Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
MỤC LỤC
Trang
Mở đầu
3
1. Lí do chọn đề tài
3
2. Lịch sử vấn đề
5
2.1. Trước Cách mạng tháng Tám
5
2.2. Sau Cách mạng tháng Tám
6
3. Mục đích nghiên cứu
7
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
8
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
8
6. Phương pháp nghiên cứu
8
7. Đóng góp của đề tài
8
8. Bố cục khoá luận
9
Nội dung
10
Chương 1. Nam Cao và quan điểm nghệ thuật của nhà văn
10
Nam Cao
1.1. Tác giả Nam Cao
10
1.1.1. Cuộc đời
10
1.1.2. Sự nghiệp sáng tác
12
1.1.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám
12
1.1.2.2. Sau Cách mạng tháng Tám
13
1.2. Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao
14
1.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám
15
1.2.2. Sau Cách mạng tháng Tám
16
Chương 2. Sáng tạo của nhà văn Nam Cao trong sáng tác về đề
18
tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám
2.1. Đề tài người nông dân trong văn xuôi hiện thực phê phán Việt
Đặng Thị Huế - K32B Văn
1
18
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Nam 1930 - 1945
2.2. Sáng tạo của Nam Cao trong những sáng tác về người nông
19
dân trước Cách mạng tháng Tám
2.2.1. Sáng tạo về mặt nội dung
19
2.2.1.1. Đề cập đến cái đói và miếng ăn trên một bình diện mới
19
2.2.1.2. Phát hiện ra quy luật tha hoá của người nông dân
23
2.2.1.3. Sáng tạo trong xây dựng nhân vật đa tính cách
28
2.2.2. Sáng tạo về mặt nghệ thuật
32
2.2.2.1. Sáng tạo trong khắc hoạ tâm lý nhân vật
33
2.2.2.2. Sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ
39
2.2.2.3. Giọng điệu
41
2.2.2.4. Sáng tạo trong tổ chức xung đột nghệ thuật
44
2.3. Ý nghĩa của những sáng tạo trong các trang viết về người nông
46
dân của Nam Cao
2.3.1. Tố cáo xã hội
46
2.3.2. Tư tưởng nhân đạo
47
Kết luận
49
Tài liệu tham khảo
50
Đặng Thị Huế - K32B Văn
2
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930 - 1945 vận động
và phát triển qua ba chặng: 1930 - 1935, 1936 - 1939, 1940 - 1945. Thành tựu
của nó đã góp phần to lớn trong quá trình hiện đại hoá nền văn học dân tộc.
Nhiều tác giả, tác phẩm của trào lưu văn học này đã trở thành những dấu son
chói lọi, là niềm tự hào của nền văn học dân tộc trên bước đường hội nhập và
phát triển.
Nói đến văn học hiện thực phê phán là nói đến tên tuổi của các nhà văn
như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... và
đặc biệt là Nam Cao - một tài năng tiêu biểu cho sự hoàn thiện về nghệ thuật
của trào lưu văn học này.
Tác phẩm của Nam Cao phần lớn ra đời trong những năm chiến tranh
thế giới thứ hai, đánh dấu bước phát triển của trào lưu văn học hiện thực phê
phán trong một thời kì tưởng chừng như bế tắc. Nam Cao là người đến sau
nhưng lại là cây bút lớn nhất, tiêu biểu nhất của văn học hiện thực phê phán
Việt Nam ở chặng đường cuối cùng (1940 - 1945). Ông cũng là nhà văn có ý
thức cao và sâu sắc về quan điểm nghệ thuật của mình. Xuất hiện trên văn đàn
khi trào lưu hiện thực chủ nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc: Ngô
Tất Tố đã có Tắt đèn, Nguyễn Công Hoan với Bước đường cùng, Vũ Trọng
Phụng với Giông tố, Vỡ đê... Nam Cao đã ý thức sâu sắc rằng “Văn chương
chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa
ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”(Đời thừa). Và thực sự Nam Cao đã
bước vào làng văn với “những cạnh sắc riêng của mình”. Ông không tiếp thu
truyền thống một cách thụ động mà trên cơ sở đó kế thừa trong sự phát triển,
đẫ nắm bắt, lĩnh hội một cách nhạy cảm những biến đổi dao động của thời
Đặng Thị Huế - K32B Văn
3
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
cuộc và con người để lựa chọn một phong cách riêng, một hướng đi riêng
trong sáng tạo nghệ thuật. Với những nét độc đáo trong sáng tác, một lối viết
sắc sảo linh hoạt, Nam Cao đã trở thành “Hiện thân của chủ nghĩa hiện thực”
là “Tiếng vọng âm vang của thời đại” là một trong những nhà văn lớn của nền
văn học Việt Nam thế kỉ XX.
Đời sống của người nông dân ở nông thôn chiếm một số lượng lớn
trong các sáng tác của Nam Cao. Xuất thân trong một gia đình nông dân lại ở
một vùng quê mà bọn cường hào ác bá chia bè kéo cánh đục khoét bóc lột
người dân, hơn ai hết, Nam Cao am hiểu thấm thía số phận của những người
nông dân nghèo khổ. Ông đã “đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy tất cả
những vang động ở đời”. Qua các trang viết của Nam Cao, bức tranh đời sống
người nông dân hiện lên chân thực sinh động, tất cả như hiện thực ở ngoài mà
bước vào văn vậy. Tuy cùng viết về đề tài người nông dân nhưng so với các
nhà văn cùng thời Nam Cao đã khai thác nhìn nhận theo một hướng riêng, độc
đáo, ông đã đem đến một tiếng nói mới mẻ cho văn học. Vì vậy, lưạ chọn đề
tài Những sáng tạo độc đáo của Nam Cao trong sáng tác về đề tài người
nông dân trước Cách mạng tháng Tám sẽ giúp chúng ta thấy được những
hướng đi khác lạ của Nam Cao khi viết về người nông dân so với các nhà văn
cùng thời, từ đó thấy được vị trí nhà văn trong văn học hiện thực phê phán nói
riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.
Nam Cao cũng là một trong chín tác gia văn học được đưa vào giảng
dạy trong nhà trường phổ thông trung học. Nói đến một tác gia văn học là nói
đến một sự nghiệp ổn định, một tài năng, một cuộc đời đẹp đẽ về nhân cách.
Tài năng của người nghệ sỹ được thể hiện ở cá tính sáng tạo, ở phong cách
nghệ thuật, tư tưởng nghệ thuật... ở họ tất cả đều riêng biệt độc đáo. Phong
cách Nam Cao là sự kết tinh phong cách thời đại. Tác phẩm của Nam Cao
thường ẩn chứa nhiều chủ đề, hướng tới nhiều đối tượng... Cách viết của Nam
Đặng Thị Huế - K32B Văn
4
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Cao có tính chất định hướng cho con đường phát triển về sau. Trong văn học
sử, Nam Cao có một vị trí lớn. Vì vậy, con người và tác phẩm Nam Cao đã
đang và sẽ là đối tượng nghiên cứu của những người yêu quý văn Nam Cao,
muốn tìm tòi khám phá các tác phẩm của ông.
Việc thực hiện đề tài này cũng là cơ sở để tác giả khoá luận rèn luyện
tư duy nghiên cứu độc lập, tập dượt làm nghiên cứu khoa học ở mức độ cao
hơn, hình thành phương pháp nghiên cứu về quan điểm sáng tạo của một nhà
văn và điều quan trọng hơn cả là thấy được vị trí của Nam Cao trong nền văn
học dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Trước Cách mạng tháng Tám
Trước Cách mạng tháng Tám, tác phẩm của Nam Cao chưa được số
đông văn nghệ sỹ cùng thời quan tâm. Vị trí của nhà văn chưa được khẳng
định. Giá trị tư tưởng nghệ thuật chưa có sự đánh giá đúng mức. Nhận xét về
Nam Cao trong thời kì này chỉ có Lê Văn Trương với một vài ý kiến trong lời
giới thiệu Đôi lứa xứng đôi (Nxb Đời Mới, 1941) “Giữa lúc chúng ta đang
đắm mình trong những truyện tình mơ mộng và “hùa nhau” phụng sự cái thị
hiếu tầm thường của độc giả, ông Nam Cao đã mạnh dạn đi theo một lối
riêng nghĩa là ông không thèm đếm xỉa đến sở thích của độc giả. Nhưng cạnh
sắc của tài ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới chua chát và tàn
nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình ở thiên chức của mình...
ông Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái
người ta đã nói, không tả cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào
làng văn với những cạnh sắc riêng của mình.
Những cạnh sắc ấy, nếu ông cứ giữ cho nó sắc mãi thì chúng ta có thể
tin vào tương lai văn nghiệp của ông. Vườn văn Việt Nam thiếu những bông
hoa lạ, thiếu những nghệ sỹ táo bạo, thiếu những bản thể đặc biệt.
Đặng Thị Huế - K32B Văn
5
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Dám nói và dám viết những cái khác người, ông Nam Cao đã mang đến
cho chúng ta những khoái cảm mới mẻ và ông đã tỏ ra là người có can đảm”.
Ngoài ra, nhà văn Vũ Bằng - bạn viết cùng thời với Nam Cao viết:
“May mắn làm sao tôi lại được đọc truyện của Nam Cao và ngay mấy câu đầu
tôi đã thích thú vì lối hành văn với những câu kệch cỡm, nghịch ngợm có khi
dớ dẩn nhưng đậm đà có duyên”.
2.2. Sau Cách mạng tháng Tám
Nam Cao là một trong số những nhà văn lớn của thế kỷ được nghiên
cứu nhiều nhất. Theo thư mục trong Nam Cao về tác gia tác phẩm (Bích Thu
tuyển chọn, biên soạn) thì từ những năm bốn mươi cho đến nay đã có đến hơn
hai nghìn công trình bài báo viết về Nam Cao và chắc chắn đây không phải là
con số cuối cùng. Thật khó có đặc điểm cơ bản nào của nội dung, hình thức
nghệ thuật trong sáng tác của Nam Cao chưa được phát hiện. Nhưng dù có tài
năng đến đâu cũng không nhà nghiên cứu nào có khả năng khám phá hết
những giá trị vốn rất tiềm tàng trong sáng tác của một nhà văn lớn.
Đề tài người nông dân trong sáng tác của Nam Cao đã có nhiều công
trình, bài viết đề cập. Xin dẫn ra một số công trình tiểu biểu liên quan trực
tiếp đến đề tài:
Trong Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, Trần Đăng Suyền viết: “Nam
Cao là nhà văn của những người nông dân nghèo khổ và bất hạnh, nhà văn
của những người khốn khổ, tủi nhục nhất trong xã hội thực dân phong kiến” [
8, 115] .
“Trong những tác phẩm viết về đề tài người nông dân của Nam Cao
không vang lên những tiếng thúc sưu, dồn thuế cũng không miêu tả trực tiếp
cảnh tranh cướp ruộng đất nhưng vẫn phản ánh chân thực sâu sắc tình trạng
khốn cùng của người nông dân Việt Nam trên con đường bần cùng hoá, phá
sản không lối thoát vào những năm 1940 - 1945”. [ 8, 124 ]
Đặng Thị Huế - K32B Văn
6
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
“Viết về người nông dân, Nam Cao tập trung viết về tình trạng con
người luôn luôn bị lăng nhục, bị xúc phạm về nhân phẩm bị đẩy vào tình
trạng tha hoá, lưu manh hoá”. [ 8, 137 ]
Trong sáng tác về đề tài người nông dân, Chí Phèo là một tác phẩm đặc
sắc, trong Nam Cao về tác gia tác phẩm, Trần Tuấn Lộ viết: “Có thể nói
trong toàn bộ các sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám về đề
tài người nông dân, Chí Phèo là một thành tựu đặc biệt, tiếp tục truyền thống
của những tác phẩm hiện thực trước đó như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước
đường cùng của Nguyễn Công Hoan...”. [ 10, 235 ]
Nguyễn Đình Thi trong Mấy vấn đề văn học cũng cho rằng: “Trong
nền văn học hiện thực đang tìm đường và đang chiến đấu với xu hướng phản
động bấy giờ, thiên truyện Chí Phèo của Nam Cao nổi bật lên thật xuất sắc”.
Nguyễn Văn Tùng trong Phân tích tác phẩm Nam Cao trong nhà
trường đã viết: “Ở chủ đề nông dân... khác với các nhà văn hiện thực khác
như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao không miêu tả tái hiện không
khí ngột ngạt của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám mà ông đi
vào thẳng vào những cảnh đời buồn tủi, nghèo khó... của người nhà quê” [11,
8 ].
Qua khảo sát, ta thấy đề tài người nông dân trong sáng tác của Nam
Cao trước Cách mạng ít nhiều đã được đề cập đến. Tuy nhiên, chưa có tác giả
nào đi sâu nghiên cứu những sáng tạo độc đáo của ông qua những trang viết
về đề tài này. Chính vì lẽ đó, trên cơ sở gợi ý của những người đi trước tác giả
khoá luận mong muốn ở một mức độ nhất định tập trung tìm hiểu những sáng
tạo của Nam Cao trong sáng tác về đề tài người nông dân trước Cách mạng để
hiểu sâu hơn nữa giá trị sáng tác của Nam Cao và những đóng góp của ông
vào sự nghiệp văn học.
3. Mục đích nghiên cứu
Đặng Thị Huế - K32B Văn
7
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Với đề tài này, tác giả khoá luận hướng đến những mục đích sau:
Thấy được những điểm sáng tạo độc đáo của Nam Cao khi viết về đề
tài người nông dân so với các nhà văn cùng thời và ý nghĩa của những sáng
tạo ấy.
Góp phần thiết thực vào công tác giảng dạy của một giáo viên dạy văn
sau này.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Khoá luận Những sáng tạo độc đáo của Nam Cao trong sáng tác về
đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám có nhiệm vụ sau:
Nêu những khái quát về cuộc đời, sự nghiệp, quan điiểm nghệ thuật của
tác gia Nam Cao.
Chỉ ra được những nét độc đáo, mới mẻ của Nam Cao khi viết về đề tài
người nông dân trước Cách mạng so với các nhà văn cùng thời cả về nội dung
và hình thức nghệ thuật.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1 Đối tượng
Khoá luận lấy đối tượng khảo sát là các tác phẩm của Nam Cao trước
Cách mạng tháng Tám. Văn bản tác phẩm được trích dẫn rút từ Tuyển tập
Nam Cao - Nxb Văn học, 2003, do Hà Minh Đức tuyển chọn.
5.2 Phạm vi nghiên cứu
Với khuôn khổ của một khoá luận tốt nghiệp và khả năng làm chủ tư
liệu có hạn chúng tôi nghiên cứu những sáng tạo mới mẻ của Nam Cao trong
những sáng tác về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Ngoài
ra để thấy được nét mới, nét sáng tạo của Nam Cao khoá luận còn đặt sáng tác
của Nam Cao trong mối liên hệ đối chiếu so sánh với các tác giả cùng thời.
6. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp so sánh đối chiếu
Đặng Thị Huế - K32B Văn
8
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Phương pháp phân tích văn học
Phương pháp hệ thống
7. Đóng góp của khoá luận
Về mặt lí luận: thấy được sự chi phối của quan điểm nghệ thuật đến các
sáng tác của Nam Cao về đề tài người nông dân.
Về mặt thực tiễn: góp phần vào việc giảng dạy, học tập các tác phẩm
của Nam Cao trong nhà trường trung học phổ thông.
8. Bố cục khoá luận
Ngoài phần mở đầu và kết luận, phần nội dung chính gồm 2 chương:
Chương 1: Nam Cao và quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nam Cao.
Chương 2: Sự sáng tạo của nhà văn Nam Cao trong sáng tác về đề tài người
nông dân trước Cách mạng tháng Tám.
Đặng Thị Huế - K32B Văn
9
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1.
NAM CAO VÀ QUAN ĐIỂM NGHỆ THUẬT
CỦA NHÀ VĂN NAM CAO
1.1. Tác giả Nam Cao
1.1.1. Cuộc đời
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29-10-1917 tại làng Đại
Hoàng, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân) tỉnh Hà Nam.
Làng Đại Hoàng của Nam Cao ở một vùng xa phủ, xa huyện nên bọn cường
hào chức dịch trong làng càng được dịp hoành hành. Nơi đây hàng năm vẫn
thường xuyên xảy ra những vụ kiện tụng lẫn nhau giữa những bọn nhà giàu có
nhiều thế lực, và không ít cảnh những người nông dân phải rời bỏ làng quê đi
tha phương cầu thực. Những sự việc có thực diễn ra ở đây đã được ghi lại trên
trang sách của Nam Cao với dấu ấn nặng nề về một vùng quê đói nghèo tăm
tối.
Nam Cao sinh trưởng trong một gia đình nghèo, đời sống khá chật vật,
trong các anh em chỉ có mình Nam Cao được đi học. Đói nghèo, bệnh tật đeo
đuổi và giày vò Nam Cao ngay từ những năm còn nhỏ. Thi thành trung trượt,
Nam Cao theo một người cậu làm may vào Sài Gòn kiếm sống. Rời bỏ cái
làng quê nghèo đói và tù túng Nam Cao mang theo nhiều dự định lớn lao.
Tưởng những miền xa quê hương sẽ mở ra một chân trời mới lạ, nhưng rốt
cuộc bệnh tật lại trả Nam Cao về với nơi chôn rau cắt rốn. Ở Sài Gòn về, Nam
Đặng Thị Huế - K32B Văn
10
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Cao ôn lại vốn học cũ và thi đậu Thành chung. Nam Cao định xin đi làm công
chức nhưng vì bệnh tật nên không được chấp nhận. Một người trong họ mở
trường tư ở Hà Nội (trường tư thục Công Thanh, đường Thuỵ Khuê, Hà Nội)
cần một giáo viên có bằng trung học, Nam Cao được mời lên dạy học. Cuộc
sống của một giáo khổ trường tư đã giúp Nam Cao hiểu sâu sắc thân phận của
người tiểu tư sản trí thức nghèo trong một xã hội ngột ngạt bế tắc. Khi phát xit
Nhật xâm lược Đông Dương trường bị đóng cửa, Nam Cao sống chật vật
bằng nghề viết văn, làm gia sư, có khi thất nghiệp phải về quê “ăn bám” vợ.
Năm 1943, Nam Cao ra nhập nhóm văn hoá cứu quốc bí mật cùng với một số
nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình
Thi... Khi cơ sở văn hoá cứu quốc và phong trào cách mạng ở Hà Nội bị
khủng bố mạnh, Nam Cao trở về quê và tham gia phong trào Việt Minh ở địa
phương.
Thời kì Cách mạng tháng Tám, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở
phủ Lý Nhân và được bầu làm chủ tịch xã. Sau đó ít lâu, Nam Cao được điều
lên Hà Nội và công tác ở hội Văn hoá cứu quốc. Có thời kì Nam Cao làm thư
kí toà soạn tạp chí Tiên Phong - cơ quan của Hội.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nam Cao theo đoàn quân Nam tiến vào
vùng Nam Trung Bộ. Năm 1947, ông lên Việt Bắc. Những năm kháng chiến
chống thực dân Pháp, Nam Cao vừa làm biên tập cho báo Cứu quốc Việt Bắc,
Cứu quốc trung ương, vừa làm mọi công việc của một cán bộ thông tin tuyên
truyền: viết tin, viết tài liệu, giải thích các chính sách, làm ca dao tuyên
truyền, viết truyền đơn địch vận... Thời gian này, Nam Cao được vinh dự ra
nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (1948).
Tháng 11 năm 1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu Liên khu
Ba, Nam Cao bị địch phục kích và bắn chết gần bốt Hoàng Đan (Ninh Bình).
Đặng Thị Huế - K32B Văn
11
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Cuộc đời Nam Cao cũng giống như cuộc đời của bao trí thức tiểu tư
sản khác, bao nhiêu khát khao, ước mơ hoài bão và lý tưởng đều không thực
hiện được. Nhà văn phải vật lộn với với miếng cơm manh áo ở đời, trải qua
mấy lần thất nghiệp, ngược xuôi khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng cuộc đời
Nam Cao cũng sớm được soi sáng bởi ánh sáng của Đảng, của Cách mạng.
Chính Cách mạng đã giúp Nam Cao thoát khỏi những bế tắc, đưa Nam Cao ra
khỏi tâm sự u uất sống một cuộc sống thật sự có ý nghĩa.
1.1.2. Sự nghiệp sáng tác
1.1.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám
Nam Cao có sáng tác đăng báo từ năm 1936, nhưng sự nghiệp sáng tác
văn học của ông chỉ thực sự bắt đầu từ truyện ngắn Chí Phèo (1941). Sáng tác
của Nam Cao trước Cách mạng tập trung vào hai đề tài chính : cuộc sống của
người trí thức tiểu tư sản nghèo và cuộc sống của người nông dân ở quê
hương. Dù viết ở đề tài nào thì điều Nam Cao quan tâm trước tiên và day dứt
tới đau đớn là tình trạng con người bị tha hoá, bị xói mòn về nhân phẩm thậm
chí bị huỷ hoại cả về nhân tính trong cái xã hội phi nhân đạo đương thời.
Ở đề tài người trí thức tiểu tư sản, đáng chú ý là các truyện ngắn:
Những truyện không muốn viết, Trăng sáng, Mua nhà, Truyện tình, Quên
điều độ, Cười... và tiểu thuyết Sống mòn (1944). Trong những sáng tác này,
Nam Cao đã miêu tả hết sức chân thực tình cảnh nghèo khổ, dở sống dở chết
của những nhà văn nghèo, những “giáo khổ trường tư”, học sinh thất nghiệp...
Nhà văn đặc biệt đi sâu vào những bi kịch tâm hồn của họ, qua đó, đặt ra
những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, vượt khỏi phạm vi của đề tài. Đó là tấn
bi kịch dai dẳng thầm lặng mà đau đớn của người tri thức có ý thức sâu sắc về
sự sống nhân phẩm, có hoài bão lớn về một sự nghiệp tinh thần, nhưng lại bị
Đặng Thị Huế - K32B Văn
12
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
gánh nặng áo cơm và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải
sống một cuộc “ đời thừa”. Những tác phẩm đó đã phê phán sâu sắc xã hội phi
nhân đạo bóp nghẹt sự sống tàn phá tâm hồn con người, đồng thời, đã thể hiện
sự tự đấu tranh bên trong của người trí thức tiểu tư sản trung thực cố vươn tới
một cuộc sống đẹp đẽ, thực sự có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.
Nam Cao để lại chừng hai chục truyện ngắn viết về cuộc sống tăm tối
thê thảm của người nông dân đương thời. Những truyện đáng chú ý là: Chí
Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua danh, Tư cách mõ, Điếu văn,
Một bữa no, Lão Hạc, Một đám cưới...
Ở đề tài người nông dân, Nam Cao thường quan tâm đến những hạng
cố cùng, những số phận hẩm hiu, bị ức hiếp nhiều nhất. Họ càng hiền lành
nhịn nhục thì càng bị chà đạp phũ phàng. Ông đặc biệt đi sâu vào những
trường hợp con người bị lăng nhục một cách độc ác bất công mà xét đến cùng
chẳng qua là vì họ nghèo đói khốn khổ. Tuy giọng văn lắm khi lạnh lùng
nhưng kì thực Nam Cao đã dứt khoát bênh vực quyền sống và nhân phẩm của
những con người bất hạnh, bị xã hội đẩy vào tình trạng nhục nhã đó (Chí
Phèo, Một bữa no, Tư cách mõ). Viết về người người nông dân bị lưu manh
hoá, nhà văn đã kết án sâu sắc cái xã hội tàn bạo, tàn phá cả thể xác và linh
hồn người nông dân lao động, đồng thời, ông vẫn phát hiện và khẳng định bản
chất đẹp đẽ của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập tới mất cả hình người, tính
người. Nhà văn đã tự đặt ra vấn đề phải xác định “đôi mắt” đúng đắn để nhìn
nhận về quần chúng. Ông luôn có ý thức “cố mà tìm hiểu” cái “bản tính tốt”
của người nông dân nghèo thường bị “che lấp”, vùi dập. Trong nhiều tác
phẩm, Nam Cao không những đã vạch ra nỗi cùng cực của người nông dân
mà còn thể hiện cảm động bản chất đẹp đẽ, cao quý trong tâm hồn họ ( Lão
Hạc, Một đám cưới, Dì Hảo...)
1.1.2.2. Sau Cách mạng tháng Tám
Đặng Thị Huế - K32B Văn
13
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Sau Cách mạng tháng Tám, Nam Cao lao mình vào mọi công tác cách
mạng và kháng chiến. Ông tự nguyện làm người cán bộ tuyên truyền vô danh
của Cách mạng và có ý thức tự rèn luyện cải tạo mình trong thực tế kháng
chiến. Truyện ngắn Đôi mắt (1948) là một thành công xuất sắc của văn nghệ
kháng chiến hồi đầu khi đó. Nhìn vào hình ảnh một trí thức cũ đi tản cư theo
kháng chiến nhưng vẫn giữ nguyên lối sống trưởng giả, nhởn nhơ và “đôi
mắt” khinh bạc tệ hại đối với quần chúng - hình ảnh thật lạc lõng giữa cuộc
kháng chiến lành mạnh sôi nổi lúc bấy giờ - người trí thức đi theo cách mạng
càng thêm dứt khoát từ bỏ con người cũ, lối sống cũ và quyết tâm “Cách
mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt” trở thành những chiến sỹ trên
mặt trận văn hoá. Nhật ký Ở rừng (1948) viết trong thời kỳ nhà văn công tác
ở vùng rừng sâu Bắc Kạn và tập ký sự Chuyện biên giới (1950) viết khi ông
đi chiến dịch Cao - Lạng, đều là những sáng tác giá trị của nền văn xuôi mới
còn non trẻ bấy giờ. Nhà văn hi sinh lúc tư tưởng và tài năng đang độ phát
triển nhất trong thời đại mới hứa hẹn những sáng tác có tầm vóc mới. “Nam
Cao đã chết trong cuốn tiểu thuyết lớn của đời mình. Người ấy tài ấy đương
căng đầy sức lực. Nếu còn sống chắc chắn những mong muốn của anh sẽ
thành sự thật rực rỡ trên một tầm xa, rất xa”(Tô Hoài, Nam Cao - nhà văn
hiện thực xuất sắc).
Đời văn Nam Cao không dài. Trên mười năm sáng tác ở cả hai thời kì
trước và sau Cách mạng, Nam Cao đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Thời
gian trôi qua, tác phẩm của Nam Cao như ngày càng bộc lộ thêm những phẩm
chất mới, những giá trị mới. Chúng ta càng thêm yêu quý ông, một tâm hồn
trung thực và cao đẹp trong cuộc đời cũng như trên trang sách; một nhà văn
chiến sỹ với ý nghĩa đích thực và trọn vẹn của danh hiệu này.
1.2. Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao
Đặng Thị Huế - K32B Văn
14
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Nam Cao là một trong số những nhà văn hiện thực phê phán (1930 1945) có ý thức sâu sắc về quan điểm nghệ thuật của mình. Những quan điểm
đó ít khi được phát biểu trực tiếp dưới dạng lý luận mà thường được bộc lộ
qua những sáng tác và hình tượng nghệ thuật của ông.
Quan điểm nghệ thuật chỉ được nảy sinh khi các nhà văn có ý thức
trách nhiệm về ngòi bút của mình, khi nghiền ngẫm sâu sắc về “những điều
trông thấy”, nghe thấy và bằng trái tim người nghệ sỹ muốn lên tiếng để chia
sẻ cảm thông hay phê phán, tố cáo một vấn đề nào đó. Nam Cao xuất hiện
trên văn đàn từ năm 1936 - 1939 với những bài thơ, truyện ngắn chịu ảnh
hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Quá trình sáng tác của Nam Cao từ
chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa hiện thực không đơn giản và cũng không
dễ dàng. Mãi đến năm 1940 khi Cái lò gạch cũ ra đời Nam Cao mới thực sự
cắm được cột mốc vinh quang trên con đường sáng tác theo khuynh hướng
hiện thực chủ nghĩa đồng thời mới hoàn toàn dứt bỏ được thứ văn chương
lãng mạn thoát ly. Như vậy phải mất gần năm năm Nam Cao mới cập bến chủ
nghĩa hiện thực, so với các nhà văn hiện thực tiền bối như Nguyễn Công
Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố thì quá trình “tìm đường” và “nhận
đường” ở Nam Cao diễn ra liên tục và vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, nhờ thế
mà giai đoạn sáng tác sung mãn nhất của đời văn Nam Cao luôn có sự đồng
hành của hệ thống các quan điểm nghệ thuật. Hiện thực không ở bên ngoài
hay phía trước để “dẫn đường” mà hoá thân trong chính những hình tượng
nhân vật sống động của tác phẩm như Điền (Trăng sáng), Hộ (Đời thừa),
Lộc (Truyện người hàng xóm)...
1.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám
Trước hết, với Nam Cao văn chương nghệ thuật phải phản ánh chân
thực đời sống. Người nghệ không nên chạy theo cái đẹp, cái thơ mộng mà
quay lưng lại hiện thực để rồi viết ra toàn những điều giả dối và phù phiếm.
Đặng Thị Huế - K32B Văn
15
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Nhà văn không thể nhắm mắt bịt tai trước những tình cảnh khổ cực của con
người mà trái lại phải “đứng trong lao khổ mà mở hồn ra đón lấy tất cả những
vang động ở đời”. Trong Trăng sáng Nam Cao từng viết: “Chao ôi! nghệ
thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối nghệ
thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than”.
Không những vậy văn chương chân chính phải thấm đượm tư tưởng
nhân đạo (Nghệ thuật phải phụng sự con người, vì con người). Văn chương
vừa mang nặng nỗi đau nhân tình vừa chứa đựng niềm hứng khởi để có thể
tiếp thêm sức mạnh cho con người trong cuộc đấu tranh vươn tới cuộc sống
nhân ái, công bằng, hoà hợp. Văn chương phải gắn kết sợi dây tình cảm giữa
con người với con người làm cho người gần người hơn. Trong Đời thừa Nam
Cao viết “Một tác phẩm thật sự có giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và
giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một
cái gì vừa lớn lao mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi, nó ca tụng lòng
thương, tình bác ái, sự công bình, nó làm cho người gần người hơn”.
Bản chất của văn chương là sáng tạo, do đó, với Nam Cao, nghề văn
cần nhất là tiềm năng sáng tạo. Nhà văn chân chính nhất thiết không phải là
một người thợ dù có là người thợ khéo tay đi chăng nữa; đi theo lối mòn, rập
khuôn xơ cứng theo Nam Cao là điều tối kị đối với người nghệ sĩ. Cạn nguồn
sáng tạo văn chương chỉ còn là thứ sản phẩm “rất nhẹ”, “rất nông”, “vô vị”,
“nhạt nhẽo”...- như suy nghĩ của nhà văn Hộ trong truyện ngắn Đời thừa. Hộ
cho rằng: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo
một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương chỉ dung nạp những người biết đào
sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì
chưa có”. Quan niệm này trở thành trở thành phương châm phấn đấu trong
suốt quá trình sáng tác của Nam Cao.
Đặng Thị Huế - K32B Văn
16
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
Người cầm bút phải có lương tâm trách nhiệm với nghề của mình. Đối
tượng của văn chương là con người, văn chương có nhiệm vụ bồi đắp tư
tưởng tình cảm lối sống cho con người, do đó yêu cầu người cầm bút phải tâm
huyết với nghề thấy được trách nhiệm to lớn của mình. Trong tác phẩm Đời
thừa ông viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi.
Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”.
1.2.2. Sau Cách mạng tháng Tám
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nam Cao lên Việt Bắc tự
chiêm nghiệm và trải nghiệm “đôi mắt nghệ thuật” của mình. Từ khói lửa
chiến tranh lòng không nguôi nghĩ về tư cách “con dân nước Việt” về trách
nhiệm của nhà văn và văn chương trước vận mệnh dân tộc. Tự nhận định cho
đúng về mình cũng chính là nhìn người cho chân thực. Trong nhật kí Ở rừng
Nam Cao chân thành tâm sự: “Nhiều khi phải quên mình đi, quên cái tuổi của
mình để thành người có ích. Có cần gì phải cầy cục ghi tên mình lại cho lịch
sử ? Tạo ra lịch sử lại là sự nghiệp của số đông. Ta nên nghĩ đến cái số đông
nhiều hơn ta. Trước sự gian khổ và hi sinh lớn lao của cuộc chiến tranh vệ
quốc, mỗi người cần “biết hi sinh”, biết chiến đấu, chiến đấu lặng lẽ, chiến
đấu không biết đến tên mình, không nghĩ đến cả thân mình nữa”. Cho nên
Nam Cao luôn đặt công việc làm văn của mình bên cạnh công việc của những
người đi kháng chiến nhằm tìm ra cái ý vị văn chương mà cuộc sống đang
cần. Ông không giấu giếm sự thật là trong ông luôn tồn tại cả hai ý nghĩ về
công việc làm văn. Một mặt, “vẫn còn những lúc thằng nghệ sĩ cũ trong tôi
vùng dậy”, mặt khác, ông tự chất vấn mình: “sao tôi lại không thể dằn cái ý
muốn kiêu căng của tôi xuống để góp sức vào công việc “không nghệ thuật”
lúc này chính là sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn”. Nam Cao tự xác
định phải làm một công dân tốt trước khi làm một nhà văn, bởi thế ông quan
niệm “sống đã rồi hãy viết”. Không phải ông không còn thiết tha với nghệ
Đặng Thị Huế - K32B Văn
17
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
thuật mà ông hiểu rằng cuộc sống nhất là cuộc sống cách mạng còn thiêng
liêng hơn gấp nhiều lần. Và ông muốn góp sức mình vào cuộc kháng chiến
(công việc không nghệ thuật), tự nguyện làm một cán bộ tuyên truyền vô
danh của cách mạng, đó là sự chuẩn bị cho một nghệ thuật cao hơn.
Những ý tưởng quan điểm của Nam Cao về văn và lao động sáng tạo
nghệ thuật trước cũng như sau Cách mạng tháng Tám cho thấy ông luôn
“nhập cuộc” văn chương bằng một cái tâm trong sáng, đầy nhiệt huyết. Khởi
nguồn từ cội rễ nhân văn ấy, tác phẩm của Nam Cao luôn cắm rễ sâu xa, gắn
bó thắm thiết với mảnh đất hiện thực, luôn sáng lên những tư tưởng lớn bởi sự
khám phá chiều sâu số phận con người và cuộc đời ngay trong cái hàng ngày
ấm nồng hơi thở sự sống. Cội rễ ấy đã nuôi dưỡng và phát lộ tài năng văn
chương xuất chúng của ông, đưa ông trở thành nhà nhân đạo lớn, môt nhà
hiện thực bậc thầy.
CHƯƠNG 2. SÁNG TẠO CỦA NHÀ VĂN NAM CAO
TRONG SÁNG TÁC VỀ ĐỀ TÀI NGƯỜI NÔNG DÂN
TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
2.1. Đề tài người nông dân trong văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam
1930 - 1945
Một khuynh hướng văn học bao giờ cũng xuất hiện trên cơ sở những
tiền đề xã hội nhất định. Những mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp
trong xã hội Việt Nam thời kì 1930 - 1945, những ảnh hưởng qua lại trên lĩnh
vực ý thức hệ, những tác phẩm hiện thực chủ nghĩa trong thế kỉ trước và thời
Đặng Thị Huế - K32B Văn
18
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
kì cận đại, đó là những tiền đề khách quan giúp cho khuynh hướng văn học
hiện thực phê phán hình thành và phát triển. Dòng văn học này đã đáp ứng
một phần những yêu cầu cơ bản của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân
tộc lúc bấy giờ. Các nhà văn hiện thực bạn đường của giai cấp công nhân như
Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng... đã sử dụng chủ nghĩa hiện
thực phê phán như vũ khí chiến đấu. Bên cạnh đề tài quan lại, cường hào, đời
sống trí thức tiểu tư sản thì người nông dân cũng là đề tài thu hút ngòi bút của
nhiều nhà văn. Trong xã hội cũ, người nông dân là tầng lớp thấp cổ bé họng,
chịu nhiều áp bức bóc lột, “một cổ hai tròng” do đó họ chính là nhân vật trung
tâm trong sáng tác của các nhà văn hiện thực phê phán lúc bấy giờ. Họ hiện
lên hết sức chân thực qua các trang văn, đó là chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất
Tố), anh Pha (Bước đường cùng- Nguyễn Công Hoan) - những người nông
dân nghèo khổ, chất phác, bị chà đạp và cũng giàu tinh thần phản kháng. Như
vậy, có thể nói trên văn đàn Việt Nam thời kì 1930 - 1945 Nam Cao là người
đến muộn. Trước ông, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng đã xây
dựng trên nền của chủ nghĩa hiện thực những toà nhà đẹp. Nam Cao xuất hiện
khi Nguyễn Công Hoan đã gây ấn tượng về nhiều mặt qua các truyện dài và
đặc biệt là những truyện ngắn với sức châm biếm sắc sảo và nụ cười giòn giã.
Nguyên Hồng với tâm hồn thiết tha sôi nổi biết vượt lên mọi khó khăn để
vươn tới quỹ đạo đấu tranh cách mạng; Ngô Tất Tố mực thước nhân hậu
trong tình người và sắc sảo sảo trong quan sát, tường thuật của ngòi bút báo
chí. Làng quê đã phơi bày ra nhiều cảnh tượng bi kịch qua những trang viết
của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... Nam Cao cũng khai thác lại đề tài nói
trên, tuy nhiên, trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, Nam Cao đã
không giẫm lên lối mòn của những người đi trước, ông đã mang đến cho đề
tài này tiếng nói mới chân thực mà sắc sảo. Là người cập bến chủ nghĩa hiện
thực muộn nhất nhưng ông là người hoạ sỹ đặt những mảng màu cuối cùng
Đặng Thị Huế - K32B Văn
19
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
hoàn chỉnh bức tranh hiện thực cả về mặt phản ánh xã hội cũng như khả năng
biểu hiện nghệ thuật, người đã đưa dòng văn học này lên đến đỉnh cao với
nhiều tác phẩm có giá trị.
2.2. Sáng tạo của Nam Cao trong những sáng tác về người nông dân
trước Cách mạng tháng Tám
2.2.1. Sáng tạo về mặt nội dung
2.2.1.1 Đề cập đến cái đói và miếng ăn trên một bình diện mới
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lại ở một vùng quê mà
bọn cường hào ác bá chia bè kéo cánh, đục khoét bóc lột người dân Nam Cao
am hiểu thấm thía số phận người dân nghèo khổ. Lúc Nam Cao bước vào con
đường văn học cũng là lúc xã hội Việt Nam chao đảo ngột ngạt nhất. Các giai
cấp bị phân hoá dữ dội, đời sống người nông dân bị đe doạ hơn bao giờ hết.
Viết về người nông dân ở thời kì cùng quẫn bế tắc này, Nam Cao không dừng
lại ở hiện tượng bề mặt, ông cố gắng đi sâu vào bản chất sự vật và bày tỏ thái
độ đồng cảm xót thương đối với những tâm hồn đau khổ. Không như Tam
Lang, Trọng Lang và một số nhà văn lãng mạn khác, Nam Cao không nhìn
người nghèo với con mắt khinh bỉ giễu cợt nhưng cũng không thi vị hoá, lí
tưởng hoá họ. Tấm lòng yêu thương nhân đạo và sự hiểu biết sâu sắc về con
người, đời sống ở thôn quê đã giúp Nam Cao xây dựng được những hình
tượng nông dân sinh động. Từ một làng quê heo hút của mình nhà văn đã mở
rộng ra cả một thực trạng nông thôn đang thời kì lột xác. Đọc Ngô Tất Tố,
Nguyên Hồng chúng ta từng bắt gặp những con người bị dồn đẩy đến chân
tường và đã chứng kiến không ít những số phận éo le. Nhưng đến Nam Cao,
cảnh nghèo đã thấm qua từng trang sách và người đọc cứ day dứt không nguôi
về bi kịch của những con người bị đẩy đến tận đáy sâu thẳm của xã hội.
Phần lớn các truyện ngắn viết về đề tài người nông dân của Nam Cao ra
đời vào những năm 1940-1945. Cái dấu ấn một thời kì đen tối đã để lại khá
Đặng Thị Huế - K32B Văn
20
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
sâu đậm trong truyện ngắn của ông. Vẫn là những chủ đề quen thuộc như các
nhà văn hiện thực khác: đời sống khó khăn, thóc cao gạo kém, con người phải
vật lộn để kiếm sống nhưng trong các tác phẩm của Nam Cao, cái đói như
một sức mạnh vô hình thít chặt lấy số phận các nhân vật. Trong văn học hiện
thực Việt Nam, cùng viết về miếng ăn, nhưng nếu Vũ Bằng chủ yếu miêu tả
miếng ngon qua những ấn tượng sâu sắc về cảm giác và vị giác, Nguyễn Tuân
lại không nhấm nháp miếng ăn bằng vị giác mà chủ yếu tiếp cận nó từ bình
diện văn hoá thẩm mĩ thì các nhà văn hiện thực như Ngô Tất Tố, Nguyễn
Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... viết về miếng ăn
như là nỗi khổ lớn nhất của con người về mặt vật chất, và thông qua đó là nỗi
khổ tinh thần của họ. Tuy nhiên, ngay trong số những cây bút hiên thực cũng
bộc lộ những cái nhìn khác nhau khi viết về vấn đề cái đói, miếng ăn. Ngô Tất
Tố qua những tác phẩm Cái bánh chưng, Mớ rau trong hòm, Làm no hay
cái ăn trong những ngày nước ngập đã nhìn thẳng vào hiện thực, đặt ra một
vấn đề khẩn thiết, cấp bách cứu đói cho người nông dân. Kim Lân qua truyện
Đứa con người vợ lẽ đề cập đến thân phận côi cút của một số thành viên
trong quan hệ gia đình. Nam Cao viết về cái đói theo một kiểu riêng. Cái đói,
miếng ăn trong tác phẩm của ông như một nỗi nhục nhã ê chề làm huỷ hoại cả
nhân phẩm, nhân tính của con người. Ông nói tới miếng ăn như là cái nhục
hơn là cái khổ tuy là cái nhục của những người cùng khổ. Nhà nghiên cứu
Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng
kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách,
nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói, miếng ăn làm cho tiêu
mòn đi, thui chột đi, huỷ diệt đi”. (Cái đói và miếng ăn trong truyện ngắn
của Nam Cao - Tạp chí kiến thức ngày nay, số 71,1/11/1991).
Bà cái đĩ trong Một bữa no thật đáng thương khi bị hành hạ, giày vò
trong cảnh đói quay quắt. Cái đói cứ dồn đẩy bà lão từng ngày, từ cảnh: “Hơn
Đặng Thị Huế - K32B Văn
21
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
ba tháng bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu còn được ngày ba tấm, sau
cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng bà ra chợ xin
người này một miếng, người kia một miếng”, đến cảnh: “mấy hôm nay bà
nhịn đói”. Thèm ăn lúc này không còn là nhu cầu bình thường nữa mà là vấn
đề giữa cái sống và cái chết, đẩy bà lão đến bước đường cùng buộc phải “nghĩ
ra một kế” mượn cớ đến chơi nhà đứa cháu đang đi ở kiếm bữa ăn. Bà lão,
bằng mọi giá cố ăn một bữa no trong sự lườm nguýt, gắt gỏng, chì chiết, nhục
mạ của bà phó Thụ. Nam Cao đã miêu tả tình cảnh của một con người với bao
đức tính tốt đẹp: thờ chồng nuôi con từ khi còn rất trẻ, hết nuôi con rồi lại
nuôi cháu, phải “chạy xạc cả gấu váy, hết chợ gần đến chợ xa, thì mới kiếm
nổi mỗi ngày mấy đồng xu”, đến khi “trận ốm thập tử nhất sinh” đã cướp một
chút sinh lực trong thân thể còm cõi của bà, đẩy bà đến tình cảnh phải từ bỏ
lòng tự trọng, từ bỏ nhân cách để đổi lấy một bữa ăn. Vì đói khát lâu ngày nên
khi được ăn, bà lão vội vàng ăn ngay, ăn nhanh, vì sợ người khác ăn hết mất.
Bà lão lập cập ăn vội nên rớt cả mắm ra ngoài, sau đó còn cạo nồi sồn sột...
Nam Cao bề ngoài cứ thản nhiên, lạnh lùng miêu tả chậm rãi từng chi tiết, kì
thực là xiết bao thương cảm, chua xót khi miêu tả cảnh bà lão vì quá đói mà
đành phải đổi nỗi khổ về vật chất lấy nỗi nhục về tinh thần, từ bỏ cả danh dự,
lòng tự trọng và nhân cách của con người.
Trong Tư cách mõ, miếng ăn cùng với sự xúc phạm của những người
xung quanh đã biến anh cu Lộ từ một người nông dân thật thà thành một
thằng mõ “đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém những anh mõ chính tông một tí gì:
cũng đê tiện cũng lầy là, cũng tham ăn”. Còn trong Trẻ con không được ăn
thịt chó, miếng ăn đã đẩy nhân vật “hắn” xuống hàng cầm thú. Trong đầu óc
tối tăm của kẻ thèm ăn khát uống đến hết mất cả nhân tính này không sao
thoát ra được sự ám ảnh về cái màu xanh của chai Văn Điển và màu vàng của
cái mông chó nướng. “Nước dãi tứa ra đầy miệng hắn, một hơi rượi mong
Đặng Thị Huế - K32B Văn
22
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
manh thoáng qua mũi hắn rồi vụt biến. Chà! Hôm nay trời mát nhỉ? Rượi với
thịt chó mà lại gặp khí trời mát thì ngon biết chừng nào là ngon. Hắn nuốt
nước dãi hai, ba lượt(...). Rượu... thịt chó... rượu... thịt chó... óc hắn cứ luẩn
quẩn nghĩ đến hai thứ ấy. Sắc vàng bóng của một cái mông chó thui nhầy
nhẫy mỡ với sắc xanh nhạt của một chai Văn Điển đầy ăm ắp cứ lần lượt hiện
ra”. Khi phần con trong con người hắn trỗi dậy, hắn đã tìm mọi cách để thoả
mãn sự thèm thuồng, không còn đếm xỉa gì đến vợ và con. Hắn đã lừa dối vợ
rằng “con chó nó ăn phải bả hay sao chẳng biết, sáng hôm nay cứ rú lên rồi
lăn ra giãy chết”. Chỉ để thoả mãn sự thèm khát mà hắn đã nhẫn tâm làm thịt
và cùng với lũ bạn rượu đánh chén hết nhẵn cả một con chó, không cần biết
đó chính là nguồn lương thực nuôi cả nhà trong suốt nửa tháng trời. Thời gian
tưởng cứ kéo dài ra mãi khi ngòi bút khách quan lạnh lùng của nhà văn thản
nhiên miêu tả tỉ mỉ cảnh người cha cùng với đám bạn ung dung ngồi “ăn,
uống, tranh nhau nói và cười rung cả mái nhà” trong khi “người mẹ rất còm
cõi và bốn đứa con gầy ốm” quây quần với nhau trong xó bếp nóng lòng sốt
ruột đợi chút thức ăn thừa. Biết bao thèm khát, hi vọng chất chứa trong tiếng
hụ hị của những đứa con: “Đói! Bu ơi! Đói!” để rồi không thể nào tưởng
tượng nổi, chúng ngã ngửa người khi bất ngờ thấy “trong mâm chỉ còn bát
không”. Người cha ở đây thật không khác chi loài cầm thú khi hắn cùng với
đám bạn ăn uống no say, ăn hết cả phần con, để cho “thằng cu con khóc oà
lên, lăn ra, chân đập đập như người giãy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ
mũi lên và méo xệch đi, rưng rưng khóc”.
Như vậy, khi đề cập đến cái đói và miếng ăn, Nam Cao có một cách
nhìn nhận mới mẻ, độc đáo so với các nhà văn cùng thời. Viết cái đói không
chỉ là tiếng kêu cứu đói mà còn là tiếng kêu cứu lấy nhân phẩm, nhân tính con
người. Con người trong tác phẩm của Nam Cao không chỉ ôm nỗi khổ về vật
chất mà còn bị lăng nhục một cách tàn nhẫn về tinh thần. Trong đó “cái đói và
Đặng Thị Huế - K32B Văn
23
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
miếng ăn” là yếu tố đẩy họ vào tình cảnh bần cùng hoá, lưu manh hoá. Nhân
vật của ông suốt đời bị dằn vặt, bị cắn rứt, bị đày đoạ đến khổ sở vì cái đói và
suốt đời gieo neo, lầm than đến nhục nhã cũng vì nguyên nhân ấy. Đó là
những nhân vật ông bố chỉ vì thoả mãn cái dạ dày mà vứt bỏ nhân cách lương
tâm (Trẻ con không được ăn thịt chó). Là cái nhục, nỗi thê thảm của con
người vì đói mà bất chấp cả sĩ diện ( Một bữa no). Là sự từ bỏ tư cách người
chỉ vì một “tư cách mõ”. Cái nghèo có thể gây chết người vì đói nhưng cái
nghèo còn có thể làm biến chất đạo đức và huỷ diệt nhân cách con người, điều
này không kém phần nguy hại. Viết về vấn đề này, Nam Cao đã tự khẳng định
sự sắc sảo của một cây bút hiện thực bậc thầy. Trong dòng văn học hiện thực
phê phán cùng thời không có một tác giả nào đề cập đến ảnh hưởng của cái
đói, sự nguy hại của cái đói đến tâm hồn con người mạnh mẽ, sắc sảo như
Nam Cao.
2.2.1.2. Phát hiện ra quy luật tha hoá của người nông dân
Trong sáng tác của Nam Cao viết về đề tài người nông dân, bên cạnh
loại nhân vật chịu sự đày đoạ của xã hội nhưng vẫn giữ được nhân phẩm của
mình vẫn còn có một loại nhân vật bắt đầu bị biến chất tha hoá. Đó là những
kẻ làm cha mà không khác gì loài cầm thú ăn hết cả phần của con (Trẻ con
không được ăn thịt chó). Đó còn là những kẻ lao vào chơi bời, rượu chè làm
tan nát gia đình như Binh Hựu, Cả Tuynh, Mao Khiễng... ấy còn là cô Hiền
trong Truyện người hàng xóm, chỉ vì dăm đồng tiền cứu nguy trong cơn đói,
đã bán đứng một đời người con gái: “Nó được cô Viễn vẫy ra thì thầm bảo,
nếu muốn sẽ giúp cho một dịp kiếm dăm đồng. Sau mấy phút ngập ngừng, nó
nghe theo! Ấy là một kiếp người đã bắt đầu xuống dốc, buồn lắm lắm....”.
Miêu tả con người tha hoá trở thành cảm hứng chủ đạo của các tác
phẩm Chí Phèo, Tư cách mõ, Nửa đêm. Trong Tư cách mõ, cu Lộ vốn là
một người hiền lành như đất “ăn ở phân minh”, không cờ bạc, rượu chè, chỉ
Đặng Thị Huế - K32B Văn
24
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Khoá luận tốt nghiệp
chăm chăm, chút chút làm để nuôi vợ nuôi con, vậy mà dần dần biến thành
thằng mõ tham ăn và ti tiện hơn cả “thằng mõ chính tông”. Vì nghèo túng, lại
bị mọi người xúm vào thuyết phục, bùi tai, Lộ nhận lời làm mõ. Nhưng khi
thấy Lộ làm mõ “ngon ăn quá”, mọi người sinh ra ngấm ngầm ghen tị với
hắn, vào hùa với nhau để làm nhục hắn. Trước sự hằn học , nhục mạ, khinh
ghét của những người xung quanh, Lộ đâm ra hối hận, bực tức, nhưng “sự đã
trót rồi, biết làm sao được nữa”. Bị mọi người làm nhục, Lộ có lúc thấy xấu
hổ cả với vợ, muốn bỏ phắt công việc, trả lại vườn, nhưng lại tiếc. Cứ như
thế, mỗi lần bị xúc phạm, Lộ lại tấm tức, lại thở ngắn thở dài nhưng rồi lại tặc
lưỡi, lại bất cần. Càng xúc phạm thì Lộ càng trơ trẽn, càng bị làm nhục thì hắn
càng không biết nhục. Lộ cứ tiến dần từng bước, từ chỗ hắn “bê cỗ về sân, đặt
lên phản, ung dung ngồi”, đến lúc hắn “đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin
thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông
vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy”.
Trong Nửa đêm, Nam Cao tập trung miêu tả quá trình tha hoá, lưu
manh hoá của Đức, từ một đứa bé “hiền như những con nhà thiếu ăn”, “ham
việc hơn ham sống” trở thành một thằng du côn, một tên giết người, một kẻ
điên loạn. Vừa mới sinh ra, Đức dã mang một nỗi nhục lớn bị cả làng khinh bỉ
: con của Trương Rự, một con thú độc ác đội lốt mệnh danh là “thiên lôi” chỉ
đâu đánh đấy. Mọi người “ghê tởm thằng bé khốn nạn mang trong huyết quản
cái máu ác ngược của quân giết người”. Cả một bầu không khí đầy những ghẻ
lạnh, khinh bỉ, hắt hủi vây quanh thằng Đức. Cả những người mẹ thừa sữa
cũng hắt hủi Đức không cho sữa, có kẻ thương hại thì “cho sữa rồi vội vàng
lau rửa vú cho thật kĩ càng sạch sẽ”. Đến khi lớn, Đức mon men đến chơi với
bọn trẻ con cùng xóm cũng bị “bọn nó lảng dần”. Chúng vào hùa với nhau
bêu rếu, nhục mạ Đức là “con thằng thiên lôi đâm lòi bụng vợ!”. Vậy là, sống
trong môi trường thù địch ấy, thằng Đức, từ một đứa bé “múp míp, nhẵn nhụi,
Đặng Thị Huế - K32B Văn
25