Tải bản đầy đủ (.pdf) (64 trang)

Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (548.47 KB, 64 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
-----------------------

NGUYỄN THỊ LAN

KHẢO SÁT KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC
TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH SINH HOẠT
VIỆT NAM

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

HÀ NỘI - 2013


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
-----------------------

NGUYỄN THỊ LAN

KHẢO SÁT KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC
TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH SINH HOẠT
VIỆT NAM

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Người hướng dẫn khoa học
ThS. GVC. NGUYỄN THỊ NGỌC LAN



HÀ NỘI - 2013


LỜI CẢM ƠN

Em xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành, sâu sắc của mình tới Ths, GVC
Nguyễn Thị Ngọc Lan, cô giáo hướng dẫn, người đã tận tình giúp đỡ em
hoàn thành khoá luận này.
Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ Văn học Việt Nam
khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều kiện thuận lợi
cho em trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Em xin cảm ơn bạn bè, gia đình đã động viên, giúp đỡ em hoàn thành
khoá luận này.
Vì điều kiện thời gian có hạn nên đề tài không tránh khỏi những hạn
chế nhất định. Em rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô và các bạn để
khoá luận hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, tháng 5 năm 2013
Sinh viên

Nguyễn Thị Lan


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan những nội dung đã trình bày trong khoá
luận này là kết quả của quá trình nghiên cứu của bản thân tôi
dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo Trường Đại học Sư phạm

Hà Nội 2, đặc biệt là cô Nguyễn Thị Ngọc Lan. Những nội dung
này không trùng với kết quả của các tác giả khác.

Hà Nội, tháng 5 năm 2013
Sinh viên

Nguyễn Thị Lan


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ....................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................ 2
3. Mục đích nghiên cứu .................................................................................. 6
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu .................................................................. 7
5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................ 7
6. Đóng góp của khóa luận ............................................................................. 7
7. Cấu trúc khoá luận...................................................................................... 8
Chương 1:CHỦ ĐỀ VÀ NHÂN VẬT TRONG KIỂU TRUYỆN CHÀNG
NGỐC ........................................................................................................... 9
1.1. Khái niệm và cơ sở hình thành kiểu truyện chàng ngốc ........................... 9
1.1.1. Khái niệm .......................................................................................... 9
1.1.2. Cơ sở hình thành ............................................................................. 11
1.2. Các dạng chủ đề trong kiểu truyện chàng ngốc ...................................... 13
1.2.1. Chủ đề trí tuệ của con người ........................................................... 14
1.2.2. Chủ đề đạo đức gia đình................................................................. 16
1.3. Hệ thống nhân vật.................................................................................. 20
1.3.1. Nhân vật chính ................................................................................ 20
1.3.2. Nhân vật phụ ................................................................................... 24

Chương 2: CỐT TRUYỆN VÀ CÁC MÔ TÍP ĐẶC TRƯNG CỦA KIỂU
TRUYỆN CHÀNG NGỐC ........................................................................ 27
2.1. Cấu tạo cốt truyện.................................................................................. 28
2.1.1. Sự kiện mở đầu ............................................................................... 29
2.1.2. Sự kiện diễn biến ........................................................................... 31
2.1.3. Sự kiện kết thúc............................................................................... 32
2.2. Mô típ đặc trưng .................................................................................... 35


2.2.1. Mô típ “vợ khôn chồng dại” .......................................................... 36
2.2.2. Mô típ “chàng ngốc làm theo lời vợ dặn” ...................................... 39
2.2.3. Mô típ “chàng ngốc học khôn” ...................................................... 42
2.2.4. Mô típ “chàng ngốc thất bại” ........................................................ 44
2.2.5. Mô típ “chàng ngốc gặp may” ...................................................... 47
KẾT LUẬN ................................................................................................. 51
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 52
PHỤ LỤC........................................................................................................


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ lâu, truyện cổ tích được đánh giá là một trong những thể loại quan
trọng nhất của loại hình tự sự dân gian, bao gồm ba tiểu loại: cổ tích loài vật,
cổ tích thần kì, và cổ tích sinh hoạt (còn gọi là truyện cổ tích thế sự). Trong
đó, truyện cổ tích sinh hoạt được nhìn nhận và đánh giá là tiểu loại khá tiêu
biểu, mang nhiều nét đặc trưng của thể loại. Sự xuất hiện với tỉ lệ tương đối
lớn những truyện kể về nhân vật đức hạnh, nhân vật xấu xa, nhân vật tài trí,
nhân vật khờ khạo… đã hình thành nên những kiểu truyện độc đáo, trong đó
nổi bật là kiểu truyện chàng ngốc. Đây là một tập hợp truyện kể xoay quanh
kiểu nhân vật “đồng dạng” với những đặc điểm khờ khạo, ngốc nghếch. Chứa

đựng những giá trị nội dung và nghệ thuật quan trọng, kiểu truyện chàng ngốc
được xem là một đối tượng khoa học cần được khám phá. Tuy nhiên, cho đến
nay, kiểu truyện này chưa được đề cập một cách trực diện, tập trung và có hệ
thống. Với mong muốn tìm hiểu kĩ hơn một vấn đề đặc trưng của thể loại vấn đề kiểu truyện, chúng tôi chọn đề tài: Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc
trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam.
Truyện cổ tích ra đời luôn gắn với chức năng giáo huấn, đó là “truyện
kể trong nhà trường cho trẻ nhỏ” (Đỗ Bình Trị - Phân tích tác phẩm văn học
dân gian, Nxb Giáo dục, 1995). Đọc và nghe truyện cổ tích, trẻ em cảm thấy
tự mình dấn thân vào một thế giới khác cuộc đời thực mà các em đang sống.
Và đã từ lâu, truyện cổ tích được đưa vào giảng dạy từ bậc tiểu học cho đến
đại học. Nhận thấy được tầm quan trọng lớn lao mà truyện cổ tích đem lại cho
học sinh, chúng tôi mạnh dạn khai thác đề tài này với mong muốn sau khi ra
trường sẽ thực hiện tốt công việc giảng dạy văn học dân gian nói chung và
truyện cổ tích nói riêng.

1


Kiểu truyện chàng ngốc với hình tượng nhân vật trung tâm là các anh
chàng khờ khạo rất hấp dẫn đối với người tiếp nhận. Những hành động, việc
làm… của nhân vật bộc lộ sự ngốc nghếch, dại khờ đã đem lại tiếng cười sảng
khoái và những trải nghiệm vô cùng lí thú để từ đó người nghe, người đọc rút
ra những bài học cho bản thân. Chính điều này đã tạo sự hứng thú và niềm
say mê đặc biệt cho chúng tôi khi tiếp cận đề tài này.
2. Lịch sử vấn đề
Truyện cổ tích là thể loại được sự chú ý nghiên cứu từ rất sớm so với
nhiều thể loại khác của văn học dân gian. Đã có rất nhiều giáo trình và công
trình nghiên cứu có giá trị trong và ngoài nước với các bài viết, chuyên luận,
luận văn đề cập đến nhiều góc độ của truyện cổ tích. Những năm gần đây,
hướng nghiên cứu kiểu truyện, kiểu nhân vật hay nghiên cứu văn học dân

gian từ góc độ típ và mô típ đã chứng tỏ được hiệu quả của nó. Những công
trình nghiên cứu đó đã đem tới cho người đọc cái nhìn toàn diện về truyện cổ
tích. Kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt cũng đã được đề
cập rải rác trong một số giáo trình và các công trình nghiên cứu như sau:
Năm 1973, trong giáo trình Văn học dân gian tập 2 của Đinh Gia
Khánh - Chu Xuân Diên, đã có những phác hoạ sơ lược về nhân vật trong
truyện cổ tích sinh hoạt qua việc chỉ ra nội dung, ý nghĩa của từng nhóm
truyện. Theo đó, có nhóm truyện “thông qua những kinh nghiệm sống mà rút
ra những kết luận nghiêm khắc, có ý nghĩa chua chát: thế tình có khi bạc bẽo,
con người có khi bất nhân”, có nhóm truyện “đề cao phẩm chất tốt đẹp của
người với người”, có nhóm truyện “về người thông minh ứng xử tài tình, phân
xử sáng suốt…” [8]. Nhận xét của tác giả thực chất là khái quát các dạng nhân
vật với những nét phẩm chất tốt đẹp hoặc xấu xa, tài trí hay ngốc nghếch
trong truyện cổ tích sinh hoạt.
Năm 1996, trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam tác giả Lê Chí
Quế cũng điểm qua một vài biểu hiện về đề tài, nhân vật của truyện cổ tích

2


sinh hoạt: “Hệ thống này bao gồm các truyện kể về những sinh hoạt gia đình
như quan hệ vợ chồng, bố mẹ với con cái, quan hệ xã hội như giữa chủ và tớ,
nông dân với phú thương, tăng lữ… Bên cạnh đó, có một số truyện về chàng
ngốc và người thông minh” [15;tr.128].
Năm 1998, ở lời mở đầu Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam, Chu Xuân
Diên - Lê Chí Quế đã nhận ra các biểu hiện đặc trưng nhất của truyện cổ tích
sinh hoạt, đồng thời xác lập các kiểu nhân vật tiêu biểu “Truyện cổ tích sinh
hoạt - xã hội của người Việt có những đề tài, cốt truyện và nhân vật tiêu biểu
là các truyện nói về số phận kết thúc bi thảm của con người nghèo khó trong
xã hội có giai cấp (…); các truyện phê phán những tầng lớp trên của xã hội

(…); các truyện nói về tình vợ chồng thuỷ chung. Đặc biệt hình thành hai
nhóm truyện được mọi người rất ưa thích: nhóm truyện về chàng ngốc và
người thông minh” [2;tr.10].
Năm 1999, trong Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học
dân gian, Đỗ Bình Trị đã nghiên cứu truyện cổ tích sinh hoạt từ góc độ thi
pháp học. Đây là một công trình nghiên cứu về truyện cổ tích sinh hoạt kĩ
lưỡng và cơ bản nhất. Tác giả tiếp cận truyện cổ tích từ góc độ thi pháp như:
kết cấu, xung đột, không gian, thời gian… Đặc biệt về phương diện nhân vật,
ông cho rằng: “Truyện cổ tích sinh hoạt chỉ có một số kiểu nhân vật, ít hơn so
với số lượng kiểu nhân vật của truyện cổ tích thần kì” [18;tr.24]. Theo đó,
nhân vật được xác định thông qua bốn dạng cơ bản:
- Nhân vật đức hạnh (người mẹ hiền, người con thảo, người vợ, người
chồng tình nghĩa, người dân lương thiện…).
- Nhân vật xấu xa (đứa con bất hiếu, người vợ, người chồng bất nghĩa,
người bạn bất lương…).
- Nhân vật mưu trí (trí xảo).
- Nhân vật khờ khạo (ngốc).

3


Năm 2002, trên Tạp chí văn học số 4, có bài viết của PGS.TS Phạm
Thu Yến: Kiểu nhân vật chàng ngốc trong truyện cổ tích các dân tộc Việt
Nam đã khẳng định: Kiểu nhân vật chàng ngốc cũng có thể được coi như kiểu
truyện nhân vật người em, nhân vật dũng sĩ, nhân vật người mang lốt trong
truyện cổ tích thần kì. “Về kiểu truyện này sơ bộ phân ra thành hai dạng:
- Một dạng là chàng ngốc có dáng vẻ bề ngoài ngờ nghệch, ngốc
nghếch nhưng bên trong ẩn chứa một tài năng tiềm tàng, sức mạnh vô địch.
Cuối cùng, trút bỏ vẻ bề ngoài ngờ nghệch, chàng hiện ra trước mắt mọi
người với vẻ đẹp hoàn hảo. Trong truyện cổ tích Việt Nam ít xuất hiện kiểu

nhân vật này hơn so với cổ tích thế giới.
- Một dạng nữa là những chàng ngốc thực sự “ngốc không để đâu cho
hết”. Mỗi tình tiết của truyện kể đều tập trung thể hiện sự ngốc nghếch từ
trong bản chất của chàng ta. Như đã trình bày ở trên, kiểu truyện này chưa
được chú ý nghiên cứu nhiều”. [21]
Trong bài nghiên cứu này tác giả cũng đã có nhiều kết luận sâu sắc về
thể loại, cốt truyện và kết cấu, cũng như vấn đề xây dựng nhân vật của kiểu
nhân vật chàng ngốc. Từ những kết luận này, chúng tôi có thêm cơ sở và
hướng đi mới để nghiên cứu đề tài của mình.
Năm 2008, để thực hiện khoá luận tốt nghiệp, tác giả Nguyễn Thị Thu
Oanh đã nghiên cứu đề tài: Khảo sát các kiểu nhân vật chính trong truyện cổ
tích sinh hoạt người Việt [12]. Ở khoá luận này, tác giả đã chỉ ra hệ thống các
nhân vật chính trong truyện cổ tích sinh hoạt gồm: kiểu nhân vật đức hạnh;
kiểu nhân vật xấu xa, xảo trá; kiểu nhân vật thông minh; kiểu nhân vật ngốc
nghếch nhưng trong luận văn tác giả mới chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát chứ
chưa đi sâu nghiên cứu.
Năm 2011, Nguyễn Thị Thu Hà với luận văn thạc sĩ: Khảo sát nhóm
truyện chủ đề đạo đức gia đình trong truyện cổ tích sinh hoạt người Việt [5]
cũng đã đề cập đến những nhân vật chính trong nhóm truyện chủ đề đạo đức

4


gia đình, trong đó có đề cập đến nhân vật chính ngốc nghếch cùng với nhân
vật chính thông minh, nhân vật chính đức hạnh, nhân vật chính xấu xa. Trên
cơ sở khảo sát, tác giả đã tiến hành phân tích ý nghĩa của hình tượng nhân vật
trong truyện cổ tích sinh hoạt. Đặc biệt, tác giả cũng đi sâu vào nghiên cứu
kết cấu và cốt truyện của từng nhóm truyện có những nhân vật chính, trong đó
có nhân vật ngốc nghếch.
Gần đây, nhóm tác giả Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã biên soạn

giáo trình Văn học dân gian năm 2012, họ đã chú ý tới “mảng truyện về trí
tuệ con người và những truyện về đề tài đạo đức”. Trong đó, nhóm truyện về
đề tài trí tuệ mang tính giải trí rõ nét và nhân vật chính trong nhóm truyện này
là “những người thông minh, tài trí luôn thể hiện tài năng, phẩm chất qua các
cuộc thi tài, các tình huống đối đáp”. Đối lập với truyện về nhân vật thông
minh là truyện về nhân vật ngốc. Những truyện kể mang yếu tố khôi hài “qua
hành động khờ dại, ngô nghê của nhân vật, truyện cổ tích đã đề cao trí khôn
một cách gián tiếp, phê phán những người ngốc một cách nhẹ nhàng”
[19;tr.123 - 124].
Cũng cùng năm 2012, trong luận văn thạc sĩ: Thế giới nhân vật trong
truyện cổ tích sinh hoạt của tác giả Đỗ Thị Huyền Trang cũng đã phân tích
các kiểu loại nhân vật trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam. Tác giả đã
phân tích đặc điểm của các nhân vật tốt đẹp và xấu xa, nhân vật mưu trí và
nhân vật khờ khạo (ngốc) và nghệ thuật xây dựng các nhân vật. Trong các
kiểu nhân vật đó, tác giả cũng có cái nhìn khá toàn diện về kiểu nhân vật khờ
khạo (ngốc): “Những nhân vật ngốc nghếch này đối lập hoàn toàn với kiểu
nhân vật thông minh. Nếu như nhân vật thông minh được xem là nhân vật tích
cực thì nhân vật ngốc nghếch là nhân vật tiêu cực. Nhưng thực ra, nhân vật
ngốc nghếch không phải là đối tượng bị lên án gay gắt như kiểu nhân vật xấu
xa. Thông qua kiểu nhân vật ngốc, tác giả dân gian muốn răn dạy con người
cần có những ứng xử hợp lí hơn nữa trước mỗi hoàn cảnh khác nhau của cuộc

5


sống phong phú chứ không phải là những hành động máy móc, dập khuôn”
[17;tr.68]. Tác giả đã phân tích khá sâu sắc về kiểu nhân vật khờ khạo (ngốc),
chỉ ra được những đặc điểm của nhân vật đồng thời đi đến kết luận: “Qua kiểu
nhân vật ngốc nghếch, tác giả dân gian muốn gửi vào đó mục đích giáo dục,
răn dạy con người phải biết ứng xử hợp lí với hoàn cảnh, không được dập

khuôn, máy móc, phải biết trang bị cho mình những kiến thức cơ bản. Ngoài
ra, với kiểu nhân vật này làm cho thế giới nhân vật trong truyện cổ tích sinh
hoạt đa dạng hơn, tạo thêm tiếng cười, niềm vui trong cuộc sống vất vả của
người dân lao động” [17;tr.76]. Mặc dù có sự phân tích khá sâu sắc về nhân
vật chàng ngốc nhưng tác giả chỉ mới dừng lại ở phương diện nhân vật chính
chàng ngốc chứ chưa có sự nghiên cứu các phương diện khác của kiểu truyện
chàng ngốc. Vì thế để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về kiểu truyện chàng
ngốc, chúng tôi đi nghiên cứu đề tài.
Có thể nói, tất cả các ý kiến, nhận xét trong các giáo trình, các công
trình nghiên cứu khoa học trên đều xác đáng, song hầu hết mới chỉ dừng lại ở
mức độ khái quát, hoặc chỉ đề cập đến một phương diện nhân vật của kiểu
truyện chàng ngốc, rất ít công trình nghiên cứu cụ thể, chi tiết. Song đó lại là
những gợi ý bước đầu cho chúng tôi tiếp cận đề tài này. Vì vậy từ những gợi
ý quý báu của những người đi trước, chúng tôi tìm hiểu đề tài: Khảo sát kiểu
truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam nhằm phát hiện ra
những đặc trưng riêng biệt, độc đáo của kiểu truyện.
3. Mục đích nghiên cứu
Chọn đề tài: Khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh
hoạt Việt Nam, chúng tôi nhằm mục đích:
- Bước đầu khảo sát kiểu truyện chàng ngốc trên cơ sở tư liệu truyện cổ
tích sinh hoạt Việt Nam để thấy được những biểu hiện đặc trưng của kiểu
truyện trên các phương diện: chủ đề, nhân vật, mô típ. Từ đó khẳng định giá
trị của kiểu truyện trong kho tàng truyện cổ tích sinh hoạt của dân tộc.

6


- Nâng cao năng lực nghiên cứu và cảm thụ văn học để phục vụ tốt hơn
cho yêu cầu giảng dạy Ngữ văn sau khi tốt nghiệp.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

- Kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam là
đối tượng nghiên cứu chính của chúng tôi trong đề tài luận văn.
- Phạm vi nghiên cứu được giới hạn trong 25 truyện cổ tích sinh hoạt
của dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số. Ngoài ra lấy thêm 5 truyện của nước
ngoài để so sánh.
- Phạm vi nội dung của đề tài được giới hạn trong việc phác hoạ diện
mạo kiểu truyện chàng ngốc bằng việc chỉ ra các đặc điểm về chủ đề, nhân
vật. Đồng thời đi sâu khai thác một phương diện cụ thể của kiểu truyện là các
mô típ đặc trưng.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết tốt những yêu cầu mà đề tài đặt ra, chúng tôi tiến hành
nghiên cứu dựa trên sự kết hợp vận dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp thống kê, phân loại: sử dụng trong quá trình khảo sát
những truyện cổ tích sinh hoạt thuộc kiểu truyện chàng ngốc nhằm đi đến
những con số thuyết phục vụ công tác nghiên cứu.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích đặc điểm về chủ đề, nhân
vật và các mô típ đặc trưng của kiểu truyện, từ đó rút ra nhận xét, đánh giá
khái quát về kiểu truyện.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu: so sánh, đối chiếu kiểu truyện chàng
ngốc của dân tộc Việt, các dân tộc khác với một số truyện chàng ngốc của
nước ngoài để tìm ra đặc trưng riêng của kiểu truyện chàng ngốc Việt Nam.
6. Đóng góp của khoá luận
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi dự kiến khoá luận có
thể có những đóng góp mới như sau:

7


- Qua việc khảo sát 30 truyện thuộc kiểu truyện chàng ngốc, thấy được
những đặc trưng riêng biệt và độc đáo của kiểu truyện chàng ngốc trong kho

tàng truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam so với truyện của nước ngoài về những
phương diện: chủ đề, nhân vật, cấu tạo cốt truyện và các mô típ đặc trưng của
kiểu truyện chàng ngốc.
- Đồng thời, qua việc khảo sát kiểu truyện chàng ngốc chúng tôi cũng lí
giải và hiểu được những những bài học nhân sinh mà tác giả dân gian gửi gắm
qua kiểu truyện chàng ngốc. Từ đó, có thể sử dụng làm tài liệu để giảng dạy
và nghiên cứu văn học dân gian.
7. Cấu trúc khoá luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tham khảo, phụ lục, khoá luận gồm hai
chương:
Chương 1: Chủ đề và nhân vật trong kiểu truyện chàng ngốc.
Chương 2: Cốt truyện và các mô típ đặc trưng trong kiểu truyện chàng ngốc.

8


Chương 1
CHỦ ĐỀ VÀ NHÂN VẬT TRONG KIỂU TRUYỆN CHÀNG NGỐC
Chủ đề và nhân vật là hai phương diện rất quan trọng của bất kì một tác
phẩm văn học nào. Bởi chúng là những phương diện giúp nhà văn thể hiện ý
đồ sáng tác. Vì vậy khi nghiên cứu một tác phẩm nào, người nghiên cứu
không thể bỏ qua hai phương diện này. Với kiểu truyện chàng ngốc cũng vậy,
để có cái nhìn toàn diện về kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh
hoạt Việt Nam chúng tôi đi nghiên cứu chủ đề và hệ thống nhân vật của kiểu
truyện.
1.1. Khái niệm và cơ sở hình thành kiểu truyện chàng ngốc
1.1.1. Khái niệm
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Truyện cổ tích sinh hoạt (hay cổ tích
thế sự) là những truyện cổ tích không có hoặc rất ít yếu tố thần kì. Ở đây các
mâu thuẫn, xung đột xã hội giữa người được giải quyết một cách hiện thực,

không cần đến những yếu tố siêu nhiên. Những yếu tố thần kì nếu có cũng
không giữ vai trò quan trọng và nhiều khi chỉ là đường viền cho câu chuyện
thêm vẻ li kì hấp dẫn mà thôi” [6;tr.368-369]. Truyện cổ tích sinh hoạt có bốn
kiểu nhân vật chính: nhân vật đức hạnh, nhân vật xấu xa, nhân vật mưu trí và
nhân vật khờ khạo (ngốc). Từ những kiểu nhân vật này mà hình thành nên
những kiểu truyện độc đáo, hấp dẫn của truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam.
Trong đó, kiểu truyện chàng ngốc cũng là một kiểu truyện hấp dẫn, độc đáo
nhưng chưa được nghiên cứu một cách toàn diện. Cho đến nay, chưa có một
công trình nào đưa ra định nghĩa về kiểu truyện này một cách hoàn chỉnh. Để
thực hiện đề tài này, người viết xin mạnh dạn đưa ra một cách hiểu riêng về
kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam.
Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (Nxb Đà Nẵng, 2009) “ngốc”
có nghĩa là “kém về trí khôn, về khả năng suy xét, ứng phó, xử sự”
[14;tr.884]. Như vậy ngốc là tính từ thuộc về trí tuệ của con người. Vậy nhân

9


vật ngốc là những nhân vật kém về trí khôn, về khả năng suy xét, ứng phó, xử
sự, họ không có khả năng giải quyết được những tình huống trong cuộc sống
mà cần nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Chúng tôi cho rằng, định nghĩa
này là cơ sở quan trong để xác định khái niệm kiểu truyện chàng ngốc trong
truyện cổ tích sinh hoạt. Để đưa ra được khái niệm về kiểu truyện chàng ngốc,
trước tiên, người viết xin đưa ra khái niệm kiểu truyện để làm cơ sở dẫn đến
khái niệm kiểu truyện chàng ngốc. Trong cuốn Thạch Sanh và kiểu truyện
dũng sĩ trong truyện cổ tích Việt Nam và Đông Nam Á, Tiến sĩ Nguyễn Bích
Hà đã đưa ra định nghĩa về kiểu truyện như sau: “Kiểu truyện là tập hợp
những truyện kể có những mô típ cùng loại hình. Trong một kiểu truyện có
nhiều mô típ nhưng không nhất thiết mỗi truyện trong kiểu đó phải có đầy đủ
tất cả những mô típ chung. Có thể, có truyện chỉ chung với các truyện khác có

nhiều mô típ chung” [4;tr.24].
Như vậy, từ những cơ sở lí thuyết trên, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra
khái niệm kiểu truyện chàng ngốc như sau: Kiểu truyện chàng ngốc trong
truyện cổ tích sinh hoạt là tập hợp những truyện kể về những anh chàng ngốc,
ngốc không để đâu hết ngốc. Họ được đặt vào nhiều tình huống trong cuộc
sống nhưng do bản tính ngốc nghếch nên họ đều không tự mình giải quyết
được sự việc xảy ra mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, kết cục của
hành động ngốc nghếch ấy có thể là cái chết hoặc sự may mắn được khôn
ngoan hơn, hay giàu sang, hạnh phúc. Thông qua kiểu truyện chàng ngốc, tác
giả dân gian muốn răn dạy con người cần có những ứng xử hợp lí hơn nữa
trước mỗi hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống phong phú chứ không phải
những hành động máy móc, dập khuôn.
Khái niệm trên cho phép chúng tôi nhìn nhận rõ ràng hơn những đặc
trưng của kiểu truyện chàng ngốc trong truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam.

10


1.1.2. Cơ sở hình thành
Chúng ta biết rằng, khi nghiên cứu bất kì đối tượng nào ta cần phải đặt
chúng vào hệ thống chung của chúng để thấy những đặc trưng riêng biệt của
đối tượng. Đối với kiểu truyện chàng ngốc cũng vậy. Đó là một trong những
kiểu truyện thuộc truyện cổ tích sinh hoạt. Vì vậy nghiên cứu cơ sở hình
thành kiểu truyện chàng ngốc, trước hết cần chú ý đến sự nảy sinh của thể loại
truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích sinh hoạt nói riêng.
Xã hội mà truyện cổ tích ra đời không giống xã hội được phản ánh
trong truyền thuyết hay trong thần thoại. Thần thoại ra đời trong thời kì công
xã nguyên thuỷ. Con người sống bình đẳng trong xã hội chưa có giai cấp,
chưa có sự phân chia giàu nghèo, chưa có chế độ người bóc lột người. Lúc
này, tư duy của con người nguyên thuỷ thị tộc là lối tư duy chất phác, ngây

thơ, cùng với nó là tính kì vĩ hào hùng của tư tưởng; những cuộc chiến tranh
áp bức bóc lột, xung đột đối kháng chưa hề tác động đến lối cảm lối suy nghĩ
của họ. Cho đến khi con người có thể khống chế được những thế lực bí hiểm
của thiên nhiên, làm chủ thiên nhiên là lúc thần thoại không còn nữa. Có
nghĩa là khi trình độ hiểu biết của con người được nâng lên, con người đã tìm
ra được những quy luật của cuộc sống thì những yếu tố thần linh không còn
ngự trị trong ý thức con người. Và đây cũng là lúc truyện cổ tích ra đời.
Truyện cổ tích có thể ra đời trong thời kì công xã thị tộc nguyên thuỷ nhưng
đặc biệt nở rộ trong thời kì xã hội có sự phân chia giai cấp, có mâu thuẫn đối
kháng. Đó là khi xã hội thị tộc tan rã và nhường chỗ cho sự xuất hiện của
những gia đình riêng lẻ cùng chế độ tư hữu. Chế độ tư hữu ra đời mỗi người,
mỗi gia đình phải tự lo cho cuộc sống cá nhân.
Như C.Mác nói rằng con người nguyên thuỷ chưa tách khỏi cuống nhau
của xã hội công xã thị tộc, họ sống gắn bó với tập thể, nếu tách khỏi cộng
đồng thì không thể sinh tồn hoặc làm mồi cho thú dữ. Đến xã hội có sự phân
chia giai cấp, con người sống riêng lẻ độc lập hơn. Con người không còn ăn

11


chung, ở chung nữa mà đặt lợi ích bản thân lên cao hơn lợi ích cộng đồng. Do
vậy mối quan tâm của họ là số phận và quyền lợi cá nhân. Đó là lí do lí giải vì
sao trong xã hội lại xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột. Những người có
thế lực lớn trong tay dùng quyền lực mà áp bức bóc lột những người nghèo,
những người thấp cổ bé họng. Đây là hiện thực tạo nên những nhân vật trong
truyện cổ tích, những nhân vật với số phận cá nhân riêng lẻ. Đó là những con
người rất bình thường thậm chí nhỏ bé, bất hạnh có khi cần dựa vào sự giúp
đỡ của lực lượng thần linh mới có thể chống chọi lại sự bất công trong xã hội.
Chính vì vậy ước mơ của những con người trong truyện cổ tích không phải
những gì cao siêu, hùng vĩ như thần thoại mà chỉ là những gì bình dị nhất gắn

với số phận con người cá nhân.
Truyện cổ tích là thể loại bao gồm ba tiểu loại: truyện cổ tích thần kì,
truyện cổ tích loài vật và truyện cổ tích sinh hoạt. Nếu đặt trong sự tương
quan giữa ba tiểu loại này thì rõ ràng truyện cổ tích sinh hoạt ra đời muộn hơn
hai loại còn lại. Nếu như truyện cổ tích thần kì ra đời ở thời kì đầu của xã hội
phong kiến với yếu tố thần kì đóng vai trò quan trọng giúp con người giải
quyết những mâu thuẫn, xung đột và phản ánh những ước mơ khát vọng của
cuộc sống đầy trắc trở thì truyện cổ tích sinh hoạt lại ra đời muộn hơn gắn liền
với thời kì hậu phong kiến, với những suy nghĩ, hành động gắn liền với hiện
thực cuộc sống. Đó là xã hội, gia đình xuất hiện những mâu thuẫn đối kháng
ngày càng gay gắt. Lúc này, niềm tin chất phác đầy cảm tính được thay thế
bằng lối tư duy đầy tỉnh táo và mang tính duy lí. Nhận thức của con người có
sự biến đổi, phát triển đã được phản ánh trực tiếp qua truyện cổ tích sinh hoạt.
Truyện cổ tích sinh hoạt không phản ánh ước mơ và những khát vọng
của con người mà đi sâu vào phản ánh mọi mặt của cuộc sống hàng ngày
đang diễn ra mà ít hoặc không cần tới yếu tố thần kì để giải quyết những mâu
thuẫn. Từ những chuyện gia đình xoay quanh những mối quan hệ cha mẹ con
cái, anh chị em đến chuyện xã hội mâu thuẫn giữa kẻ giàu người nghèo, người

12


thông minh, kẻ ngốc nghếch. Đúng như tác giả Đỗ Bình Trị đã nhận định
trong cuốn Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian:
“Khác với truyện cổ tích thần kì vốn được cảm nhận như câu chuyện hoang
đường, truyện cổ tích sinh hoạt mang dáng dấp của những câu chuyện của
cuộc sống hàng ngày” [18;tr.23]. Cũng chính nội dung phản ánh này làm cho
hệ thống nhân vật của tiểu loại này không còn là những kiểu truyện về người
mồ côi, người con riêng, người em út, người đội lốt… mà là những kiểu
truyện về các nhân vật đức hạnh, nhân vật xấu xa, nhân vật thông minh hay

những chàng ngốc.
Như vậy chính lối tư duy “hiện thực tỉnh táo” đã giúp tác giả dân gian
phát hiện ra một đối tượng mới trong đó có những anh chàng ngốc nghếch,
ngốc không để đâu hết ngốc trong xã hội bởi cuộc sống thì muôn hình vạn
chạng, có người tốt, kẻ xấu, có người thông minh nhưng cũng có người lại rất
ngốc nghếch. Xây dựng thành công hình tượng những anh chàng ngốc, tác giả
dân gian muốn tạo ra tiếng cười trí tuệ, tiếng cười phê phán nhẹ nhàng để vơi
đi nỗi nhọc nhằn sau những giờ lao động vất vả. Những anh chàng ngốc này
là nhân vật chính trong kiểu truyện chàng ngốc
Tóm lại, có thể nói rằng, cơ sở hình thành nên kiểu truyện chàng ngốc
gắn liền với sự ra đời của thể loại truyện cổ tích và đặc biệt là tiểu loại truyện
cổ tích sinh hoạt.
1.2. Các dạng chủ đề trong kiểu truyện chàng ngốc
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Chủ đề là vấn đề cơ bản, vấn đề
trung tâm được tác giả nêu lên, đặt ra qua nội dung cụ thể của tác phẩm văn
học” [6;tr.61]. Qua khảo sát những truyện thuộc kiểu truyện chàng ngốc,
chúng tôi thấy rằng, kiểu truyện chàng ngốc của Việt Nam có hai chủ đề đó
là: chủ đề trí tuệ của con người và chủ đề đạo đức gia đình. Sau đây, chúng tôi
xin đi vào phân tích chi tiết hai chủ đề này để phần nào thấy được những đặc
trưng riêng biệt và độc đáo của kiểu truyện.

13


1.2.1. Chủ đề trí tuệ của con người
Qua khảo sát kiểu truyện chàng ngốc, chúng tôi thấy rằng, kiểu truyện
chàng ngốc thuộc đề tài trí khôn cùng với kiểu truyện về người thông minh
mà đề tài lại là cơ sở hình thành nên chủ đề. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy chủ
đề về trí tuệ của con người là chủ đề chính, xuyên suốt toàn bộ những truyện
kể thuộc kiểu truyện chàng ngốc. Nếu ca ngợi trí tuệ thông minh của con

người là chủ đề chính của kiểu truyện người thông minh thì phê phán trí tuệ
của những anh chàng ngốc là chủ đề chính của kiểu truyện chàng ngốc.
Trong quá trình khảo sát 30 truyện (trong đó có 25 truyện Việt Nam, 5
truyện nước ngoài) thuộc kiểu truyện chàng ngốc, chúng tôi thấy, xung đột
chủ đạo của kiểu truyện chàng ngốc Việt Nam không phải là xung đột xã hội,
xung đột đạo đức mà là xung đột trí tuệ, đó là sự mâu thuẫn giữ cái phi lí và
cái có lí, giữa sự ngốc nghếch và sự thông minh, giữa cái bình thường và cái
bất bình thường. Truyện đi sâu khai thác những hành động trái với quy luật tự
nhiên của chàng ngốc để tạo ra tiếng cười mang tính chất trí tuệ, tiếng cười
phê phán nhẹ nhàng. Và phê phán trí tuệ của những anh chàng ngốc nghếch là
chủ đề xuyên suốt toàn bộ tất cả những truyện cổ tích thuộc kiểu truyện chàng
ngốc. Trong kiểu truyện chàng ngốc, những anh chàng với những hành động
ngốc nghếch trước những sự việc xảy ra trong cuộc sống là nhân vật chính,
nhân vật trung tâm thể hiện chủ đề, tư tưởng của kiểu truyện. Nếu như nhân
vật thông minh là những nhân vật tích cực thì nhân vật ngốc nghếch là nhân
vật tiêu cực. Thực ra, những nhân vật ngốc không phải là đối tượng bị lên án
gay gắt như kiểu nhân vật xấu xa.Thông qua những nhân vật ngốc, tác giả dân
gian muốn gửi gắm mục đích giáo huấn con người, răn dạy con người cần có
những ứng xử hợp lí hơn trước mỗi hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống
phong phú chứ không phải những hành động máy móc, dập khuôn. Ngoài
mục đích giáo huấn kiểu truyện này còn có mục đích để giải trí, phê phán
chàng ngốc cũng chính là để tạo ra những tiếng cười sảng khoái, tạo niềm vui

14


trong cuộc sống của những người lao động vất vả. Kiểu truyện chàng ngốc có
hai xu hướng kết thúc, hoặc là chàng ngốc phải chết hoặc là chàng ngốc gặp
may mắn tìm được hạnh phúc, trở thành người giàu có, khôn ngoan hơn. Dù
là kết thúc theo kiểu nào trong hai kiểu trên thì tác giả dân gian cũng muốn

phê phán những hành động ngốc nghếch đến không thể tin nổi của những
chàng ngốc và gửi vào đó những bài học trí tuệ hết sức sâu sắc cho con người.
Thứ nhất, kiểu kết thúc chàng ngốc phải chết chính là do bản thân ngốc
không hiểu biết, làm việc một cách máy móc thụ động, chỉ biết làm theo lời
người khác chứ không biết suy xét vấn đề một cách kĩ lưỡng, không hiểu gì
về cuộc sống cả. Tác giả dân gian để ngốc chết là hợp với quy luật của cuộc
sống. Chẳng hạn như những truyện: Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện
làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt), Thằng ngốc (dân tộc Hà Nhì) kể về những
anh chàng ngốc máy móc làm theo lời vợ dặn mà không suy xét kĩ lưỡng vấn
đề dẫn đến thất bại hết lần này đến lần khác, cuối cùng phải trả giá bằng chính
tính mạng của mình. Hay có những anh chàng ngốc nghếch đến nỗi không
phân biệt được thế nào là sống, thế nào là chết trong truyện Rủ nhau đi kiếm
mật ong (dân tộc Việt)…. Để ngốc chết không phải vì nhân dân căm giận
hành động ngốc nghếch của ngốc như những hành động của nhân vật xấu xa.
Cái chết của ngốc không phải để thoả mãn sự căm thù muốn loại ngốc ra khỏi
cuộc sống và càng không phải là hậu quả của sự trừng phạt. Cái chết của ngốc
là để khắc sâu bài học kinh nghiệm sống của con người, cần phải có nhưng
ứng xử linh hoạt sao cho phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống. Nếu con người
làm việc một cách máy móc, không làm chủ được những suy nghĩ và hành
động của mình thì tất yếu sẽ gặp thất bại.
Thứ hai là kiểu kết thúc khá tốt đẹp dành cho chàng ngốc, hoặc là được
giúp đỡ để trở thành người khôn ngoan hơn hoặc giành chiến thắng nhờ sự
may mắn, sự nói mò mà trúng, nói khoác gặp thời. Chẳng hạn trong truyện
Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu (dân

15


tộc Việt), Anh chàng ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi học (dân tộc
Nùng)… nhờ có những người vợ thông minh, hiểu chuyện, kiên nhẫn, chịu

đựng những lời mỉa mai, chấp nhận với hạnh phúc mình đang có mà dạy dỗ
chồng trở nên người khôn ngoan hơn, thậm chí đỗ trạng nguyên. Hay trong
truyện Chàng ngốc được kiện (dân tộc Việt) vì ngốc quá nên anh ngốc luôn bị
lừa, mười năm đi ở cho lão trọc phú chỉ được ba nén vàng giả. Rồi hắn hí
hửng muốn đi du ngoạn khắp nơi, đi đến đâu người ta cũng gạ hắn đổi lấy sáu
nén bạc, rồi bó giấy dó, rồi một cái chong chóng tre và bốn con niềng niễng
có đôi cánh xanh đỏ như “ngọc lưu li”. Thế nhưng kết thúc câu chuyện, ngốc
được vua ban thưởng một chức quan trong triều đình và sống cuộc đời giàu có
sung sướng. Ngoài ra còn nhiều truyện khác như Chàng ngốc săn hươu (dân
tộc Hà Nhì) ngốc kiếm được bao nhiêu của cải từ bọn cướp hay Chàng ngốc
học khôn (dân tộc Việt), Chàng ngốc học khôn (dân tộc Giáy) nhờ nói mò
mấy câu văn chương học lỏm mà cuối cùng giành lại được vợ… Dẫu ngốc có
được hưởng hạnh phúc, may mắn thì đó cũng không phải là sự đền đáp hay
ưu ái nào của nhân dân. Cái quan trọng là dẫu ngốc có được may mắn, hạnh
phúc thì nhân dân cũng vẫn phê phán sự kém hiểu biết, thụ động, máy móc
của chàng ngốc.
Những chàng ngốc, họ không phải là những kẻ xấu xa, độc ác, không bao
giờ có dã tâm muốn hại người khác. Nếu vô tình làm hại ai đó thì cũng chỉ là do
sự ngốc nghếch gây nên thôi. Chính vì vậy, khi xây dựng những nhân vật ngốc có
kết cục như thế nào, tác giả dân gian cũng chỉ muốn hướng tới một mục đích tạo
tiếng cười giải trí, tiếng cười phê phán nhẹ nhàng sự ngốc nghếch của họ nhằm
đúc rút những bài học kinh nghiệm sống cho con người.
1.2.2. Chủ đề đạo đức gia đình
Bên cạnh chủ đề về trí tuệ của con người, kiểu truyện chàng ngốc trong
truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam còn có một chủ đề nữa đó là chủ đề đạo
đức gia đình. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt: “Đạo đức là đường lối

16



phải theo để duy trì trật tự xã hội, nề nếp gia đình, nhiệm vụ đối với bản thân”
[14;tr.27]. Quan niệm đạo đức của người Việt được thể hiện bằng những việc
làm cụ thể, được giáo dục từ trong gia đình đã trở thành truyền thống tốt đẹp
của dân tộc. Truyện cổ tích sinh hoạt đã phản ánh truyền thống đó bằng
những câu chuyện sinh động, hấp dẫn, chinh phục trái tim người đọc. Qua
nghiên cứu, khảo sát truyện, chúng tôi thấy, chủ đề đạo đức gia đình trong
truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam là một chủ đề lớn và đây cũng là một chủ
đề xuất hiện trong kiểu truyện chàng ngốc. Tuy không phải là chủ đề chính
của tất cả kiểu truyện chàng ngốc nhưng đây cũng là chủ đề rất đáng quan
tâm, tìm hiểu. Nội dung chủ yếu đó là xoay quanh mối quan hệ vợ chồng, đó
là những anh chồng ngốc nghếch luôn được đặt trong mối quan hệ với người
vợ thông minh, giỏi giang.
Với chủ đề đạo đức gia đình của kiểu truyện chàng ngốc, chúng tôi thấy
có hai xu hướng:
Thứ nhất là hướng đến ngợi ca tình cảm thuỷ chung, tình yêu thương
của hai vợ chồng dành cho nhau. Bên cạnh đó còn ngợi ca nghị lực, sự hi
sinh, vượt qua mọi thử thách khó khăn để gìn giữ hạnh phúc, biết chấp nhận
và bằng lòng với hạnh phúc mình đang có của các cặp vợ chồng. Chẳng hạn
như trong truyện Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa nhài cắm
bãi cứt trâu (dân tộc Việt), Anh chàng ngốc (dân tộc Việt), Chàng ngốc đi học
(dân tộc Nùng)… đều kể về những anh chàng ngốc không để đâu hết ngốc, dù
có cô vợ thông minh hết lòng vẽ đường chỉ lối cho chồng làm ăn nhưng ngốc
vẫn hoàn ngốc, hết lần này đến lần khác thất bại khiến người vợ bị người đời
mỉa mai. Vợ ngốc tủi thân định ra sông tự tử nhưng khi thấy có người còn
ngốc hơn chồng mình như dùng sàng múc nước hay mò kim dưới nước, mang
giỏ thủng đựng cá, nàng bỏ ý định tự tử quay về nhà quyết tâm dạy dỗ chồng
trở thành người khôn ngoan hơn. Ngoài ra còn nhiều truyện khác như Cuộc
phiêu lưu của anh chàng ngốc hay truyện làm theo lời vợ dặn (dân tộc Việt),
Tù lì tám tiền (dân tộc Việt), Chàng ngốc săn hươu, Thằng ngốc (dân tộc Hà


17


Nhì)… đều xoay quanh mối quan hệ vợ chồng, những cô vợ dù ra sức chỉ bảo
chồng nhưng anh chồng vẫn không làm nổi việc gì nên hồn khiến họ vừa rất
bực mình nhưng cũng rất thương chồng. Đặc biệt trong truyện Tù lì tám tiền
kể về anh chàng rất thương yêu vợ nhưng ngốc nghếch. Người chồng không
thông minh ấy đã liên tục đến bên giường vợ lúc ốm để hỏi: Mình ăn gì để tôi
mua. Đang ốm bực mình vì bị hỏi nhiều, người vợ liền đáp: Ăn cái con tù lì.
Nghe thấy thế, người chồng ra chợ tìm mua con tù lì. Anh ta đã đi tìm đi hỏi
khắp các chợ: chợ trên, chợ dưới, chợ Đông, chợ Đoài để tìm mua con tù lì
cho vợ trong nhiều ngày mà không tìm mua được con tù lì nào. Trên đường đi
anh gặp phải nhiều chuyện xảy xa với mình: như mất khố đi tìm ở đám ma,
khóc ở đám cưới, gặp hai mẹ con con hổ thì xông vào bắt... Do ứng xử vụng
dại mà bị đánh, bị mắng bị hổ vồ suýt mất mạng. Song tất cả những điều đó
không làm anh từ bỏ ý định mua con tù lì. Cuối cùng anh mua con mèo nhầm
tưởng con tù lì. Người chồng về đến cổng đã reo to: Tôi mua được tù lì đem về
cho bu nó ăn không nào. Người vợ bật dậy, vừa giận chồng vừa xấu hổ với mọi
người vừa rất thương chồng đã cất công lặn lội mua con tù lì. Người nghe thấy
được sự hồn nhiên, tình cảm chân thành của người chồng dành cho vợ. Người vợ
đã cảm nhận được tình yêu thương mà chồng dành cho. Câu chuyện không chỉ
kể về những hành động ngốc nghếch của chàng ngốc mà còn thể hiện hạnh phúc
giản đơn trong gia đình. Niềm vui hiện lên trên gương mặt người chồng khi mua
được con tù lì và nụ cười của vợ khi nhận được con tù lì.
Tất cả những câu chuyện trên đều thuộc chủ đề đạo đức gia đình và đều
thiên về ngợi ca tình cảm chân thành, thuỷ chung của vợ chồng chàng ngốc
dành cho nhau. Dù anh chồng có những hành động ngốc nghếch những họ rất
yêu vợ, yêu vợ chân thành và những cô vợ cũng rất thương chồng dù rất bực
mình với những hành động xuẩn ngốc của chồng nhưng họ vẫn đồng lòng
chấp nhận khó khăn trong cuộc sống cùng chồng giữ gìn hạnh phúc mình

đang có.
Thứ hai, trong những truyện chàng ngốc có chủ đề đạo đức gia đình,
chúng tôi còn thấy một số truyện phê phán những cô vợ không có nghị lực

18


cùng chồng vượt qua khó khăn của cuộc sống mà khi thấy chồng mình quá
ngu dốt thì buồn rầu, chán nản bỏ chồng về nhà bố mẹ đẻ và lấy một người
giỏi giang, thông minh, giàu có hơn chồng. Nhưng cuối cùng thấy ngốc nói
được mấy câu học lỏm của người khác rồi tưởng chồng không còn ngốc nữa
thì lại quay về xin chồng tha lỗi và theo chồng về. Chẳng hạn như trong
truyện Chàng ngốc học khôn (dân tộc Việt), Chàng ngốc học khôn (dân tộc
Giáy)… Trong truyện Chàng ngốc học khôn (dân tộc Việt), anh chồng ngốc
lấy được một cô vợ thông minh, xinh đẹp nhưng khi bố mẹ ngốc chết, vợ
ngốc vô cùng chán nản vì lấy phải anh chồng ngốc và cô ta bỏ ngốc về nhà bố
mẹ đẻ, rồi có ý muốn lấy một người chồng giàu có, thông minh hơn ngốc. Về
phần ngốc do qua đần độn, ngốc nghếch không biết làm gì để khuyên bảo vợ
ở lại cũng chẳng nghĩ đến việc thưa kiện. Anh ta cứ để cho đôi bên tổ chức
đám cưới. Phải đến khi được những người hàng xóm báo tin vợ ngốc sắp lấy
chồng và khuyên ngốc đi học khôn thì ngốc mới lên đường đi học khôn. Ngốc
đến đâu nghe thấy ai nói gì cũng nhẩm học thuộc. Và khi đến đám cưới của
vợ, ngốc nhớ lại và đọc những câu đó trước mọi người. Bố mẹ vợ và vợ ngốc
khi chứng kiến những điều ngốc nói trong đám cưới rất văn chương, hàm ý vì
thế rất sợ ngốc đi kiện quan. Cuối cùng, vợ của ngốc phải quay về với chồng
ngốc. Việc vợ ngốc quay về với ngốc không phải vì tình yêu chồng mà vì sợ
bị kiện cáo, sợ bị mang tiếng là phản bội, bỏ chồng lấy kẻ giàu sang, quyền
quý. Qua những câu chuyện này, tác giả dân gian muốn phê phán những
người vợ dễ thay lòng đổi dạ, ham tiền bạc, giàu sang, quyền thế mà dễ dàng
bỏ chồng, không biết cùng chồng vượt qua khó khăn của cuộc sống để gìn giữ

hạnh phúc gia đình.
Như vậy, qua khảo sát những truyện thuộc kiểu truyện chàng ngốc,
chúng tôi thấy, chủ đề đạo đức gia đình xoay quanh mối quan hệ vợ chồng
cũng là chủ đề chiếm tỉ lệ khá lớn trong kiểu truyện chàng ngốc của Việt Nam
bên cạnh chủ đề trí tuệ con người.

19


×