Tải bản đầy đủ (.pdf) (146 trang)

nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết trò chuyện trong quán la catedral của mario vargas llosa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.3 MB, 146 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Thu Giang

NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT
TRÒ CHUYỆN TRONG QUÁN LA CATEDRAL
CỦA MARIO VARGAS LLOSA

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Thu Giang

NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT
TRÒ CHUYỆN TRONG QUÁN LA CATEDRAL
CỦA MARIO VARGAS LLOSA
Chuyên ngành :

Văn học nước ngoài

Mã số

60 22 02 45

:



LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. ĐÀO NGỌC CHƯƠNG

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ văn học với đề tài “Nghệ thuật kể chuyện
trong tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa”
là công trình nghiên cứu khoa học của riêng cá nhân tôi, được thực hiện dưới sự
hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Đào Ngọc Chương. Nội dung luận văn chủ
yếu trình bày những kết quả rút ra được từ quá trình nghiên cứu khoa học của
bản thân và không trùng lặp với các đề tài khác. Bên cạnh đó, luận văn có tham
khảo và sử dụng các tài liệu, thông tin được đăng tải trên các ấn phẩm sách, báo,
tạp chí khoa học, và website theo danh mục tài liệu tham khảo.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 9 năm 2014.
Tác giả
Nguyễn Thị Thu Giang


LỜI CÁM ƠN

Trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn tốt nghiệp, tôi đã
nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ và động viên rất quí báu của thầy cô, gia đình và
bạn bè.
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc đến PGS.TS. Đào
Ngọc Chương, người hướng dẫn khoa học đã tận tâm hướng dẫn tôi trong suốt quá

trình làm luận văn.
Tôi cũng xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến quý thầy cô Khoa Văn trường Đại
học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã truyền dạy kiến thức cho tôi trong suốt
năm học vừa qua.
Xin cám ơn các thầy cô Ban giám hiệu, phòng Sau đại học Trường Đại học
Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt thời
gian học tập tại trường.
Dù bản thân tôi đã có rất nhiều cố gắng trong quá trình thực hiện luận văn,
song thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy tôi rất mong nhận được sự góp
ý của quý thầy cô, anh chị em đồng nghiệp và các bạn.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 9 năm 2014
Nguyễn Thị Thu Giang


MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các bảng
Danh mục các hình
MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 1
Chương 1. NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN ............................... 20
1.1. Cốt truyện phân rã – lồng khung............................................................... 20
1.2. Cốt truyện song hành – tịnh tiến ............................................................... 28
1.3. Sự giao nhau giữa các tuyến truyện .......................................................... 42
1.4. Lối đón trước............................................................................................. 48
Chương 2. PHƯƠNG THỨC KỂ CHUYỆN .................................................. 53
2.1. Người kể chuyện ....................................................................................... 53

2.1.1. Người kể chuyện ngôi thứ nhất........................................................... 53
2.1.2. Người kể chuyện ngôi thứ ba.............................................................. 57
2.1.3. Sự đan xen linh hoạt giữa các ngôi kể ................................................ 66
2.2. Điểm nhìn .................................................................................................. 70
2.2.1. Điểm nhìn bên trong – điểm nhìn chủ đạo ......................................... 71
2.2.2. Điểm nhìn bên ngoài ........................................................................... 80
2.2.3. Sự di động điểm nhìn .......................................................................... 83
2.3. Lời kể ........................................................................................................ 89
2.3.1. Lời kể đan xen giữa hồi tưởng và liên tưởng...................................... 89
2.3.2. Lời kể đan xen giữa ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại ........ 92


Chương 3. THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT ................... 103
3.1. Thời gian nghệ thuật ............................................................................... 103
3.1.1. Thời gian đồng hiện đa tầng ............................................................. 104
3.1.2. Thời gian kéo căng – dồn nén ........................................................... 109
3.2. Không gian nghệ thuật ............................................................................ 114
3.2.1. Không gian bên ngoài và không gian bên trong ............................... 115
3.2.2. Không gian đồng hiện đa tầng .......................................................... 126
KẾT LUẬN ...................................................................................................... 130
TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................. 135


DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1. Bảng thống kê số lần xuất hiện của kiểu kết cấu
“Những vòng tròn đồng tâm” ........................................................... 44
Bảng 2.2. Tần số xuất hiện của hai từ “hắn nghĩ” trong tiểu thuyết
Trò chuyện trong quán La Catedral ................................................. 93



DANH MỤC CÁC HÌNH
Hình 2.1. Sơ đồ cốt truyện tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral ... 23
Hình 2.2. Kiểu kết cấu “Những vòng tròn đồng tâm” trong tiểu thuyết
Trò chuyện trong quán La Catedral ................................................. 46
Hình 2.3. Sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa nhân vật Ambrosio với các nhân
vật khác và giữa các nhân vật với nhau ............................................ 69


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX, tiểu thuyết Mỹ La tinh xuất hiện
như “quả bom” dội vang dư luận Âu Mỹ khiến người ta ngạc nhiên coi nó như
một hiện tượng thần kì. Văn xuôi Mỹ La tinh nửa thế kỉ trước còn nằm ngoài rìa
nền văn học lớn của nhân loại, nay đột ngột bước lên tiền đài của văn học thế
giới.
Ở Việt Nam, từ năm 1986 khi cuốn Trăm năm cô đơn của G.G Marquez do
Nguyễn Trung Đức dịch và Nxb Văn học ấn hành thì nền văn học khu vực Mĩ
La tinh mới thật sự đến với các độc giả yêu văn học nước ta. Nền văn học có
nhiều điều mới lạ này đã thực sự gây chú ý cho công chúng và thu hút giới
nghiên cứu phê bình văn học trong nước. Văn học Mĩ La tinh là một truyền
thống văn chương dù còn khá non trẻ nhưng vô cùng đặc sắc bên cạnh các
truyền thống văn chương danh tiếng khác như Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc,
Bắc Mỹ. Nền văn học này đã phản ánh được tâm thức của con người dân tộc
mình, vấn đề của thời đại và sáng tạo nên những thành tựu nghệ thuật mới.
Khi nói đến văn học Mỹ La tinh, người ta thường hay nhắc đến Chủ nghĩa
hiện thực huyền ảo – chủ nghĩa hiện thực mang màu sắc Mỹ La tinh – như một
thành tựu nổi bật với các tác phẩm của các nhà văn thuộc khuynh hướng này
như: Miguel Angel Asturias, Alejo Carpentier, Jorge Amado, J.L Borges. . . và

nhất là Gabriel Garcia Marquez. Chúng ta không phủ nhận chủ nghĩa hiện thực
huyền ảo là một khuynh hướng sáng tác nổi bật với nhiều thành tựu, thế nhưng
sức quyến rũ của văn học Mỹ La tinh không chỉ đến từ chủ nghĩa hiện thực
huyền ảo mà chúng ta còn phải kể đến những sáng tác của các tác giả không
thuộc khuynh hướng này, trong số đó Mario Vargas Llosa với giải Nobel văn
chương 2010 là một tên tuổi lớn. Cây bút người Peru này cùng với Gabriel
Garcia Marquez được đánh giá là hai con sư tử lớn của nền văn học Mỹ La tinh.


2

Trong sự nghiệp sáng tác dồi dào kéo dài nửa thế kỷ của ông, các tác phẩm
thường được nhắc đến là Conversación en la Catedral (Trò chuyện trong quán
La Catedral– 1969), La guerra del fin del mundo (Chiến tranh ở ngày tận thế –
1981) và La fiesta del chivo (Lễ hội của loài dê – 2000). . .Trong số đó, quyển
tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral chiếm một vị trí đặc biệt vì nó đã
góp phần đưa Vargas Llosa đến với Giải Nobel văn học bởi “những lí giải về
cấu trúc quyền lực và hình ảnh sắc bén về sự kháng cự, nổi dậy và thất bại của
con người cá nhân” [48]. Ông đã từng nói về đứa con tinh thần của mình như
sau: “Trong tất cả các cuốn tiểu thuyết tôi đã viết trong những năm ấy, nó là
một cuốn ít thành công nhất khi mới ra mắt. Nhưng dần dần nó tìm được đường
đi của nó, nó chưa bao giờ ngưng sống, nó đã được tái bản đi tái bản lại. Tôi tin
rằng cuối cùng nó sẽ là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của tôi”
[47].
Trò chuyện trong quán La Catedral là một cuốn tiểu thuyết làm cho người
đọc sững sờ vì tầm vóc và say mê vì từng khung cảnh, chi tiết. Nó đồ sộ và nguy
nga như một giáo đường (La Catedral). Nếu trong Ulysses1, James Joyce tìm
cách đưa ra bức tranh chính trị – xã hội của cả nước Ireland trong một ngày độc
nhất, thì Mario Vargas Llosa tìm cách xây dựng bức tranh chính trị – xã hội của
toàn bộ một châu lục gói gọn trong cuộc trò chuyện trong vòng một buổi chiều.

Với những mảng hiện thực ngổn ngang nhiều tầng lớp, Llosa đã sáng tạo ra một
lối kể chuyện vô cùng độc đáo và tài tình. Những sự đổi mới về cốt truyện,
phương thức kể chuyện cũng như cách xử lí không gian và thời gian đã có
những đóng góp quan trọng trong việc hình thành diện mạo và phong cách trần

1

Ulysses là tiểu thuyết của James Joyce xuất bản lần đầu năm 1922. Tác phẩm được tạp chí Time đánh

giá là một trong số những kiệt tác văn chương lớn nhất thế giới thế kỷ 20. Với ẩn dụ về sử thi
Odysseus, thủ pháp dòng ý thức và nội dung được nén chặt bằng những sự kiện miên man trôi theo
suy tưởng của các các nhân vật diễn ra chỉ trong một ngày: 16 – 6 –1904.


3
thuật của Mario Vargas Llosa. Sự hấp dẫn và sức hút của quyển tiểu thuyết này
có được là bởi nghệ thuật kể chuyện độc đáo của tác giả. Và có lẽ vì điều đó mà
cho đến thời điểm hiện tại, Mario Vargas Llosa cùng với tiểu thuyết Trò chuyện
trong quán La Catedral vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà phê bình
nghiên cứu trong và ngoài nước khi tiến hành khảo sát phong cách nghệ thuật
của nhà văn nói riêng và tìm hiểu về văn học Mỹ La tinh nói chung.
Tự sự học (Narratology) là một lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của lí luận văn
học, lấy nghệ thuật tự sự làm đối tượng, phần nào đó tương ứng với “thi học”
nghĩa hẹp, là lĩnh vực lấy nghệ thuật thi ca làm đối tượng nghiên cứu. Bộ môn
khoa học này vốn là một nhánh của thi pháp học hiện đại, hiểu theo nghĩa rộng
nghiên cứu cấu trúc của văn bản tự sự và các vấn đề liên quan hoặc nói cách
khác là nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật của văn bản tự sự nhằm tìm một cách
đọc.
Tự sự học từ lâu đã trở thành một bộ môn nghiên cứu liên ngành, có tính
quốc tế và có vị trí ngày càng quan trọng trong lĩnh vực văn học và khoa học

nhân văn. Lí thuyết tự sự ngày càng được quan tâm phổ biến và trở thành một
sản phẩm thực dụng, cụ thể của làn sóng lớn trong lí thuyết văn hóa về văn học.
Lí thuyết tự sự có thể coi như một bộ phận không thể thiếu của hành trang
nghiên cứu văn học hôm nay, và nói theo ngôn ngữ của Thomas Kuhn, thì đó là
một bộ phận cấu thành của hệ hình lí luận hiện đại.
Vì những lí do trên, người viết chọn đề tài “Nghệ thuật kể chuyện trong
tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa” với
mong muốn sẽ học tập, vận dụng kiến thức tự sự học để tìm hiểu và khám phá
những yếu tố “ma lực” cuốn hút trong từng trang văn của tiểu thuyết này đồng
thời giới thiệu một nhà văn lớn, một phong cách văn học độc đáo đến với độc
giả Việt Nam.


4
2. Lịch sử vấn đề
2.1 Về nhà văn Mario Vargas Llosa
Đáng chú ý trong số những tài liệu nghiên cứu về Mario Vargas Llosa
chính là bài viết Mario Vargas Llosa, tông đồ của cá nhân và chủ nghĩa tự do
của tác giả Đỗ Tuyết Khanh [40]. Bài viết cung cấp cho người đọc những thông
tin khá đầy đủ và chi tiết về cuộc đời tác giả cũng như quá trình thay đổi quan
điểm chính trị từ phái tả sang phái hữu. Bên cạnh đó, Đỗ Tuyết Khanh cũng
nhấn mạnh Mario Vargas Llosa là một trí thức dấn thân, sự nghiệp sáng tác của
ông vô cùng đa dạng và phong phú. Kèm theo bài viết là danh mục các tác phẩm
của Llosa xếp theo thứ tự thời gian. Nếu độc giả muốn tìm kiếm một tài liệu
nghiên cứu ngắn gọn nhưng đầy đủ về giải Nobel văn chương 2010 thì có thể
nói bài viết của Đỗ Tuyết Khanh đáp ứng khá đầy đủ những yêu cầu đó.
Mario Vargas Llosa tên thật là Jorge Mario Pedro Vargas Llosa. Ông sinh
ngày 28 tháng 3 năm 1936 tại Arequipa, một thành phố phía Nam Peru. Cha ông
là Ernesto Vargas Maldonado và mẹ là bà Dora Llosa Ureta. Cha mẹ ông li dị
nhau ngay từ trước khi Mario được sinh ra, vì vậy cậu bé sống với mẹ và ông bà

ngoại ở Cochabamba (Bolivia). Gia đình dời về Peru khi ông cụ về làm công
chức ở đây. Năm 1947, cha mẹ Mario quyết định tái hợp và định cư ở Lima, thủ
đô của Peru. Mario theo học trường Thiên chúa giáo tại Lima và sau đó được
cha gửi vào Học viện quân sự Leoncio Prado. Sau này, nhà văn đã tái hiện lại
ngôi trường trong quyển tiểu thuyết Thành phố và lũ chó (1963).
Tuy nhiên, vì chán ghét cuộc sống ở Học viện quân sự, Llosa đã tự ý bỏ
học một năm trước khi khóa học kết thúc và vào làm cho tờ báo La Industria của
tỉnh Piure. Năm 1953, Vargas Llosa thi vào khoa ngôn ngữ Đại học San Marcos
ở Lima. Chẳng bao lâu sau, ông nhận được học bổng của Đại học San Marcos và
chuyển sang Tây Ban Nha học năm 1958, nơi ông làm luận án tiến sĩ về Ruben
Dario (nhà thơ Nicaragua, khởi xướng dòng văn học hiện đại Mỹ La tinh. Năm
1960, được hứa một khoản trợ cấp cho việc nghiên cứu văn học, Llosa chuyển


5

sang Paris sinh sống, dạy học và cộng tác với thông tấn xã Agence France
Presse và Đài truyền hình Pháp. Khi đó, ông thành hôn với người họ hàng bên
ngoại là bà Julia Urquidi lớn hơn ông 19 tuổi. Năm 1964, ông chia tay người vợ
đầu, lấy một người chị họ khác là Patricia Llosa. Từ năm 1969 – 1970, ông sống
và giảng dạy ở Anh rồi Tây Ban Nha, trước khi chính thức bắt tay vào hoạt động
văn học chuyên nghiệp.
Cuộc đời viết văn của ông bắt đầu với tác phẩm Los Jefes (The Cubs and
Other Stories, 1959) phát hành ở Barcelona năm 1959 nhưng tên tuổi ông chỉ
nổi lên trên văn đàn thế giới với quyển La Ciudad y los Perros (Thành phố và lũ
chó - 1963), kể lại những gì ông đã trải qua tại trường quân sự Leoncio Prado và
gây nhiều tranh cãi ở Peru. Các sĩ quan của trường đã tổ chức đốt trước công
chúng 1000 bản cuốn tiểu thuyết này. Ngay từ khi mới 31 tuổi (1967), ông đã
đạt giải thưởng quốc tế “Rómulo Gallegos” được trao tặng năm năm một lần
cho tác phẩm hay nhất viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Sau đó, ông cho ra mắt liên

tiếp ba, bốn năm một cuốn sách và cuốn nào cũng là một “sự kiện”.
Sau khi sống ở Paris, Lima, Luân Đôn và Barcelona, ông quay trở lại
Lima năm 1974 và được bầu vào Viện hàn lâm Peru năm 1975. Ông đã giảng
dạy tại nhiều đại học ở Mỹ, châu Mỹ La tinh và châu Âu. Năm 1990, ông ra
tranh cử tổng thống ở Peru dưới lá cờ của liên minh FREDEMO nhưng thất bại.
Năm 1994, ông là người châu Mỹ La tinh đầu tiên được bầu vào Viện hàn lâm
Tây Ban Nha, và chia thời gian sống giữa Barcelona, Madrid, Lima, Paris và
Luân Đôn. Ông cũng từng là giáo sư thỉnh giảng cho các khoá học mùa thu tại
Đại học Princeton ở Mỹ.
Đối với Mario Vargas Llosa, giải Nobel là phần thưởng tột đỉnh và duy
nhất còn thiếu cho đến nay trong danh sách các thành tích. Ông đã đoạt nhiều
giải quan trọng của văn học tiếng Tây Ban Nha như Premio Internacional de
Literatura Rómulo Gallegos (1967), Premio Príncipe de Asturias (1986),
Premio Cervantes (1994) và Premio Ortega y Gasset de Periodismo (1999), và


6
các giải quốc tế như PEN/Nabokov (2002) và Grinzane Cavour (2004), và như
ông tự nói: giải thưởng lớn nhất trong đời chính là niềm đam mê và lòng quyết
tâm theo đuổi nghề văn. Ông cũng đã nhiều lần được phong bằng tiến sĩ danh
dự, trong đó đáng kể nhất ngoài các đại học của Tây Ban Nha và châu Mỹ La
tinh còn có các trường đại học danh tiếng khác trên thế giới như: Oxford (năm
2003), Harvard (1999) và Sorbonne nouvelle Paris 3 (2003).
Sự nghiệp văn chương của Vargas Llosa là một dòng chảy liên tục, đa
dạng và phong phú. Danh mục các tác phẩm của ông cho tới nay hơn 60 quyển
và bao gồm đủ mọi thể loại: tiểu thuyết, kịch, tiểu luận, bài báo, biên khảo, phê
bình văn học. . . Sách của ông đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, kể cả tiếng Hoa,
Do Thái và Ả Rập. Những quyển tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông thường hay
được nhắc đến là: Conversación en La Catedral (Trò chuyện trong quán La
Catedral, 1969), Pantaléon y las Visitadoras (Pantaléon và các nữ du khách,

1973), La tía Julia y el Escribidor (Dì Hulia và nhà văn quèn, 1977), La guerra
del fin del mundo (Cuộc chiến tranh nơi tận cùng thế giới, 1981), Historia de
Mayta (Câu chuyện của Mayta, 1984), Quién mató a Palomino Molero ?(Ai đã
giết Palomino Molero, tiểu thuyết hình sự, 1986), El hablador (Người nói
chuyện, 1987), Elogio de la madrastra (Ca ngợi người mẹ kế, 1988), Lituma en
los Andes (Người Lituma ở dãy Andes, 1993), Los cuadernos de don Rigoberto (
Những quyển vở của ông Rigoberto,1997), La fiesta del chivo (Lễ hội của loài
dê, 2000), El paraíso en la otra esquina (Thiên đường nơi góc phố, 2003). Và ở
tuổi 70, lần đầu tiên ông viết cuốn tiểu thuyết tình yêu Travesuras de la ninã
mala (Trò nghịch của gái hư, 2000)…Ngoài ra ông còn một số lượng rất lớn
sách tiểu luận về văn học, triết học, chính trị và nhiều tác phẩm sân khấu.
Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông, những tác phẩm "đã vẽ lên hoạ
đồ của các cấu trúc quyền lực", theo lời của Viện hàn lâm Thụy Điển, là những
tiểu thuyết viết về những chế độ độc tài áp bức như Conversación en la Catedral
(Trò chuyện trong quán La Catedral, 1969), La fiesta del chivo (Lễ hội của loài


7
dê - 2000). Llosa luôn là một kẻ thù cay đắng của những kẻ độc tài và chế độ
độc tài. Trò chuyện trong quán La Catedral vẽ lên bức tranh trầm luân của xã
hội Peru trong tám năm trị vì của chế độ độc tài Odría. Lễ hội của loài dê kể lại
giai đoạn cuối đời của Rafael Leonidas Trujillo, nhà độc tài đã cai trị nước Cộng
Hoà Dominica trong hơn 30 năm trước khi bị ám sát năm 1961, số phận bi thảm
của một dân tộc sống trong khiếp sợ và những thủ đoạn dã man của một chế độ
gia đình trị dùng mọi cách để bảo vệ quyền lực của mình. Mario Vargas Llosa
cũng phân tích ở đây một ý tưởng ông hay nêu lên: những chế độ độc tài không
phải là thiên tai trên trời rơi xuống, mà xuất hiện và tồn tại với sự đồng lõa của
nhiều người, thậm chí sự tiếp tay của chính các nạn nhân, do sự mê hoặc của dân
chúng trước một vị "anh hùng" hay "cứu tinh dân tộc". Trong không khí nặng
nề, lắm khi ngột ngạt, những tác phẩm này vẫn có đây đó vài nét hài hước, có

duyên. Trong những năm về sau, Vargas Llosa khai thác tính trào phúng này
nhiều hơn trong những tác phẩm như Pantaléon y las Visitadoras (Pantaléon và
các nữ du khách, 1973)
Vargas Llosa cũng viết nhiều tác phẩm về cuộc đời và tác phẩm của
những nhà văn mà ông ngưỡng mộ như La Orgía perpetua: Flaubert y "Madame
Bovary" (1975), La Tentación de lo Imposible (2008) viết về Victor Hugo.
García Márquez: Historia de un Deicidio, viết năm 1971 trước khi Mario Vargas
Llosa đoạn tuyệt với Gabo được coi như một biên khảo nổi bật về nhà văn này.
Gần đây hơn, El Paráiso en la otra Esquina (2003) nói về cuộc đời của Flora
Tristan và Paul Gauguin, cháu ngoại của bà, và những khát vọng không toại
nguyện của hai con người sống cách nhau 100 năm nhưng cùng đi tìm một thiên
đàng.
Một chủ đề khác hiện diện trong tất cả các tác phẩm của Mario Vargas
Llosa là bản năng tính dục – cái yếu tố mãnh liệt của sự sống. Quan hệ tính dục
thường được ông miêu trong một số tiểu thuyết như: Travesuras de la Niña
mala hay Elogio de la Madrastra, Conversación en la Catedral, La fiesta del


8
Chivo, hoặc El Paráiso en la otra Esquina. .. Sự ám ảnh về tính dục đi liền với
một ý tưởng cốt lõi của Mario Vargas Llosa: sức sống của bản năng nơi cá nhân
quay cuồng giữa lịch sử và chống chọi với những hoàn cảnh tối tăm. Cái mà
Viện hàn lâm Thụy Điển gọi là sự kháng cự, nổi loạn và thất thế của cá nhân.
Trong tất cả các tiểu thuyết của Vargas Llosa đều có những nhân vật khao khát
tự do, tự do tư tưởng, chính trị hoặc sáng tác, hay chỉ tự do sống theo ý mình.
Trong Trò chuyện trong quán La Catedral, những cá nhân không thoát khỏi thân
phận trôi nổi khi xã hội chìm đắm trong suy đồi. Chủ nghĩa tự do của Mario
Vargas Llosa đầu tiên và trên hết là tự do của cá nhân, bất kể là trên phương
diện gì, chính trị, kinh tế, xã hội hay văn hoá.
Và cuối cùng, một điểm không thể không nhắc đến khi đề cập đến cuộc

đời của Vargas Llosa đó là: ông là một trí thức dấn thân. Như rất nhiều nhà văn
khác, Vargas Llosa quan niệm văn chương phải gắn liền với cuộc sống, nhà văn
không thể chỉ sống trong tháp ngà mà phải lăn lộn với cuộc đời và vì thế mà bản
thân ông đã có một cuộc sống dấn thân vô cùng sôi động. Như nhiều nhà văn
Mỹ La tinh, ông rất năng động trong sinh hoạt chính trị.
Khi mới năm tuổi, ông đã muốn thành nhà văn và thời thanh niên, ông đã
chọn chính trị – một chủ đề hiểm hóc làm vấn đề cơ bản cho đời văn của mình.
Từ khi còn rất trẻ, Vargas Llosa đã làm ký giả cho một tờ báo ở thủ đô Lima .
Ông bắt đầu là nhà báo trước khi viết văn và vẫn tiếp tục công việc viết báo song
song với sáng tác văn chương. Ông thường xuyên cộng tác với báo El País, mục
"Piedra de Toque" (Đá thử vàng) trong đó ông bàn luận về đủ mọi vấn đề, từ
văn chương đến chính trị, tình hình Trung Đông đến tệ hại của thuốc lá. Ông
cũng rất siêng gửi đăng bài ở các báo khác, không ngừng cho ý kiến về mọi
việc.
Vào năm 1953, khi đang học Đại học San Marcos, ông đã bắt đầu tham
dự các cuộc họp bí mật của các nhóm sinh viên chống Odría, quan sát đời sống
dân nghèo và tìm hiểu thế giới tội phạm. Qua đó ông gặp những người mà sau


9
này sẽ trở thành các nhân vật trong tác phẩm của mình. Đa số các tác phẩm của
Llosa là cách mà ông đặt vấn đề đối với đất nước và đồng bào của mình.
Từ năm 1987, ông bắt đầu tham gia vào con đường chính trị vì ông cho
rằng nhà văn phải có quan hệ chặt chẽ với đời sống xã hội:
"Trước hết tôi vẫn là nhà văn, chứ không phải là nhà hoạt động chính
trị chuyên nghiệp. Nhưng tôi vẫn cho rằng nhà văn phải có bổn phận tham
gia vào những vấn đề xã hội, đặc biệt là những nước còn tồn tại nhiều điều
bất ổn, mà những nước ấy lại chiếm số đông trên thế gian này. Tôi nghĩ
rằng ở một mức độ nào đó nhà văn cần phải tham gia vào đời sống chính
trị xã hội, cần phải phát biểu quan điểm của mình và bảo vệ nó đến cùng.

Khi đã dùng đến ngôn ngữ chính trị thì phải hết sức sắc sảo và đanh thép.
Song điều quan trọng nhất là phải giữ được sự độc đáo và tươi mới trong
tâm hồn của mình. Chính những điều ấy sẽ giúp đỡ nhà văn rất nhiều."
[49].
Và quan trọng nhất, cao điểm của sự dấn thân theo kiểu của Mario Vargas
Llosa, là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời ông: tham gia chính trường và ra
ứng cử tổng thống tại Peru năm 1990 (lúc này Llosa đã 64 tuổi) vì muốn có một
cuộc dấn thân thực tế vào chính trị. Trước đó, ông đã thành lập ra tổ chức
Movimiento Libertad (Phong trào Tự do) và chống đối thành công sắc lệnh quốc
hữu hoá các ngân hàng của Tổng thống García. Mario Vargas Llosa đã ra tranh
cử dưới lá cờ của một liên minh hỗn tạp, đặt tên là Frente Democrático
(FREDEMO), gồm Movimiento Libertad và các đảng trung hữu như Partido
Acción Popular và Partido Popular Cristiano. Vòng đầu ông về nhất với
27,61% số phiếu nhưng lại thua ở vòng nhì trước một ứng cử viên lúc ấy hầu
như vô danh, Alberto Fujimori. Sau thất bại, Vargas Llosa quay về Tây Ban Nha
và lấy quốc tịch Tây Ban Nha, được bầu vào Viện hàn lâm Tây Ban Nha.


10
Vargas Llosa tin vai trò lớn lao của nhà văn là phải tham gia vào các cuộc
tranh luận xã hội, không tách rời những vấn đề lớn của nhân dân, xã hội, đời
sống, và cả cuộc đời ông đã ráo riết làm theo nguyên tắc ấy. Trên tờ Tạp chí Văn
xuôi hư cấu thế giới (The International Fiction Review), với bài viết Trò chuyện
trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa, tác giả John M. Kirk đã ghi
nhận những cố gắng ấy của Llosa: "Về cơ bản nhà văn là một kẻ nổi loạn, là một
người không cảm thấy vui vẻ với thế giới mọi thứ xung quanh mình mà ông ta
nhìn thấy, và vì vậy ông viết văn để làm cho mọi người nhận ra những vấn đề
mà xã hội của họ đang phải đối mặt " [46].
2.2 Về tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral
2.2.1 Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

Là tác phẩm ghi dấu thành công lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của
Mario Vargas Llosa, Trò chuyện trong quán La Catedral đã nhận được sự quan
tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Trước tiên, chúng tôi xin giới thiệu
hai ấn phẩm đáng chú ý trong số các tài liệu tham khảo về Vargas Llosa và Trò
chuyện trong quán La Catedral:
- The Cambridge Companion to the Latin American Novel (Đồng hành
cùng tiểu thuyết Mỹ La tinh - đại học Cambridge), sửa chữa và hiệu đính bởi
Efraín Kristal, 2005.
- The Cambridge Companion to Mario Vargas Llosa (Đồng hành cùng
Mario Vargas Llosa - đại học Cambridge), sửa chữa và hiệu đính bởi Efraín
Kristal và John King, 2012.
Hai tài liệu tham khảo này đã mang đến cho người đọc những cái nhìn vừa
mang tính toàn diện vừa mang tính cụ thể, chi tiết về văn học Mỹ La tinh và sự
nghiệp sáng tác của Mario Vargas Llosa – một trong những tác giả tiêu biểu của
nền văn học này. Trong sách Đồng hành cùng tiểu thuyết Mỹ La tinh của đại
học Cambridge, đáng chú ý là chương 3: Phong trào Boom của tiểu thuyết Mỹ


11
La tinh của tác giả John King. John King đã cung cấp cho bạn đọc những kiến
thức về giai đoạn bùng nổ của tiểu thuyết Mỹ La tinh (Boom) vào thập niên 60 –
70 của thế kỉ XX mà Vargas Llosa là một trong những cái tên thường xuyên
được nhắc đến. Sau đó, ở chương 16, tác giả Michelle Clayton đã giới thiệu về
một quyển tiểu thuyết của Vargas Llosa là Chiến tranh nơi tận cùng thế giới.
Sau khi đã có một số kiến thức nhất định về văn học Mỹ La tinh và phong
trào Boom từ ấn phẩm trên thì quyển Đồng hành cùng Mario Vargas Llosa
(cũng của đại học Cambridge) sẽ giới thiệu cho độc giả một cách trọn vẹn và
đầy đủ về toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Vargas Llosa: từ những tiểu thuyết
thời kì đầu cho đến những tiểu thuyết lịch sử, chính trị, các luận văn, hồi kí,
những vở kịch….Bên cạnh đó quyển sách còn cung cấp một cái nhìn tổng quan

về các chủ đề văn học lớn của Vargas Llosa: thực tế và nổi loạn, nạn tham
nhũng, chế độ độc tài, tư tưởng không hòa giải…Nếu như Đồng hành cùng tiểu
thuyết Mỹ La tinh tuyệt nhiên không hề đề cập đến Trò chuyện trong quán La
Catedral thì trong quyển sách này, ở chương 3, Efraín Kristal đã giới thiệu với
độc giả một cách tỉ mỉ và chi tiết về cuốn “tổng tiểu thuyết” này. Trong đó, đáng
chú ý là những nhận định về phương diện nghệ thuật của tác phẩm:
“Trò chuyện trong quán La Catedral là thành tựu văn học lớn nhất
khám phá về đất nước Pêru của Vargas trong những năm 1960. Trong một
chừng mực thì Trò chuyện trong quán La Catedral đi tìm con đường của
chính nó với cấu trúc hình thức thích hợp và ngôn ngữ chính xác để vẽ nên
một bức tranh chỉ trích một quốc gia, mà trong đó mọi cá nhân bị đe dọa
và bị mua chuộc bằng đủ mọi cách” [36].
Các học giả đã chỉ ra sự độc đáo về phương diện nghệ thuật của tác phẩm:
“Với tiểu thuyết này, Mario Vargas Llosa đã dung hòa những kĩ thuật
thuật văn chương táo bạo của James Joyce và W. Faulkner (sự giao thoa
của những mảng thời gian và không gian, sử dụng độc thoại nội tâm, lời


12
nói gián tiếp tự do) và những biểu hiện của văn hóa đại chúng (phim ảnh,
âm nhạc, báo chí giật gân) để khám phá một xã hội xấu xa” [36].
Trong các yếu tố thuộc về phương diện nghệ thuật, cốt truyện của quyển
tiểu thuyết này là yếu tố được đặc biệt quan tâm:
“Bất kể thiết lập điều gì, các tiểu thuyết của Vargas Llosa luôn luôn
căn cứ vào cốt truyện, và ông điều khiển để làm cho câu chuyện của
mình hấp dẫn khi ông sử dụng một số kỹ thuật tường thuật phức tạp nhất
trong văn học đương đại…Cấu trúc câu chuyện phức tạp này đặc biệt
nổi bật khi Vargas Llosa đan xen vào nhau nhiều cuộc đàm thoại và
nhiều sự kiện trên cùng một trang nhưng có thể diễn ra đồng thời ở
những nơi khác nhau, hoặc diễn ra tại nhiều thời điểm khác nhau” [36].

Chính vì vậy mà Alonso Cueto đã kết luận về Vargas Llosa:“Ông vừa là
một nhà văn vĩ đại, vừa là một nhà kể chuyện tuyệt vời” [36].
Bên cạnh hai ấn phẩm trên, chúng ta còn có thể kể đến một số bài viết
đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài:
- Mario Vargas Llosa's Conversation in the Cathedral (Trò chuyện trong
quán La Catedral của Mario Vargas Llosa) của tác giả John M. Kirk, đăng trên
tờ Tạp chí Văn xuôi hư cấu thế giới (The International Fiction Review), Số 4,
1977.
- Mario Vargas Llosa’s Conversation in the Catedral: Power Politics in
the corrupt society (Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas
Llosa: Quyền lực chính trị trong xã hội tham nhũng) của tác giả Charles
Rossman, đăng trên tạp chí Văn chương đương đại số 28, quyển 4, Nxb Đại học
Wisconsin.
- Deflection of Personal Integrity in Mario Vargas Llosa’s Conversation
in the Cathedral and William Faulkner’s the Sound and the Fury (Sự lệch lạc
nhân cách trong “Trò chuyện trong quán La Catedral” của Mario Vargas Llosa


13
và “Âm thanh và cuồng nộ” của William Faulkner) của tác giả S. Trisha, đăng
trên Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, trường Cao Đẳng Sri Vasavi, Erode.
- Four reasons to read Mario Vargas Llosa (Bốn lí do để đọc Mario
Vargas Llosa) của nhóm tác giả Efraín Kristal, Ilan Stavans, Robert Boyers, và
Scott Sherman.
Đa số các bài viết trên chỉ chú trọng về phương diện nội dung tư tưởng
của tác phẩm (giá trị hiện thực, hình ảnh của một chế độ độc tài hay nạn tham
nhũng trong xã hội Pêru đương thời), còn về phương diện “kỹ thuật sáng tác”
của tác giả (hay “nghệ thuật trần thuật”, “ nghệ thuật kể chuyện”) thì đa số các
học giả và các nhà nghiên cứu chỉ để cập đến một cách hết sức sơ lược chứ chưa
đi sâu vào tìm hiểu và nghiên cứu một cách toàn diện và tổng thể.

2.2.2 Tình hình nghiên cứu trong nước
Mario Vargas Llosa và các sáng tác của ông đến với bạn đọc Việt Nam
được chia ra làm hai giai đoạn: năm 1986 và từ năm 2010 trở về sau. Tác phẩm
sớm nhất của Mario Vargas Llosa được dịch tại Việt Nam là Dì Hulia và nhà
văn quèn (Vũ Việt dịch, Nxb Tác phẩm mới, 1986). Sau đó, khi Mario Vargas
Llosa đạt giải Nobel năm 2010 thì hai quyển tiểu thuyết khác của ông đã được
được Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam phối hợp với Nxb Hội Nhà văn
phát hành đó là: Trò chuyện trong quán La Catedral (Phạm Văn dịch) vào năm
2010 và Thành phố và lũ chó (Lê Xuân Quỳnh dịch) vào năm 2012.
Trong số ba quyển tiểu thuyết của ông được dịch ở Việt Nam thì Trò
chuyện trong quán La Catedral là một tác phẩm được đánh giá là đỉnh cao. Thế
nhưng, do chỉ mới được phát hành ở Việt Nam vào năm 2010 nên những công
trình nghiên cứu về quyển tiểu thuyết này còn khá hạn chế về số lượng, chúng ta
có thể kể đến các bài viết, bài báo trên các tạp chí và trên các website. Trong số
đó nổi bật lên là bài viết “Mario Vargas Llosa, tông đồ của cá nhân và chủ
nghĩa tự do” của tác giả Đỗ Tuyết Khanh [40]. Điểm đáng chú ý trong bài viết
chính là phần El Boom Latino Americano – hay khi châu Mỹ La tinh nở rộ. Mặc


14
dù chỉ ngắn gọn vẻn vẹn chưa đầy ba trang giấy nhưng tác giả đã cung cấp cho
người đọc chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đi vào các tác phẩm của Mario
Vargas Llosa: đó là mối quan hệ giữa các sáng tác của ông với phong trào Boom
Latino Americano2.
Đỗ Tuyết Khanh nhấn mạnh:
“Những sáng tác giai đoạn đầu của Vargas Llosa có tất cả những đặc
tính văn phong của phong trào Boom: diễn tiến câu chuyện không theo thứ
tự thời gian mà nhảy từ lúc này sang lúc khác, không chỉ tường thuật theo
một góc nhìn mà dưới con mắt của nhiều nhân vật, qua nhiều tiếng nói phụ
họa nhau, với ngôn ngữ bình dân, nhiều chơi chữ và chế chữ, thường xuyên

kèm tiếng văng tục. Đây là ảnh hưởng của trường phái lập thể (cubism),
thực tế xé lẻ thành nhiều mảnh khác nhau, méo mó dị dạng, chồng chất lên
nhau, không còn có tuần tự trong thời gian và không gian” [40].
Sau đó, tác giả lấy quyển tiểu thuyết Trò chuyện trong quán Catedral làm
một thí dụ tiêu biểu của lối hành văn này:
“…với rất nhiều nhân vật, rất nhiều đối thoại, chuyện này xen kẽ
chuyện kia, phải tập trung lắm mới theo dõi được câu chuyện. Đó cũng là
một nguyên tắc của phong trào Boom: người đọc phải tích cực tham gia
chứ không được thụ động, tác phẩm là công trình chung của người viết và
người đọc” [40].
Tuy nhiên, mặc dù có những ưu điểm rất đáng kể như đã trình bày ở trên,
bài viết chỉ giới thiệu một vài nét sơ lược về phương diện đặc trưng nghệ thuật
của Trò chuyện trong quán La Catedral chứ chưa đi sâu vào phân tích làm rõ
những phương diện ấy. Những phương diện thuộc về nghệ thuật kể chuyện chưa
được gom chung và khái quát lên.
2

Boom Latino Americano (hay còn gọi là phong trào Boom) là một phong trào văn học của những
năm 1960, 1970 với những nhà văn tiêu biểu là Julio Cortázar, Carlos Fuentes, Gabriel García
Márquez, José Ortiz, José Donoso và Mario Vargas Llosa. Boom Latino Americano chịu ảnh hưởng
của trường phái tân thời Âu Mỹ và phong trào Tiên phong của châu Mỹ La tinh.


15
Ngoài bài viết của Đỗ Tuyết Khanh, chúng tôi cũng xin giới thiệu một số
bài viết khác trên một số website tại Việt Nam, chẳng hạn như các bài viết: Đối
thoại với Nobel văn học, “Trò chuyện trong quán La Catedral” của Mario
Vargas Llosa, Từ quán rượu rẻ tiền đến những phận người đã mất tất cả, Cuộc
trò chuyện bất tận của các thế hệ…Trong số đó, đáng chú ý là bài viết của Phạm
Văn – dịch giả tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral xuất bản vào năm

2010 tại Việt Nam với nhan đề: Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario
Vargas Llosa.
Với tư cách là một dịch giả, Phạm Văn đã thể hiện sự am hiểu của mình về
quyển tiểu thuyết này, trước hết là về phương diện nội dung:
“…Cuộc đối thoại giữa Santiago và Ambrosio một buổi chiều đã đi
ngược lại mười mấy năm trong quá khứ, nói về một nền độc tài, về những
âm mưu bỉ ổi của kẻ cầm quyền, về những hợm hĩnh và xảo quyệt của bọn
thượng lưu, về những yêu đương và hờn giận, hạnh phúc và đau khổ, trung
thành và phản bội của giới thanh niên và những người thuộc thành phần
cùng đinh trong xã hội…” [43].
Sau đó, ông đề cập đến phương diện nghệ thuật:
“Để kể một câu chuyện phức tạp và kéo dài nhiều năm, Vargas Llosa dùng
lối viết hỗn độn, đan chen nhiều mẩu đối thoại ở những nơi chốn và thời điểm
khác nhau, dưới cái nhìn của nhiều nhân vật với ngôn ngữ đường phố dung
tục…Người đọc phải tự bóc dần và xếp lại từng lớp không gian và thời gian theo
thứ tự. Tác giả đặt những lời cao ngạo của kẻ cai trị song song với những toan
tính đời thường của kẻ bị trị, xen lẫn với lý tưởng sôi nổi của tuổi thanh niên.
Cách kể chuyện của ông làm nhoà đi tính thiện và tính ác của từng nhân vật,
không có sự toàn thiện toàn mỹ, cũng như không có chân lý tuyệt đối...” [43].
Phạm Văn đã khái quát và đặt tên cho nghệ thuật của Trò chuyện trong
quán La Catedral là lối viết/ cách kể chuyện hỗn độn và lí giải sự hỗn độn này
qua các phương diện không gian, thời gian, điểm nhìn... Nhận định này đã lột tả


16
được sự độc đáo về phương diện nghệ thuật của tiểu thuyết này và mở ra một
hướng nghiên cứu cho những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật kể chuyện của tác
phẩm.
Cũng liên quan đến dịch giả Phạm Văn là bài viết Đối thoại với Nobel văn
học. Đây là bài phỏng vấn giữa nhà báo Nguyễn Hoàng Diệu Thủy và dịch giả

Phạm Văn. Cuộc trò chuyện giữa họ vô cùng thú vị khi cả hai liên tục đưa ra
những nhận định sắc sảo về tác phẩm Trò chuyện trong quán La Catedral:
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy: “Tiểu thuyết được xây dựng trên những
cuộc đối thoại bất tận, chồng chéo nhau, đan xen nhau khiến ranh giới thời
gian - không gian bị xóa nhòa. Bút pháp này thực sự đánh đố người đọc
nắm bắt mạch truyện với hiệu quả ghê gớm. Các điểm nhìn di chuyển đến
chóng mặt từ nhân vật này sang nhân vật khác. Một nhân vật, hay một sự
kiện, đưa ra trong cuộc đối thoại thứ nhất sẽ bị phán xét trong cuộc đối
thoại thứ hai, rồi lại tiếp tục được đối chiếu trong cuộc đối thoại thứ ba,
thứ tư…Và như vậy, sự kiện được soi chiếu từ nhiều góc, hiện lên ba chiều
trong không gian, rõ đến mức như có thể chạm vào.”
Phạm Văn: “Các đoạn đối thoại khác nhau đặt sát cạnh nhau, bố cục
gẫy vụn và đảo lộn thứ tự thời gian, Trò chuyện trong quán La Catedral
như một bản trường ca, trong đó có những tiểu truyện của nhiều nhân vật.
Có thể nói tác phẩm là hình ảnh hỗn loạn của một cuộc đổi đời hay sau
một trận thiên tai. Hàng trăm nhân vật tràn ngập, hàng chục cuộc đối thoại
chồng chất như bức tranh cắt dán, tạo cảm giác biến động và căng thẳng
không ngừng” [41].
Như vậy, qua bài phỏng vấn của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy dành cho Phạm
Văn, chúng ta tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến hay và lí thú về nghệ thuật của
tác phẩm, những ý kiến này đã giúp cho chúng tôi có một cái nhìn toàn vẹn bao
quát hơn về nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm. Thế nhưng, nhìn chung thì các
ý kiến này chỉ nêu lên vấn đề một cách khái quát tổng thể chứ chưa có sự nghiên


17
cứu chuyên sâu về nghệ thuật kể chuyện của tác phẩm – cái làm nên sự thành
công của Trò chuyện trong quán La Catedral.
Qua việc giới thiệu sơ lược một số bài báo, bài phỏng vấn trên đây, chúng
tôi rút ra một số điểm chung của các bài nghiên cứu và phê bình này, đó là:

1/ Nội dung các bài viết là những ý kiến bình luận ngắn gọn và lẻ tẻ về một
số phương diện về nội dung nghệ thuật của tác phẩm (dạng điểm sách)
2/ Một số bài viết và công trình nghiên cứu khoa học đã cung cấp cho
chúng tôi những ý kiến bình luận và nhận xét đánh giá, dù là lẻ tẻ và chỉ mang
tính khái quát, thế nhưng những ý kiến đó vô cùng quí báu vì chúng đã mở ra rất
nhiều con đường đi vào khám phá nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, và nhất
là về phương diện nghệ thuật kể chuyện.
Từ việc tìm hiểu và kế thừa những gì mà những người đi trước đã làm
được, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu Nghệ thuật kể chuyện của Mario Vargas
Llosa trong tiểu thuyết “Trò chuyện trong quán La Catedral” với mong muốn đi
tiếp con đường đã được vạch ra và chúng tôi cũng hi vọng với hướng nghiên cứu
tự sự học, luận văn sẽ là một công trình nghiên cứu vừa tổng hợp lại vừa chuyên
sâu về nghệ thuật kể chuyện của tác giả.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng: Tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario
Vargas Llosa, Phạm Văn dịch, Nxb Hội nhà văn xuất bản năm 2010.
Phạm vi: Trong luận văn này, chúng tôi chọn đi sâu vào khảo sát những
yếu tố cơ bản xoay quanh nghệ thuật kể chuyện như: cốt truyện, người kể
chuyện, điểm nhìn, lời kể, thời gian và không gian nghệ thuật.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai nội dung nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã sử dụng các
phương pháp sau:


×