Tải bản đầy đủ (.pdf) (89 trang)

tìm hiểu hoành phi và câu đối chữ hán tại đình bình thủy _ thành phố cần thơ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.27 MB, 89 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN


NGUYỄN THỊ CẨM TÍM
MSSV: 6095821

TÌM HIỂU HOÀNH PHI VÀ CÂU ĐỐI CHỮ HÁN
TẠI ĐÌNH BÌNH THỦY _ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS. BÙI THỊ THÚY MINH

Cần Thơ, 11/ 2012


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành chương trình đại học và làm luận văn này, tôi đã nhận được sự
hướng dẫn, góp ý và giúp đỡ tận tình của quý thầy cô trường Đại học Cần Thơ.
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy cô trường Đại học Cần Thơ,
đặc biệt là những thầy cô đã tận tình dạy bảo tôi trong suốt thời gian học tập tại
trường.
Tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến cô Bùi Thị Thúy Minh - người đã dành rất
nhiều thời gian và tâm huyết hướng dẫn tôi thực hiện nghiên cứu và hoàn thành luận
văn tốt nghiệp này.
Nhân đây, tôi cũng xin chân thành cảm ơn các cụ hương chức cùng với người
dân tại đình Bình Thủy đã tạo điều kiện tốt nhất để tôi khảo sát, thu thập tài liệu để


viết luận văn này.
Đồng thời, tôi cũng chân thành cảm ơn các thầy cô trong khoa Khoa học Xã
hội và Nhân văn, gia đình, bạn bè đã giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này.
Mặc dù người viết đã cố gắng hoàn thiện luận văn bằng tất cả sự nhiệt tình và
năng lực của mình, tuy nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận
được những đóng góp quý báu của quý thầy cô và các bạn.
Cần Thơ, ngày 28 tháng 11 năm 2012
Sinh viên
Nguyễn Thị Cẩm Tím


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích - yêu cầu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐÌNH BÌNH THỦY
1.1. Lược sử hình thành và phát triển của đình Bình Thủy
1.1.1. Đình Bình Thủy
1.1.2. Lịch sử hình thành
1.1.2.1. Xây dựng đình lần thứ nhất
1.1.2.2. Xây dựng đình lần thứ hai
1.1.2.3. Xây dựng đình lần tiếp theo
1.2. Kiến trúc đình Bình Thủy
1.2.1. Kiến trúc toàn cảnh
1.2.2. Bố cục trang trí bên trong
1.2.2.1. Trang trí

1.2.2.2. Hình thức và ý nghĩa của việc thờ phượng
1.3. Một số lễ hội tại đình
1.3.1. Lễ đình


1.3.2. Hội đình
CHƯƠNG 2: ĐÔI NÉT VỀ HOÀNH PHI VÀ CÂU ĐỐI VIẾT BẰNG CHỮ HÁN
2.1. Hoành phi và câu đối là gì?
2.1.1. Hoành phi
2.1.2. Câu đối
2.2. Hiện trạng và giải pháp bảo tồn hoành phi và câu đối tại đình Bình Thủy
2.2.1. Hiện trạng
2.2.2. Giải pháp
2.3. Ý nghĩa của hoành phi và câu đối đối với đời sống người xưa và nay
2.3.1. Ý nghĩa của hoành phi và câu đối đối với đời sống người xưa
2.3.2. Ý nghĩa của hoành phi và câu đối đối với đời sống người nay
CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CỦA MỘT SỐ HOÀNH
PHI VÀ CÂU ĐỐI Ở ĐÌNH BÌNH THỦY
3.1. Nội dung
3.1.1. Mừng vì diện mạo đình ngày càng khang trang, tráng lệ
3.1.2. Ca ngợi, biết ơn công đức của các vị thánh thần, vua quan, những người có
công với đất nước
3.1.3. Thể hiện những cầu mong hết sức bình dị của con người
3.1.4. Vui mừng vì được mùa, làm ăn thuận lợi, đất nước hưng thịnh
3.1.5. Biểu tượng thanh bình qua hình ảnh con rồng
3.1.6. Tự hào về khí thiêng của trời đất Việt Nam
3.1.7. Hình thức tế lễ, cúng bái để tạ ơn bề trên


3.1.8. Những bài học làm người

3.2. Nghệ thuật
3.2.1. Hoành phi
3.2.2. Câu đối
3.3. Ngôn ngữ của các hoành phi và câu đối
3.3.1. Điển cố, điển tích
3.3.2. Một số từ ngữ liên quan đến từ trong Phật giáo
3.4. Nhận xét về quyển Chuyện làng cổ tập 2 Đình Bình Thủy - Long Tuyền của tác
giả Nguyễn Sương.
3.4.1. Những đóng góp đáng kể
3.4.2. Những hạn chế
C. PHẦN KẾT LUẬN


A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Ngày nay khi viếng các đình chùa chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức
hoành phi và câu đối. Những bức hoành phi và câu đối này có thể viết bằng chữ
Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ làm cho không khí của đình chùa thêm thanh nhã
trang nghiêm. Ngoài ra, còn phải kể đến nội dung của các bức hoành phi câu đối,
thông qua đó giúp người ta biết nhiều điều bổ ích về lịch sử, kiến trúc, tín ngưỡng
và nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Do lịch sử hình thành của đình chùa Việt Nam ảnh hưởng từ nền văn hóa
Trung Hoa trong văn tự truyền đạo đến nền Hán học nên chủ yếu các hoành phi và
câu đối trong các đình chùa xưa thường được viết bằng chữ Hán.
Đình Bình Thủy là một trong những di tích lịch sử, một địa điểm du lịch nổi
tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có sự kết hợp bởi cảnh đẹp thiên
nhiên với nét cổ kính cùng với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc: tinh thần
thượng võ chống ngoại xâm, tinh thần hiếu học, lòng mến mộ những bậc anh tài,
tuấn kiệt… Tất cả cả những điều hay, nét đẹp đó được thể hiện qua một số lượng
lớn hoành phi, câu đối, đề từ và những câu thơ bằng chữ Hán có ở nơi đây.

Tuy nhiên trước sự phát triển và phổ biến rộng rãi của chữ Quốc ngữ, ngày
nay số người đọc và hiểu chữ Hán còn rất ít và có rất nhiều người cảm thấy xa lạ
với loại văn tự này. Hơn thế nữa, hiện nay, nước ta đang trong quá trình hội nhập,
giao lưu kinh tế, học hỏi kĩ thuật của quốc tế và cả về mặt văn hóa cũng được tiếp
nhận. Thiết nghĩ làm sao để vừa tiếp thu những đặc sắc văn hóa của nước ngoài vừa
giữ gìn được bản sắc, văn hóa dân tộc là một điều vô cùng quan trọng. Muốn được
như thế, trước hết chúng ta cần bảo tồn, giữ gìn, khai thác nghiên cứu di sản văn
hóa nước nhà mà trong đó văn hóa Hán - Nôm là một nét văn hóa vô cùng quý giá
của dân tộc. Bởi lẽ, nó thể hiện được tinh thần, nghệ thuật, truyền thống của con
người Việt Nam. Từ đó cho thấy kế thừa, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa
dân tộc là một việc hết sức bức thiết cần được quan tâm thật nhiều từ các thế hệ đời


sau, mới mong là không phụ lòng những bậc tiền nhân; và các giá trị văn hóa ấy
mới ngày càng được tôn vinh hơn cùng với ý thức tự chủ, bảo vệ tài sản nước nhà
thì nền di sản, văn hóa nước nhà mới ngày càng vững mạnh hơn.
Chính vì thế, chúng tôi đã chọn đề tài Tìm hiểu hoành phi và câu đối chữ Hán
tại đình Bình Thủy _ thành phố Cần Thơ. Với đề tài này, chúng tôi mong muốn góp
một phần công sức nhỏ bé của mình để giúp con người hiểu rõ hơn về ý nghĩa các
hoành phi, câu đối trong đình Bình Thủy cũng như những giá trị văn hóa lịch sử và
nghệ thuật của nó.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Nghiên cứu Hán - Nôm khẳng định và làm rạng ngời bản sắc văn hóa dân tộc.
Có nhiều cách khác nhau để nghiên cứu vấn đề này nhằm kế thừa và giữ gìn di sản
to lớn mà ông cha ta để lại.
Những công trình nghiên cứu to lớn đã và đang tiếp tục phát triển, các sách về
Hán - Nôm không ngừng ra đời nhằm đóng góp cho nét đẹp tri thức dân tộc. Thật
vậy, chúng ta vui mừng khi biết có những công trình nghiên cứu Hán - Nôm âm
thầm tìm hiểu về hoành phi và câu đối hay lặn lội tìm những tài liệu cổ xưa ở các

đình chùa miếu mạo hoặc ở những ngôi mộ cổ mà người đời có thể đã lãng quên,…
Lo ngại trước nguy cơ đang mất dần bản sắc dân tộc, nhiều hoạt động văn hóa ra
sức tổ chức những buổi lễ kỷ niệm, những buổi biểu diễn, sinh hoạt tri thức cho
người dân; các nhà nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu Hán - Nôm nói
riêng tổ chức các cuộc hội thảo nghiên cứu khoa học trong nước nhằm góp phần lưu
giữ, nhắc nhở phải bảo tồn nét đẹp dân tộc.
Hoành phi và câu đối là một bộ phận không nhỏ trong văn hóa Hán - Nôm, là
một thể loại văn học đặc biệt, thu hút sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu. Chính vì
thế, trong những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, dịch
thuật hoành phi, câu đối có độ dày đáng kể được xuất bản. Ngoài phần nguyên văn
chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa, các công trình cũng đã giới thiệu sơ lược về thể
loại, thành tựu và những suy nghĩ về giá trị văn hóa của hoành phi và câu đối.


Chúng ta có thể kể đến các công trình sau: Lê Hoài Việt, Câu đối một loại
hình văn học cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ (2001). Nguyễn Văn Ngọc,
Thú chơi câu đối, Nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin (2001). Trong quyển này tác
giả đề cập đến phép làm câu đối, các loại câu đối như: câu đối toàn Nôm, câu đối
Nôm pha chữ, câu đối chữ Hán, câu đối liều, câu đối không đếm được và câu đối
không giải nghĩa. Ở mỗi thể loại tác giả có giải thích vì sao được chia theo loại ấy
và có nhiều dẫn chứng cụ thể. Ngoài ra cũng có công trình 3000 hoành phi câu đối
Hán Nôm - Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin (2003) do Trần Lê sáng chủ biên. Trên
cơ sở đó, Trần Lê Sáng đã cho ra đời tiếp tập 5000 hoành phi câu đối Hán Nôm
(2006). Tập sau ra đời trên cơ sở bổ sung cho tập trước, các câu đối trong hai tập
sách này được sưu tập từ nhiều nguồn trong thư tịch, di tích, trong dân gian. Cùng
với câu đối Việt Nam có cả câu đối Trung Quốc.
Nổi bật và tiêu biểu hơn hết là công trình nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn
Thịnh: Câu đối Thăng Long - Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội (2010). Câu đối Thăng
Long Hà Nội là một đề tài có ý nghĩa, mang tính chất đúc kết các thành tựu sưu
tầm, dịch thuật, nghiên cứu, giới thiệu hoành phi, câu đối trên Thủ đô. Có thể nói,

đây là lần đầu tiên thực hiện một tập hợp câu đối và hoành phi có tính hệ thống trên
phạm vi toàn thủ đô Hà Nội. Những nét đặc trưng của hoành phi câu đối tại Hà Nội
cũng được nêu lên, ngoài ra tập sách cũng cung cấp cho bạn đọc rất nhiều các văn
bản chữ Hán được phiên âm và dịch nghĩa góp phần bảo tồn di sản nước nhà.
Ở Cần Thơ cũng có rất nhiều thầy cô của trường Đại học Cần Thơ và các bạn
sinh viên chuyên ngành ngữ văn đã tích cực nghiên cứu về các hoành phi câu đối
của nhiều đình chùa. Trong các đề tài nghiên cứu khoa học các bạn sinh viên đã
khảo sát được hiện trạng các hoành phi câu đối của một số đình chùa tại thành phố
Cần Thơ và đưa ra những giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, chưa có công trình nào tổng
hợp được các câu đối hay của các đình chùa tại thành phố Cần Thơ hay phiên âm
dịch nghĩa được hầu hết các hoành phi và câu đối của các đình chùa nơi đây.
Đặc biệt, đình Bình Thủy tại thành phố Cần Thơ là một trong những di tích
lịch sử của Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây có một số lượng khá lớn các hoành


phi và câu đối chữ Hán. Thế nhưng chỉ mới có một công trình nghiên cứu đáng kể
của tác giả Nguyễn Sương trong quyển Chuyện làng cổ tập hai Đình Bình Thủy Long Tuyền, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ, (2012). Trong quyển này tác giả đã
đưa nhiều thông tin về kiến trúc, lịch sử phát triển của đình, lễ hội, tiểu sử các anh
hùng địa phương, anh hùng dân tộc những người có công đức lớn với đình Bình
Thủy với dân Bình Thủy, Cần Thơ và đáng ghi nhận nhất là phần chữ Hán được
viết lại và phiên âm dịch nghĩa hầu hết các hoành phi, câu đối, bản sắc phong, các
câu thơ chữ Hán tại đình góp phần khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc tại đình Bình
Thủy. Tuy nhiên cũng có những hạn chế về lỗi đánh máy, chữ Hán so với chữ Hán
tại đình chưa trùng khớp với nhau, dịch nghĩa một số câu còn chưa xác.
Do vậy, đề tài Tìm hiểu hoành phi và câu đối chữ Hán tại đình Bình Thủy _
thành phố Cần Thơ là một đề tài tiếp nối các công trình đi trước nhằm góp phần
hoàn thiện hơn để hiểu rõ hơn về các hoành phi, câu đối cũng như những thông tin
về lịch sử phát triển của đình Bình Thủy.

3. Mục đích yêu cầu

Mục đích chủ yếu trong bài nghiên cứu này là viết lại những bức hoành phi và
câu đối chữ Hán ở đình Bình Thủy. Sau đó phiên âm dịch nghĩa và làm rõ cơ bản
nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa của một số bức hoành phi và câu đối. Bên cạnh việc
thống kê số lượng , xác định vị trí của các bức hoành phi và câu đối bài nghiên cứu
còn phải thể hiện được tầm quan trọng của hoành phi và câu đối đối với đời sống
con người đời xưa và nay. Dựa trên sự quan sát thực tế về hiện trạng của chúng tại
đình, người viết đưa ra một số giải pháp cụ thể để lưu giữ hoành phi, câu đối được
tốt hơn. Tiếp thu công trình đi trước của tác giả Nguyễn Sương trong quyển Chuyện
làng cổ tập hai Đình Bình Thủy - Long Tuyền, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ,
(2012) chúng tôi đề cao những đóng góp quý báo của tác giả, đồng thời cũng đưa ra
một vài nhận xét trong phần hạn chế.

4. Phạm vi nghiên cứu


Luận văn trực tiếp nghiên cứu nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa của các hoành
phi và câu đối chữ Hán tại đình Bình Thủy.
Tham khảo một số tài liệu có liên quan đến hoành phi và câu đối nhằm làm rõ
nét thêm về giá trị, nghệ thuật và ý nghĩa của hoành phi câu đối trong cả nước nói
chung và đình Bình Thủy nói riêng.

5. Phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, chúng tôi đưa ra
những phương pháp cụ thể để tiến hành nghiên cứu và giải quyết luận văn này.
5.1. Phương pháp nghiên cứu lí thuyết
Phương pháp này giúp chúng tôi làm rõ các khái niệm về đình, chữ Hán,
hoành phi và câu đối.
5.2. Phương pháp khảo sát thực tế
Sử dụng phương pháp này nhằm ghi nhận một cách khách quan hơn về các giá
trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử, các hoành phi, câu đối tại đình.

5.3. Phương pháp phân tích đánh giá
Đây là phương pháp cơ bản trong việc phân tích để làm sáng tỏ những cứ liệu,
thông tin chưa rõ ràng về lịch sử, văn hóa, chữ viết giữa các tại liệu và thực tế.
5.4. Phương pháp trực quan sinh động
Với phương pháp này, hình ảnh được khai thác sẽ tăng thêm sự hấp dẫn và
minh chứng rõ ràng hơn trong phần phân tích đánh giá của luận vă


B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐÌNH BÌNH THỦY
1.1. Lược sử hình thành và phát triển của đình Bình Thủy
1.1.1. Đình Bình Thủy
Làng mới luôn đòi hỏi phải có những cơ sở công ích như chợ, cầu, đường và
các thiết chế văn hóa như đình, chùa, miếu…Vì vậy, việc lập đình là một nhu cầu
cần thiết của cộng đồng người Việt.
Đình là nơi thờ phượng những vị thần được vua sắc phong, những người có
công với đất nước trong đấu tranh chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi. Ngoài ra,
ngôi đình còn là công sở hành chánh của làng và đặc biệt là nơi hội họp của dân
làng khi có lễ hội. Với chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng
làng xã, hình tượng ngôi đình ăn sâu trong lòng người Việt Nam về tình đoàn kết
xóm làng, tình yêu quê hương đất nước. Và cũng rất trữ tình, đằm thắm trong thơ
ca:
“Qua đình ngã nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.”
(Ca dao)
Từ xa xưa, ngôi đình Việt Nam vốn đẹp như thế nhưng do điều kiện thiên
nhiên: mưa, nắng, khí hậu ẩm ướt hoặc do sự tàn phá của chiến tranh, bóng dáng
những ngôi đình cổ kính dần dần mai một.
Ở Cần Thơ còn giữ được một số ngôi đình trong đó có đình Bình Thủy.
Đình Bình thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Tuy được

xây dựng vào đầu thế kỷ 20 nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố
kiến trúc truyền thống của dân tộc. Đình còn giữ được những mảng chạm, những
họa tiết trang trí gần gũi với nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở nơi đây


hết sức tinh tế và sinh động. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền
thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh
hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ nói riêng và Miền Tây
Nam Bộ nói chung. Cùng với những sinh hoạt văn hóa khác, đình Bình Thủy đã tạo
nên một bản sắc riêng của ngôi đình làng ở một vùng đất mới khai phá năm xưa.
Vào ngày 5 tháng 9 năm 1989 Bộ Thông tin – Văn hóa ra quyết định số
1570/VHQĐ công nhận đình Bình Thủy – Long Tuyền là di tích kiến trúc nghệ
thuật quốc gia, Bảo tàng tỉnh Cần Thơ dựng bia đá trước giữa sân đình như sau:
“DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐÌNH BÌNH THỦY
Long Tuyền cổ miếu tức đình Bình Thủy ngày nay đã được vua Tự Đức năm
thứ năm phong sắc “Bổn Cảnh Thành Hoàng” ngày 29 tháng 11 năm 1852.
Ngôi đình hiện tại được xây dựng từ năm 1909. Đây là một trong những ngôi
đình lâu đời của Nam Bộ còn giữ được khá nguyên vẹn ở tỉnh Cần Thơ.
Đình Bình Thủy, một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị của dân tộc
Việt Nam, nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân
trong những ngày lễ hội truyền thống.”

Hình 1 - Cổng Tam Quan của đình Bình Thủy


Đình Bình Thủy tọa lạc tại địa điểm ngày nay thuộc phường Bình Thủy, quận
Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ. Đình nằm sát với khu cư dân được bao quanh bởi
hàng rào tứ giác: Mặt Bắc cách bờ sông Hậu khoảng 200m, mặt Đông là bờ con
rạch Bình Thủy, còn mặt Nam sát đường Lê Hồng Phong. Từ trung tâm thành phố
Cần Thơ, nếu đi theo đường Nguyễn Trãi qua đường Cách mạng tháng tám và Lê


Hồng Phong khoảng 5 km là tới đình Bình Thủy. Đi xuống dốc cầu vài chục mét là
đứng trước cổng Tam Quan đồ sộ có ba lối đi. Trên bề mặt cổng có bốn đại tự 龍
泉 古 廟 “Long Tuyền Cổ Miếu”.
1.1.2. Lược sử hình thành
Long Tuyền là một trong những làng cổ của Đồng bằng sông Cửu Long. Làng
thuộc Phủ Trấn Giang, khi chưa có người ở, vùng đất này là một vùng rừng nguyên
sinh, có nhiều kênh rạch, đầm lầy, gò nổi,…lắm thú dữ, chim muông, tôm cá,…
Theo sử làng: Các ông Nguyễn Văn Minh, Võ Văn Tựu, Đinh Công Báo…là
những người đầu tiên đến khai mở. Nhờ công sức của họ, dần dần vùng đất này
được hình thành các cộng đồng dân cư. Họ sống thành từng cụm, từng chòm thưa
thớt, xưa gọi là trại, ấp.
Trong quyển Lịch sử đấu tranh Cách mạng Long Tuyền có viết:
“…Vào năm Đinh Sửu – 1817, đời vua Gia Long thứ 15, ấp trại Hưng Hòa và
ấp trại Phó Hòa sáp nhập lại thành Hưng Phó Xã. Ấp trại Thạnh Bình và ấp trại
Thới Hòa sáp nhập lại thành Bình Hòa Xã. Đến năm Giáp Thình – 1844, đời vua
Thiệu Trị thứ 13 thì Bình Hòa Xã và Hưng Phó Xã cùng hai ấp còn lại là Khánh
Lộc, Bình Khánh được sáp nhập lại thành làng Bình Hưng. Bình Hưng là tên đầu
tiên của làng cổ này…” [12, tr 10]
Như trên đã trình bày xây dựng đình là một nhu cầu thiết yếu đối với nhân dân
khi mới thành lập làng. Vì thế, việc đình Bình Thủy được xây dựng là một lẽ
thường. Tuy nhiên, về lịch sử xây dựng đình có các ý kiến phân chia khác nhau, và


tên gọi của đình cũng có sự thay đổi trong những lần xây dựng đình. Ở đây người
viết xin đưa ra một vài viện dẫn trong những mục kế tiếp sau đây.
1.1.2.1. Xây dựng đình lần thứ nhất
“Đình được dựng vào năm Giáp Thìn (1844), bão lụt hoành hành dữ dội ở
làng Long Tuyền, nhà cửa, ruộng vườn tan tác, nhân dân đói rách lầm than. Sau
trận thiên tai, dân chúng trở về làm ăn ngày càng sung túc. Trong làng lập một ngôi

đình bằng gỗ, lợp lá tại vàm rạch Bình Thủy.” [9, tr. 4]
Như trên đã trình bày vào năm 1844 làng Bình Hưng được đổi tên là làng Bình
Thủy thì không nên gọi tên là làng Long Tuyền trong giai đoạn này vì như vậy khó
phân biệt là ở giai đoạn nào.
Một ý kiến khác:
“Đó là năm Nhăm Thình – 1832, trận bão lụt kinh hoàng đã gieo rắc cho
vùng đất này biết bao đau thương, tang tóc. Làng Bình Hưng xác xơ, dân tình đói
rách, lầm than!!! Hết đêm đen thì trời lại sáng, mưa lại thuận, gió lại hòa. Người
người, nhà nhà ra sức khai phá, làm lụng để mong sao sớm được an cư lạc nghiệp.
Thật như vậy, Trời không phụ công kẻ khó nhọc, một nắng hai sương. Họ chung
sức, chung lòng cày cấy ruộng vườn, trồng trọt, chăn nuôi….rồi họ ra sức sửa sang
miếu mạo ở vàm sông Bình Hưng cho to hơn, rộng hơn,…để tạ ơn và thờ Thần linh.
Ngôi miếu ở đây được xây dựng thành ngôi đình. Ngôi đình lần đầu tiên này xây cất
lên thô sơ bằng cây rừng, lợp lá và tên gọi là đình làng Bình Hưng, chưa có sắc
thần.” [12, tr. 12]
Là một bậc hậu bối người viết chưa có nhiều kiến thức về lịch sử để nhìn nhận
đánh giá sự việc, chỉ nhận thấy rằng, hai ý kiến đều có thể đúng ở chỗ cứ vào năm
Thình thì thường xảy ra bão lụt (theo lời kể của ông bà kể lại) rất có khả năng đình
được xây cất vào năm Thình sau trận lũ, nhưng để có một cứ liệu lịch sử xây cất
đình lần thứ nhất chính xác hơn thì cần phải khảo sát kĩ hơn về vấn đề này.
1.1.2.2. Xây dựng đình lần thứ hai


Xây dựng đình lần hai giữa các tài liệu tham khảo có sự thống nhất với nhau.
Tương truyền, năm 1852, dưới triều vua Tự Đức năm thứ năm, quan Khâm
sai Đại thần Huỳnh Mẫn Đạt trên đường đi tuần du qua sông Hậu, gặp phải một
trận cuồng phong, ông cho thuyền nấp vào một cù lao, ngã ba của một dòng kinh đỗ
ra sông Hậu (nay là cồn Linh tại vàm rạch Bình Thủy). Nơi đây sóng yên gió lặng,
nhờ đó thuyền được bình an. Nhân tiện quan Khâm sai Đại thần lên bờ tham quan
cảnh vật, tìm hiểu dân tình. Thấy ở đây có dòng sông nước chảy êm đềm, cảnh vật

tươi đẹp, hoa màu xanh tốt, dân chúng an cư lạc nghiệp, ông liền đặt tên cho nơi
này là làng “Bình Thủy”. Khi trở về, ông dâng sớ lên vua trình qua sự việc. Vua Tự
Đức thuận tình phê sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng” cho làng Bình Thủy vào
ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (1852).
Sau khi có sắc phong của nhà vua, dân địa phương đã cùng nhau cất lại đình
lần thứ hai. Lần này lợp ngói, phía trước đình xây thêm sân đình, một nhà võ ca
(thường dùng để làm Nhà hát bộ,… trong đó có một sân khấu nhỏ, thấp, bằng gỗ để
cho các đoàn hát đến biểu diễn cho bà con thưởng ngoạn).
1.1.2.3. Xây dựng đình lần tiếp theo
Theo tài liệu của Nguyễn Sương, đình có hai lần xây dựng nữa. Đó là lần thứ
ba và thứ tư. Và có ba lần trùng tu.
Xây cất đình lần thứ ba:
Vào năm Đinh Mùi - Năm 1907, tại làng Bình Thủy thuộc tổng Định Hới,
hạt Cần Thơ, có ông Nguyễn Đức Nhuận làm tri phủ và ông Lê văn Noãn làm cai
tổng. Một năm sau năm Mậu Thân – 1908, trong phiên họp tại công sở làng, hai ông
luận bàn về hình thể sông Bình Thủy: “Con sông này chảy uốn khúc như rồng nằm.
Miệng rồng há to ngậm trái châu đó là Cồn Linh áng ngang vàm sông. Hai chân
trước là Ngã Tư Lớn và Ngã Tư Bé ngang nhau. Xa hơn là rạch Miễu Ông và rạch
Cái Tắc cũng đối diện nhau là hai chân sau. Chi lưu của bốn rạch này tủa ra như
bốn chân rồng. Thân hình lại khéo làm sao! Ngoài vàm to lớn, miệng há hốc ngậm
trái châu. Mình rồng uốn khúc và nhỏ dần. Đoạn đuôi thon nằm vắt tận cuối làng,


mãi đến Giai Xuân. Nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng như muôn triệu vẫy rồng
nằm lấp la, lấp lánh giữa rừng cây xum xuê, rậm rạp” [12, tr 16-17] Nghe có lí,
mọi người đều đổi tên thành làng 龍 泉 Long Tuyền. Long Tuyền là rồng nước hay
suối rồng. Cũng nhân cuộc họp này, ông Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận đề nghị cất lại
đình tại vàm rạch Ngã Tư Bé, trên sở đất của làng rộng 2, 09 hecta. Không mai ông
Tri phủ qua đời nên công trình bị đổ vỡ.
Xây cất đình lần thứ tư vào năm 1909

“Như vậy, khởi công cất đình lần thứ tư này vào thứ hai, ngày 26-7-1909, nhằm
mồng 10 tháng 6 năm Kỷ Dậu, hoàn thành vào năm Tân Hợi - 1991.” [12, tr. 17]
Một ý kiến khác:
Chỉ có xây dựng đình lần thứ ba
“Năm 1904, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận và cai tổng Lê Văn Noãn thấy
đình sắp sập, nên dời đình cất ở ngã tư Bé, trên sở đất của làng rộng 2,9 ha. Chẳng
mai quan Tri phủ qua đời công việc xây dựng đình bị đình trệ. Năm1909 ông
Hương cả Nguyễn Doãn Cung cùng ông thông gia Hương chủ Dương Lập Cang
đồng tán thành ý kiến xây dựng lại ngôi đình lần thứ ba cũng tại chỗ cũ (Vàm Bình
Thủy). Công việc xây dựng được khởi công từ ngày 12 tháng 7 năm 1909 đến 1910
thì hoàn thành. Công việc xây dựng được tiến hành tốt đẹp do ông Huỳnh Trung
Trinh thiết kế của.” [9, tr. 6]
Tiếp theo, đến năm 1979 xã Long Tuyền được chia làm 3 đơn vị hành chính
là: phường Bình Thủy, phường An Thới và xã Long Tuyền, và đình nằm trong
phạm vi phường Bình Thủy. Cho nên đình thần Long Tuyền hay đình Long Tuyền
lại quay trở về tên nguyên gốc là đình Bình Thủy, và tên này tồn tại cho đến ngày
nay.
Từ các ý kiến trên người viết xin tổng hợp lại và xin đưa ra một vài ý kiến
về tiến trình xây cất đình và sự thay đổi tên gọi của đình sau lần xây dựng thứ hai
như sau:


Do năm 1907 ông Nguyễn Đức Nhuận mới làm tri phủ và ông Lê Văn Noãn
mới làm cai tổng ở Cần Thơ nên mốc thời gian: “Năm 1904, quan tri phủ Nguyễn
Đức Nhuận và cai tổng Lê Văn Noãn thấy đình sắp sập, nên dời đình cất ở ngã tư
Bé, trên sở đất của làng rộng 2,9 ha…” [9, tr. 6] là không phù hợp.
Kế tiếp là số liệu diện tích đất không phù hợp giữa 2,09 hecta và 2,9 hecta. Về
số liệu này xin được các nhà khảo cứu đất đai nghiên cứu lại, ở đây chúng ta có thể
nắm số liệu này là trên 2 hecta.
1.2. Kiến trúc đình Bình Thủy

1.2.1. Kiến trúc toàn cảnh
Dưới dốc cầu Bình Thủy, một cổng tam quan to đẹp có ba lối đi, lối giữa lớn
và cao hơn hai lối hai bên, trên nóc của lối cửa chính có hình hai con rồng tranh
giành nhau một trái châu mà người ta vẫn quen gọi là lưỡng long tranh châu, ở mặt
ngoài cửa chính của đình có hàng chữ 龍 泉 古 廟 - “Long Tuyền Cổ Miếu” và
được khắc thêm hai câu liễn đối, chữ màu đen và khuôn viền quanh câu đối màu đỏ
thật đẹp:
Cổng Tam Quan (mặt trước)
龍泉古廟
LONG TUYỀN CỔ MIẾU
古 廟 建 尊 嚴 平水 人 民 崇 俊 傑
今門增壯麗龍泉鄰邑出英雄
Phiên âm:
Cổ miếu kiến tôn nghiêm Bình Thủy nhân dân sùng tuấn kiệt


Kim môn tăng tráng lệ Long Tuyền lân ấp xuất anh hùng
Dịch nghĩa:
Miếu xưa dựng lên rất tôn nghiêm, nhân dân Bình Thủy kính trọng người tuấn
kiệt (người tài giỏi)
Cổng ngày nay thêm tráng lệ (đẹp lộng lẫy), những ấp gần Long Tuyền sản
sinh ra người anh hùng (người tài giỏi, dũng cảm)
Ở mặt trong, cửa chính cũng có hàng chữ: 龍 泉 古 廟 - “Long Tuyền Cổ
Miếu” và cũng có hai câu liễn đối:
Cổng Tam Quan (mặt trong)
龍泉古廟
LONG TUYỀN CỔ MIẾU
龍 泉古 廟 輪 奐 常 新 垂 萬 世
平水 靈 神 蒸嘗不替永千秋
Phiên âm:

Long tuyền cổ miếu luân hoán thường tân thùy vạn thế
Bình Thủy linh thần chưng thường bất thế vĩnh thiên thu
Dịch nghĩa:
Miếu xưa Long Tuyền, bánh xe chuyển đổi ngày ngày mới truyền lại muôn đời
Thần linh Bình Thủy không ngừng khen thưởng mãi đến nghìn năm sau


Khuôn viên của đình khá rộng, cây cảnh xanh tốt đặt biệt là có những cây đa
được trồng từ lúc mới dựng đình góp phần tạo vẽ lãng mạn mà cổ kính cho quang
cảnh nơi đây, những hình ảnh thật quen thuộc mà trong ca dao dân ca thường xuất
hiện: Cây đa, bến nước, sân đình.

Hình 2 - Cây đa ở sân đình Bình Thủy

“Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề;
Cây thị có ma, cây đa có thần.”
(Ca dao)
“Lá đa rụng xuống sân đình
Không ai tưởng bạn thì mình tưởng cho.”
(Ca dao)
Chỉ quang cảnh bên ngoài cũng đủ cho thấy từ ngàn xưa hình ảnh cây đa,
bến nước, sân đình cũng đã có mối quan hệ khăn khít với nhau, đó là những hình
ảnh cố định làm nên nét đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc trong ca dao Việt Nam.
Lối dẫn vào đình qua hai cổng tên là “Long Tuyền” và “Đình Thần” cổng nào
cũng có đôi câu đối thật hay thật ý nghĩa và làm tăng thêm vẽ đẹp, trang nghiêm cho
ngôi đình.
Sau cổng là bức bình phong được xem như là biểu tượng che chắn gió cho
đình, có ý nghĩa về mặt phong thủy. Trên bề mặt ngoài là hình rồng và bề mặt trong
được khắc hình tì hưu. Có nhiều nét trang trí như hoa văn biểu tượng của tứ quý:
tùng, cúc, trúc, mai và tượng các linh thú khác như cá hóa long, phụng hoàng,…



Bên phải là miếu Đông lang, kế tiếp là ngôi nhà thờ của Lục ấp, và miếu
Thần nông, bên trái là miếu Tây lang và phía sau là miếu Sơn quân. Trở lại phía sân
đình có lư hương bằng đá to tướng và bia đá chứng nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa
như trên đã trình bày. Tiếp đến chính là ngôi đình linh thiêng, có kiến trúc độc đáo
– Đình Bình thủy.
Đình Bình Thủy thuộc loại di tích kiến trúc tôn giáo và công trình nghệ thuật
độc đáo. Nay Đình nằm trên khoảnh đất rộng hơn 4000 m². Ngôi đình được xây cất
theo hướng đông hơi chếch nam, theo dáng hình chữ nhất (一) mái đình lợp ngói,
dọc trên bờ nóc đình, được thiết kế tượng cặp rồng uốn lượn tranh lấy trái châu
(lưỡng long tranh châu). Ta còn thấy nhà trước hai mái chồng lên nhau, nhà chánh
điện sau 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc "thượng lầu hạ hiên". Trên gác
mái lại có gắn tượng các vị thần tiên, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng. Nhìn sang bên
trái nóc đình có mảng trang trí bằng xi măng, ở chính giữa là quyển thư (tựa như
cuốn thư đình được bày trí ở các đình miền Bắc). Bên cạnh đó là giỏ lam đào và
bình hoa, ở bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng
được bịt lại bằng sành tráng men xanh. Mặt trước nhà là các cột xi măng trang trí
các hình hoa lá đắp nổi thật tinh tế.

1.2.2. Bố cục trang trí bên trong
1.2.2.1. Trang trí
Ở khu nhà bên trong này được chia thành ba, khu nhà phía trước là Tiền điện
có năm gian, khu giữa là Thiên tĩnh (Giếng trời) có một gian và khu trong cùng gọi
là Chánh điện có năm gian.
Nội thất của đình cao ráo, thoáng mát, có 6 hàng cột tròn to (toàn đình có 84
cây cột) chân hơi choãi ra giúp cho tổng thể kiến trúc càng thêm vững chắc, hầu hết
trên bề mặt cột đều có những câu chữ Hán mang ý nghĩa đặc biệt được trạm khắc.
Các bộ vì kèo được kết cấu chặt chẽ phân chia mái thành năm phần liên tiếp theo lối



“thượng lầu hạ hiên” tương ứng với 5 gian điện thờ bên dưới và hai dãy hành lang
nội bộ hai bên.
Trên các thanh xà ngang dưới mái đình, một loạt bao lam, hoành phi, liễn đối
dàn trãi từ tiền đến hậu đình. Các hoa văn chi chít, nét khắc tinh vi, sắc nhũ vàng
lấp lánh nổi bật trên nền đen của gỗ hoặc đỏ thẫm của sơn son.
Các gác mái đình được chạm trổ hình bát tiên; các con vật trong kiến trúc đền,
chùa lăng tẩm, miếu mộ: Qui, phượng, hạc... rất sinh động.
Những vật thờ trong đình đều là những vật thanh cao thoát tục, tất cả có từ
ngàn xưa, nay được trưng bày, trang trí trong đình. Đó chính là sự kế thừa truyền
thống thờ phụng, trang trí của nhân ta từ các bậc tiền nhân.
1.2.2.2. Hình thức và ý nghĩa của việc thờ phượng
Những người có bàn thờ tại đình là những người có công với đất nước như
đánh tan quân giặc, mang lại độc lập tự do cho dân tộc, hay bảo vệ quyền lợi cho
người dân, khai hoang, mở cõi, lập ấp…khí chất của họ cao ngất trời là nhân tài
tướng giỏi, được nhân dân tôn kính như các vị thánh thần.
Trong đình các bàn thờ được sắp xếp ở những vị trí khác nhau, phần nào cũng
nói lên những ý nghĩa khác nhau.
Nhìn vào cách bố trí các bàn thờ ở đình có thể chia thành hai phần lớn:
Phần thứ nhất là thờ các vị thần thánh không có thật, có thể do tính ngưỡng
của con người hoặc các vị có thật được con người huyền thoại hóa như Thần Nông,
Sơn Thần, Thủy Thần,…các vị thần này được thờ ở các miếu nhỏ ở hai bên ngoài
đình, thần Thành Hoàng cũng được xem là vị thần do con người suy nghĩ ra - không
có thật nhưng được thờ ở gian chính điện, về phần này xin được viện dẫn thêm ở
phần sau khi nói đến thần Thành hoàng.


Phần thứ hai là các vị nhân thần: nghĩa là các vị thần là con người thật do có
công với đất nước nên được tôn là thần. Đối với các vị nhân thần được thờ trong
đình xin tạm chia thành ba bộ phận.

Bộ phận thứ nhất là những bậc đế vương, người tài giỏi đứng đầu cả nước
(xin xem thêm lịch sử) như: Bác Hồ được thờ trước tiên, ở tiền điện, gian chính
giữa, cho thấy người dân một lòng tôn kính Bác lên trên hết, vì Bác đã là người
khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là vị cha già dân tộc, đã giúp nước
ta đòi lại được quyền tự do dân tộc, cơm no áo ấm, hạnh phúc hòa bình,…Ngoài ra,
ở tòa tiền điện cũng có thờ hoặc trưng những tấm ảnh của các danh tướng, danh
nhân lịch sử có thật mà các đời sử sách đã lưu truyền như:
Ở tiền điện, phía vách trái
Gian thứ nhất có bàn thờ Nguyễn Huệ.
Gian thứ hai có ảnh Nguyễn Trung Trực.
Gian thứ ba bàn thờ Trần Hưng Đạo và bàn thờ Bùi Hữu Nghĩa.
Gian thứ năm thờ Võ Duy Tập tức Võ Đình Sâm (tên tướng đã hy sinh).
Gian thứ sáu có treo ảnh Phan Chu Trinh.
Một điều đáng chú ý là trong đại bộ phận các bàn thờ những nam danh nhân,
danh tướng xuất hiện bàn thờ Ngũ Vị Nương Nương được đặt sau bàn thờ Bác.
Trước đây thường trong đình, chùa thường thờ các vị Thần mà sinh thời là
những bậc nam sĩ có công với đất nước, nay lại xuất hiện bàn thờ Ngũ Vị Nương
Nương phải chăng đằng sau đó ẩn chứa những kì tích hay những biến đổi về lịch sử
huyền diệu chăng? Thật vậy các vị này là những nữ trung hào kiệt có thể sánh bằng
với các vị nam tử. Việc thờ phụng các vị Nương Nương là một bước chuyển đổi
mới mẻ trong tâm tưởng con người, có thể người phụ nữ đã được xem trọng hơn so
với thời phong kiến xa xưa.
Ở tiền điện, phía vách phải


Gian thứ nhất dành để tiếp khách viếng thăm, gian thứ hai cũng có treo ảnh
của Nguyễn Trãi - nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị,…của đất nước.
Bộ phận thứ hai là những người khai hoang lập ấp, có công với đình, làng như
xây cất đình, hay giúp dân chữa bệnh nói chung là cứu khỗ cứu nạn cho dân địa
phương được tôn làm thần. Phải kể đến bàn thờ của ông Đinh Tôn Thần, Đại lãnh

binh Võ Duy Tập.
Bộ phận thứ ba là các vị thần không tên.
Thần là một vị vô hình, linh thiêng phù hộ cho xóm làng yên ỗn, làm ăn phát
đạt, khỏe mạnh,… trong quan niệm người Việt Nam xưa có các vị thánh thần như
thần gió, thần mây, thần mưa, thần sấm chớp, thánh gióng,… các vị này có vai trò
quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, khi nhắc đến thần thì người ta không quên nhắc đến thần Thành
Hoàng _ một vị thần mà các đình thường hay thờ ở chính điện. Thế nhưng không
mấy ai biết đến hai chữ Thành Hoàng này có ý nghĩa như thế nào? Tham khảo một
số tài liệu cho thấy:
“ 城 Thành là tường cao bảo vệ xung quanh xóm làng, 隍 Hoàng là cái hào
cạn bọc chung quanh thành, ghép hai chữ lại có nghĩa là một vị Thần coi giữ, bảo
trợ cho xóm làng.” [4, tr. 133]
Các vị thần thuộc bộ phận thứ ba không chỉ được thờ ở những ngôi miếu bên
ngoài đình mà còn được thờ ở chính điện.
Khi bước chân vào tòa chính điện, người ta sẽ bắt gặp trước hết là bàn thờ
Tiên Vương, tuy không rõ là ông vương nào thuộc triều đại nào nhưng đặt bàn thờ
tiên vương ở trước cho thấy sự tôn kính các vị đứng đầu đất nước từ các thời đầu
xây dựng đất nước.
Kế tiếp là nơi thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng, ẩn hiện trong ánh sáng lung linh
trên bàn thờ là bức chân dung của vị thần nhân đức, phong thái trầm tư như đang lo


nghĩ về nhân tình, thế sự. Đôi cột hai bên chánh điện được trạm trổ những cánh hoa
mẫu đơn duyên dáng, mềm mại uốn quanh. Hai cột sau là đôi rồng to uốn lượn ôm
lấy thân cột.
Phía thâm hậu là bàn thờ một chữ Thần ở chính giữa.
Hai bên là Tả Ban, Hữu Ban: là những ngôi, thứ phò hai bên cho thần.
Gian thứ bảy bàn thờ Hương Chức Tiên Giác
Gian thứ tám thờ Hậu Hiền,

Vách phải, gian thứ bảy thờ Chức Sắc Tiên Giác
Vách phải, gian thứ tám, bàn thờ Tiền Hiền
Phương pháp bố cục thờ tự ngăn nắp hài hòa giữa các mảng đề tài trang trí rất
đa dạng và phong phú qua các đường nét, màu sắc tinh tế tạo cho cảnh quan ngôi
đình một nét sinh động, tôn nghiêm nổi bật trên nền trời xanh.
Điều đó cũng được chứng minh qua câu đối:
Vách phải, gian thứ bảy, Chức Sắc Tiên Giác
職敕先覺
Chức Sắc Tiên Giác
今古榦功留後惠
憑 今置所鋻前恩
Phiên âm:
Kim cổ cán công lưu hậu huệ
Bằng kim trí sở giám tiền ân


Dịch nghĩa:
Xưa nay làm công lao để lưu ân huệ cho đời sau
Dựa vào chỗ đặt để hôm nay để xem ân huệ đời trước
Thật khó mà diễn tả hết công phu và tài nghệ tuyệt vời của các nghệ nhân xưa.
Họ thật sự kế thừa vốn nghệ thuật độc đáo của tổ tiên, tạo cho ngôi đình Bình Thủy
trở thành một trong những kho tàng của nền kiến trúc nghệ thuật dân tộc.
1.3. Một số lễ hội tại đình Bình Thủy
Thờ thần là việc vô cùng thiêng liêng, thể hiện ở đời sống tinh thần, đời sống
tâm linh của người Nam Bộ. Trong tín ngưỡng thờ thần của người Nam Bộ còn có
một khía cạnh thiêng liêng khác nhằm tôn vinh các vị thần, làm cho các vị thần trở
nên thiêng liêng hơn, đó là việc phong sắc cho thần. Công việc này là do triều đình
phong kiến thực thi, mà cụ thể là người đứng đầu nhà nước phong kiến là nhà vua là thiên tử thay trời giáo hóa chúng sinh, dỗ an thiên hạ.
Với ý nghĩa đặc biệt như thế, hàng năm lễ hội ở đình diễn ra để thể hiện nét
sinh hoạt văn hóa thiêng liêng, tín ngưỡng thờ thần, biết ơn thần, tạ ơn đất trời đã

cho con người cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tạo được sự
cộng tác của cộng đồng làng xã. Cũng chính ở sự liên kết cộng đồng làng xã mà con
người có ý thức đoàn kết, nhớ về cội nguồn, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất,
ứng phó trước mọi chuyển biến của lịch sử.
1.3.1. Lễ đình
Hàng năm, đình có hai kỳ lễ chính: lễ Kỳ Yên thượng điền và lễ Kỳ Yên hạ
điền. Vào các ngày này, dân làng mở lễ hội đình để tưởng niệm công tích của các vị
thần. Và dịp cúng đình cũng là ngày lễ hội của dân làng, người ta tổ chức các trò
chơi ở làng, diễn hội làng, hát bội, hát cải lương với những tuồng tích xưa… Quy
mô tổ chức lễ hội của đình tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm trúng mùa hay
thất mùa.


×