Tải bản đầy đủ (.pdf) (67 trang)

Thế giới nghệ thuật truyện ngắn phùng văn khai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (518.05 KB, 67 trang )

LỜI CẢM ƠN

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và lòng biết ơn sâu sắc tới thầy giáo
Phùng Gia Thế - người đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo tận tình giúp tôi hoàn
thành khóa luận này.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các thầy cô giáo trong khoa Ngữ
văn, đặc biệt là thầy cô trong tổ Lí luận văn học và các bạn sinh viên đã giúp
đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành khóa luận.

Hà Nội, ngày 20 tháng 05năm 2013
Người thực hiện

Nguyễn Thị Hồng Ngọc


LỜI CAM ĐOAN

Khóa luận này hoàn thành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy
Phùng Gia Thế. Tôi xin cam đoan rằng:
 Khóa luận là kết quả nghiên cứu, tìm tòi của riêng tôi.
 Những tư liệu được trích dẫn trong khóa luận là trung thực.
- Kết quả nghiên cứu này không hề trùng khít với bất kì công trình
nghiên cứu nào từng công bố.
Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2013
Người thực hiện

Nguyễn Thị Hồng Ngọc


MỤC LỤC


Trang

MỞ ĐẦU .............................................................................................................
1. Lý do chọn đề tài ...........................................................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................. 3
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu: ...............................................................5
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................. 6
5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................... 6
6. Cấu trúc của khóa luận................................................................................... 6
NỘI DUNG .........................................................................................................
Chương I: Thế giới nhân vật .......................................................................... 7
1.1. Cơ sở lí luận ................................................................................................7
1.1.1. Khái niệm nhân vật .................................................................................. 7
1.1.2. Cách phân loại nhân vật ........................................................................... 8
1.2. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai ........................9
1.2.1. Nhân vật bi kịch .....................................................................................11
1.2.2. Nhân vật tư tưởng ..................................................................................16
1.2.3. Nhân vật tha hóa ....................................................................................19
1.3. Một số thủ pháp xây dựng nhân vật..........................................................24
1.3.1. Miêu tả sự giằng xé trong tâm lí nhân vật .............................................24
1.3.2. Xây dựng nhân vật theo nguyên tắc tương phản ...................................27
Chương II: Không gian và thời gian nghệ thuật ........................................32
2.1. Cơ sở lí luận ..............................................................................................32
2.1.1. Khái niệm về không gian nghệ thuật .....................................................32
2.1.2. Khái niệm về thời gian nghệ thuật .........................................................33
2.2. Không gian và thời gian nghệ thuật truyện ngắn Phùng Văn Khai ..........34


2.2.1. Không gian nghệ thuật ...........................................................................35
2.2.2. Thời gian nghệ thuật ..............................................................................40

Chương III: Ngôn ngữ và giọng điệu ...........................................................49
3.1. Cơ sở lí luận ..............................................................................................49
3.1.1. Ngôn ngữ ...............................................................................................49
3.1.2. Giọng điệu..............................................................................................50
3.2. Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Phùng Văn Khai ..................51
3.2.1. Ngôn ngữ ...............................................................................................51
3.2.2. Giọng điệu..............................................................................................58
KẾT LUẬN .....................................................................................................61
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................. 64

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. “Thế giới nghệ thuật” là khái niệm trọng tâm của lí luận văn học
hiện đại. Khái niệm này có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau. Theo Từ điển thuật
ngữ văn học thì thế giới nghệ thuật là khái niệm “chỉ tính chỉnh thể của sáng tác
nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, sáng tác của tác giả, một
trào lưu). Thế giới nghệ thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế
giới riêng được sáng tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng, khác với thế giới thực
tại vật chất hay thế giới tâm lý con người mặc dù nó phản ánh các thế giới ấy.
Thế giới nghệ thuật có không gian riêng, thời gian riêng, có quan hệ xã hội
riêng, quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị riêng… chỉ xuất hiện một cách có
ước lệ trong sáng tác nghệ thuật” [9, tr.302].


Trong Giáo trình Lý luận văn học (Trần Đình Sử chủ biên) viết: “Thế
giới nghệ thuật là một thế giới kép: thế giới được miêu tả và thế giới miêu tả.
Thế giới được miêu tả gồm nhân vật, sự kiện, cảnh vật… Thế giới miêu tả là
thế giới của người kể chuyện, người trữ tình. Hai thế giới này gắn kết không
tách rời như hai mặt của một tờ giấy. Không có thế giới miêu tả thì không có
thế giới được miêu tả và ngược lại. Tuy nhiên chúng ta không thể liên thông.

Người kể chuyện không thể trực tiếp tham gia vào sự kiện trong thế giới được
miêu tả như một nhân vật” [28, tr.82].
Như vậy, ta có thể thấy thế giới nghệ thuật là một phạm trù rộng lớn.
Có nhiều cách để định nghĩa nhưng chúng ta có thể hiểu rằng “thế giới nghệ
thuật” chính là thế giới riêng mà nhà văn tạo ra trong tác phẩm của mình. Nó
bao gồm tất cả những yếu tố cấu thành nên tác phẩm văn học. Vì vậy, tìm
hiểu về thế giới nghệ thuật cũng chính là tìm hiểu chỉnh thể tác phẩm.
Một thế giới nghệ thuật nhất định với tư cách là hệ thống không chỉ
đặc trưng cho riêng tác phẩm mà nó còn đặc trưng cho cả nhà văn nói chung.
Do đó, việc nghiên cứu “Thế giới nghệ thuật” của một nhà văn là vấn đề có
ý nghĩa lí luận và thực tiễn quan trọng.
1.2. Phùng Văn Khai sinh năm 1973 tại Văn Lâm, Hưng Yên. Anh là
cây bút trẻ giàu tiềm năng. Ngay ở chặng đường đầu tiên của quá trình sáng
tác, anh đã cho ra mắt bạn đọc 5 tập truyện ngắn (Khúc dạo đầu của binh
nhì, Đêm trăng thiêng, Hương đất nung, Những người đốt gạch, Truyện
ngắn Phùng Văn Khai), 1 tập thơ (Lửa và hoa), 1 tập bút kí (Lẽ sống), 3 tập
chân dung văn học và 2 tiểu thuyết (Hồ đồ, Hư thực). Ngòi bút của anh tập
trung đi sâu khai thác nhiều khía cạnh của cuộc sống. Thế giới truyện của
Phùng Văn Khai là sự đồng hành và chung sống với những kiếp người bất
hạnh, đau khổ. Ta có thể thấy những con người lam lũ, bất hạnh ấy đã tạo
thành tâm điểm trong thế giới nghệ thuật của nhà văn. Có lẽ những trải


nghiệm sâu sắc của bản thân trong những năm mặc áo lính đã khiến cho tác
phẩm của anh có sức nặng và ám ảnh trong lòng mỗi bạn đọc. Phùng Văn
Khai thử sức trên nhiều thể loại nhưng có thể nói thể loại anh đạt được nhiều
thành công nhất là truyện ngắn, đặc biệt là những truyện viết về đề tài nông
thôn và người lính.
Trong hành trình lao động nghệ thuật, Phùng Văn Khai đã không
ngừng sáng tạo, tìm tòi và tạo ra những nét riêng biệt, độc đáo trong thế giới

nghệ thuật của mình. Thế giới ấy là tổng hòa của các yếu tố: nhân vật, không
gian, thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu… tạo thành một chỉnh thể thống nhất.
Nghiên cứu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai
chúng tôi muốn hiểu sâu hơn về những thể nghiệm, cảm quan, sáng tạo và
những nét độc đáo riêng biệt trong truyện ngắn của anh.
1.3. Nghiên cứu vấn đề “Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Phùng Văn
Khai”, chúng tôi muốn kết nối văn học nhà trường với văn học đương đại.
Đây cũng là con đường giúp bạn đọc đến gần văn học đương đại hơn, đồng
thời cũng là một cuộc tập dượt nghiên cứu khoa học, chuẩn bị kiến thức và
phương pháp luận để tác giả khoá luận có thể tiếp cận và giải thích tốt hơn
các hiện tượng văn học không chỉ ở hiện tại mà còn ở tương lai.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Có thể nói Phùng Văn Khai xuất hiện trên văn đàn chưa lâu nhưng tên
tuổi của anh đã rất quen thuộc với bạn đọc cả nước. Tuy nhiên, những công
trình nghiên cứu về nhà văn này chưa thật sự phong phú, mới chỉ dừng lại ở
những bài giới thiệu tác phẩm, hay những cuộc phỏng vấn của anh trên báo
chí. Tiêu biểu như cuộc phỏng vấn của Phong Điệp và Phùng Văn Khai trên
trang web Phongdiep.net: “Trung thực với lương tâm là điều cốt tử của
người cầm bút”. Anh đã cho rằng dù làm gì trước tiên phải trung thực với
lương tâm mình, trung thực với lương tâm mình là điều cốt tử làm nên mỗi


nhà văn, cứ tựa chắc vào đấy sẽ ít ra không đánh mất mình là cái rất cần
thiết với người viết văn, làm báo. Trong một bài báo khác của tác giả Dương
Tử Thành “Nhà văn Phùng Văn Khai lên án sự “hồ đồ” của con người”, tác
giả Phùng Văn Khai có nói: “viết văn hay, với bất kì ai, kể cả thiên tài cũng
là khó. Ai cho rằng viết dễ lắm thì tác phẩm của người đó chắc chắn là vứt
đi. Dù ngày nào cũng viết nhưng tôi biết chắc chắn để có những trang văn
hay, để mồ hôi không lãng phí quả là một điều muôn khó”. Tác phẩm của
anh đề cập đến nhiều khía cạnh của xã hội. Trong bài viết “Vài suy nghĩ về

truyện ngắn Phùng Văn Khai”, tác giả Nguyễn Thị Lành đã nhận xét: với 27
truyện ngắn, nhà văn không chỉ phản ánh cuộc sống của người lính mà còn
phản ánh nhiều vấn đề: Tình yêu, cuộc sống bất công ngang trái của một lớp
người, cuộc sống của đồng bào các dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc…
Đó là thế giới của những người lính thời hậu chiến - những con người trở về
từ bom đạn của chiến tranh. Trong số ấy không phải ai cũng được hưởng
hạnh phúc mà họ gánh trên vai những bi kịch của cuộc sống đời thường. Rồi
những người nông dân lam lũ, vất vả nhưng luôn bị thế lực cầm quyền ức
hiếp, những người con gái với niềm khao khát yêu thương… Họ đều là
những con người nhỏ bé trong xã hội nhưng luôn mang trong mình phẩm
chất tốt đẹp. Đối lập với họ là những con người đã bị tha hóa về phẩm chất
đạo đức, vì đồng tiền sẵn sàng làm tất cả khiến cho những đạo lí, phép tắc ở
gia đình, xã hội đều bị đảo lộn. Phùng Văn Khai mang đến cho bạn đọc một
thế giới nhân vật đa dạng nhưng không kém phần hấp dẫn.
Những bài viết về tác phẩm của Phùng Văn Khai không nhiều, chủ
yếu là những bài giới thiệu tác phẩm hay bình luận, phân tích của một số
tác giả, đặc biệt là những bài viết về các tiểu thuyết mới xuất hiện gần đây
của nhà văn. Trong đó có thể kể đến bài viết “Hư thực - bước chuyển
mình của Phùng Văn Khai” của tác giả Đoàn Minh Tâm. Tác giả Đoàn
Minh Tâm đã coi đây như sự lột xác của Phùng Văn Khai, thoát khỏi cái


tạng trước đó để trở thành một “nhà tiểu thuyết đích thực”. Đoàn Minh
Tâm đã đưa ra những nhận xét về sự thay đổi của tác phẩm này nhìn từ
góc độ thế giới nghệ thuật. Với việc vận dụng thành công bút pháp ảo
hóa, Phùng Văn Khai đã làm cho nhân vật của mình ẩn sau tấm khoác của
những đại từ xưng hô phiếm chỉ, dùng nhiều danh từ kiểu công chúa, nô
bộc… Thời gian trong tác phẩm cứ lặng lẽ trôi đi giữa hiện thực và giấc
mơ mà không có điểm kết thúc. Tất cả được đặt trong không gian của một
khu rừng nguyên sinh cũng không xác định được vị trí cụ thể… Những

điều đó đã tạo nên sự huyễn hoặc, mơ hồ trong tác phẩm. Đó chính là nét
đổi mới trong bút pháp của nhà văn. Tác giả Đặng Văn Sinh cũng có
những nhận xét về hệ thống nhân vật trong "Hư thực". Theo ông nhân vật
phần lớn đều bí hiểm, luôn tách khỏi cộng đồng, sống cô lập ở những nơi
hẻo lánh trong tình trạng đầu óc rất không bình thường. Số khác thì như
những quái nhân, suy nghĩ thường vượt ra khỏi những khuôn khổ đạo đức
quy ước còn hành vi lại là một loạt những diễn biến phức tạp, bất ngờ
hoàn toàn không thể giải thích theo lôgic thông thường. Ông cho rằng đây
là hướng đi mới cho tiểu thuyết Việt Nam. Tác phẩm có kết cấu lỏng với
một bố cục tượng trưng bởi các sự kiện không phát triển theo logic thông
thường. Những giấc mơ bị ảo giác chi phối luôn nhảy cóc không theo
trình tự đoạn mạch quy ước, lại càng không tuân thủ không gian, thời gian
vật lý mà theo quy luật tâm lý. Phong cách ngôn ngữ của "Hư thực" làm
người đọc đặc biệt chú ý. Với vốn từ phong phú, lập luận chặt chẽ trên cái
nền cảm hứng sáng tạo, câu văn của Phùng Văn Khai thiên về triết luận
nhưng lại giầu sắc thái biểu cảm ghi nhận một bước đột phá trong hành
trình tìm tòi hướng đi mới cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Ngoài ra
còn một loạt bài viết khác cũng đánh giá về tiểu thuyết “Hư thực” như:
“Mạn đàm tiểu thuyết Hư thực” của tác giả Trịnh Hồng Hải, “Hư thực đôi
điều cảm nhận” của Trần Mạnh Hà, “Hư thực - một hành trình còn dài”
của Trần Sáng…
Trở lên là việc phân tích một số bài viết về Phùng Văn Khai và thi pháp
nghệ thuật của anh. Trên cơ sở kế thừa ý kiến nhận xét của những người đi
trước, kết hợp với những cảm nhận, kiến giải của cá nhân, tác giả khoá luận
mạnh dạn triển khai đề tài “Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Phùng Văn
Khai”.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu:


3.1. Mục đích nghiên cứu

Tìm ra những nét độc đáo và riêng biệt trong thế giới nghệ thuật của
Phùng Văn Khai. Thông qua đó khóa luận nêu lên một số ý kiến đánh giá về
những đóng góp của nhà văn đối với đời sống truyện ngắn Việt Nam đương
đại.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Trình bày khái niệm về thế giới nghệ thuật và đặc điểm cấu trúc của
thế giới nghệ thuật.
- Nghiên cứu các truyện ngắn của tác giả Phùng Văn Khai để thấy
được những nét riêng biệt trong thế giới nghệ thuật của tác giả.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Thế giới nghệ thuật truyện ngắn Phùng Văn Khai với những đặc trưng
cơ bản của nó. Trong quá trình nghiên cứu, người viết có liên hệ với một số
tác phẩm văn xuôi của các nhà văn khác để thấy rõ hơn nét độc đáo trong
truyện ngắn của tác giả.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Thế giới nghệ thuật là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Tuy nhiên trong
khuôn khổ của khóa luận này người viết chỉ nghiên cứu một số yếu tố cơ
bản đó là: nhân vật, không gian và thời gian, ngôn ngữ và giọng điệu. Và
việc nghiên cứu này được người viết khảo sát trên một số tập truyện của nhà
văn như: “Hương đất nung”, “Đêm trăng thiêng”, “Truyện ngắn Phùng Văn
Khai”.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp hệ thống
5.2. P hương pháp so sánh hệ thống
5.3. Phương pháp xác định lịch sử phát sinh
5.4. Phương pháp loại hình
6. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội
dung được triển khai thành ba chương:

Chương 1: Thế giới nhân vật
Chương 2: Không gian và thời gian nghệ thuật


Chương 3: Ngôn ngữ và giọng điệu

NỘI DUNG
Chương 1: THẾ GIỚI NHÂN VẬT

1.1. Cơ sở lí luận
1.1.1. Khái niệm nhân vật
M. Gorki đã từng có lần khuyên một nhà văn trẻ: “Anh hãy bỏ nghề
viết đi. Đấy không phải là việc của anh, có thể thấy rõ như thế. Anh hoàn
toàn không có khả năng miêu tả con người cho sinh động, mà đấy là điều
chủ yếu nhất”. Qua đó ta thấy rằng xây dựng nhân vật là nhiệm vụ then chốt
mà mỗi nhà văn cần có.
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về nhân vật. Trong tiếng Hy Lạp
cổ, nhân vật (persona) lúc đầu mang nghĩa chỉ cái mặt nạ của diễn viên trên
sân khấu. Sau này, “nhân vật” được sử dụng nhiều và phổ biến với ý nghĩa
chỉ đối tượng mà văn học miêu tả và thể hiện.
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ
biên thì nhân vật mang hai nghĩa: thứ nhất, “đó là đối tượng (thường là con
người) được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học”. Thứ hai, đó là
“người có vai trò nhất định trong xã hội”. Tức là, khái niệm nhân vật được
hiểu theo nghĩa rộng, nó không chỉ dùng trong văn chương mà còn được sử
dụng trong các lĩnh vực khác.


Trong cuốn giáo trình Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên, các
tác giả cho rằng nhân vật văn học là “một hình tượng nghệ thuật mang tính

ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con
người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu
sử, nghề nghiệp, tính cách… Và cần chú ý thêm một điều: thực ra khái niệm
nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi rộng hơn nhiều, đó không
chỉ là con người, những con người có tên hoặc không tên, được khắc họa sâu
đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, mà còn có thể là sự vật,
loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách con người…” [7, tr.126].
Cuốn Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên định nghĩa về nhân
vật văn học như sau: “Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được
miêu tả thể hiện trong tác phẩm, bằng phương tiện văn học” [17, tr.277]. Đó
có thể là những nhân vật không tên, những con vật trong truyện cổ tích, thần
thoại.. bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, những con vật mang nội dung và ý
nghĩa như con người… Nhân vật văn học là một hiện tượng ước lệ, mang
những dấu hiệu dễ để nhận ra.
Như vậy, ta có thể thấy rằng có nhiều cách định nghĩa khác nhau về
nhân vật nhưng nhìn chung khái niệm nhân vật phải có các yếu tố: Nhân vật
chính là đối tượng mà văn học miêu tả, được thể hiện bằng các phương tiện
văn học. Nhân vật có thể là những con người hoặc con vật, đồ vật, sự vật,
hiện tượng mang linh hồn con người hoặc là hình ảnh ẩn dụ để nói về con
người. Nhân vật là hình tượng mang tính ước lệ và có sự cách điệu so với
hiện thực, mang màu sắc chủ quan của nhà văn.
1.1.2. Cách phân loại nhân vật
Nhân vật rất đa dạng, chính vì vậy cũng có nhiều cách phân loại khác
nhau.


Xét về vai trò của nhân vật trong tác phẩm, có thể chia thành nhân vật
chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm. Nhân vật chính là nhân vật xuất
hiện nhiều hơn cả trong tác phẩm, đóng vai trò quan trọng trong việc thể
hiện tập trung đề tài, chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong số những nhân

vật ấy lại có những nhân vật được thể hiện đăc biệt nổi bật, có ý nghĩa tư
tưởng thẩm mĩ sâu sắc nhất xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Đó là nhân
vật trung tâm. Ngoài nhân vật chính và nhân vật trung tâm còn có nhân vật
phụ có tính chất bổ sung góp phần làm rõ hơn về nhân vật được nói đến
trong tác phẩm.
Xét về phương diện tư tưởng, nhà văn có thể chia thành nhân vật
chính diện (nhân vật tích cực) và nhân vật phản diện (nhân vật tiêu cực).
Nhân vật chính diện thường được đề cao và khẳng định. Đó là nhân vật
mang lí tưởng, quan niệm đạo đức và tư tưởng tốt đẹp của tác giả, của thời
đại. Còn nhân vật phản diện nằm trong sự phê phán, phủ định của tác giả, đó
là những nhân vật mang phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và tư tưởng, luôn
đối lập với nhân vật chính diện.
Dựa vào cấu trúc hình tượng: Theo tiêu chí này, người ta phân chia
thành nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật
tư tưởng. Nhân vật chức năng thường xuất hiện trong văn học cổ đại và
trung đại. Nhân vật này xuất hiện để thực hiện một số chức năng nhất định.
Nhân vật loại hình là nhân vật thể hiện tập trung các phẩm chất xã hội, đạo
đức của một loại người nhất định trong thời đại. Đó là các nhân vật nhằm
khái quát cái chung về loại của các tính cách và nhờ vậy mà được gọi là điển
hình. So với nhân vật chức năng và nhân vật loại hình thì kiểu nhân vật tính
cách là nhân vật phức tạp hơn. Không phải mọi nhân vật văn học đều phản
ánh cấu trúc của tính cách. Nhân vật tính cách mang trong mình những mâu
thuẫn, nghịch lí vì vậy tính cách có quá trình tự phát triển. Bên cạnh đó còn


có nhân vật tư tưởng. Đó là những nhân vật được nhà văn sáng tạo ra để
minh họa cho một quan điểm, tư tưởng của mình hoặc để thể hiện tư tưởng
nào đó của thời đại.
Trên đây là một số cách phân chia nhân vật điển hình. Tuy nhiên, sự
phân biệt này chỉ mang tính chất tương đối, nhằm nhấn mạnh những nét đặc

trưng nhất của nhân vật.
1.2. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai
Trước năm 1975, văn học nhìn con người với tư cách là người của dân
tộc, của giai cấp. Bởi vậy, lí luận văn học truyền thống luôn xem xét con
người ở các kiểu nhân vật cố định như đã nêu ở trên. Sau năm 1975, cùng
với sự nhận thức mới mẻ về con người đã kéo theo sự thay đổi các kiểu nhân
vật. Nếu như ở giai đoạn trước văn học mang đậm cảm hứng lịch sử thì ở
giai đoạn này các nhà văn đã quan tâm nhiều hơn đến cảm hứng thế sự đời
tư nên khả năng tiếp cận, phản ánh hiện thực và con người cũng được tăng
cường một cách nhạy bén. Ngòi bút của các nhà văn không chỉ dừng lại ở sự
ca ngợi những chiến công, những phẩm chất của con người trong thời đại mà
đã đi sâu hơn vào những khía cạnh riêng tư, khuất lấp của con người và xã
hội. Số phận con người đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà
văn. Con người trong văn học lúc này là con người trần thế với tất cả những
đặc tính tự nhiên và xã hội của nó. Chính sự thay đổi ấy đã dẫn đến sự ra đời
của những kiểu nhân vật mới trong văn học đương đại: nhân vật bi kịch,
nhân vật kì ảo, nhân vật tha hóa, nhân vật cô đơn… Cũng nhờ sự thay đổi
này mà các nhà văn đã tạo ra một thế giới nhân vật đa dạng, phong phú,
mang đến cho bạn đọc cách nhìn nhận, đánh giá con người từ nhiều góc độ
khác nhau.
Phùng Văn Khai là một nhà văn trẻ, xuất thân từ người lính. Mặc dù
tham gia vào văn đàn chưa lâu nhưng với niềm say mê văn chương và tinh
thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, luôn luôn học hỏi, tìm tòi đã khiến cho
những tác phẩm của anh để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Có lẽ những
năm tháng mặc áo lính đã giúp anh có được trải nghiệm khá sâu sắc trong
mảng đề tài này. Vẫn là sự tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, vẫn
là những câu chuyện viết về người lính nhưng anh chọn cho mình một con
đường riêng. Anh không viết về sự dũng cảm, anh hùng của người lính trong
thời chiến mà anh quan tâm đến số phận của họ sau khi bước ra từ những



cuộc chiến ấy. Trong số đó, có người trở thành tấm gương sáng nhưng cũng
không ít người rơi vào bi kịch của cuộc đời hay vòng xoáy của sự tha hoá.
Đọc truyện ngắn Phùng Văn Khai, ta còn bắt gặp khung cảnh mộc
mạc, đơn sơ nhưng đầy kì bí, lung linh, huyền ảo của miền núi hay hình ảnh
của những người phụ nữ nhỏ bé nhưng mang trong mình những khát vọng lớn
lao.
Thế giới nhân vật của Phùng Văn Khai phong phú và đa dạng. Qua
khảo sát, chúng tôi đã khái quát lên ba kiểu nhân vật tiêu biểu mà nhà văn đã
xây dựng trong tác phẩm của mình, đó là: nhân vật bi kịch, nhân vật tư
tưởng và nhân vật tha hóa.
1.2.1. Nhân vật bi kịch
Đây là một kiểu nhân vật khá phức tạp, xuất hiện tương đối nhiều
trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai. Họ thường là những con người
mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp hay những khát vọng lớn lao
nhưng do nguyên nhân nào đó đã khiến nhân vật không đạt được mục đích,
lí tưởng, không có hạnh phúc.
Trong thế giới nhân vật của Phùng Văn Khai, ta thấy có rất nhiều con
người, với những số phận khác nhau. Nhưng trong số đó rất ít người có cuộc
sống hạnh phúc như mong muốn. Người đọc khó có thể quên được hình ảnh
của cô Lụa trong truyện ngắn “Bên bến đò Lăng”. Qua lời kể của Khang cháu của cô Lụa ta thấy hiện lên trước mắt hình ảnh một cô gái không chỉ
đẹp người mà còn đẹp nết “Dì Lụa trên ba mươi, dì đẹp lắm, tóc dì Lụa dài
đen nhưng nhức, sợi nào sợi nấy quấn quýt chảy xuôi xuống lưng”. Khang
xun xoe với chú Bìa “dì cháu đẹp nhất làng, đẹp hơn cả mẹ cháu”, “bà nói
ngày sinh dì hoa gạo rơi đỏ bến đò Lăng. Con gái sông Ghênh sinh mùa hoa
gạo vừa đẹp, vừa duyên nhất hai vùng Thượng, Hạ”. Không chỉ đẹp trong
mắt người cháu mình mà cô Lụa còn đẹp trong mắt của bà con lối xóm,
không ít người mơ ước có được cô. “Vào những đêm trăng sáng, vùng sông



bên bến đò Lăng sôi động lắm, trai làng Thượng ra đón dì tận thềm bến đò
Lăng, có cậu ù lì không chịu cho dì quay mũi đò về dưới Hạ”. Hay mấy bà
đi chợ bảo “Rồi lại mặn duyên giống chị, không ở vậy cũng góa chồng.
Hồng nhan đa truân”. Không chỉ có vậy, cô còn là người khéo léo trong
cách ứng xử “Cha cô… khéo léo là….”. Từ khi mẹ Khang mất, cô thay bà
chèo đò bên sông Lăng, đưa bà con từ làng Hạ sang Thượng. Cô là một
người phụ nữ tốt nhưng có một điều khiến Khang giận, đó là mãi cô không
chịu lấy chồng. Không phải tự nhiên mà vậy, sâu thẳm trong tâm hồn người
phụ nữ ấy cũng khao khát hạnh phúc gia đình lắm, chỉ có điều vì đất nước có
chiến tranh nên người con trai mà cô yêu thương đã phải gạt hạnh phúc cá
nhân sang một bên lên đường bảo vệ tổ quốc. Cô vẫn chung thủy, sắt son
một lòng chờ người đó quay về, âm thầm chờ đợi trong một quãng thời gian
dài đằng đẵng. Cô Lụa tin rằng đến một ngày người đó sẽ trở về. Vì vậy mặc
dù bà ngoại Khang và Khang đã nhiều lần thúc giục lấy chồng nhưng cô vẫn
kiên quyết chờ đợi người mình yêu. Cuộc chiến tranh khốc liệt, sự xa cách
về không gian không đủ mạnh để làm đứt sợi chỉ tình yêu ở người con gái
này. Nhưng dường như ông trời không muốn cho cô được hạnh phúc nên đã
cướp đi người đàn ông của cô. Cô vẫn sống, âm thầm như một cái bóng. Rồi
sau đó, cô quyết định sống với ông Tam chủ tịch xã. Chẳng phải vì quyền
chức hay sự yêu thương mà cô muốn có một đứa con để nương nhờ lúc về
già. Có thể nói, cô Lụa là người đàn bà có những đặc điểm mà nhiều người
mơ ước: xinh đẹp, khéo léo, chăm chỉ, đảm đang, thủy chung son sắt, mang
trong mình những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Dường như tạo hóa
chẳng cho ai cái gì toàn vẹn. Đổi lại đó là cuộc sống cô độc, buồn tẻ, bất
hạnh, chờ đợi mòn mỏi trong những năm tháng tuổi xuân. Cũng như bao
người phụ nữ khác cô khao khát một mái ấm gia đình, khao khát có con
bồng con bế “Dì hay bắt Khang chèo đò và tranh phần nựng con cô giáo


Thanh mỗi khi mẹ con cô sang Thượng. Dì ôm siết lấy thằng bé hôn chùn

chụt vào cái má phinh phính của nó, mắt buồn rười rượi…”. Những tưởng
khi gặp được ông Bìa, cô Lụa sẽ có được niềm hạnh phúc xế chiều, ấy vậy
mà cô càng đau khổ hơn, cô đơn hơn trước thái độ cậy quyền của ông Tam
chủ tịch xã. Điều khát khao lớn nhất của cuộc đời cô là có một đứa con để
làm chỗ dựa lúc về già, nhưng hạnh phúc nhỏ bé ấy cũng không đến với cô.
Cô sinh ra một đứa con gái bị dị tật, đã mất ngay sau đó. Cô bị ông Tam
đánh đập vì biết rằng đó không phải là con của ông ta mà là con của cô và
ông Bìa - người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Cuộc đời cô
Lụa không chỉ gặp một bi kịch mà là những chuỗi ngày bi kịch nối tiếp
nhau. Là người con gái xinh đẹp, nết na lẽ ra cô phải được hưởng cuộc sống
hạnh phúc, sung sướng với tổ ấm của mình. Vậy mà ông trời nỡ lấy đi của
cô tất cả. Người đàn ông mà cô yêu thương cũng đã ra đi mãi mãi không trở
về. Cứ tưởng khi xế chiều, cô có được hạnh phúc bên ông Bìa nhưng cũng
không yên bởi sự xuất hiện của lão Tam. Và niềm hi vọng lớn nhất của cô là
đứa con thì nó cũng không ở lại cùng cô. Số phận cô gắn với nhiều đau
thương và bất hạnh nhưng không vì thế mà làm mất đi vẻ đẹp của người phụ
nữ Việt Nam ẩn chứa trong tâm hồn cô.
Cũng trong câu chuyện ấy còn xuất hiện một nhân vật nữa cũng có
cuộc đời đầy sóng gió, đó là nhân vật ông Bìa. Ông Bìa mồ côi từ nhỏ, ông
đi lính là đi thay cho người khác, mang tên người khác. Lúc ấy ông cũng
chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cứ được làm bộ đội là thích nhưng cũng chính vì
sự thay thế ấy mà dẫn đến một loạt những bi kịch sau này của cuộc đời ông.
Sau khi ở chiến trường về thăm quê, ông và cô út nhà ông Bống thích nhau
lắm nhưng vì sự thay thế mà hai người đã không đến được với nhau. Tình
yêu đầu tan vỡ khiến ông đau khổ rồi bỏ làng ra đi. Ông tiếp tục phục vụ
quân đội và quen Khang. Khang hiểu và thương ông nhiều lắm nên đã quyết


định làm mối cho dì Lụa của mình. Khang đã chạm vào chỗ sâu kín nhất
trong lòng ông. Ông cũng như bao người khác, cũng thèm muốn một mái ấm

của riêng mình “ước gì ta có gia đình nhỉ? Một gia đình, nhỏ thôi, có vợ, có
chồng và nhất là có con. Có con! Phải! Tại sao ta không thể có con được?”
Đọc đến đây, ta thấy cuộc đời của ông cũng có những nét gì đó giống với
cuộc đời Chí phèo trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Họ gặp nhau ở điểm
chung là nỗi bất hạnh ngay từ khi sinh ra, cả hai đều mồ côi từ nhỏ và đều có
ước mơ nho nhỏ là hạnh phúc gia đình. Nhưng nhân vật Chí trong Chí Phèo
đã không giữ được bản thân mình nên đã bị xã hội nhào nặn thành kẻ tha hóa,
lưu manh hóa. Còn nhân vật Bìa của Phùng Văn Khai thì khác, dù có đau khổ,
dù có bất hạnh đến đâu ông vẫn luôn giữ được trong mình những phẩm chất
của người lính, luôn kiên trì, dũng cảm để vượt qua mọi gian khó. Ông đã hi
vọng vào Lụa, hi vọng vào chút hạnh phúc mong manh đến muộn ấy, hi vọng
có được mái ấm gia đình thực thụ nhưng điều đó đã không xảy ra. Ông càng
đau đớn khi đứa con của ông và cô Lụa sinh ra đã bị dị tật và không thể sống
được. Cô Lụa, ông Bìa - hai con người đau khổ đã vượt qua bao khó khăn của
cuộc đời để đến với nhau. Những tưởng có thể dựa vào nhau mà sống ai ngờ
những bất hạnh vẫn bám riết lấy cuộc đời họ. Là những con người tốt, có khát
vọng, có sự yêu thương nhưng số phận lại bắt họ gánh trên vai những bất
hạnh của cuộc đời. Thấu hiểu nỗi đau ấy, tác giả đã rất xuất sắc trong việc
nhập vai nhân vật Khang - cháu cô Lụa để rồi khi đọc xong bức thư của ông
Bìa, Khang đã khóc nấc lên trong tiếng gọi “Chú Bìa ơi! Dì Lụa ơi!”.
Bước ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt, được trở về với cuộc sống đời
thường đã là một may mắn lớn so với biết bao con người khác. Nhưng khi
trở về, họ lại rơi vào vòng xoáy của số phận. Nhân vật người đàn ông trong
tác phẩm “Người đàn ông có bàn tay cụt ngón” cũng đã phải chịu đựng bao
nỗi đau. Nhưng nếu so với ông Bìa trong truyện “Bên bến đò Lăng” thì vẫn


hạnh phúc hơn, bởi anh vẫn có một nơi để ở dẫu rằng nó dột nát và ẩm thấp
“những nhà cửa ba, bốn tầng đâm bổ ra nhấn chìm căn nhà hơn chục mét
vuông vào chốn lãng quên”. Vẫn có người bạn đời ở bên chia sẻ buồn vui,

quan tâm, chăm sóc. Và đặc biệt anh có được thiên chức thiêng liêng nhất là
làm cha. Dù rằng cuộc đời anh cũng là sự nối tiếp của những bất hạnh, sống
dưới sự chèn ép của những người có chức có quyền. Anh đi bộ đội theo ý
của cha dượng thay cho con đẻ của ông ấy. Anh đã chiến đấu hết mình,
tưởng rằng trở về quê hương sẽ kết thúc chuỗi ngày gian khổ ấy nhưng anh
không ngờ mặt trận ở đời thường còn khó khăn, nguy hiểm hơn ở chiến
trường rất nhiều. Khi dụ dỗ anh ra đi thì cha dượng nói: “Con cứ đi, có chiến
công về mới ngoi lên được, dượng thương lắm nhưng còn mẹ mày, còn các
em. Mai kia ở nơi đó ra, dễ cả cho con, cả cho dượng”. Vậy mà khi ra quân
ngay cả việc nhập khẩu vào quê hương mình mà người ta cũng làm khó cho
anh. Cha dượng anh lúc này đã là người có chức, có quyền vậy mà không
những không giúp đỡ anh, trái lại còn cùng những cán bộ khác vùi dập cuộc
sống của anh. Anh lăn lộn để kiếm miếng ăn và đã mất đi ba ngón tay trong
một lần chạy máy nhựa. Đó không chỉ là vết thương trên thể xác mà đã tạo
nên vết sẹo trong tâm hồn anh. Mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp
của người lính nhưng anh đã bị cuộc đời dồn đến bi kịch của cơm áo, gạo
tiền, sống cuộc sống không dám đấu tranh, không có lí tưởng như những
bóng ma dật giờ trong màn đêm.
Nhân vật “Thám” trong “Cống Ngầm” cũng có những nét chung của
người lính cụ Hồ. “Thám giống như tảng đá ấy, sớm mồ côi, sớm lì lợm, ít
tin ai, nhưng cũng kì lạ như đá, hòn nào sù sì gai góc cô độc nhất những đêm
trăng sáng lại đổ mồ hôi nhiều nhất”. Sau những năm tháng sống trong quân
ngũ, Thám trở về quê hương, còn chưa kịp được làng đón tiếp nhưng thấy
tình hình của cống Ngầm nguy ngập quá sợ không qua nổi mùa hè bởi có


nhiều vết rạn nứt, Thám đã vội vàng trở lại đơn vị để báo cáo tình hình với
cấp trên, hi vọng các anh về đo đạc sớm để xây lại cống Ngầm. Thám đã
cùng cụ Tám vật lộn với thiên nhiên để giữ cống Ngầm. Là con người có lý
tưởng, có ý chí, Thám đã cố gắng vượt qua khó khăn với hi vọng một ngày

nào đó cống Ngầm được xây mới cung cấp nước tưới tiêu cho nhân dân.
Nhưng chưa kịp thực hiện ước mơ ấy anh đã hi sinh anh dũng trong một lần
cùng mọi người cứu cống Ngầm. Anh hi sinh bản thân, ôm lấy trái mìn để
cống Ngầm không bị phá “Thám kinh hoàng thốt lên “mìn” và xuất thần
dùng sức lực của mình ở tư thế khó khăn ấy ôm trái mìn nhoài sấp ngược
khỏi phai cống”. Anh đã mất khi chưa thực hiện được ước mơ của mình.
Nhưng điều ấy đã được thực hiện bởi những người đồng đội của anh.
Trong truyện ngắn của Phùng Văn Khai, ta thấy những nhân vật gặp
phải bi kịch đều là những người có phẩm chất, lý tưởng, có ý chí, là những
con người sống xứng đáng với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của
đất nước, nhưng họ không đạt được hạnh phúc, ước mơ như đã mong muốn.
Họ đều bị nhấn chìm bởi cuộc sống xô bồ của xã hội. Dù ở trong hoàn cảnh
nào họ vẫn toát lên những vẻ đẹp của con người Việt Nam. Có thể thấy,
những nhân vật này đã thể hiện được sự sáng tạo của nhà văn. Anh luôn nhìn
cuộc đời, số phận bằng con mắt nhân văn nhất, đau nỗi đau của nhân vật.
Chính điều này đã tạo nên sức sống nội tại trong những trang viết của anh.
2.2.2. Nhân vật tư tưởng
Nhân vật tư tưởng là những nhân vật mang một tư tưởng, một ý thức
tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội. Đây không phải là nhân vật quá
mới mẻ mà nó đã trở nên gần gũi với bạn đọc. Chúng ta ít nhiều đã được biết
đến qua sáng tác của nhà văn Nam Cao. Tiêu biểu là nhân vật Độ trong
truyện ngắn Đôi mắt: Nhân vật đã thể hiện nhận thức của người trí thức yêu


nước về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của dân tộc. Thông thường những nhân
vật này xuất hiện để nhà văn gửi gắm tư tưởng của mình.
Dường như với vốn am hiểu sâu sắc của gần hai mươi năm quân ngũ
đã khiến tác giả nhập vai xuất sắc khi viết về người lính. Bước ra từ cuộc
chiến đấu kiên cường, khốc liệt mà đầy đau thương, mất mát ấy, những
người lính lại trở về với cuộc đời thường của mình nhưng họ đâu được

hưởng những niềm hạnh phúc mà họ xứng đáng nhận được. Một trong số đó
là nhân vật ông Bìa trong “Bên bến đò Lăng”. Ông đã đi chiến đấu trên danh
nghĩa là anh Bống. Không sợ hiểm nguy, gian khổ, chiến đấu hết chiến
trường miền Bắc đến chiến trường miền Nam, vào sinh ra tử, dâng hiến tuổi
thanh xuân cho đất nước. Hoà bình lập lại ông vẫn miệt mài với những dự án
nghiên cứu về chất độc điôxin. Vậy mà khi cùng Khang về quê ngoại của
Khang, ông Tam chủ tịch xã đã cậy quyền hành mà dò xét, tra hỏi, hống
hách với Bìa. Họ đâu nghĩ rằng để họ có được cuộc sống, chức vụ như ngày
hôm nay thì những con người như Bìa, như người yêu của cô Lụa đã phải
đánh đổi cả mạng sống, cả tuổi thanh xuân cũng như thiên chức quý giá và
thiêng liêng nhất của cuộc đời. Thế mà họ lại cậy thế lực, cửa quyền để đe
dọa, tranh giành hạnh phúc nhỏ nhoi lúc xế chiều của người lính. Không
dừng lại ở đó, ông Tam còn đánh đập cô Lụa và kiện ông Bìa khi đứa con dị
tật được sinh ra. Ta còn bắt gặp nhân vật người lính cũng chịu số phận đau
thương như ông Bìa trong một truyện khác của tác giả, đó là truyện “Người
đàn ông có bàn tay cụt ngón”. Nhân vật chính ở đây là người đàn ông có
bàn tay cụt ngón. Nhân vật bị đẩy đi chiến đấu trong mưu mô của người cha
dượng. Cha dượng muốn anh thay người con đẻ của hắn lao vào nơi hòn tên
mũi đạn, sống chết lúc nào không hay biết. Mặc dù là ép buộc nhưng anh
vẫn một lòng chiến đấu vì tổ quốc thân yêu. Ngày hòa bình trở lại, anh may
mắn hơn một số người khác vẫn được trở về với cuộc sống thường nhật.


Nhưng người cha dượng không những không giúp đỡ mà còn gây khó khăn
đủ đường. Anh sống trong ngôi nhà ẩm thấp, dột nát, vật lộn với cuộc sống
bằng bao nhiêu nghề để kiếm miếng ăn, nuôi vợ con. Anh làm đủ nghề,
nhưng dường như cuộc đời anh gắn liền với những sự đen đủi, làm nghề gì
anh cũng thất bại. Trong chiến trường gian nguy không làm gì được bản thân
anh vậy mà về với cuộc sống đời thường anh lại bị thương tật, bị mất ba
ngón tay khi chạy máy nhựa. Tai nạn dường như cuốn lấy anh, không để anh

thoát, mà anh cũng chẳng có lối nào để thoát bởi quanh anh là những con
người có quyền thế, có khả năng định đoạt cuộc sống của người khác. Anh
cũng là một trong những nạn nhân như thế. Cha dượng anh không hề giúp
đỡ thậm chí còn dìm dập anh. Họ cho anh là “Mấy thứ bậy bạ đẩy đi càng
nhẹ người”. Mặc dù là con người được sinh ra trên mảnh đất ấy mà họ vẫn
làm khó không cho anh nhập hộ khẩu trên chính quê hương của mình. Họ
bắt anh chờ đợi trong sự mòn mỏi, vô định… Tác giả đã vẽ nên trong mắt
bạn đọc một bức tranh hiện thực đầy những bất công, đau thương để rồi khi
gấp lại trang truyện mà trong lòng mỗi người không khỏi bùi ngùi, xót xa.
Thông qua số phận của những con người ấy, tác giả muốn thể hiện sự đồng
cảm và yêu thương sâu sắc đến những con người đã từng đi ra từ cuộc chiến
đầy vinh quang. Tác giả muốn gửi đến bạn đọc thông điệp về sự yêu thương,
sẻ chia, hướng con người đến đạo lí cần có - điều đang mất dần đi trong xã
hội hiện đại, đồng thời cũng là tiếng chuông lên án những con người sống
ích kỉ, cậy quyền chức mà làm những điều trái với đạo đức.
Bên cạnh những số phận đau thương ấy, tác giả cũng viết về những
người lính là những tấm gương sáng trong thời kì đổi mới. Đó là hình ảnh
của Tuấn trong “Màu của thời gian”. Tuấn là một người lính có tính tình
ngay thẳng, anh yêu và lấy Hồng - cô bí thư chi đoàn giỏi giang, xinh đẹp
trong sự cấm đoán nghiêm ngặt của cha Hồng. Nhưng bằng sự chăm chỉ, ý


chí nghị lực vượt khó và quan trọng hơn cả chính là tình yêu thương, giúp
đỡ của đồng đội, đặc biệt là Hải đã giúp anh vượt qua bao gian khó để gây
dựng nên cơ ngơi khang trang giữa mảnh đất Lục Ngạn đầy nắng và gió.
Dường như đất cũng không phụ công người, từ mảnh đất “… còn trơ trụi
lắm. Nắng gió Lục Ngạn thiêu cháy mọi thứ trừ con người. Đất đỏ toang
hoác, đá tảng lổm nhổm cằn cỗi, chỉ mấy loại sim mua chằng chịt dưới
những dãy bạch đàn gân guốc trụ bám vào những cụm hà thủ ô tản mát cắm
sâu vào lòng đất sỏi ruồi” anh đã biến nó thành rừng vải “… sai kì lạ, lúc lỉu,

cây nọ chịn vào cây kia, chùm này dựa vào chùm khác. Một vùng đồi gần
như trọc lốc tám năm về trước bây giờ màu xanh trải rộng tin cậy vạm vỡ và
kiêu hãnh”. Ngày anh khó khăn mọi người luôn bên cạnh giúp đỡ anh, nay
anh đã có cuộc sống dư giả hơn anh vẫn không quên ơn những con người ấy,
những người lính đã sát cánh bên anh. Khi đơn vị cần mảnh đất ở vườn vải
của Tuấn để bắn diễn tập, những tưởng sẽ khó khăn nhưng nào ngờ vợ
chồng Tuấn không hề ngại ngần giúp đỡ đơn vị, sẵn sàng tặng đơn vị mảnh
đất mà anh có thể thu hàng chục triệu tiền vải “Em tặng đơn vị anh Chiến ạ.
Em được thế này cũng là nhờ có đồng đội, có các anh, có vùng đất này…”.
Qua hình ảnh của họ, Phùng Văn Khai muốn gửi gắm đến bạn đọc
thông điệp về vẻ đẹp của những người lính cụ Hồ. Dù có khó khăn, gian khổ
đến đâu họ vẫn giữ trong mình những nét đẹp của người lính, đó là tình đồng
đội thiêng liêng mà sâu sắc, là nét đẹp bất biến của dân tộc. Đúng như Hải
trong “Màu của thời gian” đã nói: “Có thời gian có con người thì sẽ làm
được những điều lớn lao”.
Có lẽ trong mỗi thiên truyện của mình Phùng Văn Khai đã đặt vào đó
sự chân thành và cảm thông sâu sắc, khiến cho tác phẩm của anh có sức ám
ảnh đối với mỗi người đọc sau khi khép lại trang truyện. Anh đã thể hiện sự
trải nghiệm của bản thân trên nhiều khía cạnh của cuộc sống. Điều đó mang


đến cho bạn đọc cảm nhận đầy mới mẻ về con người. Qua đây ta cũng thấy
được phần nào những suy nghĩ, đánh giá và quan niệm của anh về cuộc sống
thông qua những tư tưởng mà anh đã gửi gắm trong tác phẩm.
2.2.3. Nhân vật tha hóa
Theo Từ điển Tiếng Việt “tha hóa” được theo hai nét nghĩa sau: “thứ
nhất: (con người) biến chất thành xấu đi; thứ hai: Biến thành cái khác đối
nghịch lại”. Nhân vật tha hóa không còn là nhân vật xa lạ với bạn đọc. Bởi
văn học Việt Nam trong giai đoạn 1930- 1945 đã xuất hiện một loạt nhân vật
như thế, chính xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ đã nhào nặn ra một

loạt những con người không chỉ tha hóa về nhân hình mà còn tha hóa cả nhân
tính. Cái xã hội đen tối và ngột ngạt ấy đã đẩy những nông dân vào chân
tường biến họ thành những kẻ lưu manh hóa. Nổi bật nhất là hình ảnh của Chí
Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Còn ở thành thị là cuộc sống nửa
Tây nửa Ta đầy lố lăng, bịp bợm đã tạo nên những con người kiểu như Xuân
tóc đỏ trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Đến giai đoạn 1945 - 1975, bao
trùm văn học là cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi nên nhân vật tha
hoá không còn được quan tâm nhiều như giai đoạn trước. Văn học sau này,
cùng với công cuộc xây dựng đất nước thì những thói hư tật xấu, cả cách sống
cá nhân của một số người đã bị vạch trần thẳng thắn. Lối sống bon chen, ích
kỉ, sự suy thoái đạo đức đã diễn ra ở một bộ phận không nhỏ trong xã hội
khiến cho mối quan hệ tình cảm giữa con người với con người ngày càng rạn
nứt.
Có thể thấy, bên cạnh đề tài về người lính thì đề tài về cuộc sống hiện
thực cũng được nhà văn rất chú ý. Trong cuộc sống thường nhật có những
con người là tấm gương sáng để mọi người noi theo như ông “Tứ bất tử” hay
nữ giám đốc trong truyện ngắn “Thập bát điền trang”, họ là những người có
trách nhiệm, làm việc tận tụy phục vụ lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Nỗi


lòng của nữ giám đốc phải chăng cũng là nỗi lòng tác giả: “Mê lú vào những
tiền tài, xác thịt làm gì”. Họ là những người con người sống vì nhân dân.
Bên cạnh họ vẫn còn những con người, đặc biệt là người lãnh đạo đã không
vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền, đã hủy hoại cuộc đời của biết bao
con người. Viết về đề tài này tác giả không chỉ dừng lại ở một tác phẩm mà
ta đã thấy xuất hiện trong hàng loạt tác phẩm: Người đàn ông có bàn tay cụt
ngón, Nước mắt trúc, Cống Ngầm, Đầm vạc, Bên bến đò Lăng… Nhân vật
trong đó là những người lãnh đạo nhưng họ không hề lo cho cuộc sống của
nhân dân mà chỉ làm những việc có ích cho bản thân mình, coi nhân dân như
cỏ rác. Tiêu biểu trong số đó là nhân vật: Cán bộ hạt trưởng hạt kiểm lâm chồng của ASao trong “Nước mắt trúc”. Một lần vào rừng không may bị lạc

anh cán bộ trẻ đã được cô sơn nữ ASao cứu sống rồi đưa về nhà chữa lành
vết thương. ASao là một đóa hoa rừng tuyệt đẹp “ASao như tiên nữ thật,
thoắt ẩn, thoắt hiện và đắm đuối anh”, đặc biệt ASao thổi sáo rất hay. Tiếng
sáo có sức mạnh thần kỳ khiến “Suối bỗng không chảy. Lũ bướm xanh vàng
ở đâu chợt xúm vào mấy cây hoa rừng”. Cây sáo của ASao không phải là
cây trúc bình thường, là loại hắc trúc quý hiếm, nó còn là bản mệnh của
ASao. Sau đó chàng trai về đơn vị, cô gái cũng đi theo và làm giáo viên của
bản. Từ khi trở về chàng trai thay đổi hẳn, năng động và xốc vác hơn khiến
cho công danh của anh lên như diều gặp gió. Từ hạt trưởng hạt kiểm lâm anh
lên làm phó chủ tịch huyện, tạm quyền chủ tịch, chủ tịch rồi lên tỉnh “Là
người đàn ông đường bệ, quan dạng, phách lược nhất nhì tỉnh”. Nhưng sự
thăng tiến ấy kéo theo sự thay đổi về đạo đức, anh đã không còn nhớ lời thề
với ASao, không nhớ hình ảnh của hai mầm măng tuyệt đẹp, giương mắt
ngơ ngác mà ASao bảo “Chúng đang nghe anh nói đấy. Nhớ đi đâu cũng giữ
cho sạch đạo đức của mình”. Trước mắt anh bây giờ là những cuộc ăn chơi
đàn đúm do bọn đàn em tổ chức, rồi những hợp đồng bạc tỷ anh ký kết cho


khai thác rừng mà lại là khai thác rừng tràn vào tận phía trong, nơi tĩnh
dưỡng của người cha, nơi khởi thủy của mối tình tuyệt đẹp “ASao thấy rõ sự
trượt dốc của chồng mình, chị đã mấy lần khóc với anh nhưng anh quát: Tôi
không ký không được, đàn bà biết cái gì?”. Sự vô tâm của anh như lưỡi dao
đâm thêm vào nỗi lòng của chị. Và cao trào của sự suy thoái về đạo đức là
khi chị đi dự tiệc với anh và bắt gặp hình ảnh của “một nửa các bàn tay gấu
co quắp bên mấy đọt măng trúc đen. Hắc trúc” khiến chị phải hét lên. Chị đã
từng nói đây là bản thể của chị, vậy có khác gì đã chà đạp lên hình ảnh của
Asao - người thân yêu, quan trọng trong cuộc đời ông. Chồng của ASao đã
trượt một vết dài từ anh chàng kiểm lâm trẻ tốt bụng biến thành vị lãnh đạo
vô tâm, ích kỷ, quên đi những người như ASao, bố ASao, những người đã
cứu sống mình để ký những dự án tiêu diệt sự sống của trúc cũng như cuộc

sống của họ.
Nhưng rồi cuộc đời ông ta kết thúc trong sự cô độc, vợ bỏ nghề, đi
nước ngoài theo con vì không muốn chứng kiến thêm tội ác của chồng mình,
đứa con trai đã cự tuyệt những đồng tiền của bố. Khi còn lại một mình, ông
ta bị ám ảnh bởi tiếng sáo, tiếng sáo vang lên thánh thót mà một thời ông đã
say mê nay âm vang của nó khiến ông bị dằn vặt vì những tội lỗi đã gây ra.
Cái chết của ông hết sức kì lạ: “Mấy ngày trước ông còn đương bệ, phương
phi thế mà nay xẹp lép làm vậy, càng kinh khiếp hơn khi tóc ông bạc trắng
hết. Người đàn ông chết mà mắt vẫn mở. Hai tay ấp trên ngực một vật đen
lóng lánh”. Ông chỉ nhắm mắt khi vô tình những giọt nước mắt chảy từ cây
trúc rơi vào mắt ông. Dường như nước mắt trúc - giọt nước mắt của người
quân tử ấy đã gột rửa phần nào đó trong tâm hồn của ông ở cõi vĩnh hằng.
“Nước mắt trúc” như một lời cảnh tỉnh của tác giả đối với những con người
đang ngày càng bị lún sâu vào vũng bùn nhơ của danh vọng, tiền bạc mà
quên đi những thứ tốt đẹp bên cạnh mình.


×