Tải bản đầy đủ (.pdf) (63 trang)

nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm của nguyễn thi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (901.58 KB, 63 trang )

TRƯỜN G ĐẠ I HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ H ỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

Sinh viên thực hiện
TRẦN BẢO YẾN

NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
TRONG TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN THI
(ĐIỂM B)

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: TRẦN VĂN MINH

Cần Thơ, 04/2011
Trang 1


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Đối tượng – Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu

PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: VÀI NÉT VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN THI


1. Sự nghiệp sáng tác
2. Phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi
CHƯƠNG II: ĐẶC ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG NHÂN VẬT
TRONG TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN THI
1. Các kiểu/loại nhân vật trong văn học
1.1 Khái niệm nhân vật văn học.
1.2 Các loại nhân vật văn học.
1.3 Biện pháp xây dựng nhân vật.
2. Đặc điểm chung của hệ thống nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Thi
2.1 Nhân vật đặc sắc trong tác phẩm của Nguyễn Thi là nhân vật phụ nữ.
2.2 Nguyễn Thi còn khắc họa thành công nhân vật trẻ thơ.
2.3 Hầu hết nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Thi đều có lòng yêu nước thủy
chung son sắt.
2.4 Nguyễn Thi còn phác họa thành công nhân vật phản diện.
CHƯƠNG III: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
TRONG TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN THI
1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật
1.1 Khắc họa ngoại hình nhân vật chân thực, gần gũi.
1.2 Ngoại hình nhân vật được miêu tả hài hòa từ trực tiếp đến gián tiếp.
1.3 Miêu tả ngoại hình để biết hoàn cảnh, xuất thân và tính cách nhân vật.
1.4 Khắc họa thành công những điển hình nhân vật phản diện đặc sắc.
Trang 2


2. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và miêu tả hành động nhân vật
2.1 Sử dụng thuần thục hệ thống phương ngữ Nam bộ.
2.2 Miêu tả hành động nhân vật một cách nhất quán.
3. Nghệ thuật khắc họa nội tâm nhân vật
3.1 Khắc họa nội tâm nhân vật từ những cảm xúc tinh tế cho đến những suy tư
sâu sắc.

3.2 Miêu tả sinh động thế giới nội tâm của nhân vật.
4. Nghệ thuật xây dựng tính cách điển hình của nhân vật
4.1 Người nông dân Nam bộ nói chung.
4.2 Người phụ nữ Nam bộ.
4.3 Những nhân vật trẻ thơ.

PHẦN KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trang 3


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước yên bình không còn khói lửa chiến
tranh, nhưng ít nhiều gì trong mỗi chúng ta đều hiểu được rằng muốn có được một
ngày như hôm nay ông cha đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt và cả xương máu xuống
đất nước này. Lớp người đi sau như chúng ta muốn biết được những vất vả hy sinh ấy
chỉ có thể tìm trong những trang sử của dân tộc, nhưng chỉ đọc trong những trang sử
ấy liệu có thấy lại đầy đủ tất cả quá khứ đấu tranh khốc liệt mà hào hùng của ông cha
ta? Đọc những trang văn của Nguyên Ngọc, Phan Tứ hay của Nguyễn Minh Châu…
không chỉ cho chúng ta những bức tranh toàn vẹn về cuộc chiến mà còn cho chúng ta
biết nhiều hơn thế nữa, đó là những con người sống chiến đấu trong chiến tranh, những
con người với đầy đủ tâm trạng, đầy đủ mọi khuôn mặt. Trong những nhà văn viết về
chiến tranh, về người chiến sĩ thì Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) là một tác giả tiêu
biểu.
Nguyễn Thi viết không nhiều, chỉ hơn hai mươi truyện ngắn cùng vài tiểu thuyết
và bút kí nhưng những gì nhà văn để lại thì không phải là nhỏ, chính những trang viết
làm cho người đọc phải xốn xang nghiền ngẫm ấy đã làm chúng ta không thể nào quên
được. Đọc tác phẩm của Nguyễn Thi ta bắt gặp lối văn kể chuyện cô đọng duyên dáng,

giọng văn phảng phất tính dân gian nhưng cũng không kém phần hiện đại. Nguyễn Thi
đã tái hiện lại bức tranh sinh động của cuộc sống lao động – chiến đấu của những con
người “chân lấm tay bùn”, suốt đời chỉ biết ruộng đồng nhưng khi cần thiết thì những
đôi tay ấy cũng biết cầm súng lên để chiến đấu bảo vệ từng bờ tre, liếp cỏ. Những con
người ấy đã đi vào trang văn của Nguyễn Thi rất tự nhiên, tự nhiên như nó vốn có.
Nguyễn Thi đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật trong tác phẩm của mình, từ
những con người bình thường, giản dị đến những người chiến sĩ kiên gan đều được
nhà văn khắc họa một cách đầy đủ, trọn vẹn. Nguyễn Thi đã sử dụng ngòi bút của
mình như thế nào để có thể có được thành công ấy? Cũng chính vì muố làm rõ vấn đề
ấy nên ở công trình nghiên cứu này chúng tôi đi sâu vào khai thác những đặc sắc nghệ
thuật mà Nguyễn Thi đã sử dụng khi xây dựng nhân vật trong tác phẩm của nhà văn.
Trang 4


2. Lịch sử vấn đề
Bàn về nhân vật văn học và nghệ thuật xây dựng nhân vật, trong quyển Lí luận
văn học do Phương Lựu chủ biên đã cho chúng ta những thông tin đầy đủ như định
nghĩa và vai trò của nhân vật văn học trong tác phẩm văn học, nhân vật văn học được
ví như “tấm gương của cuộc đời” [7;278].
Đến Lại Nguyên Ân trong quyển 150 thuật ngữ văn học thì đã trình bày một vài
khía cạnh của nhân vật văn học, và cho rằng nhân vật văn học là “hiện tượng nghệ
thuật về con người” [1;249].
Còn viêt về nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) thì từ trước đến nay những
công trình về tác giả không có nhiều và nếu có đi vào tìm hiểu thì các nhà nghiên cứu
cũng không đi sâu vào tác phẩm hay phương diện nghệ thuật về xây dựng nhân vật của
nhà văn. Có những bài nghiên cứu dành riêng cho Nguyễn Thi nhưng cũng có những
bài chỉ nhắc đến tên tuổi và đóng góp của Nguyễn Thi. Sau đây là một số công trình
tiêu biểu về nhà văn Nguyễn Thi.
Đầu tiên là Nguyễn Đăng Mạnh với quyển Nhà văn, tư tưởng và phong cách
(Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội – 1979) có bài viết Sức sống ngòi bút Nguyễn Thi đã có

điểm qua về cuộc đời sự nghiêp của nhà văn, trong đó tác giả đã có những nhận xét về
sức sống của những sáng tác và phong cách sáng tác của Nguyễn Thi.
Năm 1983 Nhị Ca viết quyển Gương mặt còn lại, Nguyễn Thi (Nxb Tác phẩm
mới, Hà Nội – 1983) với tác phẩm khảo cứu này ông đã nhận được giải thưởng của hội
nhà văn Việt Nam. Trong công trình này Nhị Ca đã đi vào khảo cứu những tác phẩm
tiêu biểu còn lại của nhà văn.
Sau này trong quyển Dọc đường văn học (Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội –
1997) Nhị Ca cũng có viết về Nguyễn Thi, chủ yếu là viết về vai trò vá đóng góp của
Nguyễn Thi vào nền văn học Việt Nam trong giai đoạn chống Mỹ.
Trong quyển Văn học Việt Nam 1945-1975 (tập 2 , Nxb Giáo dục, Hà Nội –
1990) do Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên cũng có viết sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp và
giới thiệu về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Thi qua một số tác phẩm cụ thể.
Nhân kỉ niệm 70 năm ngày sinh, 30 năm ngày mất của Nguyễn Thi, Nguyễn
Trọng Oánh đã có bài viết để tưởng nhớ đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi,
con người và sự nghiệp (Báo Văn Nghệ Quân đội số 5-1998). Cũng như những công
trình trước, Nguyễn Trọng Oánh viết về những đặc điểm nổi bật của con người và quá
Trang 5


trình sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thi. Viết về con người Nguyễn Thi, Nguyễn
Trọng Oánh có viết: “Im lặng là một nét đặc biệt của Nguyễn Thi; im lặng mà viết, im
lặng mà đọc sách, im lặng mà quan sát, im lặng mà suy nghĩ, im lặng đễ nói rất ít về
mình” [12;2]
Tôn Phương Lan trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1.2009 đã có bài viết - Nhà
văn - Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi. Ở bài viết này Tôn Phương Lan cũng đi
vào giới thiệu những nét chính về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thi, qua những tác
phẩm tiêu biểu. Trong đó, người viết cũng có những nhận xét về việc xây dựng nhân
vật trong tác phẩm Nguyễn Thi: “Đặc sắc của ngòi bút Nguyễn Thi được thể hiện trong
việc cho người đọc nhận diện nhân vật qua thần sắc dung mạo, qua ngôn ngữ và thái độ
giao tiếp.” [8;6]

Ngoài ra còn có những công trình biên soạn tập họp lại những tác phẩm của
Nguyễn Thi như : Truyện ký Nguyễn Thi (Nxb Giải phóng, Hà Nội – 1969), Truyện
ngắn Nguyễn Thi (Nxb Hội nhà văn, Hà Nội – 1996), Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn
Thi toàn tập (Nxb Văn học, Hà Nội – 1996).
Nhìn chung các công trình nghiên cứu chỉ tập trung làm sáng tỏ nội dung sáng
tác, phong cách nghệ thuật và những đóng góp của Nguyễn Thi đối với nền văn học
Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, còn việc nghiên cứu về nghệ thuật
xây dựng nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Thi thì chưa có công trình nghiên cứu
riêng nào.

3. Mục đích nghiên cứu
Ngay từ nhũng năm còn học ở trường phổ thông, trong chúng ta có lẽ ai cũng đã
từng đọc và biết về những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), câu chuyện
về chị em Việt Chiến trong Những đứa con trong gia đình, hình ảnh về người nữ anh
hùng Nguyễn Thị Út (Chị Út Tịch), hay sự hồn nhiên đáng yêu của chị em con Bé –
những đứa con của chị Út Tịch trong Mẹ vắng nhà cũng đã để lại những dấu ấn sâu sắc
trong tâm trí chúng ta. Tất cả đã khơi gợi cho chúng ta biết bao suy nghĩ về nhân vật
trong tác phẩm của Nguyễn Thi.
Đi vào nghiên cứu đề tài “Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm
Nguyễn Thi” chúng ta sẽ từng bước làm rõ những nét đặc sắc về nghệ thuật xây dựng
nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Thi . Đó cũng chính là mục đích nghiên cứu đề tài
này của người viết.
Trang 6


4. Đối tượng – Phạm vi nghiên cứu
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước – văn học Việt Nam như một vườn hoa đầy
hương sắc với lớp nhà văn có đội ngũ đông đảo, cùng các thể loại sáng tác phong phú
đa dạng. Văn học đã chấp cánh cho nhiều cây bút trẻ bay cao như: Nguyên Ngọc, Anh
Đức, Nguyễn Quang Sáng… trong đó có Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi. Văn học

thời kỳ này chủ yếu phát triển theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, tập
trung ca ngợi cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam và công cuộc xây dựng Chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tuy cũng với những
khuynh hướng ấy, nhưng mỗi nhà văn lại có một giọng điệu, một lối viết riêng và vì
thế mỗi nhà văn đều có cái hay riêng. Ở đề tài này chúng tôi đi vào nghiên cứu toàn bộ
sáng tác của Nguyễn Thi nói chung và quan trọng là đi sâu vào khai thác những
phương diện nghệ thuật đặc sắc mà nhà văn đã sử dụng để xây dựng thành công những
nhân vật trong tác phẩm của mình.

5. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn, chúng tôi đã tập trung sử dụng tất cả những phương pháp được
học tập từ trước đến nay nhằm bắt tay vào việc nghiên cứu, lí giải làm sáng tỏ vấn đề.
Trong đó có những phương pháp cụ thể sau đây:
Phương pháp miêu tả.
Phương pháp thống kê.
Phương pháp hệ thống.
Phương pháp so sánh.
Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng các thao tác tư duy như giải thích, chứng minh,
bình luận, phân tích, khái quát, tổng hợp, những thao tác này cũng được sử dụng ở
mức độ hợp lí.

Trang 7


PHẦN NỘI DUNG

CHƯƠNG I: VÀI NÉT VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN THI
1.

Sự nghiệp sáng tác


Bốn mươi năm với một con người không bao giờ là đủ, trong bốn mươi năm ấy
có những người còn chưa kịp làm gì, chưa có gì để lại cho đời để người khác có thể
nhớ và nhắc đến mình. Nhưng cũng với ngần ấy thời gian có người đã khẳng định vị
trí, giá trị của mình trong suy nghĩ của lớp người đi sau, tiêu biểu cho những con người
như thế là nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi. Tròn bốn mươi năm sống, chiến
đấu và lao động nghệ thuật miệt mài không mệt mỏi, Nguyễn Thi cũng đã kịp để lại
cho đời những tác phẩm văn học có giá trị. Chính trên từng trang viết của mình,
Nguyễn Thi đã xây dựng được hình tượng của những con người Việt Nam có sức sống
mãnh liệt, sức quật khởi phi thường trước những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ
hy sinh. Nguyễn Thi là một nhà văn đã vượt lên những khắc nghiệt của hoàn cảnh để
sống và chiến đấu vì lí tưởng của mình, Nguyễn Thi xứng đáng là một tấm gương về ý
chí, nghị lực tiêu biểu cho con người Việt Nam.
Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, sinh ngày 15-5-1928, quê ở xã Quần
Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nay là Hà Nam. Cha của Nguyễn Thi
là ông Nguyễn Bội Quỳnh – một nhà giáo có tinh thần yêu nước, mẹ là bà Thành Thị
Du một phụ nữ tài sắc lại có học.
Cuộc đời Nguyễn Thi sớm trải qua nhiều thăng trầm, bất hạnh. Cuộc sống đầm
ấm cùng gia đình không được bao lâu, lúc Nguyễn Thi lên 9 tuổi gia đình sa sút, cha
qua đời, mẹ đi thêm bước nữa, từ đó cậu bé Nguyễn Hoàng Ca bắt đầu dấn thân vào
những ngày tháng gian truân, lận đận.
Mặc dù sinh ra ở đất Bắc nhưng lại sớm gắn bó với miền Nam. Từ trước Cách
mạng tháng Tám, Nguyễn Hoàng Ca đã theo một người bà con vào miền Nam, 15 tuổi
đã có mặt ở Sài Gòn, cũng chính ở miền đất này đã tạo điều kiện cho ông học hỏi
nhiều thứ như học vẽ, học đàn, học ca, học sáng tác. Và cũng chính nơi đây đã khơi
nguồn cho ngòi bút của Nguyễn Thi.
Trang 8


Cũng như bao thanh niên thời ấy, Nguyễn Thi vốn có lòng yêu nước nên năm 17

tuổi ông tham gia cách mạng. Với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ, Nguyễn Thi đã tích cực
hoạt động và chọn cách mạng làm con đường “chân lí” của mình trong cuộc sống và
cả trong văn chương. Nguyễn Thi còn là đội viên đội cảm tử quân Nguyễn Bình với
những trận đánh sôi nổi, dũng cảm của những ngày đầu kháng chiến. Năm 19 tuổi khi
đã trải qua những thực tiễn chiến đấu, đã rèn luyện cho mình về lý tưởng về mục đích
sống và chiến đấu - Nguyễn Thi được chính thức kết nạp Đảng vào ngày 25-9-1947.
Con người Nguyễn Thi tính tình nóng nảy, nhưng làm việc lại rất tập trung và cật
lực. Ông là một nhà văn có ý thức trách nhiệm rất cao đối với ngòi bút của mình.
Nguyễn Thi bước đầu rèn luyện ngòi bút của mình bằng thói quen ghi chép. Chính thói
quen ấy đã tập cho Nguyễn Thi khả năng quan sát và ghi nhận, biết lắng nghe và biết
nhìn vấn đề bằng nhiều góc độ khác nhau.
Nguyễn Thi vào nghề bằng bút danh đầu tiên là Nguyễn Ngọc Tấn với tập thơ
Hương đồng nội, tập thơ gồm 20 bài. Một nhà văn trước khi thành công trong sự
nghiệp cũng thường thử bút trên một vài thể loại, như Nguyễn Tuân trước khi thành
công với thể tùy bút thì cũng đã từng thử bút qua các thể loại như thơ, truyện ngắn…
Tuy không mấy thành công, và không gây tiếng vang lớn nhưng qua tập thơ, bạn đọc
cũng đã có cái nhìn ban đầu về Nguyễn Ngọc Tấn, một nhà văn có tâm hồn trong sáng,
có cái nhìn đôn hậu.
Năm 1953, Nguyễn Ngọc Tấn cưới vợ là một diễn viên văn công ở Sài Gòn. Sau
đó ông tập kết ra Bắc và công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, để lại người vợ trẻ
đang mang thai. Trong thời gian này Nguyễn Ngọc Tấn dành nhiều thời gian cho việc
làm báo, đi thực tế đến các cơ sở, đơn vị vừa mới được xây dựng trong bước đầu miền
Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ này ông rất vất vả, vừa học tập,vừa công tác, vừa
viết văn.
Tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Tấn ở miền Bắc là hai tập truyện ngắn
Trăng sáng (1960) và Đôi bạn (1962) mỗi tập truyện gồm 7 truyện ngắn. Hai tập
truyện tập trung vào 3 mảng đề tài khá quen thuộc lúc bấy giờ: Tấm lòng Nam - Bắc
trong chia cắt, tình nghĩa quân dân và tội ác của Mỹ Ngụy. Mặc dù tập trung thể hiện
những đề tài lớn của dân tộc nhưng truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tấn trong giai đoạn
này vẫn chưa bao quát được hết vấn đề lớn lao của lịch sử. Có lẽ nhà văn chưa có ý

định, chưa đủ sức vẽ những bức tranh hoành tráng về dân tộc và kháng chiến. Tuy
Trang 9


chưa thật sự gặt hái được thành công to lớn nhưng với những trang viết ban đầu ấy,
Nguyễn Ngọc Tấn đã làm nên những dấu hiệu tốt đẹp của một tài năng đầy triển vọng,
là những nét cơ bản để định hình cho một phong cách nghệ thuật vừa hiện thực đến
chân thực nhưng cũng vừa giàu chất trữ tình lãng mạn. Cũng chính phong cách ấy đã
làm cho tác phẩm Nguyễn Ngọc Tấn có sức hấp dẫn, thuyết phục riêng đối với người
đọc. Không có cái sắc sảo trong đối thoại, sự rạch ròi trong phân tích tâm lí của
Nguyễn Khải, cũng không có cái hào hùng của Nguyên Ngọc nhưng ngược lại Nguyễn
Ngọc Tấn chiếm ưu thế với giọng điệu tâm tình trong đối thoại, trong nội tâm, trong cả
lời kể. Vì thế Nguyễn Ngọc Tấn miêu tả cái hiện thực rất chân tình, gần gũi, một hiện
thực của tâm hồn. Qua hai tập truyện ngắn đầu tay này đã khẳng định một tài năng
quan sát, một năng lực nắm bắt ghi nhận, chắt lọc những chi tiết tiêu biểu điển hình,
khái quát được số phận nhân vật, đúng như Trần Hữu Tá nhận xét: “Những yếu tố đầu
tiên của một tài năng được bộc lộ. Nghệ thuật xây dựng truyện tự nhiên, khả năng
nhận xét tinh tế, phân tích tâm lý, tính cách sâu sắc, ngôn ngữ trong sáng và giàu chất
trữ tình.”
Tháng 5-1962, Nguyễn Ngọc Tấn xung phong vào Nam để lại người vợ trẻ mới
ngoài 20 tuổi cùng đứa con trai mới sinh sáu tháng để trở về với chiến trường quen
thuộc mảnh đất miền Nam thân thương đã nuôi dưỡng tâm hồn Nguyễn Ngọc Tấn
thành người lính và người nghệ sĩ.
Trở lại miền Nam lúc này Nguyễn Ngọc Tấn là thành viên tích cực của lực lượng
Văn Nghệ Quân giải phóng, nhà văn sẵn sàng và tận tụy làm mọi việc mà cuộc sống
và chiến đấu đang yêu cầu, đang đặt ra: “Ở chiến trường là phải làm liền, không viết
nhanh thì việc mới người mới ào tới, chuyện sự vụ chồng chất, cuối cùng tất cả sẽ mãi
mãi chỉ là những dự định”. Hai năm đầu trở lại miền Nam hầu như Nguyễn Ngọc Tấn
không sáng tác mà tập trung vào công tác Cách mạng, có lẽ đây là thời gian nhà văn
chững lại chuẩn bị cho giai đoạn sáng tác mới, như con tằm đang giai đoạn cuốn mình

trong kén để chuẩn bị nhả ra những sợi tơ lóng lánh cho đời.
Nguyễn Ngọc Tấn bắt đầu cho giai đoạn sáng tác mới này bằng bút danh mới –
Nguyễn Thi (bút danh là tên của đứa con trai đang xa cách của nhà văn). Về lại Nam
bộ với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp, những trang viết của Nguyễn Thi trở nên
có ý nghĩa hơn, trưởng thành hơn. Với hoài vọng sẽ viết thật nhiều, viết thật hay, thật
có ý nghĩa, Nguyễn Thi đã bắt đầu bằng thể ký, một thể loại có sức phản ánh nhanh,
Trang 10


nhạy hiện thực, bắt kịp sự sống đang trôi chảy từng ngày từng giờ trong cuộc chiến
đấu ở miền Nam. Nguyễn Thi viết về những anh hùng và chiến sĩ thi đua trong Đại hội
anh hùng như: Nguyễn Thị Út, Nguyễn Thị Hạnh, Phạm Văn Cội…cùng một số truyện
ngắn khác. Phần lớn những sáng tác này được tập hợp in trong tập Truyện và Ký
Nguyễn Thi (Nhà xuất bản Giải Phóng xuất bản năm 1969), đó là những trang viết hết
sức đặc sắc về Nam bộ của nhà văn và là một trong những thành tựu xuất sắc của nền
văn học Cách mạng miền Nam. Truyện và Ký Nguyễn Thi gồm 11 tác phẩm trong đó
có: 4 truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 2 ký, 1 ghi chép và 3 tùy bút.
Nội dung chủ yếu của tập Truyện và Ký Nguyễn Thi là thể hiện tình cảm mãnh
liệt của tác giả đối với miền Nam, vì miền Nam đã trở thành quê hương thứ hai của
Nguyễn Thi, bao nhiêu tình cảm nhớ nhung khi tập kết, bao nhiêu ý chí hướng về miền
Nam trong xa cách, cùng bao nhiêu ấp ủ hoài vọng về miền Nam bây giờ đã được
Nguyễn Thi đem vào trang viết, vào cuộc sống, và đem vào cuộc chiến với kẻ thù.
Truyện ngắn của Nguyễn Thi tuy số lượng không nhiều nhưng truyện nào cũng
có giá trị cao. Bối cảnh của truyện là làng quê Nam Bộ trong những năm tháng ngột
ngạt trước xuân Mậu Thân 1968, trong không khí ấy một khi tội ác của giặc càng
chồng chất, khi chúng gây thêm không biết bao nhiêu thảm cảnh, thì lòng căm thù và
quyết tâm trả thù ngày càng nung nấu, ngày càng bốc cao.
Một số truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn:
● Chuyện xóm tôi (1964) là truyện ngắn đầu tiên nhà văn sáng tác với bút danh


Nguyễn Thi, câu chuyện xoay quanh hai đứa trẻ là Đực và Bỉnh, sống ở một xóm nhỏ
thuộc Mỏ Cày, Bến Tre. Cả hai đứa trẻ cùng có chung một mối thâm thù; cha của
chúng đều bị tên ác ôn Tổng Phòng giết chết. Qua câu chuyện Nguyễn Thi đã tìm được
căn nguyên sâu xa sức mạnh quật khởi của những người nông dân Việt Nam, tất cả
đều bắt đầu từ lòng căm thù và quyết tâm trả thù nhà, nợ nước.
● Mùa xuân (1964) là câu chuyện tiếp nối của Chuyện xóm tôi cũng với bối cảnh

ấy, nhân vật ấy nhưng không khí khởi nghĩa đã len lỏi vào từng ngõ ngách của những
vùng quê, len vào trong tâm trí của từng con người; cảnh bộ đội về làng, thanh niên nô
nức lên đường… Truyện có cái nhìn bao quát hơn về tình thế của Cách mạng, làm rõ
hơn vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân.
● Những đứa con trong gia đình (1966) là câu chuyện kể về hai chị em Chiến và

Việt, họ là những con người tiêu biểu cho thế hệ trẻ miền Nam lúc bấy giờ. Trong
Trang 11


cuộc chiến tưởng chừng như không cân sức với giặc Mỹ và bọn tay sai ác ôn, nặng thù
nhà nợ nước, hai chị em tranh nhau lên đường tòng quân và đã trở thành những anh
hùng trẻ tuổi. Tuy tuổi trẻ còn non nớt, bồng bột nhưng nhờ truyền thống ngoan
cường, anh dũng của người con đất Việt họ đã vụt lớn lên để đủ sức nghiêng vai gánh
trọng trách lịch sử, nối tiếp bước ông cha bảo vệ tổ quốc.
● Mẹ vắng nhà viết sau khi Người mẹ cầm súng ra đời, vẫn dựa trên tính cách

những đứa con của chị Út Tịch. Nguyễn Thi đã cho chúng ta thấy vì sao một người
phụ nữ sáu con như vậy mà vẫn có thể bình thản theo du kích đánh giặc suốt ngày
đêm. Một nguyên nhân rất rõ ràng là chúng đang sống giữa sự đùm bọc, cưu mang đầy
tình nghĩa của bà con lối xóm.
Có thể nói ký là thể loại mà Nguyễn Thi thành công nhất, Nguyễn Thi viết ký
với nhiều dạng như: ghi chép, tùy bút, truyện ký.

Tùy bút Nguyễn Thi thường ngắn gọn, súc tích chứ không tài hoa uyên bác như
Nguyễn Tuân, cũng không rắn rỏi hào hùng như Nguyễn Trung Thành. Câu văn bình
dị, thân mật, khiêm tốn nhưng giọng điệu lại thiết tha, và có sức vang vọng sâu xa
trong lòng người đọc.
Nội dung của những tùy bút của Nguyễn Thi là đề cập và giải quyết hàng loạt
mối quan hệ thuộc về thế giới quan, nhân sinh quan thời chiến: giữa sự sống và cái
chết, giữa cái riêng và cái chung, giữa đau khổ và hạnh phúc; thể hiện lòng yêu nước
và thủy chung của đồng bào Nam Bộ; khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt
Nam.
Tùy bút tiêu biểu: Đại hội anh hùng, những câu nói trong đại hội, Dòng kinh quê
hương.
Bút ký tiêu biểu nhất của Nguyễn Thi là Những sự tích ở đất thép, ở tác phẩm
này Nguyễn Thi tập trung thể hiện sự bình tỉnh, gan dạ của quân dân ta ở đất thép Củ
Chi – nơi mà kẻ thù từng ngày lồng lộn tuyệt vọng vì ngày càng bị thất thế. Nhà văn
xông xáo đi tìm và thể hiện cụ thể sinh động hình ảnh nghệ thuật về người anh hùng
cách mạng, chứ không bằng lòng với những lý thuyết chung của chủ nghĩa anh hùng
lúc bấy giờ.
Về truyện ký, Nguyễn Thi có hai tác phẩm tiêu biểu:
 Người mẹ cầm súng là truyện kí được Hội đồng Văn học nghệ thuật của Mặt
trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trao giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm
Trang 12


1960 –1965. Trong tác phẩm này Nguyễn Thi đã lý giải hai vấn đề, thứ nhất là tập
trung lý giải mối quan hệ giữa tư cách công dân với tư cách người mẹ, người vợ đó là
lý do vì sau ngay tiêu đề nhà văn đã đặt tên là Người mẹ cầm súng; thứ hai là lý giải
nguồn gốc tạo nên người anh hùng và quá trình phát triển hợp lý những tính cách anh
hùng: từ tự phát lên tự giác.
 Ước mơ của đất là tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Thi (tác phẩm còn ở dạng
bản thảo), cũng ra đời từ cảm hứng về anh hùng. Nhà văn kể về cuộc đời người nữ anh

hùng Nguyễn Thị Hạnh, người phụ nữ đã vượt qua muôn vàn tình huống ngặt nghèo để
móc nối, tổ chức cuộc đấu tranh phá ấp chiến lược vào thời điểm cuối những năm năm
mươi. Uớc mơ của đất, hay ước mơ của những con người gắn bó với mảnh đất đó, sống
chết với mảnh đất đó. Đó là ước mơ giải phóng, không chỉ ra khỏi ấp chiến lược mà cao
hơn, ra khỏi mọi sự áp bức.
Ngoài những thể loại trên Nguyễn Thi còn viết tiểu thuyết, tiểu thuyết của
Nguyễn Thi hầu hết điều dở dang khi nhà văn hy sinh, nhưng những tác phẩm ấy vẫn
mang giá trị văn học to lớn bởi mỗi tác phẩm đều được Nguyễn Thi viết bằng cả vốn
sống, với dung lượng hiện thực phong phú, dồi dào sức sống của một cây bút đang độ
sung sức.
Nguyễn Thi có những tiểu thuyết tiêu biểu:
 Ở xã Trung Nghĩa viết về vùng đất Bến Tre – quê hương của đồng khởi sau
này. Tác phẩm chỉ mới được viết 3 chương, chưa có đầu đề nhưng vẫn chiếm vị trí
quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thi. Ở xã Trung Nghĩa là điểm mốc
đánh dấu một chặng đường mới, đó là chặng đường khi nhà văn đã đầy đủ vốn sống,
đã thật sự thấu hiểu, am tường từng ngóc ngách tính cách con người Nam bộ và nhà
văn đã thể hiện sự hiểu biết ấy ở qui mô lớn hơn. Tiểu thuyết thể hiện trọn tính hoành
tráng của cả một giai đoạn lịch sử của cách mạng, không khí của truyện được xây
dựng từ đầu, từ cái căng thẳng trong thế “tức nước” báo hiệu cái tính tất yếu sẽ đến là
“vỡ bờ” của những con người vùng đất “trung nghĩa”. Trước đây ta gặp một giọng điệu
sử thi bao trùm lên hầu hết các sáng tác của Nguyễn Thi, đặc biệt là những truyện ký
được in trước khi nhà văn mất. Nhưng với tác phẩm này, Nguyễn Thi đã sử dụng hai
giọng điệu mới. Đó là giọng điệu giễu nhại và giọng điệu trắc ẩn. Đối với kẻ thù tác giả
không hề nhân nhượng mà vạch trần bộ mật giả dối, thói đạo đức giả của chúng cho
người đọc nhận diện nhân vật kẻ địch. Ngược lại với nhân vật người nông dân Nguyễn
Trang 13


Thi lại sử dụng giọng điệu trắc ẩn, xót xa thấm từ lời dẫn truyện đến việc miêu tả tình
cảm, qua hình dáng, cử chỉ đến tâm trạng. Với những câu văn chắc nịch và đầy sức gợi

cảm Nguyễn Thi đã trở lại viết một đề tài không mới nhưng không hề cũ, kể cả cho đến
thời điểm này. Đối với người nông dân ruộng đất vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Cho
nên đem lại ruộng đất cho người nông dân cũng có nghĩa là Cách mạng đem lại cho họ
cuộc sống.
 Sen trong đồng: là một câu chuyện dài mà Nguyễn Thi đã viết dở dang, cũng
viết về hình tượng người phụ nữ “anh hùng bất khuất” mà nhân vật chính là cô Sáu
giao liên. Từ trong mất mát, tù đày và những khắc nghiệt của hoàn cảnh, trên con
đường gian khổ tìm đến với Cách mạng cô đã một lần nữa khẳng định phẩm chất của
người phụ nữ Nam bộ. Không chỉ là dừng lại ở đó mà Nguyễn Thi còn nhìn ra những
vấn đề, những mâu thuẫn nảy sinh ngay trong nội bộ, ở Sen trong đồng còn có vấn đề về
sự phản bội của những người vốn có chung một lý tưởng.
 Cô gái đất Ba Dừa ở tác phẩm này Nguyễn Thi tập trung khắc họa phẩm chất
trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam. Tiêu biểu là nhân vật cô Ba – một
hình ảnh về cô gái đất Ba Dừa với vẻ đẹp của sự mạnh mẽ, năng động, tự tin. Cũng
chính bằng tính cách mạnh mẽ và tinh thần của người Đảng viên, cô đã vượt qua những
khó khăng của cuộc sống gia đình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tháng 5-1968 Nguyễn Thi hy sinh trong đợt tổng tiến công Mậu Thân. Nhà văn
đã chiến đấu như một người chiến sĩ thực thụ, với khẩu súng trên tay Nguyễn Thi đã
bắn đến viên đạn cuối cùng.
Mặc dù hy sinh ở tuổi bốn mươi, khi đang tha thiết ra sức cống hiến cho cuộc
đời, nhưng Nguyễn Thi cũng đã kịp để lại cho đời cả một kho tàng văn học có giá trị.
Truyện và ký của Nguyễn Thi là bản án đanh thép tố cáo tội ác của kẻ thù, và cũng đã
khắc họa được chân dung của những người nông dân Nam bộ, đó là hình ảnh của
những anh hùng áo vải vừa mang nét dân tộc nhưng cũng vừa có những nét hiện đại
rất riêng, rất độc đáo và rất Nam bộ.
Nhìn chung cuộc đời cầm bút của Nguyễn Thi không lâu, ông viết cũng không
nhiều, nhưng bằng cả cuộc đời bằng cả tâm huyết và sự vươn lên không ngừng nghỉ,
những di sản của ông để lại đã khẳng định vị trí của mình trong lòng dân tộc, đó là
những đóng góp quí báu cho thời đại, cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất
đất nước.

Trang 14


2. Phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi
Phong cách nghệ thuật Nguyễn Thi mang những đặc điểm chung của những nghệ
sĩ – chiến sĩ trong thời kỳ chống Mỹ, nhưng ngoài những đặc điểm chung mang tính
thời đại ấy Nguyễn Thi còn có một phong cách rất riêng rất độc đáo mà không thể nào
nhầm lẫn giữa văn phong Nguyễn Thi với bất kì nhà văn nào khác. Nhắc đến Nguyễn
Thi, người ta không quên nhắc đến một nhà văn đã sống, chiến đấu và sáng tác như
một người chiến sĩ - nghệ sĩ. Vì thế ở ông luôn có sự hài hòa tuyệt vời giữa sống –
chiến đấu – sáng tác. Khuynh hướng sử thi ảnh hưởng quyết định, tạo nên nét gần gũi
giữa phong cách Nguyễn Thi với phong cách thời đại. Nhà văn Nguyễn Thi đã từng
tuyên bố: “Trước khi trở thành nhà văn, tôi đã là người lính, nếu gặp lúc gay go tôi có
thể cho cây bút vào túi áo, tay cầm súng và bóp cò. Tôi cần cái không khí của chiến
dịch, những cái mà mắt tôi nhìn được, tai tôi nghe được. Trước sự kiện lịch sử trọng
đại như thế này, nhà văn không thể đứng ngoài mà ngó…”. Nguyễn Thi đến với văn
học không chỉ bằng niềm say mê nghệ thuật, bằng một tài năng đã trải qua sự tôi luyện
mà Nguyễn Thi còn đến với văn chương một cách tự nguyện, bằng mồ hôi nước mắt
và cả trát tim mình.
Giọng văn Nguyễn Thi không tài hoa uyên bác như Nguyễn Tuân, cũng không có
cái hào hùng của Nguyên Ngọc. Trong tác phẩm Nguyễn Thi ta bắt gặp một thái độ
dứt khoát, lập trường tư tưởng vững vàng. Với Nguyễn Thi cả văn học và cách mạng
chỉ vì một mục đích chung là vì nhân dân, vì tổ quốc.
Sắc thái đặc biệt trong phong cách Nguyễn Thi còn là sự hài hòa giữa nhiều mặt
đối lập về nội dung và cả hình thức nghệ thuật. Trang văn Nguyễn Thi luôn có sự cân
đối, phù hợp giữa chất thơ trong sáng trữ tình và một hiện thực đồ sộ, có tính sử thi;
giữa hình thức bên ngoài ngắn gọn với nội dung bên trong phong phú dồi dào. Đọc văn
Nguyễn Thi ta hay bắt gặp những đoạn văn đầy chất thơ và nhiều lời so sánh, ví von
mang đậm chất Nam bộ mộc mạc đến chân thành: “Chú thường ví chuyện gia đình ta
nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó. Chú kể

chuyện con sông nào ở nước ta cũng đẹp, lắm nước bạc, nhiều phù sa, vườn ruộng mát
mẻ cũng sinh ra từ đó, lòng tốt con người cũng sinh ra từ đó. Trăm sông đổ về một
biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển, mà biển thì rộng lắm, chị em Việt
lớn lên rồi sẽ biết, rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta” (Những đứa con trong
gia đình)
Trang 15


Cũng như nhà văn Nam cao, Nguyễn Thi tâm niệm “Sống đã, rồi hãy viết”,
Nguyễn Thi đi nhiều nơi, sống trong nhiều hoàn cảnh và tập thích nghi với mọi thứ,
nhà văn đã viết bằng tất cả vốn sống của mình, vì thế những tác phẩm Nguyễn Thi
luôn đi sâu, đi sát vào từng ngõ ngách tâm hồn, con người và cả quê hương Nam bộ dù
rằng gốc gác ông không phải nơi đây. Nguyễn Thi đã khắc họa được bức tranh nông
thôn Nam bộ sinh động, chân thực đến bất ngờ, như những gì mà nhân vật chú Năm
ghi lại trong cuốn sổ gia đình của chị em Việt: “Thím Năm bơi xuồng đi rọc lá chuối
bị ca-nông Mỏ Cày bắn bể xuồng chết còn mặc cái quần mới, trong tuối còn hai đồng
bạc… Ông nội nghe súng nổ, sợ bò đứt dây ra nắm giàm bò, lính Tổng phòng vào nói:
“mày là du kích!” rồi bắn giữa bụng ông nội, giỗ nhằm ngày…” (Những đứa con trong
gia đình); hay cách so sánh mang nhiều hình tượng “Cái việc sữa lại hầm nó cũng gấp
như rượt bò ăn mạ vậy” (Chuyện xóm tôi).
Nguyễn Thi có sở trường về phân tích tâm lý, nội tâm nhân vật. Mỗi nhân vật
trong tác phẩm của ông mang một thế giới nội tâm mênh mông, hấp dẫn người đọc.
Tính cách nhân vật được Nguyễn Thi khắc họa phong phú khi được đặc trong nhiều
mối quan hệ phức tạp giữa địch và ta, bạn bè, làng sớm, vợ chồng, mẹ con… nhân vật
của Nguyễn Thi cho ta cảm giác gần gủi thân thuộc như đã từng bắt gặp từ cuộc sống
hằng ngày.
Nguyễn Thi đã sống, chiến đấu và sáng tác như một người chiến sĩ - nghệ sĩ.
Nhiều người nhận định: “Nguyễn Thi làm thơ, viết ký và truyện. Trong kháng chiến,
khi cần, ông sáng tác ca dao, diễn ca, viết bài hát, vẽ tranh minh họa... Thơ ông giản
dị, đậm đà chất dân tộc và có tình. Với văn xuôi, Nguyễn Thi đã hình thành một phong

cách nghệ thuật độc đáo: phong cách dân gian giàu tính hiện đại, sắc sảo mà trữ tình
đậm đà; ngôn ngữ sinh động, trong sáng; nhân vật được trình bày trong những mối
quan hệ phức tạp và trong sự vận động, phát triển của nó; chi tiết chọn lọc hàm chứa
một chiều sâu triết lý; lối kể chuyện tự nhiên như chính cuộc sống vậy”.

Trang 16


CHƯƠNG II: ĐẶC ĐIỂM CỦA HỆ THỐNG NHÂN VẬT
TRONG TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN THI
1. Các kiểu/loại nhân vật trong văn học
1.1 Khái niệm nhân vật văn học.
Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong tác phẩm văn học bằng
phương tiện ngôn ngữ: “Nhân vật là hình thức miêu tả con người một cách tập trung.
Nhân vật văn học là những con người xuất hiện trong văn học” [6;26]. Nhân vật có khi
là con người thực, có tên như: Tấm, Cám, chị Dậu, Chiến, Việt… hoặc không có tên
như: thằng bán tơ, thằng giặc láy… Đôi khi nhân vật lại mang hình ảnh ẩn dụ về con
người như: thần linh, ma quỷ, quái vật, đồ vật, con vật… nhưng tất cả đều mang nội
dung và ý nghĩa con người. Trong tác phẩm tự sự nhân vật được miêu tả chi tiết trong
hành động, tích cách, tâm lí… Còn trong tác phẩm trữ tình nhân vật thường bộc lộ nỗi
niềm ý nghĩ, trong một số tác phẩm trữ tình khác nhân vật thường được thể hiện qua
ngoại hình, nội tâm nhưng lại có cái nhìn của người kể chuyện.
Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học
miêu tả thế giới một cách có hình tượng hơn. Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ
thuât ước lệ, có những dấu hiệu để ta nhận ra. Những dấu hiệu đó là những cái tên như
Huấn Cao, Tràng, Chị Út Tịch… có khi là những dấu hiệu tiểu sử nghề nghiệp như
chàng mồ côi, ông giáo…và sâu hơn là những đặc điểm của tính cách như chàng ngốc,
ông trưởng giả học làm sang…
Nhân vật văn học, khác với nhân vật trong hội họa điêu khắc, là ở chổ nhân vật
văn học bộc lộ mình trong hành động và quá trình, luôn hứa hẹn những điều sẽ xảy ra

trong quá trình giao tiếp.
Nhân vật là phương tiện khái quát hiện thực. Qua nhân vật nhà văn muốn phản
ánh đời sống. Chức năng của nhân vật là khái quát quy luật cuộc sống con người,
những suy nghĩ, ước ao, kì vọng của con người cho nên nhà văn xây dựng nhân vật là
thể hiện những cá nhân nhất định và quan niệm đánh giá về cá nhân đó.
Nhân vật là phương tiện khái quát tính cách số phận con người (tính cách nhân
vật là một hiện tượng xã hội lịch sử xuất hiện trong một hiện thực khách quan) qua đó
Trang 17


nhân vật dẫn dắt ta đến với đời sống xã hội. Những nhân vật mang tầm khái quát luôn
nổi bật những tính cách có ý nghĩa phổ biến sâu xa sẽ là những nhân vật điển hình.
Thông qua nhân vật tác giả còn muốn thể hiện quan niệm tư tưởng của mình về
cuộc đời. Vì nhân vật không phải là con người thật nên không thể phán xét nó ở ngoài
đờì mà phải đặt trong mối quan hệ tình huống truyện và ý đồ của nhà văn.
Tóm lại nhân vật văn học là một hình thức khái quát đời sống, vì vậy khi đọc tác
phẩm cần tìm hiểu hết nội dung đời sống và nội dung tư tưởng được nhà văn thể hiện
trong nhân vật. Nói cho cùng “Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang
tính ướt lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết, biểu hiện của con người
mà chỉ là sự thể hiện con người qua đặc điểm điển hình” [13;126].

1.2 Các loại nhân vật văn học.
Căn cứ vào vai trò của nhân vật trong triển khai cốt truyện, có các loại nhân vật:
Nhân vật chính là nhân vật đóng vai trò chủ đạo xuất hiện nhiều trong tác phẩm, trong
câu chuyện liên quan đến các sự kiện chủ yếu của tác phẩm là cơ sở để tác giả triển
khai đề tài của mình; còn nhân vật trung tâm là các nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối
tác phẩm về mặt ý nghĩa nơi quy tụ mọi mâu thuẫn của tác phẩm thể hiện vấn đề trung
tâm của tác phẩm ấy; cuối cùng là nhân vật phụ: đó là những nhân vật thể hiện tính
cách hoặc chỉ thấp thoáng trong tác phẩm để làm nổi bật nhân vật chính.
Căn cứ vào phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lí tưởng có thể chia nhân

vật ra thành ba loại nhân vật sau: Nhân vật chính diện là loại nhân vật mang vẻ đẹp lý
tưởng, quan điểm tư tưởng đạo đức tốt đẹp được khẳng định đề cao như một tấm
gương về phẩm chất cao đẹp của con người một thời; nhân vật phản diện là nhân vật
có tính cách xấu đáng bị lên án, phủ định...; đứng giữa nhân vật chính diện và phản
diện là nhân vật trung gian. Đây là loại nhân vật có thể tốt hơn hoặc xấu đi tuỳ theo tác
động của hoàn cảnh.
Căn cứ vào cấu trúc nhân vật có thể chia nhân vật văn học thành các loại sau:
Nhân vật chức năng là loại nhân vật không có đời sống nội tâm, đặc điểm cố định từ
đầu đến cuối tác phẩm tồn tại trong đấy chỉ nhằm một số chức năng nhất định; nhân
vật loại hình thì tập trung những phẩm chất, đặc điểm của một loại người một thời,
nhằm khái quát chung loại về tính cách điển hình; nhân vật tính cách là nhân vật phức
tạp có cá tính nổi bật thường có những mâu thuẫn nội tại có những chuyển hoá; nhân

Trang 18


vật tư tưởng là nhân vật thể hiện rõ tư tưởng của nhà văn. Nhân vật này dễ rơi vào
công thức minh hoạ trở thành cái loa phát ngôn của tác giả.

1.3 Biện pháp xây dựng nhân vật.
Thứ nhất là miêu tả ngoại hình nhân vật: là miêu tả toàn bộ những biểu hiện tạo
nên dáng vẻ bên ngoài của một nhân vật (diện mạo, cử chỉ, tác phong, y phục…) đây
cũng là một phương tiện để bộc lộ được tính cách nhân vật.
Các nhà văn thuộc các phương pháp sáng tác khác nhau đã vận dụng những
nguyên tắc khác nhau trong miêu tả ngoại hình. Nhà văn có thể khắc hoạ ngoại hình
nhân vật một cách trực tiếp thông qua ngôn ngữ người kể chuyện nhưng cũng có thể
miêu tả gián tiếp qua sự cảm nhận của mọi người xung quanh đối với nhân vật, qua đồ
vật, môi trường mà nhân vật sống.
Miêu tả ngoại hình nhân vật không có nghĩa là tái hiện máy móc một chân dung
nào đó mà các nhà văn bao giờ cũng phải biết chọn lựa một cách công phu một vài nét

tiêu biểu nhất để khắc hoạ ngoại hình của nhân vật. Những nét có ý nghĩa nhất của một
ngoại hình chính là những nét đạt giá trị điển hình.
Thứ hai là sử dụng biện pháp miêu tả nội tâm của nhân vật. Nhà văn đi sâu vào
miêu tả, thể hiện những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lý của bản
thân nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nhân vật chứng kiến, thể
nghiệm trên bước đường đời của mình. Các chi tiết thường dừng lại ở những suy tư,
dằn vặt, những cảm xúc, xúc động của nhân vật trong tác phẩm. Nội tâm nhân vật còn
được thể hiện qua những mâu thuẫn, xung đột, sự kiện. Các mâu thuẫn, xung đột bao
giờ cũng có tác dụng làm bộc lộ phần sâu kín nhất của bản chất nhân vật. Đặc biệt việc
sử dụng hình thức độc thoại nội tâm là môt bước sáng tạo lớn của các nhà văn.
Thứ ba là sử dụng ngôn ngữ nhân vật. Miêu tả, thể hiện ngôn ngữ nhân vật là
miêu tả “lời ăn tiếng nói” của nhân vật. Qua lời nói của nhân vật còn thể hiện phẩm
chất và tính cách, về thành phần xuất thân, về nét độc đáo của tầng lớp xã hội mà nó
đại diện cùng toàn bộ cách nhìn nhận, cảm thụ thế giới của tầng lớp của nhân vật. Biện
pháp này góp phần quan trọng trong việc cá biệt hoá nhân vật, mỗi nhân vật có tính
cách riêng sẽ có một ngôn ngữ rất riêng của chính nhân vật đó.
Thứ tư là nghệ thuật miêu tả hành động nhân vật. Hành động nhân vật là những
việc làm cụ thể của nhân vật trong các tình huống đời sống và trong các quan hệ ứng
xử. Thông qua hành động mà tính cách nhân vật được thể hiện rõ nét. Cũng nhờ hành
Trang 19


động mà tiến trình câu chuyện được đẩy tới, cốt truyện có được sự hoàn chỉnh theo ý
muốn của nhà văn. Đây là những lý do quan trọng khiến cho tác giả luôn ưu tiên cho
việc miêu tả hành động.
Việc miêu tả hành động của nhân vật được thể hiện qua ngôn ngữ người kể chuyện
hoặc qua ngôn ngữ của các nhân vật khác. Đáng chú ý là hành động nhân vật phải
được miêu tả một cách nhất quán.
Và cuối cùng là miêu tả tâm lý và tính cách nhân vật. Tâm lý và tính cách có khả
năng thể hiện rõ sự độc lập về nhân cách của các nhân vật được nhà văn miêu tả trong

tác phẩm. Tâm lý và tính cách nhân vật có khi được nói ra một cách thẳng tuột, khi thì
được thể hiện bằng các hình thức ám dụ, lấp lững hết sức đa dạng. Chính do nắm được
bí mật của tâm hồn, các nhà văn có thể trình bày các nghịch lý của cuộc đời, của số
phận một cách thuyết phục nhất.
Các nhà văn thường dùng nội tâm để lý giải hành động, sử dụng hành động để
làm sáng tỏ nội tâm.
Đó là những biện pháp nghệ thuật mà các nhà văn sử dụng để xây dựng nhân vật
trong tác phẩm của mình. Nhà văn có thể chỉ dùng một biện pháp để xây dựng nhân
vật, nhưng hầu hết tất cả các biện pháp ấy đều được vận dụng một cách toàn diện để
nhà văn có thể xây dựng thật thàng công nhân vật của mình.

2. Đặc điểm chung của hệ thống nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Thi
Tuy Nguyễn Thi không được sinh ra ở miền Nam, nhưng tấm lòng của nhà văn
đối với Nam bộ là những tình cảm hết sức chân thành và sâu đậm. Chính vì thế mà văn
hóa Nam bộ, con người Nam bộ đã trở nên thân thuộc với nhà văn và cũng xuất hiện
xuyên suốt trong tác phẩm Nguyễn Thi. Nguyễn Thi đi nhiều, gắn bó nhiều với đồng
bào đồng chí. Ở mỗi nơi ông đi qua ông lại gặp được biết bao con người với những số
phận khác nhau, những con người, những số phận ấy đã đi vào trang viết của Nguyễn
Thi đầy đủ, trọn vẹn như đời thường tạo thành một hệ thống nhân vật phong phú và
đầy màu sắc.
Mặt khác, nhân vật văn học là yếu tố cơ bản không thể thiếu của văn học, qua
nhân vật nhà văn thể hiện quan điểm, tư tưởng của mình đối với cuộc sống thực tại.
Thông qua nhân vật nhà văn còn bộc lộ tình cảm, mơ ước của mình đối với tương lai,
vì thế đôi khi nhân vật lại mang dáng dấp của tác giả. Việt Nam trong giai đoạn 19451975, giai đoạn mà cả nước đang sục sôi lòng căm thù, ý chí chiến đấu, ai ai cũng một
Trang 20


lòng quyết chiến cho ngày tổ quốc thống nhất, Nam Bắc xum vầy. Văn học phản ánh
cuộc đời nên những khát khao, nhúng ý chí ấy được hầu hết các tác giả mang vào trang
viết của mình. Lúc bấy giờ các nhà văn đều xây dựng nhân vật chính diện của mình là

những chiến sĩ có lòng yêu nước, có tinh thần cách mạng. Cũng trên lập trường ấy
Nguyễn Thi đã xây dựng thành công nhân vật chính diện của mình là những con người
cách mạng – những con người luôn hành động theo tiếng gọi của quê hương đất nước,
phẩm chất của họ mang khí phách anh hùng. Anh hùng trong tác phẩm Nguyễn Thi là
những con người dung dị, bình thường trong cuộc sống. Đó là cả một thế giới trẻ con,
là những người mẹ, người chị, những ông bà nội ngoại, những chú, những cô nghe như
rất thân thuộc với mỗi con người Nam bộ chúng ta.
Trong hệ thống nhân vật của Nguyễn Thi ta bắt gặp đâu đó thấp thoáng hình ảnh
quen thuộc của chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, một người phụ nữ đảm đang
chung thủy sắc son nhưng lại tiềm tàng một bản chất ngoan cường, một sức sống mãnh
liệt; ở đó những đứa trẻ như chị em cái Tý thông minh ngoan ngoãn, sớm vất vả nhưng
cũng sớm biết gánh bớt gánh nặng cho mẹ cha; và đâu đó thấp thoáng dáng dấp của
những bà lão nghèo tiền bạc nhưng phúc hậu hiền hòa, sẵn sàng đùm bọc, cưu mang
chở che cho cách mạng.

2.1 Nhân vật đặc sắc nhất trong tác phẩm của Nguyễn Thi là nhân vật
phụ nữ.
Trong văn học từ cổ chí kim, hình ảnh người phụ nữ cũng đã được nhắc đến rất
nhiều từ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du đến Ngô Tất Tố, Nguyễn Minh Châu… Đến
Nguyễn Thi thì hình ảnh người phụ nữ xuất hiện với tầng số đậm đặc hơn so với các
tác phẩm của nhà văn khác. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Thi hầu hết đều có hình ảnh
người phụ nữ xuất hiện, bằng những vai khác nhau như: người bà, người mẹ, người
vợ, người chị…mỗi người mang một dáng dấp, một tính cách riêng biệt làm nên một
hệ thống nhân vật phụ nữ phong phú đa dạng. Mặc dù có những nét riêng khác biệt
nhưng đặc điểm chung của những người phụ nữ trong tác phẩm Nguyễn Thi là họ là
những nạn nhân của chiến tranh, là những người mẹ, người vợ mòn mỏi đợi con, chờ
chồng. Đó là hình ảnh của người vợ bên bờ Bắc luôn mong mỏi chờ chồng với niềm
tin mãnh liệt, có một mụn con để nâng niu yêu thương, để rồi phải đau xé lòng nhìn nó
ra đi một cách quá dễ dàng trong câu chuyện của hai người phụ nữ không có tên riêng
mà nhân vật “tôi” nghe được một cách tình cờ trên một chuyến xe khách từ Hà Nội

Trang 21


vào giới tuyến Vĩnh Linh trong truyện ngắn Quê hương. Đó còn là tình yêu thương của
người mẹ già ở quê đối với cô con gái “đi đông đi tây” có người chồng hy sinh trong
chiến tranh, bà mẹ già luôn ngóng chờ con về trong những ngày tết của quê hương
trong câu chuyện Đôi bạn. Họ là hiện thân của những người mẹ, người vợ luôn nhẫn
nhịn hy sinh vì chồng vì con, luôn hết lòng yêu chồng, thương con mà không ngại gian
khổ hiểm nguy. Đối với họ được làm vợ làm mẹ là một niềm hạnh phúc lớn lao hơn
bất cứ niềm hạnh phúc nào. Vì thế khi bị tước đi niềm hạnh phúc thiêng liêng ấy họ lại
là người bất hạnh nhất: “chị không cần phải dấu gì ai những giọt nước mắt thương con,
cũng như không cần phải giữ ý tứ gì với ai về những tình cảm tự nhiên vốn có trong
lòng một người mẹ” (Quê hương). Còn người vợ trong chuyện ngắn Cậu Huân thì lại
tằn tiện nhịn ăn nhịn mặc để cùng chồng nuôi dấu những người cán bộ hoạt động bí
mật “Mẹ tôi nhịn trầu, chỉ nhai tí bẹ cau cho chát mồm. Cha tôi bỏ thuốc lào từ lâu, bù
vào tiền chợ. Khéo chi ly, dưa mắm, mẹ tôi vá víu cũng xong”. Người phụ nữ thường
nhẫn nhịn và im lặng nhưng sự im lặng của người vợ trong truyện ngắn Im lặng không
phải là sự sợ sệt hay hèn nhát. Người vợ chấp nhận im lặng tha thứ cho kẻ đã làm nhục
mình vì cô muốn bảo vệ cho kháng chiến một người trinh sát giỏi, nhưng khi kẻ ấy đã
phản bội hàng ngũ cách mạng, khi nghe được câu nói của người chồng: “Em hãy bảo
vệ tình yêu như bảo vệ sinh mạng của mình. Thà chết còn hơn chịu nhục” thì ở người
đàn bà ấy bỗng trỗi dậy một sức mạnh ghê gớm để chống chọi lại với kẻ thù, dù rằng
cuối cùng phải đổi bằng cả tính mạng của mình.
Những người phụ nữ trong tác phẩm của Nguyễn Thi có một điểm chung lớn nhất
là họ là những người phụ nữ có ý chí, có nghị lực, không chấp nhận cuộc sống ngột
ngạt, u ám của thực tại; không chấp nhận kiếp người nô lệ, không thể đứng nhìn kẻ thù
ung dung tàn phá đất nước, chia cắt non sông mà họ vùng dậy đấu tranh. Cũng như
bao nhiêu người phụ nữ của mỗi thời đại, họ cũng mong muốn sống bình yên bên gia
đình, nhưng trong hoàn cảnh giặc thù tàn bạo những ước mơ bình dị ấy trở thành xa
xăm, không bao giờ có được. Đau thương mất mát đã khiến họ trở nên kiên gan, bền

trí đứng lên như lời má Việt nói: “Tao dạn là nhờ ba mày. Ba mày bị Tây nó chặt đầu,
tao cứ đi theo cái thằng xách đầu mà đòi. Đi từ ấp trong tới ấp ngoài, nó qua sông tao
cũng qua, nó về quận tao cũng tới” nỗi đau đớn, căm thù của người vợ mất chồng đã
lớn hơn sự mềm yếu, sợ sệt của một người đàn bà. Rồi từ đó người phụ nữ ấy lao vào
công tác đấu tranh, có lẽ bà tham gia vào cuộc chiến cho mình và cho cả người chồng
Trang 22


đã khuất của mình. Lại một hình ảnh nữa của người phụ nữ kiên cường, bất khuất đó là
chị Út Tịch, lúc còn nhỏ phải đi ở đợ cho nhà địa chủ nhưng không chịu được đòn roi
của sự bất công chị đã đánh lại bọn địa chủ rồi đi theo cách mạng. Ở chị có đầy đủ là
phẩm chất của một con người không chịu sống trong áp bức, luôn muốn vươn lên phá
bỏ những kìm kẹp, gông xiềng. Với bản tính như vậy cho nên chị đã đến với cách
mạng một cách tự giác và con đường từ một phụ nữ yêu nước bình thường để trở
thành một người nổi tiếng về tài đánh giặc với tư tưởng “còn cái lai quần cũng đánh”
cũng không có gì để khó lí giải. Cuộc sống đã rèn cho chị sự gan lì của những ngày
tháng đói khổ và sự gan dạ ấy lại giúp chị giành được nhiều chiến công trong chiến
đấu.
Nguyễn Thi đã nâng hình ảnh người phụ nữ Nam bộ lên trở thành hình tượng con
người anh hùng, những nữ anh hùng ấy là những con người có thật của miền Nam, là
những anh hùng gần gũi quen thuộc, bình dị mà phi thường. Đó là những anh hùng
trong đội quân áo vải của miền quê, một nữ anh hùng Quân giải phóng miền Nam –
Nguyễn Thị Út gần gũi, thân thuộc với người dân Nam bộ, chị chân phương như bản
tính vốn có của người con miền Nam khi phát biểu “Đánh Tây sướng bằng tiên chứ
cực gì”; người con gái anh hùng của vùng Tháp Mười – Nguyễn Thị Hạnh, chị xin
được ở lại vùng đất nhỏ hẹp đầy giặc để sống và chiến đấu, để phá cho bằng được ấp
chiến lược. Chị như người cầm ngọn đuốc cách mạng để nhen lên ánh lửa sâu xa nhất
trong lòng bà con nơi đây. Giặc lùng bắt chị ráo riết, chị vẫn đứng sừng sững trước
mặt chúng như một lời thách thức. Chủ nghĩa anh hùng của Nguyễn Thi không xa vời,
không kiểu cách mà nó bình dị như chính phong cách của nhà văn.

Người phụ nữ Việt Nam lại một lần nữa được Nguyễn Thi khắc họa thành công.
Đó là những người phụ nữ vừa mang tính cổ điển lại vừa mang nét hiện đại; người phụ
nữ của ngày xưa đảm đang chịu khó, giàu đức hy sinh và bấy giờ họ là những người
phụ nữ kiên gan, bền chí đối mặt với kẻ thù mà không chút run sợ. Những người phụ
nữ ấy đã không còn quanh quẩn với đồng ruộng, với bếp núc nữa, họ đã trở nên anh
dũng ngoan cường trong chiến đấu xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ đã trao
tặng “Cần cù, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.

2.2 Nguyễn Thi còn khắc họa thành công nhân vật trẻ thơ.
Nguyễn Thi vốn có lòng yêu mến trẻ con nên ông chọn trẻ thơ làm nhân vật
chính trong tác phẩm của mình, điều này ta cũng thường bắt gặp trong những trang
Trang 23


viết của Tô Hoài. Hơn nữa tuổi thơ Nguyễn Thi sớm bị ám ảnh bởi một gia đình tan
nát, cuộc sống tự lập đầy khó khăn, những thiếu thốn của tình cảm gia đình… Có lẽ vì
thế nên thới giới trẻ con luôn xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Thi đó vừa là thực
tại, lại vừa là mơ ước của riêng nhà văn.
Những đứa trẻ trong tác phẩm Nguyễn Thi là những đứa trẻ của thời chiến luôn
chịu nhiều thiệt thòi bất hạnh trong cuộc sống: tật nguyền, nghèo khổ, vắng cha thiếu
mẹ bởi chiến tranh.
Trong truyện ngắn Về Nam có một đứa trẻ tàn tật là Bụng, Bụng mù lòa từ lúc mới
sinh ra, số phận lại cay nghiệt với Bụng khi cha mẹ chú bé lần lược qua đời vì nghèo
khổ và chiến tranh. Bụng cùng chị của mình là Mận đùm bọc nhau để sống, nhưng
Bụng không để mình trở thành gánh nặng cho chị: “Ngày mùa, Mận ở nhà làm đồng,
ngày rỗi đi làm công nhân quét đường gần thị xã. Thằng Bụng ở nhà mò mẫm đi gánh
nước, vo gạo bắt niêu cơm lên để đó, chờ chị”.
Sự bất hạnh ấy do chiến tranh, do kẻ thù gây ra, như cô bé trong truyện Hai cha con
người chính ủy – chuyện kể về một cô bé có cuộc sống bình dị hồn nhiên, hằng ngày
cô vẫn tung tăng trên con đường đầy hoa phượng để mang cơm cho mẹ. Cô bé không

làm hại ai cũng không phiền toái đến ai nhưng sự hồn nhiên vô tư ấy đối với bọn giặc
lại trở thành một cái tội lớn. Trên con đường ấy, có một lô cốt và trên lô cốt có hai tên
lính ngụy gác cố định với biệt tài bắn thật chính xác. Hai tên lính ấy suýt bị mất đồ
nghề (ngón tay bóp cò súng của chúng) vì tranh nhau bắn hoa cho cô bé nhặt. Và bàn
chân phải, bàn chân hay nhảy chân sáo của cô bé bị chúng đem ra làm mục tiêu bắn để
chứng tỏ tài năng của chúng và để tên đồn trưởng thấy rằng chúng đã giác ngộ lỗi lầm
của mình. Chúng bắn cô bé, chúng biến cô bé đáng yêu mà hằng ngày chúng thích thú
ngắm nhìn thành một người tàn tật. Chúng bắn được bàn chân của cô, nhưng chúng
không thể hủy diệt được tâm hồn trong sáng của cô, chúng càng không thể làm hại đến
cái đẹp của cô bé, cái đẹp mà chúng suýt mất nghề vì nó: “Một sắc đẹp được giấu diếm
ở nụ cười, giọng nói nó bắt buộc những người tiếp xúc phải đối đãi bằng sự thân ái và
lòng chân thực”. (Hai cha con người chính ủy)
Nỗi đau đớn mất mát mà chiến tranh gây ra cho những đứa trẻ thơ ngây vô tội
còn là cái chết của những đứa trẻ tội nghiệp trong câu chuyện của người đàn bà mất
con trong truyện ngắn Quê hương. Cái chết của đứa bé thoạt nghe như vô duyên vô
cớ, nhưng Nguyễn Thi không viết những gì vô cớ, càng không viết những gì không có
Trang 24


mục đích. Một “con bé bụ bẫm, dễ tính” nó đáng yêu hơn đối với người mẹ vì nó
giống người ba đang ở xa của nó. Con bé chết vì những cái giật mình do tiếng súng nổ
bên bờ Nam của giặc: “Tiếng nổ như dựng đứng mọi người người ở hai bên bờ sông
dậy. Con bé chị giật mình cong người lại, khóc lặng đi”. Rồi mỗi đêm con bé cứ giật
mình liên tiếp trong từng giấc ngủ: “Cứ thế con bé héo hắt đi, xanh xao hơn cả nước da
tái xám của người mẹ. Cho tới cái ngày điều chị không dám nghĩ nó đã đến: con bé
chết!”. Cái chết của đứa con đã trở thành nỗi ám ảnh của chiến tranh trong lòng người
mẹ, đó cũng là một điển hình cho những đưa trẻ đáng thương, những nạn nhân của
chiến tranh.
Chiến tranh còn gây nên cảnh xa cha lìa mẹ cho những đứa trẻ vô tội. Trong ghi
chép Cha con cha mẹ của Nhu và Thư đều là những người hoạt động cách mạng. Mẹ

mất trong một trận càng của địch khi Thư vừa mới hai tuổi. Cha hai em là chủ tịch của
xã du kích gần sát nách Sài Gòn, lo cho an toàn của con nên ba chúng gửi chúng tập
kết ra Bắc còn mình ở lại yên tâm chiến đấu. Tuổi còn nhỏ Nhu (7 tuổi) và Thư (5
tuổi) phải sớm mất mẹ, sống xa cha Thư đã nhiều lần nhầm người khác là ba mình,
những đứa trẻ như thế chúng nào có tội tình gì?
Nguyễn Thi viết về trẻ thơ không chỉ để độc giả thông cảm thấu hiểu, để tố cáo
chiến tranh mà đến với thế giới trẻ thơ Nguyễn Thi còn đi vào khám phá những nếp
sinh hoạt, diễn biến tâm lí, quá trình hình thành ý thức của trẻ con. Những đứa trẻ
trong tác phẩm của Nguyễn Thi luôn có một bản năng tự giác, có lòng căm thù giặc.
Truyện xóm tôi kể về hai cậu bé Đực và Bỉnh chúng là đôi bạn rất thân, cả hai lớn lên
trong sự đùm bọc thương yêu của hai bà mẹ góa. Cha của Đực và Bỉnh đều bị tên
Tổng Phòng bắt và giết cùng ngày, có lẽ vì thế mà chúng thân thiết khắng khích với
nhau hơn: “Nghe hai bà mẹ ngồi kể chuyện, Bỉnh, Đực hiểu rằng cha đã chết, chắc là
cha không về nữa, hai người bị thằng Phòng bắn nằm gác chân lên nhau, tay bị trói
chung và cần cổ bị cột chung một sợi dây luộc lớn” (Chuyện xóm tôi). Cả hai đứa đều
còn rất nhỏ chỉ năm, sáu tuổi nhưng càng lớn chúng càng ý thức về cái chết của cha,
về cái cá của Tổng Phòng của bọn Tây càng được hình thành rõ nét: “Chuyện cha chỉ
có mẹ và chị kể, còn chuyện thằng Phòng và bọn nó, cả xóm, cả xã, cả mấy xã đều kể”
(Chuyện xóm tôi). Đó là thằng giặc vô hình mà mỗi buổi chiều Đực và Bỉnh rượt đánh
trên bờ mẫu trong trò chơi đánh giặc với vũ khí trên tay là ống thụt, cây mi, cây ép của
chị Chỉnh làm cho.
Trang 25


×