Tải bản đầy đủ (.pdf) (75 trang)

Ẩm thực trong ca dao người việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (817.85 KB, 75 trang )

Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
*********

HOÀNG THỊ LỘC

ẨM THỰC
TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Người hướng dẫn khoa học
ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC LAN

HÀ NỘI – 2010

Hoàng Thị Lộc

1

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2



LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành sâu sắc của mình tới cô giáo
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, người đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi hoàn
thành khoá luận này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy giáo, cô giáo khoa Ngữ văn, đặc
biệt là các thầy cô giáo tổ văn học Việt Nam, khoa Ngữ văn, trường Đại học
Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học
tập, tìm hiểu nghiên cứu.
Tôi xin chân thành cảm ơn !

Hà Nội, tháng 5 năm 2010

Người thực hiện

Hoàng Thị Lộc

Hoàng Thị Lộc

2

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan những nội dung mà tôi đã trình bày trong khoá luận
là kết quả quá trình nghiên cứu của bản thân dưới sự hướng dẫn chỉ bảo tận
tình của cô giáo ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan. Những nội dung này không hề
trùng với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác.

Hà Nội, tháng 5 năm 2010

Người thực hiện

Hoàng Thị Lộc

Hoàng Thị Lộc

3

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2
MỤC LỤC
Trang

Lời cảm ơn
Lời cam đoan
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................ 6
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................... 7

3. Mục đích nghiên cứu ...................................................................... 12
4. Phạm vi nghiên cứu ........................................................................ 12
5. Phương pháp nghiên cứu ................................................................ 13
6. Đóng góp của khóa luận ................................................................. 13
7. Cấu trúc khoá luận.......................................................................... 13
NỘI DUNG
Chương 1: Văn hoá ẩm thực trong đời sống người Việt .......................... 14
1.1. Khái niệm văn hoá ẩm thực ......................................................... 14
1.2. Bản sắc văn hoá ẩm thực Việt Nam ............................................. 15
1.2.1. Quan niệm của người Việt về ẩm thực ................................... 15
1.2.2. Ẩm thực Việt Nam - một nền ẩm thực phong phú ................. 23
1.2.3. Các đặc tính trong văn hoá ẩm thực người Việt ..................... 31
Chương 2: Ẩm thực của người Việt ba miền trong ca dao ..................... 38
2.1. Ẩm thực của người bình dân Bắc bộ...................................................... 38
2.1.1. Đặc trưng ẩm thực Bắc bộ ..................................................... 38
2.1.2. Phong vị ẩm thực của một số địa phương Bắc bộ .................. 43
2.2. Ẩm thực của người bình dân Trung bộ ........................................ 48
2.2.1. Đặc trưng ẩm thực Trung bộ ................................................. 48
2.2.2. Phong vị ẩm thực của một số địa phương Trung bộ .............. 50

Hoàng Thị Lộc

4

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2


2.3. Ẩm thực của người bình dân Nam bộ .......................................... 65
2.3.1. Đặc trưng ẩm thực Nam bộ ................................................... 65
2.3.2. Phong vị ẩm thực của một số địa phương Nam bộ ................ 66
KẾT LUẬN ................................................................................................. 73
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 74

Hoàng Thị Lộc

5

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Từ bao đời nay ca dao dân ca đã trở nên gần gũi gắn bó, đã ăn sâu vào
trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Đến với ca dao ta như bắt gặp
điệu hồn dân tộc đằm thắm thiết tha. Vốn là một bộ phận quan trọng trong
dòng văn học dân gian, ca dao giống như một tấm gương muôn màu đã soi
chiếu và phản ánh một cách thành công, đầy đủ đời sống tâm hồn tình cảm
phong phú của lớp người bình dân Việt Nam xưa.
Trong ca dao người Việt, một trong những mảng quan trọng là ca dao
viết về văn hoá ẩm thực. Có thể nói: Văn hoá ẩm thực là nét văn hoá tự nhiên
hình thành trong cuộc sống. Nhất là đối với người Việt Nam, ẩm thực không

chỉ là nét văn hoá về vật chất mà còn là văn hoá về tinh thần. Qua ẩm thực
người ta có thể hiểu được nét văn hoá thể hiện phẩm giá con người, trình độ
văn hoá của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn
uống…[2]
Ca dao viết về ẩm thực luôn đem lại cho ta cảm giác ấm áp chan chứa
ân tình, ở đó có ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè… Mối
quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa người với
người trong xã hội được phản ánh đầy đủ và sinh động, trở thành đề tài nổi
bật, trong đó không hiếm những bài ca dao viết về văn hoá ẩm thực của người
Việt. Đây là một nét văn hoá trong đời sống sinh hoạt của người bình dân, thể
hiện sâu sắc đạo lý truyền thống dân tộc.
Thực tế cho thấy ca dao luôn là thể loại chiếm được sự quan tâm đặc
biệt của các nhà nghiên cứu. Song đối với nhóm ca dao viết về ẩm thực sự
quan tâm ấy còn quá ít ỏi. Tính đến thời điểm này vẫn chưa có một công trình
chuyên biệt nào nghiên cứu về các bài ca dao văn hoá ẩm thực của người

Hoàng Thị Lộc

6

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

Việt. Vì vậy, đây là đề tài khá mới mẻ cần được quan tâm kỹ lưỡng và toàn
diện hơn. Xuất phát từ lý do khoa học này, người viết lựa chọn đề tài Ẩm
thực trong ca dao người Việt. Qua đề tài này, chúng tôi muốn giới thiệu với

tất cả mọi người về một nét đẹp rất đặc trưng của đất nước và con người Việt
Nam - nét đẹp trong văn hoá ẩm thực.
2. Lịch sử vấn đề
Xoay xung quanh vấn đề văn hoá ẩm thực đã có rất nhiều bài viết, công
trình nghiên cứu. Nhìn chung các tác giả đều đề cao ẩm thực từ góc nhìn văn
hoá. Những người quan tâm đến truyền thống ẩm thực Việt Nam có lẽ dễ
dàng đồng ý với nhận xét khái quát sau đây của nhà nghiên cứu văn hoá dân
gian Đinh Gia Khánh: Món ăn, cách thức ăn uống ở từng nước (tức quê
hương lớn), ở từng làng xóm (tức quê hương nhỏ) là biểu hiện của lối sống
dân tộc, lối sống địa phương và bắt rễ sâu xa vào truyền thống lịch sử, truyền
thống văn hoá của dân tộc, của địa phương và có tác động không nhỏ vào
tâm tư, tình cảm, vào cách ứng xử của mỗi tập đoàn người, của mỗi người
[Dẫn theo 9].
Quả thật, ăn uống là chuyện hàng ngày mà cũng là chuyện muôn đời.
Ông cha ta từ xa đã có vô số từ ngữ, thành ngữ xác đáng mà đôi khi không
thiếu chất khôi hài, trào lộng để nói về cái ăn. Ví dụ như: Dĩ thực vi tiên; Học
ăn học nói, Ăn vóc học hay; Có thực mới vực được đạo; Nhân chi sơ là sờ vú
mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn.
Chính vì vậy, một người rất biết thưởng thức nghệ thuật ăn như Tản Đà
từng đưa ra bốn nguyên tắc về nghệ thuật ăn: món ăn phải nấu ra sao cho
ngon, người ăn phải ăn với ai mới thú, nơi ăn phải thơ mộng mới thêm thú vị,
và thời gian ăn phải đúng thời điểm mới thêm phần long trọng: “Đồ ăn không
ngon, chỗ ngồi không đúng, bữa ăn không ngon. Đồ ăn ngon, người ăn không
ngon, bữa ăn không ngon. Đồ ăn ngon, người ăn tri kỷ, nhưng nơi chốn

Hoàng Thị Lộc

7

K32D – Ngữ văn



Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

không đẹp, bữa ăn cũng không ngon; và nếu vào thời điểm không đúng, bữa
ăn cũng không ngon” [8].
Từ đây ta thấy, giải quyết chuyện ăn từ lâu đã trở thành một vấn đề lớn
và chung cho toàn thể loài người, đó cũng là nguyên do chính đưa tới sự hình
thành các khoa kinh tế học, văn hoá học, dinh dưỡng học và bao điều hấp dẫn
khác trên đời. Tuy nhiên sau khi giải quyết được chuyện đói no, con người
thấy rằng ăn uống còn là một nghệ thuật tế nhị, độc đáo, nhiều dáng vẻ của
mỗi dân tộc. Đã có hàng ngàn thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân ca liên quan tới
chuyện ăn uống: “thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh”, “thứ nhất thịt bò tái,
thứ nhì gái đương tơ”.
Do đó ta nên biết ơn những người đi trước trong mấy thế kỷ gần đây, từ
nhà y học lớn Lê Hữu Trác (tức Hải Thượng Lãn Ông), tác giả Nữ Công
Thắng Lãm tới các học giả nhà văn, nhà văn hoá, như Phan Kế Bính, Đào
Duy Anh, Toan Anh, Hoàng Thị Kim Cúc, Mai Khôi, Thạch Lam, Nguyễn
Tuân, Sơn Nam… và nhiều người khác nữa đã dành cho khoa học và nghệ
thuật ăn uống Việt Nam những khảo sát tỉ mỉ và nhận xét sâu sắc.
Trong vài chục năm trở lại đây, sự quan tâm đến văn hoá ẩm thực còn
kỹ lưỡng và toàn diện hơn nữa.
Năm 1978, nhà nghiên cứu Trương Chính, Đặng Đức Siêu trong Sổ tay
văn hoá Việt Nam, mục V- Đời sống vật chất đã nhận xét một cách khái quát
nhất về thói quen ăn uống của người Việt Nam. Về ăn, các tác giả cho rằng:
Người Việt Nam từ xưa đến nay lấy cơm làm món chính trong bữa ăn. Thức
ăn nhiều mấy, ngon mấy cũng phải có ba bát cơm vào bụng mới được... món
ăn thì đủ thứ, từ nguồn động vật, thực vật có trong nước, cây cỏ, cầm thú, cua

cá được chế biến bằng nhiều cách khác nhau. Món ăn thông thường cũng kể
đến hàng trăm món. Trải qua hàng thế kỷ đã hình thành được một kỹ thuật, có
thể nói là một nghệ thuật - nấu nướng tinh xảo, hợp với khẩu vị người Việt

Hoàng Thị Lộc

8

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

Nam, ngon, bổ và rẻ tiền [7, 110]. Về uống, người Việt Nam thích uống chè
tươi, chè khô, chè mạn, chè hột... [7, 112]. Có thể coi đó là những đặc điểm
nổi bật nhất về ẩm thực của người Việt Nam từ xưa đến nay.
Ngoài những nét chung, thói quen ăn uống của người Việt ba miền
Bắc - Trung - Nam lại mang nét riêng, độc đáo. Điều này đã được các nhà
nghiên cứu dày công tìm hiểu.
Đầu năm 2000, nhà nghiên cứu Xuân Huy đã cho công bố công trình
Văn hoá ẩm thực và món ăn Việt Nam (Nhà Xuất bản trẻ, 837 trang), trình
bày các phong tục, tập quán liên quan tới ăn uống, trước khi giới thiệu 25
món ăn chính của người Việt toàn quốc, tiếp sau là 35 món tiêu biểu cho “hương hoa đất Bắc”, 32 món tiêu biểu cho “phong vị miền Trung” và 43 món
tiêu biểu cho “hào phóng miền Nam”. Xuân Huy còn dẫn thêm năm bài về ăn
chay, một bài của Vương Hồng Sến về Sài Gòn ăn uống, ba bài của Tô Hoài
và Tú Mỡ về cháo, phở, bánh, cùng 60 trang về các giai thoại thành ngữ, tục
ngữ, ca dao, dân ca về ẩm thực dân gian của người Việt ba miền [10].
Sang năm 2001, Từ Giấy đã làm một tổng hợp công phu và khá sâu sắc

trong một tác phẩm dày 132 trang, nhan đề Phong cách ăn Việt Nam
(Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa). Cùng năm đó, tập thể tác giả Trần Quốc
Vượng, Mai Khôi… đã cho công bố bộ sách ba tập, dày hơn 1.600 trang,
nhan đề Văn hoá ẩm thực Việt Nam. Có thể xem đây là một bách khoa toàn
thư giới thiệu và phân tích 130 món ăn miền Bắc từ Hà Nội tới Lạng Sơn, 176
món ăn miền Trung từ Thanh Hoá đến Ninh Thuận và 144 món ăn miền Nam
từ Sài Gòn đến Cà Mau [10].
Bàn về món ăn Việt Nam và văn hoá ẩm thực trong đời sống sinh hoạt
của người Việt Nam còn rất nhiều công trình chuyên biệt, thể hiện sự quan
tâm đúng mức của các nhà nghiên cứu.

Hoàng Thị Lộc

9

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

Từ thực tế đời sống đi vào ca dao, ẩm thực trở thành một chủ đề nổi
bật, góp phần phản ánh sinh động đời sống bình dị, dân dã của người bình dân
đồng thời tạo nên một nét văn hoá đặc trưng mang tính dân tộc, tính địa
phương vô cùng rõ nét. Tuy nhiên, tìm hiểu về sở thích, thói quen ẩm thực
của người bình dân trong ca dao còn khá mờ nhạt.
Vũ Ngọc Phan trong Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam đã dành một số
trang viết tìm hiểu về Đất nước và con người qua tục ngữ ca dao [18, 157].
Nói về ẩm thực, ông nhắc đến các đặc sản nổi tiếng làm nên “thương hiệu”

vùng miền. Chẳng hạn: Hà Nội có nhiều đặc sản mà văn học dân gian thường
nói đến như: Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây/ Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người
hoặc cụ thể hơn nữa, ông nhận xét: Ở Thanh Trì, sát với nội thành Hà Nội, có
những đặc sản mà dân Hà Nội rất chuộng: Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm/
Cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây. Cũng theo khảo sát của ông thì đâu đâu
cũng có “những đặc sản rất quý” như: Bưởi Chi Đán, quýt Đan Hà/ Cà phê
Phú Hộ, đồi trà Thái Ninh ở Phú Thọ, hay: Ai về nhắn với họ Nguồn/ Mít non
chở xuống, cá chuồn chở lên ở vùng thượng du Quảng Nam Đà Nẵng...
Những ý kiến trên đây được rút ra từ kết quả khảo sát bước đầu, vì thế còn
chung chung mà chưa có sự phân tích, lý giải cặn kẽ về đặc trưng ẩm thực của
các vùng miền.
Trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (tái bản lần thứ 3), tác
giả Chu Xuân Diên khi khái quát về Lịch sử và xã hội, đất nước và con người
trong ca dao dân ca Việt Nam, đã chỉ ra một vài biểu hiện về ẩm thực của
người bình dân ba miền. Đi theo câu ca dao dân ca Việt Nam qua các vùng
đất, có thể thấy chuyện ăn chuyện uống sao mà đa dạng. Ở miền Bắc, khách
đến chơi nhà thường được mời “một miếng trầu, một chén rượu” (Có trầu cho
miếng đỏ môi/ Có rượu cho chén thêm tươi má hồng). Còn khi đến một địa
phương miền Nam Trung bộ, có thể được ăn một thứ ớt đặc biệt: Lâu ngày

Hoàng Thị Lộc

10

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2


gặp ớt thù lù/ Ních vô một miếng mịt mù lỗ tai [14, 445]. Vài nhận xét sơ lược
có tính chất giới thiệu chưa thể nói rõ những biểu hiện đặc trưng nhất về ẩm
thực của người bình dân trong ca dao.
Khi tham gia biên soạn cuốn Ca dao dân ca đẹp và hay, tác giả
Nguyễn Thị Ngọc Điệp đã đề cập đến một trong những chủ đề nổi bật nhất
của ca dao dân ca trữ tình - tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu ấy của
người bình dân được gửi gắm qua “những tên đất, tên làng” vang lên đầy ắp
tự hào. Sản vật của từng vùng, miền cũng trở nên có ý nghĩa hơn, vì chúng
được tạo thành từ mồ hôi nước mắt của bao con người... Những vùng đất “cò
bay thẳng cánh”, “nước trong gạo trắng” nhiều cá tôm, có cau, dừa, bưởi,
xoài... được dân gian ngợi ca bằng tất cả tấm lòng yêu mến: Ăn bưởi thì hãy
đến đây/ Đến mùa bưởi chín vàng cây trĩu cành/ Ngọt hơn quýt mật cam
sành/ Biên Hoà có bưởi trứ danh tiếng đồn [9, 16]. Rõ ràng những sản vật
liên quan đến ẩm thực đã làm nên một trong những nét đặc trưng vùng miền,
hàm chứa tình yêu, niềm tự hào của mỗi con người đối với quê hương, xứ sở.
Những đánh giá ngắn gọn trên đây giúp chúng tôi định hướng cụ thể hơn nội
dung nghiên cứu của đề tài.
Bàn về ẩm thực, tác giả Hoài Bảo Anh Thư trong bài viết Ẩm thực
trong ca dao Việt Nam” [21] đã đề cao vai trò của nội trợ: Tôi đã xem việc
nội trợ rất cần thiết, tôi ưa thích học hỏi nấu nướng, những món ăn, thực đơn
lạ. Tác giả nhận thấy vấn đề ẩm thực được đề cập đến trong ca dao đã chứa
đựng rất nhiều thú vị trong việc nội trợ qua các thực đơn mỗi miền. Ẩm thực
miền Bắc được tác giả nhắc đến với những món ăn rất đặc trưng: Anh đi anh
nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương... Ẩm thực miền Trung,
nổi tiếng với những đặc sản Cố đô: Yến sào Vĩnh Sơn/ Cua gạch Quảng Khê/
Sò ngêu Quan Hà... Còn miền Nam lại được biết đến với các món ăn dân dã
đậm đà hương vị: Bậu ra bậu lấy ông câu/ Bậu câu cá bống chặt đầu kho

Hoàng Thị Lộc


11

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

tiêu/ Kho tiêu kho ớt kho hành/ Kho ba lượng thịt để dành mà ăn... Mặc dù
đây mới chỉ là một bài viết ngắn nhằm thể hiện một vài suy nghĩ của tác giả
khi bàn về thói quen ẩm thực của người bình dân qua ca dao song thực sự lại
là những gợi ý có giá trị, tạo tiền đề cho quá trình nghiên cứu đề tài này của
chúng tôi.
Nhìn lại lịch sử nghiên cứu, có thể khẳng định vấn đề này còn có những
“khoảng trống” cần phải được “lấp” đầy. Tiếp thu ý kiến của những người đi
trước, chúng tôi bước đầu tiếp cận đề tài Ẩm thực trong ca dao người Việt
với hy vọng đóng góp một phần nào đó vào việc tìm hiểu văn hoá ẩm thực
của người Việt một cách cụ thể và toàn diện hơn.
3. Mục đích nghiên cứu
- Góp phần nghiên cứu một cách có hệ thống sâu sắc và cụ thể hơn vấn
đề Ẩm thực trong ca dao người Việt. Qua đó thấy được những biểu hiện đa
dạng về văn hoá ẩm thực của người Việt ba miền.
- Làm quen với các phương pháp nghiên cứu khoa học đồng thời nâng
cao khả năng cảm thụ, phân tích ca dao, phục vụ cho việc giảng dạy văn học
dân gian sau này ở trường phổ thông.
4. Phạm vi nghiên cứu
4.1. Tư liệu nghiên cứu
Do giới hạn của đề tài chúng tôi chỉ đi vào tìm hiểu những bài ca dao

viết về ẩm thực của người Việt. Những bài ca dao thuộc chủ đề này trong ca
dao của các dân tộc thiểu số không thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi.
Nguồn tài liệu mà chúng tôi sử dụng là những kiến thức thực tế được
tích góp từ những thế hệ đi trước, từ cuộc sống của chính bản thân và những
công trình sưu tầm, biên soạn về ẩm thực được đăng tải trên sách báo và các
phương tiện thông tin đại chúng.
4.2. Nội dung nghiên cứu

Hoàng Thị Lộc

12

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

Tìm hiểu những nét cơ bản nhất về văn hoá ẩm thực trong đời sống
người Việt. Đồng thời xem xét những biểu hiện về thói quen, sở thích ẩm
thực mang tính đặc trưng của người bình dân ba miền Bắc - Trung - Nam
được phản ánh trong ca dao.
Ẩm thực chính là ăn uống. Từ ăn uống bao gồm hai động tác “ăn” và
“uống”. Tuy nhiên người Việt thường đều hiểu ăn uống một cách chung như
là cách sống. Hiểu như vậy công việc phân tích thường tập trung vào ăn và ít
để ý nhiều đến uống. Trong khoá luận, chúng tôi dùng cả hai từ ăn uống (ẩm
thực) theo lối hiểu bình dân của người Việt, tuy nhiên trọng tâm vẫn là ăn.
5. Phương pháp nghiên cứu
Do đặc điểm, yêu cầu và mục đích của đề tài chúng tôi sử dụng các

phương pháp sau:
- Phương pháp khảo sát, thống kê, phân loại
- Phương pháp phân tích, bình giảng
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp tổng hợp
6. Đóng góp của khoá luận
6.1. Về lí luận
Bổ sung tư liệu và những kiến thức về văn hoá ẩm thực trong ca dao
người Việt - một vấn đề còn chưa được quan tâm thoả đáng.
6.2. Về thực tiễn
Tìm hiểu Ẩm thực trong ca dao người Việt góp phần nâng cao về văn
học dân gian và có thể áp dụng vào việc giảng dạy ca dao dân ca.
7. Cấu trúc của khoá luận
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, khoá luận của chúng tôi được
triển khai thành hai chương:
Chương 1: Văn hoá ẩm thực trong đời sống người Việt
Chương 2: Ẩm thực của người Việt ba miền trong ca dao

Hoàng Thị Lộc

13

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: VĂN HOÁ ẨM THỰC TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT

1.1. Khái niệm văn hoá ẩm thực
Ẩm thực: Theo Từ điển Việt Nam thông dụng thì ẩm thực chính là ăn
uống - là hoạt động để cung cấp năng lượng cho con người sống và hoạt động.
Chính vì vậy, nói đến văn hoá ẩm thực là nói đến việc ăn uống cùng các món
ăn với nguồn gốc lịch sử của nó [Dẫn theo 17].
“Ăn” là hoạt động cơ bản nhất của con người, gắn liền với con người
ngay từ buổi sơ khai. Nên vào thời điểm ấy, ăn uống chỉ là một hoạt động
sinh học, một phản ứng tự nhiên không điều kiện của con người. Con người
khi đó chỉ ăn theo bản năng, giống như tất cả các loài động vật khác, ăn để
duy trì sự sống và bảo tồn giống nòi. Thời kì này ăn uống chưa có chọn lọc,
họ ăn tất cả những gì kiếm được, và đặc biệt là ăn sống, uống sống.
Cùng với sự phát triển của con người thì hoạt động ăn uống cũng thay
đổi theo hướng tích cực với sự đa dạng cuả các món ăn và cách chế biến.
Trước kia món ăn chỉ đáp ứng nhu cầu ăn cho no bụng nhưng bây giờ
con người quan tâm đến tính thẩm mĩ của món ăn, ăn bằng mắt, bằng mũi và
tất cả các giác quan của cơ thể. Vì thế, các món ăn, đồ uống được bày biện
một cách đặc sắc hơn, cầu kỳ hơn và nấu ăn cũng như thưởng thức món ăn trở
thành một nghệ thuật. Ẩm thực không chỉ là sự tiếp cận về góc độ văn hoá vật
chất mà còn chứa đựng trong đó văn hoá tinh thần.
Theo nghĩa rộng, “Văn hoá ẩm thực” là một phần văn hoá nằm trong
tổng thể, phức thể các đặc trưng diện mạo về vật chất, tinh thần, tri thức, tình
cảm…

khắc hoạ một số nét cơ bản, đặc sắc của một cộng đồng, gia đình,

làng xóm, vùng miền, quốc gia. Nó chi phối một phần không nhỏ trong cách
ứng xử và giao tiếp của một cộng đồng, tạo nên đặc thù của cộng đồng ấy.


Hoàng Thị Lộc

14

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

Trên bình diện văn hoá tinh thần, văn hoá ẩm thực là cách ứng xử, giao tiếp
trong ăn uống và nghệ thuật chế biến thức ăn, ý nghĩa, biểu tượng tâm linh
trong món ăn đó “qua ăn uống mới thấy con người đối đãi với nhau như thế
nào?” [17].
Theo nghĩa hẹp, “Văn hoá ẩm thực” là những tập quán và khẩu vị của
con người, những ứng xử của con người trong ăn uống; những tập tục kiêng
kỵ trong ăn uống, những phương thức chế biến bày biện trong ăn uống và
cách thưởng thức món ăn [17].
Hiểu và sử dụng đúng các món ăn sao cho có lợi cho sức khoẻ và mang
tính thẩm mĩ nhất luôn là mục tiêu hướng tới của con người.
1.2. Bản sắc văn hoá ẩm thực Việt Nam
1.2.1. Quan niệm của người Việt về ẩm thực
Ai cũng biết rằng: Văn hoá ẩm thực là một biểu hiện quan trọng trong
đời sống con người, nó cũng hàm chứa những ý nghĩa triết lý sâu sắc. Từ xa
xưa, trong dân gian nước ta đã tổng kết thành câu tục ngữ: Học ăn, học nói,
học gói, học mở chủ yếu là nhắc nhở những người mới bước vào đời thì khâu
đầu tiên là “học ăn”. Ở các nước khác trên thế giới, ngoài quan niệm dân gian
thì các nhà chuyên môn, những người yêu thích và hiểu ẩm thực đều bàn luận,
viết những tài liệu, những cuốn sách hay về nghệ thuật ăn uống. Tuy nhiên,

quan niệm của con người về chuyện này không phải ai cũng giống ai. Có
những dân tộc coi chuyện ăn uống là chuện tầm thường không đáng nói. Đối
với dân tộc Việt, cái ăn không chỉ được hiểu theo nghĩa thông thường mà còn
thể hiện một nét văn hoá trong lối sống của con người nó có một ý nghĩa sâu
sắc và liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Người Việt cho rằng: Có thực mới vực được đạo, đây là quan điểm hết
sức biện chứng, coi đó là tiền đề để con người có thể bước vào lĩnh vực hoạt
động khác. Việc ăn là việc trọng mà mỗi người, kể cả trời đất, thánh thần đều

Hoàng Thị Lộc

15

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

phải tôn trọng. Điều đó thể hiện rất rõ ở câu nói: Trời đánh còn tránh miếng
ăn và người Việt đối xử với thánh thần qua lễ vật dâng cúng. Những đồ ăn,
thức uống dùng trong dâng cúng thì đồ ăn chiếm vị trí quan trọng số một.
Người Việt ta thường có quan niệm: con cháu trong nhà không được phép ăn
trước nếu chưa cúng tổ tiên, thần thánh. Những đồ ăn, thức uống dùng trong
dâng cúng đều được nấu nướng hết sức cẩn thận, chu đáo và tươm tất, bày
biện trang trọng và thể hiện thái độ thành kính trong cử chỉ, lời nói và ánh
mắt. Mọi hành động của người Việt đều lấy ăn làm đầu: ăn uống, ăn ở, ăn
mặc, ăn nói, ăn chơi, ăn tiêu, ăn nằm, ăn ngủ, ăn cắp, ăn trộm… Bởi vì,
người Việt lấy bữa ăn làm mốc để phân chia thời gian và công việc trong một

ngày.
Ăn uống là văn hoá, chính xác hơn, đó là văn hoá tận dụng môi trường
tự nhiên. Cho nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi cư dân các nền văn hoá gốc
du mục (như phương Tây, hoặc Bắc Trung Hoa) thiên về ăn thịt, còn trong cơ
cấu bữa ăn của người Việt Nam thì lại bộc lộ rõ dấu ấn của truyền thống văn
hoá nông nghiệp lúa nước.
Đó là một cơ cấu bữa ăn thiên về thực vật. Và trong thực vật thì LÚA
GẠO đứng đầu bảng. Tục ngữ có những câu như: Người sống về gạo, cá bạo
về nước; Cơm tẻ mẹ ruột; Đói thì thèm thịt thèm xôi, hễ no cơm tẻ thì thôi mọi
đường.
Trong bữa ăn của người Việt Nam, sau lúa gạo thì đến RAU QUẢ.
Nằm ở một trong những trung tâm trồng trọt, Việt Nam có một danh mục rau
quả mùa nào thức ấy, phong phú vô cùng. Đối với người Việt Nam thì “đói ăn
rau, đau uống thuốc” là chuyện tất nhiên. Ăn cơm không rau như nhà giàu
chết không kèn trống; Ăn cơm không rau như đánh nhau không có người gỡ.
Tuy nhiên, nói đến rau trong bữa ăn Việt Nam không thể không nhắc
đến hai món đặc thù là rau muống và dưa cà:

Hoàng Thị Lộc

16

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương


Cà pháo, rau muống đã trở thành món ăn dân dã không thể thiếu được
của người Việt Nam xưa. Đây là món ăn mà mỗi khi nhắc đến lại gợi nhớ
trong tâm trí những người con xa quê về hình ảnh của quê hương mình.
Bên cạnh đó các loại gia vị như hành, gừng, ớt, tỏi, riềng, rau mùi, rau
răm, rau húng, xương sông, thìa là, hồ tiêu, tía tô...cũng là những thứ không
thể thiếu được trong bữa ăn của người Việt Nam.
Đứng thứ ba trong cơ cấu ăn và đứng đầu hàng thức ăn động vật của
Việt Nam là các loại thuỷ sản - sản phẩm của vùng sông nước. Sau “cơm rau”
thì “cơm cá” là thông dụng nhất: Có cá đổ vạ nồi cơm, Con cá đánh ngã bát
cơm là thế.
Từ các loại thuỷ sản, người Việt Nam đã chế tạo ra một thứ đồ chấm
đặc biệt là nước mắm và mắm các loại. Thiếu nước mắm thì chưa thành bữa
cơm Việt Nam. Đó là nét khác biệt cơ bản nhất để phân biệt ẩm thực Việt
Nam với các nước khác trên thế giới.
Ở vị trí cuối cùng trong cơ cấu bữa ăn Việt Nam mới là thịt. Phổ biến
thì như thịt gà, thịt lợn, thịt trâu. Đặc sản bình dân thì như thịt chó (tục ngữ có
câu: Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm; Sống trên đời ăn
miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?), sơn hào hải vị thì như
gân hổ, yến xào…
Nói đến văn hoá ẩm thực mà chỉ nói đến ăn thôi thì quả là thiếu sót, bên
cạnh ăn thì uống cũng rất quan trọng. Người Việt uống nước mát từ nước mưa
(nước mưa chum để lâu có thể dùng để chữa bệnh), nước dừa…Người Việt
uống chè (trà): Chè ướp, chè hoa sen, hoa nhài, hoa cúc…
Tục uống trà ở Việt Nam rất phong phú. Từ cách uống cầu kì, cổ xưa
đến cách uống bình dân hiện đại. Thường bộ đồ trà có bốn chén, một chén

Hoàng Thị Lộc

17


K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

tống đế chuyên trà. Nước pha trà phải là thứ nước mưa trong hoặc là thứ
sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm.
Phương ngôn còn lưu truyền những lời dạy về cách uống trà như: Trà dư, tửu
hậu; Rượu ngâm nga, trà liền tay; Bán dạ tam bồi tửu. Bình minh nhất trản
trà…
Nói đến nghệ thật thưởng trà Việt Nam là người ta lại nhắc đến thú
uống trà của người Hà Nội. Vẻ thanh lịch, trang nhã, sự cầu kì trong ẩm thực
của người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao.
Nếu người dân vùng khác thích uống trà “mộc” thì nhiều gia đình Hà Nội xưa
lại thích uống trà ướp sen, trà nhài, trà ngâu, trà cúc…Đặc biệt trà sen là một
thứ trà quý chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu.
Người Việt Nam hiện nay uống chủ yếu là trà xanh sơ chế bằng
phương pháp thủ công mà người ta thường gọi là “trà mộc”, “trà sao tuốt” hay
“trà móc câu”. Gọi là “trà móc câu” vì cánh trà sao quăn giống hình chiếc
móc câu. Song người sành trà lại bảo phải gọi là “trà mốc cau” mới đúng vì
chè tròn cánh có mốc trắng như mốc cây cau.
“Đạo trà” ở Việt Nam thật trân trọng ở cách dâng đầy ngụ ý. Dù lòng
vui hay buồn, dù trời mưa hay nắng, khách cũng không thể từ chối một ly trà
nóng khi chủ nhà trân trọng dâng mời bằng hai tay. Dâng trà là một ứng xử
văn hoá phổ quát biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Người Việt Nam khi
uống trà thường không uống nhiều, uống đặc vì trà là một triết học về sự tế
nhị, nhạy cảm, thanh tao, sự suy ngẫm và óc tỉnh táo. Uống trà cũng là một

ứng xử văn hoá của người Việt.
Ngoài trà ra thì rượu cũng là thức uống rất phổ biến trong đời sống sinh
hoạt của người Việt. Rượu được làm từ gạo nếp, thứ gạo đặc sản của vùng lúa
nước Đông Nam Á. Đem gạo nếp đồ xôi, ủ cho lên men rồi đem “cất rượu”
(nấu cho hơi rượu bốc hơi rồi làm ngưng trong ống chảy qua bồn nước lạnh,

Hoàng Thị Lộc

18

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

hứng vào chai, đó là rượu). Có nhiều loại rượu: Rượu trắng (rượu đế), rượu
cần, rượu thuốc…Người Việt khi cúng ông bà tổ tiên thường phải có li rượu
trắng (rượu màu, rượu thuốc và các loại rượu khác không để dùng cúng
được).
Uống rượu là một ý thích của con người, nhưng trước tiên nó là một
sinh hoạt văn hoá, phương tiện giao tiếp giữa người với người, như cố nhân
xưa có câu Trà tam rượu tứ hoặc Rượu ngon phải có bạn hiền. Xuất phát là
như thế nhưng đôi khi người ta uống rượu vì buồn, vì cô đơn hoặc ưống để
giải sầu Dục phá thành sầu duy hữu tửu, có khi uống để xoá cảm giác sợ hãi
hoặc uống vì vui mừng. Như vậy, rượu cũng mang một biểu trưng của văn
hoá trong cộng đồng. Ngoài ra nam giới thường uống rượu vì rượu là biểu
tượng đặc trưng cho nam tính: Nam vô tửu như kỳ vô phong.
Ngày xưa rượu đã từng là nguồn cảm hứng của thi ca, uống rượu là một

thói quen tao nhã của thi nhân. “Túi thơ bầu rượu” là hình ảnh quen thuộc của
nhà nho, kẻ sĩ. Rượu có mặt hầu hết ở khắp nơi trong buổi gặp gỡ, trong lúc
thề nguyền, trong buổi ước hẹn, trong chia ly, trong đoàn tụ. Có thể nói, mọi
sự kiện trong cuộc đời đều có rượu chứng kiến.
Trong cuộc sống thường ngày ruợu là một nhu cầu, là một tập quán
trong giao tiếp xã hội. Rượu là một hiện vật trong đời sống lễ nghi của con
người. Những hội hè, đình đám, những dịp tế, lễ, nghĩa, hiếu hỉ…đều cần đến
rượu. Ở nông thôn nước ta đặc biệt là nông thôn Nam bộ, rượu còn là phương
tiện bày tỏ lòng hiếu khách. Và nói chung, các dân tộc khác trên thế giới cũng
vậy, mời uống rượu là để bày tỏ lòng hiếu khách của chủ nhà.
Có thể nói, ăn uống có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với đời
sống con người, không có ăn uống thì con người không thể tồn tại được. Tuy
nhiên không vì thế mà ta tuyệt đối hoá ăn uống, coi ăn uống là trên hết, là
mục đích duy nhất trong cuộc sống này.

Hoàng Thị Lộc

19

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

Giá trị vật chất mà ăn uống đem lại thì ai cũng có thể nhận thấy. Ăn
uống là cách cung cấp năng lượng cho cơ thể mà mỗi chúng ta đã làm hao tổn
do lao động. Do sống gắn liền với lao động nên con người rất quan tâm đến
chất lượng của ăn uống. Khi đời sống của người dân còn thấp thì việc Ăn lấy

no được mọi người quan tâm hàng đầu, chưa ai nghĩ đến nhu cầu Ăn ngon
mặc đẹp vì điều kiện thực tế chưa cho phép. Lúc mà con người làm việc Đầu
tắt mặt tối; Cơm không đủ ăn áo không đủ mặc; Ăn bữa sáng lo bữa tối; Bụng
đói cật rét; Mặt xanh nanh vàng thì họ có thể mong muốn được ăn no mặc ấm
hay có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít cốt để sống. Nhưng khi xã hội ngày càng
phát triển, con người không chỉ mong được Ăn no mặc ấm mà chuyển sang
Ăn ngon mặc đẹp. Ăn uống giờ đây không chỉ mang giá trị vật chất mà còn
mang giá trị tinh thần. Món ăn trong gia đình không những phải đủ chất mà
còn phải hợp khẩu vị với mọi thành viên, phải nhìn “ngon mắt” nữa. Điều này
thể hiện ở hình thức trang trí màu, kiểu dáng của món ăn và ý nghĩa của sự
trang trí đó.
Cũng vì vậy mà con người ngày càng tìm tòi, sáng tạo ra nhiều món ăn
ngon. Và xét đến cùng thì xu hướng chung của tất cả mọi người dù lao động
hay không lao động cũng là hướng tới sự ăn ngon và sung sướng.
Trong điều kiện nghèo đói, con người sáng tạo ra món ăn ngon từ
những nguyên liệu bình thường nhất:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
Hay :
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Hoàng Thị Lộc

20

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp


Trường ĐHSP Hà Nội 2

Khi có điều kiện thuận lợi, con người càng có thời gian và nguyên liệu
để làm các món ăn mà mình yêu thích. Dù là những món phức tạp, khó tìm
con người cũng muốn “ăn cho biết”, ăn để thưởng thức:
Rượu răm, thịt chó, lá vàng
Mời đi đánh chén, cách làng cũng đi
Hoặc:
Sống thì cua nướng, ốc lùi
Chết cũng nên đời ăn những miếng ngon
Mặt khác, thông qua những bữa ăn hàng ngày của người dân, ta thấy
được mức sống của nhân dân ta nói chung, từng vùng, từng miền, từng địa
phương nói riêng với những phong tục, tập quán và thói quen của họ.
Tuy nhiên, ngoài những bữa ăn ngày thường, chúng ta phải kể đến
những bữa ăn trong ngày lễ. Như vậy chúng mới thấy được đầy đủ, xác thực
và sinh động nhất truyền thống văn hoá ăn uống của con người Việt Nam.
Đặc biệt những bữa ăn ngày lễ không chỉ cho ta thấy sự phong phú đa dạng
của các món ăn mà còn cho chúng ta thấy một mặt không thể thiếu trong cuộc
sống của người Việt đó là tinh thần. Tại đây, chúng ta mới có thể hiểu sâu sắc
hơn về mối quan hệ giữa tình làng, nghĩa xóm, mới thấm thía câu nói Thương
người như thể thương thân, và mới hiểu sao mà Một con ngựa đau cả tầu bỏ
cỏ, Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Và trong ý nghĩa sâu xa của nó
chính là đạo lý của dân tộc : Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng
cây…
Sự tinh tế và sâu sắc trong văn hoá ẩm thực của người Việt cũng được
thể hiện ở trong các bữa ăn ngày lễ. Nó cũng thể hiện sự thành kính trong tâm
linh của người Việt.
Chính vì vậy mà mỗi gia đình, dù giàu - nghèo, sang - hèn, dù trong
những ngày thường “có ăn đói, mặc rét”, thiếu thốn đủ thứ nhưng đến ngày


Hoàng Thị Lộc

21

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

tết, họ cũng phải cố gắng sửa soạn, lo để có được một mâm cơm tươm tất để
cúng gia tiên và các vị thần linh. Sự hiện diện vô hình của các vị thần linh,
của ông bà tổ tiên đã làm cho không khí cũng như bữa ăn ngày lễ trở nên
thiêng liêng hơn. Sự tinh tế, tài hoa, trí tuệ, công phu của người Việt cũng
được thể hiện ở đấy.
Xin được trích một đoạn trong Cỗ tết Hà Nội xưa : “…Mọi thứ không
mua xô bồ, mà kén chọn hoặc đặt những nơi có tiếng làm. Vại dưa hành muối
từ tháng Chạp, thứ dưa Tây Hồ lá cuộn tròn, thứ hành ngọt dịu ở Đông Dư,
Gia Lâm. Đồ nấu kén măng khô Phú Thọ, nấm Thái Nguyên. Gạo là gạo Mễ
Trì, gạo tám thơm vừa trong, vừa trắng. Xôi chọn thứ nếp cái hương vùng
Cẩm Ràng, Hải Dương. Gà trống thiến Đông Cảo, cá chép Hồ Tây, nem Lạng
Sơn hay nem Phùng, chả quế Làng Vẽ, giò lụa Đờ Măng (phố Phùng Hưng
bây giờ), lạp xườn hiệu Tàu Tân( Phúc Điền - Hàng Buồm), nước mắm Vạn
Xuân hay Phú Quốc…” [5, 8]. Trong khi mua sắm các lễ vật cho ngày lễ, một
tâm lí phổ biến của nhân dân là: các lễ vật phải đạt giá trị cao về chất lượng,
và không được mặc cả tính toán đắt rẻ, so đo thiệt hơn với người bán hàng.
Bởi mọi người cho rằng nếu làm như vậy là “có lỗi” với ông bà tổ tiên.
Không chỉ tuân theo những quy tắc chung trong việc ăn uống, đối với

người Việt Nam, ăn uống có ý nghĩa nội tại trong mọi lĩnh vực hoạt động đời
sống, trong mọi sinh hoạt vật chất và tình cảm con người, thể hiện trong quan
niệm về ăn: ăn đúng, ăn ngon và ăn đẹp. Người Việt tương đối hiếu khách, dù
điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng không vì thế mà họ kém đi lòng
hào hiệp. Họ quan niệm: nhiều no, ít đủ và rất muốn mời được nhiều người
khách cùng ăn những món ăn mà mình đã chế biến. Bữa ăn chính là một biểu
hiện cộng cảm giữa những người ngồi ăn bên nhau. Mặc dù không phân chia
đẳng cấp, nhưng khi ngồi ăn những vị trí bên mâm cơm, bàn ăn cũng phản
ánh, biểu hiện vị trí, ngôi thứ, sự tôn trọng trong gia đình hay trong xã hội.

Hoàng Thị Lộc

22

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

Ngồi bên nồi cơm hay việc bổ sung, tiếp thức ăn cho mọi người thường là
người phụ nữ, người nội tướng trong gia đình. Và dù ai cũng vậy, khi ngồi
vào bàn ăn là luôn có ý thức nhường nhịn nhau trong khi ăn Ăn trông nồi,
ngồi trông hướng là một tiêu chí thể hiện văn hoá của người Việt.
Cũng như nhiều nước trong khu vực, ẩm thực Việt Nam luôn có sự cân
bằng, hài hoà giữa âm và dương, thiên nhiên và con người. Do đó, đồ ăn, thức
uống của người Việt thường có tác dụng bổ trợ, nâng cao sức khoẻ và chữa
một số bệnh thông thường như: cảm cúm, ho, các bệnh có liên quan đến dạ
dày. Như vậy, có thể thấy ẩm thực còn mang tính triết lý, và tìm hiểu về ẩm

thực còn cho ta biết thêm nhiều lĩnh vực khác thuộc về văn hoá.
Cuối cùng, thiết nghĩ khi chuẩn bị món ăn, người đầu bếp phải sắp xếp
sao cho nguyên liệu vừa đủ với số lượng khách: nồi, niêu, xoong, chảo, bát,
đĩa, dao, thớt… đều phải được lau chùi sạch sẽ trước khi sử dụng. Nấu món
ăn nào trước, nấu món ăn nào sau phải hợp lí, thứ tự, thái độ nấu nướng vui
vẻ, hứng khởi. Khi dọn ăn nên chú ý lời mời chào tiếp món ăn chu đáo, ý vị
thì càng làm cho các món ăn ngon thêm bội phần.
Văn hoá ẩm thực ngày càng được công chúng và các chuyên gia văn
hoá quan tâm chú ý không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Và khi
đời sống mọi người được nâng lên thì ẩm thực cũng là một tiêu chí đánh giá
chất lượng cuộc sống.
Như vậy, ta có thể thấy rằng món ăn không đơn giản như lâu nay mọi
người vẫn tưởng là bỏ vào miệng nhai và nuốt, mà nó là cả một vấn đề. Một
vấn đề lớn và đầy ý nghĩa. Đó là gì nếu không phải là văn hoá - Văn hoá ẩm
thực của người Việt Nam.
1.2.2. Ẩm thực Việt Nam - một nền ẩm thực phong phú
Việt Nam là nước nông nghiệp thuộc xứ nóng vùng nhiệt đới gió mùa.
Ngoài ra lãnh thổ Việt Nam còn chia ra làm ba miền rõ rệt là Bắc, Trung,

Hoàng Thị Lộc

23

K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2


Nam. Chính những đặc điểm về địa lý, văn hoá, dân tộc, khí hậu… đã quy
định những đặc điểm riêng của ẩm thực từng vùng - miền. Mỗi miền có một
nét, khẩu vị đặc trưng. Điều đó góp phần làm ẩm thực Vịêt Nam phong phú,
đa dạng.
Ẩm thực Việt Nam còn đặc trưng với sự trưng dụng trong cách phối
trộn nguyên liệu không quá cay hay quá béo. Các nguyên liệu phụ (gia vị) để
chế biến món ăn Việt Nam rất phong phú, bao gồm nhiều loại rau thơm như
húng thơm, tía tô, kinh giới, hành, thìa là, mùi tàu… gia vị thực vật như ớt,
hạt tiêu, sả, hẹ, tỏi, gừng, chanh… các gia vị lên men như mẻ, mắm tôm, bỗng
rượu, dấm thanh hoặc kẹo đắng, nước cốt dừa… Các gia vị đặc trưng của dân
tộc Việt Nam nói trên được sử dụng một cách tương sinh hài hoà với nhau và
thường thuận theo nguyên lí “âm dương phối triển”, như món ăn dễ gây lạnh
bụng buộc phải có gia vị cay nóng đi kèm. Các món ăn kị nhau không thể kết
hợp trong một món hay không được ăn cùng lúc vì không ngon hoặc có khả
năng gây hại cho sức khoẻ cũng được dân gian đúc kết thành nhiều kinh
nghiệm lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi thưởng thức món ăn, tính chất phối
trộn nguyên liệu một cách tổng hợp nói trên càng trở nên rõ rệt hơn: Người
Việt ít khi ăn món nào một cách riêng biệt, thưởng tức từng món, mà một bữa
ăn thường là sự tổng hoà các món ăn từ đầu đến cuối bữa.
Một nét đặc biệt khác của văn hoá ẩm thực Việt Nam mà các nước
khác, nhất là các nước phương Tây không có chính là gia vị “nước mắm”.
Nước mắm được sử dụng thường xuyên trong hầu hết các món ăn của người
Việt. Ngoài ra còn có các loại nước tương, tương đen (làm từ đậu nành). Bát
nước mắm dùng chung trên mâm cơm từ xưa tới nay làm khẩu vị đậm đà,
món ăn có hương vị đặc trưng hơn và biểu thị tính cộng đồng gắn bó của
người Việt.

Hoàng Thị Lộc

24


K32D – Ngữ văn


Khóa luận tốt nghiệp

Trường ĐHSP Hà Nội 2

Một đặc điểm ít nhiều cũng phân biệt ẩm thực Việt Nam với một số
nước khác: ẩm thực Việt Nam chú trọng ăn ngon tuy đôi khi không đặt mục
tiêu hàng đầu là ăn bổ. Bởi vậy trong hệ thống ẩm thực của người Việt ít có
những món hết sức cầu kỳ, hầm nhừ ninh kỹ như ẩm thực Trung Hoa, cũng
không thiên về bày biện có tính thẩm mỹ cao như ẩm thực của Nhật Bản, mà
thiên về phối trộn gia vị một cách tinh tế để món ăn được ngon, hoặc sử dụng
những nguyên liệu dai, giòn thưởng thức rất thú vị dù không thực sự bổ béo
(ví dụ như món măng, chân cánh gà, phủ tạng động vật…). Trong thực tế
nhiều người nhận thấy, một cách cảm tính, đặc trưng ẩm thực Việt Nam trong
sự đối sánh với các nền văn hoá ẩm thực khác trên thế giới: món ăn Trung
Hoa ăn bổ thận, món ăn Việt Nam ngon miệng, món ăn Nhật nhìn thích mắt.
Tuy nhiên đặc điểm này ngày càng phai nhoà và trở nên ít bản sắc trong thời
hội nhập.
Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã [23] cho rằng ẩm thực Việt
Nam có 9 đặc trưng:
1. Tính hoà đồng đa dạng
Người Việt dễ dàng tiếp thu nền văn hoá ẩm thực của các dân tộc khác,
vùng miền khác để từ đó chế biến thành món của mình. Đây là đặc điểm nổi
bật của ẩm thực nước ta từ Bắc chí Nam.

Hoàng Thị Lộc


25

K32D – Ngữ văn


×