BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ NÔNG NGHIỆP & PTNT
VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
VŨ THỊ TRÂM
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NÔNG HỌC CHÍNH CỦA CÁC
VẬT LIỆU CÀ PHÊ CHÈ PHỤC VỤ CHỌN TẠO GIỐNG
VÀ ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG CỦA MỘT SỐ
GIỐNG CÓ TRIỂN VỌNG TẠI PHÍA BẮC VIỆT NAM
Chuyên ngành: Di truyền và chọn giống cây trồng
Mã số: 62 62 05 01
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP
Hà Nội - 2009
Công trình được hoàn thành tại: VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: TS. Hoàng Thanh Tiệm
GS. TS. Nguyễn Ngọc Kính
Phản biện 1: GS. TS Ngô Hữu Tình
Phản biện 2: PGS. TS Đoàn Thanh Nhàn
Phản biện 3: PGS. TS Lê Tất Khương
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước họp tại:
VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Vào hồi:.....................giờ..................ngày...............tháng.........năm 2009
Có thể tìm hiểu Luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Hà Nội;
- Thư viện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam;
- Thư viện Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN
1. Vũ Thị Trâm (2004), ”Kết quả theo dõi giống TN1 và TN2 tại điều kiện
Sơn La”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2004
trang 135 - 136
2. Vũ Thị Trâm, Trần Xuân Hân (2004), ”Một số kết quả theo dõi các giống
TN1, TN2, TH1 tại điều kiện ALưới Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tháng 1/2004 trang 146.
3. Vũ Thị Trâm (2004), ”Kết quả khảo sát một số giống cà phê chè nhập nội
năm 1999 sau 38 tháng trồng tại Ba Vì Hà Tây”, Tạp chí Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, tháng 10/2004 trang 1390 – 1391.
4. Vũ Hồng Tráng, Vũ Thị Trâm (2004) ”Kết quả nghiên cứu sử dụng thuốc
Anvil phòng trừ bệnh gỉ sắt Hemileia vastatrix trên cà phê chè giống
Caturra trồng tại Sơn La ”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tháng 10/2004 trang 1392.
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Cà phê là thứ nước uống của thế giới hiện đại. Sản phẩm cà phê được
rất nhiều nước sử dụng hàng ngày, tuy vậy chỉ có rất ít nước có thể trồng
trọt được cây cà phê để cho ra sản phẩm hàng hoá.
Là một trong những nước chủ lực xuất khẩu cà phê trên thế giới, năm
2007 Việt Nam xuất khẩu 1.197.000 tấn cà phê nhân thu về 1,772 tỷ USD.
Trong tổng số cà phê xuất khẩu trên đây có khoảng 97 % là cà phê vối, cà
phê chè chỉ chiếm chưa đầy 3%. Cây cà phê chè Coffee arabica từ lâu đời
đã được nổi tiếng bởi sản phẩm có hương vị thơm ngon. Cà phê chè chất
lượng cao, đặc biệt là có kích cỡ hạt lớn luôn luôn được ưa chuộng trên thế
giới. Giá cà phê chè xuất khẩu thường cao gấp 1,5 lần trở lên so với giá cà
phê vối.
Để sản xuất cà phê đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững, Nhà nước có
chủ trương thay đổi cơ cấu giữa giống cà phê chè và cà phê vối, hướng tới
trong số 500.000 ha cà phê Việt Nam sẽ có khoảng 20% diện tích trồng cà
phê chè. Ý thức đựơc tầm quan trọng của yếu tố giống, vườn tập đoàn cà
phê chè của Việt Nam đã được thiết lập nhằm phục vụ cải tiến giống cà
phê trước mắt và lâu dài. Hiện tại giống cà phê chè đang phổ biến trong
sản xuất là giống Catimor F6. Giống Catimor F6 có năng suất cao và
kháng cao với bệnh gỉ sắt do nấm Hemileia vastatrix; có hương thơm đặc
trưng khi rang, song có nhược điểm về kích cỡ hạt và hương vị chưa thực
sự hấp dẫn.
Tại Tây Nguyên, một số giống cà phê chè có triển vọng được chọn tạo
như TN1, TN2 và TH1 mới chỉ được đánh giá ở một số tỉnh phía Nam. Để
xác định được các giống ưu tú có năng suất cao chất lượng tốt, kháng bệnh
gỉ sắt; góp phần vào mục tiêu sản xuất cà phê chè bền vững có hiệu qủa
kinh tế cao, việc đánh giá các giống cà phê có triển vọng tại phía Bắc là
một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết.
Các kiến thức về đa dạng di truyền cùng với việc nghiên cứu mối quan
hệ giữa các đặc điểm nông học của các mẫu giống trong vườn tập đoàn có
vai trò vô cùng quan trọng đối với cải tiến giống cà phê chè nói riêng và
cây trồng nói chung. Các kết quả nghiên cứu từ vườn tập đoàn cà phê chè
rất hữu ích trong việc chọn các cặp bố mẹ trong lai tạo và chọn lọc trực
tiếp ra giống mới.
Xuất phát từ các vấn đề trên chúng tôi tiến hành đề tài:
“Nghiên cứu đặc điểm nông học chính của các vật liệu cà phê chè
phục vụ chọn tạo giống và đánh giá khả năng thích ứng của một số
giống có triển vọng tại phía Bắc Việt Nam”
2
2. Mục đích nghiên cứu
Đánh giá, phân lập các nhóm mẫu giống cà phê chè trong vườn tập
đoàn, xác định một số mẫu giống có khối lượng 100 nhân lớn, chất lượng
nước uống tốt, kháng gỉ sắt và năng suất cao đề nghị bố trí vào thí nghiệm
so sánh giống trên diện hẹp. Xác định được 1- 2 giống cà phê chè có triển
vọng, thích hợp nhất phục vụ sản xuất tại Chiềng Sinh - Sơn La, Quảng
Trị, A Lưới, Hoà Bình và Ba Vì. Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống vô tính
cà phê chè bằng phương pháp ghép nối ngọn.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: 94 mẫu giống cà phê chè trong vườn tập đoàn và
một số giống cà phê chè đang trong giai đoạn khảo nghiệm.
Phạm vi nghiên cứu: Các nghiên cứu được tập trung chủ yếu vào các nội
dung: đánh giá, phân lập nguồn gen cà phê chè thông qua đo đếm các chỉ
tiêu nông học; so sánh khảo nghiệm các giống cà phê chè có triển vọng tại
một số tỉnh phía Bắc.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên di
truyền cà phê chè và là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo về cải
tiến giống cà phê chè, giúp thúc đẩy nhanh và rút ngắn quá trình chọn tạo
giống cà phê chè ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã xác định được giống
và phương pháp nhân vô tính đối với giống cà phê chè đang trong giai
đoạn khảo nghiệm có năng suất cao, cỡ hạt lớn, kháng bệnh gỉ sắt và thích
nghi tốt tại một số tỉnh phía Bắc, đề nghị đưa ra sản xuất cùng với giống
Catimor.
5. Những đóng góp mới của luận án
Cải tiến giống cà phê chè năng suất cao phẩm cấp hạt tốt và kháng bệnh
gỉ sắt là nhu cầu cấp thiết hiện nay đối với chọn giống cà phê chè đáp ứng
yêu cầu của sản xuất.
Kết quả nghiên cứu của luận án về đa dạng nguồn gen trong vườn tập
đoàn 94 mẫu giống cà phê chè, phân lập thành các nhóm và nghiên cứu
mối quan hệ giữa các chỉ tiêu nông học chính, chọn lọc trực tiếp 6 mẫu
giống từ vườn tập đoàn cà phê chè tại Ba Vì, bao gồm: KH1, KH28, KHΦ,
Garnica F5, DL 007 và VN2; là cơ sở cho cải tiến giống cà phê chè được
nhanh chóng và hiệu quả.
Tại Tây Nguyên, Ba Vì và Phủ Quỳ - Nghệ An một số giống cà phê chè
có triển vọng đã được chọn tạo, tuy nhiên lần đầu tiên các giống này được
đưa ra đánh giá ở phía Bắc. Kết quả nghiên cứu của luận án đã xác định
được khả năng thích ứng của các giống cà phê tại phía Bắc (là cơ sở cho
3
việc đa dạng hoá bộ giống cà phê chè trong sản xuất): giống TN1 và TN2
thích ứng cao với 3 vùng Sơn La, A Lưới -Thừa Thiên Huế và Cao Phong
- Hoà Bình; TN2 là giống thích ứng cao với vùng Ao Vua Ba Vì. Giống
TN1, TN2 và VN2 thích ứng cao với vùng Hướng Hoá - Quảng Trị.
Đây là lần đầu tiên các nghiên cứu về tập đoàn cà phê chè và so sánh
các giống có triển vọng được tạo ra tại phía Nam được tiến hành tại phía
Bắc Việt Nam
6. Cấu trúc của luận án
Luận án có 157 trang bao gồm: mở đầu 3 trang, chương 1 (Tổng
quan tài liệu và cơ sở khoa học của đề tài): 32 trang, chương 2 (Vật liệu và
phương pháp nghiên cứu): 11 trang, chương 3 (Kết quả nghiên cứu và thảo
luận): 87 trang, kết luận và đề nghị: 3 trang, tham khảo 32 tài liệu bằng
tiếng Việt và 129 tài liệu bằng tiếng nước ngoài; có 04 công trình đã công
bố có liên quan đến luận án; phần phụ lục gồm 35 phụ lục. Luận án có 46
bảng và 28 hình minh hoạ.
Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Phân loại thực vật, đặc tính di truyền của cà phê nói chung và cà
phê chè nói riêng
1.1.1. Nguồn gốc, phân loại
Chi Coffea thuộc họ Rubiaceae gồm khoảng 100 loài. Phần lớn các
loài có giá trị kinh tế đều thuộc nhóm Eucoffea K Schum trong đó có 2 loài
quan trọng nhất là Coffea arabica và Coffea canephora.
1.1.2. Đặc tính di truyền
Số nhiễm sắc thể cơ bản của chi Coffea là x = 11, hầu hết các loài
của chi Coffea là những cây nhị bội với bộ nhiễm sắc thể 2n = 2x = 22.
Chỉ có loài cà phê chè C. arabica là cây tứ bội với số nhiễm sắc thể
2n = 4x = 44.
1.2. Nguồn vật liệu di truyền cà phê chè
Để đa dạng nguồn gen cà phê chè, người ta đã thu thập nguồn gen cà
phê chè từ trung tâm khởi nguồn ở phía Tây Nam Ethiopia và vùng lân
cận, hiện tại có 21087 mẫu giống cà phê đã được bảo tồn trên thế giới.
1.3. Chỉ tiêu chọn lọc và sự di truyền tính trạng của cây cà phê
1.3.1. Chỉ tiêu chọn lọc
- Năng suất và tính ổn định của năng suất: tính trạng năng suất cao cần ổn
định qua các năm ở các điều kiện ngoại cảnh khác nhau.
4
- Đặc điểm sinh trưởng và các yếu tố cấu thành năng suất: các chỉ tiêu
sinh trưởng của cây gồm: đường kính gốc thân, chiều cao cây, số cặp cành
cấp 1, chiều dài lóng cành, chiều dài cành. Các yếu tố cấu thành năng suất
quả gồm : tỷ lệ cành mang quả, tỷ lệ đốt mang quả trên cành, số quả trên
đốt.
- Tỷ lệ tươi/nhân: tỷ lệ tươi/nhân (T/N) càng thấp thì năng suất nhân càng
cao và ngược lại
- Chất lượng: gồm có chất lượng cà phê nhân sống (hình dạng, khối
lượng, kích cỡ hạt) và chất lượng cà phê tách thông qua thử nếm (chất
lượng nước uống)
- Khả năng kháng bệnh gỉ sắt: bệnh gỉ sắt do nấm Hemileia vastatrix gây
ra, là một bệnh nguy hiểm đối với sản xuất cà phê của nhiều nước trong đó
có Việt Nam
- Khả năng kháng bệnh khô cành khô quả: bệnh khô cành khô quả
(Coffee berry disease - CBD) trên cà phê do nấm Colletotrichum
coffeanum cũng là một chỉ tiêu chọn lọc đối với chương trình cải tiến
giống cà phê ở một số nước Đông Phi và Trung Phi
1.3.2 . Sự di truyền các tính trạng ở cây cà phê
- Di truyền các đặc điểm sinh trưởng và các yếu tố cấu thành năng suất:
Các tính trạng sinh trưởng như đường kính, dài lóng thân, dài lóng cành,
cao cây, dài cành được di truyền ổn định ở các môi trường khác nhau
(Walyaro, 1983).
- Di truyền tính trạng năng suất và tính ổn định về năng suất: tính trạng
năng suất của cà phê là tính trạng số lượng do nhiều gen qui định
(Walyaro, 1983).
- Di truyền tính trạng chất lượng nhân cà phê: theo nghiên cứu của
Bekele YD (2005) thì kích thước hạt có tương quan với khối lượng hạt và
thể chất của tách cà phê, hệ số tương quan tương ứng là r = + 0,79** và r =
+ 0,36*.
1.4. Các phương pháp chọn tạo giống cà phê
1.4.1. Các phương pháp chọn tạo truyền thống
Chọn lọc dòng đối với cà phê chè: theo dõi từng cá thể riêng rẽ,
chọn lọc các cá thể tốt nhất về một số tính trạng nông học mong muốn.
Các phương pháp lai cùng loài, ưu thế lai và chọn lọc phả hệ; lai
khác loài và hồi giao; sử dụng các thể đơn bội và đơn bội kép để tạo đa bội
đã được sử dụng trong chọn tạo giống cà phê chè nói riêng và cây cà phê
nói chung (Hoàng Thanh Tiệm, 1999).
1.4.2. Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cà phê
Các phương pháp công nghệ sinh học cũng đang được áp dụng để
đánh giá đa dạng nguồn gen cà phê và tạo đa dạng nguồn gen phục vụ
chọn tạo giống, tuy nhiên các phương pháp này khác nhau về nguyên lý áp
5
dụng, số lượng của các đa hình; giá thành cao và thường yêu cầu thời gian
nhất định (Bekele YD, 2005).
1.5. Kết quả nghiên cứu chọn tạo và nhân giống cà phê trên thế giới
1.5.1. Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống cà phê chè kháng gỉ sắt
Bệnh gỉ sắt do nấm Hemileia vastatrix gây ra, là một bệnh nguy hiểm
đối với sản xuất cà phê của nhiều nước trong đó có Việt Nam; bệnh liên
quan đến kiểu gen di truyền của cây. Người ta đã định danh được các gen
quy định tính kháng bệnh gỉ sắt trên cây cà phê chè cũng như nghiên cứu
cơ chế của tính kháng bệnh trên cây cà phê. Các công cụ sinh học phân tử
cũng đã được ứng dụng trong nghiên cứu bệnh gỉ sắt trên cây cà phê.Tính
kháng đơn gen chuyên tính được mô tả như là tính kháng dọc thường cho
các kiểu hình rõ ràng với một sự ảnh hưởng về chất lượng như là không
phát sinh bào tử, các điểm hoại thư hoặc hoàn toàn không có triệu chứng
bệnh và nhìn chung là có sự liên quan với sự chết nhanh chóng của tế bào
ký chủ. Trong thời gian dài, trên diện rộng các nhà chọn giống đã thành
công khi sử dụng các gen kháng bệnh đơn (R) nhưng do sự tiến hoá nhanh
chóng của các kiểu nguồn bệnh trên các giống kháng cũ bắt buộc các nhà
chọn giống phải tạo ra các giống thay thế với các gen kháng mới. Ở loài cà
phê chè đến nay đã xác định được 4 gen trội kháng bệnh gỉ sắt là SH1,
SH2, SH4 và SH5. Các gen này có thể ở dạng đơn lẻ hoặc kết hợp với
nhau tạo ra các cây thuộc các nhóm sinh lý α, γ, E, I, C, D, J, L, W có khả
năng kháng được hoàn toàn với một số nòi sinh lý của nấm gỉ sắt. Tuy
nhiên, ở một số điều kiện nào đó các cây cà phê khi mang gen SH4 ở dạng
dị hợp tử lại không thể hiện được tính trội hoàn toàn đối với một số nòi
sinh lý của nấm gỉ sắt (Hoàng Thanh Tiệm, 1999; Rijol, 1991).
Một dạng khác của tính kháng bệnh gỉ sắt là tính kháng không
chuyên tính, chỉ đặc hiệu cho một loài bệnh nhưng lại có hiệu quả hơn
hoặc kém hơn đối với các kiểu gen của nguồn bệnh. Kiểu kháng này liên
quan đến tính kháng bệnh của cây thông qua tương tác của nhiều gen,
không phải do một gen. Tính kháng này là tính kháng đa gen hay là tính
kháng về mặt số lượng (Simmonds NW., 1991) .
1.5.2. Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống cà phê chè kháng một
số sâu bệnh khác
- Nghiên cứu chọn tạo giống cà phê chè kháng bệnh khô cành khô quả
(Coffee Berry Disease – CBD): nghiên cứu cà phê chè tại Kenya cho thấy
tính kháng với CBD được qui định bởi 3 gen chính khác nhau (Hoàng
Thanh Tiệm, 1996).
- Nghiên cứu chọn tạo giống cà phê chè kháng một số sâu bệnh hại khác:
nghiên cứu của Lecouls và cộng sự (2006) cho thấy tính kháng tuyến trùng
melodogyne của cây cà phê có ở loài lưỡng bội và được quy định bởi 1
gen là Mex – 1.
6
1.5.3. Một số kết quả nghiên cứu chọn tạo giống cà phê chè chống
chịu với điều kiện bất thuận
Tại Moduli Tanzania, giống SL28 chọn lọc cá thể từ dạng cà phê chè
Bourbon được đánh giá là giống chịu hạn (Firman I. D. và Hanger B. F.,
1963).
1.5.4. Một số kết quả nghiên cứu chọn tạo giống cà phê chè chất
lượng tốt
Một trong các mục tiêu đặt ra cho các nước sản xuất cà phê là chọn
tạo giống cà phê chè có khối lượng và kích cỡ hạt lớn, người ta cũng thấy
rằng quá trình trao đổi đường trong nhân cà phê chè do ít nhất là 2 enzim
có cùng chức năng sinh học (isoform) nhưng bị mã hoá bởi 2 gen khác
nhau là: SUS1 và SUS2 (Thierry Leroy et al., 2007)
1.5.5. Nghiên cứu nhân giống vô tính đối với cây cà phê
Kỹ thuật nhân giống vô tính cho cây cà phê đã được nghiên cứu cách
đây ít nhất là 35 năm; nó có hiệu quả rất cao, nhất là đối với cây cà phê vối
và các cây lai khác loài. Ứng dụng của kỹ thuật này còn ở chỗ loài cà phê
chè và một số dòng cà phê vối có hệ thống rễ rất mẫn cảm đối với tuyến
trùng, trong khi đó loài cà phê mít và một số dòng cà phê vối có khả năng
kháng được đối tượng gây hại này. Vì vậy người ta có thể ghép các giống
cà phê chè hoặc vối lên gốc ghép cà phê vối hoặc cà phê mít để phát triển
cà phê trên các vùng đất bị hại bởi tuyến trùng.
1.6. Một số kết quả nghiên cứu về cây cà phê và chọn tạo giống cà phê
ở Việt Nam
Công tác cải tiến giống cà phê chè đã được tiến hành vào những năm
1970 tại Trạm nghiên cứu cây nhiệt đới Phủ Quỳ. Viện Khoa học kỹ thuật
Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã chọn lọc và đưa ra giống cà phê chè
Catimor F6 năng suất cao ổn định, có tính kháng cao đối với bệnh gỉ sắt
Hemileia vastatrix. Bằng hồi giao (backcross), giống Catimor đã được lai
với một số cá thể cà phê chè có nguồn gốc từ Ethiopia. Kết quả cho thấy ở
đời con lai F1, 10 con lai mang tên TN1, TN2, TN3, TN4, TN5, TN6,
TN7, TN8, TN9, TN10 có các đặc tính nông học mong muốn được cải
thiện rõ rệt. Hiện tại 2 giống lai mang tên TN1, TN2 đã được công nhận
tạm thời vào năm 1998.
Chương 2
VẬT LIỆU NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Vật liệu nghiên cứu
Gồm 94 mẫu giống cà phê chè và một số giống cà phê chè đang trong
giai đoạn khảo nghiệm: TN1, TN2, TH1 và 17ACB...; sử dụng giống
Catimor đang phổ biến trong sản xuất đại trà làm giống đối chứng.
7
Giống TN1: là thế hệ F1 của cặp lai giữa giống Catimor với 1 mẫu
giống có nguồn gốc từ Ethiopia, được tạo ra từ Viện nghiên cứu cà phê
Eakmat năm 1990. Tại Tây Nguyên TN1 có đặc điểm sinh trưởng khoẻ,
năng suất cao, kích cỡ hạt lớn hơn giống Catimor, kháng bệnh gỉ sắt cao.
Giống TN2: là thế hệ F1 của cặp lai giữa giống Catimor với 1 mẫu
giống có nguồn gốc từ Ethiopia, được tạo ra từ Viện nghiên cứu cà phê
Eakmat năm 1992. Tại Tây Nguyên, TN2 có đặc điểm sinh trưởng khoẻ, lá
hơi gợn sóng, năng suất cao, kích cỡ hạt lớn hơn giống Catimor, kháng
bệnh gỉ sắt cao.
Giống TH1: là giống cà phê chè được chọn lọc trực tiếp từ tập đoàn
giống có nguồn gốc từ Ethiopia tại Viện nghiên cứu cà phê Eakmat. TH1
có lóng thân dài, lóng cành tương đối ngắn, lá nhỏ, mỏng, mép lá có gợn
sóng, quả chín có màu đỏ, kích cỡ hạt lớn và kháng bệnh gỉ sắt do nấm
Hemiliea vastatrix rất cao.
Giống 17 ACB: giống cà phê chè được chọn lọc trực tiếp từ quần thể
cà phê chè Caturra amrello tại Phủ Quỳ Nghệ An. Giống 17 ACB có đặc
điểm lá màu xanh đậm, dày, gợn sóng, đốt cành ngắn, quả chín có màu đỏ,
được đánh giá là có năng suất cao, kích cỡ hạt lớn và kháng gỉ sắt cao.
Giống VN1: mẫu giống cà phê chè có nguồn gốc từ Braxin, được chọn
lọc trực tiếp từ tập đoàn cà phê chè tại Ba Vì. VN1 có lá màu xanh bóng,
bề mặt lá gợn sóng, lá nhỏ, lóng thân và lóng cành rất ngắn, quả chín có
màu vàng.
Giống VN2: mẫu giống cà phê chè có nguồn gốc từ Braxin, được chọn
lọc trực tiếp từ tập đoàn cà phê chè tại Ba Vì. VN2 có lóng thân và lóng
cành ngắn; lá màu xanh thẫm; quả chín có màu đỏ.
2.2. Nội dung nghiên cứu
- Đánh giá, phân lập vườn tập đoàn cà phê chè trồng tại Ba Vì.
- So sánh, khảo nghiệm các giống cà phê chè trồng tại một số tỉnh phía
Bắc.
- Nghiên cứu nhân vô tính con lai F
1
cà phê chè bằng kỹ thuật ghép nối
ngọn.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Phương pháp bố trí vườn tập đoàn trên đồng ruộng
Các mẫu giống trong vườn tập đoàn cà phê chè có nguồn gốc khác
nhau, mỗi giống trồng theo từng hàng (tuỳ theo nguồn vật liệu được thu
thập ban đầu) gồm 5 - 12 cây, không có lần nhắc lại.
Các vườn tập đoàn được bố trí tại Sơn Đà - Ba Vì – Hà Tây, trên nền
đất phiến thạch. Vườn được chăm sóc đồng đều theo quy trình hiện tại,
trồng trong điều kiện có cây che bóng, không tưới nước để điều khiển năng
suất. Mật độ trồng 5000 cây/ha.