Câu 4 .
Tháng 12-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã họp Hội nghị lần thứ
12 và ra Nghị quyết Về tình hình và nhiệm vụ mới cho cách mạng hai miền.
Đến năm 1965, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Nam đã chiến đấu với tinh
thần anh dũng, vượt qua khó khăn, liên tiếp đánh bại mọi âm mưu thâm độc của địch,
giành những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng. Chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của địch
phát triển đến mức cao nhất đã căn bản bị thất bại. Trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn,
từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ trong thế bị động đã đưa vào miền Nam một lực lượng lớn
quân đội viễn chinh Mỹ, đồng thời tiếp tục mở rộng chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng
không quân ở miền Bắc nước ta. Cách mạng Việt Nam đứng trước những thử thách cực
kỳ nghiêm trọng.
Hội nghị từ chỗ phân tích tình hình cách mạng miền Nam từ sau Hội nghị Ban Chấp hành
Trung ương lần thứ 11 và nhận định: "Đặc điểm chủ yếu của tình hình hiện nay là trong
cuộc chiến tranh xâm lược của chúng, đế quốc Mỹ không chỉ dựa vào lực lượng ngụy
quân, ngụy quyền làm công cụ chủ yếu, mà đã trực tiếp xâm lược miền Nam nước ta, đưa
vào miền Nam một lực lượng lớn quân đội viễn chinh Mỹ, đồng thời tiếp tục mở rộng
chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân ở miền Bắc nước ta”. Trong chiến lược
quân sự của địch đã có sự thay đổi và đã vượt khỏi khuôn khổ của một cuộc “chiến tranh
đặc biệt”.
Hội nghị nhận định: mục đích chính trị của đế quốc Mỹ ở miền Nam vẫn là tiếp tục thực
hiện chính sách thực dân kiểu mới… âm mưu trước mắt của địch là “với lực lượng quân
đội viễn chinh Mỹ và chư hầu ngày càng được tăng thêm, với trên dưới nửa triệu quân đội
ngụy, ra sức mở những cuộc tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng của ta, nhất là các lực
lượng vũ trang tập trung của ta; giữ vững và củng cố hoặc chiếm đóng thêm các vị trí
chiến lược quan trọng rồi dựa vào đó mà đẩy mạnh công tác bình định có trọng điểm,
đánh phá vùng giải phóng, khống chế kìm kẹp quần chúng và chiếm lại một số vùng đã
mất; tìm mọi biện pháp để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, bao vây và cô lập chiến
trường miền Nam; đồng thời tăng cường chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta.
Chúng mong từng bước giành lại thế chủ động, tạo thế mạnh để ép ta thương lượng theo
điều kiện có lợi cho chúng, đồng thời chuẩn bị cơ sở khi cần thiết thì kéo dài và mở rộng
chiến tranh xâm lược”.
Hội nghị phân tích một cách khoa học và toàn diện lực lượng so sánh giữa ta và địch và
cho rằng “sức mạnh mà Mỹ có thể sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn là một
sức mạnh bị hạn chế... Chỗ yếu cơ bản nhất của địch từ trước đến nay vẫn là về chính
trị”. Về phía cách mạng, “dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng ta, nhân dân
ta đã sáng tạo nên những lực lượng to lớn về mọi mặt và đang ở vào một thế thuận lợi”.
Vấn đề đặt ra cho toàn Đảng và toàn dân ta là phải đánh giá đúng việc Mỹ đưa hàng chục
vạn quân đội của chúng vào miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc,
đánh giá đúng lực lượng và khả năng to lớn của kẻ địch, đồng thời đánh giá đúng lực
lượng và khả năng to lớn của nhân dân ta ở cả hai miền, trên cơ sở đó mà xác định và
nêu cao hơn nữa quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ bất kể trong tình huống nào và nhận rõ
tiền đồ của cuộc chiến tranh giải phóng chống Mỹ, cứu nước là cuối cùng địch nhất định
thua, ta nhất định thắng.
Nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là: "động viên lực lượng của
cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình
huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc
dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần cố gắng vượt bậc, tập trung lực lượng của cả
nước, kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, đánh bại đế quốc Mỹ
và bè lũ tay sai trên chiến trường chính là miền Nam".
Ở miền Bắc thì đánh bại cuộc chiến tranh đánh phá của đế quốc Mỹ, bảo vệ sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội, động viên sức người, sức của chi viện cho cuộc chiến tranh
giải phóng ở miền Nam, giúp đỡ cách mạng Lào, đồng thời ra sức chuẩn bị để đánh bại
quân địch trong trường hợp chúng mở rộng chiến tranh cục bộ ra cả nước.
Hội nghị nhấn mạnh nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay là nhiệm vụ thiêng liêng của
cả dân tộc ta, của nhân dân ta từ Nam chí Bắc. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả
hai miền phải giữ vững và nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống
Mỹ, cứu nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đến quốc Mỹ trong bất
kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.
Hội nghị khẳng định “Phương châm đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính do Đảng ta
đề ra, là hoàn toàn chính xác”. Dù trong tình hình đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào
trực tiếp xâm lược miền Nam, chúng ta vẫn kiên trì phương châm đấu tranh quân sự kết
hợp với đấu tranh chính trị; triệt để vận dụng ba mũi giáp công (đấu tranh quân sự, đấu
tranh chính trị và binh vận). Trong giai đoạn hiện nay, “đấu tranh quân sự có tác dụng
quyết định trực tiếp và giữ một vị trí ngày càng quan trọng. Nhưng đấu tranh quân sự chỉ
thu được kết quả lớn nhất nếu nó được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị; đấu tranh
quân sự và đấu tranh chính trị tiếp tục phối hợp với nhau, thúc đẩy lẫn nhau”.
Sau khi xác định nhiệm vụ chung và phân tích những nhân tố thắng lợi của cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, Hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể và những công tác
lớn ở miền Nam và miền Bắc.
Đối với miền Bắc, “nhiệm vụ của quân và dân ta ở miền Bắc là tiếp tục thực hiện Nghị
quyết Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương: vừa sản xuất, vừa chiến đấu để bảo vệ miền
Bắc, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, động viên sức người, sức của tăng
cường chi viện miền Nam, ra sức giúp đỡ cách mạng Lào, đồng thời tích cực chuẩn bị
đánh thắng địch nếu chúng mở rộng chiến tranh cục bộ ra cả nước”.
Để làm tròn nhiệm vụ chung đó, Hội nghị đã xác định miền Bắc cần phải được củng cố
vững mạnh về mọi mặt chính trị, quân sự và kinh tế. Trước mắt, miền Bắc cần tập trung
vào một số công việc lớn sau đây:
- Bảo vệ miền Bắc, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chuẩn bị
đánh thắng địch nếu chúng mở rộng chiến tranh cục bộ ra cả nước ta.
- Động viên sức người, sức của, tăng cường chi viện cho miền Nam.
- Ra sức xây dựng miền Bắc vững mạnh về kinh tế và quốc phòng.
- Tích cực giúp đỡ cách mạng Lào.
- Tăng cường công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng đáp ứng kịp thời nhu cầu
của tình hình mới.
- Đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tích cực tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của phe xã hội
chủ nghĩa và của nhân dân thế giới.
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối
với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Hội nghị đã phân tích một
cách khoa học so sánh lực lượng giữa ta và địch, khẳng định thất bại tất yếu của đế quốc
Mỹ, vạch rõ nhiệm vụ cụ thể cho cách mạng hai miền, động viên quân đội và nhân dân cả
nước giữ vững chiến lược tiến công, nêu cao ý chí tự lực tự cường và ra sức tranh thủ sự
ủng hộ và giúp đỡ của bè bạn quốc tế, tiến lên đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm
lược. Phát biểu ý kiến tại phiên bế mạc Hội nghị (ngày 27-12-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã nói: "Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ, quyết tâm làm đúng Nghị
quyết của Trung ương, không sợ gian khổ, hy sinh thì nhất định chúng ta đánh thắng
được giặc Mỹ xâm lược, giải phóng được miền Nam, bảo vệ được miền Bắc, thống nhất
được nước nhà".