễ dàng quan sát cơn trào ngược
nhưng dạng bữa ăn test này không phải bữa ăn sinh lý của trẻ nhũ nhi. Đầu dò
được đặt ngay hỏm thượng vị, mặt cắt cạnh ức dọc, hơi nghiêng nhẹ theo trục
thực quản đoạn bụng, cho phép nhìn thấy thực quản bụng, cơ hoành cắt ngang
và dạ dày. Trên mặt cắt dọc, thực quản liên hệ với thùy trái gan ở phía trước,
động mạch chủ và các nhánh của nó ở phía sau, tâm nhĩ phải ở phía trên còn dạ
dày ở phía dưới. Trên mặt cắt ngang, thực quản bụng có hình bia, cũng như tất


cả những phần khác của ống tiêu hóa, với phần trung tâm Echo dày (lớp niêm
mạc), vùng trung gian Echo kém (lớp cơ), bao quanh bởi lớp Echo dày (lớp
thanh mạc).

Hình 6: Hình ảnh luồng trào ngược trên siêu âm
Đo chiều dài thực quản bụng (từ cơ hoành đến tâm vị). Bình thường chiều
dài thực quản bụng lơn hơn 16mm ở trẻ từ 0 đến 2 tháng, lớn hơn 17mm ở trẻ từ
2 tháng đến 2 tuổi, lớn hơn18mm từ 2 đến 5 tuổi, lớn hơn 19mm ở trẻ trên 5
tuổi. Khi chiều dài này bị rút ngắn lại, trẻ dễ có nguy cơ bị GERD. Khi có sự rút
ngắn đáng kể và hằng định, gợi ý bệnh lạc chỗ tâm phình vị, còn rút ngắn từng
lúc cách hồi, gợi ý tâm vị di động (cardia mobile).
Đo bề dày thực quản bụng. Theo Pracros, chiều dày thực quản bụng bình
thường 8-10mm, khi lớp niêm mạc vượt quá 4mm gợi ý viêm thực quản. Theo
Dosseur, chiều dày thực quản bụng được coi là bệnh lý khi lớn hơn 7mm ở trẻ
từ 0 đến 2 tháng, lớn hơn 8mm ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi, lớn hơn 9mm ở trẻ
trên 2 tuổi. Việc khảo sát hình thể còn cho phép loại trừ một số bệnh lý ngoại
khoa gây nôn ói kéo dài như hẹp phì đại cơ môn vị, thoát vị khe, thực quản to,
thực quản đôi, ruột xoay bất toàn, khối u gây chèn ép (u nội tại như Leimyoma,
u bên ngoài chèn ép như u nguyên bào thần kinh, u quái trung thất, sự bất
thường mạch máu (bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi về tim, tăng áp lực tĩnh



mạch cửa, dãn tĩnh mạch thực quản). Hoặc khi tồn tại rối loạn nhu động tiền
môn vị, chậm tống xuất dạ dày thường dễ gây GERD.
Khảo sát động, quan sát trong 10 phút, cho phép đánh giá nhu động TQ
và sự mở của tâm vị cũng như cho phép nhìn thấy được dòng trào ngược. Đầu
dò được đặt ở vị trí giống như khảo sát hình thể, giữ vị trí cố định, quan sát và
đếm số lần trào ngược và đánh giá mức quan trọng của trào ngược dựa trên thể
tích dịch dạ dày trào lên thực quản và sự kéo dài của dòng trào ngược. Chỉ
những dòng trào ngược rõ ràng và mạnh vượt quá thực quản bụng mới được
tính. Số lần trào ngược quan sát trong 10 phút, thay đổi theo tuổi. Theo Dosseur,
số cơn trào ngược trong 10 phút được coi là bất thường khi lớn hơn 4 lần ở
trẻ từ 0 đến 2 tháng, lớn hơn 3 lần ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi, lớn hơn 2 lần ở
trẻ từ 2 đến 5 tuổi, lớn hơn 1 lần ở trẻ trên 5 tuổi. Theo Gommes, số cơn trào
ngược quan sát thấy trong 10 phút ở trẻ dưới 1 tuổi là sinh lý khi dưới 3 cơn, từ
2 đến 6 cơn là rối loạn chức năng vừa phải, trên 6 cơn là rối loạn nặng.
3.2.6. Chụp lưu thông đường tiêu hóa có cản quang
Chụp lưu thông đường tiêu hóa có cản quang, Transit Oeso-GastroDuodenal (TOGD), là phương pháp không đặc hiệu và độ nhạy thấp. Ưu điểm
của phương pháp này là cho phép xác định các tổn thương về mặt giải phẫu của
dạ dày và thực quản, phát hiện được thoát vị hoành, ruột xoay bất toàn, tình
trạng góc Hiss và mức độ thoát thuốc qua môn vị và loại trừ được các nguyên
nhân gây nôn khác.


Hình 7: Hình ảnh hẹp môn vị và thoái vị cơ hoành trên TOGD
TOGD có thể ghi nhận hình ảnh trào ngược. Tuy nhiên hình ảnh đó
không giúp chẩn đoán GERD cũng như khi không có nó cũng không giúp loại
trừ GERD. Đồng thời TOGD không đánh giá được có viêm thực quản hay
không.


Hình 8: Hình ảnh trào ngược trên chụp TOGD
3.2.7. Nội soi, sinh thiết
Nội soi thực quản dạ dày giúp quan sát hình thể ngoài thực quản đồng
thời đánh giá tổn thương mô học thực quản qua sinh thiết.

Hình 9: Hình ảnh viêm thực quản trên nội soi
Ưu điểm của phương pháp này là giúp nhìn thấy biến chứng viêm thực
quản và một số biến chứng khác, phân biệt được viêm thực quản do trào ngược
hoặc không do trào ngược. Tuy nhiên nội soi thực quản ở trẻ em cần gây mê và
mối liên quan giữa tổn thương trên nội soi và mô học còn kém do phụ thuộc
nhiều vào kinh nghiệm của các nhà giải phẫu bệnh.


Hình 10: Hình ảnh mô bệnh học
4.
4.1.

CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán GERD thường là chẩn đoán lâm sàng và được đặt ra khi trẻ có

các triệu chứng, các biểu hiện của GER. Tuy nhiên, hỏi bệnh và thăm khám
bệnh ở trẻ dưới 8 tuổi tương đối khó. Sự mô tả triệu chứng của trẻ nhỏ thường
khó khăn. Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường không đặc hiệu.
Chẩn đoán GERD được khẳng định dựa vào khai thác tiền sử và bệnh sử
kỹ lưỡng, khi các biểu hiện lâm sàng điển hình đồng thời loại trừ các nguyên
nhân khác hoặc khi các xét nghiệm chỉ ra sự xuất hiện thường xuyên, kéo dài
của cơn trào ngược, tình trạng viêm thực quản.
Không có một xét nghiệm nào được xem là chuẩn vàng để chẩn đoán trào
ngược bệnh dạ dày thực quản. Phần lớn các xét nghiệm giúp hỗ trợ chẩn đoán,

xác định biến chứng và theo dõi đáp ứng điều trị. Mỗi xét nghiệm có một giá trị
nhất định trong chẩn đoán và không có xét nghiệm nào có thể cung cấp được tất
cả các thông tin cần thiết. Do vậy cần phải cân nhắc và đánh giá trẻ trong từng
hoàn cảnh cụ thể, hiểu được giá trị, ưu nhược điểm của từng phương pháp thăm
dò để có chỉ định hợp lý.
4.2. Chẩn đoán phân biệt
GERD cần được chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây nôn trớ
khác (bảng 3). Các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh có thể là
cần thiết để loại trừ các nguyên nhân gây nôn khác.
Ở trẻ nôn trớ tái diễn, hỏi bệnh sử và khám lâm sàng chú ý đến các triệu
chứng cảnh báo (bảng 1) là đủ để chẩn đoán GER không biến chứng. Nôn trớ
do trào ngược thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phần lớn được giải quyết


trước 12 tháng. Trẻ nôn trớ kéo dài sau 18 tháng tuổi được khuyến cáo chuyển
bệnh nhân đến bác sĩ nhi khoa tiêu hóa. Nôn trớ do trào ngược có thể kèm theo
quấy khóc, kích thích. Nếu trẻ tăng cân tốt không có các dấu hiệu cảnh báo thì
các xét nghiệm là không cần thiết.
Ở trẻ ăn sữa công thức có thể gặp nôn trớ do dị ứng sữa bò. Ở nhóm trẻ
này nôn sẽ giảm đáng kể khi loại bỏ protein sữa bò khỏi chế độ ăn (thường là
trong vòng 2 tuần) và khi cho ăn lại protein sữa bò các triệu chứng lại tái phát.
Protein sữa bò và trứng có thể đi qua sữa mẹ với số lượng ít và gây nôn trớ ở trẻ
có cơ địa dị ứng. Đây là cở sở để thử nghiệm loại bỏ sữa bò và trứng trong chế
độ ăn của mẹ.
Các nguyên nhân gây nôn ở trẻ em
Tắc nghẽn đường tiêu hóa
Hẹp môn vị
Bệnh Hirschsprung
Hẹp hang vị / tá tràng
Dị vật

Thoát vị
Rối loạn tiêu hóa khác
Achalasia
Viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm thực quản bạch cầu ái toan
Viêm dạ dày ruột
Dị ứng thức ăn
Bệnh viêm ruột
Viêm tụy
Viêm ruột thừa
Thần kinh
Não úng thủy
Tụ máu dưới màng cứng
Xuất huyết nội sọ
khối u nội sọ
Chứng đau nửa đầu trẻ sơ sinh
Nhiễm trùng
Nhiễm khuẩn huyết
Viêm màng não
Nhiễm trùng tiết niệu
Viêm phổi
Viêm tai giữa
Viêm gan

Nội tiết, chuyển hóa
Galactosemia
Không dung nạp fructose
Khuyết tật chu kỳ urê
Rối loạn chuyển hóa acid amin
Tăng sản thượng thận bẩm sinh

Thận
Bệnh thận tắc nghẽn
Suy thận
Ngộ độc
Chì
Sắt
Vitamin A
Vitamin D
Thuốc: digoxin, theophylline…
Tim mạch
Suy tim sung huyết
Nguyên nhân khác
Rối loạn giả mạo trẻ em (hội
chứng Munchausen by proxy)
Trẻ bị thiếu quan tâm hoặc lạm
dụng
Hội chứng nôn theo chu kỳ
Rối loạn chức năng thần kinh tự
động

Bảng 3: Các nguyên nhân gây nôn ở trẻ em


4.3. Chẩn đoán biến chứng
4.3.1. Biến chứng thực quản
Viêm thực quản ở trẻ nhỏ, các triệu chứng thường không đặc hiệu. Trẻ có
thể biểu hiện như khó chịu, gồng cong mình và từ chối ăn. Ở trẻ lớn, bệnh biểu
hiện bằng đau thượng vị hoặc ngực. Các biểu hiện như nôn ra máu , thiếu máu
thường hiếm gặp. Trẻ có thể có hội chứng Sandifer ở mọi lứa tuổi. Hội chứng
này là sự kết hợp giữa các bất thường về hình dáng trẻ với GERD. Đầu trẻ

nghẹo về một bên giống như xơ hóa cơ ức đòn chũm, đôi khi mặt không đối
xứng hoặc có các đường nét bất thường của sọ. Hội chứng này là hậu quả của
một tư thế quen dùng để làm giảm bớt đau do viêm thực quản gây ra.
Viêm thực quản ăn mòn được tìm thấy trong khoảng 12 % trẻ em bị triệu
chứng của GERD và là phổ biến hơn ở trẻ em trai, trẻ lớn hơn, trẻ em có các bất
thường về thần kinh, trẻ bị bệnh hô hấp mãn tính nghiêm trọng hoặc thoát vị
hoành. Viêm thực quản kéo dài và nghiêm trọng có thể dẫn đến biến đổi vảy
biểu mô vảy lát tầng của thực quản thành biểu mô trụ, gọi là Barrett thực quản ,
tiền thân của ung thư tuyến thực quản. Cả hai Barrett thực quản và ung thư
tuyến xảy ra hơn ở nam giới da trắng và những người có thời gian trào ngược
kéo dài, tần suất trào ngược nhiều và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
trào ngược. Barrett thực quản và ung thư tuyến hiếm gặp ở trẻ em.
4.3.2. Suy dinh dưỡng
GERD có thể gây thiếu hụt Calo dẫn đến chậm tăng cân và suy dinh
dưỡng. Đối với trẻ có nôn nhiều, suy dinh dưỡng nặng có thể phải cân nhắc cho
ăn qua sonde dạ dày hoặc cho ăn đường tĩnh mạch để khắc phục tình trạng suy
dinh dưỡng.
4.3.3. Ngoài đường tiêu hóa
Hiện tượng ngừng thở và đột tử ở bệnh nhi có luồng trào ngược được giải
thích là sự tắc nghẽn đường thở, đó là do sự đóng lại của thanh quản như là một
phản xạ bảo vệ tức thời ngăn chất lạ vào đường thở.
Tiếng thở rít trong GERD thường xảy ra ở những trẻ có sẵn bất thường về
cấu trúc giải phẫu như phù nề thanh quản. Trẻ lớn gặp ở những trẻ có co thắt
thanh quản, tắc nghẽn một đoạn trên đường hô hấp trên.


Viêm thanh quản và biểu hiện ở tai mũi họng khác được cho là hậu quả
của GERD. Khàn tiếng, mất giọng, ho mạn tính, viêm hầu họng, viêm tai giữa
đã được cho là có liên quan đến bệnh.
Có tới 50% bệnh nhân bị hen có kèm theo GERD. Tuy nhiên sự liên quan

này không chỉ ra được một cách rõ ràng là bệnh này là nguyên nhân trực tiếp
gây ra bệnh kia hay không và không đánh giá được hiệu quả mang lại với một
bệnh nhân hen phế quản sau khi thực hiện điều trị bệnh GERD. Những trẻ bị
hen phế quản một khi có bệnh GERD như là một yếu tố kích thích thì bệnh hen
thường kéo dài dai dẳng hoặc phụ thuộc corticoid và thường biểu hiện nặng hơn
về đêm.
5.
ĐIỀU TRỊ
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản sinh lý và bệnh trào ngược dạ dày
thực quản bao gồm: thay đổi lối sống, điều trị thuốc và điều trị phẫu thuật.
5.1. Thay đổi lối sống
7.1.1 Chế độ ăn ở trẻ nhỏ
Khoảng 50% trẻ lành mạnh từ 3 đến 4 tháng có nôn trớ ít nhất một lần
mỗi ngày và lên đến 20% người chăm sóc trẻ ở Mỹ đến cơ sở y tế khám vì điều
này. Trẻ ăn sữa mẹ và trẻ ăn sữa công thức có tần số trào ngược dạ dày thực
quản sinh lý tương tự nhau. Tuy nhiên thời gian mỗi lần trào ngược đo bằng
pH- kế có thể ngắn hơn ở trẻ ăn sữa mẹ so với sữa công thức.
Ở trẻ ăn sữa công thức có thể gặp nôn trớ do dị ứng sữa bò. Ở nhóm trẻ
này nôn sẽ giảm đáng kể khi loại bỏ protein sữa bò khỏi chế độ ăn (thường là
trong vòng 2 tuần) và khi cho ăn lại protein sữa bò các triệu chứng lại tái phát.
Protein sữa bò và trứng có thể đi qua sữa mẹ với số lượng ít và gây nôn trớ ở trẻ
có cơ địa dị ứng. Đây là cở sở để thử nghiệm loại bỏ sữa bò và trứng trong chế
độ ăn của mẹ.
Tăng số lần cho ăn và giảm lượng thức ăn một bữa có thể giúp giảm số
lần trào ngược. Việc nôn trớ nhiều, có thể dẫn đến không cung cấp đủ năng
lượng hậu quả là ảnh hưởng đến cân nặng trẻ. Ở trẻ có cân nặng thấp, nên cân
nhắc việc dùng sữa cao năng lượng để đảm bảo nhu cầu năng lượng của trẻ.


Dùng các loại sữa công thức thêm chất làm đặc từ ngũ cốc có tác dụng

làm giảm chiều cao của cơn trào ngược cũng như nôn trớ tuy nhiên không làm
giảm thời gian trào ngược và có thể làm tăng ho, sặc sữa lúc ăn. Dùng các loại
sữa này cần cắt núm vú rộng hơn một chút giúp sữa có thể xuống dễ dàng. Các
loại sữa công thức antiregurgitant (AR) thêm tinh chất từ gạo, ngô, khoai tây,
châu chấu, đậu kẹo cao su hiện nay phổ biến tại Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Sữa
AR có mật độ năng lượng, độ thẩm thấu, protein, canxi và lượng axit béo phù
hợp với nhu cầu của trẻ. Trong khi sữa công thức thêm chất làm đặc từ ngũ cốc
có mật độ năng lượng cao hơn. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng
không có sự khác biệt có ý nghĩa về sự thoải mái của trẻ giữa việc được nuôi
dưỡng bằng sữa công thức AR, sữa thêm chất làm đặc từ ngũ cốc hay sữa công
thức thông thường.
Nói chung ở trẻ có trào ngược dạ dày thực quản không biến chứng hướng
dẫn bố mẹ chăm sóc trẻ và phát hiện các dấu hiệu bệnh là đủ. Các xét nghiệm
và các can thiệp khác là cần thiết. Nếu triệu chứng xấu đi hoặc tồn tại sau 12
đến 18 tháng tuổi chuyển bệnh nhân hoặc hội chẩn với bác sĩ nhi khoa tiêu hóa
là được khuyến cáo.
Cho ăn qua sonde dạ dày có thể hữu ích ở trẻ trào ngược dạ dày thực
quản không tăng cân hoặc viêm phổi do trào ngược.
7.1.2 Tư thế ở trẻ nhỏ
Một số nghiên cứu ở trẻ nhỏ đã chứng minh có sự giảm đáng kể trào
ngược khi trẻ ở tư thế nằm sấp so với tư thế nằm ngửa. Có sự khác nhau giữa
các nghiên cứu về hiệu quả của tư thế nằm sấp thẳng với nằm sấp nghiêng đầu
với việc giảm trào ngược. Số lượng trào ngược ở trẻ nằm ngửa đầu cao bằng
hoặc hơn trẻ nằm ngửa đầu bằng. Tư thế nửa nằm nửa ngồi (ghế xe hơi) làm
trào ngược nặng lên. Tư thế thẳng đứng làm giảm trào ngược. Tuy nhiên các
nghiên cứu cũng cho thấy rằng hiệu quả của tư thế thẳng đứng thấp hơn so với
việc sử dụng sữa công thức có làm đặc với ngũ cốc.


Từ những năm 1980, tư thế nằm sấp khi ngủ đã được khuyến cáo ở trẻ có

bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tư thế ngủ nằm sấp trẻ ngủ ngon và ít khóc
hơn tư thế nằm ngửa. Tuy nhiên có mối liên quan giữa tư thế ngủ nằm sấp với
hội chứng đột tử ở trẻ bú mẹ (SIDS). Do đó cần cân nhắc giữa lợi và hại của tư
thế này. Tư thế nằm sấp có thể chấp nhận ở trẻ khi thức và có người quan sát, tư
thế này có thể hiệu quả khi trẻ ăn no. Ở trẻ có rối loạn đường hô hấp, có thể cân
nhắc với tư thế ngủ nằm sấp vì ở nhóm trẻ này có thể nguy cơ tử vong từ trào
ngược còn cao hơn SIDS. Ở trẻ trên 1 tuổi, trẻ trào ngược dạ dày thực quản có
nguy cơ SIDS là không đáng kể.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tư thế nằm sấp và tư thế nằm nghiên trái
có tình trạng trào ngược tương tự nhau và tốt hơn tư thế nằm nghiên phải và
nằm ngửa. Kết quả cũng cho thấy rằng tư thế nằm nghiêng phải giúp cải thiện
tình trạng trào ngược sau ăn so với nằm nghiêng trái.
7.1.3 Thay đổi lối sống ở trẻ lớn và trẻ vị thành niên
Thay đổi lối sống ở trẻ lớn và trẻ vị thành niên trong điều trị GERD bao
gồm thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân, tư thế ngủ, tránh rượu và thuốc lá. Hầu
hết các nghiên cứu tập trung ở người lớn, nên sự áp dụng lên trẻ lớn là không
chắc chắn. Xem xét sự thay đổi lối sống trên GERD ở người lớn cho thấy rằng
giảm cân, chế độ ăn ít chất béo, chocolate, glucid, tránh rượu, thuốc lá có tác
dụng cải thiện độ pH thực quản và cải thiện triệu chứng, đặc biệt là ở bệnh nhân
có béo phì. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng bữa tối muộn có ảnh hưởng đến pH
thực quản trong đêm, sự khác biệt rõ ràng hơn ở người béo phì. Các chuyên gia
khuyên rằng trẻ lớn và trẻ vị thành niên nên tránh cà phê, chocolate, rượu và các
gia vị thực phẩm. Hút thuốc là nên tránh ở người mắc GERD vì liên quan đến
ung thư thực quản. Nhai kẹo cao su không đường sau ăn giúp giảm trào ngược.
Ở người béo phì, giảm cân có tác dụng giảm trào ngược.
Hiệu quả của tư thế ngủ đối với điều trị GER và GERD ở trẻ lớn hơn 1
tuổi chưa được nghiên cứu. Các nghiên cứu ở người lớn chỉ ra rằng các triệu


chứng trào ngược, ợ nóng giảm ở tư thế nằm đầu cao tăng ở tư thế nằm nghiêng

phải.
7.2 Điều trị thuốc
7.2.1 Kháng thụ thể H2 (H2RAs)
H2RAs làm giảm tiết acid bằng cách ức chế thụ thể histamin-2 trên tế bào
thành của dạ dày. Trong một nghiên cứu trên trẻ nhỏ, ranitadine (2mg/kg/liều
uống) có tác dụng giảm thời gian pH dạ dày < 4 xuống 44% khi uống 2 lần/ngày
và xuống 90% khi uống 3 lần/ngày. Một liều ranitadine 5mg/kg có tác dụng
tăng pH dạ dày trong 9-10 giờ ở trẻ nhỏ. Nghiên cứu trên trẻ từ 4 đến 11 tuổi,
ranitadine đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 2,5 giờ và có thời gian bán
thải là 2 giờ. pH dạ dày bắt đầu tăng sau 30 phút, và tác dụng kéo dài 6 giờ. Tác
dụng của H2RAs giảm nếu dùng kéo dài. Một nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả
của raniradine mất sau 6 tuần.
Nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên có nhóm chứng chỉ ra rằng cimetidine,
ranitidine và famotidine có tác dụng cải thiện triệu chứng và tình trạng viêm
thực quản so với giả dược. Tuy nhiên, H2RAs có tác dụng tốt hơn khá nhiều ở
viêm thực quản nhẹ so với viêm thực quản nặng.
Tóm lại H2RAs có tác dụng cải thiện triệu chứng của GERD và biến
chứng viêm thực quản, mặc dù hiệu quả thấp hơn so với PPIs.
H2RAs có thể gây khó chịu, đau đầu, buồn ngủ và các tác dụng phụ khác
liên quan đến sự ức chế bài tiết acid dạ dày sẽ trình bầy kĩ hơn ở phần PPIs.
7.2.2 Ức chế bơm Proton (PPIs)
PPIs có tác dụng giảm bài tiết acid dạ dày bằng cách ức chế bơm proton,
làm giảm tiết HCl từ tế bào vào dạ dày. Hiệu quả của PPIs vượt trội hơn H2RAs
trong điều trị viêm thực quản. Hiệu quả vượt trội của PPIs thể hiện bởi khả năng
duy trì pH dạ dày dưới 4 trong thời gian dài hơn, và ngay cả trong bữa ăn, và tác
dụng của PPIs không giảm theo thời gian. PPIs cũng có tác dụng làm trống dạ
dày, do đó làm giảm trào ngược.


PPIs là dạng tiền chất và không bền ở môi trường acid. Do vậy không nên

bẻ nhỏ hoặc nghiền thuốc trước khi uống để bảo vệ dược chất. Nên uống PPIs
trước ăn 30 phút. Thời gian bán thải của thuốc là 1-2 giờ, tuy nhiên nhờ gắn với
bơm proton bằng liên kết thuận nghịch, nên PPIs có tác dụng ức chế sự tiết acid
mạnh và kéo dài.
Hiện nay ở Bắc Mỹ các PPIs được chấp thuận cho dùng ở trẻ em là
omeprazole, lansoprazole và esomeprazole. Và ở Châu Âu chỉ có omeprazole và
esomeprazole là được cho phép sử dụng ở trẻ em. Không có PPIs nào được
khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Lượng PPI được kê đơn gần đây ở trẻ em tăng gấp bội mặc dù đa số
không có bằng chứng của các rối loạn liên quan đến acid dạ dày. Trẻ em phản
ứng giống nhau với nhiều kích thích, trong đó có GERD. Do đó triệu chứng
không đặc hiệu. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng giả dược làm mù đôi
trên trẻ em có triệu chứng như của GERD cho thấy hiệu quả của PPI không có
sự khác biệt so với giả dược, mặc dù tác dụng ức chế tiết acid chỉ xẩy ra ở nhóm
dùng PPI. Do đó không điều trị PPI ở trẻ có triệu chứng, mà không được chứng
minh là do GERD.
Tác tác dụng phụ gặp ở 14% trẻ dùng PPIs, trong đó hay gặp nhất là nhức
đầu, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn (2-7%). Các tác dụng phụ này có thể giải
quyết bằng giảm liều hoặc đổi sang một PPI khác. Tăng sản tế bào thành là thay
đổi lành tính do PPI gây ra liên quan đến ức chế tiết acid và tăng gastrin máu.
Có những bằng chứng cho thấy rằng việc giảm acid dạ dày làm tăng tỷ lệ viêm
phổi cộng đồng ở người lớn và trẻ em, viêm dạ dày ruột ở trẻ em, nhiễm
candida và viêm ruột hoại tử ở trẻ đẻ non. Trẻ được điều trị bằng PPI có tỷ lệ
cao hơn đáng kể của các tác dụng phụ so với nhóm dùng giả dược. PPI được
chứng minh là làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột ở người lớn, điều này chưa
được nghiên cứu ở trẻ em. Các tác dụng phụ khác được báo cáo ở người lớn
điều trị PPI kéo dài là thiếu hụt vitamin B12, tăng nguy cơ gẫy xương, viêm



×