Sự tích hoa mẫu đơn
Ngày xưa ở một làng miền núi có một bà mẹ. Bà mẹ sinh được mười người con trai. Làng của mẹ bị giặc
chiếm đóng. Người cha của mười anh con trai bị giặc giết ngay từ ngày đầu tiên, khi chúng tiến vào làng.
Mười người con trai của bà vào đội quân chống giặc ở trong núi. Người con trai cả là chủ tướng của đội
quân. Đội quân nay đã làm cho bọn giặc thất điên bát đảo. Đã nhiều lần giặc mở những trận càn quét mà
không sao tiêu diệt được đội quân của cái làng bé nhỏ ấy.
Tên tướng giặc sai quân bắt bà mẹ đến, hắn bảo:
- Này mụ già, mụ hãy khuyên các con mụ trở về. Ta sẽ cho con mụ làm tướng. Bằng không, ta sẽ giết mụ.
Bà mẹ nhìn thẳng vào mắt tên tướng giặc, nói lớn:
- Hỡi quân độc ác! Hẳn nhà ngươi cũng có một bà mẹ. Mẹ ngươi chắc không bao giờ dạy người phản bội
lại quê hương. Là một người chân chính, ta cũng không thể dạy các con ta phản bội lại quê nhà.
Bọn giặc trói mẹ trên một ngọn đồi rồi cho quân mai phục hòng bắt được những người con của mẹ đến cứu.
Chúng bảo bà mẹ hãy đứng dậy mà gọi con, chúng sẽ tha. Tiếng người mẹ:
- Hỡi các con của mẹ! Hỡi những người con của quê hương. Ta nhân danh người mẹ, ra lệnh cho các con
không được vì ta mà phản bội quê hương.
Mệnh lệnh của người mẹ là mệnh lệnh trái tim, mệnh lệnh của tình yêu vĩ đại. Mệnh lệnh đó lan khắp núi
rừng. Bọn giặc run sợ. Những người con của mẹ thì thêm sức mạnh chiến đấu. Giặc bịt miệng bà mẹ.
Chúng đổ nhựa thông và nhựa trám lên đầu bà và châm lửa đốt. Ngọn lửa cháy sáng cả một vùng
Khi bọn giặc đi rồi, dân làng lên đồi tìm chỗ bà mẹ bị hành hình, người ta thấy trái tim của người mẹ vẫn
nguyên vẹn và nóng bỏng. Dân làng chôn mẹ ngay trên đỉnh đồi. Đêm đêm, từ ngôi mộ, trái tim mẹ vẫn
phát sáng cả một vùng trời.
Mùa xuân đến. Từ ngôi mộ, trái tim ấy mọc lên một cái cây. Cây ra hoa. Bông hoa đỏ chót hình ngọn lửa
bốc lên từ trái tim người mẹ. Và cũng từ ngày ấy có một loại hoa mang tên Mẫu Đơn. Cây hoa tượng trưng
cho người mẹ đã chiến đấu bằng một trái tim.
Chú thỏ tinh khôn
Từ ngày xửa ngày xưa đồng bào người Việt gốc Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn thường kể
chuyện về một chú thỏ tinh khôn. Chuyện của chú nhiều và dài lắm, vì trí khôn của chú lớn và chiến công
của chú kể hết năm này qua năm khác không thể hết được.
Một hôm thỏ đang nằm ngủ dưới một gốc cây sung. Bỗng một quả sung chín rụng rơi đánh bốp một cái
giữa đầu thỏ. Vốn nhát, thỏ giật bắn mình chồm dậy và chạy. Chạy như gió cuốn, chạy như bay. Hổ thấy
thỏ chạy thì cản đường hỏi tại sao thỏ chạy. Thỏ trợn mắt nói:
- Không chạy thì chết mất ngáp. Đất đang sụt dưới chân ầm ầm kia kìa Chạy đi thôi
Hổ nghe hoảng hồn, cũng cắm đầu chạy đứt hơi đuổi theo thỏ. Nhưng hổ làm sao mà đuổi kịp.
Thỏ chạy trước còn hổ thì vừa chạy vừa thở phì phò như kéo bễ. Thần Gió Giêvata cười phì bảo:
- Hổ ơi sao mày to xác thế mà để thằng thỏ nhãi ranh nó lừa mày. Đất có bao giờ sụt đâu mà cần phải chạy.
Nghe thần gió, hổ tin ngay liền tìm thỏ để trừng phạt cho bõ tức. Nhưng thỏ bình tĩnh hỏi:
- Bác hổ ạ, bác ăn thịt cháu cũng được thôi, nhưng phiền một nỗi là toàn thể loài vật vừa bầu cháu làm vua
rồi. Bác từ nay cũng phải coi cháu là vua. Nếu bác không tin bác cứ thử đi với cháu mà xem. Chắc hơn hết
bác cứ để cháu ngồi lên lưng, ta đi dạo một vòng, nếu không đúng là các loài sợ oai vua của cháu thì bác cứ
việc ăn thịt.
Hổ ngờ ngệch bằng lòng cõng thỏ đi một vòng rừng, đi đến đâu trăm loài đều sợ sệt bỏ chạy. Họ chạy vì hổ
mà hổ cứ tưởng họ sợ oai thỏ thật. Lúc ấy thỏ mới ra oai quát hổ rằng:
- Nhà ngươi thấy chưa! Trăm loài trong rừng đều sợ ta. Thế mà nhà ngươi còn dám láo với ta. Lần này thì
ta tha, vì nhà ngươi chưa biết oai của ta là vua của núi rừng, lần sau ta sẽ trị tội nghe không!
Hổ sợ quá đành vâng lời.
Lừa hổ xong, thỏ cũng bỏ trốn luôn, nhưng vì bụng đói, thỏ muốn trở lại bãi cỏ xanh non bên bờ suối. Thỏ
đã định phóng mình chạy ra đấy nhưng chợt nhớ lần trước mình đã lừa cá sấu nếu ra cá sấu có thể giết chết
mình mất. Thỏ sợ đành gậm cỏ trong rừng vừa già vừa khô. Ăn mãi chán quá, thỏ tự nhủ có thể cá sấu quên
chuyện cũ rồi chăng. Ra đến nơi thấy cá sấu bận ngủ không để ý gì đến thỏ, thỏ càng tin là cá sấu đã quên
chuyện cũ thật. Ai ngờ cá sấu cũng rất cao tay, lừa thỏ đến gần bèn chẳng nói chẳng rằng há mồm ra đớp
gọn, chỉ còn chờ nuốt vào trong bụng nữa là hết đời con thỏ tinh khôn. Thỏ sợ quá, rụt rè hỏi:
- Này bác cá sấu, bác có định ăn thịt cháu thì ăn nhanh lên cứ ngậm mãi làm gì, cháu sợ lắm.
Cá sấu cười mím miệng:
- Hút hút hút tao sẽ làm cho mày sợ chết khiếp chết khiếp chết khiếp trước khi nuốt mày vào
bụng hút hút hút
Thỏ nhận ngay ra rằng muốn giữ mồm, mõm cá sấu dài phải mím chặt nên chỉ cười hút hút được mà
thôi Thế là thỏ ta cười vang:
- A ha, buồn cười quá buồn cười quá cá sấu ngọng nên cứ phải kêu hút út làm sao ta sợ được
Muốn ta sợ mày phải cười ha ha cơ chứ thế này thì buồn cười đến đứt ruột mất thôi.
Cá sấu tức quá quát:
- Tao mà ngọng à thằng thỏ ranh nghe đây dỏng tai mà nghe ta cười đây ha ha ha
Để cười ha ha cá sấu phải ngoác miệng ra, thế là lập tức thỏ nhảy tót ra khỏi mệng cá sấu và quay lại dạy cá
sấu rằng:
- Này thằng cá sấu ngu ngốc kia Nghe đây Từ nay trong miệng đang ngậm mồi thì chớ có cười ha ha
nghe không
Dứt lời thỏ chạy vào rừng.
Một lần có người muốn thử tài của thỏ, bèn đưa cho thỏ một cái đơn kiện vô cùng tối nghĩa. Đơn viết rằng:
"Cách đây ít lâu, có người lấy trộm của tôi một con trâu. Không phải trâu đực cũng không phải trâu cái.
Không phải năm ngoái cũng không phải năm nay, người lấy không phải họ hàng, cũng không phải người
ngoài".
Thỏ chuyển đơn kiện lên các quan, các quan đều ngơ ngác chẳng thể nào hiểu được lá đơn kiện nói gì, phải
nhờ thỏ giảng giải rằng:
- Vụ mất xảy ra vào đêm ba mươi Tết. Vì đêm đó có thể gọi là đêm cuối cùng của năm ngoái, nhưng cũng
có thể coi là ngày đầu tiên của năm nay. Còn con trâu bị mất trộm không phải là trâu đực cũng không phải
là trâu cái chỉ có thể là trâu thiến. Mà kẻ lấy trộm dứt khoát là thằng rể. Vì chỉ có thằng rể mới không phải
là người trong nhưng lại không phải là người ngoài họ.
Nghe thỏ giải thích các quan toà đề phải kính phục. Lúc đó, quan toà đang đau đầu về một vụ kiện không
cách nào xử được, vội xin thỏ xử giùm. Vụ kiện đầu đuôi như sau:
Có một người cưới vợ. Anh ta yêu quý vợ đến nỗi suốt ngày chẳng muốn rời nửa bước. Nhưng rồi đến buổi
loạn ly anh phải đăng lính, không đi không được. Người vợ tiễn chồng đi hết đường này đến đường khác
không nỡ rời tay. Đến mãi gốc cây đa kia, người chồng mới dừng lại tâm sự biết bao nhiêu điều, mãi đến
khi trống thúc quân vang dậy, loa thét động trời, người chồng mới đành dứt áo ra đi. Không ngờ ở gốc đa
có một con yêu tinh. Nó nghe hết mọi điều tâm sự của hai vợ chồng, lại thấy người vợ xinh đẹp, nó đành
nghĩ ra một kế độc. Vài hôm sau nó bèn giả dạng thành người chồng vác gươm, giáo về quê hương nói rằng
vua không bắt lính nữa. Vì biết tất cả mọi điều riêng tư của hai người nên con yêu tinh làm cho người vợ cứ
yên trí đây là chồng mình thật không một chút nghi ngờ gì.
Người chồng sau một thời gian chinh chiến được hồi hương, anh mừng lắm vội vã về nhà đập cửa gọi vợ.
Người vợ mở cửa thì thấy lạ quá, ngoài cửa cũng là chồng mình. Người chồng trong nhà quát hỏi người
chồng ngoài cửa rằng:
- Mày ở đâu mà dám giả dạng là tao để nhận xằng vợ tao.
Người chồng mới về uất ức vặn lại:
- Người đàn bà này chính là vợ tao, tao mới cưới được vài ngày thì phải đăng lính. Mày ở đâu đến mà dám
nhận xằng vợ tao là vợ mày.
Hai bên cãi nhau chẳng bên nào chịu bên nào, đến người vợ cũng đành chịu, vì hai người giống nhau quá,
không thể nào phân biệt được ai là chồng thật ai là chồng giả.
Việc đưa lên quan, quan cũng đành chịu. Vừa may có thỏ ta nổi tiếng quan toà, nên chính quan toà nhờ thỏ
xử hộ.
Thỏ bèn hỏi hai người chồng rằng:
- Ai là chồng thật của người đàn bà này?
Cả hai người đều tranh nhau nhận. Thỏ gật gật đầu ra vẻ suy nghĩ rồi bảo cả hai người rằng:
- Nếu là chồng thật thì phải biết trong cái hũ nào của vợ giấu một viêm kim cương. Chị vợ đâu mang hết hũ
nhà chị ra đây!
Người vợ ngạc nhiên vì mình có giấu kim cương vào hũ bao giờ đâu, nhưng nghe lệnh của thỏ, chị cũng
đành khuân hết các hũ nhà mình ra trước toà. Bấy giờ thỏ mới bảo rằng:
- Ai trong hai người không dùng tay, không được chạm vào hũ mà chui vào trong hũ ngậm được viên kim
cương ra thì người đó chính là chồng người đàn bà này.
Nghe lệnh như thế, quỷ ta mừng lắm, bèn rùng mình, chui ngay vào hũ đầu tiên, thỏ ta bèn ra lệnh cho
người chồng thật bịt ngay miệng hũ lại, mang vứt xuống sông. Quan toà ngơ ngác, thì thỏ cười mà rằng:
- Phải vứt nó đi thôi, giam nó vào hũ vì nó là yêu tinh. Chỉ yêu tinh mới có thể chui vào trong hũ. Thôi hai
vợ chồng anh về nhà đi. Đừng chần chừ ở đây mà quan toà ác hơn cả yêu tinh lại cướp mất vợ của anh, thì
thỏ tôi cũng đành bó tay không còn cách gì giúp nữa đâu.
Dứt lời thỏ nhảy tót vào rừng làm cho đám quan toà tức điên lên mà chẳng kịp làm gì cả
Nàng Ngón Út
Phạm Xuân Thông – Thiên Sanh Cảnh kể
Xưa có một nhà nọ, tuy hai vợ chồng tuổi đã ngoài bốn mươi nhưng không con. Hai người rất lấy làm buồn
phiền về sự hẩm hiu của mình.
Một hôm, hai vợ chống bàn với nhau sắm lễ vật đến tháp cầu con. Họ khấn rằng:
- Cúi lạy thánh thần, xin ngài xuống phước cho chúng con, ban cho một đứa con, dù là gái, xấu xí bé nhỏ
cũng được, vì chúng con tuổi mỗi ngày một già mà không có tiếng trẻ làm vui.
Sau đó mấy hôm thì người vợ quả nhiên có nghén. Bà nói cho người chồng biết. Hai vợ chồng rất lấy làm
vui mừng. Họ ngày đêm hy vọng đứa bé sắp ra đời sẽ khôn ngoan, xinh đẹp hơn các đứa bé khác.
Nhưng lạ thay, đã mười tháng mà chưa chuyển dạ. Rồi hai năm qua, ba năm trôi qua. Hai vợ chồng rất lo
sợ, buồn phiền.
Rồi cũng đến ngày bà chuyển dạ. Bà sinh ra một bé gái chỉ bằng ngón tay út. Hai vợ chồng nhìn con mà
lòng đau như cắt. Tuy nhiên, họ cũng hy vọng rồi đứa bé sẽ lớn dần.
Hai vợ chồng đặt tên cho con gái là Ka Điêng. Từ ngày sinh Ka Điêng, hai vợ chồng ít đi thăm bà con hàng
xóm. Họ thấy tủi hổ về đứa con quái dị.
Thấm thoắt đã được mười sáu năm, đứa bé vẫn không lớn lên thêm được tí nào, nhưng cũng biết nói, biết đi
như người thường. Hai vợ chồng già ngày càng buồn chán và lo sợ. Họ càng than phiền về số phận hẩm hiu
của mình.
Rồi một hôm, hai vợ chồng to nhỏ bàn với nhau tìm cách bỏ chết đứa bé. Người chồng trước mặt vợ thì
thuần tình đem đứa bé bỏ vào rừng sâu, gửi nó cho thú dữ, nhưng khi nhìn lại đứa con ruột thịt thì không
nỡ lòng.
Đêm hôm ấy, người chồng lén sắp cơm gạo, mắm muối đủ chừng một tháng. Sáng hôm sau ông gạt nước
mắt bồng con gái vào rừng, cùng với số lượng đồ dự trữ hồi đêm ông đã dấu ngoài bụi. Vào đến rừng sâu,
ông chặt cây làm một cái chòi nhỏ. Dựng xong chiếc chòi thì trời đã quá trưa. Ông lấy gói cơm mở ra rồi
hai cha con cùng ăn. Đang ăn. Ka Điêng thấy cha tự dưng nước mắt chảy ròng bèn hỏi:
- Ơ kìa, tại sao cha lại khóc, hay cha sợ thú rừng?
Người cha nhìn con ngậm ngùi rằng:
- Cha không sợ thú rừng đâu con ạ! Cha khóc vì một lát nữa hai cha con sẽ tạm xa nhau. Mẹ con từ khi sinh
con đến nay đã mười sáu năm, nhưng không lúc nào được khuây khoả, vì con không được như những đứa
con hàng xóm, mặc dù cha mẹ đã hết lòng chăm sóc con. Cha mẹ nghĩ không nở tâm, nhưng không còn
cách nào hơn. Nay cha dựng cho con cái chòi này, cùng miếng rẫy kia, để con trồng dưa sống tạm qua
ngày. Thỉnh thoảng cha sẽ đến thăm con. Cha cầu trời phù hộ cho con được an lành, thoát khỏi các tai hoạ.
Nàng Ka Điêng nghe cha nói vậy cũng mủi lòng. Thế rồi hai cha con ngậm ngùi chia tay.
Từ khi đem con vào rừng sâu, thỉnh thoảng cha nàng lại ghé thăm và chăm sóc đám dưa dùm Ka Điêng.
Với ngày tháng, Ka Điêng vẫn sống bình thường, rẫy dưa hấu ngày một tốt tươi và ra hoa kết quả.
Một hôm, có một hoàng tử dẫn đoàn quân đi săn bắn. Khi trở về, đoàn quân đi qua đám dưa của nàng Ka
Điêng. Đoàn quân lấy làm lạ không hiểu tại sao giữa nơi rừng sâu này lại có trơ trọi mỗi rẫy dưa. Họ muốn
ghé vào hái ăn. Nhưng thấy vắng chủ, bèn đến trình hoàng tử, và xin vào hái trái ăn đỡ khát. Nghe nói có
rẫy dưa hấu tốt quả ở chốn rừng sâu, hoàng tử đích thân vào đám dưa xem thử chủ rẫy là ai. Hoàng tử nhìn
thấy những trái dưa to thì làm lạ lắm. Nhưng chưa gặp được chủ dưa nên chưa dám hái. Chàng hái thử một
trái bổ ra ăn nếm. Mới ăn được nửa trái, hoàng tử đã thấy no, dưa rất ngọt mà lại nhiều nước. Nửa còn lại
hoàng tử đành bỏ đấy.
Chờ cho đoàn người lạ đi khỏi, nàng Ka Điêng mới từ chỗ nấp ra thăm dưa. Thấy nửa trái dưa bỏ dở còn đỏ
tươi, nàng thấy tiếc, bèn nhặt lên ăn nốt.
Từ khi Ka Điêng ăn nửa quả dưa thừa ấy, người nàng tự nhiên trở nên khác thường. Nàng đã thụ thai.
Một năm sau, Ka Điêng sinh ra một bé trai mặt mày rất khôi ngô tuấn tú. Nàng không còn quạnh hiu như
lúc trước. Mặc dù không biết người cha của đứa bé là ai nhưng nàng vẫn cảm thấy vui sướng.
Bẵng đi hơn một năm trời. Một hôm hoàng tử lại đem quân đi săn bắn. Lúc đi ngang rẫy dưa năm trước
bỗng chàng nghe có tiếng hát ru con với giọng buồn quyến rũ, mà lại như oán than. Hoàng tử lấy làm lạ,
định vào nhưng trời sắp tối, nên chàng lưỡng lự. Tiếng hát não nề cứ cất lên, khiến cho hoàng tử càng mê
mẫn không đành rời bước. Hoàng tử quyết ở lại để tìm xem ai mà có tiếng hát quyến rũ lòng người đến thế.
Nàng Ka Điêng vừa trông thấy một chàng trai xinh đẹp từ xa đang xăm xăm bước tới chỗ mình, liền liền bỏ
con trên nôi mà lẫn trốn. Hoàng tử bước vào chòi tranh thấy đứa bé đang nằm trên nôi một mình. Nhìn đứa
bé, hoàng tử tự nhiên thấy mình yêu nó lạ lùng. Không cón do dự, chàng bèn cuối xuống bồng đứa bé lên
hôn. Chàng ẵm đứa bé đi quan chòi tìm ngóng tìm xem mẹ đứa bé ở đâu, mà mãi vẫn không thấy. Rồi trời
sập tối lúc nào không rõ. Còn về nàng Ka Điêng, khi nhìn thấy chàng trai lạ ẵm con mình thì định ra giành
lấy, nhưng lại thôi vì sợ người lạ thấy mặt, xấu hổ. Nàng nhìn lên chàng trai thì rất ngạc nhiên, vì thấy mặt
con mình giống chàng như một. Nàng suy nghĩ, nhưng lại cảm thấy vô lí, vì nàng chưa hề chung đụng với
chàng cũng như với bất cứ người con trai nào bao giờ.
Đang miên man suy nghĩ thì đứa bé khóc ré lên, nàng hốt hoảng bối rối, bèn lên tiếng:
- Xin người khách hãy trả đứa bé vào nôi cho tôi. Và xin khách lạ vui lòng đi khỏi chòi tranh xấu xí này.
Nghe có tiếng người, hoàng tử đưa mắt tìm tứ phía, nhưng vẫn chẳng thấy ai cả. Hoàng tử bèn lên tiếng:
- Hỡi người mẹ đứa bé khôi ngô tuấn tú này, hãy vui lòng cho tôi thấy mặt, dù chỉ một đôi chút cũng cam
lòng. Nếu nàng từ chối thì tôi sẽ ở trọn đêm nay lại đây, ngày mai tôi sẽ bắt luôn đứa bé đem về.
Nàng Ka Điêng nghe hoàng tử nói vậy bèn từ chỗ nấp bước ra. Hoàng tử hết sức ngạc nhiên khi thấy một
người đàn bà vô cùng bé nhỏ mà lại là mẹ của một đứa bé to lớn như những đứa trẻ con khác. Mãi một lúc
sau hoàng tử mới ngẫm nghĩ và nói:
- Nói thật cùng em, ý anh đã quyết, dù có gian lao cực nhọc đến đâu anh cũng cam lòng cùng chung sống
với em và đứa trẻ khôi ngô này. Mong em đừng từ chối, biết đâu đấy chẳng là duyên trời định.
Nàng Ka Điêng lấy làm cảm động bởi những lời lẽ chân tình của chàng, nên bằng lòng chấp nhận cuộc kết
nghĩatrăm năm. Hai người nên vợ nên chồng từ đó.
Việc hoàng tử lấy một người vợ vô cùng nhỏ bé dần dần đã đến tai vua cha và hoàng hậu, cùng hai người
anh.
Một hôm, hai người anh vào tâu vua cha để tìm cách ly gián hoàng tử với nàng Ka Điêng, vì cho rằng Ka
Điêng là một yêu quái hiện hình, dùng tà thuật mê hoặc em mình, biết đâu chẳng có ngày nó lại làm đổ
triều chính gia phong.
Nghe hai hoàng tử nói có lý, một hôm nhà vua cho gọi cả ba con trai lại, rồi truyền rằng:
- Ta truyền cho các con, nội trong bảy hôm, các con hãy dẫn đến cho ta nhìn mặt ba nàng dâu cùng với lễ
vật. Mỗi người con dâu phải mang cho ta một bộ y phục, gồm đầy đủ hia mũ, áo quần, cùng quà bánh. Nếu
lễ vật của ai vừa ý ta thì sẽ nhường ngôi, nhưng nếu ai không tuân lệnh thì sẽ bị nghiêm trị không dung thứ.
Hoàng tử út nghe lệnh vua ban khắc khe như vậy thì rất lo sợ. Chàng lấy làm chán nản không muốn trở lại
chòi tranh, nhưng lại nhớ đến đứa bé và người vợ, nên đành quay gót trở về.
Nàng Ka Điêng thấy chồng trở về với bộ mặt lo buồn, thì hỏi:
- Hình như chàng có điều gì sầu muộn, chẳng hay tại triều nội có việc gì? Chàng có thể cho em biết được
chăng?
Hoàng tử bèn thuật lại cho vợ nghe những điều mà vua cha vừa ban. Nghe xong câu chuyện, nàng Ka
Điêng mỉm cười với chồng:
- Xin chàng đừng buồn, em sẽ lo liệu mọi việc chu toàn. Xin chàng chớ bận tâm về những chuyện nhỏ mọn
ấy.
Hoàng tử nghe nàng nói mà lòng vẫn hồ nghi, nhưng không còn cách nào khác, nên cũng yên lòng chờ
xem.
Sắp đến ngày hẹn mà vẫn chưa thấy vợ sắm sửa được gì, hoàng tử càng sốt ruột. Nàng Ka Điêng thấy
chồng không được bình tâm chỉ cười mà không nói gì, nên chàng càng thêm lo lắng.
Đến ngày hẹn, hoàng tử vô cùng bối rối, lo nghĩ. Chàng định nói với vợ về những lo lắng của mình, thì
bỗng trong chớp mắt hiện lên một người con gái vô cùng xinh đẹp đứng mỉm cười trước mặt chàng. Nàng
Ka Điêng đã hiện nguyên hình. Nàng cười nói với hoàng tử:
- Chàng không nhận ra em ư? Em là Ka Điêng vợ chàng đây. Chúng ta hãy sớm lên đường về kinh kẻo
muộn, phiền đến vua cha cùng các anh trông đợi.
Lúc bấy giờ hoàng tử vẫn chưa hế ngạc nhiên, nhưng cũng rất sung sướng. Hai vợ chồng vội vàng sắm sửa
lễ vật cùng hành trang để lên đường về kinh. Tại triều nội, đức vua và hoàng hậu ngừ trên ngai vàng, hai
bên đủ mặt bá quan văn võ. Nhà vua cho gọi từng người con lên dâng lễ. Đầu tiên là hai vợ chồng anh cả,
rồi tiếp đến vợ chồng hoàng tử hai. Cả hai đôi vợ chồng người anh đều dâng mũ, áo, quà bánh, nhưng đều
bị vua cha và hoàng hậu loại, vì quà bánh thì không có gì lạ và ngon hơn những loại vua và hoàng hậu đã
từng ăn, áo mũ thì cũng không có cái nào vừa cả.
Đến lượt hoàng tử út, đức vua và hoàng hậu vừa trông thấy vợ chàng thì tưởng như có tiên nga giáng thế.
Vua cha và hoàng hậu cùng bá quan phải trầm trồ khen ngợi vì sắc đẹp của nàng. Khi nàng Ka Điêng dân
quà bánh lên, vừa mở ra, mùi vị đã bốc lên ngào ngạt. Vua cha và hoàng hậu dùng bánh của nàng rất ngon
lành. Đến bộ cẩm bào, món đồ quý giá toàn là trân châu, mã não, vua xỏ thử thì thứ nào cũng vừa như in.
Dùng thử xong mọi thứ đâu đấy, vua cha hỏi cô con dâu út:
- Con hãy tâu cho cha rõ tên và ý nghĩa của hai loại bánh này?
Nàng Ka Điên cúi đầu thưa:
- Muôn tâu đức phụ hoàng và mẫu hậu, bánh hình tròn màu đỏ gọi là Sakaya làm bằng trứng gà và đường,
chưng cách thuỷ, tượng trưng cho thần thái dương hệ, ví như phụ hoàng, thuộc về dương. Còn loại bánh
làm bằng nếp hương, giữa có nhân đậu tên là Pay nung tường trưng mặt đất, thuộc âm ví như mẫu hậu. Ý
nghĩa của hai loại bánh trên là tỏ lòng kính biếu bậc sinh thành. Kính mong phụ hoàng cùng mẫu hậu nhận
sự biết ơn chân thành của chúng con.
Nhà vua cùng hoàng hậu khi nghe vợ hoàn tử út nói vậy lấy làm cảm động, và cùng khen nàng dâu thảo.
Nhà vua phán:
- Trẫm nay tuổi già sức yếu. Xét hoàng tử út là người trung can, nghĩa khí, một gươn tốt soi chung toàn
dân. Vậy trước đông đủ các mặt các khanh, ta truyền cho hoàn tử út được kế vị ngai vàng. Còn hai loại
bánh Sakaya và Pay nung phải truyền khắp bàn dân thiên hạ, để từ nay mỗi khi làm lễ cầu hôn, hoặc giỗ tổ
tiên, mọi người đều phải dùng hai loại bánh này.
Truyền lệnh xong thì nhà vua bãi triều. Hôm sau triều đình tổ chức đại lễ tôn hoàng tử út lên làm vua và
nàng Ka Điêng lên làm hoàng hậu.
Bàn dân thiên hạ quanh vùng nghe tin cũng tự tổ chức ăn mừng vị tân vương và tân hoàng hậu. Còn hai
người anh và hai chị dâu từ lấy hổ thẹn kéo nhau ra về.
Đôi giày ủng da trâu
Một người lính đã chẳng sợ gì thì cũng chẳng bận tâm đến việc gì cả. Xưa có một người lính như vậy bị
thải hồi. Bác ta không học được nghề gì nên không kiếm tiền được, đành đi lang thang ăn xin thiên hạ. Trên
vai bác khoác chiếc áo đi mưa, chân bác đi đôi giầy ủng kỵ mã bằng da trâu, tất cả của cải chỉ còn lại có
thế.
Một hôm, bác cứ đi thẳng cánh đồng, đi miết chẳng để ý gì đến đường đất, đi mãi đến một khu rừng. Bác
không biết mình ở đâu, chỉ thấy có một người đang ngồi trên một gốc cây đã đẵn. Người ấy ăn mặc sang
trọng, mặc bộ đồ đi săn màu xanh. Bác chìa tay ra bắt, ngồi xuống cỏ bên người ấy và duỗi chân ra. Bác
bảo người đi săn:
- Tôi thấy đôi giầy ủng của ông quả là đẹp, đánh bóng nhoáng. Nhưng ông phải đi đây đi đó nhiều như tôi
thì chẳng được mấy của nả. Ông cứ xem ủng của tôi bằng da trâu, ròng rã lâu rồi mà chỗ nào cũng đi qua
được đấy.
Một lúc sau, bác lính đứng dậy bảo:
- Tôi không ở lâu hơn được nữa, cái đói nó thúc tôi đi. Này ông anh có đôi giầy ủng bóng ơi, đường này đi
đâu ấy nhỉ?
Người đi săn đáp:
- Chính tôi cũng không biết bác ạ. Tôi lạc trong rừng.
Bác lính nói:
- Thì ra anh cũng như tôi. Những người cùng cảnh ngộ thường hay kết bạn với nhau. Thôi ta ở sát cánh với
nhau, cùng nhau đi mãi cho đến đêm.
Bác lính lại nói:
- Ta không ra khỏi rừng được, nhưng tôi thấy ở đằng xa có ánh đèn le lói, có thể tìm cái gì ăn được đấy.
Họ tìm ra một chiếc nhà bằng đá. Gõ cửa thì có một bà già ra mở. Bác lính bảo:
- Chúng tôi tìm chỗ ngủ đêm, muốn kiếm chút gì ăn cho đỡ đói, vì bụng đã lép kẹp như chiếc bị nát.
Bà già đáp:
- Các bác không ở đây được đâu. Đây là nhà bọn cướp, khôn hồn thì các bác cao chạy xa bay trước khi
chúng về, kẻo chúng mà thấy thì đi đời.
Bác lính đáp:
- Thì cũng đến thế mà thôi. Đã hai hôm nay, chưa được miếng nào, bị giết ở đây hay chết đói trong rừng thì
cũng như nhau. Thôi tôi cứ vào.
Người đi săn không muốn theo vào nhưng bác lính cứ cầm tay kéo vào.
- Anh bạn nối khố ơi. Cứ vào đây, chắc đâu đã toi mạng ngay.
Bà già thương hại dặn họ:
- Các bác hãy chui vào sau lò. Nếu bọn chúng ăn còn gì thừa, thì khi chúng ngủ, ta sẽ tuồn vào cho.
Họ vừa chui vào ngồi một xó, thì có mười hai tên cướp ầm ầm bước vào. chúng ngồi vào bàn có thức ăn đã
dọn sẵn và ăn một cách bỉ ổi. Bà già bưng một miếng thịt quay kếch xù vào, bọn cướp ăn rất ngon lành.
Mùi món ăn thơm nức mũi, bác lính bảo người đi săn:
- Tôi không nhịn được nữa đâu, tôi ra ngồi bên cùng ăn đây.
Người đi săn giữ tay bác lính lại:
- Bác làm thế là chết cả nút đấy.
Nhưng người lính bắt đầu ho lớn tiếng. Bọn cướp nghe thấy quẳng cả dao và đĩa đi, nhảy xổ đến tìm thấy
hai người ở sau lò. Chúng kêu lên:
- Ha ha! Ra hai ngài ngồi ở trong xó này. Các ngài định kiếm chác gì ở đây? Các ngài được cử đến đây do
thám phải không? Được, đợi đấy, để bọn tớ cho các ngài học bay ở một cành cây khô nhé.
Bác lính nói:
- Ấy, lịch sự một tí nào. Tớ đói lắm, cho tớ ăn đã, rồi sau các cậu muốn làm gì tớ thì làm.
Bọn cướp ngạc nhiên. Tên đầu sỏ bảo:
- Ồ, tao thấy mày không sợ. Được lắm. Cho mày ăn, nhưng sau thì mày phải chết đấy!
Bác lính nói:
- Rồi đâu sẽ có đó!
Rồi bác ngồi vào bàn, đưa tay cắt thịt quay một cách gan dạ. Bác gọi người đi săn:
- Nào ông anh giầy ủng bóng, lại đây chén đi kẻo rồi sẽ đói như tôi. Ở nhà không có được món thịt quay
ngon như ở đây đâu.
Nhưng người đi săn không chịu ăn. Bọn cướp ngạc nhiên nhìn người lính bảo:
- Tên này thật là không biết làm khách tí nào.
Sau đó bác nói:
- Ăn thì quả là ngon đấy, giờ lấy cho tớ cái gì uống cho ngon.
Tên đầu sỏ, đương lúc cao hứng, cũng đồng ý, gọi bà già:
- Mụ xuống cầm lấy lên đây một chai rượu vào loại ngon nhất.
Bác lính mở nút chai đánh bốp, rồi mang chai lại bảo người đi săn:
- Này ông anh ơi chú ý nhé, rồi ông anh sẽ còn kinh ngạc nữa. Giờ đây tôi xin nâng cốc, chúc sức khỏe tất
cả mọi người.
Nói rồi, bác vung chai trên đầu bọn cướp mà hét:
- Chúng bay sẽ sống hết, nhưng mồm há hốc ra, tay phải giơ lên không.
Rồi bác tu một hơi ra trò. Bác nói chưa dứt lời thì cả bọn cướp ngồi đờ ra như tượng đá,
mồm há hốc, tay phải giơ lên không. Người đi săn bảo bác lính:
- Rõ rồi, đúng là anh còn nhiều thuật lạ. nhưng thôi ta về nhà đi.
- Ấy ấy. Ông bạn nối khố của tôi ơi, làm gì mà đi sớm quá thế.
Ta đã đánh bại được kẻ thù rồi thì cũng phải vơ vét một chuyến đã chứ. Bạn chúng ngồi đực ra kia, mồm há
hốc vì kinh ngạc. Nhưng chúng không dám nhúc nhích cho đến khi tôi cho phép. Ta lại đây đánh chén đi.
Bà già lại phải đi lấy một chai rượu loại ngon nhất nữa. Bác lính đánh chén đủ no đến ba ngày rồi mới chịu
đứng dậy. Mãi đến lúc trời sáng, bác mới nói:
- Giờ đã đến lúc ta nhổ trại. Bà già phải chỉ đường gần nhất ra tỉnh để ta đi cho chóng.
Khi hai người ra đến tỉnh, bác lính đi gặp bạn đồng đội cũ bảo:
- Tôi tìm thấy trong rừng một ổ toàn đồ chết treo. Ta hãy đến quét sạch nó đi!
Bác lính đi đầu, dẫn họ và bảo người đi săn:
- Anh phải trở lại xem khi bọn mình tóm cẳng chúng rồi, chúng sẽ đú đởn như thế nào.
Bác bố trí cho cả bọn đứng quanh lũ cướp rồi bác cầm chai rượu uống một hơi, vung chai trên đầu chúng,
kêu:
- Tất cả chúng bay phải sống!
Ngay lúc đó, chúng lại cử động, nhưng chúng bị quật xuống, chân tay bị trói lại. Rồi bác lính bảo ném
chúng như ném bị lên một chiếc xe.
- Hãy chở chúng đến nhà tù ngay đi.
Người đi săn gọi riêng một người trong bọn ra và giao làm một việc. Bác lính bảo:
- Này ông anh giầy ủng bóng, chúng ta may mắn đã tóm gọn được bọn cướp và ăn uống thỏa thuê. Giờ ta
lại cứ bình tĩnh mà đóng cái vai trò lính bị tụt hậu, lẽo đẽo theo sau.
Gần đến tỉnh, bác thấy cổng thành người xúm đông chen chúc nhau, tiếng reo vui mừng, người ta vung vẩy
cành lá xanh. Bác lại thấy cả đội quân cận vệ tiến đến. Bác ngạc nhiên lắm, hỏi người đi săn:
- Thế là nghĩa lý gì?
Người kia đáp:
- Thế anh không biết là vua đi xa nước đã lâu, ngày hôm nay trở về, nên thiên hạ đi đón à?
Bác lính hỏi:
- Thế vua đâu mà tôi không thấy!
Người đi săn đáp:
- Vua đây. Ta là vua ta đã cho báo tin trước là ta về.
Người ấy hé mở áo đi săn ra, để lộ áo bào nhà vua. Bác lính sợ hãi quỳ xuống xin tha tội vì trước đây bác
không biết là vua nên đã đối xử như kẻ ngang hàng và xưng hô như vậy.
Nhưng vua chìa tay ra bắt tay bác bảo:
- Ngươi là một người lính can trường đã cứu sống ta. Ngươi sẽ không phải chịu cơ cực nữa, ta nhất định
chăm sóc ngươi, khi nào ngươi thèm ăn một bữa thịt quay như ở nhà bọn cướp thì cứ việc đến bếp hoàng
gia. Còn khi nào người muốn nâng cốc chúc ai, thì phải đợi ta cho phép đã.