Tải bản đầy đủ (.pdf) (70 trang)

Câu đố và vai trò của câu đố trong việc góp phần phát triển tư duy của học sinh tiểu học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (516.8 KB, 70 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA GIÁO DỤC TIỂU HỌC
-----------------------------

ĐẶNG THỊ MẬN

CÂU ĐỐ VÀ VAI TRÒ CỦA CÂU ĐỐ TRONG
VIỆC GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN TƯ DUY CỦA
HỌC SINH TIỂU HỌC

TÓM TẮT KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học thiếu nhi

Người hướng dẫn khoa học
ThS.GVC NGUYỄN VĂN MỲ

HÀ NỘI, 2013


LỜI CẢM ƠN

Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trường ĐHSP Hà Nội 2,
các thầy cô giáo khoa Giáo dục Tiểu học đã giúp đỡ em trong quá trình học
tập tại trường và tạo điều kiện cho em thực hiện khóa luận tốt nghiệp.
Đặc biệt em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy giáo Nguyễn Văn
Mỳ, người đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho em trong quá trình nghiên cứu
và hoàn thành khóa luận này.
Với điều kiện thời gian nghiên cứu và vốn kiến thức còn hạn chế, chắc
chắn đề tài sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự
đóng góp của quý thầy cô và các bạn khóa luận được hoàn thiện hơn.


Em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2013
Sinh viên

Đặng Thị Mận


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đề tài: “Câu đố và vai trò của câu đố trong việc góp
phần phát triển tư duy của học sinh Tiểu học” là kết quả mà tôi đã trực tiếp
nghiên cứu, tìm hiểu được thông qua đợt kiến tập hằng năm và thực tập cuối
khóa. Trong quá trình nghiên cứu tôi có sử dụng tài liệu của một số nhà
nghiên cứu, một số tác giả khác. Tuy nhiên đó chỉ là cơ sở để tôi rút ra được
những vấn đề cần tìm hiểu ở đề tài của mình. Đây là kết quả của tôi dưới sự
hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Văn Mỳ, đề tài của tôi hoàn toàn không
trùng với kết quả của các tác giả khác.
Nếu sai, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2013
Sinh viên

Đặng Thị Mận


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ..................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ........................................................................... 1
2. Lịch sử nghiên cứu ....................................................................... 3
3. Đối tượng nghiên cứu ................................................................... 5
4. Phạm vi nghiên cứu ...................................................................... 6

5. Mục đích nghiên cứu .................................................................... 6
6. Nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................... 6
7. Phương pháp nghiên cứu .............................................................. 6
8. Cấu trúc khóa luận ........................................................................ 7
NỘI DUNG ................................................................................................. 8
Chương 1: Khái quát về câu đố ................................................................. 8
1.1. Khái niệm câu đố ...................................................................... 8
1.2. Sơ lược về nguồn gốc, đối tượng phản ánh trong câu đố........... 10
1.2.1. Nguồn gốc câu đố ..................................................................... 10
1.2.2. Đối tượng phản ánh trong câu đố ............................................. 12
1.3. Những đặc trưng cơ bản của câu đố .......................................... 13
1.3.1. Tính trí tuệ ................................................................................ 13
1.3.2. Tính giải trí .............................................................................. 14
1.3.3. Tính giáo dục............................................................................ 15
Chương 2: Vai trò của câu đố trong việc góp phần phát triển tư
duy của học sinh tiểu học ........................................................................... 18
2.1. Về khái niệm tư duy và và đặc điểm tư duy ở lứa tuổi học sinh
Tiểu học ................................................................................................................... 18
2.1.1. Khái niệm tư duy ...................................................................... 18
2.1.2. Đặc điểm tư duy của học sinh Tiểu học .................................... 21
2.1.3.Tầm quan trọng của việc phát triển tư duy cho học sinh ............ 23


2.2. Vai trò của câu đố trong việc góp phần phát triển tư duy của
học sinh Tiểu học ......................................................................................... 23
2.2.1. Vị trí của câu đố trong SGK Tiếng Việt ở Tiểu học ................... 23
2.2.2. Vai trò của câu đố trong việc phát triển tư duy của học
sinh Tiểu học ................................................................................................ 27
2.2.2.1. Câu đố góp phần phát triển tư duy của trẻ thông qua cơ
chế suy đoán, liên tưởng, tưởng tượng. ........................................................ 27

2.2.2.2. Câu đố góp phần phát triển tư duy của trẻ thông qua cơ
chế hình thành và phát triển ngôn ngữ. ........................................................ 35
2.2.3.Một vài ý kiến sử dụng câu đố vào dạy học ở Tiểu học .............. 46
KẾT LUẬN ................................................................................................. 51
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 53
PHỤ LỤC


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

HS

: Học sinh

HSTH

: Học sinh Tiểu học

GV

: Giáo viên

GVTH

: Giáo viên Tiểu học

SGK

: Sách giáo khoa


TV

: Tiếng Việt


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Lý do khách quan
Từ lâu, trong đời sống tinh thần của người lao động, câu đố chiếm một
vị trí đáng kể. Câu đố đã trở thành một gia vị quan trọng không thể thiếu
trong món ăn tinh thần của người dân đất Việt. Nếu tục ngữ là túi khôn đúc
kết kinh nghiệm, ca dao dân ca là tiếng nói của tình cảm thì câu đố là tiếng
cười của trí tuệ, của sự thông minh, linh hoạt. Có thể nói, hoạt động đố - đáp
được người lao động hưởng ứng và trở nên phổ biến ở mọi vùng miền, nhất là
ở vùng nông thôn. Từ Bắc chí Nam, ai ai cùng biết vài ba câu đố và không ít
lần tham gia vào trò chơi đố giải. Câu đố có thể diễn ra bất cứ nơi đâu và bất
cứ lúc nào, không cần phải chọn lựa địa điểm, thời gian. Có thể đố nhau trên
đồng ruộng, trong những phút nghỉ ngơi, nơi bến sông cùng chờ một chuyến
đò ngang, trên một chặng đường đi chung, hay dưới một bóng cây giữa trưa
hè oi bức. Cuộc đố và đáp cũng được diễn ra ở nông thôn vào những đêm
trăng thơ mộng nơi sân nhà, người tham gia quây quần quanh ấm nước chè
thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Trẻ em cũng thường đố nhau khi ngồi vắt
vẻo trên lưng trâu, nơi bờ kênh, hoặc trên đường tung tăng chân sáo, cắp sách
đến trường. Câu đố trở thành một phương tiện để thư giãn trong lúc lao động
mệt nhọc, nó làm ta quên đi những vất vả, khó nhọc và giúp cho moị người
hăng hái lao động sản xuất. Câu đố cùng với nhiều hình thức sinh hoạt tinh
thần khác như một sợi dây vô hình kéo mọi người gần lại nhau hơn trong
những lúc nghỉ ngơi, tạo không khí chan hòa, thân mật, vui vẻ, lành mạnh.
Tuy nhiên trong thực tế khi mà cấu trúc xã hội đã thay đổi, khi mà nhịp

sống cổ xưa đã bị phá vỡ, khi mà khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, khi
mà các hình thức giải trí ngày càng đa dạng, phong phú thì dường như các


hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trong đó có giải đố ngày càng nhạt nhòa,
mong manh, dễ chìm vào quên lãng. Vì vậy việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy
câu đố cũng như các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian khác là một việc
làm quan trọng và đáng được quan tâm.
1.2. Lý do sư phạm
Câu đố không đơn thuần chỉ là một trò chơi giải trí thông thường mà
còn là một sân chơi trí tuệ bổ ích bằng ngôn từ. Trên sân chơi ấy, người tham
gia chơi được mài sắc năng lực tư duy, óc phán đoán đồng thời được rèn
luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt đối
với trẻ em, câu đố là một trong những phương tiện đắc lực kích thích não bộ
cảu trẻ phát triển. Câu đố từ trước tới nay vẫn được xem là một loại hình văn
học dân gian sáng tác chủ yếu dành cho thiếu nhi với đặc trưng quan trọng là
nhằm phát triển tư duy cho trẻ. Câu đố được ví như những “bài toán toán bằng
văn học” có phần đố và phần giải. Phần đố là những dữ kiện về vật đố và dựa
vào nhũng dữ kiện đó để tìm ra lời giải. Phần giải thường là những sự vật,
hiện tượng gần gũi với các em nằm trong phạm vi kiến thức, hiểu biết của các
em mà các em phải tìm ra bằng sự liên tưởng, suy luận logic. Như thế câu đố
thực sự phù hợp với tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ, nó thỏa mãn
được trí tò mò, niềm khao khát muốn hiểu biết môi trường xung quanh. Song
không chỉ có tác dụng phát triển tư duy, mở rộng vốn tri thức, rèn luyện năng
lực quan sát, phát huy trí tưởng tượng, khả năng suy luận nhanh nhẹn, nhạy
bén, mà trò chơi trí tuệ này còn có tác dụng bồi dưỡng cho trẻ năng lực thẩm
mĩ, năng lực cảm thụ văn học, năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Chính vì lẽ trên mà câu đố đã được đưa vào giảng dạy trong chương
trình Tiếng Việt ở Tiểu học với thời lượng phù hợp, và câu đố đã được các em
đón nhận với niềm hứng thú, phấn khởi,làm cho giờ học trở nên sôi nổi, kích

thích sự sự tìm tòi suy nghĩ trong học tập.


Là một giáo sinh khoa giáo dục Tiểu học – một giáo viên trong tương
lai, nhận thức được tầm quan trọng của thể loại câu đố trong nền văn học dân
gian nói chung và câu đố trong việc góp phần hình thành trí tuệ, phát triển tư
duy của trẻ, tôi đã mạnh dạn chọn và nghiên cứu đề tài “Câu đố và vai trò
của câu đố trong việc góp phần phát triển tư duy của học sinh tiểu học”.
Đề tài này giúp tôi bước đầu tìm hiểu khái quát về câu đố và vai trò của
câu đố trong việc phát triên tư duy của học sinh Tiểu học. Từ đó trang bị cho
bản thân những hiểu biết cần thiết để dạy tốt bộ môn Tiếng Việt ở Tiểu học.
2. Lịch sử nghiên cứu đề tài
Văn học dân gian được xem là nền móng, là di sản quý báu của dân tộc
Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đã đi vào tìm hiểu và khai thác “Cái chất hồn
nhiên nhất, hiện hữu nhất và kết tinh nhất của yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc”
ở nhiều thể loại như: Thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết, ca dao, tục
ngữ,... Với thể loại câu đố đã có khoảng hơn 40 công trình nghiên cứu, trong
đó có 11 công trình mang tính chất sưu tập, tuyển chọn và biên soạn lại tùy
theo mục đích của người biên soạn. Số còn lại là những công trình, những bài
nghiên cứu về một góc nào đó của câu đố. Có thể kể đến một số công trình
của các nhà nghiên cứu:
 Nguyễn Văn Trung (1999), Câu đố Việt Nam, nhà xuất bản TP Hồ
Chí Minh
Ở đó tác giả đi vào giới thiệu câu đố và xuất xứ, nguồn gốc, hoàn cảnh
sử dụng, mục đích và chức năng, phân loại, cách cấu tạo câu đố về mặt tổng
quát, về mặt ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ điệu, tần số câu đố, đến những lối nhìn
trong câu đố, khía cạnh văn chương và một phần khá lớn giới thiệu 1513 câu
đố sắp xếp theo đối tương phản ánh và một vài kiểu đố khác
 Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn
(2000), Văn học dân gian, NXB GD



Các tác giả đã dành 12 trang (257 – 269) để sơ lược về câu đố với nội
dung:
- Đối tượng phản ánh của câu đố
- Giới thiệu tóm lược nghệ thuật sử dụng câu đố
- So sánh sự giống và khác nhau trong ẩn dụ của câu đố và tục ngữ
- Phân biệt hát đố và câu đố
 Võ Hồng Thiên Lữ (2000), Câu đố Việt Nam, NXB Thanh Hóa
Tác giả đã đi vào tìm hiểu nguồn gốc câu đố, nội dung ý nghĩa, phương
pháp sáng tác và một phần lớn dành giới thiệu 1152 câu đố Việt Nam mà tác
giả sưu tầm được
 Ninh Viết Giao (2000), Tìm hiểu câu đố Việt Nam (trích: Văn học
dân gian Việt Nam những công trình nghiên cứu), NXB GD
Tác giả đã lí giải nguồn gốc ra đời của câu đố, phạm vi đề tài, đặc điểm
chủ yếu của nội dung và giới thiệu về một số biện pháp nghệ thuật của câu đố.
 Đỗ Bình Trị (2001), Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn
học dân gian, NXB GD
Phần viết về câu đố gồm 35 trang (từ 164 – 189) bàn về đặc điểm thi
pháp của câu đố chủ yếu chú ý về kết cấu của ẩn dụ trong câu đố.
 Tạp chí của Hội Ngôn ngữ Việt Nam
- Nguyễn Văn Tứ, “Câu đố chữ và việc dạy tiếng”, Ngôn ngữ và đời
sống, số 5 (13)
Bài viết nói về cơ chế đố chữ (chữ quốc ngữ) cách phân loại đố chữ.
- Nguyễn Bá Lương, “Câu đố dân gian Việt Nam tài và hóm”, Ngôn
ngữ và đời sống, số 6 (104)
Bài viết bàn về cái tái tạo ra nụ cười sảng khoái trong câu đố dân gian
Việt Nam



- Đỗ thành Dương, “Nói lái trong câu đố Tiếng Việt” , Ngôn ngữ và đời
sống, số 9 (17)
Bài viết đề cập tới cách sử dụng biện pháp nói lái trong câu đố và tác
dụng của nó.
 Triều Nguyên (2010), Tìm hiểu về câu đố người Việt, NXB Khoa học
xã hội
Với tác giả Triều Nguyên, phần khái luận về câu đố người Việt cho
thấy cách tiếp cận câu đố ở bình diện thể loại khá toàn diện và có những kiến
giải thấu đáo. Có nhiều vấn đề được đặt ra lần đầu như: “trường và hiện tượng
xuất nhập trường trong câu đố”, “mô hình câu đố”,…
Một số khóa luận, luận văn hay luận án tiến sĩ nghiên cứu về câu đố
 Đặng Thị Quỳnh (2004), Tìm hiểu về câu đố trong chương trình
Tiếng việt Tiểu học”, Đề tài nghiên cứu khoa học, Đại học Sư phạm Thái
Nguyên.
 Trần Thị Lan (1996), Một số vấn đề về bản chất thể loại câu đố Việt
Nam với trẻ em, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Qua các công trình ngiên cứu nêu trên ta thấy việc nghiên cứu về câu
đố nói chung khá phong phú nhưng các tác giả chủ yếu đi vào sưu tầm, biên
soạn lại các câu đố Việt Nam và chú trọng bàn về nội dung hay đối tượng
phản ánh trong câu đố mà chưa thật sự quan tâm đến vấn đề dạy – học câu đố
cho học sinh Tiểu học và vai trò của câu đố trong việc góp phần phát triển tư
duy của học sinh Tiểu học. Việc nghiên cứu thành công đề tài này chắc chắn
sẽ gợi ra nhiều vấn đề ứng dụng cho việc giảng dạy câu đố, đặc biệt đối với
giáo viên Tiểu học.
3. Đối tượng nghiên cứu
Đối tương nghiên cứu của đề tài: “Câu đố và vai trò của câu đố trong
việc góp phần phát triển tư duy cho học sinh Tiểu học”.


4. Phạm vi nghiên cứu

Để hoàn thành khóa luận này, trong phạm vi tư liệu có thể, người viết
đã lựa chọn, nghiên cứu những câu đố trong chương trình SGK Tiếng Việt
mới ở Tiểu học. Bên cạnh đó có sử dụng những thành tựu nghiên cứu của các
tác giả khác có liên quan đến nội dung khóa luận để lí giải vấn đề được sâu
sắc hơn.
5. Mục đích nghiên cứu
Đề tài: “Câu đố và vai trò của câu đố trong việc góp phần phát triển
tư duy của học sinh Tiểu học” mong góp một cái nhìn về Câu đố giúp bạn
đọc, đặc biệt là trẻ em hiểu câu đố một cách sâu sắc và toàn diện hơn về tác
dụng mà chúng mang lại trong việc phát triển tư duy của trẻ.
6. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tìm hiểu những vấn đề cơ bản về câu đố
- Khảo sát, phân loại câu đố trong chương trinh Tiếng Việt ở Tiểu học
- Tìm hiểu vai trò của câu đố trong việc góp phần phát triển tư duy của
hoc sinh Tiểu học
7. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện khóa luận này, người viết đã sử dụng ba phương pháp
nghiên cứu chủ yếu sau:


Phương pháp thống kê – phân loại

Sử dụng phương pháp nghiên cứu này để thống kê các câu đố trong
chương trình Tiếng Việt Tiểu học và phân loại chúng theo các tiêu chí đã định
trước.


Phương pháp phân tích, tổng hợp

Phương pháp nghiên cứu này được vận dụng để phân tích tư liệu thống

kê và tổng kết lại kết quả phân tích.


Phương pháp nghiên cứu tư liệu


8. Cấu trúc khóa luận
Phần 1: Mở đầu
Phần 2: Nội dung: Gồm 2 chương:
Chương 1: Khái quát chung về câu đố
Chương 2: Vai trò của câu đố trong việc phát triển tư duy của học sinh
tiểu học
Phần 3: Kết luận
Tài liệu tham khảo


NỘI DUNG

Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ CÂU ĐỐ

1.1. Khái niệm câu đố
Câu đố là một thể loại của văn học dân gian. Thuật ngữ câu đố được
dùng từ lâu và phổ biến trong dân gian với hàm nghĩa chỉ một loại hình sáng
tác của folklore. Câu đố không đơn thuần là một hiện tượng ngôn ngữ, nó
cũng không phải là một tác phẩm (tác phẩm hiểu theo nghĩa là một cấu trúc
nghệ thuật) có các yếu tố được sắp xếp theo bố cục nhất định nhằm thể hiện
một tư tưởng chủ đề nào đó, nhưng mỗi câu đố đều có một nội dung hoàn
chỉnh được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Từ xưa Arítxtôt
đã sắp xếp câu đố vào lĩnh vực “Sự bắt chước có tính nghệ thuật”. Do vậy

Arítxtôt đã định nghĩa: “Câu đố là một kiểu ẩn dụ hay” và coi cái hay đặc biệt
của câu đố ở chỗ “Trong khi nói về cái tồn tại thực tế, câu đố đồng thời kết
hợp với cả cái hoàn toàn không thể có được”.
Về phía các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, quan niệm về
câu đố của họ cũng không đi chệch hướng nghiên cứu của các bậc tiền bối.
Sau đây tôi xin dẫn ra định nghĩa của một số tác giả
• “Câu đố là một loại hình của văn học dân gian. Nó phản ánh các sự
vật hiện tượng của thế giới khách quan theo lối nói chệch đi, lối nói một đằng
hiểu theo một nẻo. Nó là những định nghĩa ngược lại, hầu hết là ngắn gọn về
một hiện tượng hay một sự vật nào đó. Nhưng khác với tục ngữ ở chỗ những
định nghĩa được phát biểu dưới dạng khác đi là nói ngược lại và dùng liên
tưởng”


Ninh Viết Giao (2000), “Tìm hiểu về câu đố Việt Nam (trích văn học
dân gian Việt Nam những công trình nghiên cứu” NXB GD
• Câu đố là “Câu nói thường mang hình thức văn vè, ám chỉ một vật
đố nhằm đòi hỏi ta phải đoán ra nó. Trong câu đố, vật đố là một sự vật hoặc
một hiện tượng nào đó người ta muốn nói đến nhưng không nói thẳng tên nó
ra mà nói ám chỉ”.
Đỗ Bình Trị (2000), “Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn
học dân gian” NXB GD.
• “Câu đố là một thể loại dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh
sự vật, hiện tượng bằng phương pháp dấu tên và nghệ thuật chuyển hóa
(chuyển vật nọ thành vật kia), được dùng trong sinh hoạt tập thể, đẻ thử tài
suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết và mua vui giải trí”
Lê Bá Hán (chủ biên), Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2000), Từ điển
thuật ngữ văn học, NXB ĐHQG Hà Nội
• “Câu đố là một loại sáng tác phản ánh các sự vật, hiện tượng của
thế giới khách quan theo lối nói chệch, nói một đằng hiểu một nẻo. Phương

pháp này xuất phát từ sự quan sát thấy những nét giống nhau giữa các sự vật
hiện tượng khách quan, giữa đồ vật (tức lời giải) với vật được miêu tả (tức
câu đố)”.
Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2000),
Văn học dân gian, NXB GD
 “Câu đố là một thể loại của văn học dân gian, gồm hai bộ phận, bộ
phận lời đố và bộ phận lời giải; lời đố bằng văn vần, nhằm miêu tả vật đố
một cách xác thực, hợp lẽ nhưng làm cho lạ hóa để khó đoán nhận, lời giải
nêu vật đố, là những sự vật, hiện tượng có tính chất khái quát, phổ biến, ai
cũng từng hay, từng biết”.


Triều Nguyên (2010), Tìm hiểu về câu đố người Việt, NXB Khoa học
xã hội
• Trong cuốn “Câu đố Việt Nam” của Nguyễn Văn Trung (1999),
NXB TP Hồ Chí Mính tác giả lại phân ra theo hai hướng:
• Định nghĩa về mặt cấu tạo: “Câu đố có cấu trúc của một đối thoại
gồm 2 phần: lời đố và lời giải. Lời đố là một câu hỏi dưới hình thức: Tên vật
có những hình dáng, đặc điểm, công dụng này hay tên vật giống như vật được
nói ra là gì”.
• Định nghĩa về mặt xã hội: “Câu đố là một cuộc chơi, hình ảnh, từ và
ý nghĩa là một chơi chữ nhằm mục đích giải trí, vui vẻ nhưng là một giải trí
của tinh thần vì chủ yếu người chơi sử dụng trí tuệ, có phán đoán để suy luận.
Nói cách khác, câu đố là một bài toán, không phải là toán số mà là toán văn
học (vận dụng hình ảnh, chữ nghĩa) có một trình tự lí luận chặt chẽ và hợp lí
theo cách riêng của câu đố”.
Tóm lại những định nghĩa tuy có khác nhau về nội dung, cách diễn đạt
nhưng đều có đặc điểm chung là khẳng định câu đố là một thể loại văn học
dân gian phản ánh sự vật bằng sự vật bằng phương pháp dấu tên và nghệ thuật
chuyển hóa hay phát biểu ở dạng khác đi.

1.2. Sơ lược về nguồn gốc, nội dung của câu đố
1.2.1. Nguồn gốc câu đố
Cũng như việc đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh, thống nhất cho câu
đố thì việc xác định chính xác nguồn gốc của câu đố vẫn còn là một "ẩn số" từ
trước tới nay. Tất cả những công trình nghiên cứu về câu đố thường đi sâu
vào sưu tầm câu đố nhiều hơn là quan tâm đến nguồn gốc ra đời của nó. Song
cũng phải nói rằng trả lời cho câu hỏi câu đố ra đời từ khi nào? Bắt nguồn từ
đâu? Quả là rất khó. Bởi lẽ câu đố thuộc loại hình văn học dân gian, tức là
những sáng tác truyền khẩu và có dị bản. Trong “Câu đố Việt Nam” Nguyễn


Văn Trung viết “Nhiều câu đố sưu tầm, ghi lại được không biết có phải là
những câu đố có từ thời xa xưa cách đây bốn trăm năm từ trước không? Chắc
hẳn ở những thời xa xưa trước người Việt có sinh hoạt giải đố nhưng phải
chăng bây giờ không còn lưu lại gì hoặc đã được cải biến theo thời gian?”.
Câu hỏi đó vẫn chưa có câu trả lời. Mặt khác, câu đố xuất phát từ địa phương
nào cũng còn có nhiều giả thuyết, nhiều nghi vấn, chỉ biết rằng câu đố và sinh
hoạt giải đố có mặt trên cả ba miền của Tổ quốc và mặc dù có nhiều lí giải
khác nhau về nguồn gốc thì chúng ta vẫn nhận ra rằng câu đố có thể ra đời từ
những trường hợp sau:
+ Câu đố ra đời trong sinh hoạt của người dân. Xét qua những sinh hoạt
ở nông thôn trước đây, bà con thường đố nhau những khi lao động tập thể như
lúc đắp đê, cùng nhau cấy hái, nhổ mạ, đi củi, lúc nghỉ ngơi, tụ tập tại một sân
nhà nào đó trong xóm, khi xuân sang gặp gỡ nhau bên giếng nước, gốc đa,…
Câu đố trong những lúc như vậy đã đem lại cho người bình dân Việt Nam
những tràng cười thoải mái không chỉ ở sự giải được câu đố mà ngay ở bản
thân câu đố có những yếu tố gây cười.
+ Một nhu cầu nữa để câu đố ra đời và sống trong lòng người dân Việt
Nam đến ngày nay là vấn đề nhận thức. Trong quá trình lao động, sản xuất,
quá trình sử dụng những vật dụng và những sự việc xung quanh diễn ra cần

xử lý, người bình dân Việt Nam muốn hiểu biết, nắm vững, làm chủ những sự
vật ấy, và họ xem xét rất tỉ mỉ. Bằng thể loại câu đố họ đã thể hiện được
những nhận xét đó của mình đồng thời để giáo dục nhau nhận xét, hiểu biết sự
vât, sự việc hằng ngày chung quanh đời sống nông thôn, có liên quan đến sản
xuất.
+ Ngoài ra câu đố còn ra đời do nhiều nhu cầu khác nữa
Như vậy có thể nói câu đố cũng như nhiều thể loại văn học dân gian
khác được ra đời do nhu cầu sinh hoạt, lao động, nhu cầu nhận thức thế giới
xung quanh gắn liền với quá trình tồn tại và phát triển của cộng đồng.


1.2.2. Đối tượng phản ánh trong câu đố
Đối tượng phản ánh trong câu đố tức là những sự vật, hiện tượng được
được đưa ra để đố.
- Vật đố là những sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. Phần lớn
những đối tượng đó là những sự vật, hiện tượng ở nông thôn có liên quan mật
thiết đến công việc lao động và sinh hoạt của người dân. Ta có thể sắp xếp
những đối tượng đó vào các loại sau:
+ Những đồ dùng lao động và sinh hoạt người dân Việt Nam:
Đó là cái cày, cái bừa, cái cuốc, cái liềm, gầu tát nước, cái cối giã gạo,
cối xay lúa, đôi quang gánh, cái vó, cái nơm, khung cửi, con thoi, con dao,
gương, lược, quần áo, ấm chén, bát, đũa, võng, phản, cái chổi, cái cào, đèn,
điếu, quạt, kéo,...
+ Những công việc lao động sản xuất, sinh hoạt ở nông thôn:
Như cấy lúa, tát nước, xay lúa, sàng gạo, dệt vải, chăn vịt, xâu kim, hút
thuốc, nhai trầu, kéo vó, trục lửa, ươm tơ, ăn cơm,...
+ Những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên:
Mưa, gió, sấm, sét, Mặt Trăng, Mặt Trời,...
+ Những loại cây quả như:
Cây lúa, ngô, khoai, chuối, lạc, cau, dừa, bưởi, tre, trầu không, quả na,

quả khế, quả mít, quả ổi, quả cà, quả na,…
+ Những câu đố về các con vật
Gia cầm, gia súc (gà, vịt, trâu, bò,…), các con vật trong tự nhiên như:
ruồi, muỗi, ếch, đom đóm, ong, cóc,…
Bên cạnh đó còn có một số câu đố phản ánh những mặt sinh hoạt văn
hóa như vui chơi và học hành
- Hầu hết các câu đố đều mang đặc điểm là tính chất hiện thực, cụ thể,
chi tiết, trực quan rất khó tìm thấy những câu đố liên quan đến các khái niệm


trừu tượng như sự sống, cái chết, đạo đức, tôn giáo, cũng thường không khái
quát hóa, không nêu những đặc trưng chung đã được trừu tượng hóa của một
loại sự vật, hiện tượng cùng loại.
Nhìn chung đối tượng của câu đố không phải những sự vật mới đối với
người giải. Thế nhưng vấn đề là ở chỗ người đố đã nhìn sự vật bằng cái nhìn
mới lạ, bất ngờ, độc đáo và thể hiện nó bằng nhiều biện pháp nghệ thuật khác
nhau khiến cho những đối tượng ấy hiện lên trong câu đố trở thành những
nhân vật kì dị và có sự sống đem lại cho ta niềm thích thú.
1.3. Những đặc trưng cơ bản của câu đố
Trên phương diện nghệ thuật, câu đố có một số đặc trưng cơ bản sau:
1.3.1. Tính trí tuệ
Một trong những đặc trưng cơ bản nhất của câu đố là chất trí tuệ.
Đã gọi là đố, ắt cần có người để giải đố. Nói một cách nôm na, đố là
nhằm thử tài người khác. Để thử tài người khác, cần có những câu đố khó,
buộc nguời giải đố phải vắt óc suy nghĩ. Có thể nói mối quan hệ giữa người ra
đố và người giải đố là mối quan hệ đối ứng. Người ra đố là người “khóa mã
tác phẩm” và người giải đố là người “giải mã tác phẩm”. Câu đố càng khó,
càng độc đáo bao nhiêu thì độ hay, độ hấp dẫn của nó càng lớn bấy nhiêu.
Để có những câu đố hay, những câu đố khó đòi hỏi người ra đố phải
vận dụng toàn bộ vốn sống, vốn hiểu biết, vận dụng trí tưởng tượng và khả

năng liên tưởng của mình. Ngược lại người giải đố cũng phải tiến hành những
thao tác tư duy tương tự.
Một trong những mẹo luật để tạo nên độ khó của các câu đố là phải phá
vỡ quy luật logic thông thường để tạo nên yếu tố bất ngờ. Nhiều câu đố hóc
hiểm, sau khi được giải khiến người ta phải “tâm phục, khẩu phục”. Ta có thể
dẫn ra một số câu đố dân gian thuộc dạng như vậy:


Bốn anh cùng ở một nhà
Cùng sinh một giáp, cùng ra một hình
Một anh thì đỗ Cống sinh
Một anh quỷ quái như tinh trong nhà
Một anh hôi hám xấu xa
Một anh ăn vụng cả nhà đều khinh
( Chuột cống, chuột nhắt, chuột chù, chuột đồng)
Chân cao lỏng ngỏng
Da đét tận xương
Hồn đi bốn phương
Chân còn để lại
( Nén nhang)
Miệng dưới biển, đầu trên non
Thân dài uốn lượn như con thằn lằn
Bụng đầy những nước trắng ngần
Nuốt tôm cá, nuốt cả thân tàu bè.
(Dòng sông)
Có thể nói, mỗi lần giải đố là mỗi lần con người phải tiến hành hoạt
động tư duy, và mỗi khi giải được đố, con người có thêm một nhận thức mới.
Điều này cũng giống như việc giải toán vậy. Vì thế, đố được coi là một hình
thức rèn luyện trí thông minh của con người, nhất là cho giới trẻ.
1.3.2. Tính giải trí

Nếu nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn được coi là một trong những nhu cầu
cần thiết và chính đáng của con người trong cuộc sống thường nhật, thì xét
trên phương diện này, đố được coi là một phương tiện giải trí tích cực. Không
phải ngẫu nhiên mà các câu đố được truyền tụng trong dân gian rất được mọi
người say mê, thích thú. Trước hết đố là dịp để những người tham gia được


thử sức mình. Giải được các câu đố, nhất là các câu đố khó, bao giờ cũng
mang lại cho người ta niềm vui – niềm vui của sự tự khẳng định. Niềm vui ấy
sẽ giúp cho họ quên đi những lo toan, căng thẳng, bực bội trong cuộc sống
thường nhật.
Hai là, đố kích thích trí tò mò, khám phá của người chơi. Tham gia các
trò đố vui cũng giống như trò chơi trốn – tìm, trò chơi đuổi – bắt của trẻ em
mỗi khi nhàn rỗi.
Ba là, xét trên phương diện giao tiếp xã hội, đố cũng là một quá trình
giao lưu văn hóa. Tham gia vào các hoạt động đố vui, người ta được giao lưu
với người khác, được trao đổi tư tưởng, tình cảm lẫn nhau, để có thêm những
người bạn mới. Thực tế cho thấy, các cuộc đố vui được tổ chức trong các lễ
hội văn hóa dân gian, trong các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều được
mọi người hưởng ứng nhiệt liệt.
Cũng giống như các trò chơi dân gian khác, trong các cuộc đố vui tập
thể, bao giờ cũng có người thắng, kẻ thua. Người thắng cuộc thì mừng vui,
thích thú, nhưng người thua cũng cảm thấy hài lòng, mãn nguyện, vì tiêu chí
hàng đầu mà họ luôn xác định là lấy vui làm chính.
1.3.3. Tính giáo dục
Đề tài của câu đố thường rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau
có liên quan đến đời sống xã hội của con người. Các hiện tượng tự nhiên, thế
giới đồ vật, các sự kiện lịch sử, các danh nhân văn hóa, các phong tục tập
quán, các món ăn truyền thống, các kiến thức khoa học – kĩ thuật,... Qua các
câu đố, người ta hiểu biết thêm về nguồn gốc, bản chất của các sự vật hiện

tượng xung quanh. Điều đó có nghĩa, đố tham gia vào việc giáo dục tri thức.
Từ đó, mối quan hệ giữa con người đối với thế giới cũng trở nên thân quen,
gần gũi. Xin nêu một ví dụ: Con dao là vật dụng rất cần thiết của con người
trong cuộc sống thường nhật, nhưng đôi khi chúng ta ít quan tâm tới nó,


không thấy hết tầm quan trọng của nó. Song, qua câu đố sau đây, chắc hẳn sự
nhận thức của chúng ta về vai trò, vị thế của con dao sẽ khác:
Có lưỡi mà chẳng có răng
Thứ mềm, thứ rắn nhai bằng sá gì
Nhai rồi chẳng nuốt tí chi
Nhường cho bạn hết, ngủ khì giá cao
Từ sự nâng cao nhận thức, con người có thêm mối quan hệ mật thiết
với môi trường tự nhiên, với thế giới đồ vật, tình cảm của con người, thái độ
sống của con người vì thế cũng được nâng cao một bước.
Những câu đố về đề tài lịch sử, về các danh nhân văn hóa giúp ta bồi
dưỡng lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc.
Ai từng đóng cọc trên sông
Đánh tan thuyền giặc, nhuộm hồng sóng xanh?
Vua nào thần tốc quân hành
Mùa xuân đại phá quân Thanh tơi bời?
Vua nào tập trận đùa chơi
Cờ lau phất trận một thời ấu thơ?
Vua nào thảo chiếu dời đô?
Vua nào chủ xướng hội thơ Tao Đàn?
(Ngô quyền, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Công Uẩn, Lê Thánh
Tông)
Đố ai cũng khách thoa quần
Đạp luồng sóng dữ đuổi quân giặc thù
Cửu Chân nức tiếng ngàn thu

Vì dân quyết phá ngục tù lầm than.
(Bà Triệu)


Với những đặc trưng cơ bản đó, câu đố đã đóng một vai trò không nhỏ
trong đời sống tinh thần của nhân dân ta từ xa xưa cho đến nay. Câu đố còn
được người lớn dùng để giáo dục trẻ, dạy cho trẻ những hiểu biết thường thức
trong sinh hoạt hằng ngày, trong học tập, vui chơi. Hơn thế nữa, câu đố là một
phương tiện hữu ích cho trẻ có được một bộ não phát triển toàn diện.


Chương 2
VAI TRÒ CỦA CÂU ĐỐ TRONG VIỆC GÓP PHẦN
PHÁT TRIỂN TƯ DUY CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC
Đặc trưng quan trọng đầu tiên của câu đố được thể hiện qua mục đích
sáng tác là: “Câu đố được tạo ra nhằm phát triển tư duy cho trẻ em”. Thật vậy
câu đố được đưa ra trong sách Tiếng Việt Tiểu học đã mở ra trước mắt trẻ thơ
một thế giới kiến thức phong phú (về con người, thiên nhiên, đồ vật, con
vật,…) với sự hấp dẫn riêng khiến các em tò mò muốn khám phá theo đó là
không khí học tập sôi nổi, thi đua giải đố. Câu đố giúp các em hiểu sâu hơn về
các sự vật, hiện tượng xung quanh mình.
Những câu đố trong SGK Tiếng Việt Tiểu học thường là những đối
tượng gần gũi với cuộc sống và sinh hoạt của các em, khiến các em dễ nhớ, dễ
thuộc. Vì thế nó có tác dụng phát triển tư duy làm động lực để các em ham
muốn khám phá thế giới xung quanh mình.
2.1. Về khái niệm tư duy và đặc điểm tư duy ở lứa tuổi học sinh Tiểu học
2.1.1. Khái niệm tư duy
Hiện thực xung quanh có rất nhiều cái mà con người chưa biết. Nhiệm
vụ của cuộc sống và hoạt động thực tiễn luôn đòi hỏi con người phải thấu hiểu
những cái chưa biết đó ngày một sâu sắc, đúng đắn và chính xác hơn, phải

vạch ra được cái bản chất và những quy luật tác động của chúng. Quá trình
nhận thức đó gọi là tư duy.
Tư duy là một quá trình tâm lí thuộc nhận thức lí tính, là một mức độ
nhận thức mới về chất so với cảm giác và tri giác. Tư duy phản ánh những
thuộc tính bên trong, bản chất, những mối liên hệ có tính quy luật của sự vật,
hiện tượng mà trước đó ta chưa biết. Quá trình phản ánh này là quá trình gián


tiếp, độc lập và mang tính khái quát, được nảy sinh trên cơ sở hoạt động thực
tiễn, từ sự nhận thức cảm tính nhưng vượt xa các giới hạn của nhận thức cảm
tính.
Vậy tư duy là một quá trình tâm lí phản ánh những thuộc tính bản chất,
những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật, hiện
tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.
Là một quá trình nhận thức lí tính điển hình, tư duy có những đặc điểm
sau:
- Tính “có vấn đề” của tư duy: Tư duy chỉ nảy sinh khi một tình huống
có vấn đề xuất hiện và cá nhân có khả năng giải quyết nó (nhận thức được vấn
đề, có nhu cầu và tri thức để giải quyết). Tình huống có vấn đề là tình huống
chứa đựng một mục đích mới, một vấn đề mới hoặc một cách thức giải quyết
mới mà những phương tiện, phương pháp hoạt động cũ không còn đủ sức để
giải quyết, mặc dù vẫn cần thiết.
- Tính trừu tượng và khái quát của tư duy: Tư duy không phản ánh sự
vật, hiện tượng một cách cụ thể và riêng lẻ mà chỉ phản ánh cái chung, bản
chất cho nhiều sự vật, hiện tượng, trên cơ sở đó mà khái quát những sự vật và
hiện tượng riêng lẻ.
- Tính gián tiếp của tư duy: Tư duy phát hiện ra bản chất, quy luật của
sự vật, hiện tượng nhờ sử dụng công cụ, phương tiện (đồng hồ, nhiệt kế, máy
móc,…) và các kết quả nhận thức (quy tắc, công thức, quy luật,…) mà loài
người đã sáng chế ra, tìm ra cũng như sử dụng kinh nghiệm của chính mình.

- Tư duy liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ: Tư duy có được tính trừu
tượng, khái quát và gián tiếp vì nó dùng ngôn ngữ làm phương tiện. Nếu
không có ngôn ngữ thì bản thân quá trình tư duy không diễn ra được, đồng
thời các sản phẩm của tư duy cũng không được chủ thể và người khác tiếp
nhận.


×