Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Đề thi HSG ngữ văn 7 năm 2010 2011

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (315.31 KB, 4 trang )

PHÒNG GD&ĐT
THÁI THỤY

ĐỀ KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI HUYỆN

Năm học 2010 - 2011
Môn: Ngữ Văn 7
(Thời gian làm bài 120 phút)

Câu 1. (4,0 điểm)
Tục ngữ có câu: “Thương người như thể thương thân.”
Bằng việc vận dụng văn nghị luận và từ thực tế cuộc vận động quyên góp ủng
hộ nhân dân Nhật Bản bị động đất và sóng thần vừa qua tại trường, em hãy trình bày ý
kiến của mình về nội dung trên đây bằng một bài viết ngắn gọn (khoảng 15 - 20 dòng
tờ giấy thi).
Câu 2. (4,0 điểm)
Trình bày cảm nhận của em về những dòng thơ sau đây:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộn bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong bể máu lại vùng đứng lên…”
Nguyễn Đình Thi
Trích Bài thơ Hắc Hải - Tuyển tập Nguyễn Đình Thi
NXB Văn học, Hà Nội năm 1997
Câu 3.



(12,0 điểm):

Trong văn bản “Ý nghĩa văn chương”, nhà phê bình văn học Hoài Thanh khẳng
định:
“Văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những
thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống.”
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy lựa chọn, phân tích các dẫn chứng tiêu biểu
trong chương trình Ngữ văn 7 để làm sáng tỏ điều đó.

Họ và tên học sinh:..................................................................... Số báo danh:.....................


PHÒNG GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO
THÁI THỤY
--------

HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI
Năm học 2010– 2011

Môn: NGỮ VĂN 7
Câu 1

4 điểm
* Yêu cầu: vận dụng văn nghị luận và từ thực tế cuộc vận động quyên góp ủng
hộ nhân dân Nhật Bản bị động đất và sóng thần vừa qua tại trường, hs trình bày ý kiến
của mình về câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” bằng một bài viết
ngắn gọn (khoảng 15 - 20 dòng tờ giấy thi).
- Trình bày hiểu biết về câu tục ngữ: câu tục ngữ khuyên nhủ con người thương yêu

người khác như chính bản thân mình, nói rộng ra là: hãy biết đồng cảm, biết thương
yêu đồng loại, lời khuyên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc...
1 điểm
- Khẳng định: đây là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, nét đẹp ấy được biểu hiện
rất cụ thể, sinh động trong cuộc sống hàng ngày. Lời khuyên như một triết lí sống.
1 điểm
- Tình thương yêu con người được thể hiện ở sự đồng cảm, sẻ chia với con người,
nhất là với những người gặp khó khăn, hoạn nạn...
1 điểm
- Học sinh nêu rõ những việc làm từ thực tế cuộc vận động giúp đỡ nhân dân Nhật
Bản nói chung, giúp đỡ các bạn học sinh Nhật Bản nói riêng bị động đất và sóng thần
vừa qua tại trường em, lớp em ...
1 điểm
( Khuyến khích bài viết có cảm xúc chân thành, có sáng tạo).
Câu 2
4 điểm
* Yêu cầu: Học sinh trình bày cảm nhận về đoạn thơ bằng một bài viết ngắn
gọn, không yêu cầu phân tích đoạn thơ. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách
khác nhau, nhưng cần nêu được một số ý cơ bản như sau:
- Bằng cảm xúc chân thành, với lòng tự hào về đất nước và con người Việt Nam, nhà
thơ Nguyễn Đình Thi đã thể hiện tình yêu đất nước sâu nặng, tha thiết qua những hình
ảnh thơ đẹp, vừa gần gũi, thân quen vừa có sức khái quát lớn và giàu sự biểu cảm:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.”
1 điểm
+ Những câu thơ như những lời ca, không chỉ là lời ca về đất nước mà còn là lời ca về
về con người Việt Nam với truyền thống giản dị, cần cù trong lao động dựng xây đất
nước:

“ Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộn bùn”
1 điểm
Nhưng cũng thật anh dũng trong đấu tranh bảo vệ quê hương:
“ Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong bể máu lại vùng đứng lên…”
1 điểm
+ Đoạn thơ còn đặc sắc ở nghệ thuật: thể thơ lục bát như những câu ca dao; ở những
hình ảnh thơ bình dị nhưng giàu sức biểu cảm; ở ngôn ngữ mộc mạc... đã thể hiện rất


thành công tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với mảnh đất và con người Việt
Nam chất phác, cần cù, giản dị nhưng cũng thật anh dũng, kiên cường... 1 điểm
Câu 3

12 điểm
1) Yêu cầu:
Yêu cầu chung: Học sinh nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận giải
thích, chứng minh một nhận định; bố cục bài đủ ba phần: Mở bài-Thân bài-Kết bài;
biết cách lập luận chặt chẽ.
Học sinh có thể trình bày riêng từng ý: hết phần giải thích đến chứng minh, có thể
kết hợp: vừa giải thích, vừa dùng dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh.
1. Mở bài:
2 điểm
- Giới thiệu (khái quát) về nhà phê bình văn học Hoài Thanh.
1 điểm
- Nêu vấn đề cần nghị luận, trích dẫn vấn đề cần nghị luận “ . . . ”
1 điểm

2. Thân bài:
7 điểm
+ Ý thứ nhất:
3,0 điểm
- Giải thích:
1,0 điểm
Nói “văn chương sẽ là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng”, cần hiểu: nhà
văn lấy tư liệu từ cuộc sống, phản ánh vào trong tác phẩm một cách chân thực những
gì đang diễn ra trong thực tế cuộc sống. Như vậy văn chương có nhiệm vụ phản ánh
đời sống phong phú và đa dạng của xã hội và con người. Nội dung văn chương vì thế
cũng đa dạng, phong phú sinh động như cuộc sống. Qua văn chương ta hiểu được
cuộc sống.
- Chứng minh:
2,0 điểm
+ Qua ca dao, tục ngữ ta thấy rõ cuộc sống lao động vất vả cực nhọc của người lao
động ngày xưa và vẻ đẹp tâm hồn của họ (lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu-phân tích).
0,5 điểm
+ Qua những bài thơ của các nhà thơ Việt Nam thời trung đại, ta thấy những tác phẩm
ấy đã tái hiện bức tranh phong cảnh quê hương đất nước một cách chân thực sinh
động và tuyệt đẹp đằm thắm tình quê và thấy rõ vẻ đẹp và thân phận của con người
Việt Nam thời xưa ( lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu-phân tích).
0,5 điểm
+ Đọc những tác phẩm của các nhà thơ nhà văn Việt Nam hiện đại như Hồ Chí Minh,
Thạch Lam, Xuân Quỳnh, Minh Hương, Hà Ánh Minh… ta thấy được trong các trang
viết ấy hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người Việt thật đẹp đẽ đáng yêu( dẫn
chứng-phân tích).
0,5 điểm
- Khái quát: Đọc những áng văn chương ấy, ta thấy hiện ra cuộc sống, một cuộc sống
muôn hình vạn trạng như nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã khẳng định. 0,5 điểm
+ Ý thứ hai:

3 điểm
- Giải thích:
1,0 điểm
Nói “Văn chương còn sáng tạo ra sự sống” là sự khẳng định: qua các tác phẩm văn
chương, bằng trí tưởng tượng bay bổng, bằng khát vọng và tình cảm nhân văn cao
đẹp, nhà văn dựng nên trong tác phẩm bức tranh đời sống mà có thể bức tranh đời
sống hiện tại không có hoặc chưa có, để mọi người phấn đấu, xây dựng biến chúng
thành hiện thực tốt đẹp trong tương lai…
- Chứng minh:
2,0 điểm (Lưu ý: yêu cầu hs lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu
để phân tích, làm sáng tỏ nhận định của nhà phê bình VH Hoài Thanh. Các ý sau đây
chỉ là những gợi ý, không bắt phải trình bày đủ các ý – yêu cầu lựa chọn dẫn chứng,
phân tích để làm sáng tỏ ý vừa giải thích).


+ Qua việc ca ngợi mảnh đất và con người Sài Gòn trong "Sài Gòn tôi yêu", nhà văn
Minh Hương mong muốn mọi người đều yêu Sài Gòn như ông. Tình yêu sẽ thúc đẩy
con người làm nhiều điều tốt đẹp. Yêu Sài Gòn, mọi người sẽ góp phần tích cực giữ
gìn và xây dựng một Sài Gòn đẹp hơn, đáng yên hơn.
0,5 điểm
+ Đọc truyện" Cuộc chia tay của những con búp bê" của Khánh Hoài, chúng ta thấy
xót xa cho cảnh ngộ của hai chị em Thành và Thủy. Ta cũng mơ ước cho hạnh phúc
của mỗi gia đình mãi mãi hạnh phúc, để tuổi thơ không phải chịu đựng nỗi đau của sự
chia lìa.
0,5 điểm
+ Lời nhắn gửi ân tình của Thạch Lam với chúng ta về Cốm-Một thứ quà của lúa non,
của hồn Việt trong thức quà bình dị. Mơ ước của Đỗ Phủ về một ngôi nhà- mái ấm
cho những người nghèo khổ…
0,5 điểm
+ Trong văn chương, tác giả cũng gửi đến bức thông điệp nhắc nhở chúng ta yêu ghét

đúng đắn, cộng hưởng niềm vui, nỗi buồn, mơ ước với nhà văn để làm những điều
thiện, điều có ích để cuộc sống tốt đẹp hơn, mới mẻ hơn (lấy dẫn chứng trong "Sống
chết mặc bay", “Một thứ quà của lúa non-Cốm”, "Tiếng gà trưa"…)
0,5
điểm
+ Khái quát chung:
1,0 điểm
Sau những áng văn chương, sự sống bao giờ cũng được nối dài, được phát triển trong
tâm hồn, ý chí, khát vọng và hành động của bạn đọc. Đó chính là nhiệm vụ sáng tạo ra
sự sống như Hoài Thanh đã khẳng định. Với cách nói ngắn gọn, súc tích, Hoài Thanh
đã giúp ta hiểu hơn một trong những nhiệm vụ, công dụng của văn chương: là hình
dung của sự sống, sáng tạo ra sự sống …
3. Kết bài:
3 điểm
+ Khẳng định lại nhiệm vụ và công dụng của văn chương: văn chương phản ánh cuộc
sống, chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống, tiếp thêm nguồn sức
mạnh, niềm tin yêu cho con người...
1,5 điểm
+ HS có thể nêu cảm nhận của bản thân về yêu thích các tác phảm văn chương nói
chung, về việc say mê với môn văn nói riêng …
1,5 điểm
2) Cách cho điểm:
Điểm 10-12: Bài làm đạt các yêu cầu trên. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc. Bố cục hợp
lí, không mắc các lỗi diễn đạt thông thường.
Điểm 7-9: Bài làm về cơ bản đạt các yêu cầu trên, nhất là yêu cầu về nội dung, cách
lập luận. Có thể còn vài sai sót nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Văn viết trôi chảy,
có thể mắc vài ba lỗi diễn đạt nhưng không làm sai ý người viết.
Điểm 4-6: Bài làm đạt khoảng nửa số ý hoặc đủ ý nhưng dẫn chứng còn nghèo, phân
tích một số đoạn thiếu sức thuyết phục. Diễn đạt có thể chưa tốt nhưng đã làm rõ
được ý. Còn mắc một số lỗi về câu, từ, chính tả nhưng không phải lỗi nặng.

Điểm 1-3: Hiểu đề lơ mơ. Bài làm chưa đạt yêu cầu trên. Nội dung sơ sài, diễn đạt
yếu. Mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
Điểm 0: Để giấy trắng.
Chú ý: Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu, không làm tròn.



×